V. KHUYÊN NÊN GIỮ LÒNG THÀNH KÍNH

ẤN QUANG ĐẠI SƯ GIA NGÔN LỤC
Bửu Quang TĐệ Tử Như Hòa dịch

* Nhập đạo nhiều môn, chỉ do chí hướng mỗi người mà thâm nhập một môn, trọn chẳng có một pháp nhất định, nhưng nhất định phải: Một là Thành, hai là Cung Kính. Hai điều này dù cho tất cả chư Phật tận đời vị lai đều xuất thế, vẫn chẳng thể đổi khác. Chúng ta đã là phàm phu sát đất muốn mau tiêu nghiệp lụy, mau chứng Vô Sanh, mà chẳng dốc sức vào hai việc này, thì ví như cây không rễ lại mong tươi tốt, chim không cánh lại mong bay lên, có được hay chăng?
* Thế tục đọc sách tuyệt không kính nể. Sáng dậy, chẳng buồn rửa ráy, súc miệng. Ði tiêu xong, chẳng thèm gột rửa. Hoặc còn bỏ sách nơi giường, ghế, hoặc dùng làm gối lót đầu để đêm ngủ đọc luôn, bỏ chung với quần áo lót. Sách nào đặt trên bàn để đọc thì bỏ lẫn lộn với các vật khác, xem lời hiền thánh như mớ giấy cũ nát. Hoàn toàn không có ý chăm chút, chẳng kính trọng mảy may. Thậm chí những sách để coi chơi của phụ nữ trong các nhà thư hương đều là kinh truyện. Tôi tớ những nhà giàu có, danh giá, lau chùi đồ đạc đều dùng [những tờ giấy có in chép] văn chương. Bao thứ khinh nhờn, khó lòng thuật tỉ mỉ. Thói tệ tích tập đã lâu, quen mắt chẳng quan tâm đến. Nếu chẳng chỉ rõ họa, phước, chắc chắn khó tránh lỗi khinh nhờn. Chưa được ích gì, đã mắc lỗi lớn trước! Thương những kẻ vô tri ấy, nên phải chỉ dạy sẵn.
* Một pháp Niệm Phật thật rất đơn giản, rất dễ dàng, rất rộng, rất lớn, nhưng phải khẩn thiết chí thành đến cùng cực, mới hòng cảm ứng đạo giao, đạt được lợi ích thật sự ngay trong đời này! Nếu lười nhác, biếng trễ, không có mảy may kính nể, dù gieo được viễn nhân, vẫn mắc tội khinh nhờn chẳng thể tưởng tượng! May ra được sanh vào cõi trời, cõi người, quyết khó lòng cao dự hải hội. Ðối với tượng Phật, hãy nên tưởng như đức Phật thật, chẳng được coi giống như gỗ, đất, đồng, sắt v.v... Kinh điển chính là thầy của tam thế chư Phật, là Pháp Thân xá-lợi của Như Lai, cũng nên xem như đức Phật thật sự, chẳng được coi như giấy mực. Lúc đối trước kinh tượng, hãy nên như trung thần thờ thánh chúa, như con hiếu đọc di chúc. Làm được như thế, không nghiệp chướng nào chẳng tiêu, không phước huệ nào chẳng đủ! Hiện tại, hàng sĩ đại phu học Phật rất nhiều, nhưng đa số chỉ đọc kinh văn, hiểu ý nghĩa, dùng đó để phô phang ngoài miệng, hòng được tiếng là bậc thông gia mà thôi. Còn như cung kính, chí thành, y giáo tu trì, thật khó có được một ai! Tôi thường nói: “Muốn hưởng lợi ích thật sự từ Phật pháp, phải cầu nơi cung kính. Có một phần cung kính, sẽ tiêu được một phần tội nghiệp, tăng một phần phước huệ. Có mười phần cung kính, sẽ tiêu được mười phần tội nghiệp, tăng mười phần phước huệ”. Nếu chẳng cung kính đến nỗi khinh mạn thì tội nghiệp càng tăng, phước huệ càng giảm. Buồn thay!
* Lễ, tụng, trì, niệm, các thứ tu trì, đều phải lấy thành kính làm chủ. Nếu thành kính đến cùng cực, thì đối với công đức như trong kinh đã nói, do còn ở địa vị phàm phu nên chưa thể đắc trọn vẹn, nhưng sở đắc cũng đã khó nghĩ khó bàn! Nếu chẳng có lòng thành kính, có khác chi hát tuồng? Những trò khổ, sướng, buồn, vui đều là giả vờ, chẳng phát xuất từ nội tâm. Dù có công đức, cũng chẳng thể vượt qua phước báo si ám trong cõi nhân thiên đó thôi! Nhưng do si phước ấy, ắt sẽ tạo ác nghiệp, nỗi khổ tương lai có lúc nào xong?
