PHẬT NÓI KINH A-DI-ÐÀ

Hán dịch: nhà Dao Tần, Ngài Tam Tạng Pháp Sư Cưu Ma La Thập dịch.
Việt dịch: HT. Thích Trí Tịnh


CÚNG HƯƠNG
(Thắp 3 cây hương quỳ ngay thẳng, cầm hương ngang trán niệm bài cúng hương cầu nguyện)

Nguyện đem lòng thành kính
Gởi theo đám mây hương
Phưởng phất khắp mười phương
Cúng dường ngôi Tam Bảo
Thề trọn đời giữ đạo
Theo tự tánh làm lành
Cùng pháp giới chúng sinh
Cầu Phật từ gia hộ
Tâm Bồ Đề kiên cố
Xa bể khổ nguồn mê
Chóng quay về bờ Giác
(Xá rồi đọc tiếp bài kỳ nguyện)

TÁN THÁN PHẬT

Đấng Pháp Vương vô thượng
Ba cõi chẳng ai bằng
Thầy dạy khắp trời người
Cha lành chung bốn loài
Quy y tròn một niệm
Dứt sạch nghiệp ba kỳ
Xưng dương cùng tán thán
ức kiếp không cùng tận


QUÁN TƯỞNG

Phật chúng sinh tánh thường rỗng lặng
Đạo cảm thông không thể nghĩ bàn
Lưới đế châu ví đạo tràng
Mười phương Phật bảo hào quang sáng ngời
Trước bảo tọa thân con ảnh hiện
Cúi đầu xin thệ nguyện quy y.


ĐẢNH LỄ

Chí tâm đảnh lễ: Nam Mô Tận Hư Không, Biến Pháp Giới, Quá Hiện Vị Lai, Thập Phương Chư Phật, Tôn Pháp, Hiền Thánh Tăng, Thường Trụ Tam Bảo. (1 lạy)
Chí tâm đảnh lễ: Nam Mô Ta Bà Giáo Chủ Bổn Sư Thích Ca Mâu Ni Phật, Đương Lai Hạ Sanh Di Lặc Tôn Phật, Đại Trí Văn Thù Sư Lợi Bồ Tát, Đại Hạnh Phổ Hiền Bồ Tát, Hộ Pháp Chư Tôn Bồ Tát, Linh Sơn Hội Thượng Phật Bồ Tát. (1 lạy)
Chí tâm đảnh lễ: Nam Mô Tây Phương Cực Lạc Thế Giới Đại Từ Đại Bi Tiếp Dẫn Đạo Sư A Di Đà Phật, Đại Bi Quán Thế Âm Bồ Tát, Đại Thế Chí Bồ Tát, Đại Nguyện Địa Tạng Vương Bồ Tát, Thanh Tịnh Đại Hải Chúng Bồ Tát. (1 lạy)

Chúng con xin chí thành Sám Hối:
Xưa kia gây nên bao ác nghiệp
Đều vì vô thỉ tham sân si
Bởi thân miệng ý phát sanh ra
Hết thảy từ nay xin sám hối


TÁN LƯ HƯƠNG

Kim lư vừa bén chiên đàn
Khắp xông pháp giới đạo tràng mười phương
Hiện thành mây báu kiết tường
Chư Phật rõ biết ngọn hương chí thiền
Pháp thân toàn thể hiện tiền
Chứng minh hương nguyện phước liền ban cho.
Nam Mô Hương Vân Cái Bồ Tát. (3 lần)


