Chương 6: Năm Khoa Mục (tt)_Mười Hạnh Nguyện Lớn Của Bồ Tát Phổ Hiền
NHẬN THỨC PHẬT GIÁO
Nguyên Tác: Lão Pháp Sư Tịnh Không
Nguyên Tác: Lão Pháp Sư Tịnh Không
V. Mười hạnh nguyện lớn của Bồ-tát Phổ Hiền.
Chỉ
khi nào ta ứng dụng được bốn khoa mục chủ yếu đầu tiên là Ba loại tịnh nghiệp,
Sáu nguyên tắc hòa kính, Ba môn học vô lậu, Lục độ ba-la-mật thì mới được gọi
là đệ tử Phật và là người đang thực hành hạnh Bồ-tát. Trên nền tảng Lục độ
ba-la-mật chúng ta mới có thể tiến lên một bậc nữa trong tiến trình tu tập Phật
pháp, đó Mười hạnh nguyện lớn của Bồ-tát Phổ Hiền. Những lời nguyện nầy Đức Phật
dạy chúng ta trong Kinh Hoa Nghiêm.
Đây là giai đoạn tu tập cuối cùng để đưa đến Phật quả. Khi chưa thực hành trọn
vẹn bốn khoa mục chủ yếu đầu tiên thì chưa thể tiến lên tu tập Lục độ ba-la-mật
và Mười hạnh nguyện lớn của Bồ-tát Phổ Hiền. Đặc điểm của Mười hạnh nguyện lớn
của Bồ-tát Phổ Hiền là tâm từ bi rộng lớn vô lượng vô biên. Mọi chúng sinh đều
được thành tựu viên mãn trong lời nguyện nầy.
Thứ nhất: Lễ kính chư Phật
Chư
Phật là ai? Chúng ta đọc trong Kinh
Hoa Nghiêm có câu, ‘Tình dữ vô
tình, đồng viên chủng trí’. Thế nên tất cả chúng sinh đều có tính giác. ‘Tình’
là hết thảy chúng sinh hữu tình, gồm cả các loại động vật. ‘Vô tình’ là các loài
thực vật, khóang sản, tất cả đều là những vị Phật-sẽ-thành. Cho nên tôn kính
chư Phật là cung kính tất cả chúng sinh, đó chính là tâm nguyện của Bồ-tát Phổ
Hiền. Tâm nguyện của ngài khác hẳn với các vị Bồ-tát kia.
Quý vị
Phật tử ai cũng đều tôn kính chư Phật, nhưng sự tôn kính nầy có lẽ chưa được
chí thành tột cùng. Sao vậy? Như khi quý vị đang nghe giảng kinh, nhưng chợt nhớ
ra có cuộc hẹn hay có người gọi điện thoại. Lúc đó sẽ như thế nào? Ta sẽ rời khỏi
giảng đường ngay để giải quyết công việc hoặc nghe điện thoại. Thế nên chúng ta
chưa thật sự tôn kính. Nếu chúng ta chân chính chí thành cung kính chư Phật thì
nghe giảng kinh thuyết pháp là việc quan trọng nhất trong đời. Nhưng thực tế
thì khi chúng ta đang nghe giảng kinh mà có người bảo rằng có một áp-phe trị
giá chừng triệu bạc thì tức khắc chúng ta rời khỏi hội trường. Lòng tôn kính
chư Phật như vậy chưa được chân thành.
Tâm
cung kính của Bồ-tát Phổ Hiền rất chí thành và viên mãn, dù đối với chư Phật
cũng như đối với chúng sinh hữu tình và vô tình. Sao vậy? Vì ngài hiểu rằng mọi
chúng sinh đều có Phật tánh. Nên xem thường chúng sinh là xem thường chư Phật.
Thế nên ta phải kính trọng tất cả chúng sinh.
Thế
chúng ta đối xử như thế nào với những vật vô tình như bàn ghế? Nó cũng đáng được
tôn trọng như chúng sinh, vì dù sao thì nó cũng là kết quả do lực kết hợp từ
nhiều nhân duyên. Điều gì là chính đáng để thể hiện sự tôn kính chư Phật? Lễ
bái một ngày ba lần chăng? Không, đó là cách của người Phật tử ngờ ngệch. Vì để
thể hiện sự kính trọng với vật thể ta giữ gìn chúng gọn gàng, ngăn nắp và sạch
sẽ. Chẳng hạn như kinh sách đặt ngay ngắn trên tủ kệ. Khi làm việc gì, ta làm với
lòng chí thành và đầy trách nhiệm. Cố gắng đem hết sức mình ra để làm. Đối xử với
mọi người, với công việc cũng như đồ vật đều bình đẳng như nhau. Đây là công hạnh
của Bồ-tát Phổ Hiền. Điều nầy là phần mở rộng và hoàn chỉnh của Lục độ ba-la-mật,
do vậy nên đây là phương pháp hữu hiệu nhất cho việc tu hành.
Thứ hai: Xưng tán Như Lai
Hạnh
nguyện thứ nhì là Xưng tán Như Lai. Nguyện thứ nhất là Lễ kính chư Phật, tại
sao không ghép cả hai lại thành Lễ kính và xưng tán Như Lai? Có ý nghĩa rất sâu
xa về hai lời nguyện nầy. Lễ kính chư Phật là nói về phương diện hình tướng. Tất
cả đều phải có tâm cung kính. Gặp người thiện cũng cung kính, gặp người bất thiện
cũng cung kính, gặp kẻ chánh tà đều cung kính. Xưng tán Như Lai là nói trên
phương diện tánh. Có phần sai khác. Chúng ta xưng tán cái thiện chứ không xưng
tán cái ác. Đối với kẻ bất thiện chúng ta cung kính họ chứ không xưng tán. Điểm
khác biệt là ở đây. Khi Thiện Tài đồng tử đi tham học 53 vị thiện tri thức, gặp
vị nào Thiện Tài cũng đều lễ kính và tán thán, duy gặp ba người Thiện Tài đồng
tử chỉ lễ kính chứ không tán thán. Người thứ nhất là Thắng Nhiệt Bà-la-môn,[1] ông
nầy là ngoại đạo, đại biểu cho sự ngu si. Người thứ hai là Cam Lồ Hỏa vương,[2] đại biểu cho sân hận, tập khí nóng nảy rất lớn,
ông ta trừng phạt những người chỉ xúc phạm ông chút ít bằng cách dìm họ vào
trong chảo dầu sôi hoặc ném họ trên núi đao nhọn. Người thứ ba là Phiệt-tô-mật-đa,[3] là một dâm nữ. Ba người nầy đại biểu cho
tham, sân, si. Thiện Tài đồng tử chỉ cung kính họ chứ không tán thán. Thế nên
chúng ta thấy tánh đức là tiêu chuẩn để tán thán. Phải là thiện pháp hoặc chánh
pháp thì chúng ta mới tán thán. Nhưng chúng ta vẫn tôn trọng tất cả chúng sinh,
vì tâm cung kính là phản ánh của tâm thanh tịnh và tâm bình đẳng. Chúng
ta cũng tôn trọng các tôn giáo tín ngưỡng khác, nếu thực sự đó là chính pháp,
chánh giáo thì chúng ta sẽ tán thán. Chúng ta không bao giờ tán thán những tôn
giáo khuyến khích con người làm điều sai trái.
