C. Lìa khỏi bốn tướng, tin nhân quả

NIỆM PHẬT TÂM ĐỊA CÔNG PHU
Nguyên tác: Lão Pháp sư Tịnh Không

1. Rộng kết thiện duyên và pháp duyên
Nghĩa lý trong kinh Kim Cang rất sâu xa, nếu hiểu sai thì không những không đạt được ích lợi, mà có thể còn chịu thiệt hại. Ðây cũng là điểm khó khăn của sự giảng giải kinh Bát Nhã, thế nên từ xưa đến nay rất ít người giảng kinh Bát Nhã, nhưng không thể không giảng. Lúc giảng nhất định phải giảng rõ ràng, thấu suốt, làm cho người nghe không đến nỗi hiểu sai, đây là một nguyên tắc vô cùng quan trọng.
Tứ Nhiếp Pháp là 4 nguyên tắc mà Phật dạy Bồ Tát dùng để nhiếp thọ (giúp đỡ) chúng sanh. Thứ nhất là ‘bố thí’, kết pháp duyên và thiện duyên với tất cả chúng sanh. Ðức Phật không độ người chẳng có duyên; chúng sanh gặp bạn thì vui mừng, chịu nghe lời bạn chỉ bảo, như vậy gọi là ‘có duyên’. Nếu bạn rất sẵn lòng giúp đỡ nhưng họ lại từ chối, như vậy thì gọi là duyên chưa đến.
2. Ðức Phật vạn đức vạn năng
Lúc tôi bắt đầu học Phật, đối với Phật pháp có rất nhiều thắc mắc, [tôi có] một câu hỏi rất quan trọng là: ‘Ðức Phật có trí huệ và năng lực viên mãn (rốt ráo) hay không?’ Chúng ta thường tán thán đức Phật là ‘vạn đức vạn năng’; câu này chỉ là lời tán thán hay là sự thật? Chúng ta có thể đã nghe đến chuyện đức Phật cũng ‘có việc không thể làm được’, ý này nói ‘vạn đức vạn năng’ là lời tán thán, chứ không phải thiệt. Nếu lời tán thán đó không phù hợp với sự thật thì lời này không đáng tin; những lời không đáng tin thì thuộc về phạm vi của vọng ngữ (nói dối). Ðức Phật dạy chúng ta không được vọng ngữ, đặc biệt là trong kinh Kim Cang có nói: ‘Như Lai thị chân ngữ giả, thật ngữ giả, như ngữ giả, bất cuống ngữ giả, bất dị ngữ giả’ (Như Lai là người nói lời chân thật, lời đúng như vậy, người không nói lời lừa gạt, không nói lời khác biệt)’ Từ điểm này mà quan sát trong Phật pháp lời tán thán đức Phật nhất định phải [phù hợp với câu] ‘lời nói đi đôi với hành động’, không có khoa trương phóng đại thì mới hợp lý.
Giả sử có một chúng sanh tạo ra tội ngũ nghịch thập ác, lúc lâm chung nhất định đọa địa ngục A-tỳ, đối với người tạo tội này đức Phật có năng lực làm cho người này tức khắc thành Phật hay không? Nếu đức Phật có năng lực thì chúng ta đồng ý và khẳng định rằng Phật có ‘vạn đức vạn năng’. Nếu đức Phật có thể giúp người tạo tội này rời khỏi 3 đường ác và sanh đến 3 cõi thiện, chuyện này không có gì đáng kể. Xin hỏi đức Phật có thể dạy người đó lập tức thành quả vị Phật cứu cánh viên mãn hay không?