CHÚ ĐẠI BI

Nam Mô Đại Bi Hội Thượng Phật Bồ Tát. (3 lần)
Thiên thủ thiên nhãn vô ngại đại bi tâm đà ra ni.
Nam mô hắc ra đát na đa ra dạ da
Nam mô a rị da, bà lô yết đế thước bát ra da, Bồ Đề tát đóa bà da, ma ha tát đóa bà da, ma ha ca lô ni ca da, Án tát bàn ra phạt duệ, số đát na đát tỏa.
Nam mô tất kiết lật đóa y mông a rị đa, bà rô kiết đế thất phật ra lăng đà bà.
Nam mô na ra cẩn trì hê rị ma ha bàn đa sa mế, tát bà a tha đậu du bằng, a thệ dựng, tát bà tát đa na ma bà già, ma phạt đặc đậu, đát điệt tha. Án a bà rô hê, rô ca đế, ca ra đế, di hê rị, ma ha bồ đề tát đóa, tát bà tát bà, ma ra ma ra, ma hê ma hê, rị đà dựng, cu rô cu rô yết mông, độ rô độ rô phạt xà da đế, ma ha phạt xà da đế, đà ra đà ra, địa rị ni, thất phật ra da, giá ra giá ra. Mạ mạ phạt ma ra, mục đế lệ, y hê di hê, thất na thất na, a ra sâm phật ra xá rị, phạt sa phạt sâm, phật ra xá da, hô rô hô rô ma ra, hô rô hô rô hê rị, ta ra ta ra, tất rị tất rị, tô rô tô rô, bồ đề dạ bồ đề dạ, bồ đà dạ, bồ đà dạ, di đế rị dạ, na ra cẩn trì, địa rị sắt ni na, ba dạ ma na ta bà ha. Tất đà dạ, ta bà ha, ma ha tất đà dạ, ta bà ha. Tất đà dũ nghệ thất bàn ra dạ, ta bà ha. Na ra cẩn trì, ta bà ha, ma ra na ra, ta bà ha. Tất ra tăng a mục khê da, ta bà ha. Ta bà ma ha a tất đà dạ, ta bà ha. Giả kiết ra a tất đà dạ, ta bà ha. Ba đà ma yết tất đà dạ, ta bà ha. Na ra cẩn trì bàn già ra dạ, ta bà ha. Ma bà rị thắng yết ra dạ, ta bà ha.
Nam mô hắc ra đát na, đa ra dạ da.
Nam mô a rị, da bà rô kiết đế, thước bàn ra dạ, ta bà ha.
Án tất điện đô, mạn đa ra, bạt đà dạ, ta bà ha. (3 lần)


CHƠN NGÔN TỊNH PHÁP GIỚI
Án lam. (7 lần)

CHƠN NGÔN TỊNH BA NGHIỆP
Án, sa phạ, bà phạ, truật đà sa phạ, đạt mạ sa phạ, bà phạ truật độ hám. (3 lần)

CHƠN NGÔN PHỔ CÚNG DƯỜNG
Án nga nga nẵng tam bà phạ phiệt nhựt ra hồng. (3 lần)


BÀI VĂN PHÁT NGUYỆN

Nam Mô Thập Phương Thường Trụ Tam Bảo (3 lần)
Lạy đấng tam giới tôn
Quy mạng mười phương Phật
Nay con phát nguyện lớn
Trì tụng Kinh A Di Đà
Trên đền bốn ơn nặng
Dưới cứu khổ tam đồ
Nếu có ai thấy nghe
Đều phát Bồ đề tâm
Khi mãn báo thân này
Sanh qua cõi Cực Lạc.
Nam Mô Bổn Sư Thích Ca Mâu Ni Phật (3 lần)


BÀI KỆ KHAI KINH

Phật pháp rộng sâu rất nhiệm mầu
Trăm ngàn muôn kiếp khó tìm cầu
Nay con nghe thấy chuyên trì tụng
Nguyện tỏ Như Lai nghĩa nhiệm mầu.
Nam Mô Liên Trì Hải Hội Phật Bồ Tát Ma Ha Tát (3 lần)



PHẬT NÓI KINH A DI ĐÀ
(Hán dịch, nhà Dao Tần Ngài Tam Tạng Pháp Sư Cưu Ma La Thập dịch)

