B. Ảo tướng của duyên sanh, đương thể tức không
NIỆM PHẬT TÂM ĐỊA CÔNG PHU
Nguyên tác: Lão Pháp sư Tịnh Không
Nguyên tác: Lão Pháp sư Tịnh Không
1. Bố thí vô trụ.
‘Ưng vô sở trụ,
hành ư bố thí’. Tuy ngôn ngữ ngắn gọn, nội dung lại vô cùng sâu xa. Hai câu
này không những dạy chúng ta làm người, mà còn bao gồm đời sống mỹ mãn của chín
pháp giới chúng sanh. Nếu có thể y giáo phụng hành, thật sự làm được thì người
này là Bồ Tát, là học trò chân chánh của đức Phật, đệ tử của Như Lai.
Ý nghĩa của ‘bố thí’ là ‘xả’. Thí dụ
người nội trợ từ sáng đến tối bận việc gia đình, nếu hiểu được Phật pháp thì là
tu ‘Bố Thí Ba La Mật’.
Loại bố thí này vô cùng rộng lớn, đừng
tưởng là mình chỉ phục vụ cho vài người trong nhà, tâm lượng như vậy quá hạn
hẹp, nhãn quang quá nhỏ, chỉ nhìn thấy một chút này mà không biết ảnh hưởng của
nó bao lớn. Làm những việc trong nhà này đòi hỏi thể lực; khi suy nghĩ nên làm
thế nào thì phải dùng trí huệ, thân và tâm đều làm việc bố thí. Chăm sóc đời
sống cho cả nhà được thoải mái, đó là hành Bồ Tát Ðạo. Gia đình như thế là một
đạo tràng, người nhà là đối tượng để bạn độ hóa.
Kinh Hoa Nghiêm nói bố thí gồm có ‘ngoại tài’ và ‘nội tài’. Lao lực và trí huệ thuộc về nội tài; những vật ngoài
thân thuộc về ngoại tài. Nội tài và ngoại tài đều nên xả. Cho nên mỗi ngày đi
làm, làm công việc của mình cho đến nơi đến chốn là bố thí cho công ty; công ty
phục vụ cho đại chúng là bố thí cho xã hội. Như vậy mới biết việc này cũng
giống như những làn sóng trên mặt nước. Liệng một cục đá xuống nước tạo thành
những làn sóng hình tròn, càng lan rộng càng lớn. Gia đình cũng giống vậy, một
gia đình hạnh phúc sẽ ảnh hưởng đến láng giềng, xã hội, quốc gia, thế giới,
Phật dạy chúng ta làm một gương tốt cho mọi người trong thế gian này: gia đình
chúng ta là gương tốt cho mọi gia đình, công ty là một công ty tốt nhất, gương
mẫu cho mọi công ty trên thế giới, thế mới là Phật pháp. Trong Phật pháp thứ
nào cũng hạng nhất cho nên Phật pháp rất bình đẳng.
Pháp môn tu hành của 25 vị Bồ Tát trong 25
Chương Viên Thông của kinh Lăng Nghiêm đều khác nhau, [nhưng] pháp môn nào cũng
là hạng nhất. Ðây là ‘chư pháp như nghĩa’, [nghĩa là] ‘các pháp bình
đẳng, không có cao thấp’ nói trong kinh Kim Cang. Có cao thấp tức không
phải là Phật pháp, có cao thấp tức là ‘nhị
pháp’, Phật pháp là pháp bất nhị (pháp
không hai). Nghĩa lý của việc này sâu rộng vô cùng, trong kinh đức Phật nói
đến việc này rất nhiều, rõ ràng, và minh bạch.
Tu bố thí là tu nhân, nhân nhất định có quả
báo, cho nên ‘nhất ẩm nhất trác, mạc phi tiền định’ (một miếng ăn một miếng
uống đều có định sẵn từ trước). [Vận] ‘Mạng’
từ đâu đến? Từ nhân đã tạo ở đời trước, đời này nhận lấy quả báo. Nhân quả nhất
định tương ứng [lẫn nhau], - nhân duyên quả báo tơ hào chẳng sai - Trồng nhân
gì thì sẽ được quả báo đó. Muốn biết nhân tạo đời trước, những gì mình nhận
chịu đời này là nó (nhân đời trước). Muốn biết quả đời sau, những gì mình làm
đời này là nó (quả đời sau). Ðây là chân lý.
