Chương 1: Dẫn nhập_Thế Nào Là Phật Pháp
NHẬN THỨC PHẬT GIÁO
Nguyên tác: Lão Pháp Sư Tịnh Không
Nguyên tác: Lão Pháp Sư Tịnh Không
Rất cần thiết phải có
được sự hiểu biết chính xác trước khi chúng ta tu tập theo Phật pháp; nếu
không, chúng ta sẽ bị phí công tu tập vô ích, vì không đạt được kết quả mong
muốn. Do vậy, nên tôi xin trình bày cho quý vị đồng tu về cốt tủy của Phật pháp
một cách đơn giản.
Lịch sử Trung Hoa cho
chúng ta biết cách đây chừng 3000 năm, người khai sáng đạo Phật là Đức Phật Thích-Ca
Mâu-Ni. Ngài ra đời ở miền Bắc Ấn Độ vào năm Chu Chiêu vương thứ 24 (Giáp dần),
nhập niết-bàn vào năm Chu Mục vương thứ 53 (Nhâm thân). Ngài trụ thế 79 năm và
dành suốt 49 năm giảng kinh thuyết pháp cho chúng đệ tử. Sau khi Đức Phật nhập
niết-bàn chừng 1000 năm, vào năm 67 sau C.N. (niên hiệu Vĩnh Bình thứ 10), Phật
giáo mới chính thức được truyền bá vào Trung Hoa.
Để có được nhận thức
toàn diện về Phật học, trước hết chúng ta cần phải biết: Thế nào là ‘Phật’? Thế
nào là ‘Pháp’? Thế nào là ‘Phật pháp’? Thế nào là ‘Phật giáo’? Những vấn đề
nầy, đối với những người tu học Phật pháp rất là quan trọng.
‘Phật’ là tiếng Phạn
(Sanskrit), có nghĩa là ‘trí huệ, giác ngộ’. Tại sao nay không dùng hai
chữ ‘trí, giác’ để phiên âm, mà lại dùng chữ Phật-đà? Vì ý
nghĩa của chữ Phật-đà (Buddha) vô cùng sâu mầu. Từ vựng của hai chữ ‘trí,
giác’ trong tiếng Hán không bao hàm hết ý nghĩa trên, do vậy nên phải dùng
tiếng phiên âm kèm thêm những giải thích rộng hơn.
Về mặt thể, Phật
có nghĩa là trí huệ, về mặt dụng Phật có nghĩa là giác ngộ. Giải thích
trên phương diện bản thể, trí huệ có 3 loại:
1. Nhất thiết trí:
Dùng danh từ triết học hiện đại để giải thích, đó là sự hiểu rõ chính xác tường
tận về bản thể vũ trụ, là trí huệ nhận biết toàn thể mọi hiện hữu trong pháp
giới. Đó là trí huệ của hàng Thanh văn.
2. Đạo chủng trí:
Chủng là chỉ cho vô lượng vô biên các hiện tượng trong vũ trụ. Các hiện
tượng ấy vì đâu sanh khởi, từ đâu đến, quá trình sinh khởi như thế nào? Kết
thúc ra sao? Biết rõ việc nầy gọi là Đạo chủng trí, là trí huệ của hàng
Bồ-tát.
3. Nhất thiết
chủng trí: Thấu suốt mọi chân tướng của hết thảy vũ trụ nhân sinh không
chút mê lầm. Đó là trí huệ của chư Phật.
Đức Phật Thích-Ca Mâu-Ni
có đủ 3 trí huệ nầy, hoàn toàn thấu triệt thực tướng của nhân sinh và vũ trụ.
Tác dụng của trí huệ
là sự giác ngộ lớn lao. Trong kinh, Đức Phật giảng cho chúng ta có 3 loại giác
ngộ:
1. Tự giác: tự
mình được giác ngộ, không còn chút vọng tưởng mê lầm từ thân, miệng và ý. Các
vị A-la-hán và Bích-chi Phật trong truyền thống Phật giáo Tiểu thừa đều đạt
được mức độ tự giác nầy, nhưng không phát tâm bồ-đề để giúp cho mọi
chúng sinh đều được giác ngộ.
2. Giác tha:
là khi mình được giác ngộ rồi, lại giúp cho mọi người đều được giác ngộ như
mình. Hàng Bồ-tát Đại thừa đã đạt đến mức độ giác ngộ nầy.
