Ngày Thứ Hai: Bàn Về Nhân Quả Báo Ứng Và Sự Giáo Dục Trong Gia Đình

ẤN QUANG ĐẠI SƯ KHAI THỊ LỤC
Bửu Quang Tự Đệ Tử Liên Hương dịch
Ngày hôm qua giảng về pháp môn Tịnh Ðộ, hôm nay giảng về ý nghĩa của pháp hội Hộ Quốc Tức Tai. Muốn nói đến “hộ quốc tức tai” thì trước hết phải biết là “hộ quốc” (giữ gìn đất nước) như thế nào? “Tức tai” (dứt trừ tai nạn) như thế nào? Là vì muốn đạt đến hạng mục ấy, có hai biện pháp: Một là lâm thời, hai là bình thời. Nếu lúc bình thường, ăn chay niệm Phật để cầu hộ quốc tức tai thì cố nhiên có công đức vô hạn; nhưng lúc lâm thời, dốc lòng thành kính cầu nguyện giữ yên đất nước, dứt bặt tai nạn cũng sẽ có hiệu lực tương đương; nhưng vẫn chẳng bằng lúc bình thời mọi người hộ quốc tức tai thì hay hơn. Bởi lẽ, nếu bình thời mọi người ăn chay niệm Phật, do nguyện lực tiếp nối nên tà khí tiêu trừ, chánh khí tăng trưởng, ai nấy giữ tấm lòng tốt, nói lời tốt, làm việc tốt thì tự nhiên quốc gia được bảo vệ, tai ương tự tiêu vậy.
Sách xưa có ghi: “Thánh nhân bất trị dĩ bệnh, trị vị bệnh; bất trị dĩ loạn, trị vị loạn” (Thánh nhân chẳng trị lúc đã bệnh, trị từ lúc chưa bệnh; chẳng trị lúc đã loạn, trị từ lúc chưa loạn). Bởi lẽ, trị khi đã loạn thì dễ hiểu, chứ trị từ lúc chưa loạn thì khó thấy rõ được! Phàm trị quốc cũng giống như trị bịnh, có cách trị nơi ngọn, có cách trị nơi gốc. Trị bệnh là trị khi đã loạn. Nếu cầu lấy hiệu quả nhanh chóng, tức là đau đầu trị bệnh đầu, đau đùi trị bệnh đùi, [tức là] trị cái ngọn vậy. Cái ngọn đã lành, sau đấy mới lại trị cái gốc khiến cho khí huyết lưu thông trọn khắp, khỏe khoắn, sảng khoái. Gốc đã lành bệnh thì tự nhiên tinh thần phấn chấn, mới có thể hăng hái ra sức.
Hiện thời, quốc gia nguy nan đã đến mức ngàn cân treo sợi tóc. Tôi cho rằng để trị quốc trong hiện thời thì phải trị cả ngọn lẫn gốc. Cách kiêm trị không chi tốt bằng niệm Phật, ăn chay, kiêng giết, phóng sanh và hiểu sâu xa lý nhân quả trong ba đời. Kiếp vận hiện tại của thế giới, những tai nạn chúng ta phải chịu đựng đều là do ác nghiệp trong quá khứ chiêu cảm đến nỗi cảm nhận khổ quả hiện thời. Do đó, biết rằng: Những ác nghiệp này là do ác nhân trong quá khứ tạo thành; muốn tránh khổ quả phải dứt khổ nhân. Quá khứ đã gieo khổ nhân thì niệm Phật, sám hối mới có thể tiêu trừ được nổi. Hiện tại nếu chẳng gieo khổ nhân nữa thì tương lai sẽ khỏi phải chịu khổ quả. Khổ nhân là gì? Là ba độc “tham, sân, si”. Thiện nhân là gì? Giúp vật, lợi người. Nếu ai nấy hiểu rõ lẽ nhân quả sẽ chẳng làm các điều ác, vâng làm các điều lành, tai họa sẽ chẳng từ đâu mà khởi lên được nữa! Chỉ vì người đời nay chẳng hiểu lý nhân quả, tư dục đầy ắp dạ, không điều ác nào chẳng làm, chỉ biết có chính mình, chẳng biết có ai khác. Nào biết lợi người chính là lợi mình, hại người còn tệ hơn hại mình!