‘Thế
gian’ là ‘tướng tương tục,
tiếp nối của nhân duyên quả báo’ mà thôi, cho nên trong kinh đức Phật nói ‘Bồ
Tát sợ nhân, chúng sanh sợ quả’. Bồ Tát là người giác ngộ, chúng sanh là
người mê hoặc. Người mê không sợ tạo nghiệp, khi quả báo hiện ra thì mới sợ;
người giác ngộ không sợ quả báo, quả báo vừa đến, khó khăn trở ngại đến thì tùy
thuận theo mà nhận chịu. Khi khởi tâm động niệm, đối xử với người và tiếp xúc
với mọi vật đều không khởi tâm niệm ác, ý nghĩ ác, được vậy thì quả báo nhất
định sẽ tốt lành, viên mãn. Niệm niệm đều vì lợi ích, phước lợi của tất cả
chúng sanh, không nghĩ đến mình, thân tâm thanh tịnh, tự tại vui vẻ, như vậy
mới là phước báo chân thật.
‘Bố
thí pháp’ là nhân, thông minh trí huệ là quả báo. Khoẻ mạnh sống lâu
là quả báo của sự tu bố thí vô uý. Bố thí vô uý là gì? Ðó là từ bi, quan tâm,
thương mến tất cả chúng sanh, làm cho tất cả chúng sanh được thân tâm an ổn,
vĩnh viễn xa lìa lo buồn, sợ sệt. Trong định luật nhân quả, tuyệt đối không có
việc chịu thiệt thòi, bị lường gạt, và cũng không có việc lợi dụng. Nếu bạn
tưởng là chịu thiệt thòi và bị lường gạt, [nhưng thực ra đó] chỉ là quả báo của
những việc mình làm đời trước. Hiểu rõ đạo lý và chân tướng sự thật thì tâm
chúng ta sẽ định, cho dù bị người khác lường gạt, sỉ nhục, thì cũng có thể nhìn
thấu và buông xả. Vì hóa giải oan trái gút mắc xong thì khi gặp nhau sẽ vui vẻ.
Nên giải trừ oán thù chứ không nên kết, người có thông minh trí huệ chân thật
nhất định sẽ không kết oán thù với bất cứ người nào, tương lai trên con đường
bồ đề sẽ được thuận buồm xuôi gió.
Lý do chúng sanh kết oán thù không ngoài
hai nguyên nhân, nguyên nhân thứ nhất là căn bịnh tập khí (thói quen)
của mình, nhìn không quen thì chịu không nổi, không nhất định [việc đó] có liên
quan gì với mình. Trong [Pháp Bảo] Ðàn Kinh, Lục Tổ Ðại sư nói: ‘Nếu là
người tu đạo chân thật thì sẽ không nhìn thấy lỗi lầm của thế gian (người khác)’.
Lỗi lầm của người khác không liên can gì với mình, nên dùng tâm thanh tịnh, từ
bi đối xử với tất cả chúng sanh.
Nguyên nhân thứ hai là ‘lợi hại xung đột’ (đụng chạm quyền lợi), đây là nguyên nhân
lớn nhất làm cho chúng sanh kết oán thù, trong Phật pháp gọi là ác duyên. Thiệt
ra chẳng có lợi hại, tất cả đều do vận mạng an bài. Nếu hiểu được đạo lý này,
cũng như ‘Liễu Phàm Tứ Huấn’ có nói: ‘Quân tử vui làm người quân tử, tiểu nhân
làm người tiểu nhân oan uổng’. Những gì đạt được khi dùng tất cả những thủ
đoạn không chính đáng, không lương thiện, cũng là vốn sẵn có trong vận mạng,
nhất định không phải dùng thủ đoạn mà có thể đạt được, nếu không như vậy thì sẽ
trái ngược với định luật nhân quả. Vì vậy nếu hiểu được đạo lý và chân tướng sự
thật này, tâm [chúng ta] sẽ vĩnh viễn bình [an, thanh] tịnh. Tâm thanh tịnh sẽ
sanh trí huệ, kinh Kim Cang nói: ‘Lòng tin thanh tịnh ắt sanh thật tướng’.
Phật dạy ‘Ưng vô sở trụ’. ‘Trụ’ là chấp trước; ‘vô sở trụ’ nghĩa là không chấp trước.