Chúng
ta thấy có sự khác biệt lớn giữa hạnh nguyện thứ nhất và thứ hai mặc dù đều
phát xuất từ tâm thanh tịnh và viên mãn.
Thứ ba: Cúng dường rộng khắp
Điểm
đặc sắc của Mười hạnh nguyện lớn của Bồ-tát Phổ Hiền là tâm từ bi rộng lớn vô
lượng vô biên. Trong giáo lý Đại thừa, đây là khởi dụng của tánh đức viên mãn.
Hàng Bồ-tát đã minh tâm kiến tánh nhưng dụng của tánh đức chỉ đạt từng phần,
chưa được hoàn toàn viên mãn. Duy chỉ có tánh đức khởi dụng của Bồ-tát Phổ Hiền
mới hoàn toàn viên mãn. Mọi lời nguyện của ngài đều nhắm đến chúng sinh trong
pháp giới. Ở đây có sự khác nhau giữa Bồ-tát Phổ Hiền và Bồ-tát thực hành Lục độ
Ba-la-mật. Một bên là khi cúng dường một Đức Phật là cúng dường hết thảy chư Phật,
không chỉ cúng dường chư Phật mà cúng dường tất cả chúng sinh hữu tình và vô
tình. Do vậy, một là tất cả, tất cả là một. Với tâm lượng quảng đại nầy, chúng
ta sẽ đạt được tâm không phân biệt và thật sự thành tựu viên mãn.
Phổ
Hiền Bồ-tát dạy rằng trong các sự cúng dường, cúng dường pháp là lớn nhất. Tuy
nhiên, chỉ đối với giáo lý của chư Phật dạy cho chúng sinh phá trừ mê chấp,
khai mở trí giác ngộ, khôi phục tự tánh viên mãn, mới là pháp tối thượng trong
tất cả các pháp cúng dường. Như Phật giáo là nền giáo dục, chúng ta phải kính
trọng các bậc thầy và tôn kính lời dạy bảo của các ngài. Với phương pháp nầy,
chúng ta mới đạt được giác ngộ viên mãn.
Trong
giáo lý của Đức Phật Thích-Ca Mâu-Ni, bộ kinh nào quan trọng nhất? Các bậc cao
tăng từ đời Tùy, Đường của Trung Hoa, Nhật Bản, Hàn Quốc đều công nhận trong suốt
49 năm thuyết pháp, bộ Kinh Hoa
Nghiêm là quan trọng nhất. Giáo lý
trong Kinh Hoa Nghiêm là rốt ráo viên mãn. Các bậc cổ đức đối chiếu
giữa hai bộ Kinh Vô lượng thọ và Kinh Hoa Nghiêm rồi kết luận rằng Kinh Vô lượng thọ quan trọng hơn Kinh Hoa Nghiêm, Quý vị giải thích rằng Kinh Hoa Nghiêm và Kinh
Pháp Hoa là hai bộ kinh lớn, Phật
pháp Trung Hoa gọi hai bộ kinh này là ‘Nhất thừa viên giáo’. Nhưng tác dụng của
hai bộ kinh nầy đều quy hướng vào Kinh
Vô lượng thọ. Nên Kinh Vô lượng
thọ là bộ kinh quan trọng nhất.
Khi đọc
đến điều này, tôi rất tán đồng vì khế hợp với sự thể nghiệm sâu sắc của chính
mình. Chính Kinh Hoa Nghiêm đã dẫn tôi đến Tịnh độ tông. Tôi đã giảng Kinh Hoa Nghiêm suốt 17 năm, sau đó tôi chỉ giảng phẩm Bồ-tát
Phổ Hiền hạnh nguyện trong Kinh Hoa
Nghiêm thôi. Trong suốt 17 năm ấy,
tôi hiểu sâu sắc ý nghĩa Mười hạnh nguyện lớn của Bồ-tát Phổ Hiền trong việc dẫn
dắt chúng sinh đến với pháp môn Tịnh độ. Cõi Tịnh độ nầy chính là thắng cảnh của Kinh Vô lượng thọ. Từ sự thể nghiệm
của mình, tôi nhận ra rằng Kinh Vô
lượng thọ chính là tinh hoa và quy hướng của Kinh Hoa Nghiêm. Từ đây, tôi tin lời
cổ đức hoàn toàn chân thật.
Thế
là chúng ta đã biết được điều gì quan trọng nhất trong giáo lý của Đức Phật
trong suốt 49 năm thuyết pháp của Ngài. Tuy nhiên, chỉ sau khi Lão cư sĩ Hạ
Liên Cư đem 5 bản dịch của Kinh Vô
lượng thọ biên tập lại thành một bản
hoàn chỉnh, chúng ta mới thấy được lợi ích thù thắng viên mãn. Công việc biên tập
một tác phẩm kinh điển đồ sộ như vậy cho biết Lão cư sĩ Hạ Liên Cư không phải
là một người bình thường, mà là một vị Đại Bồ-tát thị hiện. Vị Đại Bồ-tát nầy
vì thương chúng sinh trong thế gian nầy nên đã khai mở ra phương tiện ấy cho mọi
người tu tập để được giác ngộ thành Phật. Thế nên Lão cư sĩ Hạ Liên Cư đã thị
hiện nơi cõi nầy để biên tập kinh trên và truyền bá pháp môn Tịnh độ trong thời
mạt pháp.
Khi
tôi đến thăm Bắc Kinh, một học trò của Lão cư sĩ Hạ Liên Cư đưa cho tôi xem tấm
hình của ông. Khi về Đài Loan, tôi phóng lớn tấm hình ấy, mặc dù không được rõ
lắm vì đây là bản chụp lại, nhưng thấy có điều kỳ diệu xảy ra. Trong ảnh, có
hình Đức Phật hiện ra phía sau đầu Lão cư sĩ Hạ Liên Cư. Hào quang tỏa sáng từ
tượng Phật cho đến đôi hài dưới chân Lão cư sĩ. Dù tấm hình đã sao chụp lại nhiều
lần, nhưng vẫn thấy rõ ràng hình ảnh Đức Phật đang ngồi kiết già phía sau đầu
Lão cư sĩ Hạ Liên Cư. Tôi đặt tấm hình ở vị trí rất trang trọng để biểu lộ lòng
tri ân vị Đại Bồ-tát đã ban tặng cho chúng ta món quà và hướng dẫn chúng ta tu
tập cùng truyền bá pháp môn Tịnh độ tông.
Đại
sư Đạo Xước nói: “Các Đức Phật Như Lai sở dĩ hiện ra trong đời nầy, là chỉ để
nói về bản nguyện rộng lớn như biển của Đức Phật A-Di-Đà”.[4] Nay chúng ta đã biết Kinh Vô lượng thọ là bộ kinh quan trọng nhất giúp cho chúng
sinh tu hành thành Phật. Kinh nầy gồm có 48 phẩm. Phẩm nào là trọng yếu nhất?
Trong tất cả các phẩm, phẩm thứ sáu là trọng yếu nhất. Nội dung phẩm nầy nói đến
48 lời nguyện của Đức Phật A-Di-Đà. Khi đọc kinh nầy, chúng ta mới thấy rõ Đức
Phật Thích-Ca Mâu-Ni giới thiệu về cảnh giới Tây phương Cực lạc đều tương ưng với
48 lời nguyện của Đức Phật A-Di-Đà.
