DUYÊN KHỞI TÁI BẢN SÁCH ẤN QUANG ÐẠI SƯ GIA NGÔN LỤC
ẤN QUANG ĐẠI SƯ GIA NGÔN LỤC
Bửu Quang Tự Đệ Tử Như Hòa dịch
Cổ đức nói: “Pháp chẳng thể phát khởi một mình, mà cần phải có nhân duyên”. Rõ
ràng là người có thể hoằng đạo, chứ đạo chẳng thể hoằng người, pháp chẳng tự
hoằng, đao chẳng thể tự sát thương, toàn là phải nhờ vào con người hoằng dương,
vận dụng. Nay muốn in hơn ngàn cuốn, ắt cũng phải có nhân duyên. Vì thế, tôi
nay chia ra ba điều duyên khởi để thuật rõ gốc ngọn, ngõ hầu độc giả biết được
một đôi điều, sanh ý tưởng khó gặp gỡ, sanh tâm khánh hạnh[1].
Do Văn - Tư - Tu, khởi Tín, Nguyện, Hạnh, nhập Niệm Phật tam-muội, ai nấy cùng
thấy Di Ðà, người người chứng địa vị Bất Thoái. Ðấy chính là điều tôi thơm thảo
cầu khẩn vậy.
Thứ nhất là thực hiện nguyện cũ. Nhớ
lúc năm Dân Quốc 57 (1968), tôi đến học tại Trung Quốc Phật Giáo Nghiên Cứu
Viện, có dịp đọc được trong thư viện cuốn Ấn Quang Ðại Sư Gia Ngôn Lục, khôn
ngăn vỗ tay, giậm chân, hớn hở vô lượng, nhận thấy đây là một tác phẩm ngàn đời
khó thấy, vạn kiếp khó gặp, chẳng gieo trồng cội đức dễ đâu gặp gỡ, mà nay được
gặp gỡ. Tôi bèn hạ quyết tâm đọc một mạch, không dưới mấy chục lần, ngộ được
chẳng ít Phật lý. Trong tác phẩm này có rất nhiều đạo lý tôi chưa từng bao giờ
biết đến, nhưng có cảm giác vô cùng thân thiết. Tôi nhận ra hết thảy những Phật
pháp được nhắc đến trong Văn Sao đều là những thứ vật báu có sẵn trong nhà
mình, chẳng đến từ bên ngoài, khác nào đếm của cải gia bảo, vói tay liền được.
Nhân đó, tôi đọc đi đọc lại những kinh điển, luận tạng được nhắc đến trong Văn
Sao như Tịnh Ðộ Tam Kinh, Tịnh Ðộ Thập Yếu, Tịnh Ðộ Thánh Hiền Lục, Long Thư
Tịnh Ðộ Văn, Tây Quy Trực Chỉ, Liên Tông Bảo Giám, Niệm Phật Luận, Tịnh Nghiệp
Chỉ Nam v.v... Trong mỗi tác phẩm ấy, câu nào cũng đều là lời vàng, chữ nào
cũng đều quy tông. Tu theo đó thì đều do hữu niệm chứng nhập vô niệm, chuyển
nhiễm niệm thành tịnh niệm, tự chứng tối thượng thừa “tâm này làm Phật, tâm này là Phật”.
Trong cuốn Gia Ngôn Lục, đại sư Ấn
Quang đã giãi bày trọn vẹn lẽ sai biệt giữa Tự Lực và Phật Lực, giới hạn của
Thiền Tông và Tịnh Tông, phân tích rõ ràng, khiến kẻ sơ học đoạn nghi sanh tín,
biết nên lấy, bỏ những gì, dần dần thâm nhập sâu hơn. Tu theo đó, ngàn người
tu, ngàn người được vãng sanh, vạn người tu, vạn người vãng sanh. Nhất là chữ “Tử” (chết) do đích thân đại sư Ấn Quang
viết chính là diệu dược vô thượng để tiêu phiền não, trừ khử vọng niệm. Mọi
loài chúng sanh dựa vào chữ Tử ấy, nghĩ đến địa ngục, phát tâm Bồ Ðề, dùng tín
nguyện sâu xa trì danh hiệu Phật, lâm chung gặp Phật, vãng sanh Tây Phương
chẳng biết là bao nhiêu. Bởi thế, ngay khi ấy, tôi liền phát nguyện rằng:
“Trong tương lai, ngày nào đó, khi có nhân duyên diễn giảng Phật pháp cho đại
chúng, tôi nguyện sẽ đề xướng ấn loát và giảng giải cuốn Gia Ngôn Lục, hòng đại
chúng hiểu rõ yếu nghĩa ‘tâm này làm
Phật, tâm này là Phật, tự tánh Di Ðà, duy tâm Tịnh Ðộ’ mới thôi!” Ðây chính
là nhân duyên thứ nhất vậy.