1. Kỳ Viên Ðại Hội[i]
Ta nghe như vầy: Một thuở nọ Ðức Phật ở nơi vườn Kỳ Thọ, Cấp Cô Ðộc nước Xá-Vệ, cùng với một nghìn hai trăm năm mươi vị đại Tỳ-kheo câu hội. Đều là bậc A-La-Hán mọi người đều quen biết, như là:
Trưởng lão Xá-Lợi-Phất, Ðại Mục-Kiền-Liên, Ðại Ca-Diếp, Ma-Ha Ca-Chiên-Diên, Ma-Ha Câu-Hy-La, Ly-Bà-Ða, Châu-Lợi-Bàn-Ðà-Già, Nan-Ðà, A-Nan-Ðà, La-Hầu-La, Kiều-Phạm-Ba-Ðề, Tân Ðầu-Lư-Phả-La-Ðọa, Ca-Lưu-Ðà-Di, Ma-Ha Kiếp Tân Na, Bạc-Câu-La, A-Nâu-Lầu-Ðà, những vị đại đệ tử như thế.
Và hàng Ðại Bồ Tát, Văn-Thù Sư-Lợi: Pháp Vương Tử, A-Dật-Ða Bồ Tát, Càn-Ðà-Ha-Ðề Bồ Tát, Thường Tinh Tấn Bồ Tát, cùng với các vị Ðại Bồ Tát như thế và với vô lượng chư Thiên như ông Thích-Ðề-Hoàn-Nhơn v.v... đại chúng cùng đến dự hội.[ii]
2. Y Báo Chánh Báo[iii]
Bấy giờ đức Phật bảo ngài Trưởng lão Xá-Lợi-Phất rằng: "Từ đây qua phương Tây quá mười muôn ức cõi Phật, có thế giới tên là Cực Lạc, trong thế giới đó có đức Phật hiệu là A-Di-Ðà hiện nay đương nói pháp".
3. Y Báo Trang Nghiêm
Xá-Lợi-Phất! Cõi đó vì sao tên là Cực lạc? Vì chúng sanh trong cõi đó không có bị những sự khổ, chỉ hưởng những điều vui, nên nước đó tên là Cực Lạc.[iv]
Xá-Lợi-Phất! Lại trong cõi Cực Lạc có bảy từng bao lơn, bảy từng mành lưới, bảy từng hàng cây, đều bằng bốn chất báu bao bọc giáp vòng, vì thế nên nước đó tên là Cực Lạc.[v]
Xá-Lợi-Phất! Lại trong cõi Cực Lạc có ao bằng bảy chất báu, trong ao đầy dẫy nước đủ tám công đức, đáy ao thuần dùng cát vàng trải làm đất. Vàng bạc, lưu ly, pha lê hiệp thành những thềm, đường ở bốn bên ao; trên thềm đường có lầu gác cũng đều nghiêm sức bằng vàng, bạc, lưu ly, pha lê, xa cừ, xích châu, mã não. Trong ao có hoa sen lớn như bánh xe: hoa sắc xanh thời ánh sáng xanh, sắc vàng thời ánh sáng vàng, sắc đỏ thời ánh sáng đỏ, sắc trắng thời ánh sánh trắng, mầu nhiệm thơm tho trong sạch.[vi]
Xá-Lợi-Phất! Cõi nước Cực Lạc thành tựu công đức trang nghiêm dường ấy.
Xá-Lợi-Phất! Lại trong cõi nước của đức Phật đó, thường trổi nhạc trời, đất bằng vàng ròng, ngày đêm sáu thời rưới hoa trời mạn đà la. Chúng sanh trong cõi đó thường vào lúc sáng sớm, đều lấy đãy hoa đựng những hoa tốt đem cúng dường mười muôn ức đức Phật ở phương khác, đến giờ ăn liền trở về bổn quốc ăn cơm xong đi kinh hành.[vii]
Xá-Lợi-Phất! Cõi nước Cực Lạc thành tựu công đức trang nghiêm dường ấy.
Lại nữa, Xá-Lợi-Phất! Cõi đó thường có những giống chim mầu sắc xinh đẹp lạ thường, nào chim Bạch hạt, Khổng-tước, Anh-võ, Xá-lợi, Ca-lăng-tần-già, Cọng-mạng; những giống chim đó ngày đêm sáu thời kêu tiếng hòa nhã. Tiếng chim đó diễn nói những pháp như ngũ căn, ngũ lực, thất bồ đề phần, bát thánh đạo phần v.v... Chúng sanh trong cõi đó nghe tiếng chim xong thảy đều niệm Phật, niệm Pháp, niệm Tăng!
Xá-Lợi-Phất! Ông chớ cho rằng những giống chim đó thiệt là do tội báo sanh ra. Vì sao? Vì cõi của đức Phật đó không có ba đường dữ.
Xá-Lợi-Phất! Cõi của đức Phật đó tên đường dữ còn không có huống gì lại có sự thật. Những giống chim đó là do đức Phật A-Di-Ðà muốn làm cho tiếng pháp được tuyên lưu mà biến hóa làm ra đấy thôi.[viii]
Xá-Lợi-Phất! Trong cõi nước của đức Phật đó, gió nhẹ thổi động các hàng cây báu và động mành lưới báu, làm vang ra tiếng vi diệu, thí như trăm nghìn thứ nhạc đồng một lúc hòa chung. Người nào nghe tiếng đó tự nhiên đều sanh lòng niệm Phật, niệm Pháp, niệm Tăng.