Trong
48 lời nguyện ấy, lời nguyện nào là quan trọng hơn cả? Các bậc cổ đức Trung Hoa
đều đồng ý rằng lời nguyện thứ 18 là quan trọng hơn cả. Lời nguyện nầy nói rằng
nếu có chúng sinh chỉ cần niệm danh hiệu Đức Phật A-Di-Đà 10 lần thì chắc chắn
sẽ được vãng sinh Tịnh độ. Trong những năm học Phật đầu tiên, tôi vẫn còn nghi
vấn, giả như có người tạo nghiệp rất nặng, liền đọa vào địa ngục A-tì, khi ấy Đức
Phật có năng lực để giúp cho người ấy thành Phật được ngay không? Nếu Đức Phật
không làm được điều nầy, năng lực thần thông và trí huệ của ngài chỉ là lời ca
tụng suông thôi, chứ không phải là sự thực; ngược lại, nếu năng lực thần thông
và trí huệ của chư Phật có thể giúp cho người người tạo nghiệp rất nặng bị đọa
vào địa ngục A-tì ấy thành Phật thì năng lực thần thông và trí huệ của chư Phật
thực sự viên mãn. Nghi vấn nầy mãi cho đến khi tôi đọc được 48 lời nguyện của Đức
Phật A-Di-Đà mới thấy rõ ràng. Từ đó tôi tin năng lực đức tướng trí huệ của chư
Phật là tột cùng viên mãn.
Chư
Phật thực sự có năng lực giúp người tạo nghiệp cực ác tu hành thành Phật. Vấn đề
là do người ấy có tin nhận hay không? Nếu không thì lỗi lầm nằm ở phía người ấy
chứ không phải do chư Phật. Thế nên sau khi đọc Kinh Vô lượng thọ rồi, tôi tin là bất
kỳ ai thành tín hành trì pháp môn niệm Phật đều sẽ thành tựu.
Đệ tử
Pháp sư Đế Nhàn thành tựu khi tu pháp môn niệm Phật trong ba năm là tấm gương
sáng. Người đệ tử biết trước rằng mình sẽ vãng sinh Tịnh độ, nên bảo người mang
cơm rằng từ ngày mai đừng mang cơm đến nữa. Ông thị tịch trong tư thế đứng suốt
ba ngày để đợi sư phụ mình đến xác quyết thành tựu cuối cùng của mình. Ông ta
đã đạt thượng phẩm thượng sanh vào cõi Tây phương Cực lạc, là phẩm cao nhất. Sự
thành tựu của ông là bằng chứng cho lời nguyện thứ 18 của Đức Phật A-Di-Đà, xác
quyết cho chúng ta rõ chỉ cần niệm danh hiệu Đức Phật A-Di-Đà 10 lần thì chắc
chắn sẽ được vãng sinh Tịnh độ.
Người
nào tin sâu vào pháp môn nầy chắc chắn phải có thiện căn, phước đức nhiều đời. Kinh Vô lượng thọ nói rằng vị tăng nào vãng sinh chỉ một thời
gian ngắn sau khi thị tịch, là vị ấy đã từng cúng dường vô lượng vô biên chư Phật
trong đời quá khứ. Nhờ quả báo đó, nay mới tin nhận mà tu hành. Nếu không có
thiện căn, phước đức nhiều đời nầy, khó mà tin nhận và hành trì cho dù thầy
mình có dạy bảo.
Danh
hiệu A-Di-Đà Phật có vô lượng nghĩa, đó là danh hiệu của hư không pháp giới. Nếu
chúng ta muốn hiểu ý nghĩa danh hiệu nầy thì hãy đọc trong phần giải thích
trong Kinh Vô lượng thọ. Nếu
chúng ta muốn hiểu ý nghĩa Kinh Vô
lượng thọ thì hãy đọc Kinh Hoa Nghiêm vì kinh nầy là chú giải chi tiết về Kinh Vô lượng thọ. Nếu chúng ta muốn
hiểu ý nghĩa Kinh Hoa Nghiêm thì hãy đọc toàn bộ Đại tạng kinh vì tạng nầy
là chú giải chi tiết về Kinh Hoa
Nghiêm. Dùng phương pháp nầy để thâm nhập lý kinh, chúng ta sẽ thấy rằng
công đức của danh hiệu Đức Phật A-Di-Đà thực là bất khả tư nghì.
Danh
hiệu này cũng chứa trọn cả chư Phật và tất cả các pháp trong hư không pháp giới.
Do vậy, niệm một danh hiệu Phật là niệm tất cả. Vào thời Hoàng đế Càn Long nhà
Thanh, Từ Vân Quán Đảnh Pháp sư[5] có soạn bộ Quán
Vô lượng thọ Kinh trực chỉ, dạy rằng muốn cầu thoát khỏi tai ương hoạn nạn,
chúng ta có thể tụng kinh, trì chú, hoặc dùng các pháp sám hối. Tuy nhiên, nếu
có người tội chướng sâu nặng thì chỉ có cách niệm ‘Nam mô A-Di-Đà Phật’. Do đó,
chúng ta biết rằng đây là phương pháp hay nhất để thực hành khi gặp tai họa.
Nên người bị bệnh thường hay tụng Kinh
Dược Sư và người gặp tai nạn thường
tụng Phẩm Phổ Môn, nhưng họ không biết rằng công đức của niệm danh hiệu Phật đã
làm cho pháp môn nầy thành ưu việt nhất.
Thế tại
sao Đức Phật Thích-Ca Mâu-Ni không nói ngay cho chúng ta biết? Tại sao Đức Phật
lại dạy cho ta quá nhiều bộ kinh và nhiều pháp môn? Vì có nhiều người không tin
pháp môn niệm Phật. Nên cuối cùng Đức Phật mới dạy pháp môn nầy. Điều nầy cũng
giống như khi vào Viện Bảo tàng Đài Loan, nhiều người cho rằng bộ sưu tập ngọc
quý đời Thanh là đẹp nhất, họ không để ý đến các vật quý đồ đồng từ đời nhà
Thương, nhà Chu, là bộ sưu tập quý giá nhất trong Viện Bảo tàng. Tương tự như vậy,
nhiều người không tin công đức chân thực của pháp môn niệm Phật, thế nên Đức Phật
mới nói vô số kinh để đưa chúng sinh về với Tịnh độ.
Đại
sư Thiện Đạo nói rằng Đức Phật thị hiện thế giới nầy chỉ với một nhân duyên duy
nhất là dạy cho chúng ta bổn nguyện của Đức Phật A-Di-Đà. Ngày nay chúng ta có
được niềm tin chắc thật, tu tập và hoằng truyền pháp môn niệm Phật. Thực vậy,
đó là nhờ sự hộ trì của Tam bảo. Cũng vậy, nhân duyên cho chúng sinh đời nay
thành tựu tu tập rất là nhiều, Trong suốt sáu năm qua, hằng triệu ấn bản Kinh Vô lượng thọ đã được ấn tống và truyền đi khắp thế giới.
