E. Vũ trụ nhân sanh chỉ là mộng huyễn bào ảnh
NIỆM PHẬT TÂM ĐỊA CÔNG PHU
Nguyên tác: Lão Pháp sư Tịnh Không
Nguyên tác: Lão Pháp sư Tịnh Không
1. Thọ trì một câu kệ hơn cả bố thí thất bảo
Kết luận cuối cùng trong kinh Kim Cang vô
cùng quan trọng. Những đoạn trong kinh này càng về sau càng ‘hấp dẫn’, những ý
nghĩa quan trọng đều ở nửa phần sau, đặc biệt kết luận này không những là kết
luận của kinh Kim Cang, thiệt ra là tổng kết hết thảy 22 năm giảng kinh Bát Nhã
của Thế Tôn. Năm xưa đức Phật giảng kinh thuyết pháp 49 năm, hội kinh Bát Nhã
đã chiếm hết 22 năm. Nếu dùng [cách phân đoạn thông thường của kinh điển] ba
phần: Tựa, Chánh tông, Lưu thông để xem xét một đời giáo hoá của đức Phật, thì
Bát Nhã là phần Chánh tông của toàn bộ Phật pháp, là trung tâm của cả đời giáo
hoá của đức Thế Tôn. Kết luận này không những là tổng kết của Bát Nhã mà cũng
có thể nói là tổng quy kết hết thảy 49 năm thuyết pháp của đức Phật, tức là hai
câu và một kệ cuối cùng của kinh này.
Thái tử Lương Chiêu Minh chia kinh này ra
thành 32 đoạn, đây cũng giống như làm việc phân khoa, phán giáo. Có câu rằng ‘Nhân
giả kiến nhân, trí giả kiến trí’ (Người nhân thấy điều nhân, người trí thấy
điều trí, ý nói: Từ nội tâm ảnh hưởng đến kiến giải, quan điểm, cách xử sự),
từ xưa đến nay cái nhìn của các vị đại đức không giống nhau. Cách phân thành 32
đoạn của thái tử Chiêu Minh là để đọc tụng, tiện lợi cho việc thảo luận; tạm
thời không bàn thích hợp, thỏa đáng hay không, nhưng phải nói cách phân đoạn
này rất tiện lợi nên sách phân đoạn theo cách này thường được phổ biến rất rộng
rãi. Ðoạn cuối cùng tổng kết toàn quyển kinh. Ðoạn kinh này vừa mở đầu Thế Tôn
gọi ông Tu Bồ-Ðề. Trong kinh mỗi khi đức Phật kêu tên một người nào đó, phía
sau nhất định sẽ có lời dạy quan trọng, mục đích là nhắc đại chúng phải chú ý,
đây là một kiến thức phổ thông.
Ðức Phật dạy: giả sử có người bố thí hết
bảy thứ báu trong vô lượng a-tăng-kỳ thế giới. Con số này không thể tính toán
được, a-tăng-kỳ là một đơn vị trong thời cổ Ấn-Ðộ, chúng ta ngày nay gọi nó là
con số thiên văn (con số này quá lớn). Dùng đơn vị này lại thêm chữ vô
lượng nữa. Không những là vô lượng mà còn là bảy báu trong vô lượng a-tăng-kỳ
thế giới! Chỉ nói đến bảy thứ báu trên quả địa cầu này thôi thì đã không thể
tính nổi [huống gì là vô lượng a-tăng-kỳ thế giới!]
Chữ thế giới nói trong kinh là chỉ khu vực
giáo hoá của một đức Phật, là một đại thiên thế giới. Gần đây lão cư sĩ Hoàng
Niệm Tổ đưa ra một cách nhìn mới, cụ cho rằng những ngân hà như chúng ta biết
hiện nay không phải là một đại thiên thế giới, mà chỉ là một đơn vị thế giới.
Nếu tính [ngân hà là một] đơn vị thế giới thì một đại thiên thế giới lớn vô
cùng, không thể tưởng tượng nổi. Thông thường trong một tiểu thiên thế giới có
một ngàn đơn vị thế giới, nói một cách khác 1000 hệ ngân hà mới là một tiểu
thiên thế giới. Lại dùng một tiểu thiên thế giới làm đơn vị, 1000 tiểu thiên
thế giới bằng 1 trung thiên thế giới, 1000 trung thiên thế giới bằng 1 đại
thiên thế giới. Nếu dùng cách tính này thì 1000x1000x1000 bằng 10 ức hệ ngân
hà, đây mới là một đại thiên thế giới.
Phước đức của việc bố thí hết thảy ‘bảy báu trong vô lượng a-tăng-kỳ thế giới’
bao lớn? Thiệt là không thể tính đếm nổi. Có rất nhiều bạn đồng tu muốn bố thí
tu phước, cho dù bố thí hết thảy báu vật trên trái đất này thì cũng quá ít [so
với bảy báu trong vô lượng a-tăng-kỳ thế giới]! Ðức Phật nói ‘Nếu có thiện
nam tử, thiện nữ nhân phát bồ đề tâm’; dựa trên ‘Tam phước’ nói trong kinh
Quán Vô Lượng Thọ Phật thì tiêu chuẩn của ‘thiện’
là phải thực hiện được ‘Hiếu dưỡng phụ mẫu, phụng sự sư trưởng, từ tâm không
sát [hại sanh vật], tu thập thiện nghiệp’, đây là thiện nam tử, thiện nữ
nhân ở cõi nhân, thiên. Từ cơ sở này cộng thêm ‘Thọ trì tam quy, đầy đủ các
giới, không phạm oai nghi’ tức là thiện nam tử và thiện nữ nhân [theo tiêu
chuẩn] của Tiểu thừa. Thiện nam tử và thiện nữ nhân nói trong kinh Ðại thừa
phải thêm bốn câu: ‘Phát Bồ-Ðề tâm, tin sâu nhân quả, đọc tụng Ðại thừa,
khuyến tấn hành giả’. Kinh này là kinh Ðại thừa, phải làm đầy đủ 11 điều
trong Tam Phước nói trên thì tức là ‘thiện
nam tử, thiện nữ nhân’ nói trong kinh Kim Cang. [Tóm lại] chữ thiện nam tử
và thiện nữ nhân trong kinh điển Tiểu thừa và Ðại thừa đều có tiêu chuẩn đàng
hoàng chứ không phải nói bừa.