Xá-Lợi-Phất! Cõi nước của đức Phật đó thành tựu công đức trang nghiêm dường ấy.
4. Chánh Báo Vô Lượng Thù Thắng
Xá-Lợi-Phất! Nơi ý ông nghĩ sao? Ðức Phật đó vì sao hiệu là A-Di-Ðà?
Xá-Lợi-Phất! Ðức Phật đó, hào quang sáng chói vô lượng, soi suốt các cõi nước trong mười phương không bị chướng ngại vì thế nên hiệu là A-Di-Ðà.
Xá-Lợi-Phất! Ðức Phật đó và nhân dân của Ngài sống lâu vô lượng vô biên a-tăng-kỳ kiếp, nên hiệu là A-Di-Ðà.[ix]
Xá-Lợi-Phất! Ðức Phật A-Di-Ðà thành Phật nhẫn lại đến nay, đã được mười kiếp.
Xá-Lợi-Phất! Lại đức Phật đó có vô lượng vô biên Thanh Văn đệ tử đều là bực A-La-Hán, chẳng phải tính đếm mà có thể biết được, hàng Bồ Tát chúng cũng đông như thế.
Xá-Lợi-Phất! Cõi nước của đức Phật đó thành tựu công đức trang nghiêm dường ấy.
Xá-Lợi-Phất! Lại trong cõi cực lạc, những chúng sanh vãng sanh vào đó đều là bực bất thối chuyển. Trong đó có rất nhiều vị bực nhất sanh bổ xứ, số đó rất đông, chẳng phải tính đếm mà biết được, chỉ có thể dùng số vô lượng vô biên a-tăng-kỳ để nói thôi!
Xá-Lợi-Phất! Chúng sanh nào nghe những điều trên đây, nên phải phát nguyện cầu sanh về nước đó. Vì sao? Vì đặng cùng với các bậc Thượng thiện nhơn như thế câu hội một chỗ.[x]
5. Nhơn Hạnh Vãng Sanh
Xá-Lợi-Phất! Chẳng có thể dùng chút ít thiện căn phước đức nhơn duyên mà được sanh về cõi đó.
Xá-Lợi-Phất! Nếu có thiện nam tử, thiện nữ nhân nào nghe nói đức Phật A-Di-Ðà, rồi chấp trì danh hiệu của đức Phật đó, hoặc trong một ngày, hoặc hai ngày, hoặc ba ngày, hoặc bốn ngày, hoặc năm ngày, hoặc sáu ngày, hoặc bẩy ngày, một lòng không tạp loạn. Thời người đó đến lúc lâm chung đức Phật A-Di-Ðà cùng hàng Thánh Chúng hiện thân ở trước người đó.Người đó lúc chết tâm thần không điên đảo, liền được vãng sanh về cõi nước Cực Lạc của đức Phật A-Di-Ðà.[xi]
Xá-Lợi-Phất! Ta thấy có sự lợi ích ấy nên nói những lời như thế. Nếu có chúng sinh nào, nghe những lời trên đó, nên phải phát nguyện sanh về cõi nước Cực Lạc.
6. Sáu Phương Phật Ðồng Khuyến Tin
Xá-Lợi-Phất! Như Ta hôm nay ngợi khen công đức lợi ích chẳng thể nghĩ bàn của đức Phật A-Di-Ðà.
Phương Ðông cũng có đức A-Súc-Bệ Phật, Tu-Di Tướng Phật, Ðại Tu-Di Phật, Tu-Di Quang Phật, Diệu Âm Phật; Hằng hà sa số những đức Phật như thế đều ở tại nước mình, hiện ra tướng lưỡi rộng dài trùm khắp cõi tam thiên đại thiên mà nói lời thành thật rằng: "Chúng sanh các ngươi phải nên tin kinh: Xưng Tán Bất Khả Tư Nghị Công Ðức Nhất Thiết Chư Phật Sở Hộ Niệm Này".
Xá-Lợi-Phất! Thế giới phương Nam, có đức Nhật  Nguyệt Ðăng Phật, Danh Văn Quang Phật, Ðại Diệm Kiên Phật, Tu-Di Ðăng Phật, Vô Lượng Tinh Tấn Phật. Hằng hà sa số những đức Phật như thế, đều tại nước mình, hiện ra tướng lưỡi rộng dài trùm khắp cõi tam thiên đại thiên mà nói lời thành thật rằng: "Chúng sanh các ngươi phải nên tin kinh: Xưng Tán Bất Khả Tư Nghị Công Ðức Nhất Thiết Chư Phật Sở Hộ Niệm Này".
Xá-Lợi-Phất! Thế giới phương Tây, có đức Vô Lượng Thọ Phật, Vô Lượng Tướng Phật, Vô Lượng Tràng Phật, Ðại Quang Phật, Ðại Minh Phật, Bửu Tướng Phật, Tịnh Quang Phật. Hằng hà sa số những đức Phật như thế, đều tại nước mình, hiện ra tướng lưỡi rộng dài trùm khắp cõi tam thiên đại thiên mà nói lời thành thật rằng: "Chúng sanh các ngươi phải nên tin kinh: Xưng Tán Bất Khả Tư Nghị Công Ðức Nhất Thiết Chư Phật Sở Hộ Niệm Này".
