C. Tâm Môn
NIỆM PHẬT TÂM ĐỊA CÔNG PHU
Nguyên tác: Lão Pháp sư Tịnh Không
Nguyên tác: Lão Pháp sư Tịnh Không
1. Chân thành
Sinh sống trong thời
đại ngày nay, chúng ta phải hiểu thật rõ căn cơ của chúng ta như thế nào, trong
Phật pháp sâu rộng như biển cả làm thế nào lựa chọn đúng thuốc để đối trị với
căn bịnh, đối trị tập khí của chúng ta, đây là nguyên tắc chính để lựa chọn;
mười điều này là thuốc hay để chữa trị tất cả bịnh tật, tập khí của người thời
nay.
Ðiều thứ nhất là chân
thành. Người thời nay thường thường giả dối, hư ngụy. Hai chữ chân thành chính
là thuốc hay cho căn bịnh này! Chúng ta là người thời nay, tâm chúng ta có chân
hay không, có thành hay không? Không chân, không thành! Chúng ta cũng hư ngụy,
cũng giả dối, cho nên phải lấy thuốc này chữa trị cho chúng ta trước; chữa cho
chúng ta xong hết rồi thì chúng ta mới có đủ lòng tin để nói thuốc này hay lắm
- Bịnh của bạn giống y như bịnh của tôi, đại khái thì bạn cũng có thể uống
thuốc này thử xem sao. Ðây là nền tảng thấp nhất. Mục đích chúng ta học Phật là
muốn làm Phật; làm Phật thì đâu có lý nào làm Phật giả? Phật làm sao giả mạo
được? Cũng giống như lời dạy của Thiện Ðạo đại sư: ‘Hết thảy đều phải bắt
đầu từ tâm chân thật!’, trong ‘Quán Kinh Tứ Thiếp Sớ’ bạn hãy coi Ngài lập
đi lập lại câu này bao nhiêu lần, những gì mà cứ lập đi lập lại nhiều lần không
có dụng ý gì khác ngoài [ý muốn nhấn mạnh] hy vọng khi bạn xem quyển chú giải
này [nếu] không nhớ gì hết nhưng chỉ nhớ câu này thôi cũng được, đây là câu nói
quan trọng nhất.
Cho dù người khác giả
dối với ta, cho dù tất cả người trên thế giới này giả dối với mình, chúng ta
vẫn phải chân thành đối với tất cả mọi người. Tại sao vậy? Tại vì chúng ta muốn
làm Phật. Tại sao họ giả dối? Tại vì họ muốn ở trong lục đạo luân hồi. Hiện nay
tôi học Phật, tôi giác ngộ rồi! Giác ngộ là từ đây trở về sau tôi không còn
muốn kẹt ở trong lục đạo luân hồi nữa, tôi nhất định phải vượt thoát ra khỏi
lục đạo luân hồi. Lấy cái gì để vượt thoát? Lấy chân thành. Nếu bạn không ra
sức từ chân thành, thì bất kể bạn tu hành ra sao, tu giỏi đến đâu, ngồi xếp
bằng nhập định suốt cả năm thì cũng không hay ho chi cả, vẫn kẹt trong lục đạo
luân hồi như cũ; cho dù bạn giảng kinh lưu loát tài giỏi đến mấy thì vẫn ở
trong lục đạo luân hồi, điểm này rất quan trọng! Chúng ta dùng tâm chân thành
đối xử với người, đừng sợ thiệt thòi, đừng sợ bị gạt. Nếu bạn sống đến một trăm
tuổi, chịu thiệt thòi hay bị gạt thì nhiều lắm cũng chỉ thiệt thòi, bị gạt một
trăm năm mà thôi. Thời gian một trăm năm trôi qua rất nhanh! Chỉ cần thoát ra
khỏi lục đạo luân hồi thì phước báo này quá lớn, một trăm năm chịu thiệt thòi
hay bị gạt này rất đáng giá, xứng đáng vô cùng!