‘Người thiện nam tử, thiện nữ nhân, phát
Bồ-Ðề tâm’ tức là phát tâm A-nậu-đa-la Tam-miệu Tam
Bồ-Ðề và cũng là phát tâm rộng lớn ‘chúng
sanh vô biên thệ nguyện độ’. Hiện nay chúng ta học Phật là rất tốt, rất
hiếm có, nhưng phải nhận thức rõ trong thế gian và xuất thế gian cái gì mới là
chơn, cái gì là giả. Phải có đủ khả năng phân biệt tà chánh, thị phi, thiện ác,
lợi hại thì mới gọi là người giác ngộ. Chữ ‘ngu
si’ thường được dùng trong kinh nghĩa là ‘điên đảo’, xem đồ giả thành đồ thiệt, xem điều ác thành điều
thiện. Không những không thể phân biệt những vấn đề lớn, thậm chí đến những
quan hệ, lợi hại nhỏ nhoi cũng không thể phân biệt, trong kinh dùng danh từ ‘người đáng thương hại’ để mô tả những
người này. Chúng ta có thiệt tình phản tỉnh không, có phải là người đáng thương
này không, có phát tâm Bồ-Ðề chân thật không?
Tôi nhớ lúc học lớp 2, lớp 3 trong trường
tiểu học, vì phá phách nên bị thầy phạt, bị thầy đánh, còn bị phạt quỳ nữa,
đương nhiên cũng khóc sướt mướt. Lúc về nhà ba má tra hỏi nên biết ở trường tôi
bị thầy giáo xử phạt. Hôm sau cha tôi đem lễ vật đến thăm thầy, cám ơn thầy đã
dạy dỗ cho tôi. Tôi nhìn thấy nên sau này khi bị thầy giáo phạt, khi về nhà
không đời nào chịu nói ra. Hiện nay sự giáo dục thay đổi rồi, nếu học trò bị
thầy giáo trừng phạt, cha mẹ học sinh sẽ đi thưa cảnh sát, còn muốn thưa ra
toà, thế nên ngày nay làm thầy giáo không ai dám răn dạy học sinh, không còn
kiếm được những thầy giáo thật lòng dạy học sinh. Ngày nay đạo lý thầy trò
không còn nữa, đây là sự đau buồn đáng tiếc của tất cả chúng sanh trong thời
đại này; trẻ em, thiếu niên không được sự dạy dỗ đàng hoàng thì không phải là
một chuyện tốt. Những lời dạy của cổ thánh tiên hiền Trung-Quốc thời xưa viết
bằng lối văn ‘Văn Ngôn’, người đời
nay xem không hiểu; những lời dạy và kinh điển của Phật, Bồ Tát cũng xem không
hiểu, như vậy phải làm sao? Chúng ta phải phản tỉnh kỹ càng, phải nên giác ngộ!
Phật dạy: ‘Người thiện nam tử, thiện nữ
nhân, phát tâm Bồ-Ðề phải nên trì kinh này’, cho dù không thể thọ trì hết
bộ kinh này, thì cũng nên ‘thọ trì chỉ
bốn câu kệ’, quan trọng ở chữ ‘thọ
trì’. ‘Thọ trì, đọc tụng, diễn thuyết cho người khác, phước báo đó vô cùng thù
thắng’. Câu kinh này vô cùng quan trọng và cũng khẳng định nếu có thể hiểu
được và phụng hành, phước báo tu được sẽ lớn hơn người bố thí thất bảo khắp vô
lượng a-tăng-kỳ thế giới. Ðích thật là to lớn hơn, không giả dối tí nào.
‘Thọ’
tức là tiếp thọ; ‘trì’ nghĩa là giữ
gìn, đừng đánh mất. Ý nghĩa của chữ ‘Thọ’
bao gồm hiểu rõ, hiểu đúng đắn ý nghĩa của kinh điển, đồng thời có thể ứng dụng
nghĩa kinh vào đời sống sanh hoạt thường ngày, nghĩa là sanh hoạt trong ‘Trí Huệ Kim Cang Bát Nhã’, phước báo
này to lớn dường nào! Cho dù phước báo của người trong thế gian có lớn đến mấy,
họ cũng chỉ sinh sống trong phiền não, không thể nào sánh bằng. Người có phiền
não thì tương lai vô cùng đen tối, đầy đủ Trí Huệ Kim Cang Bát Nhã thì tương
lai xáng lạn. ‘Thọ trì’ tức là y giáo
phụng hành, làm được hoàn toàn trong đời sống sanh hoạt thường ngày. Thí dụ đức
Phật Thích-Ca biểu diễn ăn cơm, mặc áo đều là Kim Cang Bát Nhã. Lúc xử thế, đối
người, tiếp vật, từng ly từng tí đều áp dụng Trí huệ Kim Cang Bát Nhã Ba La
Mật. Ðược vậy mới gọi là ‘thọ trì Kim
Cang Bát Nhã’, sanh sống một đời sống ‘Kim
Cang Bát Nhã’.
‘Diễn
thuyết cho người khác’: diễn và thuyết là hai việc khác nhau, dụng
ý đều là để giáo hoá chúng sanh. Diễn là biểu diễn, làm gương tốt cho người ta
xem, làm cho người ta ngưỡng mộ, ưa thích và nhờ vậy phát tâm học Phật pháp.
