Chương 6: Năm Khoa Mục (tt)_Sáu Nguyên Tắc Hòa Kính

NHẬN THỨC PHẬT GIÁO
Nguyên Tác: Lão Pháp Sư Tịnh Không


II. Sáu nguyên tắc hòa kính

Ba loại tịnh nghiệp là nguyên tắc cơ bản cho cá nhân tu tập, trong khi Sáu nguyên tắc hòa kính (Lục hòa) là nền tảng cho đại chúng tu tập. Tăng già[1] là đoàn thể gồm 4 vị tăng trở lên cùng cư trú tại một nơi và cùng nhau tu tập. Đức Phật chế định sáu điều luật, gọi là Sáu nguyên tắc hòa kính (Lục hòa). Nếu đại chúng tuân theo Sáu nguyên tắc hòa kính nầy, thì mới được gọi là Tăng đoàn, mới gọi là đệ tử Phật. Sáu nguyên tắc đó là:
1. Cùng chia xẻ hiểu biết nhận thức về giáo lý và tu tập (Kiến hòa đồng giải).
2. Cùng sinh hoạt tu tập trong tinh thần giới luật (Giới hòa đồng tu).
3. Cùng chung sống trong tinh thần hòa hợp (Thân hòa đồng trú).
4. Không tranh cãi nhau (Khẩu hòa vô tránh).
5. Cùng chia xẻ những niềm vui, sự an lạc do công phu tu tập (Ý hòa đồng duyệt).
6. Chia đều cho nhau những lợi lạc (Lợi hòa đồng quân).
Bất luận những đoàn thể tu tập là người xuất gia hay cư sĩ đều phải biết rõ và tuân thủ những nguyên tắc nầy:
1.     Cùng chia xẻ hiểu biết nhận thức về giáo lý và tu tập (Kiến hòa đồng giải).
Trong một đoàn thể tu học cần phải có sự chia xẻ những quan điểm về nguyên tắc hay phương pháp tu học, Đây là nền tảng cho sự hòa hợp của đại chúng trong khi tu học.
Một xã hội muốn duy trì được nền tảng, thì các thành viên cần phải sống hòa hợp. Chỉ có hòa hợp mới làm cho chúng ta gần gũi nhau để chia xẻ những quan điểm, tư tưởng, và phương pháp sinh hoạt. Nói cách khác, hòa hợp mới có thể làm giảm thiểu sự cách biệt trong mối quan hệ giữa con người và làm phát sinh sự bình đẳng. Sau đó mới có sự thanh thản và cuối cùng mới đạt được an lạc. Để có niềm an lạc, chúng ta phải có thân tâm thanh tịnh. Nền giáo dục Phật giáo lẫn giáo dục thế gian đều chú trọng vào sự hòa kính. Khổng Tử cũng dạy đệ tử trong Luận ngữ rằng: ‘Cái dụng của lễ, lấy hòa hợp làm quý’.[2]
Cách đây vài năm tôi có dịp sang Bắc Kinh và đến thăm hoàng thành của triều Thanh thời xưa, gồm ba tòa cung điện lớn, người Trung Hoa gọi là Kim Loan điện, nhưng thực tế biển đề ở đó lại ghi là Thái Hòa điện.[3] Phía sau Thái Hòa điện là Trung Hòa điện, phía sau Trung Hòa điện là Bảo Hòa điện. Quý vị nghĩ xem, cả ba tòa cung điện lớn đều có chữ ‘hòa –’. Đế vương triều Thanh đã dùng chữ ‘hòa –’ để trị thiên hạ. Tuy nhiên, đến cuối đời thì trong triều chính lại bất hòa nên mới mất nước. Thế nên ‘hòa –’ là điều cốt yếu để duy trì an lạc hạnh phúc,