Sau khi hiểu rõ thì
tại sao bạn còn không chịu bị thiệt thòi? Tại sao không chịu bị gạt? Huống hồ
bạn đều biết ‘sanh không mang đến, chết
không mang đi’. Rốt cuộc thì bạn đã chịu thiệt thòi những gì? Bị gạt những
gì? Người ta gạt bạn để lấy danh tiếng, lợi dưỡng của bạn, bạn chẳng đem đến
những thứ danh tiếng lợi dưỡng này lúc bạn sanh ra, đến lúc bạn chết thì cũng
đem theo không được. Vì vậy nếu nhìn thấy rõ ràng thì đâu có gì gọi là chịu
thiệt thòi hay bị gạt nữa! Chịu thiệt thòi hay bị gạt đều là quan niệm sai lầm,
đều không phải là sự thật. Thực sự thì ai chịu thiệt thòi và ai bị gạt? Những
người hư dối thực sự là đã chịu thiệt thòi và bị gạt đó. Không những họ phải đi
vào lục đạo luân hồi mà còn phải đọa tam ác đạo nữa. Giả sử toàn bộ tài sản
trên thế giới đều là của tôi và đều bị bạn gạt hết trơn thì cũng không sao hết.
Cho dù bạn lấy được hết trọi thì bạn vẫn phải đi vào sáu nẻo [luân hồi] và ba
đường ác.
2. Có thể xả, chịu buông xuống
thì sẽ thoát ra khỏi luân hồi
Nếu bạn có thể xả,
chịu buông xuống thì bạn sẽ thoát ra khỏi luân hồi: một khi thoát ra khỏi lục đạo luân hồi thì phạm vi hoạt
động của bạn [sẽ vô cùng to lớn] sẽ là tận hư không, khắp pháp giới. Bạn muốn
thoát khỏi hay không? Tại sao còn chịu kẹt mãi trong vòng luân hồi? Luân hồi
chỉ có khổ, không có vui sướng gì đâu! Cõi Dục giới có đầy đủ ba thứ khổ, không
cần nói rõ quý vị cũng đã biết rồi; cõi Sắc giới tuy không có Khổ khổ, nhưng
còn Hành khổ và Hoại khổ.[1] Lên đến cõi Vô Sắc giới không còn thân
thể nữa (một số người gọi là ‘Linh Giới’),
không có thân thể thì đương nhiên không có Hoại khổ, nhưng họ còn Hành khổ. Cho
nên đức Phật nói tam giới đều khổ cả! Trong lục đạo đâu có vui sướng gì đâu? Sự
vui bất quá chỉ là lúc bạn tạm ngưng chịu khổ trong chốc lát, làm cho bạn có
cảm giác là có vui. Sự thật để trước mắt, mỗi ngày người ta ăn ba bữa, nếu
không ăn một bữa thì sẽ đói và khổ liền. Từ đó có thể biết ăn một bữa cũng
giống như bịnh nhân uống thuốc vậy, nếu bạn không uống thuốc thì ‘bịnh đói’ sẽ hoành hành. Trong một ngày
ngắn ngủi thì đã phải ‘chữa trị’ hết
mấy lần, thế thì có gì là vui đâu? Bạn vui ở chỗ nào? Người ta ngu mê như vậy,
chân tướng sự thật để trước mắt mà không biết, vẫn còn mê luyến trong biển khổ!
3. Căn bản của thành đạo – chân
thành, không dối mình, không có chuyện gì sợ cho người biết.
Chúng ta học Phật phải
bắt đầu học từ đâu? Từ chân thành!
Ấn Quang đại sư dạy: ‘Có
một phần thành kính thì được một phần lợi ích’. Không hẳn chỉ là Phật pháp,
thế pháp cũng vậy, nhất định phải dùng thành kính để đối đãi với người.
Tu ‘chân thành’ bắt đầu từ đâu?
Bắt đầu từ không tự
gạt, không nói dối.