Thuyết là thuyết minh, giải thích cho người khác. Người ta nhìn thấy đời sống
của bạn hạnh phúc vui vẻ như vậy, nhất định sẽ lại hỏi thăm, nhân dịp này bạn
giới thiệu Phật pháp cho họ, làm cho họ cũng có thể phá mê khai ngộ, lìa khổ
được vui. Phật pháp là ‘sư đạo’, chỉ
nghe nói việc đi học chứ chưa nghe nói việc [thầy] đi dạy. Học là học sinh đi
cầu học; nếu bạn không cầu mà ông thầy đến dạy bạn, như vậy là sai lầm (không hợp lý). Chúng ta phải làm gương
tốt cho người ta xem, đây tức là ‘duyên’,
tức là giới thiệu, phát triển rộng ra.
2. Hoằng pháp phải địa phương hóa và hiện đại hóa
Chư Phật, Bồ Tát thuyết pháp tùy theo căn
cơ, căn cơ của chúng sanh không giống nhau, sai khác rất lớn, cho nên Phật mới
mở vô lượng pháp môn để phù hợp cho mỗi loại căn cơ khác nhau. Nếu không biết
điểm này, không những tự mình học Phật đến nỗi sai lầm, nếu dạy người ta thì
cũng sẽ dạy sai. Trong suốt 37 năm giảng kinh tôi thường thường nhắc đến điểm
này nhưng nhiều người cũng không thể hội, không giác ngộ. Kinh Kim Cang nói rất
rõ ràng: ‘Phật không có pháp nhất định nào để nói, Phật không có pháp để
nói’. Phật đều ‘ứng cơ nhi thuyết’ (tuỳ theo trường hợp, căn cơ mà
thuyết), ‘nói mà không nói’.
Vì thời xưa và thời nay khác nhau, đông tây
chẳng đồng, nên Phật pháp cần phải ‘hiện đại hóa’ và ‘địa phương hóa’, được vậy
mới có thể đem lại lợi ích cho đa số chúng sanh hiện nay. Hơn 2000 năm trước (năm 67 sau công nguyên), Phật giáo
chính thức truyền đến Trung-Quốc, lúc đó Hán Minh Ðế phái sứ giả đến Tây Vực,
đón mời 2 vị cao tăng Ấn-Ðộ: Ma-Ðằng và Trúc-Pháp-Lan đến Trung-Quốc. Hai vị
pháp sư này rất có trí huệ, sau khi đến Trung-Quốc họ liền Trung-Quốc hoá (thay đổi để thích hợp với người Trung-Quốc).
Họ ăn mặc và sinh sống theo kiểu dân bản xứ, đây gọi là sinh hoạt Trung-Quốc
hoá. Lúc đó nếu họ vẫn sanh hoạt theo cách thức và văn hoá Ấn-Ðộ, người
Trung-Quốc sẽ không tiếp nhận một cách dễ dàng. Do đó khi họ vừa đến Trung-Quốc
liền thay đổi, họ hiểu được [sự quan trọng của nguyên lý] ‘bổn thổ hoá’ và ‘hiện đại
hoá’. Kiến trúc của đạo tràng được xây dựng bắt chước theo cung điện vua
chúa, người Trung-Quốc nhìn thấy rất ưa thích! Người Trung-Quốc thời xưa rất
tôn trọng vua chúa, đạo tràng Phật giáo được xây giống cung điện thì không ai
chẳng thích đi vào.
Chúng ta hãy xem những năm gần đây Phật
giáo từ Trung-Quốc được truyền đến Mỹ, kiến trúc [của đạo tràng] vẫn còn dùng
kiến trúc của cung điện Trung-Quốc thời xưa làm cho người Tây phương vừa nhìn
thấy liền tránh né vì họ nghĩ đây là văn hoá ngoại lai, không muốn chấp nhận.
[Cho nên] ở Mỹ phải xây đạo tràng giống tòa Bạch Cung vậy, người Âu Mỹ nhìn
thấy sẽ vui thích đi vào; tượng Phật phải đúc giống gương mặt của người Mỹ, cũng
như tượng Phật ở Trung-Quốc giống người Trung-Quốc, ở Nhật giống người Nhật, ở
Tây Tạng giống người Tây Tạng, tượng Phật ở Thái Lan có cằm nhọn nhọn giống
người Thái Lan.
Mấy năm trước tôi giảng kinh ở Miami, có
người Mỹ đến nghe, tôi nói với họ: ‘Phật
giáo chưa truyền đến Mỹ quốc’. Họ rất ngạc nhiên! Tôi giải thích [bằng câu
hỏi]: ‘Quý vị xem có tượng Phật nào có
gương mặt giống người Mỹ không?’. Chư Phật, Bồ Tát không có gương mặt nhất
định, biến hoá tùy theo tâm niệm của chúng sanh, chúng sanh chịu dùng thân gì
để được độ thì Bồ Tát sẽ hiện ra thân đó, như vậy mới có thể phổ độ chúng sanh.
Chúng ta đến chỗ này nếu chỉ độ người Trung-Quốc hoặc Hoa kiều không thì chẳng
có ý nghĩa gì cả. Xây dựng đạo tràng ở chỗ nào thì phải độ hoá chúng sanh ở nơi
đó, thế mới là hoằng pháp lợi sanh. Cho nên chúng ta xây dựng đạo tràng ở đây
phải dùng kiến trúc của Mỹ. Chúng ta xây dựng đạo tràng như vậy nếu không có sự
biểu quyết của hội đồng thành phố (city
hearing), những người hàng xóm chung quanh cũng sẽ vui vẻ, không phản đối.
Chúng ta dùng phương pháp dễ hiểu rõ ràng, giới thiệu Phật pháp cho người địa
phương thì họ sẽ hoan hỷ tiếp nhận.