Vì thế, hằng ngày, tôi thường bảo: “Nhân quả là cái gốc lớn lao để thánh nhân trị thiên hạ, để Như Lai độ chúng sanh. Bỏ nhân quả mà bàn đến chuyện trị quốc bình thiên hạ khác gì níu cây tìm cá, tôi chưa từng thấy ai có thể tìm được cả!” Phật dạy: “Dục tri tiền thế nhân, kim sanh thọ giả thị. Dục tri lai thế quả, kim sanh tác giả thị” (Muốn biết nhân đời trước, xem quả báo đời này. Muốn biết quả mai sau, xem việc làm đời này). Nếu như những điều mình tạo tác đời này đều là việc ác, đời sau chắc chắn bị quả ác! Nếu những hành vi đời này đều là việc lành thì đời sau nhất định hưởng thiện quả!
Kinh Dịch chép: “Tích thiện chi gia, tất hữu dư khánh. Tích bất thiện chi gia, tất hữu dư ương” (Nhà tích thiện ắt sự vui có thừa, nhà chất chứa điều chẳng lành, tai ương ắt có thừa). Kinh Thư chép: “Tác thiện, giáng chi bách tường. Tác bất thiện, giáng chi bách ương” (Làm lành, trăm điều tốt lành giáng xuống. Làm việc chẳng lành, trăm tai ương đổ xuống). Lý ấy hệt như lý nhân quả của đức Phật ta đã giảng. Chữ “dư” đã nói đó chính là tàn dư của chánh báo, chứ không phải là chánh báo. Chính người ấy trong đời sau tự mình hưởng thụ, nên gọi là “bổn khánh, bổn ương” (điều vui mừng hay tai ương chính), còn dư báo lan qua con cháu. Dư báo, dư ương đều là do tổ phụ tích chứa mà thành vậy!
Người đời chẳng biết nhân quả, thường nói con người sau khi chết đi là đã giải thoát hoàn toàn, không có quả báo thiện - ác nữa. Ðây chính là tà kiến sai lầm nhất về đời sau của thiên hạ vậy. Cần biết là: Người đã chết đi rồi, thần thức chẳng bị diệt. Nếu ai nấy đều biết thần thức chẳng diệt, ắt sẽ thích làm lành. Nếu không biết thần thức chẳng diệt sẽ mặc tình phóng túng, giết cha, giết mẹ, đủ thứ tội ác do đấy mà sanh! Những thứ hành vi nghịch ác tột bậc ấy đều là kết quả của tà kiến đoạn diệt mà ra! Nếu ai nấy có thể chẳng làm các điều ác, vâng giữ các điều lành thì thiên hạ thái bình, nhân dân an lạc; nhưng đấy vẫn chưa phải là biện pháp rốt ráo. Thế nào mới là biện pháp rốt ráo? Chính là niệm Phật cầu sanh Tây Phương, liễu sanh thoát tử, và phải giữ vẹn luân thường, trọn hết bổn phận, ngăn chặn điều tà, giữ lòng thành thì sẽ chuyển được vận nước, tiêu trừ được tai nạn. Bởi lẽ, tai nạn ngày nay đều là do cộng nghiệp của mọi người chiêu cảm.
Nếu ai nấy đều niệm Phật, làm lành sẽ chuyển được cộng nghiệp, tiêu được kiếp vận. Ngay trong lúc chiến cuộc nổ ra ở đất Hỗ vào ngày Hai Mươi Tám tháng Giêng[1], những người niệm Phật được linh cảm rất nhiều. Bọn họ chỉ tu một mình mà còn được linh cảm như thế, huống là ai nấy cùng tu ư? Vì thế, biết rằng: Do đại chúng chí thành khẩn thiết niệm Phật cũng có thể vãn hồi được tai nạn của đất nước. Lại như đức Quán Thế Âm Bồ Tát dùng ba mươi hai ứng thân để vào các cõi nước, theo tiếng cứu khổ; nếu như chí thành tụng niệm thánh hiệu Quán Thế Âm thì sẽ tự được cảm ứng. Những chuyện linh cảm xưa nay thấy ghi chép rất nhiều trong các sách vở, các vị có thể tự tìm đọc lấy. Ngoài những thân đã thuật trong phẩm Phổ Môn “[Bồ Tát] thấy nên dùng thân nào để độ được thì liền hiện thân đó cứu độ” ra, nếu [Bồ Tát thấy] nên dùng thân núi, sông, đại địa, cầu bến, đường sá để hóa độ thì Ngài cũng hiện các thân núi, sông, đại địa, cầu bến, đường sá… để cứu độ.