Ngày nay trên toàn thế
giới cho đến pháp luật cũng đòi phải có quyền ẩn tư (riêng tư), thế mới biết người trên thế gian không có ý niệm muốn
thoát ly luân hồi; không những không muốn thoát ly lục đạo, ngay cả ý muốn
thoát ly Dục giới cũng không có. Tại sao vậy? Họ có tâm riêng tư! Tâm riêng tư
nặng thì chấp trước ngũ dục lục trần rất mạnh mẽ, không có năng lực sanh lên
cõi Sắc giới. Tâm của người trên cõi Sắc giới thanh tịnh hơn chúng ta rất
nhiều, không có dục vọng nhiều như chúng ta. Tại sao bạn tham thiền không đắc
được định? Vì dục vọng quá sâu đậm, vì chấp trước quá nặng nề cho nên họ tu
định cũng không thể sanh đến cõi trời Sơ Thiền. Thế nên bạn mới biết sự nguy
hại của quyền riêng tư là bao lớn! Ðã biết rằng sanh không mang đến, chết cũng
không mang theo thì có gì đâu mà không thể công khai? Còn bí mật gì muốn dấu
người ta? Những chuyện không thể nói cho người biết đều không phải là chuyện
tốt. Chuyện tốt thì sao không thể nói cho người ta biết? Cho nên bạn phải hỏi
học Phật bắt đầu từ đâu? Tu hành bắt đầu tu từ đâu? Ðều bắt đầu từ đây! Nếu bạn
còn chuyện gì không thể nói cho người khác biết thì bạn có thể thành tựu trong
Phật pháp hay không? Niệm Phật một ngày niệm mười vạn tiếng Phật hiệu, thì hét
bể cuống họng cũng uổng công mà thôi. Bạn niệm Phật không thể vãng sanh, tham
Thiền cũng không đắc được định, càng không thể nói đến khai ngộ, nghiên [cứu]
Giáo [môn] thì cũng không thể khai giải, [trên con đường] tu ‘đạo’ này bạn không có phần! Bạn chỉ kết
thiện duyên với Phật pháp, trồng một chút thiện căn mà thôi, phải đợi đến đời
kiếp nào mới có thể thành tựu? Xa lơ xa lắc hà! Ðời này không còn trông mong gì
nữa!
Nếu chúng ta muốn
thành tựu ngay trong đời này thì phải nhổ tận gốc những căn bịnh thói quen hư
ngụy, giả dối; khi xử thế, đối người, tiếp vật phải dùng chân thành, chúng ta
phải bắt đầu từ đây. Trước hết phải nhớ: đừng sợ chịu thiệt thòi, đừng sợ bị
gạt. Trên thực tế thì bạn nhất định không có chịu thiệt thòi, không bị gạt gì
cả. Nếu trong tâm không có âu sầu, không có lo lắng, nhớ nhung, thì bạn sẽ rất
khoái lạc, vui vẻ! Thực sự đạt được đại tự tại
(thong dong, thảnh thơi)! Bạn không có phiền não thì sau đó bạn mới có thể
làm được một người ‘chân chánh, chân
thường’; người ta trong thế gian không chân thường là vì không chân thật,
không chân thành tức là không chánh thường.
4. Cực Lạc, Hoa Tạng, vô lượng
trang nghiêm, người người đều có đầy đủ
Năm chữ Chân thành,
Thanh tịnh, Bình đẳng, Chánh giác, Từ bi đều thuộc về tâm, tức là Bồ-Ðề tâm
trong Phật pháp. ‘Chân thành’ là thể
của Bồ-Ðề Tâm, bốn thứ sau là khởi dụng của Bồ-Ðề tâm. Từ thể khởi dụng, dụng
có nghĩa là hưởng thọ, tác dụng. Ba chữ ‘Thanh
tịnh, Bình đẳng, Giác’ là đề kinh của kinh Vô Lượng Thọ. Trong kinh Vô
Lượng Thọ đức Phật dạy chúng ta tổng cương lĩnh (nguyên tắc chính) của
sự tu hành, đó tức là Thanh tịnh, Bình đẳng, và Giác. Nửa phần đầu của đề kinh
này ‘Vô Lượng Thọ, Trang Nghiêm’ là
quả báo. Thế nên đề kinh này có đầy đủ nhân và quả. [Hết thảy] vô lượng chỉ
dùng một chữ ‘thọ’ để tượng trưng,
nghĩa là không phải chỉ có vô lượng thọ mạng mà thôi, còn vô lượng trí huệ, vô
lượng đức năng, vô lượng tài nghệ, …, hết thảy đều vô lượng, có người nào trong
thế gian và xuất thế gian sánh bằng? Trang nghiêm nghĩa là hoàn hảo, tốt đẹp
đến cùng cực.
