A. Quyết tâm cầu sanh Tịnh độ
NIỆM PHẬT TÂM ĐỊA CÔNG PHU
Nguyên tác: Lão Pháp sư Tịnh Không
Nguyên tác: Lão Pháp sư Tịnh Không
Buổi
sáng 21-12-1998
Hôm nay mở đầu Phật thất ở Dallas, [pháp]
sư [Ngộ] Khải gởi fax cho tôi hy vọng trong thời gian Phật thất này, [tôi có
thể] dùng mạng internet mỗi ngày nói chuyện vài câu với mọi người.
Trong những năm gần đây không kể cư trú ở
đâu chúng ta đều cảm thấy thế giới càng ngày càng không an toàn, tai nạn xảy ra
khắp nơi, vả lại càng ngày càng nghiêm trọng. Nhân tình lãnh đạm, không biết ân
nghĩa, không những tự hủy diệt mà không hay không biết, lại còn tạo ra những
tội hủy diệt Phật pháp, hủy diệt thế gian. Chúng ta không nói đến người khác,
chỉ nói những người học Phật trong 4 chúng đệ tử, có ai không tạo ra những tội
này? Ngày xưa người ta tạo tội nhẹ, ngày nay người ta tạo tội nặng; khi tạo tội
thiệt nặng nhưng tự mình lại không biết, như vậy là ngu si. Những người ngu si
hằng ngày nghe giảng kinh, hằng ngày đọc kinh, vẫn không giác ngộ như cũ, đây
là vì ‘chướng sâu nghiệp nặng’; nếu
không tiêu trừ nghiệp chướng sâu nặng này thì tuyệt đối không thể tránh khỏi
đọa lạc vào tam ác đạo.
1. Cảm niệm ân Phật, ân của hộ pháp
Nếu chúng ta muốn cải thiện đời sống, công
phu tu học được đắc lực, biện pháp duy nhất là phải nghe [giảng] kinh cho nhiều
thiệt nhiều. Lúc còn tại thế đức Phật Thích-Ca giảng kinh trên 300 hội, thuyết
pháp ròng rã 49 năm, đức Phật Thích-Ca chưa từng hướng dẫn đại chúng niệm Phật
lần nào, hoặc tham thiền một lần nào cả. Phải nên biết đức Phật không hướng dẫn
chúng ta tu hành là tại vì tu hành dễ dàng, giác ngộ khó khăn. Cũng vì giác ngộ
quá khó cho nên đức Phật khổ tâm mỏi miệng phải thuyết pháp mỗi ngày, khuyến
đạo mỗi ngày. Chúng sanh ngu si, tuy mỗi ngày nghe Phật thuyết pháp nhưng vẫn
mê mờ như cũ.
Tuy vậy đức Phật đại từ đại bi vẫn giảng
kinh mỗi ngày; chúng sanh đọa lạc trong lục đạo thì Phật thị hiện trong lục
đạo, vẫn đi theo không nỡ bỏ rơi, đây gọi là ‘trong nhà Phật không xả bỏ bất cứ
người nào’. Chúng sanh tạo tội nghiệp, phỉ báng và sỉ nhục Phật, Bồ Tát, thậm
chí hãm hại các ngài, nhưng các ngài không màng đến, vẫn thương xót chúng sanh,
giảng kinh thuyết pháp vì chúng sanh, đây là lòng đại từ đại bi của chư Phật,
Bồ Tát. Ðời đời kiếp kiếp trong vô lượng kiếp qua vẫn không bỏ rơi chúng
sanh, đây là việc không phải một số người thường có thể làm được, từ điểm này
chúng ta có thể hiểu được ân đức của Phật là bao lớn.
Hàn Quán Trưởng hộ trì chúng ta trong suốt
30 năm, xây dựng nền móng vững chắc cho chánh pháp. Có người nói Hàn Quán
trưởng có công và cũng có lỗi lầm, nhưng theo tôi nghĩ thì bà chỉ có công chứ
không có lỗi lầm chi hết. Nếu quý vị bình tĩnh quan sát kỹ càng thì sẽ biết
công đức của bà vô lượng vô biên. Ðây là một vị Bồ Tát tái lai, thị hiện cho
chúng ta xem, người trong thế gian làm sao biết được?