Trong các kinh Kim Cang, kinh Vô Lượng Thọ, và kinh A-Di-Ðà đều có câu trả lời rõ ràng, đích thật đức Phật có năng lực này. Nếu như vậy thì tại sao những chúng sanh tạo tất cả nghiệp tội không thể được độ? Ðiều này không thể trách Phật mà phải trách chúng sanh không nghe lời, không chịu tiếp nhận [sự dạy dỗ]. Kinh Lăng Nghiêm nói rất triệt để (cặn kẽ): ‘Tâm cuồng [loạn] không dứt, dứt tức bồ đề [nghĩa là Nếu dứt được tâm cuồng loạn thì chính là Bồ Đề]. Cuồng tâm là vọng tưởng, phân biệt, chấp trước; buông xả tâm cuồng loạn này tức là cứu cánh viên mãn Phật. Ðức Phật giáo hoá chúng sanh, nhưng chúng sanh không chịu tin, không chịu buông xả, cho nên trách nhiệm không ở tại đức Phật mà ở tại chúng sanh. Ðức Phật đích thật có trí huệ viên mãn và năng lực rốt ráo. Kinh Kim Cang dạy chúng ta tin Phật, đây không phải là niềm tin tầm thường. Nửa phần đầu nói ‘lòng tin thanh tịnh, ắt sanh thật tướng’ là từ ‘lý’ mà nói; nửa phần sau nói: ‘tín tâm bất nghịch(lòng tin không chống trái) là từ ‘sự’ mà nói, lý và sự là một không phải hai. ‘Bất nghịch’ nghĩa là không làm theo lời dạy của đức Phật thì không được. Người ‘tín tâm bất nghịch’ nhất định sẽ thành tựu. Nguyện thứ 18 trong 48 lời nguyện [của đức Phật A-Di-Ðà] trong kinh Vô Lượng Thọ nói: ‘Tất cả chúng sanh trong thập phương lúc lâm chung một niệm hay mười niệm đều có thể vãng sanh’. Người không vãng sanh không thể vượt thoát khỏi lục đạo luân hồi. Lục đạo luân hồi là do một niệm cuối cùng lúc lâm chung quyết định; lúc lâm chung khởi lên một niệm thiện thì sanh đến 3 cõi thiện, khởi lên một niệm ác thì sanh đến 3 cõi ác. Một niệm cuối cùng lúc lâm chung vô cùng quan trọng. Hằng ngày chúng ta dụng công niệm Phật là huấn luyện, thật sự là để dốc sức vào một niệm lúc lâm chung, hy vọng giữ được chánh niệm phân minh, tín nguyện cầu sanh Cực Lạc thế giới, thấy Phật A-Di-Ðà, thì nhất quyết vãng sanh bất thoái thành Phật.
Phật được xưng là ‘Nhị Túc Tôn’, ‘túc’ nghĩa là viên mãn, ‘tôn’ nghĩa là tôn quý, ‘nhị túc’ là cả hai ‘trí huệ’‘phước đức’ đều viên mãn. Ðức Phật dạy chúng ta cùng tu phước và huệ, không thể không tu phước. Người không có phước báo có rất nhiều chướng ngại trên con đường tu tập; người có phước báo có ít chướng ngại, cho nên phước và huệ đều quan trọng như nhau. ‘Ưng vô sở trụ nhi sanh kỳ tâm’, trong tâm không có lo âu, băn khoăn (vướng mắc, lo lắng không dứt được), tất cả đều buông xả thì tâm [được] thanh tịnh; tâm thanh tịnh sẽ sanh trí huệ, cho nên ‘vô trụ’ là tu huệ, ‘sanh tâm’ là tu phước. ‘Nhi hành bố thí’, bố thí là tu phước. Hưởng phước là việc vô cùng nguy hiểm nên trong kinh này đức Phật dạy Bồ Tát ‘bất thọ phước đức’ (không hưởng phước đức). Quan sát kỹ lưỡng người hành Bồ Tát đạo tu phước và không hưởng phước. Vì hưởng phước rất dễ mê hoặc, khi mê hoặc thì không thể nào không tạo tội nghiệp, thế nên phước báo phải chia xẻ cho chúng sanh hưởng [chung].
Ðức Phật vì tất cả chúng sanh mà thuyết pháp, chẳng thuyết một pháp nhất định, tất cả pháp đều là duyên sanh. Lúc đức Phật Thích-Ca Mâu-Ni còn tại thế giảng kinh thuyết pháp không chuẩn bị hôm nay phải giảng pháp nào, ngày mai phải giảng đề mục gì. Nếu có chuẩn bị thì mới là định pháp. Thầy trò tụ tập một chỗ, khi không có câu hỏi hoặc vấn đề gì thì mọi người tĩnh tọa; lúc có vấn đề, đức Phật tùy thời giải đáp cho đại chúng, sau này ghi chép lại thành kinh điển.