Nếu nói như vậy thì
quả báo này là thật hay giả? Là lý tưởng hay là phóng đại (khoa trương)? Nói cho chư vị biết hết thảy đều không phải, tánh
đức vốn đã như vậy. Ðây là đức năng trong tự tánh vốn sẵn có, vốn là như vậy!
Tây Phương Cực Lạc thế giới cũng không phải dùng công sức của con người tạo
thành, quý vị xem kinh Hoa Nghiêm nên biết Hoa Tạng thế giới của đức Phật
Tỳ-Lô-Giá-Na cũng không phải là nhân tạo, là do tánh đức tự nhiên biến hiện ra.
Quý vị cũng đã xem kinh Vô Lượng Thọ rồi, ý nghĩa của tám thứ ‘tự nhiên’ nói trong kinh cũng vô cùng
vô tận! Người xưa có câu: ‘Của báu vốn
sẵn có trong nhà’, đó là vốn có sẵn, không phải đến từ bên ngoài. Người
người đều có đầy đủ vô lượng trang nghiêm của Hoa Tạng thế giới, của Cực Lạc
thế giới; chúng ta không thể nói người người đều có phần, mà phải nói người
người đều đầy đủ! Nói ‘có phần’ thì cũng không ổn, không đúng lắm, vốn là đã có
đầy đủ, vốn là như vậy. Hôm nay chúng ta biến thành nghèo mạt, nghèo khổ đến
mức này là tại sao vậy? Là vì chúng ta không có tâm chân thành! Tất cả đều do
tâm tạo, tâm của chúng ta không còn bình thường nữa, đã mê rồi, cho nên đức
năng sẵn có đã biến đổi, thiệt đúng là y báo biến chuyển theo chánh báo.
Ðức Phật dạy chúng ta
tu Thanh tịnh, Bình đẳng, Giác thì sẽ khôi phục lại Vô Lượng Thọ Trang Nghiêm.
Phần lớn người trên thế gian không có phước báo này, không có cơ hội may mắn
này. Phật pháp nói đến ‘duyên’, [họ]
không có duyên! Hiện nay người ta dùng chữ ‘không
có cơ hội’, không gặp được Phật pháp; gặp được Phật pháp là có thiện căn to
lớn, có đại nhân duyên! Không gặp được Phật pháp, không thể hiểu được chân
tướng sự thật; chân tướng sự thật là vô lượng trang nghiêm, là Hoa Tạng thế
giới, là Cực Lạc thế giới! Nhiều người không biết dùng phương pháp gì để khôi
phục lại tự tánh, đây đúng là những người đáng thương!