3. Cứu cánh viên
mãn: là khi đã đạt được trọn vẹn hai trình độ giác ngộ trên, đã tự mình
giác ngộ và giúp cho mọi chúng sinh đều được giác ngộ. Đó là năng giác ngộ của
chư Phật.
Đức Phật dạy rằng đức
tướng trí tuệ giác ngộ viên mãn nầy tất cả chúng sinh đều tự có đủ. Kinh Viên
Giác[1] nói rằng “Tất cả
chúng sinh vốn đã thành Phật từ lâu nay rồi”[2]; và Kinh Hoa Nghiêm[3] nói: “Tất cả chúng
sinh đều có sẵn đức tướng trí huệ Như Lai”.[4] Nói cách khác, về
bản tánh, mọi chúng sinh đều bình đẳng với chư Phật, không chút sai biệt. Tuy
nhiên, vì chúng ta có quá nhiều vọng tưởng và chấp trước, là cội gốc của mọi
bệnh khổ, nên tạm thời chúng ta quên mất tánh Phật, và mãi bị trôi lăn trong
luân hồi sinh tử vô tận.
Nếu chúng ta trừ khử
được những vọng tưởng chấp trước càng nhiều, thì chúng ta càng mau chóng thoát
khỏi khổ đau, và đức tướng trí huệ giác ngộ càng sớm hiển lộ. Một khi chúng ta
hoàn toàn thoát khỏi hẳn phân biệt vọng tưởng chấp trước, thì chúng ta sẽ nhận
ra Phật tánh, sẽ có được trí huệ giác ngộ viên mãn mà ta đã lỡ đánh mất.
Một khi có được trí
huệ giác ngộ viên mãn nầy rồi là chúng ta thực sự nhận ra hết thảy vô tận mọi
sự mọi vật trong vũ trụ. Chữ ‘vạn’ trong ‘vạn vật’ không thể dùng ngôn từ và
con số mà diễn tả được, chỉ có thể hình dung là nhiều cùng cực, là vô lượng của
vô lượng.
Trong kinh Đức Phật
thường dạy rằng nhỏ như lỗ chân lông trên thân người, hoặc nhỏ như đầu sợi lông
(chỉ cho chánh báo), hoặc nhỏ như hạt vi trần (chỉ cho y báo); cho đến lớn như
hư không pháp giới, tất cả đều là đối tượng từ trong tâm giác ngộ của chúng ta.
Đức Phật dùng danh từ ‘Pháp’[5] để chỉ cho vạn sự
vạn vật nầy. Chữ ‘Phật pháp’[6] là chỉ cho trí huệ giác ngộ biết rõ hết thảy vô tận
vạn vật nhân sinh trong vũ trụ. Người Trung Hoa thường nói là ‘Phật pháp vô
biên’, vì trí huệ để nhận ra được các hiện tượng nầy là không có ngằn mé,[7] và các hiện tượng
trong vũ trụ được nhận biết cũng không có hạn lượng.[8] Trí tuệ vô lượng vô
biên nầy chính là năng lực có trong bản tánh của mỗi chúng ta.
Đức Phật dạy rằng
‘Năng lực trí tuệ vốn có trong bản tánh các ông và các hiện tượng trong vũ trụ
mà các ông nhận biết được là một chứ không phải hai’.[9] Khi chúng ta chiêm
nghiệm thật sâu sắc về vấn đề nầy, nếu thấy lời dạy của Đức Phật là hoàn toàn
chính xác, thì chúng ta có thể tin chắc rằng trí huệ giác ngộ là cứu cánh viên
mãn. Còn nếu năng lực nhận biết (năng tri) và đối tượng được nhận biết (sở tri)
là đối lập nhau thì trí huệ giác ngộ sẽ bị hạn cuộc, khó lòng mà được cứu cánh
viên mãn.
Đức Phật dạy rằng
‘năng tri’ và ‘sở tri’, ‘năng giác’ và ‘sở giác’ của chúng ta chỉ là một, không
phải hai. Đây được gọi là Nhất chân pháp giới, cảnh giới chân thật, viên
mãn, tối thượng của Kinh Hoa Nghiêm. Cõi Tây phương Cực lạc của Tịnh độ tông
cũng thuộc về và không tách rời Nhất chân pháp giới nầy. Cõi Tây phương Cực lạc
nầy do Đức Phật A-Di-Đà kiến lập theo bổn nguyện của Ngài, đó là nơi lý tưởng
cho những người tu tập phát nguyện vãng sanh để không còn bị luân hồi sinh tử
trong sáu đường dữ nữa.
