Ngày Thứ Nhất: Giảng Niệm Phật, Ăn Chay Là Căn Bản Để Hộ Quốc Tức Tai
ẤN QUANG ĐAI SƯ KHAI THỊ LỤC
Bửu Quang Tự Đệ Tử Liên Hương dịch
Bửu Quang Tự Đệ Tử Liên Hương dịch
Ấn Quang vốn là một ông Tăng vô tri, vô thức, chỉ biết
đến cơm cháo, chỉ biết niệm Phật dăm câu, tuy sống luống uổng hơn bảy mươi năm,
nhưng tuyệt chẳng hề triệt để nghiên cứu Phật pháp. Pháp hội Hộ Quốc Tức Tai[1] lần này, do các vị kèo nài tham gia, vì tình nghĩa chẳng
thể khước từ được. Vả lại, đây là chuyện quan hệ đến phước lợi quốc gia mà cũng
là trách nhiệm tôi phải tận lực nên tôi chẳng nề hà mình hiểu biết sơ sài, kém
cỏi đến dự pháp hội này. Nhưng những điều tôi giảng hôm nay trọn chẳng phải là
lý luận cao sâu gì, chỉ là trình bày phương pháp căn bản để “hộ quốc tức tai”.
Còn về ý nghĩa quan trọng của pháp hội lần này, đợi tới ngày mai sẽ bàn đến.
Mục đích của pháp hội lần này là hộ quốc tức tai, nhưng
làm sao mới đạt được mục đích ấy? Tôi cho rằng phương pháp căn bản là Niệm Phật
vì sát kiếp và hết thảy tai nạn đều do ác nghiệp của chúng sanh chiêu cảm. Nếu
ai nấy đều niệm Phật thì sẽ xoay chuyển được nghiệp này. Nếu chỉ có một ít
người niệm Phật thì [nghiệp ấy] cũng có thể giảm nhẹ. Pháp môn Niệm Phật tuy là
vì cầu sanh Tịnh Ðộ, liễu thoát sanh tử mà lập ra, nhưng sức tiêu trừ nghiệp
chướng của nó quả thật cũng cực kỳ lớn lao. Người chân chánh niệm Phật trước
hết ắt phải giữ vẹn luân thường, tận hết bổn phận, ngăn dứt lòng tà, giữ lòng
Thành, đừng làm các điều ác, vâng làm các điều thiện. Cần nhất là phải hiểu rõ
nhân quả, tự hành, dạy người [hành]. Hiện tại, các thứ tà thuyết không thánh,
không hiếu, khinh miệt đạo, phế luân thường, giết cha, chung vợ v.v… đều do bọn
Tống Nho đả phá, bài xích nhân quả - luân hồi đến nỗi sanh ra ác quả này. Nếu
như ai nấy đều hiểu rõ nhân quả thì quyết chẳng một ai dám xướng lên những
thuyết sai lầm ấy! Trong thế gian, người tốt hoàn toàn chẳng biến đổi rất ít,
kẻ xấu hoàn toàn chẳng biến đổi cũng rất ít; đa số là kẻ lúc thượng, lúc hạ,
khi tốt, khi xấu, cho nên giáo hóa là điều khẩn yếu nhất vậy. Khổng Tử nói: “Duy thượng trí dữ hạ ngu bất di” (Chỉ có bậc thượng trí và kẻ hạ ngu là chẳng
thay đổi). Chỉ cần ra sức giáo hóa thì sẽ có thể khiến cho con người đổi ác
theo lành, buông dao đồ tể, ngay lập tức thành Phật chẳng sót một ai! Chỉ là do
nơi con người tin tưởng, nghĩ nhớ, tận lực mà hành đấy thôi. Sở dĩ xã hội Trung
Quốc hiện thời loạn lạc rối ren đến mức như thế này đều là do không được giáo
hóa; nhưng giáo hóa phải bắt đầu từ lúc còn thơ ấu như thường hay nói: “Giáo phụ sơ lai, giáo nhi anh hài” (Dạy con từ thuở còn thơ, dạy vợ từ thuở ban
sơ mới về). Nếu thuở nhỏ chẳng dạy, đến lúc lớn, khó lòng lay chuyển được!
Vì sao? Tập tánh (thói quen) đã
thành, không cách chi thay đổi được. Vì thế, người niệm Phật cần phải chú ý
giáo dục con cái mình trở thành người tốt, giữ tấm lòng tốt, nói lời tốt, làm
việc tốt. Nếu ai cũng làm được như thế thì tai nạn tự tiêu, đất nước cũng tự
được gìn giữ, bảo vệ!