* Nói đến Thành, nói đến Cung Kính, lời lẽ ấy cả thế gian đều biết, nhưng cả thế gian đều mê muội đạo lý này! Ông X. nọ do tội nghiệp sâu nặng, mong tội nghiệp tiêu trừ để báo ân Phật, thường tìm cầu những khuôn mẫu tu trì tốt đẹp của cổ đức. Nhờ đó, ông ta biết Thành và Cung Kính đúng là bí quyết mầu nhiệm nhất để siêu phàm nhập thánh, liễu sanh thoát tử. Vì thế, ông ta thường cùng kẻ hữu duyên nhắc đi, nhắc lại điều này.
* Ðối với việc xem kinh, nếu muốn làm pháp sư để tuyên dương cho đại chúng thì hãy đọc kinh văn trước, tiếp đó xem các chú sớ. Nếu tinh thần chẳng sung túc, kiến giải chẳng hơn người, chớ mất công nhọc nhằn tâm lực, uổng phí năm tháng. Nếu muốn tùy phận đạt được lợi ích thật sự, hãy nên chí thành khẩn thiết, thanh tịnh tam nghiệp. Hoặc trước hết phải đoan tọa chốc lát, lắng định thân tâm, rồi mới lễ Phật, đọc ra tiếng; hoặc chỉ im lặng xem. Hoặc lễ Phật xong, đoan tọa chốc lát, sau đó mới mở kinh [ra xem]. Ắt phải thân đoan nghiêm, ngồi ngay ngắn như đối trước thánh dung, đích thân lắng nghe viên âm, chẳng dám manh nha một niệm biếng nhác, chẳng dám khởi một niệm phân biệt. Ðọc một loạt từ đầu đến cuối, dù là văn hay nghĩa đều nhất loạt chẳng dùng lý lẽ để hiểu.
Ðọc kinh như thế, người lợi căn đối với mỗi lý Không, sẽ có thể lãnh ngộ, chứng pháp Thật Tướng; còn kẻ căn cơ độn kém cũng có thể tiêu trừ nghiệp chướng, tăng trưởng phước huệ. Lục Tổ nói: “Ðản khán Kim Cang kinh, tức năng minh tâm kiến tánh” (chỉ xem kinh Kim Cang, liền có thể minh tâm kiến tánh) là nói về cách xem kinh như trên đây, cho nên bảo là “đản” (chỉ). Kinh Ðại Thừa đều có công năng minh tâm kiến tánh, há có phải riêng kinh Kim Cang?
Nếu cứ một mực phân biệt câu này nghĩa như thế nào, đoạn này nghĩa là gì, thì toàn là thuộc về phàm tình, vọng tưởng, xét đoán, suy lường, làm sao ngầm phù hợp với ý Phật, lãnh ngộ trọn vẹn ý kinh; nhân đó, nghiệp chướng tiêu diệt, phước huệ tăng cao cho được? Nếu biết cung kính thì còn gieo được đôi chút thiện căn. Nếu cứ làm giống hệt như cách đọc sách Nho của kẻ học rộng, sẽ thành hạng người vướng phải tội khinh nhờn sừng sững như non, thăm thẳm như vực, dùng nhân lành chiêu lấy quả ác vậy.
Cổ nhân chuyên coi trọng nghe kinh vì tâm chẳng thể khởi phân biệt. Như có người đọc kinh ra tiếng, một người khác ở bên cạnh, nhiếp tâm lắng nghe mỗi chữ, mỗi câu cho thật phân minh. Tâm kẻ ấy chuyên chú, chẳng dám duyên theo hết thảy thanh sắc bên ngoài. Nếu chỉ hơi phóng túng, liền bị đoạn tuyệt ngay, chẳng thể quán thông văn nghĩa! Người tụng có kinh văn để nương theo, chẳng phải dốc trọn tâm, nhưng cũng phải tụng cho rõ ràng vì người nghe chỉ nhờ vào tiếng tụng [để nhất tâm]. Nếu người tụng phóng túng một chút, liền trở thành đứt đoạn. Nếu nghe được như thế, công đức [của người nghe] bằng với công đức của người chí thành, cung kính tụng. Nếu người tụng chỉ thiếu cung kính đôi chút, công đức cũng khó thể bằng nổi người nghe.
Người đời nay xem kinh Phật như giấy cũ. Trên án kinh để lẫn lộn các tạp vật. Tay chẳng rửa ráy, miệng chẳng súc sạch, thân mình lắc lư, gác chân, rung đùi, thậm chí phóng thí[1], gãi chân, buông lung hết thảy chẳng kiêng sợ gì, còn mong chi xem kinh để được phước, tiêu tội! Chỉ có hạng ma vương muốn diệt Phật pháp là tán thán, cho là sống động viên dung, là phù hợp sâu xa với diệu đạo “không chấp trước” của Ðại Thừa! Hàng Phật tử chân thật tu hành trông thấy cảnh ấy, chỉ còn biết âm thầm đau xót, nước mắt đầm đìa, than thở ma quyến hoành hành, chẳng biết làm sao!