Lúc đức Thế Tôn còn tại thế có rất nhiều học trò, trong kinh nói 1250 người là thường tuỳ chúng (nhóm học trò luôn luôn đi theo và ở cạnh đức Phật). Nhóm thường tuỳ đệ tử này bao gồm luôn những người hộ pháp tại gia, hết thảy đều là chư Phật, Bồ Tát ‘đáo giá từ hàng’ (thả chiếc bè từ) mà đến. Họ giúp đỡ đức Phật Thích-Ca giáo hoá chúng sanh, đúng như câu nói: ‘Nhất Phật xuất thế, thiên Phật ủng hộ(Một vị Phật ra đời, ngàn Phật ủng hộ). Phật làm một gương tốt cho chúng ta, đức Phật và chư Phật không có đố kỵ, không có trở ngại lẫn nhau. Ðức Phật Thích-Ca thị hiện thành Phật, những vị cổ Phật cũng đến thị hiện làm học trò của Ngài (Phật Thích-Ca), giúp đỡ chúng sanh phá mê khai ngộ, mục đích là như vậy.
Cũng giống như tuồng hát [trên sân khấu], người nào đóng vai chánh, những người còn lại đóng vai phụ, cùng nhau hợp tác thành tựu viên mãn. Trước khán đài và sau khán đài khác nhau, trước khán đài có thể đóng vai phụ, thậm chí đóng vai gánh nước, kéo cờ, [nhưng] phía sau khán đài [có thể] là thầy của người đóng vai chánh. Trên khán đài thường thấy người học trò đóng vai chánh, chư Phật, Bồ Tát giáo hoá chúng sanh đúng là ‘du hí’. Thế nên, những người đệ tử nổi tiếng nhất như Xá-Lợi-Phất, Mục-Kiền-Liên đều là cổ Phật tái lai. Trong số cư sĩ, trưởng giả Duy Ma là Kim Túc Như Lai tái lai thị hiện làm đệ tử tại gia của đức Phật Thích-Ca. Chỗ này có thể gợi ý cho chúng ta, phải từ đây học tập rút tỉa kinh nghiệm - Phật pháp không những chỉ bao gồm tứ chúng, tất cả chúng sanh trong tận hư không, khắp pháp giới đều là một nhà cả. Nếu hiểu được đều là một nhà, không những trong tứ chúng không bài xích lẫn nhau, đối với [những người] thuộc tôn giáo khác cũng không bài xích.
3. Lìa bốn tướng, hiểu rõ sự lý, tin nhân quả
Tâm lượng của Phật giáo rất rộng lớn, đối với tất cả tôn giáo thậm chí những người có ác ý phỉ báng, phê bình, Phật, Bồ Tát cũng không để ý, cũng đều dùng ái tâm để quan tâm và giúp đỡ họ. Ðối với người ngoại đạo còn như vậy, huống hồ là đồng tham đạo hữu! Phật thị hiện dùng thân mình làm tiêu chuẩn mực thước để chúng ta noi gương theo, không chỉ dùng lời nói để khuyên chúng ta mà thôi. Kinh Kim Cang nói: ‘Không có tướng ta, không có tướng người, không có tướng chúng sanh, không có tướng thọ giả’, không những Phật pháp Ðại thừa, kể cả Tiểu thừa cũng bao gồm trong đó luôn. Tiểu thừa Tứ Quả Tu Ðà Hoàn, Tư Ðà Hàm, A Na Hàm, A-la-hán đều ly tướng, phá trừ phân biệt, chấp trước. Không kể công phu tu hành tốt đến đâu, nếu chưa buông xả ‘ngã tướng’ thì không thoát ly ra khỏi luân hồi. Ðây là một vấn đề vô cùng nghiêm trọng, tuyệt đối không được xem thường.
Chúng ta đời đời kiếp kiếp xoay vần trong lục đạo, đời sống không dễ dàng. Cho dù tu phước thì đời sống cũng không dễ [hơn được bao nhiêu]. Hãy quan sát kỹ lưỡng người trong thế gian, giàu và nghèo đều khổ. Người nghèo khổ [thì đã đành rồi nhưng] người giàu còn khổ hơn nữa. Làm tổng thống, làm vua chúa có ai không cực nhọc? Trong đời sống có ai được đại tự tại! Chư vị nên lắng lòng quan sát, tâm sẽ bình tĩnh [sáng suốt], sẽ khai trí huệ, mới thật sự xoi thấu được chân tướng sự thật.