Chân lý mầu nhiệm căn bản của pháp môn Niệm Phật nằm
trong ba kinh Tịnh Ðộ, nhưng theo như phẩm Phổ Hiền Hạnh Nguyện của kinh Hoa
Nghiêm đã dạy thì [niệm Phật] lại càng là hạnh nguyện căn bản chẳng thể thiếu
khuyết. Bởi lẽ, Thiện Tài đã viên mãn tâm Thập Tín[2], tham học với tỳ-kheo Ðức Vân, liền được Ngài dạy cho
pháp môn Niệm Phật, nhập vào Sơ Trụ[3], phần chứng Pháp Thân. Từ đấy, Thiện Tài tham học với
hơn năm mươi vị thiện tri thức, hễ nghe xong liền chứng, từ Nhị Trụ cho đến
Thập Ðịa là bốn mươi địa vị. Tối hậu, ở chỗ Phổ Hiền Bồ Tát, Thiện Tài được
Ngài khai thị, được sức oai thần gia bị, sở chứng ngang với ngài Phổ Hiền,
ngang với chư Phật, liền thành Ðẳng Giác Bồ Tát. Sau đó, Phổ Hiền Bồ Tát dùng
mười đại nguyện vương dẫn dắt quy hướng Cực Lạc, khuyến khích, cổ vũ Thiện Tài
và Hoa Tạng hải chúng nhất trí tinh tấn hành trì, cầu sanh Tây Phương Cực Lạc
thế giới nhằm mong viên mãn Phật Quả. Vì thế, biết rằng: Pháp môn Niệm Phật, tự
phàm phu thuở ban đầu cũng có thể chứng nhập được, mà rốt cục đến bậc Ðẳng Giác
cũng chẳng thể vượt ra ngoài nổi. Thật là pháp môn Tổng Trì trên thành Phật
đạo, dưới giáo hóa chúng sanh, thành thỉ, thành chung[4] của mười phương tam thế hết thảy chư Phật. Vì thế, [pháp
môn này] được chín giới cùng hướng về, mười phương chung tán thán, ngàn kinh
cùng xiển dương, vạn luận đều tuyên thuyết.
Phàm là người học Phật thì có một việc rất nên chú ý là
kiêng ăn mặn vì ăn mặn sẽ tăng trưởng cơ duyên giết hại. Con người và hết thảy
động vật cùng sống trong vòng trời đất, tâm tánh vốn bình đẳng, chỉ vì nhân
duyên ác nghiệp đến nỗi hình thể sai khác quá xa. Nếu đời này quý vị ăn thịt
chúng nó, đời mai sau chúng nó sẽ ăn thịt quý vị. Oán hờn báo đền mãi, cơ duyên
giết chóc đời đời chẳng có lúc nào kết thúc. Nếu như ai nấy đều ăn chay thì sẽ
vun bồi tâm từ bi của chính mình, tránh khỏi cơ duyên giết hại. Nếu không, dù
cho niệm Phật, nhưng chỉ lo sướng miệng, vui bụng, ăn đẫy thức tanh hôi, vẫn
chưa thể đạt được lợi ích thật sự nhờ học Phật vậy!
Hơn nữa, người đời nay ưa nói Thiền Tịnh Song Tu. Xét đến
cùng cái gọi là Song Tu đó chỉ là khán câu “người
niệm Phật là ai?” Ðấy là chú trọng tham cứu, chẳng ăn nhập gì đến việc sanh
lòng tin phát nguyện cầu vãng sanh của Tịnh Ðộ cả, rõ ràng là hai chuyện [khác
biệt]! Thêm nữa, Thiền Tông nói: “Minh
tâm kiến tánh, kiến tánh thành Phật” là nói đến đương nhân đích thân thấy
được Phật tánh vốn sẵn đủ ở ngay trong tâm. Mật Tông nói: “Ngay thân này
thành Phật” (tức thân thành Phật),
tức là quan niệm “hễ giải thoát được sanh tử ở ngay nơi cái thân này” thì [gọi
đó là] “thành Phật”. Nếu vội hiểu những lời đó có nghĩa là [ngay chính nơi thân
này] có thể thành tựu được vị Phật vạn đức đầy đủ, phước huệ viên mãn thì lầm
to, lầm to mất rồi!