Ngài Trí Giả tụng kinh hoát nhiên đại ngộ, lặng lẽ nhập Định, há có phải do tâm phân biệt mà đạt được! Một vị cổ đức chép kinh Pháp Hoa, nhất tâm chuyên chú liền đạt đến “niệm cực, tình vong”, cho đến lúc trời tối mịt vẫn chép kinh như thường. Thị giả vào hỏi trời đã tối mịt sao vẫn còn chép, Ngài liền xòe tay ra, chẳng trông thấy lòng bàn tay. Xem kinh như thế thì cũng là chuyên tâm dốc chí giống như tham Thiền, khán thoại đầu, trì chú, niệm Phật. Do dụng lực lâu ngày, sẽ có một ngày hoát nhiên quán thông.
Thiền sư Tuyết Kiểu Tín đời Minh là người ở phủ thành Ninh Ba, không biết chữ, trung niên xuất gia, tận lực khổ công tham cứu, nhẫn được những việc người khác chẳng thể nhẫn, làm được việc người khác chẳng thể làm. Khổ hạnh của Ngài người khác khó hành được. Lâu ngày, đại triệt, đại ngộ, miệng nói ra điều gì đều khéo léo khế hợp cùng Thiền cơ. Tuy chẳng biết chữ, chẳng viết được, nhưng lâu ngày Ngài liền biết chữ! Lâu sau, Ngài còn tung hoành ngọn bút, nghiễm nhiên trở thành một bậc đại thư pháp.
Những sự lợi ích này đều từ chẳng phân biệt, chuyên tinh tham cứu mà có. Người xem kinh cũng nên lấy đó làm gương!
* Lúc xem kinh, tuyệt đối chẳng được khởi tâm phân biệt thì tự nhiên vọng tưởng phải tiềm phục, Thiên Chân phát hiện. Nếu muốn nghiên cứu nghĩa lý hoặc giở xem các chú sớ, hãy dành ra một thời gian khác để chuyên nghiên cứu. Trong lúc nghiên cứu, tuy chẳng nghiêm túc như lúc xem kinh, cũng chớ nên hoàn toàn không cung kính. Bất quá, so với lúc xem kinh, thư thái hơn một chút. Nghiệp chưa thể tiêu, trí chưa thể rạng, thì phải lấy việc xem kinh làm chính, việc nghiên cứu chỉ là đại lược kèm theo. Nếu không, quanh năm suốt tháng chỉ lo nghiên cứu, dù nghiên cứu đến mức như vẹt mây thấy mặt trăng, mở cửa thấy núi, cũng chỉ là nói trơn tru ngoài miệng, chẳng hề can hệ mảy may đến thân tâm, tánh mạng, sanh tử chi cả! Ngày Ba Mươi tháng Chạp xảy đến, chẳng dùng được mảy may!
Nếu có thể xem kinh [theo cách] như vừa nói trên đây, ắt sẽ nghiệp tiêu, trí rạng, ba thứ tình kiến sẽ trở về “chốn quê hương chẳng hề tồn tại” (ý nói: sẽ biến mất không tăm tích). Nếu chẳng thể xem kinh như thế, không chỉ ba thứ tình kiến chưa chắc chẳng sanh, còn e do sức túc nghiệp, tà kiến sẽ phát khởi, bài bác “chẳng có nhân quả”, các thứ phiền não giết, trộm, dâm, dối sẽ nối tiếp nhau nổi dậy như lửa cháy hừng hực, nhưng vẫn cứ ngỡ chính mình là người hành Ðại Thừa, hết thảy vô ngại! Lại còn vin vào câu nói “Tâm bình, hà lao trì giới?” (tâm bình, há phải nhọc công giữ giới?) của Lục Tổ để cho rằng “phá hết các giới mà chẳng phá, mới thật sự là trì giới”. Đúng là tu hành khó thể đạt được chân pháp vậy! Sở dĩ chư Phật, chư Tổ chủ trương Tịnh Ðộ là để nhờ vào từ lực của Phật hòng chế ngự, khuất phục nghiệp lực, chẳng cho chúng phát hiện. Vì thế, hãy nên lấy niệm Phật làm chánh yếu, xem kinh làm trợ hạnh!
