Ngày Thứ Tám: Pháp Hội Đã Viên Mãn, Giảng Tam Quy, Ngũ Giới, Thập Thiện Và Các Nghĩa Lý Trọng Yếu Dành Cho Người Niệm Phật
ẤN QUANG ĐẠI SƯ KHAI THỊ LỤC
Bửu Quang Tự Đệ Tử Liên Hương dịch
Bửu Quang Tự Đệ Tử Liên Hương dịch
Hôm nay là ngày quý vị quy y. Quý vị đã quy y thì nên
hiểu rõ đạo lý quy y, nay tôi trình bày cùng quý vị. Vì sao quý vị quy y? Tôi
nghĩ nói chung là chẳng ngoài việc muốn cầu sanh Tây Phương, liễu sanh thoát tử
mà thôi! Như thế nào mới đạt được những mục tiêu này? Tức là phải quy y Tam
Bảo, nghĩa là quy y Phật, quy y Pháp, quy y Tăng. Có quy y Tam Bảo, tu trì chân
thật thì mới được liễu thoát sanh tử, vãng sanh Tây Phương. Vả nữa, Tam Bảo vừa
nói đó có hai loại là Tự Tánh [Tam Bảo] và Trụ Trì [Tam Bảo].
Tự Tánh Tam Bảo:
* Phật nghĩa là Giác Ngộ. Tự Tánh Phật chính là Chân Như
Phật Tánh ly niệm linh tri sẵn có trong tự tâm.
* Pháp nghĩa là quỹ phạm (khuôn phép). Tự Tánh Pháp chính là khuôn mẫu đạo đức, nhân nghĩa
cao quý sẵn có trong tâm.
* Tăng nghĩa là Thanh Tịnh. Tự Tánh Tăng chính là tịnh
hạnh thanh tịnh vô nhiễm sẵn có trong tâm.
Trụ Trì Tam Bảo:
* Lúc đức Phật Thích Ca còn tại thế thì Ngài là Phật Bảo.
Sau khi Phật diệt độ, tất cả các tượng Phật bằng vàng, bằng đất, gỗ chạm, tranh
vẽ đều là Phật Bảo.
* Các pháp ly dục thanh tịnh Phật đã giảng, và các kinh
điển sách vàng, trục đỏ đều là Pháp Bảo.
* Người xuất gia áo thâm, tu các hạnh thanh tịnh đều là
Tăng Bảo.
Quy là quay về, đổ vào, như nước đổ vào biển, như dân
hướng về vua. Y là nương gởi, như con nương vào mẹ, như vượt [sông, biển] nương
nhờ thuyền. Con người giữa biển cả sanh tử nếu chẳng quay về nương nhờ Tự Tánh
Tam Bảo và Trụ Trì Tam Bảo thì không cách gì thoát ra được! Nếu chịu phát tâm
chí thành quy y Tam Bảo, tu hành đúng như pháp thì liền ra khỏi biển khổ sanh
tử, liễu sanh thoát tử. Như người lỡ chân rớt xuống biển cả, sóng dữ bủa cuồn
cuộn, lo bị ngập mất đầu. Giữa lúc ngàn cân treo sợi tóc, sanh tử tồn vong ấy,
chợt có con thuyền đi đến, liền đuổi theo, trèo lên. Ðấy là nghĩa “quay về,
gieo vào” vậy. Do biết Tự Tánh Tam Bảo, từ đấy khắc kỷ, phản tỉnh, xem xét,
kiêng dè, gắng sức, lại cầu nơi Trụ Trì Tam Bảo và mười phương tam thế hết thảy
Tam Bảo thì tiêu trừ được ác nghiệp, tăng trưởng thiện căn, thành tựu đạo
nghiệp ngay trong đời này, vĩnh viễn thoát khỏi sanh tử, luân hồi. Giống như
được cứu, leo lên thuyền, ngồi yên đến bờ. Hung hiểm lúc ấy đã qua, hiện tại
mừng được sống sót. Bởi đó được vô hạn lợi ích. Ðấy chính là ý nghĩa “nương,
gởi” vậy. Việc đời rối ren, phiền não đau khổ, sống trong biển cả sanh tử này,
hãy nên lấy Tam Bảo làm thuyền. Chúng sanh được quy y, đẩy chèo, giương buồm,
chẳng lười nhác, chẳng lui sụt, tự lên được bờ kia!