Bởi lẽ, “kiến tánh thành Phật” của Thiền Gia là
[sở chứng] của địa vị đại triệt, đại ngộ. Nếu đoạn được Kiến Hoặc và Tư Hoặc[5] trong tam giới mới có thể liễu sanh thoát tử. “Tức
thân thành Phật” trong Mật Tông chẳng qua là đạt tới địa vị liễu sanh tử
đầu tiên. Ðịa vị đó là bậc A La Hán trong Tiểu Thừa đã liễu sanh tử. Trong Viên
Giáo thì bậc Sơ Tín đoạn được Kiến Hoặc, bậc Thất Tín đoạn Tư Hoặc rồi mới giải
quyết xong sanh tử. Bậc Thất Tín và A La Hán tuy cùng liễu sanh tử nhưng thần
thông, đạo lực khác xa nhau vời vợi. Bát Tín, Cửu Tín, Thập Tín phá được Trần
Sa Hoặc[6], cho đến Thập Tín Hậu Tâm phá một phẩm Vô Minh, chứng
một phẩm Tam Ðức bí tạng[7], nhập Sơ Trụ, thành bậc Pháp Thân Ðại Sĩ. Trải qua Thập
Trụ, Thập Hạnh, Thập Hồi Hướng, Thập Ðịa, Ðẳng Giác là bốn mươi mốt địa vị rồi
mới chứng nhập địa vị Phật. Lịch trình còn lâu xa như thế đó, làm sao mà một
bước liền có thể vọt tới nơi ngay cho được? Người tu Tịnh Ðộ đã sanh về Tây
Phương liền liễu sanh tử thì cũng là “tức thân thành Phật”, nhưng Tịnh
Tông chẳng nêu cái thuyết tiếm phận[8] ấy. Ðem so sánh sự khó - dễ với việc thuần cậy vào tự
lực của nhà Thiền thì thật là sai khác một trời một vực. Kính mong các vị dự
hội hãy suy nghĩ chín chắn ý chỉ này.
[1] Hộ Quốc Tức Tai: Bảo vệ đất nước, chấm dứt tai nạn.
Thông thường pháp hội Hộ Quốc Tức Tai thường bao gồm những khoa nghi cầu nguyện
cho quốc thái dân an, cầu siêu cho những oan hồn uổng tử. Theo truyền thống,
trong pháp hội này, đại chúng thường tụng kinh Nhân Vương Hộ Quốc, Pháp Hoa và
Kim Quang Minh, kết thúc bằng nghi thức Diệm Khẩu hoặc Vô Già Thủy Lục. Đặc biệt
trong pháp hội Hộ Quốc Tức Tai này, tổ Ấn Quang đề xướng dùng Phật Thất để làm
Hộ Quốc Tức Tai, mở ra một đường lối Hộ Quốc Tức Tai vừa giản tiện vừa hiệu quả
thiết thực vì đại chúng chuyên tu, dễ nhiếp tâm cầu nguyện thay vì lo tán tụng,
xướng bái quá rềnh rang, dễ sanh ra tâm lý ngại khó, mong làm cho xong.
[2] Thập Tín là mười địa vị trong năm mươi hai địa vị tu
học của Bồ Tát (không kể địa vị Pháp Vân
Địa), tức là mười tâm ban đầu mà Bồ Tát muốn thành Phật phải tu tập. Trọng
tâm của mười tâm này đặt tại Tín, có công năng thành tựu Tín Hạnh, nên mười địa
vị này gọi đầy đủ là Thập Tín Tâm, đôi khi còn gọi tắt là Thập Tâm. Có nhiều
cách giải thích Thập Tín. Theo Hiền Thánh Danh Tự Phẩm của kinh Bồ Tát Anh Lạc
Bổn Nghiệp thì Thập Tín là: Tín tâm (nhất
tâm quyết định, ưa muốn được thành tựu), Niệm tâm (thường tu sáu niệm, tức niệm Phật, niệm Pháp, niệm Tăng, niệm Giới, niệm
Thí và niệm Thiên), Tinh Tấn tâm, Định tâm, Huệ tâm, Giới tâm (thọ trì luật nghi Bồ Tát Giới thanh tịnh,
giữ ba nghiệp thanh tịnh. Hễ phạm lỗi bèn sám hối thề không tái phạm), Hồi
Hướng tâm, Hộ Pháp tâm (bảo vệ, ngăn ngừa
cái tâm, chẳng để nó khởi phiền não), Xả tâm (chẳng tiếc thân mạng, tài sản, bỏ tất cả những gì đạt được), Nguyện
tâm. Theo phẩm Bồ Tát Giáo Hóa trong kinh Nhân Vương Hộ Quốc (bản dịch của ngài Cưu Ma La Thập) thì
Thập Tín là: Tín tâm, Tinh Tấn tâm, Niệm tâm, Huệ tâm, Định tâm, Thí tâm, Giới
tâm, Hộ tâm, Nguyện tâm, Hồi Hướng tâm. Kinh Phạm Võng lại giảng là Xả tâm, Giới
tâm, Nhẫn tâm, Tấn tâm, Định tâm, Huệ tâm, Nguyện tâm, Hộ tâm, Hỷ tâm, Đảnh
tâm; và gọi chung là Thập Phát Thú Tâm thuộc về Kiên Tín Nhẫn. Kinh Lăng Nghiêm
giảng là Tín Tâm Trụ, Niệm Tâm Trụ, Tinh Tấn Tâm Trụ, Huệ Tâm Trụ, Định Tâm Trụ,
Bất Thoái Tâm Trụ, Hộ Pháp Tâm Trụ, Hồi Hướng Tâm Trụ, Giới Tâm Trụ, Nguyện Tâm
Trụ và gọi chung là Thập Tâm Trụ. Tuy các kinh liệt kê danh tướng hơi sai khác,
nhưng xét về đại thể mười tâm này gần giống nhau.