Trong thế pháp tất cả chúng sanh đều không thể vượt ra ngoài định luật nhân quả. ‘Một miếng ăn, một miếng uống đều đã định sẵn’. Chữ ‘định’ này là định luật nhân quả, đó là sự thật, nhất định không tí gì hư dối. Người đối với người không nên có oán hận, không nên có xích mích [lẫn nhau]. Một niệm sân hận, tâm niệm trả thù tuy nhỏ bé, phải biết đời đời kiếp kiếp không bao giờ chấm dứt [trả thù, báo phục]. Hơn nữa mỗi lần trả thù sẽ không chỉ trả vừa đủ, cũng sẽ trả hơn một chút. Ðối phương không phục, oán hận trong tâm, đời sau gặp lại cũng sẽ báo thù tiếp tục, cứ như thế không bao giờ dứt. Sau cùng trở thành dữ dội tàn khốc, hai bên đều đọa địa ngục A-tỳ. Các trận chiến tranh trong lịch sử thế giới đều bắt đầu từ oán hận báo thù lẫn nhau. Hiểu được đạo lý và sự thật chúng ta phải nên phát tâm đại từ đại bi để hoá giải hết tất cả những xích mích này. Không những phải sống chung hòa bình với tất cả chúng sanh, mà còn giúp đỡ hợp tác lẫn nhau; thêm một bước giúp họ phá mê khai ngộ, lìa khổ được vui, như vậy mới là Bồ Tát đạo, Bồ Tát hạnh.
Lúc đạo tràng mới thành lập, chúng ta nhất định phải giảng kinh Ðịa Tạng trước nhất. Có đất đai rồi, trên miếng đất này mới xây dựng Phật pháp. Chữ ‘địa’ trong ‘kinh Ðịa Tạng’‘tâm địa’; tạng tức là kho tàng chứa tất cả công đức của Như Lai, cũng tức là tự tánh vốn sẵn có đầy đủ vô lượng trí huệ, đức năng, đó là nghĩa của chữ ‘Ðịa Tạng’. Làm sao khai mở trí huệ đức năng? Kinh Ðịa Tạng dạy chúng ta hai chữ ‘hiếu kính’, - hiếu thuận cha mẹ, tôn kính sư trưởng. Sự giáo dục từ xưa đến nay ở Trung-Quốc chú trọng ‘Tôn sư trọng đạo’. Kinh Ðịa Tạng dạy chúng ta ‘hiếu thân tôn sư’, hàm nghĩa [của điều này] vô cùng sâu rộng, bao gồm toàn bộ Phật pháp. Thí dụ bài vở học sinh không giỏi, làm cho cha mẹ, thầy giáo đều bận tâm, đó tức là không hiếu kính cha mẹ, không tôn kính sư trưởng; học sinh siêng năng học hỏi, tiếp nhận sự dạy dỗ của thầy giáo tức là hiếu kính. Trong gia đình anh em không hòa thuận là bất hiếu, chị em dâu bất hoà là bất hiếu. Một nhà hòa thuận thì cha mẹ vui mừng, được mọi người kính trọng, cha mẹ, thầy giáo mới vui vẻ. Vì vậy khi khởi tâm động niệm, ngôn ngữ hành động, nhất định phải nghĩ đến ân đức của cha mẹ và lời dạy dỗ của thầy giáo; học Phật là phải bắt đầu từ chỗ này, rồi sau đó nâng cao cảnh giới từng tầng từng tầng đi lên.
‘Sự’ vô lượng vô biên, ‘lý’ vô lượng vô biên, Phật, Bồ Tát tùy duyên thuyết pháp, cho nên không có một định pháp có thể nói. Ðức Phật lại nói với chúng ta: ‘Nhất thiết hiền thánh, giai dĩ vô vi pháp, nhi hữu sai biệt’ (Tất cả thánh hiền đều do vô vi pháp mà có sự sai khác), đây là nói rõ Tứ quả Tứ hướng Tiểu thừa, 51 vị thứ của Bồ Tát Ðại thừa đều xây dựng từ ‘vô vi pháp’. ‘Vô vi pháp’ là chân tâm bổn tánh, tức là tâm thanh tịnh, tâm bình đẳng. Lúc trước chúng tôi cứ nghĩ là tâm của Ðại thừa giáo Bồ Tát mới thanh tịnh và bình đẳng. Nhưng trong kinh Kim Cang, đức Thế Tôn nói với chúng ta, người chứng được quả Tiểu thừa Tu Ðà Hoàn đã có tâm thanh tịnh bình đẳng. Tuy tâm địa thanh tịnh bình đẳng nhưng trình độ thanh tịnh bình đẳng của mỗi người không giống nhau. Tiểu thừa Tứ quả Tứ hướng có tám cấp bực; Ðại thừa từ quả Sơ Tín đến Ðẳng Giác gồm có 51 cấp bực đều là mức độ cao thấp của tâm thanh tịnh và tâm bình đẳng.