3. Cành cũ lá mới, tuỳ duyên thuyết pháp
Từ xưa đến nay số người viết chú giải cho
kinh Kim Cang không dưới 500 người, mỗi người viết chú giải đều không giống
nhau. Nếu hết thảy đều giống nhau thì làm sao lưu truyền đến đời sau? Chú giải
không giống nhau tức là dùng cách nói khác nhau. Hết thảy 500 cách chú giải
kinh Kim Cang đều không sai vì Phật không có định pháp có thể nói. Cho nên
chúng ta xem chú giải phải biết cách xem, trong chú giải đời Ðường sẽ dùng cách
giải thích cần thiết cho [người] đời Ðường. Kinh Phật là toa thuốc, người đương
thời có bịnh gì, viết toa thuốc này có thể chữa lành bịnh cho họ (phá mê khải ngộ) thì đó là pháp dược
hạng nhất. Bịnh của người đời Tống khác người đời Ðường. Phương pháp chữa cho
người đời Ðường chữa không hết bịnh của người đời Tống, thế nên những đại đức
đời Tống cần phải có một cách nói khác để chữa bịnh cho người đời Tống. Nếu quý
vị hiểu đạo lý này thì sẽ biết tật bịnh, tập khí của chúng sanh trong mỗi thời
đại khác nhau nên phương pháp chữa trị cũng khác nhau. Ngày nay nếu chúng ta
đọc chú giải thời xưa không đạt được lợi ích là vì mình không biết đọc; nếu
biết đọc thì khi đọc chú giải thời xưa sẽ kiếm được ý nghĩa mới, từ ý cũ tìm ra
ý mới, như vậy gọi là ‘khai ngộ’.
Kinh Kim Cang giống như một cây cổ thụ, một
cây cổ thụ mấy ngàn năm luôn luôn sống mãi, mỗi năm mọc ra cành mới, năm nào
cũng mọc ra hoa mới, trái mới. Cành lá cũ thuộc về đời trước, cành lá mới thuộc
về đời hiện nay; nhờ cách giải thích cũ tìm ra phương pháp mới. Nếu không hiểu
đạo lý này, thì làm sao hiểu kinh, làm sao có thể giải thích cho người khác.
Cho nên thời đại, địa phương khác nhau sẽ có cách giải thích, cách nói khác
nhau. Ðối với người Trung-Quốc tôi có cách nói như vầy, nhưng đối với người Mỹ
thì tôi có cách nói khác, đối với người Nhật thì lại có cách nói khác nữa. Cùng
một bộ kinh gặp người thì nói tiếng của người, gặp quỷ thì nói tiếng của quỷ,
thế thì người và quỷ đều đạt được lợi ích. Những gì dùng để giải thích và nói
cho người nghe thì không độ được quỷ, những gì dùng để giải thích và nói cho
quỷ thì không độ được người (không thể
dùng để giải thích cho người được).
Thí dụ rõ ràng nhất là cùng một kinh Kim
Cang khi tôi giảng giải cho tín đồ Cơ Ðốc giáo hoàn toàn phù hợp với ‘Tân Cựu Ước’ của họ; khi tôi giảng giải
cho tín đồ Hồi giáo nhất định phải phù hợp với kinh Coran của họ. Pháp không có
đối nghịch lẫn nhau, vô cùng hoạt bát uyển chuyển. Ai nghe xong cũng đều vui vẻ
và tiếp nhận, đây là chỗ mà Phật pháp đáng cho người ta khâm phục. Phật pháp là
pháp viên dung, đối với tất cả chúng sanh, tất cả chủng tộc, thậm chí tất cả
tôn giáo tín ngưỡng đều không có xung đột. Nếu có xung đột là vì bạn không hiểu
rõ Phật pháp. Tu học Phật pháp phải hiểu rõ lý luận thì mới đạt được lợi ích,
mới có thể phát triển, đem ích lợi đến cho tất cả chúng sanh.
4. Ăn chay vệ
sinh, vệ tánh, vệ tâm (bảo vệ sinh thái, bảo vệ tánh đức, bảo vệ tâm tánh)
Hiện nay nhiều người thường gặp phải khó
khăn trên phương diện ăn uống. Khi bạn học Phật, đã ăn chay trường, nhưng người
nhà chưa học Phật. Lúc bạn chưa học Phật cả nhà đều hoà thuận nhưng sau khi bạn
học Phật, trong nhà mỗi ngày đều vì vấn đề ăn uống mà cãi lộn làm cho cả nhà
không vui. Người hàng xóm nhìn thấy như vậy sẽ khuyên mọi người đừng học Phật
và nói rằng học Phật sẽ phá hoại hạnh phúc gia đình. [Người ăn chay này do vậy
đã] phá hoại Phật pháp mà cứ tưởng mình có công đức. Tam Phước dạy trong kinh
Quán Vô Lượng Thọ là cơ sở cho người học Phật; ‘hiếu dưỡng phụ mẫu, phụng sự sư
trưởng’ tức là hiếu thuận, nếu không thể tùy thuận theo cha mẹ thì là bất hiếu.
Học Phật phải có trí huệ trong lúc tuỳ thuận phải giải thích rõ, làm cho họ
thay đổi, cần phải có sức nhẫn nại lớn lao, cần phải có phương pháp khéo léo.
Nếu vừa mở miệng liền nói: ‘Quý vị ăn
thịt, tương lai phải trả nợ này’, người ta vừa nghe liền sanh phản cảm, làm
sao có thể nghe theo lời khuyên được!