[3] Sơ Trụ, gọi đủ là Sơ Phát Tâm Trụ, tức địa vị đầu
tiên của Thập Trụ (thuộc giai đoạn thứ
hai sau khi viên mãn Thập Tín), đôi khi còn gọi là Phát Ý Trụ. Theo kinh
Hoa Nghiêm, Bồ Tát trụ địa vị này là người thiện căn bậc thượng dùng phương tiện
chân thật phát khởi Thập Tín Tâm, phụng hành Tam Bảo, thường trụ trong tám vạn
bốn ngàn Bát Nhã Ba La Mật, vâng giữ tu tập hết thảy hạnh, hết thảy pháp môn,
thường dấy lên tín tâm, chẳng nẩy sanh tà kiến, mười tội nặng, ngũ nghịch, tám
thứ điên đảo, chẳng sanh vào chỗ tai nạn, thường gặp gỡ Phật pháp, học rộng,
nhiều trí huệ, cầu nhiều phương tiện, trụ nơi địa vị Không Tánh, dùng Không Lý
Trí Tâm để tu tập pháp của chư Phật quá khứ, xuất sanh hết thảy công đức.
[4] Do thành tựu phàm phu ban đầu nhập đạo nên gọi là
“thành thỉ”, đến địa vị cuối cùng là Đẳng Giác Bồ Tát vẫn phải nhờ vào pháp môn
này để viên thành Phật đạo nên gọi là “thành chung”.
[5] Kiến Hoặc gọi đầy đủ là Kiến Đạo Sở Đoạn Hoặc (Darśana mārga prahātavyānuśaya). Còn gọi
là Kiến Phiền Não, Kiến Chướng, Kiến Nhất Xứ Trụ Địa. Theo Câu Xá Luận, những
kiến chấp mê muội đối với lý Tứ Đế được gọi là Kiến Hoặc; còn mê chấp nơi hiện
tượng sự vật thì gọi là Tu Hoặc. Theo đó, Kiến Hoặc gồm tám mươi tám thứ, gọi
chung là Bát Thập Bát Sử. Về căn bản phiền não thì gồm Ngũ Lợi Sử (Thân Kiến: Chấp trước vào thân; Biên Kiến:
Chấp chặt một bên có hay không, đúng hay sai, không thấy viên dung; Tà Kiến: thấy
biết tà vạy; Kiến Thủ Kiến: Chấp chặt vào kiến giải một chiều, không thể chấp
nhận những cách hiểu biết khác; Giới Cấm Kiến: Chấp chặt vào giới điều, giữ những
giới xằng bậy) và Ngũ Độn Sử (tham,
sân, si, mạn, nghi). Mười Sử này phối hợp với mỗi Đế trong Tứ Đế và mỗi Giới
trong Tam Giới (Dục Giới, Sắc Giới, Vô Sắc
Giới), tạo thành tám mươi tám thứ Hoặc cần phải đoạn.
Theo tông Thiên Thai, mê nơi lý của tam giới là Kiến Hoặc, mê nơi sự tướng
gọi là Tư Hoặc (tức là Tu Hoặc của Câu Xá
Luận). Sách Thiên Thai Tứ Giáo Nghi lại giảng như sau: “Phiền não vốn không có thực thể, nhưng lại tưởng những pháp hư vọng
không hề có thật là thật sự có, nên gọi là Kiến Hoặc. Tham, sân, si… các phiền
não là những sự tướng duyên theo Ngũ Trần, Lục Dục, qua sự suy nghĩ mà huyễn giả
tồn tại trong tâm, vì thế gọi là Tư Hoặc”
[6] Trần Sa Hoặc: Những gì thuộc về Trí nhận biết trên mặt
Sự gây chướng ngại Tục Đế khiến cho sự giáo hóa của Bồ Tát chẳng được tự tại
thì gọi là Trần Sa Hoặc. Do chúng nhiều vô lượng nên kinh luận thường dùng số
cát sông Hằng để sánh ví, vì thế gọi là Trần Sa Hoặc.
[7] Tam đức bí tạng (kho
bí mật ba đức), tức Giải Thoát, Bát Nhã và Pháp Thân.
[8] Tiếm phận: Vượt phận, vượt khỏi địa vị chánh đáng. Mật
Tông coi liễu sanh tử là “thành Phật ngay trong đời này”, chứ chưa phải thật sự
là Phật. Do chưa phải là Phật mà đã tự xưng là Phật nên bị coi là vượt lạm thân
phận đáng nên giữ.
Nhận xét
Đăng nhận xét