LỜI TỰA TỰ ĐỀ

ẤN QUANG ĐẠI SƯ KHAI THỊ LỤC
Bửu Quang Tự Đệ Tử Liên Hương dịch
Ấn Quang tôi là một ông Tăng phàm tục ở Tây Tần[1] chỉ biết đến cơm cháo, trăm sự không làm được điều gì; túc nghiệp sâu nặng đến nỗi trời phải quở trách. Mới sanh được sáu tháng đã mắc bệnh mắt, trong suốt một trăm tám mươi ngày không mở nổi mắt. Ngoại trừ lúc ăn, ngủ ra, thường khóc suốt ngày đêm. Nhờ thiện lực xưa, may còn được thấy ánh mặt trời, cũng may mắn lắm! Ðến tuổi thiếu niên[2] đọc sách, lại bị hãm vào vực xoáy báng Phật của Trình, Chu, Âu, Hàn[3]. Từ đấy, hằng ngày chuyên chí bác Phật, nghiệp tướng lại hiện, bệnh tật triền miên. Tận lực nghĩ ngợi, suy xét cặn kẽ mới biết lỗi đó; năm hai mươi mốt tuổi, xuất gia làm Tăng. Nhân thấy Tăng chúng có kẻ chẳng như pháp nên phát nguyện chẳng trụ trì chùa miếu, chẳng thâu đồ đệ, chẳng hóa duyên[4], chẳng cùng ai kết xã lập hội. Hơn năm mươi năm chẳng đổi chí ban đầu, sống lẩn quất[5] gần Ngô Môn. Ðầu tháng Chín, Lý Sự Trưởng (hội trưởng) hội Phật Giáo Trung Quốc là pháp sư Viên Anh, các vị lãnh tụ của Bồ Ðề Học Hội như cư sĩ Khuất Văn Lục v.v… thấy Quang tuổi cao, ngỡ tôi có chút tâm đắc, nào hay tôi chỉ biết húp cháo nuốt cơm, họ thỉnh tôi khi pháp hội Tức Tai Hộ Quốc khai mạc, sẽ đến đất Hỗ[6] diễn thuyết. Cố từ chẳng được, chỉ đành đem điều [mình hiểu biết] lầm lạc bù đắp sự lầm lạc[7].
Ðến kỳ, mỗi ngày ông Ðặng Huệ Tải và hai ba vị cư sĩ ở Vô Tích đều dùng máy thu âm [thu lại], nghe băng chép ra, mang đến xin tôi giám định để ấn hành. Bản sao lục này [so với lời giảng] có vài điểm sai khác đôi chút. Nhưng bản sao của ông Ðặng chép chữ to, nên tôi dựa theo đó, sửa đổi, tóm tắt lại. Cảo bản[8] này bậc thông huệ chẳng cần xem đến, còn ai ngu độn như Ấn Quang tôi mà lại muốn ngay trong đời này kết liễu đại sự sanh tử và muốn trị tâm, trị thân, trị gia, trị quốc, nhưng chẳng biết bắt đầu từ đâu, xem đến cảo bản này, họa chăng có điều bổ ích vậy.
Trọng Ðông năm Bính Tý, Dân Quốc 25 (1936), Thích Ấn Quang đề


[1] Tổ Ấn Quang quê ở Thiểm Tây. Tỉnh Thiểm Tây thuộc lãnh thổ cũ của đất Tần (thời Xuân Thu Chiến Quốc) nên Thiểm Tây còn được gọi là Tây Tần.
[2] Nguyên văn “thành đồng”: Theo tự điển Từ Hải, từ 13 tuổi trở lên, 17 tuổi trở xuống thì gọi là “thành đồng”.
[3] Trình, Chu, Âu, Hàn là Trình Y Xuyên, Chu Hy, Âu Dương Tu, Hàn Dũ, những nhà Tống Nho cực lực bài xích đạo Phật. Người bài bác đạo Phật nặng nề nhất là họ Trình và họ Chu.
[4] Hóa duyên: Kêu gọi tín đồ đóng góp cúng dường.
[5] Nguyên văn là “hoạt mai” (chôn sống), ý Tổ nói sống mà ẩn dật như người đã chết rồi. Ở đây chúng tôi chỉ dịch gọn là lẩn quất.
[6] Ở vùng Thượng Hải có con sông lớn tên là Hỗ Ðộc giang, nên Tàu hay gọi Thượng Hải là đất Hỗ.
[7] Ở đây Ðại Sư ý muốn dùng câu “Tương thác tựu thác” của ông Vô Vi Tử (Tống Dương Kiệt), ngụ ý: Khi chưa triệt chứng Phật tánh thì cầu sanh Tịnh Ðộ vẫn là lầm lạc, nhưng phải dùng cái lầm lạc đó để tạo cơ hội dứt trừ cái lầm lạc trong đường sanh tử.
[8] Cảo bản: Bản nháp, ở đây Tổ dùng với ý nghĩa lời giảng giải của Ngài thô sơ, thiếu sót, không hoàn chỉnh.

Nhận xét

Bài đăng phổ biến từ blog này