* Ðức Như Lai đã diệt độ, những cái còn lại chỉ là kinh và tượng. Nếu coi tượng bằng đất, gỗ, vàng, tượng vẽ v.v... là đức Phật thật, sẽ có thể diệt nghiệp chướng, phá phiền hoặc, chứng tam-muội, thoát sanh tử. Nếu coi đó chỉ là đất, gỗ, vàng, tranh vẽ, thì tượng Phật cũng chỉ là đất, gỗ, vàng, tranh vẽ mà thôi! Nếu khinh nhờn đất, gỗ, vàng, tranh vẽ thì chẳng có lỗi gì, nhưng nếu khinh nhờn tượng Phật bằng đất, gỗ, vàng, tranh vẽ thì tội tầy trời. Ðọc tụng kinh Phật, lời Tổ, phải coi như Phật, Tổ đích thân nói cho ta nghe, chẳng dám móng khởi chút biếng nhác nào! Làm được như vậy, tôi nói người ấy ắt sẽ cao đăng chín phẩm ngay trong đời này, triệt chứng Nhất Chân. Nếu không, chỉ là dạo chơi trong pháp môn, bất quá được lợi ích là biết nhiều, thấy nhiều, nói được rành rẽ, chứ lợi ích chân thật chẳng thể thụ dụng mảy may, vẫn chỉ là chuyện nghe lóm nhắc lại mà thôi! Cổ nhân đối với Tam Bảo đều giữ lòng tôn kính thật sự, chứ chẳng chỉ bàn bạc ơ hờ rồi thôi. Người đời nay miệng còn chẳng buồn bàn đến một chữ, huống là thực hành ư?
* Ấn Quang thấy những người trích máu chép kinh gần đây chỉ là tạo nghiệp, vì trọn chẳng cung kính. Mỗi lần trích máu, liền trích rất nhiều. Vào tiết Xuân, Thu, qua hai ba ngày, máu liền hư thối. Mùa Hạ, để nửa ngày máu liền tanh hôi, mà vẫn dùng để chép. Có người còn đem máu phơi khô, mỗi lần chép liền dùng nước hòa máu khô nghiền ra để chép. Lại còn chép nguệch ngoạc, chẳng có mảy may cung kính! Ðúng là trò trẻ con đùa giỡn, chẳng phải là dùng máu để biểu lộ lòng chí thành, mà chỉ là trích máu chép kinh hòng đoạt cái danh ta là người chân thật tu hành đó thôi!
* Chép kinh chẳng giống như viết tự bình[2], chủ yếu là dốc hết tinh thần vào đó, chẳng cần phải xinh khéo. Chép kinh nên như tiến sĩ viết đối sách[3]. Mỗi một nét bút chẳng được cẩu thả, viết tắt. Dạng chữ dùng phải là dạng chánh thức[4]. Nếu tọa hạ[5] viết theo thể loại viết trát là không được. Xưa nay, người ta hay dùng các thể loại Hành Thư hay Thảo Thư để chép kinh, Quang tôi tuyệt đối chẳng tán thành!
* Người đời nay chép kinh mặc sức ngoáy bút, thật chẳng phải là chép kinh, chỉ là mượn dịp để luyện chữ, đồng thời lưu lại bút tích cho hậu thế đó thôi! Chép kinh như thế không phải là hoàn toàn vô ích, nhưng chẳng qua chỉ tạo thành cái nhân đắc độ trong đời tương lai, mà cái tội khinh nhờn cũng chẳng nhỏ nhặt gì!
* Đối với bản kinh Pháp Hoa đã chép, thấy bút pháp của ông ta cứng cỏi, tinh xảo, đẹp đẽ, khôn ngăn khâm phục, nhưng cách viết của ông ta vẫn còn tập khí của kẻ văn nhân, đối với chuyện lưu thông pháp đạo tợ hồ chưa thích hợp. Như Tục Thể, Thiếp Thể, Biến Thể[6] v.v… đều là thuận theo thói tệ của thế tục, lại còn chấp nệ vào Cổ Thể, như chữ Ma () viết thành Ma (), chữ Huyền () viết thành Huyền (), Mã Não Xa Cừ (瑪瑙硨磲) viết thành Mã Não Xa Cừ (馬腦車渠), Trận () viết thành Trần () v.v… mắc lỗi trái thời[7]. Nếu nói phải y theo Cổ Văn thì hiện thời đang lưu hành [lối viết theo] Chánh Thể, những chữ viết như vậy đều chẳng thích hợp, mỗi chữ đều phải sửa đổi, không dùng được một chữ [viết theo lối hiện thời] nào! Ông Dương Nhân Sơn đả phá những người nệ cổ như sau: “Chữ viết phải theo thời, việc gì cứ phải nệ cổ! Nếu như cứ muốn theo lối cổ thì xin trước hết hãy từ hai chữ Nhân (người) và Nhập (vào) mà sửa đổi! Chữ Nhân viết theo lối cổ là , chữ Nhập viết là Nhân . Nếu Nhân và Nhập không sửa được, cần gì phải riêng thay đổi những chữ khác! Vả lại Cổ Thể cũng chẳng phải là những chữ được chế ra thời Thương Hiệt[8], không biết biến đổi đến thế nào mới thành ra dạng như vậy!” Ông đã chuộng cổ, hãy nên lấy “trùng văn điểu thư”[9] làm Chánh Thể thì tôi không còn cách nào chõ miệng vào được nữa! Nếu không, rốt cuộc là vô sự bèn sanh sự, nhọc nhằn vô ích, sống thời bây giờ lại quay về thời cổ, bậc thánh đã có lời minh huấn. Nếu Trang cư sĩ có chí lưu thông, hãy nên quét sạch tập khí văn nhân, chữ nào cũng tuân theo thời bây giờ. Phàm những chữ Phá Thể và Tục Thể v.v… đều nhất loạt chẳng dùng, ngõ hầu mỗi nét bút, mỗi vạch, đều đúng pháp!