* Ðã quy y Phật hãy nên thờ Phật làm thầy; bắt đầu từ nay
cho đến hết đời, dốc lòng chân thành lễ kính, chẳng chịu lười nhác dẫu chỉ
trong một hơi thở. Lại chẳng được quy y thiên ma, ngoại đạo, tà quỷ, tà thần.
* Ðã quy y Pháp, nên lấy Pháp làm thầy, từ nay cho đến
hết đời, chẳng quy y kinh điển ngoại đạo nữa.
* Đã quy y Tăng nên lấy Tăng làm thầy, bắt đầu từ nay cho
đến hết đời, chẳng còn quy y đồ chúng ngoại đạo nữa.
Nếu đã quy y Tam Bảo mà còn tin tưởng ngoại đạo, tôn thờ
tà ma, quỷ thần thì tuy hằng ngày niệm Phật, tu trì, cũng khó lòng được lợi ích
chân thật, vì tà - chánh chẳng phân, chắc chắn chẳng có hy vọng liễu thoát sanh
tử. Ai nấy nên nghiêm chỉnh vâng giữ như thế (hai chữ Quy Y giảng xong).
Ðã giảng về ý nghĩa Tam Quy rồi, lại nói đến ý nghĩa Ngũ
Giới. Ngũ Giới vừa được nói đó, chính là: Một là chẳng sát sanh, hai là chẳng
trộm cắp, ba là chẳng tà dâm, bốn là chẳng nói dối, năm là chẳng uống rượu.
* Chẳng sát sanh là vì ta cùng loài vật đều ham sống, sợ
chết giống hệt như nhau. Ta đã ham sống, há loài vật muốn chết? Nói, nghĩ đến
điều đó, nỡ lòng nào giết hại? Bởi lẽ, hết thảy chúng sanh vốn cùng ngang hàng,
luân hồi trong lục đạo, tùy theo nghiệp thiện - ác mà hình thể biến đổi, thăng,
giáng, siêu thoát, chìm đắm, trọn chẳng lúc nào hết. Ta cùng bọn chúng trong
nhiều kiếp lần lượt làm cha, mẹ, lần lượt làm con cái. Suy nghĩ như vậy, há còn
dám sát sanh? Hết thảy chúng sanh đều có Phật tánh, quả thực chẳng hai, chẳng
khác với tam thế chư Phật. Trong đời vị lai, đều có thể thành Phật, chỉ vì sức
ác nghiệp đời trước ngăn lấp khiến cho Phật Tánh mầu nhiệm sáng suốt chẳng thể
hiển hiện được, chìm đắm trong dị loại. [Chúng ta] phải nên dùng lòng thương
xót, lòng từ bi để cứu vớt, nỡ nào cắt xẻ thân thể chúng để no bụng ta? Ðời
này, bọn ta đã được làm người chính là do thiện quả đời trước, phải nên giữ gìn
thiện quả này khiến cho nó được tỏa rạng rộng lớn, duy trì vĩnh cửu, hãy nên
kiêng giết chóc sanh mạng! Nếu như rộng tạo sát nghiệp ắt sẽ đọa ác đạo, đền
trả nợ cũ, xoay vần giết hại nhau, đây chìm, kia nổi, chẳng có lúc hết. Muốn
cầu sanh Tây Phương để tránh khỏi nỗi khổ luân hồi, sao còn dám tạo sát nghiệp
ư? Vì thế, điều đầu tiên cần chú trọng là kiêng giết.