Chấp trước là căn bịnh. Vũ trụ, vạn vật, sanh mạng, lục đạo do đâu mà có? Trong
kinh Hoa Nghiêm đức Phật trả lời cho câu hỏi này, đó là: ‘vọng tưởng, chấp
trước’. Vì có vọng tưởng nên biến hiện ra thập pháp giới, vì có chấp trước nên
biến hiện ra lục đạo luân hồi. Vì vậy nếu phá chấp trước thì sẽ vượt ra khỏi
lục đạo; đoạn trừ vọng tưởng thì sẽ vượt ra khỏi thập pháp giới. Từ xưa đến nay
các khoa học gia, triết học gia trong và ngoài nước đều muốn tìm kiếm nguồn gốc
của vũ trụ vạn vật, họ có thể tìm đến bờ mé nhưng tìm không được nguồn gốc chân
thật. Vì họ dùng đầu óc suy nghĩ, suy nghĩ tức là vọng tưởng, chấp trước, cả
hai đều có giới hạn, không thể phá tan giới hạn của ý thức.
Ðức Phật dạy chúng ta khi đoạn vọng tưởng,
phân biệt, và chấp trước thì giới hạn của tâm ý thức sẽ bị phá tan; sau khi phá
tan mới có thể nhìn thấy bộ mặt thật của vũ trụ nhân sanh, mới hiểu rõ chân
tướng sự thật. Cho nên sự tu học trong Phật pháp bất cứ pháp môn, tông phái nào
cũng đều tu ‘thiền định’. Niệm Phật
đạt được ‘nhất tâm bất loạn’ là ‘thiền định’. Giáo Hạ tu ‘chỉ quán’ cũng là ‘thiền định’. Tuy danh từ và phương pháp không giống nhau nhưng tất
cả đều tu ‘thiền định’. ‘Giới’ là phương pháp chính xác; y theo
phương pháp chính xác mới có thể nhập ‘định’;
sau khi nhập định thì sẽ khai ‘trí huệ’;
có trí huệ thì mới có thể hiểu rõ chân tướng của vũ trụ nhân sanh.
Chúng ta chuyên cần tu tập ba thứ bố thí
tài, bố thí pháp, bố thí vô uý, và không trước tướng (chấp tướng), như vậy rất đúng. Nếu trước tướng mà tu 3 thứ bố thí
này, quả báo sẽ chỉ là phước báo trong cõi người và trời, làm vua, thiên vương,
người trời, người trưởng giả giàu có, không thể thoát ra khỏi tam giới, đương
nhiên cũng không ra khỏi thập pháp giới. Phật dạy chúng ta ‘ưng vô sở trụ’, không trụ ‘chấp
trước’ thì ra khỏi lục đạo; không trụ ‘vọng
tưởng’ thì ra khỏi thập pháp giới. Nhưng không trụ ‘chấp trước’ (không trước
tướng) rất khó làm được, cần phải dụng công thiết thực nơi ‘nhìn thấu’, ‘buông xả’, ‘niệm Phật’.
2. Quy hướng Cực Lạc Tịnh Ðộ.
Trong phẩm thứ 10 ‘Giai Nguyện Tác Phật’
(Ðều Nguyện Làm Phật) của kinh Vô Lượng Thọ, đức Phật nói nhóm 500 người
cùng vua A-Xà-Thế trong đời quá khứ đã từng cúng dường 400 ức Phật. Khi nghe
đức Phật Thích-Ca Mâu-Ni giảng kinh Vô Lượng Thọ xong, họ sanh tâm hoan hỷ, hy
vọng sau này thành Phật cũng giống như đức Phật A-Di-Ðà, nhưng không phát khởi
ý niệm tín nguyện cầu vãng sanh. Thế mới biết khi nghe danh hiệu của đức Phật
A-Di-Ðà rồi sanh tâm hoan hỷ, cầu sanh Tây phương Cực Lạc thế giới, người này
trong đời quá khứ tu tập tích lũy thiện căn nhất định vượt hơn vua A-Xà-Thế
cúng dường chư Phật Như Lai, nhất định không chỉ [cúng dường] 400 ức chư Phật.
Vì chúng ta có thể phát tâm cầu sanh Cực Lạc thế giới nhưng họ chưa từng phát
lên tâm niệm này.
Cho nên trong kinh nói pháp môn Tịnh Ðộ đều
được tất cả chư Phật tuyên nói, không phải chỉ có 1 hay 2 đức Phật nói mà thôi,
thiệt là pháp khó tin. Kinh A-Di-Ðà dạy ‘không thể dùng ít thiện căn, phước
đức, nhân duyên được sanh nước đó’, thế mới biết được thiện căn của chúng
ta sâu dày bao nhiêu, vô cùng hiếm có! Ðời này chúng ta gặp được pháp môn Tịnh
Ðộ và sanh tâm hoan hỷ, tín nguyện cầu vãng sanh, việc này rất đáng vui mừng và
hân hạnh.