* Nếu đối với pháp môn Tịnh Ðộ chẳng thể chết sạch cái tâm so đo, ngấp nghé [các pháp môn khác], quyết chí tu trì; đối với chuyện “tuân giữ lòng thành kính, khắc kỷ, giữ lễ” cứ muốn cho là chẳng muốn chấp trước, hòng khéo che đậy những thứ sơ sài, tán loạn, buông lung, thì những lợi ích Ngài đạt được chẳng giống với sự hiểu biết từ chỗ thấy hiểu kém cỏi của Quang tôi. Những điều khác trong bộ Văn Sao tạp nhạp của Quang đã nói đủ rồi, nên chẳng dông dài nữa. Ðối với việc xem kinh, chỉ có cung kính thì mới đạt được lợi ích thật sự. Nếu chẳng cung kính, dù có được lợi ích, thì lợi ích ấy chẳng qua là nương theo kinh văn để hiểu ý nghĩa, chứ [những lợi ích thù thắng như] “nghiệp tiêu, trí rạng, thầm ngộ tự tâm” trọn chẳng thể cầu may như thế được! Huống hồ còn đeo thêm cái lỗi khinh nhờn chẳng thể nói hết! Ðây chính là bệnh chung của cả thế gian, thật đáng buồn đau, khóc hận, thở dài sườn sượt vậy!
* Chẳng tiện lập riêng nghi thức lễ Phật cho người hết sức bận. Chỉ chí thành, khẩn thiết, miệng xưng Phật hiệu, thân lễ dưới chân Phật, cứ thành kính như Phật đang hiện diện là được rồi!
* Chẳng thể lễ bái xá-lợi, chẳng thể thân cận tùng lâm, thì cũng chẳng thiếu sót gì! Cốt sao trông thấy tượng Phật liền tưởng như đức Phật thật; thấy kinh Phật, lời Tổ, tưởng Phật, tưởng Tổ đang đích thân giảng dạy cho chính mình. Chí cung, chí kính, chẳng lười nhác, chẳng sao nhãng, đấy chính là suốt ngày thấy Phật, suốt ngày thân cận chư Phật, Bồ Tát, Tổ Sư, thiện tri thức, xá-lợi, tùng lâm.
* Tri thức gởi vải trắng, cho biết đến năm Nhâm Ngọ sẽ in. Ðiều này tội lỗi đến mức cùng cực, bởi lẽ đã sử dụng danh hiệu Bồ Tát một cách khinh nhờn đến mức tột cùng. Huống hồ có nơi còn dùng làm đệm ngồi[10]. Năm Quang Tự 20 (1894), tôi từng thấy một lần ở Phổ Ðà, năm 21 (1895), ở chùa A Dục Vương lại thấy. Tôi lấy làm lạ, than cùng điện chủ điện Xá Lợi. Ông ta bảo: “Ðấy là phong tục của vùng Ninh Ba”. Tôi tự thẹn mình không có sức để ngăn ngừa thói tục xấu ác này. Nếu như Quang tôi là chủ nhân một phương, ắt sẽ đến khắp nơi nêu rõ lỗi hại của việc này, ngõ hầu những người có tín tâm chỉ được lợi ích, chẳng mắc điều tổn hại ấy!
* Hết thảy tôn kinh Ðại Thừa Hiển Mật do đức Ðại Giác Thế Tôn đã nói đều dạy “lý vốn duy tâm, đạo hợp Thật Tướng”, khắp ba đời chẳng đổi, cả mười cõi cùng tuân, trở về nguồn, quay lại cội, là đạo sư của chư Phật, dẹp khổ, ban vui, là cha lành của chúng sanh. Nếu có thể dốc cạn lòng thành kính lễ tụng, thọ trì, thì ta lẫn lẫn người đều được lợi ích thù thắng, u, hiển cùng gội ân quang, như Như Ý châu, như vô tận tạng, lấy chẳng hết, dùng chẳng tận, tùy tâm hiện lượng, sở nguyện đều mãn.
