X. CÁC SÁCH VỞ NÊN ĐỌC

ẤN QUANG ĐẠI SƯ GIA NGÔN LỤC
Bửu Quang TĐệ Tử Như Hòa dịch

* Thuật rộng nguyện luân, giảng sâu xa duyên khởi, chỉ có mình kinh Vô Lượng Thọ. Chuyên giảng về pháp Quán, cũng như dạy rõ các nhân vãng sanh thì chỉ có mình Thập Lục Quán Kinh (kinh Quán Vô Lượng Thọ Phật). Hai kinh trên đây pháp môn rộng lớn, đế lý tinh vi, kẻ độn căn đời Mạt thật khó thể đạt được lợi ích. Tìm lấy một bản kinh câu văn đơn giản, nhưng nghĩa lại giàu, dùng ít chữ, nhưng nghĩa lý phong phú, thích hợp khắp ba căn, thực hiện dễ, nhưng thành công cao, dùng sức ít, mà đạt hiệu quả nhanh chóng, chuyên ròng tu một hạnh, lại viên thành vạn đức, khiến cho nhân tâm mau chóng khế hợp quả giác thì chỉ có mình kinh Phật Thuyết A Di Đà mà thôi!
Ấy là vì một phen nghe đến y báo và chánh báo trang nghiêm, thượng thiện nhân cùng nhóm họp, ắt sẽ sanh lòng tin chân thành, phát nguyện khẩn thiết, quyết có cái thế [mạnh mẽ] như sông ngòi tuôn chảy không sao chế ngự được. Từ đấy giữ chặt khư khư, chấp trì vạn đức hồng danh, niệm đâu chú tâm vào đó, mãi cho đến khi nhất tâm bất loạn. Làm được như vậy thì ngay trong đời này đã dự vào dòng thánh, lâm chung theo Phật vãng sanh, khai Phật tri kiến, cùng thụ dụng giống như Phật. Vì thế, biết một pháp Trì Danh bao gồm vạn hạnh, toàn sự tức lý, toàn vọng tức chân, nhân tột biển quả, quả thấu nguồn nhân. Thật đúng là đường tắt để quay về gốc, là cửa ngõ trọng yếu để nhập đạo.
* Kinh A Di Đà có bản Yếu Giải do đại sư Ngẫu Ích trước tác, Lý, Sự đều đạt tới mức cùng cực, là bản chú giải bậc nhất kể từ khi đức Phật nói ra kinh này, xác thực tuyệt diệu đến tột bậc. Dù cổ Phật tái hiện trong thế gian để chú giải lại kinh này, cũng chẳng thể hay hơn được! Chớ nên xem thường, hãy tin nhận chắc chắn.
Kinh Vô Lượng Thọ có bản sớ giải của pháp sư Huệ Viễn đời Tùy, giải văn thích nghĩa trong sáng, gãy gọn nhất.
Kinh Quán Vô Lượng Thọ có bản [chú giải] Tứ Thiếp Sớ của hòa thượng Thiện Đạo. Ngài chỉ muốn khiến cho ba căn cùng được lợi ích, nên phần nhiều giảng giải về mặt sự tướng. Sau phần nói về Thượng Phẩm Thượng Sanh, Ngài giảng rõ sự hơn kém giữa hai cách Chuyên Tu và Tạp Tu, khiến người đọc sanh lòng tin chân thành, kiên cố. Dù đức Thích Ca Mâu Ni Phật và chư Phật hiện thân bảo bỏ pháp môn Tịnh Độ này để tu các pháp môn khác, vẫn chẳng thay đổi ý nguyện chút nào. Có thể nói sách ấy là kim chỉ nam cho hành giả Tịnh nghiệp.
Còn như cuốn Quán Kinh Diệu Tông Sao của tông Thiên Thai thì do đế lý cực viên dung, nên trung hạ căn chẳng được lợi ích, chẳng bằng sách Tứ Thiếp Sớ lợi khắp ba căn, lợi căn hay độn căn đều được lợi ích!
* Cổ nhân muốn cả thế gian cùng tu, nên lấy kinh A Di Đà làm nhật khóa, bởi lẽ, kinh này ngôn từ ngắn gọn, nghĩa lý phong phú, hạnh đơn giản, dễ dàng, hiệu quả nhanh chóng. Bậc đại sĩ hoằng pháp chú sớ, ngợi khen kinh này từ cổ đến nay chẳng thể đếm trọn! Trong số đó, tìm lấy một bản rộng lớn, tinh vi, thì không bản nào bằng tác phẩm Sớ Sao của ngài Liên Trì; còn thẳng chóng, trọng yếu, huyền diệu, không gì bằng tác phẩm Yếu Giải của ngài Ngẫu Ích. U Khê đại sư dùng pháp ấn Đế Quán bất nhị của tông Thiên Thai để soạn Lược Giải Viên Dung Trung Đạo Sao, lý cao sâu nhưng sơ cơ vẫn lãnh hội được, văn giảng minh bạch nhưng người tu lâu [đọc đến] vẫn khâm phục.