Vào năm Dân quốc thứ
nhất (1923), một học giả Phật giáo nổi tiếng là ông Âu Dương Cánh Vô (Jing Wu
Ou-Yang) đã giảng thuyết đề tài “Phật pháp không phải là tôn giáo, chẳng
phải là triết học, mà là nhu cầu tất yếu của thời đại” tại trường Đại học
Trung Sơn đệ tứ (nay là Đại học Sư phạm Nam Kinh), đã gây chấn động cho mọi
giới ở Trung Hoa đương thời. Lời diễn giảng đầy thuyết phục của ông đã góp phần
xác định ý nghĩa và quan điểm đúng đắn của Phật pháp.
[1] Viên giác kinh圓
覺 經; C: yuánjué-jīng; J: engaku-kyō; tên gọi tắt của Ðại phương quảng viên
giác tu-đa-la liễu nghĩa kinh (s:Mahāvaipulyapūrṇa-buddhasūtra-prasannārtha-sūtra);
Một bộ kinh Ðại thừa quan trọng được ngài Giác Cứu (Phật-đà Ða-la; s: Buddhatrāta) dịch
sang Hán ngữ năm 693. Kinh này gồm 12 chương, lấy tên của 12 vị Ðại Bồ-tát làm
tên của mỗi chương. Phần nội dung và phần kết thúc bao gồm 12 lần hỏi đáp.
Trong kinh này, 12 vị Ðại Bồ-tát, trong đó có hai vị Văn-thù và Phổ Hiền, được
chỉ dạy về sự viên mãn của Giác ngộ (Viên giác). Kinh này có ảnh hưởng rất lớn
trong Thiền tông.
[2] 切 眾生,本 來 成 佛
[3] 華 嚴 經 (s: Avataṃsakasūtra hoặc
Gaṇḍavyūha); Kinh Ðại thừa cơ bản của Hoa Nghiêm tông. Kinh nhấn mạnh đến tính vô
ngại của mọi hiện tượng và chủ trương rằng, Tâm con người chính là vũ trụ
và đồng thể với tâm Phật. Kinh Hoa Nghiêm thuộc hệ Phương đẳng, gồm 81 quyển mà
phần dài nhất là phẩm Hoa Nghiêm (s: gaṇḍavyūha). Một phẩm quan trọng khác là Thập địa (s: daśabhūmika). Ngày nay người ta
chỉ còn tìm thấy kinh Hoa Nghiêm bản chữ Hán được dịch vào thế kỉ thứ 5. và chữ
Tây Tạng.
Bộ kinh này được dịch ra Hán văn dưới ba dạng, bộ 40
quyển của ngài Bát-nhã (s: Prajñā), bộ 60 quyển của ngài Giác Hiền (cũng gọi là
Phật-đà Bạt-đà-la; s: Buddhabhadra), và bộ
80 quyển của ngài Thật-xoa Nan-đà (s: śikṣānanda). Phẩm Hoa Nghiêm – chữ Phạn là Gaṇḍa-vyūha
– tương đương với bộ 40 quyển của Pháp sư Bát-nhã nên cũng được gọi là Tứ
thập Hoa Nghiêm. Gaṇḍavyūha thường được xem là toàn bộ Hoa Nghiêm Kinh (s: Avataṃsaka hoặc Buddhāvataṃsaka)
bởi vì bộ kinh Ðại thừa mang biệt danh Gaṇḍavyūha được xem như là 9 bộ
kinh cốt yếu ở Ne-pal. Tại Trung Quốc và Tây Tạng, phẩm Gaṇḍavyūha được
gọi là phẩm ‘Nhập Pháp giới’ (入 法 界; s: dharmadhātupraveṣa).
[4] 一 切 眾生皆 有 如 來 德 相 智 慧, 但 以 妄 想 執 著 而 不 能 證 得.
[5] s:Dharma; p: Dhamma.
[6] Budhist Dharma; e: Principle.
[7] 能 覺
[8] 所 覺
[9] 我 門 本 能 的 智 覺 與 智 覺 的 對 像 是 一 不 是 二.
Nhận xét
Đăng nhận xét