Xá-Lợi-Phất! Thế giới phương Bắc, có đức Diệm Kiên Phật, Tối Thắng Âm Phật, Nan Trở Phật, Nhựt Sanh Phật, Võng Minh Phật. Hằng hà sa số những đức Phật như thế, đều tại nước mình, hiện ra tướng lưỡi rộng dài trùm khắp cõi tam thiên đại thiên mà nói lời thành thật rằng: "Chúng sanh các ngươi phải nên tin kinh: Xưng Tán Bất Khả Tư Nghị Công Ðức Nhất Thiết Chư Phật Sở Hộ Niệm Này".
Xá-Lợi-Phất! Thế giới phương dưới, có đức Sư Tử Phật, Danh Văn Phật, Danh Quang Phật, Ðạt-Mạ Phật, Pháp Tràng Phật, Trì Pháp Phật. Hằng hà sa số những đức Phật như thế, đều tại nước mình, hiện ra tướng lưỡi rộng dài trùm khắp cõi tam thiên đại thiên mà nói lời thành thật rằng: "Chúng sanh các ngươi phải nên tin kinh: Xưng Tán Bất Khả Tư Nghị Công Ðức Nhất Thiết Chư Phật Sở Hộ Niệm Này".
Xá-Lợi-Phất! Thế giới phương trên, có đức Phạm Âm Phật, Tú Vương Phật, Hương Thượng Phật, Hương Quang Phật, Ðại Diệm Kiên Phật, Tạp Sắc Bửu Hoa Nghiêm Thân Phật, Ta-La Thọ Vương Phật, Bửu Hoa Ðức Phật, Kiến Nhất Thiết Nghĩa Phật, Như Tu-Di Sơn Phật. Hằng hà sa số những đức Phật như thế, đều tại nước mình, hiện ra tướng lưỡi rộng dài trùm khắp cõi tam thiên đại thiên mà nói lời thành thật rằng: "Chúng sanh các ngươi phải nên tin kinh: Xưng Tán Bất Khả Tư Nghị Công Ðức Nhất Thiết Chư Phật Sở Hộ Niệm Này".[xii]
Xá-Lợi-Phất! Nơi ý của ông nghĩ thế nào, vì sao tên là kinh: Nhứt Thiết Chư Phật Sở Hộ Niệm?
Xá-Lợi-Phất! Vì nếu có thiện nam tử, thiện nữ nhân nào nghe kinh này mà thọ trì đó, và nghe danh hiệu của đức Phật, thời những thiện nam tử cùng thiện nữ nhân ấy đều được tất cả các đức Phật hộ niệm, đều được không thối chuyển nơi đạo Vô thượng chánh đẳng chánh giác.
Xá-Lợi-Phất! Cho nên các ông đều phải tin nhận lời của Ta và của các đức Phật nói.
Xá-Lợi-Phất! Nếu có người đã phát nguyện, hiện nay phát nguyện, sẽ phát nguyện muốn sanh về cõi nước của đức Phật A-Di-Ðà, thời những người ấy đều đặng không thối chuyển nơi đạo Vô Thượng Chánh Ðẳng Chánh Giác; nơi cõi nước kia, hoặc đã sanh về rồi, hoặc hiện nay sanh về, hoặc sẽ sanh về.
Xá-Lợi-Phất! Cho nên các thiện nam tử thiện nữ nhân nếu người nào có lòng tin thời phải nên phát nguyện sanh về cõi nước kia.
7. Thuyết Kinh Rất Khó
Xá-Lợi-Phất! Như ta hôm nay ngợi khen công đức chẳng thể nghĩ bàn của các đức Phật, các đức Phật đó cũng ngợi khen công đức chẳng thể nghĩ bàn của Ta mà nói lời nầy: "Ðức Thích-Ca Mâu-Ni Phật hay làm được việc rất khó khăn hi hữu, có thể ở trong cõi Ta Bà đời ác năm món trược: kiếp trược, kiến trược, phiền não trược, chúng sanh trược, mạng trược trung, mà Ngài chứng được ngôi Vô Thượng Chánh Ðẳng Chánh Giác, Ngài vì các chúng sanh nói kinh pháp mà tất cả thế gian khó tin này".
Xá-Lợi-Phất! Phải biết rằng Ta ở trong đời ác ngũ trược thật hành việc khó này: đặng thành bậc Vô Thượng Chánh Giác và vì tất cả thế gian nói kinh pháp khó tin này, đó là rất khó![xiii]
Ðức Phật nói kinh này rồi, ngài Xá-Lợi-Phất cùng các vị Tỳ-kheo, tất cả trong đời: Trời, Người, A-tu-la, v.v... nghe lời của đức Phật dạy, đều vui mừng tin nhận đảnh lễ mà lui ra.
Hết