Tôi cũng đi khắp nơi để giới thiệu, và giảng giải kinh nầy. Nhiều người đã hoan
hỷ tin nhận và thực hành theo. Thấy quý vị nhiệt thành đến đây để cùng hành trì
pháp môn niệm Phật, tôi rất vui lòng và thấy nỗ lực của mình đã có chút kết quả.
Do vậy, nếu chúng ta tu tập và truyền bá rộng rãi pháp môn nầy thì tôi có thể
nói chắc rằng chúng ta đã thành tựu phần nào lời nguyện ‘Cúng dường rộng khắp’.
Phương
tiện mà chư Phật và Bồ-tát dùng để độ chúng sinh là vô lượng vô biên. Đó là thể
hiện lòng từ bi rộng lớn dẫn dắt chúng sinh về cõi Tịnh độ. Chẳng hạn, Bồ-tát
Phổ Hiền là thủy tổ của Mật tông Phật giáo. Bồ-tát Long Thụ mở được tháp sắt, gặp
Kim Cang tát-đỏa Thượng sư. Kim Cang tát-đỏa đem mật pháp truyền cho Bồ-tát
Long Thụ,[6] Long Thụ mới truyền bá trong cõi nhân gian.
Kim Cang tát-đỏa còn được gọi là Kim Cang thủ Bồ-tát, đó chính là hóa thân của
Bồ-tát Phổ Hiền. Và Bồ-tát Chuẩn-đề, là một biểu tượng lớn trong Mật giáo,
chính là hóa thân của Bồ-tát Quán Thế Âm. Cả hai vị Bồ-tát nầy đều khuyến khích
chúng ta phát nguyện vãng sinh về Tây phương Cực lạc. Với tâm phàm phu, chúng
ta phân biệt có Hiển giáo, Mật giáo; nhưng chư Phật và Bồ-tát với tâm hoàn toàn
bình đẳng, tự tại, viên mãn thì hoàn toàn không có phân biệt tông phái và pháp
môn. Tất cả tám vạn bốn ngàn pháp môn đều quy về một mục đích. Nhận thức được
điểm nầy, tự nhiên chúng ta sẽ tôn trọng tất cả pháp môn.
Thứ tư: Sám hối nghiệp chướng.
Mọi
người ai cũng có nghiệp chướng. Do khởi tâm động niệm nên tạo ra nghiệp, nghiệp
đó lại tạo nên những chướng ngại. Chướng ngại cái gì? Che mờ bản tánh của chúng
ta. Chân tâm bản tánh của chúng ta vốn có vô lượng trí huệ, vô tận năng lực
công đức. Nhưng hiện nay trí huệ, năng lực công đức, năng lực thần thông ấy đều
không khởi được tác dụng. Do nguyên nhân nào? Vì nó bị che mờ (chướng ngại).
Chướng ngại có hai loại, phiền não chướng và sở tri chướng. Đức Phật dạy trong Kinh Hoa Nghiêm, ‘Mọi chúng sinh đều
có đức tướng trí tuệ Như Lai, chỉ do vọng tưởng, chấp trước nên không được chứng
đắc’.[7] Như vị
lương y, Đức Phật chỉ cho chúng ta nguồn gốc căn bệnh. Chấp trước là nguồn gốc
phiền não chướng và vọng tưởng là nguồn gốc của sở tri chướng. Trong tất cả mọi
pháp môn, mục tiêu của sự tu học là chuyển hóa toàn bộ vọng tưởng và chấp trước
nầy. Khi đã được như vậy, là khôi phục được Phật tánh trong chính mình. Tất cả
các pháp môn Đức Phật dạy đều là sám hối nghiệp chướng. Nên sám hối nghiệp chướng
là then chốt trong việc tu tập của chúng ta.
Tự
nhiên, rất khó để trừ sạch các nghiệp chướng nầy. Trong tất cả các pháp môn,
pháp môn niệm Phật vãng sanh Tịnh độ là thù thắng hơn cả. Vì nếu chúng ta có phạm
tội nghiệp rất nặng như tội ngũ nghịch, lẽ ra phải bị đọa vào địa ngục A-tì, vẫn
có thể trừ sạch được nghiệp ấy và thành Phật. Chúng ta cần phải sám hối, nguyện
sẽ sửa đổi và tu pháp môn niệm Phật để tương ưng với bản nguyện của chư Phật và
sẽ được vãng sinh về cõi Tịnh độ. Đó là lý do tại sao Từ Vân Quán Đảnh Pháp sư
nói rằng chỉ riêng pháp môn niệm Phật là có thể tiêu trừ nghiệp chướng.
Cách
đây vài năm tôi thấy có truyền bá học thuyết người còn nghiệp nặng không thể
vãng sinh (đới nghiệp vãng sinh). Điều nầy thực sự làm cho những hành giả tu
pháp môn niệm Phật sửng sốt và hoang mang. Khi tôi đến Los Angeles năm 1984, Phật
tử có hỏi về vấn đề nầy. Tôi mỉm cười nói, ‘Nếu thực sự những người còn nghiệp
nặng không thể vãng sinh, thì ở đó chỉ có một mình Đức Phật A-Di-Đà. Có ai đến
đó được?’ Quý vị Phật tử hỏi, ‘Như thế là sao?’ Tôi đáp lại: ‘Quý vị có nghe
trong kinh nói đến bốn quốc độ, ba hạng, chín phẩm[8] trên cõi Tây phương Cực lạc chăng?’ Tôi nói
tiếp, ‘Nếu những người còn nghiệp nặng không thể vãng sinh ở cõi Tây phương Cực
lạc, thì tại sao trên đó lại có đủ bốn quốc độ, ba hạng, chín phẩm?’ Qua đó
chúng ta đã hiểu.
Sự
phân chia quốc độ, phẩm, hạng là căn cứ vào vô số kinh luận đang lưu truyền. Những
người nghiệp nặng hơn, sẽ vãng sinh vào cõi giới thấp hơn, những người nghiệp
nhẹ, sẽ vãng sinh vào cõi giới cao hơn. Tôi giải thích, ‘Bồ-tát Quán Thế Âm, Bồ-tát
Văn-Thù Sư-Lợi, Bồ-tát Phổ Hiền đều là những Bồ-tát đẳng giác. Trong kinh dạy rằng
Đẳng giác Bồ-tát vẫn còn một phần vô minh chưa được phá trừ sạch, đó chẳng phải
là nghiệp hay sao?’ Quý vị Phật tử đã nhận ra được vấn đề ngay sau câu hỏi
trên. Như vậy là ngay cả Đẳng giác Bồ-tát cũng đến cõi Tây phương Cực lạc qua đới
nghiệp vãng sanh. Chỉ có Đức Phật A-Di-Đà Phật là vị duy nhất ở đó không do đới
nghiệp vãng sanh mà thôi. Tôi kết luận: ‘Ai bảo rằng người còn nghiệp nặng
không thể vãng sinh ở cõi Tây phương Cực lạc?’ Mọi người đều bỗng nhiên hiểu
ra, đều cười thật lớn, mới tin rằng mọi chúng sinh ở cõi Tây phương Cực lạc đều
là đới nghiệp vãng sinh.
Đức
Phật dạy chúng ta rằng không nên đem lòng sân hận hoặc ác cảm đối với người
khác. Tôi giải thích thêm, ‘Nói tiêu trừ nghiệp là không sai, vì càng mang ít
nghiệp càng dễ vãng sanh Tịnh độ. Càng tiêu được nghiệp, càng được vãng sanh
vào phẩm vị cao hơn’.