Con người hiện tại, kẻ dấy được lòng tin ít lắm, kẻ không phát khởi lòng tin rất nhiều. Nếu ai nấy đều phát khởi lòng tin thì có tai vạ nào mà chẳng thể tiêu diệt được? Nhưng lòng tin của con người cần phải được vun bồi từ thơ ấu. Phàm là người làm cha mẹ, khi con cái còn thơ ấu, hãy nên dạy con cái về lý nhân quả báo ứng, đạo lý giữ vẹn luân thường, trọn hết bổn phận. Nếu đợi đến lúc trưởng thành, tập tánh đã thành, không thể uốn nắn được nữa! Ðiều quan trọng nhất là “thai giáo” (dạy từ trong thai). Nếu phụ nữ mang thai có thể ăn chay, niệm Phật, làm lành, bỏ ác, mắt chẳng nhìn sắc ác, tai chẳng nghe tiếng ác, thân chẳng làm việc ác, miệng chẳng thốt lời ác, khiến cho đứa trẻ còn trong thai đã được bẩm thọ chánh khí nên thiên tánh tinh thuần. Sanh ra, lại giáo hóa thêm thì không đứa nào chẳng trở thành thiện nhân!
Xưa kia, các bà Thái Khương, Thái Nhậm, Thái Tự của nhà Châu đức hạnh hiền thục, cao đẹp, giúp chồng dạy con, nên tạo thành nền móng cho vương nghiệp nhà Châu suốt tám trăm năm. Ấn Quang thường bảo: “Quyền trị quốc, bình thiên hạ, hàng nữ nhân chiếm hơn quá nửa”. Bởi lẽ, trong gia đình, người chủ trì việc nhà đa phần là phụ nữ, đàn ông thường hay lo việc ngoài. Nếu mẹ hiền thì những điều lọt vào tai, đập vào mắt con cái trong nhà đều là những điều dạy dỗ của mẹ, chịu ảnh hưởng của mẹ, lợi ích ấy chẳng nông cạn. Nếu thuở bé bỏ mặc cho tánh chúng quen thói kiêu căng, cho chúng nó tự do, trọn chẳng lấy chuyện hiếu đễ, trung tín, nhân quả báo ứng để giáo huấn thì [đến khi] khôn lớn, chúng sẽ trở thành quyến thuộc của Ma Vương giết cha giết mẹ. Vì thế, cần phải nuôi dưỡng tâm lành của con cái từ lúc thơ ấu, kềm cặp nghiêm ngặt.
Phải biết: Hiện thời, bọn sát nhân, phóng hỏa, không điều ác gì chẳng làm đa phần là vì cha mẹ chúng nó nuông chiều quen thói kiêu căng mà ra! Mạnh Tử dẫu hiền mà cũng cần phải do bà mẹ ba lần đổi chỗ ở, nghiêm ngặt quản thúc mà thành [hiền nhân], huống hồ những kẻ tầm thường ư? Hiện tại, mọi người đề xướng nam nữ bình quyền, cho đó là nâng cao nhân cách của nữ giới. Chẳng biết nam nữ thể chất đã không giống nhau, mà trách nhiệm mỗi giới mỗi khác. Thánh nhân cho rằng vị trí chính đáng của nam giới là ở ngoài, vị trí chính đáng của nữ giới là ở bên trong. “Vị trí chính đáng ở bên trong” chính là chăm lo những việc bếp núc, canh cửi, giúp chồng dạy con v.v… Nay bảo nữ nhân đảm nhiệm chuyện của nam giới nên những chuyện thuộc vị trí chính đáng của nữ nhân bị bỏ phế. Tuy mang tiếng là nâng cao nhân cách của nữ giới, thật ra là xô đổ nhân cách phụ nữ. Xin những bậc anh hiền của nữ giới ai nấy nhận thức rõ nhân cách của chính mình ở tại đâu, ngõ hầu con cái trong gia đình đều thành hiền thiện, thiên hạ lẽ đâu chẳng thái bình!