* Chẳng trộm cắp là khi có được vật gì phải xét xem nó có
hợp đạo nghĩa hay không[1], nếu chẳng cho thì chẳng lấy. Việc này những ai biết
chút liêm sỉ sẽ đều có thể chẳng phạm, nhưng con người chẳng phải là hiền
thánh, ai có thể chưa hề phạm? Bởi lẽ, nếu tư dục dấy lên sẽ dễ bị vật chất
lung lạc. Nếu đối với mối lợi lớn ở ngay trước mắt mà có thể né tránh giống như
gấp gáp tránh rắn, rết, hoặc kẻ chạy cuồng đi vội thì [người như vậy] chẳng
luôn luôn gặp gỡ được! Nói “trộm cắp” đó chẳng phải chỉ có nghĩa là trộm cắp
tài vật của người khác, mà là ngay trong lúc khởi tâm, làm việc có khi giống
như trộm cắp thì cũng gọi là trộm cắp vậy. Chẳng hạn, lấy công giúp tư, tổn
người lợi mình, cậy thế lấy của, dùng mưu đoạt vật, ganh tỵ sự phú quý của
người khác, mong người ta nghèo hèn đi v.v… đều là trộm cắp cả! Lại như làm
lành phô trương để cầu danh. Nếu gặp các việc lành, tâm chẳng tích cực, công
chuyện phần nhiều làm quấy quá. Chẳng hạn như lập trường nghĩa học[2] nhưng chẳng chọn thầy nghiêm khắc khiến cho con em người
khác bị lầm lạc; thí thuốc men chẳng phân biệt thật - giả, khiến tánh mạng
người khác bị hại. Phàm thấy nạn gấp, dụ dự chẳng cứu cho nhanh, lần chần, dùng
dằng đến nỗi lỡ việc. Chỉ luôn lằng nhằng, thiếu trách nhiệm, chẳng quan tâm
đến lợi - hại của người khác. Những điều giống như thế đều gọi là trộm cắp!
Lòng mang cái tâm trộm cắp, làm chuyện trộm cắp thì xã hội sẽ vì đó mà rối
beng, thiên hạ cũng chẳng thái bình. Vì vậy, cần phải chú trọng kiêng dè trộm
cắp.
* Chẳng tà dâm: Âm - dương thu hút nhau, muôn vật nhờ đó
mà sanh. Nam nữ lập gia đình là giềng mối lớn lao của con người. Sanh con đẻ
cái, nuôi dạy nên người, trên liên quan đến phong hóa, dưới liên quan đến tiếp
nối dòng dõi; cho nên chẳng cấm. Nếu chẳng phải với người vợ hay chồng chánh
thức lại chung chạ bừa bãi, đấy là tà dâm. Như vậy là trái nghịch lẽ trời, rối
loạn luân thường của con người, sống làm cầm thú đội mũ mặc áo, chết đọa tam đồ
ác đạo ngàn vạn ức kiếp chẳng thể thoát khỏi. Nhưng con người do dâm dục sanh
ra nên dâm tâm khó chế ngự nhất. Đức Như Lai dạy người tham dục nặng nề tu Bất
Tịnh Quán, quán lâu ngày sẽ thấy sắc đâm chán. Lại nếu có thể tưởng hết thảy nữ
nhân mình trông thấy đều là mẹ, con gái, chị, em, sanh tâm hiếu thuận, tâm cung
kính thì ác niệm dâm dục không do đâu phát sanh được! Ðấy chính là đoạn trừ cội
gốc của sanh tử luân hồi, là cơ sở, là bậc thềm để siêu phàm nhập thánh, hãy
nên thường kiêng dè. Còn như vợ chồng ân ái với nhau vốn chẳng bị cấm đoán,
nhưng cũng cần phải “tương kính như tân”
(kính trọng nhau như khách), nhằm tiếp
nối dòng dõi để thờ phụng tổ tiên, phải nên giữ chừng mực, chớ nên chỉ tham cầu
khoái lạc đến nỗi chôn vùi thân mạng! Tuy là với người phối ngẫu của mình, hễ
tham khoái lạc thì cũng là phạm giới! Chẳng qua tội ấy so ra nhẹ hơn [tội tà dâm] thôi!
