VI. PHẬT HỌC VẤN ĐÁP
Ý NGHĨA CHÂN THẬT CỦA 'BỔN NGUYỆN NIỆM PHẬT'
Nguyên tác: Lão Pháp sư Tịnh Không
Nguyên tác: Lão Pháp sư Tịnh Không
Hỏi: Sư
phụ nói Ðạo An pháp sư bị người ta gạt, đã biết rõ ràng nhưng vẫn còn để người
ta gạt …, nếu người đó lấy tiền này đem làm chuyện xấu như cờ bạc, vậy thì Ðạo
An pháp sư đã bố thí và làm một việc tốt hay phải gánh trách nhiệm nhân quả vì
đã làm một việc ác? A-Di-Ðà Phật.
Ðáp: Câu hỏi này rất hay. Không thể nghĩ rằng người gạt tiền
này sẽ làm việc gì tốt, nhưng sẽ cũng không làm việc gì xấu, lão pháp sư biết
rất rõ như vậy nên ngài thị hiện ‘chiêu’
này cho chúng ta xem nhằm cho chúng ta biết: cho dù bị gạt thì chúng ta cũng
phải để người ta gạt. Nguyên nhân là gì? Tại sao người đó gạt mình mà không gạt
người khác? Chắc có lẽ đời trước mình thiếu nợ người này. Khi bạn trả cho họ
hết rồi, nghiệp nhân này không còn thì họ sẽ không gạt bạn nữa, phải biết đạo
lý này. Nếu người đó lấy tiền đi làm việc xấu thì mình sẽ không đưa cho họ, nếu
không phải làm chuyện xấu, không gây trở ngại gì cho xã hội đại chúng, chỉ vì
lợi ích cá nhân của họ thì mình nên đưa cho họ, đây là nhân duyên quả báo mà!
Tại sao họ dùng thủ đoạn này? Chắc trong đời quá khứ mình cũng đã dùng cách này
để gạt họ! Bây giờ họ dùng cách này để đòi lại. Vì vậy nên ‘một miếng ăn,
miếng uống gì cũng đều đã định sẵn’, tự mình phải hiểu rõ ràng minh bạch.
Ðây là trí huệ.
Hỏi: Vị
đồng tu này nói ông chuyên vẽ hoa sen, vừa vẽ hoa vừa niệm Phật, hy vọng là sẽ
không bị bịnh khổ lúc qua đời, có cần làm thêm phương pháp nào nữa hay không,
hoặc có cần thay đổi thái độ tu học hay không?
Ðáp: Vẽ
hoa sen, mỗi ngày tưởng Phật, niệm Phật, như vậy rất tốt. Nếu hy vọng tương lai
vãng sanh có thể dự biết ngày giờ ra đi, không bị bịnh khổ thì là một chuyện
khác hẳn. Tại sao người ta có thể ra đi một cách tự tại? Vì nghiệp chướng của
họ đã tiêu trừ. Nếu nghiệp chướng của bạn chưa tiêu trừ hết, lúc lâm chung
sẽ có bịnh khổ, chúng ta phải biết chuyện này.
Làm thế nào để tiêu trừ hết nghiệp chướng?
Phải phá sạch ngã chấp thì sẽ tiêu trừ hết
nghiệp chướng. Bất cứ việc gì đặc biệt là
những chuyện tiếp xúc với đại chúng, ‘không
nên chấp trước thành kiến của mình’, phải biết ‘tuỳ duyên’. Chỉ cần việc này không có chướng ngại quá mức thì tuỳ
duyên được rồi, đừng chấp trước vào thành kiến của mình.