Ăn chay đối với việc vệ sinh đích thực có
rất nhiều lợi ích. Ðặc biệt là hiện nay chất độc trong thịt cá rất nhiều nên
người ta thường mắc phải nhiều bịnh kỳ quái. [Người xưa có câu:] ‘Bịnh từ
miệng vào’; những tâm niệm tham, sân, si, mạn, vọng tưởng, phân biệt, chấp
trước đều là nguồn gốc của bịnh tật. Thức ăn là duyên. Có nghiệp nhân lại cộng
thêm nghiệp duyên thì sẽ sanh ra bịnh tật (tất
cả bịnh tật là quả báo). Từ đời Lương Võ Ðế trở về trước, người xuất gia ở
Trung-Quốc cũng ăn thịt. Việc ăn chay là do Lương Võ Ðế đề xướng, ông dùng oai
quyền của ông vua nhiệt tâm khởi xướng chuyện ăn chay cho nên từ đó những người
theo Phật giáo ở Trung-Quốc bắt đầu có thói quen ăn chay. Ăn chay đích thật có
nhiều ích lợi, nhưng chẳng phải không ăn chay thì không thể thành Phật.
Lúc trước thầy Lý ở Ðài Trung dạy chúng tôi
khi tiếp dẫn người sơ cơ phải ghi nhớ 2 việc: việc thứ nhất tuyệt đối không
khuyên người ta ăn chay, thứ hai tuyệt đối không khuyên người ta thọ giới. Vì
khi nghe nói học Phật phải ăn chay sẽ gây chướng ngại cho rất nhiều người không
dám học Phật, như vậy sẽ cắt đứt cơ duyên học Phật của họ mất hết, tội này rất
nặng. Thọ giới rồi nếu phá giới thì tội tăng thêm một bậc. Nếu không thọ giới
thì sẽ không phạm tội phá giới; nếu thọ giới xong tự nhiên kết tội nặng hơn.
[Phương pháp] đức Phật dạy chúng ta đều có thứ tự đàng hoàng, khi cảnh giới
nâng cao lên một bậc thì giới cấm cũng khai mở thêm một chút, giống như khi học
trong trường vậy. Quy tắc, quy củ của lớp tiểu học rất nhiều, đến trung học thì
giảm bớt một chút vì trí huệ [của học sinh trung học] đã phát triển; đến đại
học thì hầu như hoàn toàn mở rộng, hết giới cấm, vì [học sinh đại học] đã hiểu
chuyện rồi, rất nhiều việc gò bó, quản thúc đã được bỏ [vì không cần thiết
nữa], Phật pháp cũng giống như vậy. Trong ngũ thừa Phật pháp: Nhân thừa, Thiên
thừa, Thanh văn thừa, Duyên giác thừa, Bồ tát thừa, tinh thần của giới Bồ Tát
và giới Tỳ-kheo hoàn toàn khác nhau.
Học Phật phải hiểu lý, phòng ngừa không bị
bịnh, thân tâm khỏe mạnh, tự tại vui vẻ. Thân tâm của bạn khỏe mạnh thì người
nhà sẽ vui thích vì họ không cần phải đặc biệt lo lắng cho bạn. Nếu người học
Phật mà cứ bị bịnh hoài, khi người nhà nhìn thấy bạn nhăn nhó, âu sầu, làm cho
người ta sợ không dám học Phật, thế thì rất sai lầm.
Không cần phải đề cập đến lợi ích và nhân
quả báo ứng của việc ăn chay, đây là một chuyện mà nhiều người bắt đầu học Phật
thường gặp phải khó khăn và chống đối. Chúng ta có thể giải thích rõ ràng bằng
những lý do [thông thường] mà họ có thể chấp nhận. Phần đông người ta đòi hỏi
việc ăn uống phải vệ sinh, không ăn những thức ăn dơ bẩn và hư thối. Không những
chúng ta đòi hỏi vệ sinh mà còn phải ‘vệ tánh’. Tánh tức là tánh tình lương
thiện. Người theo Hồi giáo (Islam)
dạy người ta không ăn những động vật có tánh tình không tốt, sự lựa chọn của họ
kỹ càng hơn phần đông người khác. Sự ăn uống trong Phật giáo còn cao minh hơn
Hồi giáo, đệ tử Phật phải có tâm từ bi, không ăn thịt tất cả chúng sanh, vì vậy
việc ăn uống trong Phật giáo là vệ sinh, vệ tánh, và vệ tâm. Họ có thể hiểu
những lý luận này mà không khởi lên phản cảm. Thói quen của việc ăn uống trong
Phật giáo rất tốt, rất uyển chuyển hoạt bát, và ‘thông quyền đạt biến’ - có thể biến chuyển tùy theo trường hợp mà
không phải chỉ là những giới điều cứng ngắc.
‘Diễn
thuyết cho người khác’ có một nguyên tắc rất quan trọng, trong
kinh đức Phật đã dạy chúng ta ‘bất thủ ư tướng, như như bất động (không chấp
vào tướng, như như bất động)’, ý nghĩa này vô cùng sâu rộng. Trong sinh
hoạt thường ngày bất cứ chuyện gì chúng ta đều không chấp tướng. Phần trước
trong kinh này dạy chúng ta ‘ưng vô sở trụ, nhi sanh kỳ tâm’, thế pháp
và Phật pháp đều không nên chấp trước, không nên giữ chặt trong tâm. Không chấp
vào tướng là ‘tu đức’, như như bất
động là ‘tánh đức’. Nếu không có công
phu tu tập thì làm sao kiến tánh được? Chúng ta dùng phương pháp ‘không chấp
vào tướng’ để chứng được chân tâm ‘như như bất động’. Ðây là cương lĩnh tu học
mà đức Phật dạy chúng ta từ lúc sơ phát tâm mãi cho đến khi thành Phật.
5. Vũ trụ nhân sanh chỉ là mộng huyễn bào ảnh
Lúc chúng ta khởi tâm động niệm, vọng
tưởng, chấp trước đều là trước tướng, thủ (nắm
giữ) tướng. Tại sao không nên thủ tướng, không chấp tướng?