Đức Phật Thích-Ca Mâu-Ni truyền dạy nhiều pháp môn nhưng không mong chúng ta phải thử tất cả. Điều cần nhất là phải chọn một pháp môn thích hợp nhất với mình, và cần nhớ rằng chìa khóa nằm ở chỗ tinh chuyên một pháp môn. Thời xưa, Tịnh độ tông tu tập theo Tam kinh nhất luận, ngày nay chúng ta theo Ngũ kinh nhất luận.[4] Ba kinh là Kinh Vô lượng thọ, Kinh Quán Vô lượng thọ, Kinh A-Di-Đà. Luận là Vô lượng thọ kinh Ưu-ba-đề-xá nguyện sinh kệ. Vào giữa niên hiệu Hàm Phong đời Thanh, Cư sĩ Ngụy Nguyên đem phẩm cuối trong Kinh Hoa Nghiêm là Phổ Hiền hạnh nguyện ghép thêm vào thành bốn. Đến thời Dân quốc năm đầu tiên, Ấn Quang Đại sư lấy chương Bồ-tát Đại Thế Chí niệm Phật viên thông trong Kinh Thủ Lăng Nghiêm nhập vào thành năm. Trong sách Tam tự kinh dành cho lớp đồng ấu ở Trung Hoa thời xưa có câu: ‘Giáo chi đạo, quý dĩ chuyên – Đạo lý của giáo dục quý là ở chuyên nhất’. Giả sử có người thích kinh Kinh Vô lượng thọ, trong khi người khác lại thích Kinh A-Di-Đà. Liệu hai nhóm người nầy hòa nhập thành một được chăng? Được nhưng họ không thể hòa hợp trong khi tu tập, vì một nửa sẽ tụng Kinh Vô lượng thọ và nửa kia tụng Kinh A-Di-Đà. Để có một nhóm thống nhất, cần thiết phải có hai đạo tràng riêng biệt.
Điều này giải thích lý do tại sao có rất nhiều đạo tràng mặc dù cùng là Tịnh độ tông, cùng chọn một bộ kinh để tu nhưng lại theo nhiều bộ luận khác nhau, đó là nguyên nhân phải lập nhiều đạo tràng. Như chúng ta cùng tu tập theo Kinh A-Di-Đà, nhưng có người y chiếu theo tinh thần trong bộ Sớ sao của Liên Trì Đại sư để tu học, có người y chiếu theo nội dung bộ Yếu giải của Ngẫu Ích Đại sư. Chuyện như vậy cũng xảy ra khi quyết định niệm danh hiệu Phật như thế nào. Có người thích niệm thong thả ‘Nam mô A-Di-Đà Phật’, trong khi có người thích niệm thật nhanh ‘A-Di-Đà Phật’. Thật là khó cho hai nhóm người nầy hòa hợp khi tu tập. Người tu trong các đạo tràng thời xưa rất dễ thành tựu vì mọi người đều chia xẻ với nhau sự hiểu biết, mục đích và phương pháp tu tập trong cùng pháp môn mà không trái nhau. Không khí ở đạo tràng rất trang nghiêm thanh tịnh khiến mọi người mới đến đều tự nhiên khởi tâm tôn kính.
Không may, tình trạng chung trong các đạo tràng thời nay là giảng dạy nhiều pháp môn pha trộn nhau. Hôm nay mời Pháp sư A đến giảng pháp môn nầy, ngày kia mời Pháp sư B đến giảng pháp môn khác. Mâu thuẫn và xung đột nhau là điều không tránh khỏi. Người tu khó chú tâm tu tập nên ít thành công. Rõ ràng cùng chia xẻ hiểu biết nhận thức về giáo lý và tu tập (kiến hòa đồng giải) là tinh thần cốt yếu trong một đạo tràng.
Nếu mọi người trong một đoàn thể cùng chia xẻ hiểu biết nhận thức, chia xẻ niềm an lạc và những điều quan tâm thì họ duy trì được sự hòa hợp. Trong tăng đoàn cũng vậy. Tuy nhiên, một tăng đoàn cũng có thể bị phân hóa nếu những bất đồng ý kiến sinh khởi. Như vậy sẽ có mâu thuẫn và chẳng ai thành tựu trong tu tập. Nên phải có nhiều pháp môn để đáp ứng cho nhiều người tu tập. Ý nguyện của chư Phật là mong mọi người với nhiều căn cơ, kiến giải khác nhau đều được thành công khi tu tập. Nên nói mọi con đường đều dẫn về một mục đích, mọi pháp môn đều bình đẳng – Thù đồ đồng quy, pháp môn bình đẳng. Đây là lòng từ bi rộng lớn của chư Phật, vì các ngài không bao giờ bắt buộc mọi người chỉ tu tập một pháp môn.