Luôn luôn nghĩ mình phải tiêu trừ nghiệp
chướng. Phải quét sạch hết thảy vọng tưởng, phân biệt, chấp trước, đặc biệt là
những thứ ‘thị - phi, nhân - ngã, tham,
sân, si, mạn’, trong tâm chẳng sanh lên những tâm niệm này thì bạn sẽ có
thể tự tại vãng sanh. Nếu còn những thứ thị - phi, nhân - ngã, lợi - hại, được
- mất, tham, sân, si, mạn thì rất phiền phức, cho dù bạn tu được giỏi cách mấy
thì đến lúc lâm chung cũng nguy hiểm như thường, vẫn không nắm chắc [có thể tự
tại vãng sanh]. Bạn hãy xem hễ những người nào ra đi rất tự tại, có tự tin, tâm
địa thanh tịnh, họ thiệt là mảy trần chẳng nhiễm! Ðừng nói thế pháp phải buông
xả, ngay cả Phật pháp cũng phải buông xả hết, các bạn phải biết chuyện này
nghe!
Hiện nay tôi đã lớn tuổi rồi, không còn mấy
năm nữa đâu, cho nên tôi quản lý đạo tràng hay không? Quý vị muốn tôi quản lý
tôi cũng không nhận, quý vị muốn làm sao cũng được, nếu quý vị làm được hoàn
hảo thì tốt! Làm không được hoàn hảo thì quý vị phải gánh trách nhiệm nhân quả,
đối với tôi không liên can gì hết! Hết thảy thế pháp và Phật pháp đều phải
buông xuống hết, tôi chăm sóc cho quý vị, thương mến quý vị, khuyến khích quý
vị nhưng tuyệt đối không chất chứa những thứ này trong tâm; nếu chất chứa những
chuyện này của quý vị trong tâm thì tôi không thể thanh tịnh, quý vị phải thể
hội kỹ càng việc này, trong tâm phải thong dong tự tại, hết thảy pháp thế gian
và xuất thế gian phải làm theo kinh Kim Cang: ‘Pháp còn nên xả, huống chi là
phi pháp’. Chữ pháp đầu tiên là Phật pháp. Xả Phật pháp không có nghĩa là
kêu quý vị không làm nữa, vẫn cứ làm hằng ngày, ‘xả’ là xả bỏ trong tâm, trong tâm chẳng có phân biệt, chấp trước,
lo âu, trong tâm nhất định phải thanh tịnh. Phải làm việc nhưng làm việc không
gây trở ngại cho tâm thanh tịnh, như vậy mới đúng.
Hỏi: Mỗi ngày đều đến đạo tràng làm công quả, như vậy có kể
là ‘quảng doanh chúng vụ’ (rộng lo các việc của đại chúng) hay không?
Ðáp: Không sai, đúng là ‘quảng
doanh chúng vụ’. Nếu bạn xem rõ ý nghĩa trong kinh điển, thâm nhập thêm một
tầng, mỗi ngày đến đạo tràng làm công quả nhưng trong tâm dường như không có
việc này thì đó chẳng là ‘quảng doanh
chúng vụ’, đó là tích lũy công đức, như vậy thì sẽ khác hoàn toàn. Nếu nghĩ
việc làm công quả ở đạo tràng thành công việc của mình, phân biệt đây là đạo
tràng của mình, kia là đạo tràng của người khác, mình nhất định phải làm sao để
vượt hơn họ, như vậy thì bạn đã ‘quảng doanh chúng vụ’ rồi. Nếu bạn làm nhưng
giống như không làm thì bạn tích lũy công đức, đúng như câu nói: ‘sai một ly trật đi ngàn dậm’. Thế nên
bạn phải thể hội một cách kỹ càng những lời Phật dạy trong kinh, đừng hiểu sai.