Trong kinh nói người ở Tây Phương Cực Lạc
thế giới cho dù hạ hạ phẩm vãng sanh đều có ‘thiên
nhãn đổng thị, thiên nhĩ triệt thính, tha tâm biến tri’ (thiên nhãn nhìn suốt,
thiên nhĩ nghe thấu, tha tâm đều biết), năng lực của sáu căn hầu như bằng
với đức Phật A-Di-Ðà, cho nên chúng ta khởi tâm động niệm, ngôn ngữ hành động,
chư Phật, Bồ Tát nhìn thấy rõ rõ ràng ràng. Chúng ta mong cầu vãng sanh thì
khi khởi tâm động niệm, ngôn ngữ hành động nhất định phải tương ứng, phù hợp
với lý luận và phương pháp của sự vãng sanh, điểm này vô cùng quan trọng. Tây
phương Cực Lạc thế giới là ‘Chư thượng thiện nhân câu hội nhất xứ’ (nơi tụ
tập của các người thiện nhất), cho nên chúng ta niệm Phật thì cũng phải tu
‘thượng thiện’. Nếu tâm không thiện, ngôn ngữ không thiện, cho dù một ngày niệm
10 vạn câu Phật hiệu thì cũng không vãng sanh được. Giống như lời của hai
vị tôn giả Hàn Sơn và Thập Ðắc đã nói: ‘Hét
bể cổ họng cũng luống công’ (hai vị này là hoá thân của Văn Thù và Phổ Hiền Bồ
Tát).
2. Nội dung và phương pháp tu hành trong Phật điển
Chúng ta đã phát tâm cứu mình thì cũng phải
[phát tâm] cứu người xung quanh; sự sanh hoạt và tu học nhất định phải đúng như
lý, như pháp, vì vậy phải hiểu rõ nội dung của kinh Phật. Nội dung này có bốn
điểm: ‘Giáo, Lý, Hành, Quả’.
Lời dạy của đức Phật được người đời sau ghi
chép lại thành kinh điển, những ngôn ngữ, văn tự, lời chép trong kinh này gọi
là ‘Giáo’.
Hàm ý chứa đựng trong ‘Giáo’ gọi là ‘Lý’, ‘Lý’ này là lý luận giải thích rõ chân
tướng sự thật của vũ trụ, nhân sinh. Chỉ có đức Phật mới có thể nói rõ những
chân tướng sự thật này vì đây là cảnh giới mà đức Phật [đích] thân chứng
[được], là cảnh giới hiện lượng (đích thật từng trải qua) chứ không phải
do suy đoán, vọng tưởng.
Không những đức Phật nói rõ ràng đạo lý và
sự thật này, Ngài còn dạy chúng ta phương pháp để khế nhập vào cảnh giới của
chư Phật Như Lai, đây tức là ‘Hành’
(phương pháp thực hành).
Noi theo lý luận phương pháp trong kinh
điển mà làm, đạt được sự lợi ích thù thắng, việc này tức là ‘Quả’.
Chúng ta hiểu rõ tính chất của kinh điển
thì mới khâm phục Phật pháp, bái phục đến năm vóc sát đất.
Ðức Phật dạy chúng ta khi tu học phải kiến
lập một khái niệm căn bản, đó là ‘Tín,
Giải, Hành, Chứng’.
‘Tín’
là tin sâu, không nghi ngờ những lời giáo huấn của đức Phật.
‘Giải’
là hiểu rõ, thấu triệt lý luận trong kinh điển.
‘Hành’
tức là làm theo lý luận phương pháp này.
‘Chứng’
tức là đích thân chứng được cảnh giới giống y như chư Phật Như Lai.
Ngày nay chúng ta còn tạo nghiệp, còn vọng
tưởng, còn nói vọng ngôn tức là không hiểu thấu lý luận, không biết được sự lợi
hại nên mới tạo ra những nghiệp tội nặng nề thậm chí hủy diệt Phật pháp, chướng
ngại Phật pháp, làm cho người ta thoái tâm (sụt
lùi).