[i] Ông Cấp Cô Ðộc Trưởng Giả mua khu vườn của ông Kỳ Ðà Thái Tử, con vua Ba-Tư-Nặc, nước Xá Vệ. Thái tử cúng luôn rừng cây trong đó, rồi hai người chung sức nhau dựng Tịnh Xá dể thỉnh Phật cùng chúng hội về ở. Do đó nên hiệp cả hai tên của hai người để đặt tên chốn ấy mà gọi là Kỳ Thọ Cấp Cô Ðộc Viên vậy. Ðệ tử của đức Phật rất đông, không phải chỉ có 1.250 người, nhưng vì 1.250 vị Ðại A-La-Hán nầy là những vị được Phật độ trước và theo hầu cận bên Phật luôn, nên trong kinh thường ước lược nói số đó.
[ii] A-Dật-Ða là tên của đức Di-Lặc Bồ Tát. Càn-Ðà Ha-Ðề Bồ Tát là ngài Bất-Hưu-Tức Bồ Tát. Thích-Ðề Hoàn-Nhân là tên của Ðế Thích, vua cõi trời Ðao Lợi.
[iii] - Y báo là chỗ nương ở, nhà cửa, ao rừng v..v.. gọi chung là cõi nước, trong đây y báo là nước cưc lạc. - Chánh báo là quả báo chánh thể, tức là loài người, trời, chim thú..v..v.. trong đây chánh báo là đức Phật A-Di-Ðà cùng Bồ Tát, Thanh Văn ..v..v..
[iv] Cõi nước ta đương ở đây gọi là Ta Bà có không biết bao nhiêu điều khổ lụy, nào tam khổ, bát khổ.. Trái lại, bên cõi Cực lạc chỉ thuần có những điều vui sướng, nào tam lạc, bát lạc...
Khổ Ở Cõi Ta Bà
Tam Khổ:
  1. Khổ khổ: mang thân sắc người nặng nề, nhơ uế, sống nay chết mai nầy đã khổ lắm rồi, mà trên cái khổ đó lại còn chồng thêm không biết bao nhiêu là sự khổ khác nữa, như già, bệnh, đói khát, nóng rét..v..v..
  2. Hoại khổ: vô thường biến đổi, thân mạng như chỉ mành, tang thương xây chuyển, như sương đầu cỏ.
  3. Hành khổ: trong mỗi niệm, tâm tưởng, biến chuyển luôn không ngừng.
Bát Khổ:
  1. Sanh khổ: ở thai bào tối tăm nhơ uế, lọt lòng khổ trăm bề.
  2. Lão khổ: lụm cụm già nua, mắt mờ tai điếc, trí lãng, lưng mỏi, gối dùn, mặt nhăn đầu bạc..
  3. Bệnh khổ: đau rên bứt rứt, nhức nhối xót xa, ngồi nằm không yên, đi đứng không được.
  4. Tử khổ: ngộp mệt, lộn tròng, méo miệng, chuyển xương, gân rút..
  5. Cầu bất đắc khổ: lợi danh không toại, muốn phước trở mang họa, cầu thọ mà yểu vong..
  6. Ái biệt ly khổ: cốt nhục phân tán, sanh biệt tử ly...
  7. Oán tắng tội khổ: oan gia, đối đầu, cừu thù gặp gỡ..
  8. Ngũ ấm xí thạnh khổ: thân tâm dời đổi biến diệt, phút phút chẳng dừng, như ngọn lửa phừng phừng không khác..
Vui Ở Cực Lạc
Tam Lạc:
  1. Lạc trung lạc: thân cùng độ đều thù thắng, thân nhẹ, cõi xinh, ấm no, khương kiện...
  2. Bất biến hoại lạc: thân mạng trường tồn, cõi nước không thiêu diệt...
  3. Bất động trí lạc: định huệ dung thông, chánh tri bất động...
Bát lạc:
  1. Sanh Lạc: thác chất liên hoa, thanh tịnh hóa sanh..
  2. Vô lão lạc: mãi mãi trẻ trung, không già không yếu...
  3. Vô bịnh lạc: hằng hằng khương kiện, không bệnh, không đau yếu...
  4. Vô tử lạc: thọ mạng vô cùng, trường sanh bất diệt...
  5. Toại nguyện lạc: tùy ý quả toại, y thưc tự nhiên...