Chư Phật, Bồ Tát ứng hóa trong thế gian giống
như đức Phật Thích-Ca Mâu-Ni giảng kinh thuyết pháp ròng rã bốn mươi chín năm,
không hề nghỉ ngơi! Ngài có ‘quảng doanh chúng vụ’ hay không? Nếu Ngài giữ tâm
niệm ‘Phật pháp cao minh hơn hết thảy
ngoại đạo, tôi phải hàng phục ngoại đạo, tôi phải xuất chúng, mọi người trên
thế giới đều phải làm đệ tử của tôi’, thế thì Ngài đã ‘quảng doanh chúng vụ’. Thái độ của người ta là ‘làm mà dường như không làm’, không làm
mà làm. Trong kinh Kim Cang đức Phật Thích-Ca nói cả đời Ngài chẳng nói một câu
nào, chẳng nói một chữ nào, ai nói ‘Phật thuyết pháp’ tức là báng Phật. Chẳng
nói một câu pháp nào cả, [nhưng đã] nói suốt bốn mươi chín năm, đây gọi là ‘nói mà không nói’. ‘Nói’ là từ bi, lo
lắng, thương mến, giúp đỡ hết thảy chúng sanh; ‘không nói’ nghĩa là trong tâm
đích thật chẳng khởi tâm động niệm, chẳng có phân biệt, chấp trước. Từ trong
nội tâm của Ngài thì một chữ cũng chẳng nói.
Vậy thì tại sao [Ngài] lại giảng đạo? Ðó là
vì hết thảy chúng sanh cảm ứng đạo giao. Nếu bạn còn chưa hiểu thì hãy lấy thí
dụ cái khánh, chúng ta gõ một cái thì nó sẽ vang lên âm thanh, gõ mạnh một cái
thì nó sẽ kêu lớn hơn. Bạn sẽ hỏi: nó có vang lên âm thanh không? Nếu nói nó
vang lên âm thanh thì không gõ nó cũng phải vang lên âm thanh chứ! Chư Phật, Bồ
Tát thuyết pháp lợi sanh giống như các bạn làm công quả, cũng giống như cái
chuông cảm ứng đạo giao; khi nào họ cần thì mình giúp đỡ họ, bản thân mình
chẳng khởi tâm động niệm, chẳng phân biệt, chấp trước, như vậy mới là tích lũy
công đức. Nếu mình làm xong bèn nghĩ là mình có công đức, vậy thì bạn đã ‘quảng doanh chúng vụ’, bạn đã khởi tâm
động niệm rồi. Lúc khởi tâm động niệm trong tâm của bạn đã có tướng tôi, tướng
người, tướng chúng sanh, tướng thọ giả, đã có tham, sân, si, mạn; đó tức là
‘quảng doanh chúng vụ’, phải lắng lòng thể hội việc này.
Hỏi: Trong đời mạt pháp người tại gia dễ thành tựu hơn người
xuất gia, nên nhìn và suy nghĩ như thế nào đối với vấn đề tại gia và xuất gia?
Ðáp: Ðích thật trong đời mạt pháp người tại gia tu hành dễ
thành tựu hơn người xuất gia. Tôi nghĩ quý vị cũng đã nhìn thấy sự thật này,
nguyên nhân ở chỗ nào? Ý nghĩa giống như câu hỏi phía trước. Vì phạm vi sanh
hoạt tiếp xúc của người tại gia chẳng rộng, thân bằng quyến thuộc cũng không
nhiều, cho nên tâm của họ dễ thanh tịnh hơn. Một khi xuất gia rồi, xuất cái nhà
nhỏ xong lại đi vào một cái nhà lớn; có gia đình nào của quý vị thường có đông
người tụ hợp lại như vầy không? Xuất gia rồi thường hội họp với mọi người, bàn
bạc chuyện tốt của nhà họ Trương, chê bai chuyện của nhà họ Lý, chuyện bận tâm
quá nhiều, như vậy làm sao tâm định được! Cho nên người xuất gia tu hành khó
hơn người tại gia.