Như chúng ta đã biết trong Kinh Quán Vô lượng thọ, bà Vi-đề-hi bị quá nhiều nỗi khổ ở thế gian nên cầu xin Đức Phật chỉ cho bà nơi nào không có cảnh khổ đau. Thay vì chỉ ngay cho bà Tây phương Cực lạc, Đức Phật giới thiệu cho bà các cõi Phật để bà chọn lựa. Không như chúng ta ngày nay cứ muốn người khác phải theo ý mình, ‘Tôi đã tu pháp môn nầy. Hay lắm. Hãy tu đi!’ Nếu người kia có ý kiến và quan điểm khác biệt thì sẽ đưa đến sự bất hòa trong đạo tràng và điều nầy chúng ta phải đề phòng để tránh. Cách hay nhất để giới thiệu Phật pháp là trình bày phương pháp tu tập và giáo lý Đại thừa rồi để cho mọi người tự chọn pháp môn họ thích.
Những người thích niệm Phật có thể tu tập với nhau, những người thích tu thiền có thể cùng nhau hành trì. Theo cách nầy, mọi người đều có đạo tràng để tu tập và không nhất thiết phải ép buộc người khác phải theo một pháp môn riêng biệt. Mọi pháp môn đều bình đẳng và đều đáp ứng cho mọi nhu cầu, mọi căn cơ và trình độ nhận thức. Mỗi tông phái nên tôn trọng và tán thán tông phái kia. Đây là chân chính thực hành phép hòa kính thứ nhất.
2.     Cùng sinh hoạt tu tập trong tinh thần giới luật
(Giới hòa đồng tu).
Khi chúng ta cùng sinh hoạt tu tập với nhau, cần phải có quy luật vì nếu không thì sẽ rối loạn. Tất nhiên quy luật phải lấy năm giới do Phật chế làm nền tảng. Có nhiều giới luật áp dụng cho cư sĩ, chư Tăng ni và các đạo tràng. Năm giới áp dụng cho cư sĩ, Tăng ni có giới của người xuất gia. Luật pháp và những tập quán địa phương cũng phải được tuân thủ. Tất cả phải được đại chúng bàn bạc và thông qua để thành Thường trụ công ước của tự viện. Một hoặc hai người được cử ra để soạn thảo, rồi trình bày trước đại chúng để thảo luận và quyết nghị. Mỗi thành viên đều phải chấp hành công ước nầy khi đã được đại chúng thông qua. Nếu mỗi thành viên đều tôn trọng và sống đúng tinh thần đó thì sẽ không có bất hòa trong đại chúng, vì mọi người đều bình đẳng, không ai có đặc quyền gì để ban phát cho người khác cả. Như vậy tăng già đích thực là đoàn thể dân chủ, chân thực là những người trì giới thủ pháp.
3.     Cùng chung sống trong tinh thần hòa hợp
(Thân hòa đồng trú).
Mục đích của việc kiến lập đạo tràng là giúp cho mọi người cùng nhau tu tập. Hoàn toàn không phải là giúp cho cá nhân người nào trốn tránh trách nhiệm thế gian. Thật sai lầm khi nghĩ như vậy, đặc biệt từ cái nhìn về các đạo tràng tiếp nhận vật phẩm cúng dường của tín thí. Thực tế là những vật phẩm cúng dường nầy đều phải được hoàn trả, nếu không vào đời nầy thì đời sau. Chung sống trong tinh thần hòa hợp không có nghĩa là mỗi người đều có một phòng riêng. Sống xa xỉ và thuận lợi thì rất khó thành tựu khi tu tập. Sao vậy? Kinh Địa Tạng nói, ‘Mỗi khi chúng sinh ở cõi Diêm-phù-đề móng tâm khởi niệm, không điều gì là không có tội’.[5] Vô lượng kiếp nay chúng ta quá si mê, chắc chắn đã phạm vô số tội nghiệp, chất chồng biết bao thói quen xấu. Trong khi trước mặt mọi người, ta làm ra vẻ có tư cách oai nghi; nhưng khi ở một mình, thì làm mọi điều mình thích, tùy ý tùy tiện, phóng dật, không hợp quy củ.