  6. Vô ái biệt ly lạc: bạn lành hải chúng, thân cận không rời..
  7. Vô oán tắng hội lạc: thuần là Thượng-Thiện-Nhân, đồng tâm xứng ý..
  8. Vô ngũ ấm thạnh lạc: thân tâm thanh tịnh, thường trụ không dời..
Không đâu khổ bằng Ta Bà, không đâu vui bằng Cực Lạc, vì thế mọi người nên nhàm lìa chốn Ta bà mà nguyện về chốn Cưc Lạc.
[v] Bốn báu: vàng, bạc, lưu ly, pha lê. Trong đây nói bốn báu mà chính là gồm bảy báu: vàng ,bạc, lưu ly, pha lê, xà cừ, xích châu, và mã não. Trong Quán Kinh nói: hoặc có thứ cây thuần bằng vàng, hoặc có thứ cây thuần bằng bạc..v..v.. hoặc có thứ cây thân vàng lá bạc, nhánh lưu ly..v..v.. - Dầu bằng chất thất bửu chớ vẫn là cây sống, cũng như cây bên này bằng chất gỗ.
[vi] Trong đây nói đất là chỉ thuận theo tiếng nầy mà gọi thế, chớ chính thật cõi cực lạc thuần bằng chất vàng.. Tuyệt không có thứ đất bùn cát sỏi. - Tám công đức của nước trong ao bên Cực Lạc:trong sạch, nhẹ nhàng, mát mẻ, ngon ngọt, đượm thuần, êm đềm hòa huỡn, uống vào hết đói khát, và bổ khỏe thân tâm.
[vii] Người nước Cực Lạc đều có thần túc thông, trong nháy mắt có thể đi trải qua vô lượng thế giới. Ði kinh hành là đi vòng quanh chậm rãi, vừa đi vừa suy gẫm tưởng niệm những pháp lành. Phật, Pháp và Tăng... Ði kinh hành có hai điều lợi ích: (1) Thâu nhiếp tâm tưởng vào chánh niệm, phục trừ tà niệm loạn tưởng cùng biếng lười ngủ nghỉ, và (2) điều hoà thân thể, huyết khí lưu thông, tiêu hóa dễ dàng.
[viii] Tinh, tấn, niệm, định, huệ: người tu hành có năm đức nầy thời vững chắc trên đường đạonhư cây có rễ nên gọi là ngũ căn (cội rễ). Nếu tất cả cảnh duyên không thể khuấy rối làm lay động được, thời năm đức trên gọi là ngũ lực (sức mạnh). Thất Bồ Ðề Phần cũng gọi là Thất giác chi (7 đức giác ngộ) là Trạch pháp, Niệm, Tinh tấn, Hỉ, Khinh an, Ðịnh, và Xả. Bát Thánh Ðạo Phần là Chánh kiến, Chánh tư duy, Chánh ngữ, Chánh nghiệp, Chánh mạng, Chánh tinh tấn, Chánh niệm, và Chánh định. Ở trong cõi Ta bà nầy, những loài chim nhiếp thuộc vào súc sanh đạo, một ác đạo trong lục đạo, do ác nghiệp tội khiên mà chiêu cảm ra khổ báo ấy. Chim bên Cực Lạc thời khác hẳn, không phải là giống vật do tội báo cảm vời sanh ra, mà do thần lực của đức A-Di-Ðà biến hóa ra để làm cho pháp âm được lưu chuyển khắp trong nước.
[ix] Ðoạn nầy là đức Phật tự định danh nghĩa của ba đức A-Di-Ðà, vì có hai điều vô lượng: (1) Vô lượng quang, (2) Vô lượng thọ, nên đức Phật bên nước Cực Lạc hiệu là A-Di-Ðà.