Ðặc biệt là ngày nay xuất gia rất phiền phức,
bị những chuyện thực tế bắt buộc, đạo tràng to lớn thì chi phí nhiều, làm thế
nào để có đủ tiền trang trải phí tổn sinh hoạt? Cho nên chẳng thể không tìm đủ
mọi cách để lôi kéo tín đồ, tìm đủ phương pháp để moi tiền trong túi của tín đồ
bỏ vào túi của mình, đây gọi là ‘hòa thượng không bày vẽ, cư sĩ chẳng lại cúng
kiếng’. Mỗi ngày đều phải làm những chuyện này, đây là sai lầm, đúng như lời
của đức Phật nói trong kinh: ‘quảng doanh
chúng vụ’, tạo ra vô lượng tội nghiệp, tự bản thân của họ chẳng hiểu, bị
bắt buộc phải làm như vậy. Cho nên xuất gia tu hành khó hơn tại gia, người tại
gia sẽ không tạo ra những tội nghiệp này. Trong đạo tràng Tịnh Tông của chúng
ta, tôi khuyên tứ chúng đồng tu, bất kể tại gia, xuất gia tuyệt đối không được
lôi kéo tín đồ, tuyệt đối không thể xin tín đồ một đồng xu nào cả, [được vậy]
tâm của bạn mới thanh tịnh; đừng tổ chức pháp hội, đừng làm những chuyện này,
hãy ‘thật thà, chắc thật niệm Phật’.
Khi đạo tràng niệm Phật hết tiền rồi, không đủ để chi tiêu thì phải làm thế
nào? Cứ việc tiếp tục niệm Phật đợi vãng sanh, thế gian này không đáng cho
chúng ta lưu luyến. Vậy thì thong dong tự tại biết bao? Rất đúng như pháp!
Nếu Phật pháp cần bạn ở đây hoằng dương thì
chư Phật, Bồ Tát tự nhiên sẽ đến hộ pháp. Cả đời tôi đều là như vậy, đây là lời
của Chương Gia đại sư dạy tôi, tôi đạt được lợi ích từ [lời dạy] của lão nhân
gia. Năm đó tôi mới hai mươi mấy tuổi, theo thầy học Phật, thầy dạy tôi: ‘Phát
tâm chân chánh vì Phật pháp, dâng hiến cả đời cho Phật pháp, dâng hiến cho
chúng sanh, hết thảy mọi việc của con đều có Phật, Bồ Tát lo lắng, chăm sóc
cho’. Cho nên cả đời tôi chẳng phải bận tâm, cũng đã xây dựng được vài đạo
tràng, lấy tiền ở đâu để xây? Tôi cũng chẳng biết. Tôi cũng chẳng quyên góp
tiền bạc gì hết, đều là tự động [có người] đem cho, cho vừa đủ để xây dựng đạo
tràng, không dư đồng nào, thiệt là không thể nghĩ bàn!
Giống như đạo tràng ở Mỹ xây dựng lớn như
vậy, là do Phật, Bồ Tát xây chứ đâu phải do tôi xây. Ở Ðài Loan chúng tôi xây
mỗi đạo tràng đều là tự tự nhiên nhiên hình thành, chẳng có quyên góp gì hết.
Hội Phật Ðà Giáo Dục Cơ Kim cũng là do người ta đến tìm và muốn tặng cho tôi,
tôi cũng bán tín bán nghi, còn nghĩ họ sẽ thêm điều kiện gì nữa, [tôi] hỏi: ‘Có thiệt là ông tặng luôn phải không, chẳng
có ý định đòi lại phải không?’. Ổng nói: ‘Ðúng vậy’. Tôi mới tổ chức Tài Ðoàn Pháp Nhân, kiếm luật sư làm
giấy tờ, tương lai nếu chúng tôi không dùng tài sản này nữa, hết thảy quyền sở
hữu sẽ thuộc về quốc gia, không thuộc bất cứ cá nhân nào, ổng sẽ không thể nào
lấy lại được. Sạch sẽ, gọn gàng! Chúng ta làm sao phải suy nghĩ, lo lắng về
những chuyện này hoài cho được?