Ðoạn cuối kinh này đức Phật dùng 4 câu kệ
để giải đáp vấn đề, nói rõ đạo lý tại sao như vậy:
Nhất thiết hữu vi pháp, (Tất
cả pháp hữu vi,
Như mộng huyễn bào ảnh, Như
mộng huyễn, bọt, ảnh
Như lộ diệc như điển, Như
sương cũng như chớp
Ưng tác như thị quán Nên
quán sát như vậy)
‘Hữu
vi pháp’ là những pháp ‘có sanh
có diệt’. Tất cả động vật có sanh, lão, bịnh, và tử, thực vật có sanh, trụ,
dị, và diệt, khoáng vật có thành, trụ, hoại, và không, tất cả đều là hữu vi
pháp. Nếu chúng ta bình tĩnh quan sát [thì sẽ thấy] hầu như những gì sáu căn
tiếp xúc đều là pháp hữu vi. Nếu quý vị học Duy thức thì có thể giải thích
những vấn đề này rất dễ dàng. Trong quyển Bách Pháp Minh Môn Luận của Duy thức
nhập môn, Thiên Thân Bồ Tát quy nạp tất cả các pháp thành 100 loại. Nói thật ra
100 pháp này bao gồm tất cả vô lượng vô biên pháp trong thế gian và xuất thế
gian, và lại có thể chia thành 5 loại.
Loại thứ nhất là ‘Tâm pháp’, có 8
thứ gọi là tám thức, tám tâm vương.
Loại thứ nhì là ‘Tâm sở hữu pháp’,
tức là tác dụng tâm lý, hiện tượng tâm lý, lại chia thành 51 thứ.
Loại thứ ba là ‘Sắc pháp’, tức là
vật chất, gồm có 11 thứ. Những ngoại cảnh mà sáu căn tiếp xúc: những gì mắt
thấy, những gì tai nghe, thân cảm nhận, lưỡi nếm, mũi ngửi, tất cả những cảnh
giới đều dùng ‘sắc’ để tượng trưng.
Loại thứ tư là ‘Tâm bất tương ưng hành
pháp’, triết học ngày nay gọi là khái niệm trừu tượng, gồm có 24 thứ. Tổng
cộng những thứ trên thành 94 thứ, đều gọi là ‘pháp hữu vi’.
Loại thứ năm là ‘Vô vi pháp’, gồm có
6 thứ. ‘Tất cả hữu vi pháp’ là chỉ 94 thứ này, bao gồm tất cả pháp trong thế
gian và xuất thế gian. Thế gian là chỉ lục đạo, xuất thế gian là chỉ Tứ Thánh
pháp giới – Thanh văn, Duyên giác, Bồ Tát, và Phật. Lục đạo và thập pháp giới
đều không vượt ra ngoài phạm vi này. Không những pháp thế gian giống như mộng
huyễn, bọt, ảnh, mà pháp giới của Tứ Thánh cũng như mộng huyễn, bọt, ảnh, thế
nên mới dạy chúng ta Thế pháp và Phật pháp đều không thể trụ, và cũng không thể
thủ (nắm lấy). Nếu trụ vào Phật pháp,
bám víu Phật pháp thì cũng sai luôn. Thí dụ trong bài kệ này có 6 chữ: ‘mộng’
là thí dụ chung. Không những đời người như mộng, trời cũng như mộng, Phật, Bồ
Tát trong thập pháp giới cũng như mộng. Nếu bạn cho là thật thì sai lầm quá
đỗi.
Tại sao có sự khác biệt to lớn giữa y báo,
chánh báo trang nghiêm của thập pháp giới?
Kinh nói: ‘Nhất thiết thánh hiền, giai
dĩ vô vi pháp nhi hữu sai biệt’ (Hết thảy thánh hiền đều vì pháp vô vi mà có sự
sai khác). Câu này nói rõ Phật, Bồ Tát, thập pháp giới, lục đạo luân hồi từ
đâu đến, đến như thế nào. Lục đạo luân hồi là vì ‘pháp hữu vi’ mà có sự sai khác. Tứ thánh pháp giới từ Pháp Thân
Ðại Sĩ, Viên Giáo Sơ Trụ cho đến Diệu Giác, 41 vị Pháp Thân Ðại Sĩ đều là vì ‘pháp vô vi’ mà có sự sai khác. Do đó có
thể biết lục đạo, thập pháp giới là vì pháp hữu vi mà có sự sai khác. Pháp hữu
vi tức là ‘nhân duyên quả báo’. Vạn
pháp đều không, chỉ có nhân quả chẳng không, đây là chân tướng của vũ trụ
nhân sanh.
Tại sao lại nói ‘nhân quả chẳng không’?
Nhân là năng biến, thập pháp giới y báo,
chánh báo trang nghiêm là quả báo sở biến. Hết thảy sự khởi tâm động niệm đều
là đang tạo nhân, đều là đang tạo tác. Ðừng nói đến ngôn ngữ, động tác, [chỉ
cần] động một tâm niệm cực kỳ nhỏ bé thì đã có tạo tác rồi. Ðức Phật dùng ‘mộng’ để thí dụ, trong mộng có những sự
việc này, có hiện tượng nọ, nhưng sự việc và tướng trong mộng đều là giả. Nếu
chúng ta có thể xem tất cả pháp như mộng, huyễn, bọt, ảnh thì sẽ không tạo
nghiệp, tâm sẽ định, sẽ thanh tịnh. Ðịnh có thể sanh huệ, ‘lòng tin thanh
tịnh ắt sanh thật tướng’, tánh đức của tự tánh tự nhiên xuất hiện, mới đạt
được sự thọ dụng chân thật trong sanh hoạt thường ngày.