Kinh Lăng Nghiêm nói: “Cầu vợ được vợ, cầu con được con, cầu tam-muội được tam-muội, cầu trường thọ được trường thọ. Như thế cho đến cầu Niết Bàn đắc đại Niết Bàn”. Ðại Niết Bàn là cứu cánh quả đức. Nếu luận về Như Lai bổn tâm thì thật sự toàn bộ Khế Kinh chỉ nhằm giảng điều này; nhưng chúng sanh chí nguyện hẹp kém, chưa chí thành đến mức cùng cực, nên chẳng thể khế nhập ngay được. Vì thế, phải thuận theo tâm hạnh của họ hòng thỏa mãn sở nguyện của mỗi người. Nếu là bậc túc căn sâu dầy, sẽ liền đốn minh tự tánh, triệt chứng duy tâm, phá Phiền Hoặc, tiến ngay vào Bồ Ðề, viên mãn phước huệ, mau thành Giác Ðạo để đạt được toàn bộ lợi ích của Khế Kinh, thỏa thích trọn vẹn bản hoài của Như Lai.
Ví như một trận mưa nhuần thấm trọn khắp, cỏ cây đều tươi tốt. Cây lớn sẽ chọc mây, che lấp ánh mặt trời; cây nhỏ sẽ dài tấc, tăng phân. Ðạo vốn duy nhất Chân Như, nhưng tùy tâm mà lợi ích có thù thắng hay kém hèn; nhưng nếu đã trồng thiện căn, rốt cuộc cũng thành Phật quả. Dù chẳng thể đạt được ngay lợi ích lớn lao, cũng tạo thành cái nhân độ thoát. Nghe tiếng cái trống bôi thuốc độc, xa gần đều chết. Ăn chút kim cang, quyết định chẳng tiêu. “Trước hết phải dùng dục để lôi kéo, sau đấy làm cho chứng nhập Phật trí” là nói về lẽ này đấy!
* Kinh dạy: “Thân người khó được, Phật pháp khó nghe”. Nếu chẳng phải xưa đã có nhân duyên, tựa đề các bộ kinh Phật còn chẳng được nghe, huống là được thọ trì, đọc tụng, hòng tu nhân chứng quả? Nhưng những điều Như Lai đã dạy chỉ dựa trên lý vốn sẵn có trong tâm của chúng sanh. Ngoài tâm tánh ra, trọn không có một pháp nào để có thể đạt được! Nhưng chúng sanh còn mê, chẳng thể liễu tri, huyễn sanh vọng tưởng chấp trước đối với Chân Như Thật Tướng. Do vậy, khởi tham, sân, si, tạo giết, trộm, dâm, mê trí huệ, trở thành phiền não, khiến thường trụ trở thành sanh diệt, trải bao kiếp số nhiều như bụi trần, chẳng thể trở lại. May gặp các kinh điển Ðại Thừa Hiển, Mật do đức Như Lai nói, mới biết hạt châu vẫn còn nguyên nơi vạt áo, Phật tánh vẫn thường còn, kẻ hèn hạ làm khách vốn là con ông trưởng giả. Trời người sáu nẻo chẳng phải là chỗ ta ở, Thật Báo, Tịch Quang, chính là quê nhà sẵn có.
Nghĩ lại từ vô thỉ đến nay, chưa được nghe Phật nói, tuy sẵn đủ tâm tánh này, vô cớ phải chịu luân hồi oan uổng! Thật đúng là đau đớn ứa lệ, tiếng [gào khóc] vang động cõi đại thiên! Lòng tan từng mảnh, ruột đứt từng tấc. Ân ấy, đức ấy hơn hẳn thiên địa, cha mẹ cả trăm ngàn vạn lần. Thân nghiền, xương nát, chẳng thể báo đáp!
* Tăng, tục ngày nay giở xem kinh Phật chẳng có mảy may cung kính, bao thứ khinh nhờn, khó thể thuật tỉ mỉ từng điều. Thói quen lưu hành đã lâu, coi đó là thuận mắt, những nỗi khinh nhờn khó bề kể hết. Coi pháp ngôn của Như Lai như giấy cũ rách nát. Ðừng nói kẻ chẳng biết chỉ thú của kinh, trọn chẳng có lợi ích; ngay cả những người hiểu sâu xa nghĩa kinh, cũng chỉ là tam-muội nơi cửa miệng, tỏa sáng ngoài mặt. Như kẻ đói kể chuyện ăn, như người nghèo đếm của báu, tuy có công nghiên cứu, tuyệt không đạt được lợi ích thực chứng! Huống hồ cái tội khinh nhờn đã ngập cả trời, nên thời hạn thọ khổ chẳng phải chỉ là hết kiếp! Tuy là nhân lành, nhưng ngược ngạo chiêu cảm quả ác. Dù có tạo thành cái nhân đắc độ cho tương lai, khó tránh nhiều kiếp chịu đủ mọi nỗi khổ. Ðem tấm lòng ôm ấp nỗi thảm thương này dám bày tỏ những điều rơm rác để mong ai nấy hãy vâng theo lời Phật để hành, ngõ hầu chỉ được lợi ích, chẳng bị tổn hại.