Ðức Phật giáo hoá chúng sanh đích thật là
chân thành, thanh tịnh, bình đẳng, đại từ, đại bi. Thiện căn của chúng sanh
không sâu dày thì phải vun bồi từ từ, từng đời từng đời giúp đỡ họ. Thiện căn
đã thành thục (chín muồi) thì giúp họ tín nguyện niệm Phật, vãng sanh
Tây phương. Nếu chưa thành thục thì giúp họ trồng thiện căn củA-Di-Ðà Tịnh Ðộ.
Công đức danh hiệu không thể nghĩ bàn, một phen đã lọt vào tai thì vĩnh viễn là
hạt giống đạo. Ngày nay họ nghe đến danh hiệu đức Phật A-Di-Ðà, đọc đến ‘Tịnh Ðộ Tam kinh’, nhìn thấy hình tượng
của đức Phật A-Di-Ðà, trong A Lại Da Thức đã trồng được hạt giống Tây phương Cực
Lạc thế giới. Tuy đời này không thể vãng sanh, nhưng đời sau khi gặp được nhân
duyên thì họ sẽ vãng sanh. Chúng ta không thể khinh rẻ bất cứ người nào, không
thể khinh mạn vô lễ đối với họ.
Việc chư Phật Như Lai giúp đỡ chúng ta
[chỉ] là nói ra chân tướng sự thật, giảng giải phương pháp phá mê khai ngộ, và
kinh nghiệm tu hành chứng quả của các Ngài để cho chúng ta tham khảo. Bản thân
chúng ta phải tự mình thực hành, muôn ngàn xin chớ tưởng rằng mình nương nhờ
chư Phật, Bồ Tát, quý Ngài sẽ phò hộ cho mình. Trong kinh Lăng Nghiêm đức Phật
Thích-Ca Mâu-Ni còn không thể phò hộ cho A-Nan. A-Nan lúc đầu vốn là đang khởi
vọng tưởng: ‘Ðức Phật Thích-Ca là anh họ
của mình, người khác phải tu khổ nhọc, không tu thì không thể thành tựu; còn
mình thì không quan hệ gì cả, anh họ rất thương mình, Ngài sẽ truyền dạy Thiền
Ðịnh và Bát Nhã cho mình’. Sau khi gặp nạn mới biết đức Phật không thể giúp
mình. Chư Phật, Bồ Tát gia trì cho chúng ta chỉ bằng những lời dạy trong kinh
điển. Chúng ta muốn Phật gia trì thì chỉ có cách y giáo phụng hành, [và như
vậy] thì sẽ được ‘sự phò hộ’ của chư
Phật.
Ðức Phật từ bi khổ nhọc khuyên chúng ta
buông xả vọng tưởng, phân biệt, chấp trước, nhưng chúng ta buông xả không nổi.
Nguyên nhân là không hiểu rõ chân tướng sự thật, cứ tưởng ‘thân’ là thiệt, cứ tưởng ‘cảnh
giới trước mặt’ là thiệt, mà không biết đây chỉ là quan niệm, cách suy
nghĩ, và cái nhìn sai lầm. Nếu khi đối xử với người, sự việc, và vật, trong tâm
có mê hoặc, có đụng chạm quyền lợi, có sân giận, hãy nghĩ đến lời đức Phật dạy
‘Phàm sở hữu tướng giai thị hư vọng’ (Hễ những gì có tướng đều là hư
vọng) niệm vài lần, trong tâm sẽ bình tịnh trở lại. Tất cả mọi hiện tượng
đích thật đều là hư vọng, thực tế không tồn tại.
3. Chư pháp đều không, nhân quả chẳng không.
Nửa phần sau của kinh Kim Cang nói: ‘Chư
pháp đều không, nhân quả chẳng không’. “Chư
pháp đều không” nghĩa là tất cả những pháp thế gian và xuất thế gian đều là
hư vọng, không thật; ‘nhân quả’ cũng
là chư pháp, cũng là hư vọng, nhưng ‘nhân
quả bất không’ (nhân quả chẳng không).