5. Tâm thanh tịnh là chân thành
Biểu hiện của tâm chân
thành tức là thanh tịnh, tâm thanh tịnh là chân tâm, là thành tâm. Trong bút ký
của ông Tăng Quốc Phiên có ghi định nghĩa của chữ ‘thành’ là: ‘Một niệm không
sanh gọi là thành’. Cách nói này rất hay! Nếu bạn có một tâm niệm [gì đó]
thì đã không ‘thành’ rồi. Có ‘niệm’ đều là vọng niệm! Phật pháp chú
trọng đến việc tu định, định tức là tâm thanh tịnh, trong tâm thanh tịnh không
có một tạp niệm nào cả. Nhà Nho thời xưa ở Trung-Quốc rất coi trọng công phu tu
thân, họ cũng nói về ‘định’; nhà Phật
nói ‘định’ rõ ràng hơn, cụ thể và
minh bạch hơn. Ðịnh tức là tâm thanh tịnh, [chúng ta] phải biết cách tu tâm
thanh tịnh. Từ tâm thanh tịnh mà nói nhất quyết không bị ô nhiễm bởi hết thảy
cảnh duyên; ‘cảnh’ là chỉ hoàn cảnh vật chất, ‘duyên’ là chỉ hoàn cảnh nhân sự. Cái gì gọi là ‘ô nhiễm’? Trong hoàn cảnh này bạn động
tâm, khởi niệm, lúc sáu căn tiếp xúc với cảnh giới [bên ngoài] trong tâm khởi
lên tâm niệm tham, sân, si, mạn, như vậy thì tâm của bạn bị ô nhiễm, không
thanh tịnh nữa. Một khi bị ô nhiễm, tâm của bạn sẽ không thành, không chân nữa;
chân tâm, thành tâm vốn là thanh tịnh. Chúng ta thường nói đến chân thành, có
nhiều người nói: ‘Tôi thiệt có chân tâm,
thiệt là có thành tâm, tôi muốn mắng chửi thì mắng chửi, muốn đánh [ai] thì
đánh liền.’ Họ tưởng như vậy tức là trực tâm, là chân tâm, thiệt ra thì đều
hiểu sai ý nghĩa hết. Như thế nào gọi là chân thành? Thanh tịnh là chân thành.
Bạn nghĩ coi: tâm bạn có thanh tịnh hay không? Còn bị cảnh giới bên ngoài làm ô
nhiễm không? Cũng là nói khi sáu căn tiếp xúc cảnh giới sáu trần bên ngoài, bạn
còn khởi lên tâm niệm gì không? Nếu còn động tâm thì còn là phàm phu, chưa phải
là thánh nhân, công phu còn thua xa lắm, phải gắng sức nỗ lực thêm nữa!
6. Tâm bình đẳng là chân thành
Tâm bình đẳng tức là
tâm chân thành. Bình đẳng nghĩa là không có phân biệt, có phân biệt tức là
không bình đẳng. Có phân biệt tức là có cao thấp, thế thì đâu có bình đẳng.
Nhìn từ hình tướng bên ngoài thì Phật pháp nói có thập pháp giới: Phật, Bồ Tát,
Thanh Văn, Duyên Giác, và lục đạo chúng sanh, chuyện này không bình đẳng. Nhưng
đức Phật dạy chúng ta ‘[Chúng] Sanh, Phật bình đẳng’, ý nghĩa này rất
thâm sâu. Từ trên lý mà nói thì đương nhiên là bình đẳng, thập pháp giới đều từ
tự tánh biến hiện ra, tánh tướng nhất như, tánh tướng không hai. Từ trên sự mà
nói thì có bình đẳng hay không? Trên sự vẫn là bình đẳng. Cái bình đẳng trên sự
chỉ có Phật, Bồ Tát nhìn thấy, phàm phu chúng ta không nhìn thấy. Tại sao phàm
phu không nhìn thấy? Phàm phu chấp tướng, một khi chấp tướng thì bạn nhìn không
thấy, phàm phu trên tướng phân biệt, hư vọng phân biệt! Tại sao chư Phật, Bồ
Tát nhìn thấy? Vì chư Phật, Bồ Tát không chấp tướng.
Thí dụ người thế gian
chúng ta quý trọng nhất là kim cương, hột xoàn, chỉ một viên nhỏ xíu đã rất
đắt; thí dụ lấy một viên thủy tinh và một viên kim cương để chung một chỗ, có
ai nhìn thấy hai viên này bình đẳng không? Chỉ có đôi mắt của những đứa bé sơ
sinh là bình đẳng. Tại sao chúng nó bình đẳng? Chúng nó không có tâm phân biệt,
nó nhìn thấy hai viên đều giống nhau, đều đẹp hết! Ðều là đồ chơi hết. Tâm của
người lớn thì có phân biệt: ‘Ôi chao đây
là viên hột xoàn, kia là viên thủy tinh’. Giá trị của nó sẽ không bình
đẳng. Từ đó có thể biết, không bình đẳng là do vọng tâm sanh ra. Bạn quan sát
kỹ càng những đứa trẻ sơ sinh, bạn cho chúng viên kẹo, chúng nó ăn liền. Những
‘viên đại tiện’ của chúng nó, nó cũng ăn, mà còn ăn một cách ngon lành. Tại sao
chúng nó đều ăn hết vậy? Chúng nó không có phân biệt. [Thế mới biết] không có
phân biệt, không có chấp trước là bình đẳng.