Thứ hai là kinh nghiệm niệm Phật: Kể
từ khi đọc được Văn Sao Gia Ngôn Lục rồi, tôi thường đọc đi, đọc lại, gần như
thuộc lòng, nhưng vẫn chưa hiểu hết ý nghĩa. Tiếp đó, đọc hai cuốn Văn Sao
thượng hạ, những chỗ chưa hiểu lại đem thỉnh giáo thầy. Tư duy, thọ trì đôi ba
lượt như thế, đem những chữ Tử do Ðại Sư viết dán đầy cả phòng, giờ giờ tự kinh
hãi, khắc khắc tự răn nhắc mình. Lúc ấy tôi mới mười bảy tuổi, suốt ngày chấp
trì danh hiệu, có thể nói là “Phật chẳng
lìa tâm, tâm chẳng rời Phật”. Suốt ngày hiếm khi mở miệng nói năng một đôi
câu. Nếu ai hỏi đến cũng chỉ dùng tay ra hiệu mà thôi. Có lúc thậm chí suốt hai
ba ngày, tôi chẳng mở miệng nói câu nào; bởi thế, thường bị người khác hủy
báng: “Ðồ bệnh thần kinh, đồ ma dựa”. Tôi nghe riết thành quen, chẳng lưu tâm
đến nữa, cho rằng đấy là một đại nhân duyên để tiêu diệt tội nghiệp đời trước
của mình, khiến cho mình càng thêm dũng mãnh, tinh tấn, chẳng lười nhác.
Dụng công như thế mãi đến khi tôi
tốt nghiệp ở Nghiên Cứu Viện vào năm Dân Quốc 59 (1970). Lúc ấy tôi vừa mười
chín tuổi, thân thể yếu đuối, lắm bệnh, nhưng luôn nhớ kỹ lời Ðại Sư khai thị
cho hành giả trong Văn Sao: “Người niệm
Phật chẳng sợ sanh bệnh, chỉ sợ chẳng thể thấy Phật, niệm Phật. Khi thân thể
trở bệnh, thường nghĩ đến cái chết, vạn duyên buông xuống, nhất tâm niệm Phật.
Như thế thì nếu tuổi thọ chưa hết sẽ chóng lành bệnh. Nếu hết tuổi thọ, sẽ mau
được vãng sanh. Là do tâm hợp với Phật, tâm hợp với đạo vậy!”. Do đấy, tôi
lập công khóa nhất định, trong vòng một ngày, Phật sự phải làm là lễ bái bốn
mươi tám nguyện, trì tụng một trăm lẻ tám biến thần chú Ðại Bi, niệm Phật hiệu
vô số. Dụng công như thế suốt một năm, không chỉ thân thể chẳng khỏe hơn, lại
càng thêm hư nhược. Lúc ấy, tôi đang ở chùa Thập Phổ đường Nam Xương tại Ðài
Bắc.