Bởi lẽ, đạo trọng yếu để trị quốc, bình thiên hạ nằm trong giáo dục gia đình, mà việc giáo dục trong gia đình người mẹ đảm nhiệm quá nửa. Bởi lúc trong thai, con cái đã bẩm thụ khí chất của mẹ, lúc sanh ra lại nhìn theo oai nghi của mẹ, nhận sự dạy răn của mẹ, nên trở thành hiền thiện. Ðiều này tuy chẳng hiện hình tích nhưng lại là việc trọng yếu để đạt đến thái bình. Tiếc là vĩ nhân các giới đa số chưa thấy rõ điều này. Nguyện những bậc anh hiền trong nữ giới kể từ nay hãy chú ý lời này. Người đời đều gọi phụ nữ là Thái Thái. Phải biết ý nghĩa của hai chữ “thái thái” rất cao quý, to lớn. Xét ra, cội nguồn sâu thẳm của hai chữ ấy bắt nguồn từ tận đời Châu. Do Thái Khương, Thái Nhậm, Thái Tự đều là bậc thánh nhân trong nữ giới, đều có thể giúp chồng dạy con. Bà Thái Khương sanh ra ba vị thánh nhân là Thái Bá, Trọng Ung và Quý Lịch. Bà Thái Nhậm sanh Văn Vương. Bà Thái Tự đẻ ra Vũ Vương và Châu Công. Ba đời bà cháu nữ thánh sanh ra ba đời ông cháu mấy vị thánh nhân, tạo thành thời thịnh trị tốt đẹp nhất tự ngàn xưa. Người đời sau gọi phụ nữ là “thái thái” tức là muốn đem so họ với ba bà Thái. Do đấy, hãy ngẫm xem: Thái Thái là danh hiệu cao quý nhất không gì hơn được nữa để gọi phụ nữ. Nữ giới cần phải có đức hạnh của ba bà Thái thì mới chẳng phụ bạc sự tôn xưng ấy. Rất mong những vị nữ anh hiền trong hiện tại hãy thực hiện chuyện giúp chồng dạy con, khiến cho con cái do mình sanh ra đều thành hiền thiện ngõ hầu chẳng phụ danh xưng tốt đẹp trên đây!
Kế đấy, cần phải nỗ lực ăn chay. Con người và động vật vốn bình đẳng, nỡ nào giết hại tánh mạng chúng để thỏa mãn miệng, bụng mình? Thân ta vừa bị dao cắt phải một chút liền cảm thấy đau khổ. Mới nói hoặc nghĩ đến đó, tim gan đau buốt, nỡ nào giết chúng ăn thịt? Huống chi kẻ sát sanh ăn thịt dễ khởi cơ duyên giết hại. Tai kiếp đao binh trong đời này đều là do đây mà có! Cổ nhân nói: “Dục tri thế thượng đao binh kiếp; đản thính đồ môn dạ bán thanh” (Mun biết đao binh trong cõi thế, hãy nghe tiếng lò m giữa đêm trường). Trong cõi đời, khá nhiều kẻ tuy hiểu rõ đạo lý Phật pháp mà vẫn thấy kiêng giết, ăn chay là chuyện khó làm.