Tại sao Tánh Tông nói ‘nhân quả chẳng không’? Pháp Tướng Duy Thức nói: ‘Tướng là giả
có, thức là chân thật’. ‘Thức’ là
năng biến (cái có thể biến), ‘tướng’ là sở biến (cái bị biến). Sở biến là giả, năng biến là thật. Nhân quả tức là
duy thức, nhân là năng biến, quả là sở biến. Thập pháp giới là hiện tượng tương
tục (tiếp nối) của nghiệp nhân quả
báo. Vì vậy người giác ngộ sợ nhân, điều này rất hợp lý. Hiểu rõ nghĩa lý này,
trong thế gian khi gặp bất cứ người nào có ác ý với mình cũng không màng đến,
và đều vui vẻ tiếp nhận. Tôi tu nhân tịnh, quả báo nhất định tốt. Nếu người
khác làm hại tôi, tôi liền khởi tâm động niệm báo phục (trả thù) người đó. Những sự trả thù này nhất định càng ngày càng
gia tăng, tàn khốc, tội ác càng tạo càng nặng, sau cùng hai bên đều đọa địa
ngục A-tỳ (hại mình, hại người).
Không kể người ta dùng thủ đoạn gì để đối [xử] với mình, mình liền biết trong
thời quá khứ đại khái chắc cũng đã dùng thủ đoạn như vậy để đối [xử] với họ,
hôm nay họ đối với mình như vậy, một trả một, nợ nần được trả hết, tâm khai ý
giải, như vậy [mọi người đều] vui vẻ hết! Không có việc chịu thiệt thòi và cũng
không có việc lợi dụng. Gút mắc đã được mở ra, khi mình thành Phật thì phát
nguyện sẽ độ họ trước nhất
Trong kinh Kim Cang có một công án (câu chuyện ngắn) - chuyện của Ca-Lợi
vương lóc thịt trên thân thể. Ca-Lợi là tiếng Phạn, dịch nghĩa ra là ‘tàn khốc, vô đạo’, ‘vương’ là ông vua, Ca-Lợi vương có nghĩa là ‘ông vua tàn bạo’. [Lúc bấy giờ] có một người đang tu hành trong
núi sâu bị vua Ca-Lợi xử tội lăng trì (lóc
thịt). Vị tu hành này là tiền thân của đức Phật Thích-Ca Mâu-Ni, tuy Ngài
bị xử tội như vậy nhưng không có chút gì oán hận, lại còn phát nguyện tương lai
khi thành Phật sẽ độ vua Ca-Lợi trước nhất. Ðến lúc đức Phật Thích-Ca Mâu-Ni
thành Phật, người đầu tiên được độ là tôn giả Kiều Trần Như, tiền thân của tôn
giả là vua Ca-Lợi, lời thệ nguyện của đức Phật năm xưa đã được thực hiện. [Ðức
Phật] chịu đựng sự hành hạ tàn bạo như vậy mà không sanh tâm oán hận, vả lại
sau khi thành Phật lại độ người hại mình trước nhất để báo đền thâm ân; báo ân
gì vậy? Sự lăng trì vô cùng tàn khốc nhưng lại giúp Bồ Tát thành tựu viên mãn
Nhẫn Nhục Ba La Mật. Bồ Tát xem xét vấn đề như thế này: ‘Vua Ca-Lợi giúp đỡ tôi thử xem lòng nhẫn nhục của tôi đã thành tựu
chưa’. Người khác đều nghĩ việc này là tàn bạo, thân thể chịu đựng sự đau
khổ đến cùng cực, nhưng Bồ Tát lại nghĩ rằng vua Ca-Lợi có ân đức vô cùng to
lớn đối với mình, giúp mình thành tựu Nhẫn Nhục Ba La Mật, nên sau khi thành
Phật liền độ người này trước nhất.
Từ điểm này có thể thấy thị phi, thiện ác
không có tiêu chuẩn nhất định và không có giới hạn, chỉ ở trong một niệm. Một
niệm cực ác [nhưng] vừa chuyển thì liền trở thành cực thiện, như vậy mới nhập
vô pháp môn Ðại Thừa Bất Nhị - thiện ác bất nhị, tà chánh không hai, đúng sai
không hai. Ðây là trí huệ cao nhất! ‘Tướng’
là hư vọng, ‘thân’ là hư vọng, ‘chặt chém’ cũng là hư vọng, hư vọng đối
với hư vọng nên không có đau khổ. Phàm phu cứ cho rằng ‘thân’ là của mình, chấp trước thân kiến, cho nên chịu một chút đau
khổ thì chịu không nổi. Nếu không chấp trước thân là của mình thì ai chịu đau
khổ? Ai biết đau khổ?