Trong nhà Phật, trong
các hạnh Bồ Tát có một phương pháp gọi là Anh Nhi Hạnh (hạnh trẻ con [sơ sinh]), hạnh này dạy bạn học theo những đứa trẻ
con! Trẻ con không có phân biệt, không có chấp trước, ngây thơ hồn nhiên, bạn
hãy quan sát từ những việc nhỏ nhặt này. Chư Phật, Bồ Tát không có tâm phân
biệt, tuy hiện tượng thập pháp giới có tồn tại nhưng đối với các ngài, thập
pháp giới đều bình đẳng cả. Ðây là như kinh Hoa Nghiêm nói: ‘trong sự sai
biệt có bình đẳng quán, trong bình đẳng có sai biệt quán’; sai biệt và bình
đẳng là một, không phải là hai, đây là nhập vào pháp môn bất nhị (không hai). Khi bạn có thể nhập vào
pháp môn không hai thì bạn là Pháp Thân Ðại Sĩ, là Bồ Tát trong Nhất Chân pháp
giới. Tuy bạn hiểu được đạo lý này, nhưng bạn không vào cảnh giới này thì bạn
vẫn là Bồ Tát trong thập pháp giới, bạn vẫn chưa vượt thoát khỏi thập pháp
giới. Nhập vào Nhất Chân pháp giới thì vượt khỏi thập pháp giới, công phu chân
chánh là ở chỗ này, đây là công phu chân thật, tu hành chân thật!
Khi quý bạn đọc kinh
Hoa Nghiêm đến đoạn năm mươi ba tham [vấn], bạn xem 53 vị thiện hữu này, từ
hành tích của họ thì không nhìn ra, hình như không khác gì người trong thế
gian, công phu [của họ hoàn] toàn dùng trong tâm, giống như trong kinh có nói: ‘Từ
bên ngoài mà nhìn thì hình như không có gì, nhưng [họ] đều đang dụng công trong
tâm!’ Trong tâm dụng công gì vậy? Dụng công phu [tập luyện] thanh tịnh,
công phu bình đẳng, đây mới gọi là thiệt tinh tấn! Từ biểu hiện bên ngoài bạn
nhìn không ra. Người không có công phu thì đương nhiên nhìn không ra, nhưng
người có công phu thì sẽ nhìn ra. Người có công phu cao hơn họ nhìn thấy rất rõ
ràng; người có công phu bằng họ cũng có thể thấy rõ ràng; những người không
bằng họ thì nhìn không ra. Trên tầng cao có thể nhìn thấy phía dưới, [ngược
lại] phía dưới nhìn không thấy trên cao.
Phải biết tâm bình đẳng
vô cùng quan trọng, nếu tâm bạn không thanh tịnh, bị ô nhiễm, thì nói một cách
khác ba ác đạo nhất định [bạn] sẽ có phần; nếu tâm không bình đẳng thì rất khó
thoát ly lục đạo luân hồi. Trong đề kinh, tại sao đặt thanh tịnh ở hàng thứ
nhất, bình đẳng thứ nhì, chánh giác thứ ba? Vì ô nhiễm [không thanh tịnh]
là nghiệp nhân của tam ác đạo, không bình đẳng là nghiệp nhân của tam thiện
đạo; không bình đẳng vẫn có thể ở trong tam thiện đạo, nghiệp chướng của nó
không nặng lắm. Không giác thì sao? Không thể ra khỏi thập pháp giới. Cho nên
chánh giác được đặt ở sau chót. Chánh giác nói ở đây không phải chánh giác của
A-la-hán chứng đắc mà là Vô Thượng Chánh Ðẳng Chánh Giác, là cảnh giới của
Phật, trong kinh điển nói đến cảnh giới này rất nhiều, bạn phải xem kỹ ý nghĩa
của nó.