‘Huyễn’
ví như hư không. Hư không như huyễn, chẳng phải chân thật. Nhà Phật thường nói ‘minh tâm kiến tánh’, người kiến tánh
không có đen tối. Nếu đã nhìn thấy toàn là ánh sáng thì đã kiến tánh; nếu mở
mắt ra mà nhìn thấy đen tối thì chưa kiến tánh, tại vì còn kẹt trong vô minh.
Sau khi phá vô minh rồi thì thiệt là nhìn thấy ‘đại quang minh tạng’. Tự tánh là quang minh, tự tánh mê mờ thì
biến thành một màn đen tối, cho nên xưng là ‘vô
minh’.
Hư không là cảnh giới trong mộng. Lúc chúng
ta nằm mộng, trong mộng cũng có hư không, lúc tỉnh dậy, chẳng thấy hư không,
thế nên hư không chẳng phải thiệt. Khoa học gia ngày nay rất thông minh, cũng
đã thể hội được rằng hư không là có giới hạn; ngày xưa cứ tưởng rằng ánh sáng
đi theo đường thẳng, ngày nay biết được ánh sáng là có cường độ. Có cường độ
tức là có sai biệt, tức là không phải lớn vô hạn, nghĩa là có giới hạn, có phạm
vi. Thế nên đức Phật dùng ‘huyễn’ ví cho hư không.
‘Bọt’
ví cho thế giới. Thí dụ tinh cầu rất yếu mềm, cũng giống như bọt nước, rất dễ
vỡ tan. [Khoa học gia] dùng viễn vọng kính hiện đại để quan sát, mỗi ngày đều
phát hiện thấy tinh cầu mới và cũng thấy rất nhiều tinh cầu bị huỷ diệt, thế
giới này không phải thật. Trong kinh Bát Ðại Nhân Giác đức Phật nói ‘quốc độ
mong manh’, [thế thì] có gì phải tranh giành, tính toán, chấp trước nữa?
Nếu nhìn thấy và hiểu rõ chân tướng sự thật thì tự nhiên sẽ buông xả. Sau khi
buông xả rồi, cái niềm vui vẻ khinh an (thong
dong, thảnh thơi), tự tại, khoái lạc, cho dù tôi có thể diễn tả được thì
quý vị cũng không thể tưởng tượng ra. Nhất định phải buông xả thì mới thể hội (nhận biết) được; nếu không chịu buông
xả thì vĩnh viễn sẽ không thể hội được niềm vui sướng chân thật. [Hết thảy] sự
khổ đều do mình tự tạo ra, buông xả được thì sẽ có trí huệ chân thật, thì mới
hiểu rõ ràng chân tướng sự thật.
‘Ảnh’
(bóng) ví như thân thể. Ảnh là giả, không thật.
‘Mộng, huyễn, bọt, ảnh’ mỗi chữ ví
cho một sự vật và đều nói rõ tất cả hư không, thế giới, thân thể đều là giả
tạo, không có một thứ nào là thiệt. Mỗi ngày vì cái thân giả này tạo nghiệp,
bạn nói có oan uổng hay không? Tại sao chúng ta lại làm cái việc ngu xuẩn này!
Thí dụ như trong việc ăn uống, rất nhiều người thích ăn sinh vật sống. Chỉ vì
ba tấc lưỡi, thiệt ra sau khi nuốt vô cuống họng rồi thì không biết mùi vị chi
nữa, nhưng vì mùi vị của cái lưỡi này mà tạo ra tội nghiệp nặng nề, vả lại mỗi
ngày đều tạo nghiệp nặng, tạo mãi cho đến hết cuộc đời! Sau khi chết đi, đến
đời nào kiếp nào mới có thể trả hết? Ðây đều là chân tướng sự thật, người thế
gian không tin, mê hoặc điên đảo. Học Phật ở mức độ thấp nhất phải hiểu rõ
ràng, thấu suốt những lý luận, trạng huống của nghiệp nhân, quả báo. Không
những phải rõ ràng trong đời này, mà còn biết quá khứ, vị lai, chuyện này không
phải là thần thông. Nếu tâm có thể đạt được vài phần thanh tịnh, thì tự nhiên
sẽ minh liễu (hiểu rõ), không cần
phải hỏi người ta. Hỏi người ta rất đáng sợ vì đời nay rất ít người nói thiệt
mà gạt người thì rất nhiều. Nói láo thì bạn vui vẻ [thích nghe], nói thiệt thì
bạn nổi giận không thích nghe, không chịu nghe. Vì vậy cho nên ai chịu nói
thiệt với bạn? Ðây là sự bi ai của người đời nay.
‘Như sương cũng như chớp’ thí dụ cho
thời gian tồn tại của hiện tượng dài hay ngắn. ‘Sương’ là hơi nước đọng lại [vào buổi sáng sớm] có thời gian tồn
tại khá dài, cỡ khoảng mấy chục phút, sau khi mặt trời mọc thì sương sẽ tan.
Ðây là thí dụ cho sự tương tục, tiếp nối của các pháp, hình dung thời gian tồn
tại không lâu dài. Một người từ lúc sanh ra đến lúc mất đi, sinh sống trên thế
giới này được vài chục năm ngắn ngủi, thọ mạng ngắn thì khoảng hai ba chục năm,
dài thì bảy tám chục năm; [ai có thể sống đến] trăm tuổi thì rất hiếm hoi, đều
là những người trong đời quá khứ và hiện tại đã tạo ra rất nhiều nghiệp thiện.
Chớp tức là điện chớp, hình dung cho tướng sanh diệt trong từng sát-na, rất
ngắn. Thí dụ như màn ảnh chiếu phim, từ lúc bắt đầu cho đến kết thúc kéo dài 2
giờ đồng hồ đều là tướng tương tục tiếp nối.