* Kinh Kim Cang nói: “Như chỗ nào có kinh điển thì chỗ đó có Phật, là đệ tử phải tôn trọng”. Lại nói: “Nơi nơi chốn chốn nếu có kinh này, thì hết thảy thế gian, trời, người, A-tu-la đều phải nên cúng dường. Phải biết chỗ ấy chính là tháp [thờ Phật], đều phải nên cung kính, làm lễ, nhiễu quanh, dùng các thứ hoa hương để rải lên trên ấy. Vì sao phải như vậy? Là vì hết thảy chư Phật và pháp Vô Thượng Chánh Ðẳng Chánh Giác của chư Phật đều xuất phát từ kinh này”. Trong các kinh Ðại Thừa, kinh nào cũng dạy người ta phải cung kính kinh điển, chứ chẳng phải một kinh. Ấy là vì các kinh Ðại Thừa là mẹ của chư Phật, là thầy của Bồ Tát, là Pháp Thân xá-lợi của tam thế Như Lai, là thuyền Từ thoát khổ của cửu giới chúng sanh. Dù đã chứng Phật Quả cao tột, vẫn còn phải kính pháp, hòng báo đền nguồn gốc, chẳng quên đại ân. Vì thế, kinh Niết Bàn nói: “Pháp là mẹ của Phật, Phật từ Pháp sanh”.
Tam thế Như Lai đều cúng dường Pháp; huống hồ phàm phu sát đất, khắp thân toàn là nghiệp lực, như kẻ tội nặng bị tù, giam cầm trong ngục lâu ngày, không do đâu mà được thoát ra! May sao nhờ thiện căn túc thế nên được thấy kinh Phật, như tù được lệnh phóng thích, mừng rỡ vô ngần, bèn dùng ngay pháp ấy để mãi mãi từ biệt tam giới, vĩnh viễn xuất ly lao ngục sanh tử, hòng đích thân chứng tam thân, về thẳng quê nhà Niết Bàn. Nhờ nghe kinh mà được vô biên lợi ích, há có nên do tri kiến cuồng vọng bèn chẳng kiêng nể, khác nào kẻ tục nho đọc sách, tự tiện khinh nhờn ư?
* Ðạo của Thánh Hiền chỉ là Thành và Minh. Thánh và Cuồng phân biệt chỉ trong một niệm. Chẳng nghĩ thành Thánh, ắt biến thành Cuồng; hễ khắc chế cuồng niệm bèn trở thành Thánh. Lẽ “nắm, buông, được, mất” ví như thuyền chèo ngược nước, chẳng tiến ắt lùi, chẳng thể không gắng sức chống chọi, lơi lỏng chút nào. Phải biết rằng đối với một chữ Thành, thánh lẫn phàm cùng có một Chân Tâm giống hệt như nhau chẳng khác. Một chữ Minh phải luôn giữ gìn, xem xét, đó là cách để đạt đạo từ phàm thành thánh. Nhưng trong địa vị phàm phu, trong những sinh hoạt hằng ngày, muôn cảnh giao xen, nếu chẳng nhận biết, soi xét một cảnh, sẽ khó tránh trong chớp mắt liền nẩy sanh những tình tưởng trái lẽ nẩy sanh trong chớp mắt. Tình tưởng ấy đã sanh, chân tâm liền bị vướng che lấp, nên hành vi nào cũng đều chẳng trung chánh. Nếu chẳng vận dụng một phen công phu thiết thực trừ khử cho sạch, sẽ ngày càng tệ hơn, chẳng biết đã tuột xuống tận đáy. Uổng cho cái tâm làm thánh sẵn có vĩnh viễn bị chìm đắm trong loài phàm ngu, chẳng đáng buồn sao? Nhưng làm thánh chẳng khó, chỉ là tự làm sáng tỏ Minh Đức của chính mình. Muốn làm sáng tỏ Minh Đức thì phải thực hiện từ “trí tri, cách vật”. Nếu chẳng thể cực lực hiểu rõ, trừ khử những mối nhân dục (tham muốn của con người) thì Chân Tri sẵn có quyết khó thể hiển hiện triệt để được!