Phải biết khi gặp nghịch cảnh Thanh Văn,
Duyên Giác, Quyền Giáo Bồ Tát còn có thể thoái tâm; chỉ có Pháp Thân Ðại Sĩ mới
không thoái tâm. Chướng nạn của chúng ta rất nhiều, bao gồm cả trong lẫn ngoài.
Những việc làm của Hàn Quán Trưởng và cư sĩ Lý Mộc Nguyên ở Tân Gia Ba đều là
hành vi của đại Bồ Tát, Pháp Thân Ðại Sĩ. Hàn Quán Trưởng hộ trì chánh pháp
suốt 30 năm vẫn không sụt lùi; luôn luôn không bị ảnh hưởng bởi những lời phỉ
báng, tin đồn, kiếm chuyện phá rối, đều như như bất động và xem như không có
việc gì xảy ra, điều này vô cùng hiếm có, quý báu! Khi Lý cư sĩ gặp phải bất cứ
chướng nạn gì, bất cứ lời hủy báng gì đều không thoái tâm, xây dựng đạo tràng ở
Tân Gia Ba thành một đạo tràng điển hình, gương mẫu. Nếu không phải là hoá thân
của chư Phật, Bồ Tát, Pháp Thân Ðại Sĩ ứng hiện thì không thể làm được. Chúng
ta có được nhân duyên thù thắng này tức là gặp được hộ pháp chân chánh. Cho nên
mặc cho người ta hủy báng, phá hoại, làm gì thì làm, chúng ta đều được sự hộ
trì của chư Phật, Bồ Tát.
Ngày nay Tịnh Tông có thể hoằng truyền khắp
thế giới, những người niệm kinh Vô Lượng Thọ, kinh A-Di-Ðà và tu học theo lý
luận của kinh này theo thống kê một cách bảo thủ thì ít lắm cũng được hơn 20
triệu người. Tịnh Tông có thể đạt được thành tích như vậy là công đức của Hàn
Quán Trưởng, chúng ta uống nước thì phải nhớ nguồn, tri ân báo ân (biết ơn đền ơn). Nếu thiệt thấy rõ,
hiểu thấu thì mới biết đây là Bồ Tát thị hiện, cảnh thuận hay nghịch đều là
tăng thượng duyên (trợ duyên), đều để
thành tựu Phật pháp, thành tựu cho chúng sanh.
Lúc trước thầy Lý nói với tôi muốn thực sự
thành tựu trong việc hoằng pháp lợi sanh, nhất định phải [cư] trú lâu dài tại
một nơi nhất định. Hiện nay chúng ta an tâm lưu tại Tân Gia Ba, toàn bộ nhân
lực, tài lực, vật lực đều tập trung tại đây mới có thể thành lập được một đạo
tràng gương mẫu, tuyệt đối không thể phân tán lực lượng, tinh thần. Cho nên
chúng ta gặp được rất nhiều Bồ Tát ở nơi đó, thiệt đúng là ‘chư thượng thiện
nhân câu hội nhất xứ’ (những người thiện nhất tụ hợp ở một chỗ). Vì mục
đích khuyếch trương nền giáo dục của Phật Ðà, chúng ta dùng thân phận của người
quét dọn, người làm công để làm việc cho đức Phật A-Di-Ðà, chư Phật Như Lai.
Ðừng tưởng là mình đã làm được việc gì cả, tất cả những thứ này đều là Phật, Bồ
Tát an bài, là do chư Phật, Bồ Tát làm nên đấy, chúng ta chỉ bất quá chấp hành
theo mà thôi. Cho nên thầy Lý dạy tôi phải ‘tin Phật’, tin Phật thiệt quá khó.
Nhưng phải tin thiệt nghe!
Trong thời đại
nhiều tai nạn này, con đường duy nhất của chúng ta là niệm Phật cầu sanh Tịnh
Ðộ; dự Phật thất cũng lấy việc này làm mục tiêu. Chúc quý vị Phật thất lần này
được thành tựu viên mãn.
Nhận xét
Đăng nhận xét