Vì vậy nên người xuất gia phải làm gương tốt,
có đức hạnh, học vấn, tu trì chân chánh, thì bạn nhất định sẽ được rất nhiều
người tôn kính, mọi người sẽ cúng dường cho bạn, vậy thì bạn còn bận tâm gì
nữa! Nếu bạn sợ không có người cúng dường thì bản thân bạn có vấn đề, có khuyết
điểm, là vì bạn làm chẳng đúng như pháp! Nếu làm đúng như lý, như pháp thì Tam
Bảo gia trì, long thiên hộ pháp cúng dường thì khỏi phải cầu người ta. Nếu phát
tâm xuất gia bạn phải hiểu sứ mạng của người xuất gia là ‘hoằng pháp độ sanh’. Trong kinh thường dạy: ‘Thọ trì, đọc tụng,
diễn thuyết cho người biết’. ‘Diễn’
là biểu diễn, phải diễn ra một hình tướng cho xã hội đại chúng thấy, làm một
gương tốt. ‘Thuyết’ là khi người ta
có thắc mắc đến hỏi bạn, bạn phải giải thích rõ ràng cho họ, đây là công việc
của người xuất gia. Người tại gia hộ trì, nhất định như vậy; hộ trì đều là
phát xuất từ lòng tự nguyện của họ, là họ có khả năng này, tuyệt đối không được
miễn cưỡng. Nếu nói hội viên của Tịnh Tông Học Hội chúng ta mỗi năm phải đóng
mười đồng tiền lệ phí thì tôi cũng không tán thành; tại sao vậy? Mỗi năm bạn
tạo ra áp lực cho người ta [bắt họ đóng] mười đồng, chuyện này không tốt. Vì
vậy nên Hoa Tạng Ðồ Thư Quán chúng tôi mãi cho đến bây giờ vẫn chẳng lập ra
điều lệ này, nguyên nhân chính là vậy.
Chính phủ có quy định một điều luật nếu bạn
muốn thành lập một hội cơ kim thì nhất định phải có hội viên đóng góp, hội viên
nhất định phải đóng một số tiền mỗi tháng. Chuyện này trái ngược với Phật pháp;
bất kể người ta chịu hay không, nếu viết [trên giấy tờ] như vậy thì sẽ tạo nên
áp lực cho người, tôi không chịu làm những chuyện này. Cả đời chúng ta không
nên tạo ra áp lực cho người thì họ sẽ không đem quả báo này cho chúng ta -
không tạo áp lực cho chúng ta, vậy thì chúng ta sẽ được tự tại. Trồng nhân gì
thì sẽ được quả báo đó, nhất định phải hiểu chuyện này. Nếu luận trên việc tu
hành và chứng quả thì tại gia và xuất gia chẳng khác gì hết, hoàn toàn giống
nhau.
Hỏi: Phật pháp lấy từ bi làm bổn hoài nên người xuất gia
không mang giày da, vậy thì tại sao trong chùa còn dùng trống làm bằng da?
Ðáp: Bạn không phải là người đầu tiên hỏi câu này, người xưa
đã hỏi rồi, cũng có điển tích nữa. Nhà Phật lấy: ‘từ bi làm gốc, phương tiện
làm cửa’, lúc nãy nói người đó ‘noi theo lý trí chứ không noi theo cảm tình’.
Nếu vậy thì người xuất gia có thể mặc áo choàng bằng lông không? Ðược. Có khai
duyên. Người trên bảy mươi tuổi, thể lực yếu đuối thì có thể, đây gọi là khai
duyên. Vì họ phải giữ gìn thân thể và dùng thân mình để phục vụ đại chúng, đây
cũng là từ bi; da của những động vật này được cúng dường cho pháp sư, pháp sư
lại đem cúng dường đại chúng, như vậy những động vật này cũng có công đức! Cùng
chung một đạo lý, tuy trống này làm bằng da bò, con bò này đã tạo tội nghiệp
đọa làm súc sanh, nó rất may mắn, da nó được đem làm trống để trong chùa, trống
được dùng để cảnh tỉnh đại chúng, công đức vô lượng!