Vì thế, cần phải đặt nặng chuyện giới dâm.
* Chẳng nói dối là lời lẽ phải đáng tin, chẳng dối trá
thốt ra. Nếu thấy nói chẳng thấy, chẳng thấy nói thấy, lấy hư làm thật, lấy có
làm không; phàm hết thảy những chuyện tâm - miệng chẳng xứng nhau, muốn lừa dối
người thì đều là “nói dối” cả. Lại nếu tự mình chưa đoạn Hoặc mà bảo đã đoạn
Hoặc, tự mình chưa đắc đạo mà bảo đã đắc đạo thì là đại vọng ngữ. Tội ấy rất
nặng vì hoại loạn Phật pháp, khiến cho chúng sanh ngờ vực, lầm lạc, chắc chắn
đọa địa ngục A Tỳ, vĩnh viễn không có ngày ra. Vì thế, cần phải chú trọng giới
vọng ngữ.
Bốn điều kể trên gọi là Tánh Giới vì do thể tánh của
chúng đáng kiêng giữ. Chẳng luận là xuất gia hay tại gia, thọ giới hay không,
hễ phạm phải đều có tội lỗi. Kẻ chưa thọ giới, căn cứ trên sự mà luận tội.
Người đã thọ giới, ngoài việc căn cứ trên Sự để luận tội ra, còn kèm thêm tội
phạm giới. Vì thế, bốn điều sát sanh, trộm cắp, tà dâm, đại vọng ngữ này, hết
thảy mọi người đều chẳng nên phạm. Hễ phạm đều có tội! Ðã thọ giới mà còn phạm
sẽ mắc cả hai trọng tội.
* Chẳng uống rượu là vì rượu có thể làm mê loạn lòng
người, hư hoại dòng giống trí huệ. Uống vào, rượu làm cho con người điên đảo,
hôn mê, cuồng dại, làm càn những chuyện không biết hổ thẹn. Phàm là người tu
hành trọn chẳng cho phép uống. Cần biết rằng: Hết thảy vọng niệm, tà hạnh phần
nhiều là do uống rượu mà nẩy sanh! Vì thế, cần phải chú trọng thêm chuyện kiêng
rượu! Ðây là Già Giới (giới ngăn ngừa),
chỉ người thọ giới mắc tội phạm giới. Người chưa thọ giới thì uống vào không bị
tội! Nhưng không uống thì tốt hơn, bởi nó là căn bản có thể sanh ra các thứ tội
lỗi.
Còn về Thập Thiện cũng phải nên tuân thủ. Thập Thiện là
chẳng sát sanh, chẳng trộm cắp, chẳng tà dâm; đấy là ba nghiệp của thân. Chẳng
nói dối, chẳng nói thêu dệt, chẳng nói đôi chiều, chẳng ác khẩu là bốn nghiệp
của miệng. Chẳng keo tham, chẳng nóng giận, chẳng tà kiến là ba nghiệp của ý.
Nếu giữ được chẳng phạm thì gọi là Thập Thiện. Nếu phạm chẳng giữ thì gọi là
Thập Ác. Thập Ác chia ra làm thượng, trung, hạ, chiêu cảm thân trong ba ác đạo:
địa ngục, ngạ quỷ, súc sanh. Thập Thiện cũng chia thành thượng, trung, hạ,
chiêu cảm thân trong ba đường lành: trời, người, A-tu-la. Nhân lành cảm quả
lành, nhân ác cảm quả ác, quyết định không nghi, không hề sai sót! Mười điều
lành này bao gồm hết thảy thiện pháp. Nếu có thể tuân hành thì không điều ác
nào chẳng đoạn, không điều thiện nào chẳng tu. Các vị đã quy y, thọ giới, hãy
nên tuân thủ trọn vẹn. Lại còn phải nhất tâm niệm Phật, cầu sanh Tây Phương,
chớ nên coi thường. Nếu chẳng để ý, đến khi lâm chung mới cảm thấy là trọng yếu
thì gió nghiệp đã thổi, chẳng thể tự chủ, hối cũng chẳng kịp!