Cho nên khi lìa 4 tướng thì chẳng còn đau
khổ nữa. Vì có vọng tưởng, phân biệt, chấp trước mới có khổ thọ (nhận chịu khổ); Bồ Tát không có thọ (nhận chịu). Khổ, lạc, buồn, vui, xả đều
buông xả hết, được như vậy gọi là ‘chánh thọ’, và cũng gọi là ‘tam muội’, và cũng là sự hưởng thụ ‘chánh thường’. Tất cả những cảm thọ của
phàm phu gồm có: ‘khổ, lạc, ưu, hỷ, xả’ (khổ, sướng, buồn, vui, xả), đức
Phật quy nạp vào năm loại như trên và [hết thảy] đều không phải là sự hưởng thụ
‘chánh thường’.
4. Hễ những gì có tướng đều là hư vọng.
Ðức Phật dạy: ‘Hễ những gì có tướng đều
là hư vọng’. Nếu trong đời sống, trong mọi cảnh giới chúng ta thực chứng
được những gì Phật nói đều không sai, chúng ta liền khế nhập vào cảnh giới.
Cũng vì chúng ta chẳng thực chứng cho nên không đạt được lợi ích; sau khi thực
chứng thì sẽ đạt được lợi ích to lớn. Phật lại nói: ‘Nhược kiến chư tướng
phi tướng, tắc kiến Như Lai’ (Nếu thấy các tướng mà không phải tướng, tức là
thấy Như Lai). ‘Như Lai’ nghĩa là
‘bản tánh chân như’, và cũng là ‘minh tâm kiến tánh’ trong Thiền Tông.
Thực chứng được ‘Hễ những gì có tướng đều
là hư vọng’ tức là minh tâm kiến tánh.
Làm sao biết được mình có thực chứng hay
không? Kinh Kim Cang là tiêu chuẩn, nên trong Thiền Tông kể từ Ngũ Tổ về sau
đều dùng kinh Kim Cang làm ấn chứng. ‘Ấn
chứng’ tức là lấy làm tiêu chuẩn, mực thước để chứng minh. Nếu đạt được
cảnh giới giống với lý luận trong kinh Kim Cang, cảnh giới hoàn toàn phù hợp,
tức là minh tâm kiến tánh, nếu không thì cảnh giới đó chẳng phải là cảnh giới
của chư Phật, Bồ Tát.
Phật thường nói đến sự ‘khai ngộ’, mọi người nghe xong cảm thấy rất là ‘huyền’ (sâu thẳm, không thể hình
dung hết được), hình như rất là hiếm hoi kỳ diệu, thực ra ‘khai ngộ’ là một
danh từ vô cùng bình thường. Biết được lỗi lầm của mình tức là ‘khai ngộ’; sửa đổi sai lầm cho đúng thì
gọi là ‘tu hành’. ‘Tu’ là tu chánh,
sửa cho ngay, ‘hành’ là hành vi sai
lầm; sửa đổi cách suy nghĩ, cái nhìn, cách nói, cách làm tức là tu hành. Tất cả
những việc gõ mõ, niệm kinh mỗi ngày, miệng niệm ‘A-Di-Ðà Phật’ đều là ‘hình
tướng’, chưa phải là ‘chân tu’ (tu
hành chân chánh). ‘Chân tu’ là
phải sửa đổi tâm hạnh sai lầm của mình. Nếu miệng niệm Di Ðà mà trong tâm vẫn
còn ‘thị phi nhân ngã’ (tôi đúng
người sai) , tham, sân, si, mạn thì đúng như cổ đức có câu: ‘hét bể
cuống họng cũng luống công’.
Không thể nhìn thấu buông xả pháp thế gian
rồi nghĩ Phật pháp rất tốt thì có thể chấp trước [Phật pháp]. Phật pháp đích
thật rất tốt, cũng như thuốc hay có thể chữa bịnh, nhưng nếu uống lầm thuốc,
không những không chữa hết bịnh mà còn có thể mất mạng. Phật pháp cũng vậy, tu
học Phật pháp nếu không khế cơ thì làm tổn thương đến pháp thân huệ mạng; cho
nên Ðại Trí Ðộ Luận và kinh Hoa Nghiêm đều nói: ‘Phật pháp vô nhân thuyết,
tuy trí mạc năng giải’ (Nếu không có ai thuyết giảng Phật pháp, tuy có trí huệ
cũng không thể hiểu nổi).