Khéo sao, có một vị pháp sư tên là
Tánh Quán bị ung thư gan đến thời kỳ thứ ba, phải đưa vào bệnh viện. Ít lâu
sau, bác sĩ bảo không còn cách nào chữa được, lập tức xuất viện, đưa sang thiền
đường chùa Lâm Tế chờ chết. Mấy ngày sau, Sư thượng thổ hạ tả[2],
ói ra toàn là máu, được ít lâu thì chết. Khi đó, tôi mới chỉ hai mươi tuổi,
thân thể hư nhược cùng cực, thân như cây khô, tinh thần yếu đuối. Người trong
chùa thấy tình cảnh ấy, không ít người bảo tôi: “Tôi xem thầy chẳng mấy chốc
cũng giống như pháp sư Tánh Quán, nhất định phải chết thôi!” Hoặc bảo: “Tôi xem
thầy chẳng sống được bao lâu nữa!” Lúc ấy đúng là “đạo cao một thước, ma cao một trượng”. Càng phát tâm dụng công thì
ma chướng càng nhiều. Nghe toàn những lời nói như vậy, vạn phần hoảng sợ, chẳng
sao diễn tả nổi! Sau cùng bất đắc dĩ chẳng biết làm sao, suốt ngày chỉ nghe
băng xướng niệm thánh hiệu A Di Ðà Phật của pháp sư Sám Vân để niệm theo, nhất
tâm đợi Phật tiếp dẫn vãng sanh. Suốt một năm như thế, không chỉ chưa vãng
sanh, tình cờ sao, trong một lần đang niệm Phật, niệm đến mức “tâm không, cảnh vắng, tâm tịnh, Phật hiện”,
đích thân cảm nghiệm mùi vị “niệm mà vô
niệm, vô niệm mà niệm”.
Từ đó, thân thể của tôi ngày càng
khang kiện, đem máy cassette tặng cho người khác, đem hết thảy tiền bạc do
chính mình dành dụm hoặc đồ cúng dường của tín đồ, mỗi mỗi đều dùng làm phương
tiện khuyên người khác niệm Phật, phỏng theo cách của Liên Tông Tứ Tổ Pháp
Chiếu Ðại Sư và Ngũ Tổ Thiếu Khang Ðại Sư, xin tiền đem cho trẻ, dụ chúng niệm
Phật, hoặc mua tự điển, bút chì tặng cho trường tiểu học, hoặc mua bút máy, sổ
nhật ký tặng cho học trò bậc cao trung trở lên. Trước hết, dạy chúng lễ Phật,
niệm Phật, rồi mới tặng cho chúng thứ này, thứ nọ. Trong vòng khoảng một cây
số, không có trẻ nhỏ nào chưa từng nhận lãnh sự giáo hóa, bố thí của tôi. Ai
nấy thấy tôi đều kêu lên: “Tiểu sư phụ! A Di Ðà Phật!” Sau hơn một năm như thế,
lớn nhỏ đều biết niệm Phật.
Một hôm, tôi nhận được công văn kêu
đi nhập ngũ[3],
ngày trình diện là mồng Một tháng Năm năm Dân Quốc 63 (1974), trong lòng thầm
nghĩ: “Lần này đi quân dịch, chuyện sanh tử khó lòng đảm bảo, vạn nhất chết
trận thì biết làm sao, chẳng bằng lúc còn sống phải chuẩn bị ổn thỏa thì mới
nên!” Nhân đó, bèn đem bộ Tịnh Ðộ Tùng Thư hai mươi quyển mới mua chưa lâu (lúc ấy, còn đang trong thời kỳ ấn hành,
chưa in xong toàn bộ) tặng cho học trưởng[4]
Truyền Ðạo, đem các tự điển Từ Hải và Khang Hy tặng cho pháp sư Minh Quảng.
Thầy Cố Truyền Thọ có tặng cho tôi một bản Thánh Giáo Tự của Vương Hy Chi, mang
từ Ðại Lục qua, đúng là của báu vô giá, tôi cũng tặng luôn cho bạn đồng học là
Ngộ Khiết. Áo hải thanh và y ca sa tặng luôn cho bạn đồng học là Ngộ Quán. Còn
thì đồ đạc trong ngoài, dù lớn hay nhỏ đều tặng hết cho đại chúng, chỉ còn mỗi
một cái túi da xấu xí là chưa tặng ai cả. Lòng nghĩ nếu như trong quân đội, vạn
nhất mình may mắn bỏ xác cũng là nguyện vọng của mình đã thành đạt. Vì sao vậy?
Vì tôi đã sớm chuẩn bị, nhớ kinh Ðịa Tạng có dạy: “Hết thảy công đức đã làm khi còn sống, đều thọ được hết cả. Nhưng chết
đi, làm hết thảy công đức thì bảy phần chỉ được hưởng một phần”. Cho nên
những điều mình có thể làm được trong khả năng của mình thì đều làm hết. Vì
thế, một hai ngày trước khi nhập ngũ, tôi đem số tiền tín đồ cúng dường là bảy
ngàn đồng, chia thành ba phần: Một phần là năm ngàn đồng tặng cho công trình
xây dựng Tịnh Giác Dục Ấu Viện (viện nuôi
trẻ Tịnh Giác). Một phần là sáu trăm đồng cúng dường cho huynh đệ đồng tu.
