E. Giác ngộ - Nhìn thấu - Buông xả

NIỆM PHẬT TÂM ĐẠI CÔNG PHU
Nguyên tác: Lão Pháp sư Tịnh Không
(Giác ngộ - Nhìn thấy rỗng toang - buông xuống hết)
1. Nhìn thấu mới buông xả được.
Thông thường hai ngày đầu của Phật thất, tâm [của người tham dự] còn chưa an định, công phu không thể nào đắc lực. Ðến ngày thứ bảy vì Phật thất gần kết thúc, trong tâm lại phóng dật, buông lung trở lại nên cũng không thể đắc lực. Do đó niệm Phật trong 7 ngày, thiệt có thể đắc lực là trong ngày thứ năm và thứ sáu, đây là một hiện tượng rất bình thường.
Nguyên nhân người đời nay niệm Phật không bằng người đời xưa cũng là vì không thể ‘nhìn thấu, buông xả’. Chữ nhìn thấu là trình độ hiểu rõ đối với trạng thái sanh hoạt hiện thực; nếu chúng ta không hiểu rõ, ham mê luyến tiếc thế gian thì đương nhiên sẽ không buông xuống nổi. Cho nên hơn phân nửa những người niệm Phật vãng sanh là người già bảy tám chục tuổi, vì họ nhìn thấy nhiều, từng trải nhiều, biết hết thảy những việc trong thế gian đều là hư ảo không thật, bất luận sinh sống trong cảnh thuận hoặc nghịch, trải qua một thời gian dài thì sẽ chán chường, sinh sống cảm thấy chán ghét, không muốn ở lại thêm nữa, đến lúc này thì buông xuống hết, đây là một yếu tố rất quan trọng. Nếu cảm thấy thế gian này còn rất đẹp đẽ, vẫn còn muốn sống thêm vài năm nữa, thậm chí muốn sống thêm vài chục năm, vài trăm năm nữa, họ buông xả, buông xuống hết không nổi thì công phu làm sao có thể đắc lực cho được! Phật pháp nói đến chuyện giác ngộ tức là giác ngộ việc này.
Chú thích: Buông xả và nhìn thấu là hai việc bổ sung và hỗ trợ lẫn nhau, nếu bạn có thể buông xả một phần thì bạn sẽ nhìn rõ, nhìn thấu thêm một phần; nếu có thể nhìn thấu một phần thì bạn có thể buông xả thêm một phần. Nói cách khác, Bồ Tát từ lúc sơ phát tâm đến lúc thành Phật đạo đều tức là công phu nhìn thấu, buông xả bổ sung và hỗ trợ lẫn nhau.
Trong sáu Ba La Mật, Bát nhã Ba La Mật là nhìn thấu, năm thứ còn lại đều là buông xả:
Bố thí là buông xả tâm tham.
Trì giới là buông xả ác niệm.
Nhẫn nhục là buông xả tâm sân nhuế, đố kỵ
Tinh tấn là buông xả giải đãi, làm biếng.
Thiền định là buông xả tán loạn.
Năm thứ này đều là buông xả, Bát nhã tức là minh bạch, rõ ràng. Cho nên sáu Ba La Mật quy nạp lại tức là 4 chữ: ‘nhìn thấu, buông xả’.
Trích từ “Thái thượng Cảm ứng thiên”, tập 21, 8/6/1999 Trai đường Tịnh Tông Học Hội Tân Gia Ba)
Trong kinh đức Phật dạy chúng ta buông xả là buông xả phiền não, buông xả dục vọng, chứ không phải buông xả công việc làm. Ngược lại còn phải nỗ lực hết lòng làm việc. Nếu cả công việc làm cũng buông xuống thì đức Phật không cần phải giảng kinh thuyết pháp nữa.
2. Hiểu rõ nhân quả không oán hận và hối hận.
Mọi người đều biết chuyện đời vô thường, biết chuyện trong đời không có gì chẳng là nhân duyên quả báo cả, nhưng hiểu không được chắc thật, không cụ thể. Lúc trước lão cư sĩ Ô Dư Khánh đã kể lại một câu chuyện thật. Vào thời kháng chiến [chống Nhật] bắt đầu, cụ ở Thượng Hải quen một thương gia, ông này làm ăn buôn bán rất thuận lợi, có một người con trai duy nhất, người con này rất nghịch ngợm. Một hôm người con đi học mang theo 10 đồng trong túi, làm rớt tờ giấy 10 đồng này trên đường lộ, lúc đó có một người quen đi ngang nhìn thấy nên lượm lên rồi nói chơi với đứa bé: ‘Em kêu tôi bằng Bác thì tôi trả tiền này cho em’. Ðứa bé này trả lời: ‘Nếu ông kêu tôi bằng Bác thì tôi cho ông thêm 10 đồng nữa’. Nghịch ngợm đến như vậy!