Sau
có dịp sang Nữu Ước, ngay khi xuống phi trường, tôi cũng được hỏi như vậy. Phật
tử ở đây chưa hiểu được rốt ráo, nên ngay khi tôi giải thích xong, họ liền hiểu
ra đới nghiệp vãng sinh là điều chân thật. Tiêu trừ nghiệp chướng là kết quả hiển
nhiên do nhờ sám hối.
Niệm
Phật là thể hiện lòng chí thành sám hối và phát nguyện sẽ thay đổi. Tuy nhiên,
khi sám hối phải tin chắc rằng tâm mình phải tương ưng với bản nguyện của Đức
Phật A-Di-Đà, nguyện của mình tương ưng với nguyện của Đức Phật A-Di-Đà, và
công hạnh của mình phải tương ưng với công hạnh của Đức Phật A-Di-Đà. Làm bằng
cách nào để được như vây? Lòng chí thành không chỉ thể hiện qua miệng niệm mà
qua tâm niệm. Theo cách này, chúng ta mới thực sự tuân theo đúng lời dạy trong
kinh. Chỉ bằng cách làm như thế chúng ta mới thực sự là người hành trì pháp môn
niệm Phật. Hãy chắc chắn rằng trong mỗi niệm ‘A-Di-Đà Phật’ của mình đều tương
ưng với tâm nguyện của Đức Phật A-Di-Đà. Chúng ta cần phải xoay 48 lời nguyện của
Đức Phật A-Di-Đà Phật vào lại trong chính mình. Chỉ có cách nầy chúng ta mới
tiêu trừ được hết thảy tội chướng.
Thứ năm: Tùy hỷ công đức.
Điều
nầy giúp chúng ta đối trị tâm tật đố vốn thường có trong chúng ta. Ví như trẻ
con thường giận dỗi khi thấy đứa bé khác nhận được kẹo nhiều hơn mình. Đây là
tính ghen tị sẽ gây chướng ngại rất lớn cho sự tu tập. Nên Bồ-tát Phổ Hiền đặc
biệt phát lời nguyện nầy để dạy chúng ta thực hành tâm ‘tùy hỷ công đức’. Ngài
dạy chúng ta chẳng những không có tâm tật đố với người mà còn xem công đức mà họ
tạo ra cũng giống như của chính mình và còn hỗ trợ cho công việc của họ nữa.
Lời
nguyện nầy dạy chúng ta không những chỉ hoan hỷ với công đức người khác mà còn
giúp họ thành tựu nữa. Nếu chúng ta không thể giúp đỡ họ thì ít nhất là phải thể
hiện tâm hoan hỷ. Tuy nhiên, nếu chúng ta có thể hỗ trợ cho họ thì lời nguyện nầy
mới thực sự thành tựu. Nên nhớ rằng giúp ích người khác chính là giúp mình.
Chúng ta nên thể hiện tình thương yêu và lòng bao dung với những người có khả
năng hơn mình, và với tinh thần ấy, chúng ta mới thành tựu được lời nguyện của
mình.
Thời
xưa, các nhà giáo dục Trung Hoa đều có kỳ vọng thế hệ sau sẽ vượt trội hẳn
chính mình. Nếu thế hệ sau không ưu việt hơn thế hệ trước thì nền giáo dục ấy
đã thất bại rồi. Nhưng ngày nay thì khác hẳn, người dạy sợ rằng học trò sẽ hơn
mình; nên khi họ dạy, họ thường giữ lại những chi tiết quan trọng. Đây gọi là
giáo dục miễn cưỡng, đời sau sẽ bị quả báo ngu si. Keo kiệt tiền bạc sẽ gặp quả
báo nghèo khổ. Những người nầy không biết tính chất nghiêm trọng của quả báo
như thế nào. Chúng ta phải nỗ lực không ngừng tu tập đức hạnh, học vấn, năng lực
trên phương diện sinh hoạt. Chỉ bằng cách nầy nền giáo dục mới đóng góp cho sự
thành công của toàn bộ xã hội.
Chúng
ta phải thấy trách nhiệm của mình trong việc giáo dục người khác trong kỷ
nguyên kế tiếp. Nếu chúng ta không tu tập đức hạnh, học vấn, năng lực, thì
không thể nào giúp được thế hệ sau nầy. Sao vậy? Hãy nhìn trẻ em thời nay. Sự
giáo dục mà các em nhận được chỉ tập trung vào khoa học kỹ thuật nhiều hơn cả
trong khi xã hội càng ngày càng trở nên phức tạp. Do vậy, những ai có tâm nguyện
giúp đỡ mọi người thì nên đào luyện cho mình tâm thức thanh tịnh, trí huệ rộng
lớn và đức hạnh cao vời để bắt gặp và đáp ứng được tình hình trong thời đại mới.
Ghen
tức đố kỵ là điều cực kỳ nguy hại cho tự tánh, cần phải được tiêu trừ. Thế nên
công đức của hạnh nguyện tùy hỷ với sự thành tựu của người khác rất là to lớn.
Thứ sáu: Thỉnh Đức Phật chuyển pháp luân.
Vì
chúng ta đã hưởng được lợi ích từ nền giáo dục Phật-đà, vậy chúng ta phải làm
gì để báo đáp lại ân đức to lớn ấy? Nay có nhiều người lập nơi thờ Phật, hằng
ngày đảnh lễ chư Phật. Có phải đó là cách chính đáng để báo đáp ân đức to lớn ấy
chăng? Chưa phải. Đây chỉ là những nghi thức nhắc nhở chúng ta đừng quên ân đức
to lớn của chư Phật. Tâm nguyện của chư Phật là làm sao để chúng sinh nghe được
sự thật, sống khế hợp với chân lý để có được lợi ích và thành tựu Phật quả.
Cách duy nhất để báo đáp lại ân đức to lớn của chư Phật là lấy tâm nguyện chư
Phật làm tâm nguyện của mình. Chỉ có vậy ta mới thể hiện được lòng tôn kính vị
Bổn sư của mình. Do vậy chúng ta phải cầu thỉnh quý ngài chuyển pháp luân. Như
ngày nay là cầu thỉnh chư vị đại đức cao tăng đến giảng kinh thuyết pháp, hoằng
pháp lợi sanh. Việc nầy cũng tạo công đức rất lớn. Vì sao, vì các ngài đưa đạo
Phật vào thế gian. Còn nếu không có ai cầu thỉnh các vị Pháp sư giảng kinh, các
ngài sẽ không có cơ hội để truyền bá kinh điển. Thế nên những ai cầu thỉnh quý
ngài giảng kinh thuyết pháp sẽ có công đức rất lớn. Nhiều người thích mời các
pháp sư đến tụng kinh với mong cầu mình sẽ có được nhiều công đức. Nhưng thực tế
họ chẳng hiểu gì ý nghĩa kinh mà các pháp sư đang tụng. Do vậy, nếu họ mời Pháp
sư đến để giảng kinh, người nghe sẽ hiểu rõ kinh điển, sẽ thích thú khi trì tụng
và thực hành theo. Không may, nếu chúng ta muốn cầu thỉnh một vị Pháp sư đến để
giảng pháp thì khó gặp được người có khả năng, vì thế nên việc nầy rất hiếm.