Còn tự mình chỉ mang một ngàn bốn trăm đồng đi nhập ngũ mà thôi.
Sau đấy, suốt ba tháng tại trung tâm
huấn luyện, chịu cam khổ như mọi người. Có tháng, tiền chi tiêu chỉ có ba trăm
năm mươi đồng, lại cần phải mua thức ăn chay. Lúc ấy mới hay tiền chẳng đủ
dùng, tiền là trọng yếu. Xong hai năm quân dịch, không chỉ chẳng chết, thân thể
còn càng thêm cường tráng, khang kiện. Thế mới biết công đức Niệm Phật chẳng
thể nghĩ bàn, quả báo cũng chẳng thể nghĩ bàn. Hiện tại, tôi đã giải ngũ hơn
năm năm rồi, phải làm lại hết thảy từ đầu. Muốn mua kinh sách gì, hoặc là thành
lập đạo tràng và những thứ cần dùng hằng ngày, đều hoàn toàn cậy vào sự nỗ lực
của chính mình. Do đó, đến nay đã ba mươi tuổi đầu rồi mới bắt đầu xây dựng đạo
tràng, ngoài việc giảng kinh, thuyết pháp, chẳng quên đề xướng ấn loát bộ Ấn
Quang Ðại Sư Gia Ngôn Lục. Ðấy là nhân duyên thứ hai.
Thứ ba chính là để kết duyên lành.
Kinh dạy: “Lúc chưa thành Phật nên rộng
kết nhân duyên”. Kinh còn dạy: “Phật
đạo kiến lập trên thân chúng sanh. Nếu không có chúng sanh nào để độ thì chư
Phật chẳng thể thành Chánh Giác”. Bởi thế, sau khi giải ngũ, tôi liền đối
trước Phật phát nguyện: “Phàm là ai có lòng muốn học Phật pháp thì nghĩa vụ của
con là phải dạy dỗ họ cho đến khi họ học hiểu mới thôi!”.
Tiếp đó, duyên khởi in cuốn Gia Ngôn
Lục là do cư sĩ Kim Bích Hoa và cư sĩ Ngô Cẩm Hoàng giới thiệu nên tôi được
quen biết cư sĩ Khưu Bính Lân và vợ là cư sĩ Khưu Ngô Sắc. Họ nói trước đây đã
từng học hiểu cuốn Tứ Kinh Hợp Ðính Bổn, hiện tại muốn học Tam Muội Thủy Sám,
xin tôi phát tâm giảng dạy cho họ. Tôi liền đáp: “Ðược”. Lúc đó Ngô cư sĩ và
các tín đồ đang có mặt đều phát tâm muốn học, muốn đến chùa tôi, xin tôi mỗi
một tuần chọn một ngày nhất định đến chỗ họ giảng dạy. Tôi nói: “Trước mắt,
Phật Quang Viện chưa lạc thành, dự định ngày Mười Chín tháng Sáu năm nay, đúng
ngày thành đạo của Quán Thế Âm Bồ Tát sẽ làm lễ khai quang thánh tượng (khéo sao, ngày ấy lại đúng vào Chủ Nhật).
Hiện tại trong Phật Tổ Hội đang tích cực quyên góp. Hội này do hai vị cư sĩ Kim
Bích Hoa và Ngô Bảo Ngọc cùng phát khởi. Một hội chọn ra tên hai người, lần lượt
chia phiên nhau xuất ra năm trăm đồng trong một tháng nào đó, định hạn là hai
mươi tháng, cho đủ một vạn đồng. Trong ấy có người thanh toán trong một lần, có
người chia ra hai lần đóng góp tùy sức mỗi người (mục đích là đại chúng hóa,
phổ biến hóa, để người hữu duyên có cơ hội tham dự công đức đúc kim thân
Phật)”.