Một hôm ông thương gia này ăn mừng sinh nhật và mời rất nhiều bạn bè đến nhà dự tiệc. Hôm ấy ông đột nhiên nhìn thấy gương mặt của đứa bé này và vô cùng kinh ngạc, ngay lúc ấy liền tuyên bố với mọi người hiện diện ông sẽ giao toàn bộ tài sản cho đứa bé. Sau này ông giải thích với bạn bè rằng toàn bộ tài sản của ông vốn là của một người Ðức; lúc trước chiến tranh ông làm việc cho người Ðức này, khi ông chủ trở về Ðức nhờ ông quản lý dùm công ty. Một thời gian sau ông chủ này mất ở bên Ðức và không quay trở lại [Thượng Hải] nữa. Hôm ăn sinh nhật ông đột nhiên nhìn thấy gương mặt của đứa bé hiện ra giống hệt như gương mặt của ông chủ người Ðức, từ đó ông mới biết đứa bé này chính là ông chủ lúc trước (người Ðức) trở lại đầu thai nên ông lập tức trả lại toàn bộ tài sản. Nhờ vậy mà quan hệ cha con mới có thể duy trì.
Ðức Phật nói những người trong nhà như cha con, chồng vợ, anh em đều có quan hệ báo ân, báo oán, đòi nợ, hoặc trả nợ nên mới ở chung một nhà. Ðứa bé này đến là để đòi nợ, nhân duyên quả báo tơ hào chẳng sai. Chúng ta hiểu rõ đạo lý này thì thử nghĩ nếu chúng ta có lỗi đối với người, hiếp đáp người, hãm hại người, nếu người này đầu thai đến nhà chúng ta thì trong tương lai nhất định sẽ làm cho nhà tan cửa nát. Thế nên bất cứ ai trong thế gian đều nhất định không có việc bị thiệt thòi, và cũng không có việc chiếm tiện nghi, lợi dụng người khác được.
Thi ân cho người, giúp đỡ người sẽ nhận được báo đền; hiếp đáp người, dày xéo người, sĩ nhục người, hãm hại người cũng sẽ có báo đền. Nếu sự báo đền này chỉ vừa đúng [không hơn, không kém] thì cũng còn được; nhưng sự báo đền luôn luôn quá đáng, biến thành hận thù oan oan tương báo, đời đời kiếp kiếp không nhường nhịn lẫn nhau, oán hận không bao giờ chấm dứt. Chiến tranh giữa quốc gia này với quốc gia khác cũng như vậy. Tuy dân chúng của hai nước không có oán thù gì với nhau, những người có oán thù chỉ là thiểu số, nhưng nếu họ có quyền lực thì sẽ liên lụy đến rất nhiều người chịu tai họa, tổn hại đến tài sản và sanh mạng của nhiều người, tai hại vô cùng, làm sao có đạo lý không đọa địa ngục cho được? Chúng ta hiểu được đạo lý, hiểu rõ chân tướng sự thật, thì mới biết không nên làm việc này.
Thế nên lục đạo luân hồi chỉ là ân ân oán oán báo đền lẫn nhau mà thôi, chúng ta hiểu được thì sẽ buông xả, biết được thế gian này không vui chút nào. Chư Phật, Bồ Tát nhìn thấy được rõ ràng, chỉ cho chúng ta một con đường quang minh, rộng lớn, đây tức là Ðại thừa Phật pháp, cõi nước chư Phật ở thập phương. Trong pháp Ðại thừa, [các Ngài] lại nói cho chúng ta biết một pháp môn đặc biệt, trong số các cõi nước chư Phật thì cõi Cực Lạc của đức Phật A-Di-Ðà là cõi nước thù thắng tốt đẹp nhất. Không những đức Thích-Ca Mâu-Ni Phật giới thiệu cho chúng ta, trong bản dịch kinh A-Di-Ðà của đại sư Cưu-Ma-La-Thập nói đến sáu phương Phật tán thán; bản dịch kinh A-Di-Ðà của Huyền Trang đại sư nói đến mười phương Phật tán thán. Kinh Vô Lượng Thọ cũng nói đến mười phương Phật tán thán. Hết thảy chư Phật Như Lai đều khuyên chúng ta cầu sanh Tịnh Ðộ Di-Ðà. Chư Phật, Bồ Tát không gạt người, chúng ta đừng nên hoài nghi lời nói của chư Phật, Bồ Tát. Từ xưa đến nay kinh điển được trao truyền từ đời này sang đời khác, đích thực là được phiên dịch từ tiếng Phạn ở Ấn-Ðộ, có người phiên dịch, có nơi chốn phiên dịch, chứng thật những kinh điển này có thể tin được.