Tuy giới luật Phật pháp rất nghiêm túc, điều
luật nào cũng có khai duyên, đều không phải chết cứng, quý vị phải biết điểm
này. Thí dụ rượu, rượu là giới trọng, giới căn bản. Lúc tôi còn trẻ vừa mới học
Phật và chưa xuất gia, có một lão hòa thượng trên bảy mươi tuổi rất thích uống
rượu, tôi thường đến đạo tràng làm công quả nên ngài thường mời tôi ở lại dùng
cơm, cũng không cấm kỵ gì hết, mỗi bữa cơm lão hòa thượng đều uống một ly rượu,
tôi thấy và rất thắc mắc nhưng chẳng dám hỏi. Sau này đến học với thầy Lý ở Ðài
Trung, tôi bèn hỏi thầy. Thầy Lý nói: ‘Ðây là khai duyên, người lớn tuổi thân
thể không khỏe, ly rượu này giúp cho huyết mạch trong thân thể được tuần hoàn’.
Hiểu được đạo lý này thì đó chẳng gọi là phá giới mà gọi là khai duyên.
Nếu bạn còn trẻ, thân thể rất khỏe mạnh mà
uống rượu thì đó gọi là phạm giới. Hai việc này chẳng giống nhau! Phải không?
Nếu bạn bị bịnh, thân thể không khỏe, cần những thứ này để giúp thể lực của bạn
thì được. Vì vậy tuy giới luật trong Phật pháp rất chặt chẽ nhưng mỗi điều luật
đều có khai duyên, đều không phải cứng chắc, như vậy mới biết Phật pháp rất ‘dễ thương’ - hợp tình, hợp lý, chẳng
phải đặt ra rồi không thể nào biến đổi, vô cùng uyển chuyển.
Hỏi: Chúng con là phàm phu chẳng có trí huệ, có thể thỉnh sư
phụ bàn về xu thế, chiều hướng xã hội biến hóa từ đây về sau. Thí dụ nói về Ðài
Loan, Ðại lục và hải ngoại, vân vân. Chúng con là Phật giáo đồ tại gia phải nên
làm thế nào? Làm sao tu hành?
Ðáp: Tôi nói với quý vị: ‘Chắc
thật niệm Phật là tốt rồi, đừng để ý đến chuyện thiên hạ’. Tôi chẳng coi
báo, chẳng coi truyền hình, chẳng nghe radio, người ta hỏi tôi [về chuyện gì
thì tôi trả lời] – thiên hạ thái bình, chẳng có chuyện gì xảy ra hết! Bạn xem
đời sống của tôi sung sướng biết mấy! Quý vị đang sống trong thời loạn, [ngược
lại] tôi sống trong thời thái bình, chúng ta đồng thời sinh sống trên quả địa
cầu này, nhưng hoàn cảnh sinh hoạt xã hội của chúng ta chẳng giống nhau, hoàn
cảnh của tôi thì an lành, thái bình, hoàn cảnh của quý vị là loạn ly, lộn xộn.
Tại sao bạn sống trong thời loạn? Mỗi ngày đều coi báo, nghe tin tức, đó là tự
các bạn chọn lấy mà!
Hỏi: Vì con đã làm nhiều việc ác cả nửa đời người, và làm tổn
hại đến vợ, bây giờ vợ con trách và không chịu tha thứ, tuy con có ý niệm Phật
và ăn năn nhưng vẫn chẳng đủ để chuộc tội, thậm chí vợ con gây trở ngại cho
việc niệm Phật, xé rách kinh sách, con phải làm thế nào để chuộc lại lỗi lầm?
Và làm thế nào để niệm Phật cầu sanh Tịnh Ðộ?