Người học Phật đã hiểu rõ các ý nghĩa Tam Quy, Ngũ Giới,
Thập Thiện rồi thì hãy dốc hết sức giữ vẹn luân thường, trọn hết bổn phận, ngăn
lòng tà, giữ lòng thành, đừng làm các điều ác, vâng làm các điều lành. Ðiều cần
phải chú ý nhất là làm bất cứ việc gì, đều phải dựa vào thiên lý, lương tâm.
Như người làm nghề Y mà có lương tâm, cứu người [trong cơn] nguy cấp sẽ tích
lũy âm công (âm đức) lớn lao. Kẻ
không có lương tâm có thể sẽ làm cho người bệnh nhẹ chuyển thành nặng, thừa
nước đục thả câu, táng tận lương tâm, nhất định lãnh ác quả.
Hiếu liêm Tào Cẩm Ðào ở Tô Châu đời Thanh giỏi y thuật,[3] bất cứ bệnh ngặt nghèo nào, gặp tay ông đều khỏi. Một
bữa, lúc ông sắp ra khỏi cửa, chợt có một người đàn bà nghèo quỳ ngoài cửa,
khóc lóc xin ông chữa bệnh cho mẹ chồng, than: “Gia cảnh nghèo túng, nghe ngài
sẵn lòng từ bi, nhất định sẽ đoái hoài đến trị”. Ông Tào liền đến trị. Ðến lúc
ông ra về, dưới chiếc gối của mẹ chồng người đàn bà nghèo có năm lạng bạc
trắng, chẳng biết đi đâu mất, tưởng ông Tào trộm đi, người đàn bà bèn đến nhà
hỏi. Ông Tào bèn cứ đúng số đưa cho. Người đàn bà nghèo về đến nhà, [thì ra] mẹ
chồng đã lấy bạc ra. Người đàn bà hổ thẹn vô cùng, lại đem bạc đến trả lại, tạ
tội, hỏi ông: “Sao ngài lại tự đổ hô mình trộm bạc?” Ông Tào bảo: “Tôi chỉ muốn
mẹ chồng bà chóng khỏi bệnh! Nếu tôi chẳng nhận, mẹ chồng bà ắt sẽ thêm lo lắng
bệnh nặng hơn, hoặc đến nỗi khó lành bệnh được! Vì thế, chỉ mong mẹ chồng bà lành
bệnh, chẳng sợ người ta bảo tôi trộm bạc”. Tấm lòng ông trung hậu, có thể nói
là đến cùng cực, không ai hơn được! Bởi thế, ông sanh được ba người con: Con
trưởng làm Ngự Y, thọ hơn tám mươi tuổi, nhà giàu to; con thứ làm Hàn Lâm, làm
quan đến chức Phiên Ðài; con thứ ba cũng làm Hàn Lâm, làu thông kinh sử, chuyên
chí trước tác. Cháu chắt đông đảo, nhiều người hiển đạt. Còn những kẻ chỉ mưu
kiếm lợi bằng nghề Y, nếu chẳng tan nhà nát cửa, dòng dõi tuyệt diệt thì đã
hiếm hoi lại càng hiếm hoi hơn!
Kinh Dịch chép: “Tích
thiện chi gia, tất hữu dư khánh. Tích bất thiện chi gia, tất hữu dư ương” (Nhà
tích thiện, niềm vui có thừa; nhà tích ác, ương họa có thừa), ý nói: Dư
khánh, dư ương báo ứng vào con cháu. Còn bổn khánh, bổn ương vận vào chính thân
mình. Dư khánh, dư ương người khác thấy được, còn bổn khánh, bổn ương thì chính
mình ngay trong đời này hay trong đời kế tiếp, hoặc đời sau phải hứng chịu,
người đời chẳng thể thấy được. Thiên, địa, quỷ thần, Phật, Bồ Tát đều thấy biết
từng sự rõ ràng. Hãy nên biết rằng: Bổn khánh, bổn ương so với dư khánh, dư
ương lớn hơn gấp trăm, ngàn, vạn lần. Vì thế, xin người đời hãy nỗ lực tu trì,
ngõ hầu được vui mừng, trừ ương họa vậy. Ông Tào cam chịu tiếng “trộm cắp” để
cứu tánh mạng người khác, thiện báo ứng vào con cháu. Nếu chính mình có thể
thay cho con cháu niệm Phật, cầu Tam Bảo gia bị, dạy con cháu ai nấy cũng ăn
chay, niệm Phật thì thiện báo sẽ ở tại Tây Phương!