[x] A-bệ-bạt-trí (Phạn âm) Hán dịch là bất thối chuyển, vào bực này thời một mực đi trên đường Thánh thẳng đến thành Phật, không còn bị thối sụt xuống phàm phu hay Tiểu thừa nữa. Tất cả mọi người được sanh về cõi Cưc Lạc đều vào bực bất thối cả, trong hàng bất thối lại có vô số bậc nhứt sanh bổ xứ Bồ Tát (vì Bồ Tát chỉ còn là Bồ Tát trong một đời hiện tại, mãn đời hiện tại thời thành Phật, như hiện nay đức Di-Lặc Bồ Tát ở cung trời Ðâu Suất nội viện là bậc Nhứt sanh bổ xứ Bồ Tát vậy). Các bậc Thượng thiện nhân là chỉ các bậc Nhứt sanh bổ xứ Bồ Tát.
[xi] Cõi Cực Lạc thù thắng trang nghiêm, phải có nhiều căn lành phước đức mới được sanh về đó. Niệm Phật được nhất tâm bất loạn thời là thành tựu căn lành phước đức rất lớn, đến khi lâm chung đức Phật A-Di-Ðà cùng Quán Thế Âm Bồ Tát, Ðại Thế Chí Bồ Tát ..phóng quang đến rước, quyết định đặng sanh cõi Cưc Lạc. - Niệm Phật không còn móng tưởng gì khác, không có mảy may thinh sắc gì khác xen vào, vững vàng không xao động gọi là nhứt tâm bất loạn.
[xii] Người tu Tịnh Ðộ phải có đủ ba điều: Tín (tin thật), Hạnh (chuyên tâm niệm Phật) và Nguyện (thiết tha muốn được sanh về cõi Cưc Lạc) Trong ba điều nầy, lòng tin đứng trước cả mà cũng là nền tảng của tất cả căn lành vì thế nên chư Phật ở sáu phương đồng khuyên bảo, cho mọi người sanh lòng tin chắc chắn quyết định.
- Hằng hà sa số: là số cát sông Hằng. Sông Hằng là con sống lớn bên Thiên Trúc, nguồn từ dãy núi Hi Mã, chảy ngang xứ Thiên Trúc, đổ vào Ấn Ðộ Dương. Lòng sông và hai bên bãi có cát rất nhiều và rất mịn. Ðương thời đức Phật thường nói pháp gần bên sông, nên phàm khi muốn chỉ một số lớn quá nhiều thời mượn số cát trong sông Hằng mà nói.
- Tướng lưỡi rộng dài biểu tượng của sự thành thật. Trong kinh nói người nào chót lưỡi liếm đến đầu mũi, thời người ấy trong ba đời đã qua không hề có một lời nói dối. Lưỡi dài liếm đến đầu mũi còn như thế, huống nữa là rộng dài trùm khắp cả thế giới?
- Một thái dương hệ là một tiểu thế giới. Một nghìn tiểu thế giới là một tiểu thiên thế giới. Một nghìn tiểu thiên thế giới là một trung thiên thế giới. Một nghìn trung thiên thế giới là một thế giới trải qua ba lần nhân cho số nghìn, nên gọi là Tam thiên đại thiên thế giới [1 tiểu thế giới x 1.000 x 1.000 x 1.000 = Ðại thiên thế giới].
- Ðại thiên thế giới của ta ở đây tên là Ta Bà dịch là Kham khổ ngụ ý rằng trong cõi nầy có vô lượng sự thống khổ, mà chúng sanh trong đó vẫn kham chịu được.
[xiii] Ngũ Trựơc: (1) Kiếp trược: kiếp là chỉ cho thời đại, thời gian. Trong thời đại nào mà có các món trược dưới đây thời là thời đại đục nhơ. (2) Kiến trược: Những điêu mê chấp, tà kiến, điên đảo... (3) Phiền não trược: Các tâm niệm bất thiện như tham, sân, si, mạn bất tín... (4) Chúng sanh trược: Năm ấm (sắc, thọ,) hiệp hội sanh diệt chẳng dừng. (5) Mạng trược: Số thọ rất ngắn, sống nay chết mai, mạng sống trong hơi thở. Bốn món trên đây tánh cách nhiễu não, sai lầm, biến đổi vô thường nên gọi là trược (nhơ đục).

Nhận xét

Bài đăng phổ biến từ blog này