Ðáp: Bạn hiểu việc này tức là đã giác ngộ, sau khi giác ngộ
thì phải nhẫn chịu hoàn cảnh trước mắt, ráng làm cho được ‘hết thảy đều tùy
duyên’, giữ gìn cho tâm mình được thanh tịnh, bình đẳng, giác ngộ, đây tức là
chơn chánh tiêu nghiệp chướng. Phải biết cách tùy thuận, bà phá hoại tượng Phật
mặc kệ, xé rách kinh sách cũng mặc kệ, nhất định đừng để ý, đừng bận tâm, tự
mình chắc thật niệm Phật. Nếu bả phản đối bạn niệm Phật thì niệm thầm trong
tâm, đừng niệm ra tiếng, hết thảy đều phải tùy thuận, nếu nhanh thì trong vòng
nửa năm sẽ có thể thấy hiệu quả; nếu chậm thì nhiều nhất là ba năm hoàn cảnh
này của bạn sẽ biến chuyển trở lại, nhất định sẽ được Tam Bảo gia trì. Nếu
không nhẫn nhịn, cả đời bạn sẽ chẳng thể nào giải quyết vấn đề này, Phật, Bồ
Tát cũng chẳng giúp gì được, điều này rất quan trọng.
Hỏi: Việc chăn gối giữa vợ chồng, có phải người học Phật,
niệm Phật chẳng cần việc này? Phải chăng không thể có quan hệ tình dục giữa nam
nữ ngoài phạm vi vợ chồng?
Ðáp: Ðức Phật dạy chúng ta sự tham ái giữa nam nữ là cội gốc
của sanh tử luân hồi trong lục đạo. Kinh Lăng Nghiêm nói rất tường tận, nếu
chẳng đoạn tâm niệm này thì nhất định sẽ chẳng thoát ra khỏi luân hồi. Nếu bạn
nghĩ đến nỗi khổ trong lục đạo luân hồi thì tâm bạn sẽ đề cao cảnh giác. Bạn có
muốn thoát ra khỏi lục đạo luân hồi ngay trong đời này không? Vấn đề thực tế
này được đặt ra: Bạn có chịu tiếp tục trôi lăn trong lục đạo luân hồi hay
không? Hoặc là chịu vượt thoát ngay trong đời này? Cơ hội vượt thoát này vô
cùng quý báu, hiếm có, thiệt là trong vô lượng kiếp khó gặp được một lần, đời
này chúng ta may mắn gặp được là một nhân duyên hết sức hiếm hoi, khó được, nếu
bạn có thể cắn chặt răng, nhịn một chút thì sẽ thoát luân hồi; nhịn chịu chẳng
được thì phải biết nỗi thống khổ này [to lớn vô cùng], đây là tội nghiệp.
Ðặc biệt là quan hệ tình dục giữa nam nữ
ngoài phạm vi vợ chồng, đây là việc phá hoại luân lý, phá hoại đạo đức xã hội,
pháp luật cũng chẳng cho phép. Trong Phật pháp gọi là ‘tánh tội’, cộng thêm pháp luật thế gian, tội này quá lớn, quá
nặng, chẳng đáng! Vì vậy phải suy nghĩ kỹ càng, bình tĩnh cân nhắc vấn đề này.
Nếu không thể giải quyết vấn đề này thì bất luận bạn tu học pháp môn nào cũng
chẳng thể thành tựu, việc này rất thực tế.
Trong Mật Tông có ‘Pháp Song Tu’ đây là sự thật, chẳng phải giả. Chúng ta có thể học
hay không? Nếu chúng ta học thì chẳng ai không đọa địa ngục A Tỳ cả! Ðây là một
thường thức chúng ta phải biết! Thế thì tại sao pháp sư Mật Tông học xong chẳng
đọa địa ngục? Trên thực tế họ đọa hay chẳng đọa địa ngục chúng ta không biết,
chúng ta cũng không cần lo cho người khác, hãy suy nghĩ tự mình có công phu đến
mức này hay không?