7. Thanh tịnh, Bình đẳng, Giác
là Tam Bảo, là mục tiêu của tam tự quy y.
Thanh tịnh, Bình đẳng,
Giác tức là Tam Bảo; Tam Bảo là mục tiêu phương hướng của Tam quy y: Tự quy y
Phật, Tự quy y Pháp, Tự quy y Tăng. Thanh tịnh là Tăng Bảo, Bình đẳng là Pháp
Bảo, Chánh giác là Phật Bảo. Lúc vừa vào cửa Phật, bắt đầu học Phật thì [quý
thầy] truyền Tam quy, đem phương hướng và mục tiêu này truyền trao cho chúng
ta, chỉ rõ cho chúng ta biết. Bất luận tu học pháp môn nào, pháp môn nhiều vô
lượng vô biên, quý vị đừng nhìn trong khuôn khổ hạn hẹp: Tham Thiền là một pháp
môn, Trì Chú là pháp môn, Nghiên [cứu] Giáo [môn] là pháp môn, Niệm Phật là
pháp môn, như vậy rất hạn hẹp. Thế thì vô lượng vô biên pháp môn rốt ráo là như
thế nào? Mặc áo là pháp môn, ăn cơm là pháp môn, vừa dơ tay, vừa ngước đầu lên
đều là pháp môn: hết thảy những gì trong đời sống từ sáng đến chiều, từng ly
từng tí, mỗi lúc khởi tâm động niệm, ngôn ngữ tạo tác hết thảy đều là vô lượng
pháp môn đó! Vô lượng pháp môn đều phải tương ứng với Giác, Chánh, Tịnh; nói
một cách khác vô lượng pháp môn đều phải tương ứng với Thanh Tịnh, Bình Ðẳng,
Giác. Nếu chúng ta học Phật, dạy cho người khác, chỉ dạy về ý nghĩa hạn hẹp này
thì khó nói tại sao chúng ta đều không thành tựu!
Chuyện này nói ra cũng
không thể trách chúng ta, tự mình không biết, những vị thầy đời trước cũng
không nói rõ ràng cho chúng ta biết! ‘Người
trước không thiện, không thể trách được!’ Nếu từ từ thể hội ý nghĩa trong
kinh một cách sâu sắc, vô lượng pháp môn đều bày ra trước mặt chúng ta, vô
lượng pháp môn đang bao quanh chúng ta, từng ly từng tí lúc khởi tâm động niệm
đều là nó, đây mới đúng là vô lượng pháp môn, đây gọi là tu học Ðại Thừa, đây
mới là người tu hành!
8. Trong Thanh tịnh, Bình đẳng,
Chánh giác tự khởi tâm đại từ bi
Thanh tịnh, Bình đẳng,
Giác tức là sự chân thành trong tâm; nói một cách khác tâm chân thành nhất định
phải thanh tịnh, bình đẳng, chánh giác. Từ trong thanh tịnh, bình đẳng, giác
nhất định sanh khởi tâm đại từ bi; tâm đại từ bi này sanh khởi lên một cách tự
nhiên, ‘pháp nhĩ như thị’, tự nhiên
như vậy! Ðối người, đối sự, đối vật hết thảy đều như vậy. Nhìn thấy đồ vật
không ngay thẳng, bạn sửa cho ngay lại, đây là từ bi, không cần phải có người
dạy, không cần người nhắc nhở. Nhìn thấy cái ghế không ngay ngắn, tự nhiên sẽ
sửa cho ngay lại, đây là từ bi đối với vật; từ bi đối với sự tức là làm hết
lòng, làm một cách có trách nhiệm; từ bi đối với người là chân thành chăm sóc
và lo lắng, hết thảy những thứ này đều phát ra từ tự tánh, đều là tự nhiên
không có chút gì miễn cưỡng.
Hoại khổ: do pháp vui mất đi
mà sanh khổ não.
Hành khổ: hành nghĩa là dời
chuyển. Do hết thảy đều dời chuyển, vô thường nên sanh khổ não
Nhận xét
Đăng nhận xét