Tự mình tạo ra nhân thì tự mình phải gánh chịu quả báo; chư Phật, Bồ Tát cũng không thể thay đổi nghiệp nhân quả báo. Khi Ðịa Tạng Bồ Tát đến cõi địa ngục cứu độ chúng sanh thì cũng độ những chúng sanh có duyên đầy đủ, duyên chín muồi. Chúng sanh ở địa ngục tràn đầy tâm sân hận, tâm trả thù rất mạnh, Bồ Tát khuyên họ buông xả, khuyên họ phát tâm từ bi, họ phải chịu tiếp nhận, đồng ý [thì mới được độ], nhưng rất ít chúng sanh [ở địa ngục] có thể tiếp nhận. Trong sáu nẻo luân hồi chỉ có loài người là dễ giác ngộ nhất, dễ chịu nghe lời khuyên dạy của Phật, Bồ Tát nhất. Cõi trời vui nhiều khổ ít, hưởng lạc quen rồi nên rất khó nghe lời khuyên dạy, đây là ‘phú quý học đạo nan’ (giàu sang học đạo khó). Ba cõi ác quá khổ, tâm sân giận, đố kỵ, trả thù quá mạnh nên cũng không chịu tiếp nhận lời khuyên dạy. Tại sao chư Phật phải thị hiện thành Phật ở cõi người? Là vì cõi người khổ đau nhiều, vui sướng ít, dễ giác ngộ hơn, dễ nghe theo lời răn dạy của Phật, Bồ Tát hơn các cõi khác.
Cụ Châu Kính Trụ kể lại nhân duyên học Phật của ông cho tôi nghe. Trong thời kỳ kháng chiến [chống Nhật] ông lo việc kiểm soát thuế vụ của hai tỉnh Tứ Xuyên và Tây Khang. Sau khi kháng chiến thắng lợi ông đã từng đảm nhiệm chức Ty Trưởng Tài chánh tỉnh Triết Giang, lúc bấy giờ thủ đô [được dời về] Trùng Khánh. Ông nói có một đêm nọ ông ở Trùng Khánh đánh bài đến 2, 3 giờ khuya mới về nhà. Lúc bấy giờ những người làm quan không có xe chuyên chở nên phải đi bộ về nhà một mình. Trong thời kỳ kháng chiến đường lộ rất gồ ghề, cách thiệt xa mới có một ngọn đèn đường, ánh đèn rất yếu, chỉ sáng cỡ chừng 20 nến (đơn vị đo lường ánh sáng, candle), chỉ đủ nhìn thấy bóng lờ mờ mà thôi. Trên đường đi ông nhìn thấy bóng của một người đàn bà đi phía trước ông cỡ chừng 50 bước. Lúc ban đầu ông không để ý, cứ tiếp tục đi trên cùng đường. Ði được khoảng nửa giờ đồng hồ ông bỗng nhiên giựt mình suy nghĩ tại sao nửa đêm nửa hôm lại có người đàn bà đi ngoài đường một mình như vậy? Ý nghĩ này vừa khởi lên làm cho ông rởn da gà. Nhìn kỹ lại ông thấy người đi phía trước chỉ có phân nửa thân phía trên, không thấy nửa người phía dưới. Ông sợ quá! Không phải ông bị mờ mắt, quáng gà. Từ đó trở về sau ông mới bắt đầu tin Phật pháp. Ông nói nữ quỷ đó có thể là Quán Thế Âm Bồ Tát hoá thân để độ ông; nếu ông không nhìn thấy tận mắt, chứng minh được Phật pháp một tí gì cũng không phải giả thì ông chẳng đời nào bước chân vào cửa Phật cả.
Cụ Châu thường dùng những chuyện thật về nhân quả báo ứng để khuyên người tin sâu nhân quả, khi khởi tâm động niệm đều phải cẩn thận đừng tạo nhân ác. Nhân cần phải có duyên mới có thể kết thành quả. Cả đời này mình chấm dứt làm việc ác, chuyên làm việc thiện; cắt đứt duyên ác rồi, tuy có nhân ác cũng không thể thành quả ác. Chúng ta hãy tích lũy công đức càng nhiều, bồi đắp thiện duyên cho tử tế. Nhân tốt đời trước cộng với duyên thiện đời này, dĩ nhiên sẽ thành ra quả báo thiện.

Nhận xét

Bài đăng phổ biến từ blog này