Khưu cư sĩ nghe xong liền phát
nguyện đúc tượng Tây Phương Tam Thánh, ngoài ra thì tham gia một hội hoặc hai
hội khác nhau. Kinh nói: “Lục độ vạn
hạnh, bố thí làm đầu, trong các nhiệm vụ cấp bách của việc phát tâm thì hỷ xả
là bậc nhất”. Chúa trời Ðao Lợi xưa làm cư sĩ, trông thấy tượng Phật bị hư
nát không đành lòng, bèn phát tâm rủ rê bè bạn ba mươi hai người, tạo kim thân
Phật. Do nhân duyên ấy, sau khi mạng chung, sanh làm Ðế Thích Thiên Chúa, tục
gọi là Ngọc Hoàng Ðại Ðế. Ba mươi hai người kia, mỗi người làm chúa một cõi
trời, thống trị nhân dân trong nước mình, phước đức, trí huệ vô lượng, được
người đời lễ bái. Do vậy, kính mong chư vị đại đức đều sanh lòng hoan hỷ hớn
hở, phát lòng tùy hỷ, xuất tiền, xuất lực, tam luân không tịch[5],
vô trụ sanh tâm, công đức vô lượng. Nay muốn ấn loát hơn một ngàn cuốn Gia Ngôn
Lục, riêng Khưu cư sĩ đã phát tâm xin in một ngàn cuốn. Ðem công đức này hồi
hướng pháp giới chúng sanh cùng sanh Tịnh Ðộ. Ðấy là nhân duyên thứ ba.
Ba điều duyên khởi vừa lược thuật
trên đây đều nói đúng theo sự thực, chứ chẳng phải là lời thêu dệt, cốt để bày
tỏ những điều ấp ủ trong lòng tôi, nhằm nói lên nguyện lực Phật Di Ðà rộng sâu,
công đức niệm Phật thù thắng, đọc Văn Sao lợi ích vô tận. Chỉ nguyện bậc trưởng
bối xem đến, phát lòng từ bi chỉ dạy, người ngang hàng nghe đến, sanh ý niệm
tham khảo, tùy hỷ. Kẻ vãn bối biết đến, sẽ sanh lòng hỗ trợ, tăng trưởng pháp.
Từ một truyền mười, mười truyền trăm, trăm truyền ngàn, ngàn truyền vạn, cha mẹ
dạy bảo con cái, thầy dạy trò, quan trên dạy bảo cấp dưới, từ gần lan ra xa,
phổ độ hữu tình, chỉ mong mình lẫn người cùng dự trong Liên Trì Hải Hội, chúng
u minh cùng nhập Di Ðà Nguyện Hải, đều thành Chánh Giác, cùng hóa độ chúng
sanh.
Con chỉ mong mười phương Tam Bảo, hộ
pháp long thiên cùng xét soi tấm lòng thành khẩn của con đỏ, cùng rủ lòng từ
mẫn gia bị. Phổ nguyện thập phương thiện tín, chư vị đại đức, đều sanh tâm từ
bi hỷ xả, cùng khởi ý niệm ủng hộ Tam Bảo. Chỉ mong những ai thấy nghe đều phát
Bồ Ðề tâm, hết một báo thân này, cùng sanh về Cực Lạc. Nếu được như thế thì
pháp môn may mắn lắm, chúng sanh may mắn lắm!
Trung Hoa Dân Quốc năm thứ 71
(1982), tháng Giêng âm lịch, tiết Nguyên Tiêu, Bản Kiều Thường Tàm Quý Tăng
Thích Ngộ Tông kính soạn.
[1] Khánh hạnh: Mừng rỡ, nhận biết là mình
may mắn mới gặp được việc gì đó.
[2] Thượng thổ hạ tả: Trên
thì ói, dưới thì đại tiện không kiểm soát được.
[3] Tại Ðài Loan, chư Tăng
không được miễn quân dịch. Toàn bộ tăng sĩ trẻ phải nhập ngũ, thi hành quân dịch
một thời gian trước khi được trở về chùa tu tiếp.
[4] Học trưởng: Lớp đàn anh trong nhà trường.
Ở đây là sư huynh, hoặc những người đã xuất gia trước trong cùng pháp phái.
[5] Tam luân không tịch: Bố thí mà không thấy
mình đang cho, không thấy có người nhận, không thấy có vật được mình bố thí.
Nhận xét
Đăng nhận xét