Để giải quyết việc nầy, đại chúng nên dùng chung phòng ngủ. Giường ngủ trong các tự viện là một cái đơn vừa cho một người nằm. Mền chiếu được xếp gọn như trong trại lính. Sinh hoạt trong tự viện nghiêm túc hơn trong quân đội và tăng ni còn kỷ luật hơn quân đội rất nhiều. Chỉ nhờ sống trong một đạo tràng có kỷ luật như vậy chúng ta mới có thể chuyển hoá tập khí và tu dưỡng theo Ba môn học vô lậu giới, định, huệ. Đây mới chân thực là tu tập.
Tuy nhiên, vẫn còn một số ngoại lệ trong các tự viện. Chẳng hạn, vị trú trì và các vị chấp sự, vì trách nhiệm công việc mà phải có phòng riêng, thường cũng rất nhỏ, để tiện giải quyết công việc hằng ngày mà không phiền đại chúng. Chư tăng ni đã già yếu hoặc bị bệnh cũng cần có phòng riêng. Để thành tựu việc tu tập, việc dùng chung phòng ngủ nầy rất cần thiết, ngay cả trong giai đoạn xã hội phát triển như ngày nay.
4.     Không tranh cãi nhau (Khẩu hòa vô tránh).
Mọi thành viên trong đại chúng cần nhất là đừng tranh cãi. Nhờ vậy họ có thể tập trung tốt nhất vào nỗ lực tu tập. Khi sống chung với nhau, điều thường chung đụng nhất là lời nói, nên khẩu nghiệp là điều dễ phạm nhất. Có câu ngạn ngữ, ‘Bệnh tùng khẩu nhập, họa tùng khẩu xuất’. Hoặc câu, ‘Đa ngôn, đa quá’. Người ăn nhiều thì dễ sinh bệnh. Người nói nhiều tất sẽ có điều sai trái. Đôi khi có sự hiểu lầm phát sinh giữa người nghe có tình ý và người nói lại vô tâm. Cả hai phía đều đem lòng oán hận, về sau không quan hệ với nhau nữa. Đó là lý do mà cổ đức đã dạy, ‘Nói chuyện ít, niệm Phật nhiều’. Càng ít nói, càng ít phiền toái. Hay nhất là chỉ nói khi cần thiết.
Có lần tôi đến Los Angeles giảng kinh, một người bạn nói với tôi về người con của ông ta đang học cao trung, vừa tham dự một khóa thiền thất ba ngày do người Nhật Bản tổ chức. Khi vào đó rồi, không ai được nói chuyện. Chương trình hằng ngày là ngồi thiền từ 8 giờ sáng cho đến 5g30 chiều, rồi từ 7g30 cho đến 9g30 tối. Ngoài ra không làm việc gì khác. Giữ im lặng suốt ba ngày trong một đạo tràng như thế sẽ giúp cho chúng ta tĩnh tâm và thư giãn, Đứa bé rất cảm kích đến nỗi muốn về dự khóa mùa đông dài ngày hơn. Điểm đặc sắc ở đạo tràng đó là khẩu hòa vô tránh.