* Nếu vị trai chủ thỉnh pháp hay các Sư tác pháp[11], ai nấy đều dốc cạn lòng thành kính thì lợi ích sẽ chẳng thể nói trọn. Như Xuân về, khắp cõi đất thảo mộc đều nẩy nở xanh tươi; trăng sáng vằng vặc giữa trời, sông ngòi thảy đều hiện bóng. Do đó, người [thỉnh Tăng làm chay, tụng niệm] sẽ được nghiệp tiêu, trí rạng, chướng tận, phước tăng, người đã khuất đều sanh về Tịnh Ðộ, sở cầu không gì chẳng được toại ý, lại khiến cho oán thân bao kiếp, pháp giới hàm thức cùng được gội ân quang của Tam Bảo, cùng kết duyên chủng Bồ Ðề. Nếu trai chủ chẳng thành kính thì công đức xuất tiền hữu hạn, nhưng tội lỗi khinh mạn thì vô cùng. Tăng chúng chẳng thành kính, chính là thổi ống bễ thành kinh, gõ chày cối thành lễ[12]. Lúc Tam Bảo, long thiên giáng lâm, cứ xử sự lỗ mãng, luộm thuộm, tắc trách, mà không đến nỗi núi tội ngất ngưởng, biển phước cạn khô, sống mắc tai vạ, chết bị đày phạt, há có nên chăng?


[1] Phóng thí: Trung tiện (break wind, passing gas).
[2] Tự bình: Những bức thư họa, hoặc chữ viết trên quạt, trên giấy, trên lụa để phô diễn tài thư pháp.
[3] Đối sách: Bài thi trong các khoa thi ngày xưa. Đối với mỗi đề thi, sĩ tử phải viết một bài trả lời, nhằm bình luận, giảng giải, nêu ra ý kiến. Bài viết ấy được gọi là đối sách.
[4] Tọa hạ: Tiếng tôn xưng người khác, thường dùng để gọi người có chức vụ.
[5] Dạng chữ chánh thức là lối viết theo chữ Khải, chữ vuông vắn, rõ ràng, cân đối, đầy đủ nét, tức là lối chữ dùng trong công văn.
[6] Tục Thể là lối viết thường dùng trong dân gian cho nhanh, không đúng với cách viết chánh thức của chữ Hán, như chữ Đăng viết thành , Thiên viết thành v.v... Đặc điểm lớn nhất của Tục Thể là giản lược nét bút, đôi khi biến cải âm thanh. Đa số chữ Tục Thể biến thành chữ Hán giản thể hiện thời.
Thiếp Thể là lối viết trên các tờ thiếp, bình phong, quạt cho đẹp, mềm mại hơn lối viết cứng cỏi dùng để khắc bia.
Biến Thể là cách viết biến đổi tự dạng sao cho thật đẹp, thật bay bướm trong thư pháp, gần với lối chữ Thảo.
Nói chung, ba thể loại này khiến người không chú ý dễ đọc sai chữ, hoặc hiểu lầm ý nghĩa, thậm chí không nhận được mặt chữ, nên bị Tổ quở.
[7] Sở dĩ nói là trái thời vì thời cổ, các chữ ấy được dùng lẫn nhau không phân biệt. Nay nếu viết theo lối cổ, sẽ gây hiểu lầm; ví dụ chữ Ma (ma quỷ) hiện thời có ý nghĩa khác với Ma (mài).
[8] Thương Hiệt: Theo truyền thuyết, Thương Hiệt là sử quan của Hoàng Đế, là người đầu tiên sáng tạo chữ Hán.
[9] Trùng văn điểu thư: Chỉ cách viết chữ Hán theo lối cổ, có lối viết ngoằn ngoèo giống như con nòng nọc nên còn gọi là chữ Khoa Đẩu. “Trùng văn điểu thư” là chữ viết trông giống như con trùng, hoặc vết chân chim.
[10] Đây là một thiện tín gởi thư cho Tổ biết sẽ in loại vải dùng bọc đệm quỳ, bồ đoàn, trên đó có in hình hoa sen và thánh hiệu của chư Phật.
[11] Tác pháp: Hiểu theo nghĩa hẹp là hành nhân Mật Tông tụng niệm nghi quỹ, kết ấn, rải hoa, chạy đàn, thực hiện nghi lễ hỏa cúng v.v… Ở đây chỉ có nghĩa là các vị Sư được mời đến thực hiện các nghi lễ cầu siêu, thí thực v.v…
[12] Ý nói đọc kinh không thành kính, chỉ có âm điệu nhịp nhàng như thợ rèn thổi bễ, đánh các pháp khí làm lễ nhưng chẳng thành kính, khác gì người giã gạo, cứ nhịp chày đều đều cho xong việc.

Nhận xét

Bài đăng phổ biến từ blog này