Người thông minh trí huệ trong thế gian
cũng không thể lý giải Phật pháp vì người trong thế gian không lìa khỏi ‘tâm ý thức’. Không rời khỏi ‘tư duy tưởng tượng’ thì không thể giải
được ý nghĩa chân thực của đức Phật, vì tất cả những kinh Phật nói đều phát
xuất từ chân tâm bổn tánh chớ không dùng suy nghĩ; nếu phải suy nghĩ thì lạc
vào trong ý thức, thế thì hoàn toàn sai. Cho nên tham Thiền, học Giáo đều cần
phải rời khỏi ‘tâm ý thức’. ‘Tâm’ là ‘A-lại-da thức’; ‘ý’ là ‘Mạt-na thức’, ‘thức’ là ‘Ý thức thứ sáu’.
Tác dụng của thức thứ sáu là phân biệt, tác dụng của ‘Mạt na thức’ là chấp trước, tác dụng của ‘A-lại-da thức’ là lưu giữ ấn tượng.
Làm thế nào để rời khỏi tâm ý thức? Không
chấp trước thì không dùng ‘Mạt-na thức’,
không lưu giữ ấn tượng thì không dùng ‘A-lại-da
thức’, được như thế thì học Giáo mới đạt được ‘đại khai viên giải’, tham Thiền mới được đại triệt đại ngộ. Tông
Môn dạy người ta rời khỏi tâm ý thức mà ‘tham’,
đây gọi là ‘tham thiền’. Giáo Hạ nói ‘tham cứu’ chứ không nói ‘nghiên cứu’. Nghiên cứu là dùng tâm ý
thức, dùng phân biệt chấp trước; tất cả những cảnh mà mình tiếp xúc gọi là ‘lục trần’; ‘tham cứu’ không dùng phân biệt chấp trước, dùng chân tâm tự tánh,
tất cả những cảnh mà mình tiếp xúc gọi là ‘tánh cảnh’ chứ không gọi là ‘lục trần’.
5. [Chánh] pháp còn nên xả, huống hồ là phi pháp
Trong kinh này (Kim Cang) đức Phật đặc biệt dạy chúng ta: ‘Tri ngã thuyết pháp
như phiệt dụ giả, pháp thượng ưng xả, hà huống phi pháp’ (Biết ta thuyết pháp
thí dụ như chiếc bè, [chánh] pháp còn phải xả, huống hồ là phi pháp). Ðức
Phật vì chúng ta thuyết pháp cũng như ngồi bè qua sông. ‘Bè’ dùng cây trúc kết thành, cũng có khi dùng gỗ làm thành (mục bài, bè gỗ). [Nghe đức] Phật giảng
kinh thuyết pháp cũng như ngồi bè qua sông, khi đến bờ bên kia thì không cần bè
nữa (phải xả bỏ). Kinh A Hàm nhắc đến
thí dụ này rất nhiều lần. Kinh Kim Cang cũng dùng câu này nhưng ý nghĩa tượng
trưng không giống nhau. Pháp Tiểu Thừa nói sau khi qua sông không cần bè nữa,
không nên chấp trước. Pháp Ðại Thừa nói đang lúc trên bè cũng đừng chấp trước,
ý nghĩa còn thâm sâu hơn Tiểu Thừa, tức là hai bên ‘không’ và ‘hữu’ (có) đều
không chấp; hai bên ‘có’ và ‘không’ đều đồng thời, thiệt là được đại
tự tại.
Kinh Bát Nhã nói ‘tức tướng’ và ‘ly tướng’
là đồng thời. ‘Ưng vô sở trụ’ [là] ‘ly tướng’; ‘nhi hành bố thí’ [là] ‘tức tướng’. Phật học không tách rời
khỏi hành vi sinh hoạt hằng ngày, đời sống càng thoải mái dễ chịu, công việc
làm càng được tiến triển. Lúc trước chúng ta sinh sống và làm việc chỉ là vì
riêng mình, ngày nay chúng ta sinh sống và làm việc đều là vì tất cả chúng
sanh, tạo phúc lợi cho xã hội, làm trang nghiêm pháp giới, vì tự tánh lưu xuất,
hiện tượng không còn như cũ nữa. Nếu vì mình mà làm việc thì làm sơ sài một
chút cũng không sao; nếu vì đại chúng mà làm việc không tốt thì có lỗi đối với
họ, cách dụng tâm không giống nhau. Tuy tận tâm tận lực làm việc nhưng không
trước tướng (chấp trước). ‘Ưng vô
sở trụ’, trong tâm dường như không có việc đó [xảy ra] thế mới là ‘đại từ đại bi’, không có bất cứ một điều
kiện nào. Ðời sống và công việc đều vì tất cả chúng sanh, đều là không đặt điều
kiện; đây là cương yếu và tinh thần của Ðại Thừa Phật pháp, đích thật khế nhập
cảnh giới ‘lý sự vô ngại, sự sự vô ngại.’