Các vị đã quy y thì phải nên cung kính thọ Tam Quy để làm
cái gốc nhằm bỏ tà theo chánh, giữ Ngũ Giới cẩn thận để làm cái nguồn nhằm đoạn
ác, tu thiện. Phụng hành Thập Thiện để làm cái gốc nhằm thanh tịnh ba nghiệp
Thân, Khẩu, Ý. Từ đó, đừng làm các điều ác, vâng giữ các điều lành. Tam nghiệp
đã tịnh, rồi có thể tuân tu đạo phẩm, liễu sanh thoát tử, được dự vào hội tốt
lành nơi Cực Lạc. Thiện - ác, nhân - quả như bóng theo hình, chẳng hề sai lầm.
Thật sự làm như vậy sẽ được lợi ích thật sự. Nếu mua danh chuốc tiếng, thích
nói cuồng vọng, lừa mình, dối người, tự bảo đã đắc Phật đạo thì là đại vọng
ngữ, ắt sẽ mắc ác báo. Người tu hành tâm địa phải quang minh, ba nghiệp thanh
tịnh, công đức vô lượng. Quán kinh dạy: “Hiếu
dưỡng cha mẹ, phụng sự sư trưởng, từ tâm không giết, tu Thập Thiện nghiệp là
chánh nhân tịnh nghiệp của tam thế chư Phật”. Buông dao đồ tể xuống, thành
Phật ở chính ngay nơi ấy, đã có người làm được như thế. Xin ai nấy hãy gắng
lên.
[1] Nguyên văn là “kiến
đắc tư nghĩa”. Chúng tôi dịch theo cách diễn giải của Tứ Thư Bạch Thoại Giải.
Khổng Tử còn nói thêm: “Quân tử ái tài,
thủ chi hữu đạo” (quân tử [tuy] chuộng
của cải, nhưng lấy [của cải phải] đúng với đạo nghĩa).
[2] Trường nghĩa học: Trường miễn phí mở ra để dạy dỗ con
cái người nghèo, hoặc côi cút.
[3] Nguyên văn: “tinh ư Kỳ Hoàng”. Kỳ là Kỳ Bá, Hoàng là
Hoàng Đế. Kỳ Bá là một y sư trứ danh theo truyền thuyết, ông rất tinh thông y
thuật nên được Hoàng Đế thờ làm thầy. Hoàng Đế chính là một trong ba vị thánh đế
vương thời cổ (Tam Hoàng là Phục Hy, Thần
Nông và Hoàng Đế). Hoàng Đế cũng tinh thông y thuật. Thần Nông được coi là
tổ nghề thuốc, còn Kỳ Bá được coi là tổ nghề Y. Tác phẩm căn bản của y học cổ
truyền Trung Hoa là bộ Hoàng Đế Nội Kinh ghi chép những đối đáp về y lý giữa
Hoàng Đế và Kỳ Bá. Ngoài ra, theo thư tịch cổ Trung Hoa, những lời dạy khác về
y học của họ còn được chép trong những bộ sách nay đã thất truyền như Kỳ Bá
Hoàng Đế Án Ma, Kỳ Bá Kinh, Kỳ Bá Cứu Kinh, Kỳ Bá Châm Kinh, Hoàng Đế Kỳ Bá Luận,
Kỳ Bá Ngũ Tạng Luận v.v…
Nhận xét
Đăng nhận xét