Thế nên ở nơi đạo tràng mà mọi sự tán gẫu hoặc nói những chuyện tạp nham khác đều bị cấm thì chắc chắn không xảy ra tranh cãi. Hầu như chỉ còn nghe được sự im lặng và tiếng niệm Phật liên tục ‘A-Di-Đà Phật’ ở trên chánh điện. Ở trong các đạo tràng Mật tông đích thực thì tiếng trì chú sẽ không gián đoạn. Hồi tôi mới học Phật được thân cận với Chương Gia Đại sư ba năm, tôi thấy miệng ngài không bao giờ ngưng trì chú ngay cả khi tiếp khách. Ngài chỉ dừng để nói chuyện và khi nói xong, lại tiếp tục trì chú. Phương pháp niệm thầm chỉ nhấp môi là một pháp tu gọi là ‘Kim cang trì’. Chương Gia Đại sư là người chí thiết với pháp tu nầy nhất mà tôi từng gặp. Tâm ngài rất bình thản, không vướng bận chút chấp trước và vọng tưởng. Phương pháp dạy của ngài rất độc đáo, ngài không bao giờ nói một lời cho đến khi nào thấy người nghe chú tâm. Ngài nói rất ít lời trong khi nhìn thẳng vào mắt người nghe. Mỗi lời nói của ngài rất chí lý khiến người nghe không bao giờ quên mà còn nhớ mãi trong lòng suốt đời. Mục đích tu tập của chúng ta là đoạn trừ phiền não và thành tựu được pháp niệm Phật tam muội. Nếu chúng ta không thực hành phương pháp nầy thì rất khó đạt được mục tiêu.
5.     Cùng chia xẻ những niềm vui, sự an lạc do công phu tu tập (Ý hòa đồng duyệt).
Đây chính là hương vị của niềm vui trong khi tu học Phật pháp. Bất luận chúng ta tu tập theo pháp môn nào, thành tựu đạt được trong sự tu tập là niềm vui. Nếu chúng ta thấy không có được niềm vui sau thời gian dài tu học thì chắc chắn là có vấn đề. Nhưng vấn đề không phải do Phật pháp mà ở ngay trong chúng ta. Có thể chúng ta đã làm sai nguyên tắc hoặc chúng ta đã chọn lầm pháp môn. Nếu không, kết quả rất hiển nhiên là chúng ta được tỉnh giác, không còn si mê, thoát khổ và đầy niềm vui.
Trải qua chừng ấy năm tháng, chúng ta sẽ ít ưu phiền hơn trong khi được hưởng niềm vui và tự do càng nhiều hơn. Đây là bằng chứng thành công trong tu học. Nếu không được như vậy, chúng ta cần phải xem xét lại nguyên nhân nào khiến chưa được thành công, tìm ra căn gốc phiền não và tìm cách chuyển hóa chúng là ta sẽ có được lợi lạc từ công phu tu tập.
Tu học Phật pháp là để trải nghiệm trong đời sống và làm thanh tịnh tâm ý. Sự tu học Phật pháp phải phát khởi từ bản tâm một cách thiết tha như là sinh hoạt hằng ngày của mình. Chúng ta dùng tâm nào để tu tập? Đem tâm thanh tịnh mà tu tập. Khi chúng ta đã có chính kiến và chân thật hiến mình cho Phật pháp, bất luận chúng ta gặp hoàn cảnh nào hoặc gặp người thiện người ác, chúng ta đều xem như đó là cơ hội để ta trả nghiệp và gieo trồng hạt giống trí huệ an lành. Cảm giác hỷ lạc tự nhiên sinh khởi trong tâm, như là hương vị của pháp lạc. Nếu chúng ta cùng tu học trong tinh thần hòa hợp, thì mọi người sẽ hưởng được pháp lạc, mọi người sẽ thành tựu.
6.     Chia đều cho nhau những lợi lạc
(Lợi hòa dồng quân)
Thời xưa, những người xuất gia sống đơn giản chỉ ăn một bữa trong ngày. Họ nhận vật phẩm do dân trong làng cúng dường, họ ngủ dưới gốc cây và ngồi thiền suốt thời gian còn lại. Thế nên đạo tràng giống như ngôi trường học để dạy người địa phương tu học Phật pháp. Những người có học thức hoặc những người có tầm nhìn sâu rộng đã đề xướng kiến lập đạo tràng, hoặc là những vị đại phú trưởng giả đem tiền của sức lực dựng nên đạo tràng rồi cầu thỉnh các vị đại đức cao tăng đến để hướng dẫn tu học.