Năm Dân Quốc thứ mười (1921), tôi đến Nam Kinh thăm một người bạn. Ông ta mời ông Ngụy Mai Tôn đến gặp tôi. Ông Ngụy tin Phật, niệm Phật, nhưng bảo là chưa thể ăn chay. Tôi dặn ông ta hãy đọc kỹ Bài Văn Kêu Gọi Tu Bổ Ao Phóng Sanh của chùa Cực Lạc ở Nam Tầm đăng trong bộ Văn Sao mấy chục lượt sẽ ăn chay được. Bởi lẽ, trong bài văn đó, trước hết nói chúng sanh và Phật tâm tánh chẳng hai. Tiếp đó, nói đến [ta và các loài vật] bao kiếp làm cha, mẹ, anh, em, vợ, con, quyến thuộc, sanh ra lẫn nhau, làm oan gia đối đầu của nhau, giết chóc lẫn nhau. Tiếp đó, dẫn kinh văn Phạm Võng, Lăng Nghiêm, Lăng Già làm chứng. Ðọc sâu nghĩ chín, chẳng những không nỡ ăn mà còn chẳng dám ăn nữa kia! Chưa đầy hai tháng sau, Ngụy cư sĩ liền trọn không ăn thịt nữa.
Lại nữa, bà mẹ của cư sĩ Hoàng Hàm Chi ở Thượng Hải chưa thể ăn chay, lại còn chẳng tin ăn chay là chuyện trọng yếu trong việc học Phật. Ông Hoàng Hàm Chi gởi thư hỏi cách [khuyên cho mẹ tin], tôi bảo ông ta sớm tối thay mẹ đối trước Phật sám hối nghiệp chướng. Do mẹ con thiên tánh tương quan, nếu thật sự chí thành ắt có cảm ứng. Hàm Chi làm theo, hơn tháng sau, mẹ ông liền ăn chay trường. Lúc đó bà đã tám mươi mốt tuổi, công khóa hằng ngày là hai vạn câu Phật hiệu, sống đến năm chín mươi ba tuổi mới mất. Tôi mong từ hôm nay trở đi, hết thảy đại chúng chú ý kiêng giết, ăn chay và khuyên cha mẹ, con cái và thân hữu của chính mình cùng nhau ăn chay. Phải biết đây cũng là phương pháp căn bản để hộ quốc tức tai. Những điều tôi giảng hôm nay là ý nghĩa của hộ quốc tức tai, mà phương pháp để thực hành hộ quốc tức tai chính là niệm Phật, ăn chay; mong quý vị chẳng nghĩ là thiển cận rồi chẳng thèm để ý.


[1] Đây là biến cố xảy ra vào năm 1932. Nguyên do là vào ngày Mười Tám tháng Giêng năm 1932, năm Tăng nhân Nhật Bản xô xát với người Trung Hoa tại Tam Hữu Thực Nghiệp Xã ở vùng núi Mã Ngọc thuộc tô giới Thượng Hải, khiến cho một người chết, một người bị trọng thương. Cảnh sát Nhật liền bao vây khu vực, gây ra tình trạng căng thẳng. Đến ngày Hai Mươi tháng Giêng, năm mươi Nhật kiều lại phóng hỏa đốt trụi Tam Hữu Thực Nghiệp Xã đồng thời đánh chết ba cảnh sát người Hoa. Kiều dân Nhật lại yêu cầu hải quân Nhật can thiệp, quân phiệt Nhật liền huy động hải quân, lục quân vây kín Thượng Hải. Chính quyền Trung Hoa Dân Quốc bắt buộc phải đưa quân đội đến Thượng Hải đối phó. Giao tranh nổ ra khốc liệt giữa hai bên vào đúng ngày Hai Mươi Tám tháng Giêng năm ấy. Cuộc chiến kéo dài mãi đến ngày Ba tháng Ba năm 1932, quân Nhật chiếm thế thượng phong với quân số áp đảo là bảy vạn quân, trong khi Trung Hoa Dân Quốc chỉ có năm vạn quân. Đến ngày Năm tháng Năm, qua sự môi giới của Anh, Mỹ, Pháp, Ý, hiệp định đình chiến Tùng Hỗ được ký kết giữa đôi bên, Trung Hoa phải chấp nhận nhiều điều kiện thiệt thòi. Tổn thất rất lớn, 19.700 căn nhà bị phá hủy, số thương vong không thể đếm xiết!

Nhận xét

Bài đăng phổ biến từ blog này