Nhiều lần đi hoằng pháp đây đó, tôi thường nghe quý Phật tử than rằng thật khó
thỉnh được Pháp sư đến giảng kinh. Tôi cười bảo họ rằng, ‘Thỉnh được Pháp sư giảng
kinh là quả. Chúng ta cần phải gieo trồng cái nhân rồi chúng ta mới có được quả.
Quý vị mong muốn có quả mà chưa chịu trồng nhân! Làm sao có được chuyện ấy trên
đời nầy?’ Thế nào là gieo trồng nhân? Đó là hỗ trợ cho việc đào tạo Pháp sư.
Ai
cũng thích nghe các vị Pháp sư lão thành danh tiếng giảng kinh. Còn những vị
Pháp sư còn trẻ, chưa nổi tiếng, thường là thiếu kinh nghiệm nên ít người muốn
đến nghe họ giảng. Thế nên họ trở nên nản chí nghĩ rằng giảng pháp rất khó, nên
họ quay sang theo việc nghi lễ. Chúng ta nên làm việc gì để giúp những pháp sư
chưa đủ kinh nghiệm nầy? Họ càng trẻ, càng thiếu kinh nghiệm, chúng ta càng nên
đến nghe họ giảng. Điều nầy sẽ khuyến khích họ tiếp tục học tập và tiến bộ.
Tuy
nhiên, nếu ta dự đều đặn mọi buổi giảng pháp, ta cũng đừng nên khen. Một lời
khen không có cơ sở sẽ gây nguy hại hơn là lời phê phán. Có người trở nên rất
giận dữ khi được phê phán nhưng đối với người chất trực và chân thành thì lời
phê phán là chất kích thích. Họ càng bị phê phán bao nhiêu, họ càng nỗ lực tinh
tấn nên dễ thành tựu hơn. Những người nầy sẽ làm hết sức mình để đạt được chỗ
cao siêu. Nên nếu thích khen ngợi và tán dương pháp sư, khen pháp sư rất giỏi
và sẽ tiến xa thì điều ấy là không cần thiết. Vì sẽ dẫn đến tự cao. Do vậy,
chúng ta không nên tán dương và cúng dường các pháp sư trẻ chưa đủ kinh nghiệm.
Vì càng có nhiều tiền và danh vọng, họ sẽ trở nên bị ô nhiễm.
Người
phát tâm Bồ-tát và xuất gia làm tăng, ni nhưng rồi sau thối tâm là do nhận quá
nhiều lời khen tặng và cúng dường từ Phật tử. Nên những vị Phật tử nầy phải chịu
trách nhiệm về sự thối tâm của các vị tăng ni đó. Khi các vị tăng ni nầy chịu
quả báo thì Phật tử phải chia phần. Thế thì chúng ta nên cúng dường cho ai? Cho
những vị có tâm kiên định vì họ không bao giờ thấy thích thú khi được khen, thấy
phiền não khi bị chê. Họ chỉ xứng đáng được khen tặng khi nào họ không bị điều ấy
làm hại mình. Chúng ta sẽ giới thiệu Pháp sư nầy cho nhiều nơi, để Pháp sư ấy
có thể giúp ích cho chúng sinh.
Thọ
nhận lời khen và vật phẩm cúng dường rất là khó. Trong nhà Phật thường dạy rằng,
“Một hạt gạo của tín thí, nặng như núi Tu-di. Đời nay không ngộ đạo, đời sau
mang lông đội sừng mà trả”.[9] Thế
nên thật là không dễ khi nhận của cúng dường. Ngay cả chư Phật và Bồ-tát cũng
không dám hưởng vật phẩm cúng dường, huống gì phàm phu chúng ta. Tuy nhiên, khi
người cúng dường phát nguyện gieo trồng phước báo, thì nên tiếp thọ rồi chuyển
sang cúng dường nơi khác.
Thời
cận đại có Đại sư Ấn Quang là một tấm gương tốt cho chúng ta. Đệ tử của ngài
cúng dường cho ngài rất nhiều. Ngài dùng tất cả của cúng dường đó để ấn tống
kinh điển. Theo gương ngài, tôi cũng dùng toàn bộ tiền Phật tử cúng dường để in
kinh, rồi biếu tặng kinh sách nầy đến cho mọi người. Tôi có suy nghĩ rằng nếu đời
này tu hành chưa thành tựu đạo quả và phải chịu luân hồi sinh tử trong sáu đường
thì cũng không đến nỗi phải mang lông đội sừng mà trả trong kiếp sau. Đây gọi
là sự triển chuyển cúng dường. Theo cách nầy, mọi người đều gieo trồng được phước
báo. Đây là cách chân chính để nhận phẩm vật cúng dường từ thí chủ.
Tiếp
thọ vật cúng dường cần phải đúng như pháp. Dùng của cúng dường vào mục đích
riêng tư là điều sai trái. Ngay cả tiền dùng để xây dựng đạo tràng, thì đạo
tràng ấy cũng phải được dùng vào mục đích hoằng truyền Phật pháp. Chỉ có vậy
thì người hiến cúng mới có công đức. Ngược lại, nếu không dùng vào mục đích tu
học, thì đạo tràng sẽ biến thành nơi đấu tranh mâu thuẫn. Do vậy, chúng ta phải
thận trọng khi xây dựng đạo tràng. Thầy Bổn sư của tôi trước đây có dạy rằng,
‘Khi đang xây dựng đạo tràng thì mọi người đều là bồ-tát, ai cũng làm hết sức
mình để hoàn thành công trình. Nhưng sau khi đạo tràng được xây dựng xong, thì
mọi người đều biến thành quỷ la-sát’. Sao vậy? Vì ai cũng muốn tranh quyền đoạt
lợi. Họ đã quên phát tâm chân chính ban đầu khi xây dựng đạo tràng.
Chúng
ta phải rất thận trọng khi cúng dường cho các vị Pháp sư. Đức Phật dạy rằng có
bốn phẩm vật dành để cúng dường cho chư tăng ni. Thứ nhất là thực phẩm, vì
không có nó thì chư tăng ni không có phương tiện để sống mà hành đạo được. Thứ
nhì là áo quần. Thứ ba là thuốc men để phòng khi đau ốm. Thứ tư là giường ngủ.
Ngày nay nhiều Phật tử cúng dường cho quý thầy nhà ở và mọi đồ dùng. Để rồi quý
thầy sống cuộc đời thật tiện nghi đến nỗi họ không còn muốn về cõi Tây phương Cực
lạc nữa. Cuộc sống hiện tại quá thoải mái nên mục đích thoát khỏi vòng luân hồi
sinh tử bị mờ nhạt. Điều nầy rất nguy hại cho người tu hành. Họ đã từ bỏ cuộc sống
thế tục lại đằng sau. Nay cúng dường cho họ cái nhà chẳng khác gì khuyến khích
họ trở về lại cuộc sống cũ. Khi nhận cái nhà cho riêng mình, là họ lại có tài sản
riêng. Điều nầy là sự thoái hóa trong tu tập.