Đạo tràng là nơi truyền dạy Phật pháp, khi đã đến tu học trong đạo tràng, bất luận là thành phần nào, cũng đều bình đẳng thọ nhận các vật phẩm cúng dường. Nếu nguyên tắc nầy được áp dụng cho xã hội thì sẽ không có tâm lý bất bình đẳng vì vậy nên không có sự xáo trộn xã hội. Ở trong đạo tràng, không có một điều nào trong Sáu nguyên tắc hòa kính bị bỏ qua, nếu không thì đó không phải là đạo tràng chân thực. Như người Trung Hoa thường nói, ‘Hòa hợp trong gia đình là nền tảng của mọi hiểu biết’. Cũng vậy, nếu một quốc gia thống nhất, thì không có một thế lực nào thống trị được, vì sức mạnh của sự thống nhất là ưu việt. Do vậy nếu một gia đình, công ty, xã hội hay một quốc gia thực hiện được ba điều trong Sáu nguyên tắc hòa kính: cùng chia xẻ hiểu biết nhận thức về giáo lý và tu tập (Kiến hòa đồng giải), cùng sinh hoạt tu tập trong tinh thần giới luật (Giới hòa đồng tu), chia đều cho nhau những lợi lạc (Lợi hòa đồng quân) thì chắc chắn sẽ được thịnh vượng.
Chúng ta lấy một ví dụ về kinh tế thế giới, trong đó ngoại thương Nhật Bản cực kỳ phát triển sau thế chiến thứ II. Chỉ sau một nửa thế kỷ, mà kinh tế nước nầy được xem là thành công nhất trên thế giới. Tại sao? Vì họ đã thực hiện ba nguyên tắc hòa kính trên.
Nhờ cùng chia xẻ hiểu biết nhận thức về giáo lý và tu tập (Kiến hòa đồng giải), mà tăng đoàn cùng đạt được một nhận thức chung. Nhờ cùng sinh hoạt tu tập trong tinh thần giới luật (Giới hòa đồng tu), mà tất cả đại chúng tu học đều an trú trong giới luật. Nhờ chia đều cho nhau những lợi lạc (Lợi hòa dồng quân), mà mọi người đều cảm thấy rằng mọi việc đều bình đẳng.
Những nguyên tắc hòa kính cũng nên áp dụng trong gia đình như người Trung Hoa thường nói, ‘Hòa hợp trong gia đình là nền tảng của mọi hiểu biết’. Có hôm một học trò tôi hỏi rằng anh ta nên lập gia đình với người như thế nào. Tôi nói: ‘Anh nên tìm người nào có cùng quan điểm với mình và cùng chí hướng với mình. Rồi hai người sẽ cùng giúp đỡ nhau để đạt mục tiêu và sẽ hưởng được hạnh phúc. Anh không nên chỉ dựa vào tình yêu vì tình yêu là hay thay đổi và không đáng tin cậy, nó sẽ phai nhạt đi sau khi cưới nhau vài ba năm vào lúc mà mọi thứ đều thay đổi’. Do vậy một gia đình hạnh phúc là được xây dựng trên nền tảng của Sáu nguyên tắc hòa kính. Nếu không hiểu được điểm nầy, rất khó để có được một gia đình hạnh phúc.


[1] 僧伽 S: saṃgha; p: saṅgha; t: dge-ḥdun
[2] 禮之用, 和為 .
[3] Còn gọi là Tử Cấm Thành; E: Forbidden City.
[4] Ba bộ kinh là: Vô lượng thọ Kinh, 2 quyển. Khương Tăng Khải dịch đời Tào Ngụy. Quán Vô lượng thọ Kinh. 1 quyển, Cương-lương-da-xá dịch vào đời Lưu Tống. A-Di-Đà Kinh, 1 quyển, Cưu-ma-la-thập dịch đời Diêu Tần. Một bộ luận là Vô lượng thọ Kinh Ưu-ba-đề-xá nguyện sinh kệ. Còn gọi là Vãng sanh luận, Tịnh độ luận, Nguyện sinh kệ, Vô lượng thọ Kinh luận; 1 quyển. Thế Thân soạn, Bồ-đề Lưu-chi dịch đời Nguyên Ngụy.
[5] 閻浮提眾生起心動念,無不是罪 – Kinh Địa Tạng.


Nhận xét

Bài đăng phổ biến từ blog này