Cả đời xưa và đời nay những người chiếu theo phương pháp này tu hành được vãng sanh rất nhiều. Chúng ta quan sát kỹ càng điều kiện của họ, nói chung so với chúng ta thì không khác gì mấy, không tốt hơn chúng ta nhiều lắm. Nhưng quan trọng nhất là họ có lòng tin vững chắc, nguyện vọng khẩn thiết, buông xả hết thảy, chắc thật niệm Phật. Họ đã làm được điểm này, trên phương diện này chúng ta còn rất kém, chúng ta phải nỗ lực học tập theo họ.
3. Dứt ác tu thiện làm lợi ích cho chúng sanh
Ðặc biệt là ở thời đại ngày nay, Thiên Chúa Giáo có lời dự đoán, năm 1999 là năm thế giới tận thế, những lời này làm cho người ta rất lo lắng, kinh sợ. Lời dự đoán nói nếu người ta tiếp tục tạo ác không ngừng, tai nạn này có thể trở thành sự thật; nếu có thể đoạn ác tu thiện, hồi tâm chuyển ý, tai nạn này có thể hóa giải. Câu nói này vô cùng linh động, chẳng cứng rắn (chẳng phải thay đổi không được), và nói rõ quan hệ vẫn nằm trong tay của con người. Tình hình có thể hóa giải nghĩa là tai nạn có thể giảm bớt, trì hoãn đến sau này. Cách nói này hợp tình, hợp lý, hợp pháp, có thể biết họ cũng có trí huệ rất cao. Ðoạn ác tu thiện là việc rất nên làm, [chúng ta] làm không phải là vì muốn tránh tai nạn; không có tai nạn thì cũng phải đoạn ác tu thiện.
Ðoạn ác tu thiện phải bắt đầu từ trong tâm. Tâm của chư Phật, Bồ Tát là tâm thuần thiện, tâm làm lợi ích cho tất cả chúng sanh mà không vì lợi ích cho cá nhân mình. Theo sự quan sát của tôi, Tân Gia Ba ít nhất có mười vị Bồ Tát, thiệt đúng với câu: ‘chư thượng thiện nhân câu hội nhất xứ’. Họ có tâm chân thành, tâm thanh tịnh, tâm bình đẳng, tâm từ bi, niệm niệm vì chánh pháp tồn tại lâu dài, vì lợi ích cho tất cả chúng sanh, làm nên sự cống hiến to tát. Ðời sống của họ tương ứng với Lục Ðộ Ba La Mật, đây là Bồ Tát trụ thế, hóa thân của Bồ Tát. Tuy vai trò của họ không giống nhau, đúng như kinh điển nói ‘cần dùng vai trò gì để độ thì hiện thân đó, cần dùng phương pháp gì để làm lợi ích cho chúng sanh thì họ dùng phương pháp đó’. Tất cả hành động của họ đều giữ tâm của Bồ Tát, hành theo Bồ Tát Ðạo.
Hy vọng [đồng tu ở] Dallas cũng tổ chức phái đoàn đến đó tham học, học hỏi tinh thần và phương pháp của họ, và cũng hy vọng đạo tràng Dallas này có thể biến thành trung tâm Tịnh Tông ở Mỹ. Chúng ta truyền bá Tịnh Tông đến tất cả địa phương có duyên trên thế giới, đây là lời nói trong nhà Phật: ‘Trong nhà Phật không xả bỏ một người nào cả’. Chúng ta cũng phải có hoằng nguyện to lớn của chư Phật, Bồ Tát, toàn tâm toàn lực giúp đỡ các vị đồng tu ở mọi nơi. Xin chúc phúc cho chư vị trong Phật thất được đạo nghiệp tăng trưởng, tín nguyện thành tựu, Phật thất kỳ này sẽ thâu thập được hiệu quả tốt đẹp.

Nhận xét

Bài đăng phổ biến từ blog này