‘[Chánh] Pháp còn nên xả, huống
hồ là phi pháp’. Chúng ta muốn [học] Phật pháp, nhưng trong lúc tu học
không nên chấp trước. Ðừng nên vừa nghe ‘pháp
còn nên xả’ liền đem bỏ Phật pháp và thế gian pháp hết, thế thì hiểu lầm ‘Như Lai chân thật nghĩa’, và còn biến
thành tiêu cực, vô trách nhiệm. Phật pháp nhất định phải học, phải hành, nhưng
không được chấp trước. Phật pháp như vậy, thế gian pháp cũng như vậy.
Thân thể chúng ta còn sinh sống trên thế gian này, mỗi ngày cần phải ăn cơm,
mặc áo, làm việc, xã giao, thứ nào cũng bỏ không được. Ðặc biệt là Bồ Tát Ðại
Thừa nếu xả bỏ hết những công việc này thì làm sao độ chúng sanh được? Bồ Tát
độ chúng sanh cần phải tiếp xúc với đại chúng, cùng tất cả chúng sanh ‘hoà quang đồng trần’.
Tu hành phải thật tình ráng sức, hình thức
là để nhắc nhở mình, quan trọng nhất là khóa lễ thường lệ sáng và tối; khóa lễ
buổi sáng nhắc nhở mình, khoá lễ tối là để phản tỉnh, tụng niệm lễ sáng tối như
vậy mới có công đức chân thật. Nhất định không phải buổi sáng niệm kinh chú một
lần cho Phật, Bồ Tát nghe, buổi tối lại niệm thêm một lần cho quý ngài nghe,
nếu không biết ý nghĩa [và mục đích] của hai buổi lễ này thì hoàn toàn không
thể y giáo phụng hành. Cũng giống như con nít trả bài trước mặt cha mẹ vậy,
buổi sáng trả bài xong đến tối lại trả thêm một lần nữa. Nếu tụng niệm sáng tối
kiểu này thì có vô lượng tội lỗi. Vì bạn thờ phượng tượng Phật, Bồ Tát bằng
nhựa hoặc gỗ, buổi sáng gạt họ một lần, buổi tối gạt thêm lần nữa, còn tưởng là
mình có công đức!
Lúc chúng ta tụng niệm trong Phật đường (chùa) nhìn thấy tượng Phật cũng giống
như nhìn thấy đức Phật vậy. Buổi sáng niệm kinh là để nhắc nhở mình hôm nay
phải làm theo [lời dạy trong kinh]. Buổi tối tụng niệm để phản tỉnh, kiểm điểm
xem hôm nay có làm theo lời dạy của chư Phật, Bồ Tát không? Nếu làm được rồi,
ngày mai phải tiếp tục; nếu chưa làm được, ngày mai phải làm cho bằng được. Như
vậy mới gọi là ‘buổi sáng nhắc nhở, buổi
tối phản tỉnh’.
‘Pháp’
và ‘phi pháp’ cùng lúc, không có
trước sau. ‘Vô trụ’ và ‘sanh tâm’ cùng lúc, ‘sanh tâm’ tức là ‘vô trụ’, ‘vô trụ’ tức là
‘sanh tâm’. Sanh tâm đại bồ đề, tâm
làm lợi ích cho tất cả chúng sanh, tâm ‘hành
lục độ vạn hạnh’. ‘Vô trụ’ là
không trước tướng, cùng với ‘sanh tâm’
cùng lúc, không có phân ra hai giai đoạn. Nếu xem là hai giai đoạn thì đã sai,
đó không phải là lời Phật nói. Ðức Phật nói pháp có khi nói bên này, chúng ta
phải hiểu ý nghĩa của phía bên kia.
Câu ‘Pháp còn nên xả, huống hồ là phi
pháp’ nói rõ không được chấp trước Phật pháp, huống chi là tất cả pháp
trong thế gian. Mười pháp giới được sanh ra từ vọng tưởng, lục đạo luân hồi
sanh ra từ chấp trước, [tất cả đều] có nhân có quả. Hễ những pháp sanh ra từ
nhân quả đều không có tự tánh, bản thể vốn không, trọn chẳng nắm giữ được! (giai
vô tự tánh, đương thể tức không, liễu bất khả đắc!).
Nhận xét
Đăng nhận xét