Đệ tử
làm như thế thật sự là có tội vì đã làm hư hỏng thầy. Những người như vậy không
hiểu rằng đó là phá hoại Phật pháp và làm tổn hại Tam bảo. Họ nghĩ làm như vậy
là việc tốt và có công đức lớn. Sau khi chết gặp Diêm vương mới run sợ trước
hình phạt. Chúng ta phải có trí huệ chân chính và siêng gieo trồng thiện căn,
công đức theo đúng tinh thần Phật pháp. Phật tử cần được giảng giải rõ điều nầy
nhưng nhiều Pháp sư không muốn nói đến điều ấy vì sợ rằng Phật tử không còn
cúng dường cho họ nữa.
Vì lí
do nầy, tôi thành lập Phật đà Giáo dục Cơ kim hội[10] chuyên ấn tống kinh sách Phật giáo. Tôi nói với vị Cư sĩ
phụ trách nguyên tắc làm việc, ‘Nếu Phật tử cúng dường nhiều, thì chúng ta in
nhiều kinh sách; cúng dường ít, thì chúng ta in ít; còn nếu không cúng dường,
thì không in. Đó là tốt nhất’. Khi có nhiều tiền cúng dường, chúng tôi phải bận
rộn để chọn trong số kinh điển Phật học sách nào thích hợp nhất để in và tính
toán phương thức hay nhất để ấn tống. Khi không có tiền cúng dường, thì sẽ
không lo lắng, không bận tâm. Thế nên chúng ta không nên tìm cầu mong được cúng
dường, tìm cầu đạo tràng hoặc thứ gì khác. Thế là chúng ta sẽ có được tâm thanh
tịnh trên đường tu đạo giác ngộ, để giúp cho mọi người tu tập như mình và lánh
xa mọi tiếng khen và lợi dưỡng.
Chúng
ta cần phải bồi dưỡng chư tăng ni trẻ bằng cách để cho họ đối diện với khổ nhọc.
Khi Đức Phật Thích-Ca Mâu-Ni còn tại thế, đệ tử ngài chỉ ăn một bữa trong ngày
và ngủ qua đêm dưới gốc cây. Đó chính là đời sống thanh đạm cần khổ. Nếu chúng
ta cảm thấy thương hại cho họ và giúp họ khỏi phải sống an bần thì làm sao họ
được chứng ngộ?
Đức
Phật dạy rằng chúng ta phải lấy cuộc sống an bần thanh đạm làm thầy. Chỉ có
cách sống đó mới có thể tu tập đạt được chân tâm và chắc chắn sẽ siêu thoát cõi
giới nầy. Nên cuộc sống cần khổ thanh đạm rất tốt cho chúng ta. Nếu chúng ta
không có ý chí chịu đựng cuộc sống thanh đạm thì ít nhất nên tôn trọng những
người sống được như vậy và đừng lôi kéo họ ra khỏi cuộc sống an bần mà họ đang
theo đuổi. Chỉ như vậy chúng ta mới chí thành giúp đỡ những vị Pháp sư chưa đủ
kinh nghiệm tiến bộ và sẽ có được nhiều Pháp sư ưu tú hoằng dương Phật pháp.
Thứ bảy: Thỉnh Phật trụ thế.
Mục
đích chính của lời nguyện thứ sáu là đưa Phật pháp đến cho mọi người. Nếu chúng
ta muốn thành tựu việc tu đạo, chỉ tâm nguyện thỉnh chuyển pháp luân thôi chưa
đủ. Quý vị thấy có được mấy người được giác ngộ chỉ nhờ sau một hai lần nghe giảng
pháp trong suốt cuộc đời họ chăng? Chuyện nầy chỉ xảy ra vào thời Đức Phật còn
tại thế, sau khi Đức Phật nhập diệt rồi thì chuyện đó ít có. Với năng lực còn hạn
chế của mình thì thật khó làm được việc đó, thế nên chúng ta cần phải thỉnh Phật
trụ thế. Nói cách khác, là cầu nguyện để có được một bậc minh sư để hằng ngày
ta được thường xuyên chỉ dạy phương pháp tu tập, như thế mới mong chóng thành đạo
nghiệp.
Cách
đây nhiều năm, khi tôi đang cầu học Phật pháp ở Đài Trung, thầy tôi, Lão sư Lý
Bỉnh Nam hỏi tôi có chí nguyện như thế nào. Tôi thưa với ngài rằng nguyện sẽ đi
khắp nơi để khuyến khích mọi người tu học Phật pháp. Ngài gật đầu bảo rằng đó
là ý nguyện tốt, bảo rằng tôi sẽ thành tựu được việc hoằng pháp chứ không giúp
cho mọi người thành tựu được đâu. Tôi hỏi nguyên nhân tại sao thì thầy tôi dạy
rằng, tôi chỉ có năng lực truyền bá Phật pháp được hiệu quả thôi, như ngài đã sống
ở Đài Trung hơn 30 năm và nhờ vậy mà giáo hóa cho được nhiều người. Ngài giải
thích tiếp, nếu ngài không ở Đài Trung mà mỗi năm chỉ đến thăm rồi giảng pháp một
hai lần thì chắc sẽ có ít người được khai ngộ. Nên để giáo hóa mọi người, trong
nhà Phật gọi là phải có ‘duyên phần’. Nếu không đủ duyên, ngay cả Phật cũng
không thể độ được chúng ta (Phật bất độ vô duyên chi nhân). Đi khắp nơi để giảng
pháp, chúng ta gặp được nhiều người nhưng cái duyên với họ nhẹ hơn. Ở yên một
nơi để giáo hóa được thường xuyên hơn thì cần phải có những duyên mạnh hơn.
Tôi
có lợi điểm lớn là tôi không bị ràng buộc bởi ý niệm ‘nhà’ khi đi đây đi đó. Thế
đâu là ‘nhà’ mình? Không đâu cả. Mặc dù khi đến nơi đều có đạo tràng để giảng
pháp, nhưng thường tôi không ở lại đó lâu quá một tuần. Xả bỏ được ý niệm ‘nhà’
đã là điều giải thoát cho mình.
Nếu
chúng ta muốn đạt được bất kỳ sự thành tựu nào, chúng ta cũng đều cần phải thỉnh
Phật trụ thế. Đức Phật không thể nào thường trụ tại thế gian này mãi nhưng những
đệ tử ngài vẫn còn, họ là những Tăng ni và những cư sĩ Phật tử. Đó là những người
có trí huệ và đức hạnh, chúng ta có thể mời họ đến sống trong địa phương mình để
giảng kinh thuyết pháp. Với cách nầy ta sẽ được thường xuyên tu học với sự hướng
dẫn của họ. Rất dễ cung ứng các nhu cầu cho các vị nầy vì họ có cuộc sống rất
thanh đạm. Tuy nhiên, đạo tràng cần phải trang nghiêm để thính chúng ưa thích
và phát tâm tôn kính. Người đời thường ưa vẻ bên ngoài hơn là chú ý đến nội
dung bên trong. Mặc dù có nhiều người biết rõ giá trị chân thật cốt yếu không nằm
ở bên ngoài nhưng vẻ trang nghiêm của đạo tràng rất cần thiết cho người mới đến
lần đầu tiên.
Mặc
dù đạo tràng tu học cần phải trang nghiêm, nhưng nơi ở của chư tăng ni phải rất
đơn giản. Nếu chúng ta nhìn thấy những ngôi chùa ở Trung Hoa sẽ hiểu được điều ấy.