‘Như chớp’ cũng giống như từng tấm
phim trong cuồn phim. Phần đông máy chiếu phim hiện nay chớp 24 tấm phim trong
một giây (ống kính mở ra, chiếu một tấm
xong rồi đóng lại, mở ra chiếu tấm kế tiếp rồi đóng ống kính lại, …) tốc độ
rất nhanh, chúng ta bị ảo tưởng này gạt và có cảm giác như [những màn ảnh này]
là thiệt [là liên tục]. Ðức Phật xem tất cả thế giới, thập pháp giới chúng sanh
đều là tướng liên tục, của từng chút từng chút tiếp nối lại, đều không phải
thiệt, thế nên mới nói ‘đương thể tức không, liễu bất khả đắc’ (bản thể ngay
lúc đó tức là không, không thể [giữ lấy] được). Thân thể chúng ta đến đây
nghe kinh, trải qua một giờ rưỡi đồng hồ không biết đã thay đổi hết bao nhiêu
tấm phim! Hiện nay không phải là tấm phim lúc ban đầu, tấm ban đầu đã biến mất
tiêu rồi, đó tức là ‘như chớp’.
Trong kinh Nhân Vương đức Phật nói với
chúng ta một cái khảy ngón tay có 60 sát-na. Thời gian khảy ngón tay rất ngắn,
một phần sáu mươi của thời gian khảy ngón tay gọi là ‘sát-na’; một sát-na có 900 lần sanh diệt, đây là hình dung ảo
tượng sanh diệt nhanh như chớp. Chân tướng của những tướng hiện ra trong thập
pháp giới y báo, chánh báo trang nghiêm đều là ‘tướng sanh diệt từng sát-na’. Nếu khảy ngón tay thật nhanh, trong
một giây có thể khảy 4 lần; 4 x 60 x 900 bằng 216.000. Màn ảnh trên phim điện
ảnh một giây đồng hồ sanh diệt 24 lần nên chúng ta không cảm giác nó là giả,
huống hồ những hiện tượng trước mắt chúng ta mỗi giây có đến hai trăm mười sáu
ngàn lần sanh diệt. Ðức Phật nói ‘vạn pháp giai không liễu bất khả đắc’ (vạn
pháp đều là không, không thể [nắm giữ] được), như thị như thị (đúng là
như vậy). Sau khi hiểu rõ chân tướng sự thật thì tự nhiên không tạo nghiệp
nữa, tâm tự nhiên sẽ định trở lại. Tâm định được thì mới sanh trí huệ chân
thực, mới hiểu rõ ràng minh bạch chân tướng của vũ trụ nhân sanh. Tuy đức Thế
Tôn nói một sát-na có 900 sanh diệt, nhưng vì thời gian sanh diệt quá nhanh,
nhìn không thấy sự sanh diệt này nên đức Phật mới nói ‘chẳng sanh, chẳng diệt’.
Thiệt ra có phải là chẳng sanh, chẳng diệt hay không? Ðích thực là có sanh có
diệt đấy; nhưng tốc độ quá nhanh – ‘sanh
diệt đồng thời’, vì vậy nên dùng ‘điện’
để thí dụ cho việc này.
Vận tốc của điện cùng vận tốc ánh sáng gần
bằng nhau. Vận tốc ánh sáng là 300 ngàn km một giây, nghĩa là [ánh sáng] đi qua
một kí lô mét cần một phần 300 ngàn của một giây. Từ đây mà suy đoán [thời gian
đi qua] 1 mét, 1 cm, 1 mm, một phần mười mm, một phần trăm mm, một phần ngàn
mm, một phần vạn mm, [cứ thế mà tính] thì mới thể hội được việc ‘sanh diệt từng sát-na’ nói trong kinh
Phật, mới hiểu được danh từ ‘không sanh
không diệt’ nói trong kinh Phật, - nó đích thực có sanh có diệt, nhưng vì
thời gian quá ngắn, chúng ta không thể nào phát hiện được. Trong kinh điển Ðại
thừa đức Phật nói người có thể quan sát được hiện tượng này là ‘Bát Ðịa Bồ Tát’. Ðịnh công sâu và tâm
thanh tịnh như Bát Ðịa Bồ Tát mới có thể nhìn thấy những ba động vi tế (làn
sóng nhỏ bé) này (hiện tượng sanh diệt từng sát-na). Phật pháp nói y
báo, chánh báo trang nghiêm trong thập pháp giới đều chỉ là hiện tượng của
những làn sóng mà thôi. Trình độ càng lên cao thì làn sóng từ tâm của chư Phật,
Bồ Tát càng nhỏ bé, càng đi xuống thì tần số của những làn sóng trong tam ác
đạo càng lớn. Không kể tần số lớn hay nhỏ, tất cả đều là hiện tượng tương tục
của làn sóng với vận tốc một phần ức vạn của một giây, đây mới là chân tướng
của vũ trụ nhân sinh. Lời nói của đức Phật câu nào cũng chân thật. Thế giới này
không chân thật, nếu coi tất cả hiện tượng đều là chân thật thì là mê hoặc điên
đảo, sai lầm quá đỗi. Hiểu rõ chân tướng mới chịu buông xả, mới không còn để
những thứ này trong tâm; tất cả mọi sự việc đều tùy duyên chớ không phan duyên,
nhất quyết không làm những chuyện điên rồ này. Nếu cứ tưởng là mình làm chuyện
tốt, nhưng đây vẫn là chuyện không tốt. Chư Phật, Bồ Tát làm tất cả việc nhưng
trong tâm coi như không có việc gì cả, hoàn toàn không khởi tâm, không động
niệm, như vậy mới thiệt là làm việc thiện. Hễ những gì [lọt vào trong] tương
đối đều không cứu cánh viên mãn. Xa lìa cả hai bên thiện và ác mới là chân
thiện.
Nhận xét
Đăng nhận xét