Nói một cách đúng đắn thì Mật Tông chẳng phải
là pháp môn để cho phàm phu chúng ta tu học, kinh luận nói với chúng ta đến lúc
nào mới học Mật? Ðến Bát Ðịa Bồ Tát. Ðó là cảnh giới gì? Bát Ðịa Bồ Tát còn gọi
là Bất Ðộng Ðịa, nghĩa là chẳng kể ở trong cảnh giới nào, họ có thể có ‘sự’
nhưng chẳng có ‘tâm’, tâm của họ cũng xem như chẳng có việc đó. Họ có thể trong
những việc này nhưng chẳng khởi tâm, chẳng động niệm, chẳng phân biệt, chẳng
chấp trước, dường như chẳng có việc gì xảy ra; nếu bạn có thể làm vậy được thì
không sao cả; nếu trong hoàn cảnh này bạn vẫn còn một chút xíu tham ái thì bạn
sẽ đi trình diện ở địa ngục A Tỳ. Mọi người nhất định phải hiểu điểm này, phải
xét xem tự mình có công phu đến mức này hay chăng, không phải nói giỡn chơi
đâu.
Khi tôi bắt đầu học Phật, vị thầy đầu tiên
của tôi là Chương Gia đại sư, thầy dạy tôi: ‘Mật
pháp là pháp tối thượng thừa trong Phật pháp’. Sau này tôi đọc kinh Hoa Nghiêm
mới biết đây là cảnh giới của Ðịa Thượng Bồ Tát,[1] là môn tu của Pháp Thân đại sĩ, chẳng phải của người
thường! A La Hán, Bích Chi Phật, Bồ Tát, Phật (Phật ở đây là Tạng Giáo Phật, Thông Giáo Phật trong tông Thiên Thai)
trong thập pháp giới đều không thể học, họ vẫn chưa đến trình độ này. Tuy họ
chẳng còn chấp trước nhưng còn phân biệt; có phân biệt thì còn tạo nghiệp và
đọa lạc. Thiệt có thể làm đến chẳng phân biệt, chẳng chấp trước, chẳng vọng
tưởng thì mới được. Kinh Hoa Nghiêm nói ‘lý sự vô ngại, sự sự vô ngại’,
pháp giới chẳng có chướng ngại. Ngày nay khi có người khen mình vài câu thì
mình rất vui vẻ; mắng mình vài câu thì mình rất khó chịu, thế là hỏng rồi! Vậy
thì đây chẳng phải là cảnh giới của mình, mình vẫn còn chướng ngại! Khi người
ta mắng bạn vài câu, tại sao bạn nổi giận đến vài ngày? Chẳng phải là bạn có
chướng ngại hay sao? Nếu có chướng ngại thì chẳng thể học, không chướng ngại
mới học được. Thế nên chúng ta phải hiểu đạo lý này, nhất định chẳng thể làm sự
việc này, phải biết đây chẳng phải là cảnh giới của mình mà là cảnh giới của
Ðại Bồ Tát.
Hỏi: Nếu mình niệm Phật nhưng vợ (hay chồng mình) chẳng niệm, vả lại còn phá hoại sự niệm Phật, thậm
chí xé rách kinh sách, trong trường hợp như vậy phải làm thế nào?
Ðáp: Việc này lúc nãy chúng tôi đã nói qua rồi, mặc kệ họ,
đừng để ý đến họ, tự mình nhất quyết đừng thoái chuyển, phải biết đây là nghiệp
chướng của mình hiện lên, hãy chắc thật niệm Phật, niệm đến lúc tâm địa của
mình thanh tịnh, bình đẳng thì nghiệp chướng sẽ tiêu trừ hết. Bạn phải có thể
cảm hóa được họ.
Nhận xét
Đăng nhận xét