Ngay cả vị trú trì cũng sống trong căn phòng rất nhỏ, gọi là phương trượng. Còn
những căn phòng sang trọng thì để dành cho khách và sư sĩ. Bằng cách quán sát kỹ
như thế chúng ta mới thấy mình cần có cách ứng xử đúng đắn và phương thức thích
hợp để áp dụng như thế nào. Làm được như vậy mới khiến cho Phật pháp bám rễ, nở
hoa và kết trái bất kỳ nơi nào có mặt chúng ta.
Trong
Mười hạnh nguyện lớn của Bồ-tát Phổ Hiền, bảy điều trước là hạnh nguyện của
hàng Bồ-tát còn ba điều sau là hồi hướng công đức cho toàn thể chúng sinh trong
pháp giới.
Thứ tám: Thường tùy Phật học.
Dù Đức
Phật không thường trụ trên thế gian nầy nhưng chúng ta lại có kinh điển đang
lưu truyền ở thế gian. Y theo kinh điển tu học được gọi là Thường tùy Phật học,
là tiêu chuẩn cao nhất trong việc tu học Phật pháp.
Thứ chín: Hằng thuận chúng sinh.
Chúng ta cần phải hằng thuận, hòa hợp với tất cả
chúng sinh trong pháp giới. Điều nầy cực kỳ khó làm nên người Trung Hoa cổ xưa
thường dùng chữ hiếu 孝 đi chung
với chữ thuận 順. Học Phật
là phải tôn trọng đạo hiếu và hằng thuận với tâm nguyện tất cả chúng sinh. Khi
hằng thuận, phải biết quán sát cơ duyên, dẫn dắt chúng sinh đoạn trừ việc ác,
tu tập điều thiện, giúp cho họ phá mê khai ngộ. Điều ấy cần nhất phải biết rõ
thời tiết nhân duyên, chúng ta cần phải có trí huệ, phương tiện thiện xảo mới
có thể đáp ứng cho họ một cách viên mãn được.
Thứ mười: Hồi hướng tất cả.
Điều nầy có nghĩa là hồi hướng tất cả mọi công đức
đã có cho toàn thể chúng sinh trong pháp giới. Có nghĩa là mở rộng tâm lượng từ
bi của mình trùm khắp cả hư không pháp giới để hư không pháp giới với mình là một.
Đạt được như vậy mới chân thật là cứu cánh Đại viên mãn.
Nói tóm lại, trong việc hành trì pháp môn Tịnh độ
tông, chúng ta cần phải tu học theo 5 bộ kinh và một bộ luận:
1. Đức Phật thuyết Kinh Đại thừa Vô lượng thọ
Trang nghiêm Bình đẳng Giác ngộ.
2. Kinh
A-Di-Đà.
3. Kinh
Quán Vô lượng thọ.
4. Phẩm
Phổ Hiền Bồ-tát hạnh nguyện trong Kinh Hoa Nghiêm.
5. Phẩm
Niệm Phật Viên thông của Bồ-tát Đại Thế Chí trong Kinh Thủ Lăng Nghiêm.
Một bộ luận là:
1. Vô lượng thọ kinh Ưu-ba-đề-xá nguyện sinh kệ.[11]
Về phương pháp tu tập, phải theo đúng 5 khoa mục
chủ yếu;
1. Ba loại tịnh nghiệp.
2. Sáu nguyên tắc hòa kính.
3. Ba môn học vô lạu.
4. Sáu
pháp ba-la-mật.
5. Mười
hạnh nguyện lớn của Bồ-tát Phổ Hiền.
Rất
đơn giản, rất rõ ràng, không phức tạp chút nào. Nếu chúng ta suốt đời theo đúng
như trên mà tu hành, thì chắc chắn sẽ thành công. Như cổ đức đã dạy, ‘Vạn người
tu, vạn người thành tựu’. Nay chúng ta đã có được nguyên tắc và phương pháp tu
hành rồi. Chúng ta đã biết cách ứng xử với người, giải quyết công việc trong đời
sống hằng ngày như thế nào rồi. Nếu chúng ta theo đúng những nguyên tắc hướng dẫn
trên, nhất tâm niệm danh hiệu A-Di-Đà Phật và phát nguyện vãng sinh Tây phương
Cực lạc, thì chắc chắn chúng ta sẽ thành công.
[6] s: Nāgārjuna; dịch âm là Na-già Át-thụ-na (那 伽 閼 樹 那), tk. 1-2; Một trong
những luận sư vĩ đại nhất của lịch sử Phật giáo. Người ta xem sự xuất hiện của
ngài là lần chuyển pháp luân thứ hai của Phật giáo (lần thứ nhất do Phật
Thích-Ca, lần thứ ba là sự xuất hiện của giáo pháp Tan-tra). Ðại thừa Ấn Ðộ xếp
Sư vào ‘Sáu Bảo Trang của Ấn Ðộ’ (năm vị khác là Thánh Thiên [s: āryadeva],
Vô Trước [s: asaṅga], Thế Thân [s: vasubandhu], Trần-na
[s: diṅnāga, dignāga],và Pháp Xứng [s: dharmakīrti])
Trong tranh tượng. Ngài là vị duy nhất sau đức Phật được trình bày với chóp
trên đỉnh đầu (肉 髻; nhục kế; s: uṣnīṣa),
một dấu hiệu của một Ðại nhân (s: mahāpuruṣa). Ngài là người sáng lập Trung quán tông
(s: mādhyamika), . Những trứ tác được xem là quan trọng
nhất do ngài soạn gồm có Căn bản
Trung quán luận tụng, gồm 27 chương với 400 câu kệ, Thập nhị môn luận, Ðại trí độ luận.
Sư cũng là Tổ thứ 14 của Thiền tông Ấn Ðộ.
[8] -Bốn
quốc độ: Do Trí Khải Đại sư Tông Thiên Thai đề xuất. Gồm: Phàm thánh đồng cư độ,
Phương tiện hữu dư độ, Thật báo vô chướng ngại độ, Thường tịch quang độ.
-Ba hạng (三輩 tam bối): Theo Kinh
Vô lượng thọ; Thượng bối: Những người từ bỏ thế tục, xuất gia làm
Sa-môn, phát bồ-đề tâm, chuyên tâm trì tụng Kinh Vô lượng thọ, tu tập mọi công
đức, phát nguyện vãng sinh Tây phương Cực lạc. Trung bối: những người phát bồ-đề
tâm, chuyên tâm trì tung Kinh Vô lượng thọ, phụng trì trai giới, kiến lập tháp
tượng, cúng dường tam bảo, phát nguyện vãng sinh Tây phương Cực lạc. Hạ bối: phát bồ-đề tâm, nhất tâm niệm
Phật dù chỉ 10 niệm, phát nguyện vãng sinh Tây phương Cực lạc.
-Chín phẩm:
Thượng phẩm thượng sanh, Thượng phẩm trung sanh, Thượng phẩm hạ sanh; Trung phẩm
thượng sanh, trung phẩm trung sanh, trung phẩm hạ sanh; Hạ phẩm thượng sanh, Hạ
phẩm trung sanh, Hạ phẩm hạ sanh.
[11] Xem chú thích 47.
Nhận xét
Đăng nhận xét