* Sách Di Đà Sớ Sao Hiệt (trích lục sách Di Đà Sớ Sao) của ngài Tịnh Như, ngôn từ đơn giản, nhưng tinh vi, lý sâu xa nhưng dễ nhận, thật là cuốn sách trọng yếu trong Tịnh Độ, là người hướng dẫn tốt cho kẻ sơ cơ.
* Phẩm Phổ Hiền Hạnh Nguyện của kinh Hoa Nghiêm dùng mười đại nguyện vương để dẫn dắt quy hướng Tịnh Độ. Đọc phẩm này, sẽ biết pháp Niệm Phật cầu sanh Tây Phương chính là chỗ quy kết sau cùng để thành Phật trong một đời của kinh Hoa Nghiêm, thật sự là phương tiện tối thắng để tự lợi khi tu nhân, và là phương tiện tối thắng để lợi tha khi đắc quả của mười phương chư Phật.
* Phẩm Hạnh Nguyện nghĩa lý bao la, văn tự vi diệu. Tụng đến khiến cho chấp trước “ta, người, chúng sanh” của con người biến mất, chẳng còn có nữa, thiện căn vãng sanh Tịnh Độ ngày càng thấy tăng trưởng, ắt sẽ tự hành, dạy người; nhưng chớ nên nghĩ “chưa trì kinh này, dù có tu Tịnh Độ cũng là bạc phước, thiên lệch!”
Các vị Liên Trì, Ngẫu Ích v.v... cũng đều cực lực tán dương [kinh Di Đà]. Trong Di Đà Yếu Giải có câu: “Trong giáo pháp cả một đời của đức Như Lai, chỉ mình kinh Hoa Nghiêm nói đến chuyện viên mãn trong một đời, nhưng cái nhân để viên mãn chỉ trong một đời là ở phần cuối kinh: Ngài Phổ Hiền dùng mười đại nguyện vương dẫn dắt hướng về Cực Lạc để khuyến tấn Thiện Tài và Hoa Nghiêm hải chúng. Ôi! Điều kinh Hoa Nghiêm đã dạy lại nằm trọn trong kinh này, nhưng thiên hạ xưa nay tin thì ít, nghi lại nhiều, nói càng nhiều, nghĩa càng hao, tôi chỉ còn có cách mổ tim vẩy máu mà thôi!” Vì thế, ngài Vô Ẩn nói: “Hoa Nghiêm là quảng bản Di Đà (bản kinh Di Đà nói rộng), kinh Di Đà là lược bản Hoa Nghiêm (bản kinh Hoa Nghiêm nói giản lược)”. Xem lời của hai vị đại sư, ắt biết: Xem kinh mà thiếu con mắt viên đốn thì chính là cô phụ ân Phật nhiều lắm!
* Cuối quyển năm kinh Lăng Nghiêm là chương Đại Thế Chí Niệm Phật Viên Thông, đấy chính là lời khai thị tối thượng của Tịnh Tông. Chỉ riêng mình chương này, đã có thể sánh cùng bốn kinh, tạo thành Tịnh Độ ngũ kinh!
* Sách Tịnh Độ Thập Yếu do đại sư Ngẫu Ích dùng mắt kim cang xem khắp các sách xiển dương Tịnh Độ mà soạn thành một tác phẩm khế lý, khế cơ, tột bậc, không thể thêm gì được nữa. [Trong sách ấy, cuốn] thứ nhất là Di Đà Yếu Giải do đại sư tự soạn, văn uyên thâm nhưng dễ lãnh hội, lý viên đốn nhưng duy tâm, không gì tuyệt hơn. Hãy nên thường xem, đọc, nghiền ngẫm. Chín cuốn còn lại, không cuốn nào lý viên mãn, từ ngữ hay khéo, khế hợp thời cơ sâu xa. Tuy chưa chắc đã có thể hiểu trọn vẹn mỗi cuốn, nhưng một phen giở xem khác nào uống thuốc tiên, dần dà lâu ngày, phàm chất ắt trở thành xác tiên vậy (đây là lời thí dụ sự hay khéo của pháp môn, chớ nên hiểu lầm là [đọc sách này] sẽ thành tiên).
* Sách Tịnh Độ Thánh Hiền Lục chép tỉ mỉ các hạnh nguyện khi tu nhân và công đức khi đã đắc quả của Phật Di Đà, và các việc tự hành, dạy người của các vị Bồ Tát Quán Âm, Thế Chí, Văn Thù, Phổ Hiền, Mã Minh, Long Thọ... Kế đến là các sự tích vãng sanh từ Viễn Công (tổ Huệ Viễn), Trí Giả cho đến các đại tổ sư, thiện tri thức đầu đời Thanh; rồi đến sự tích niệm Phật vãng sanh của tỳ-kheo-ni, vua, quan, sĩ thứ, phụ nữ, ác nhân, súc sanh. Lại còn chọn lựa chép lại những ngôn luận thiết yếu ngõ hầu người đọc có căn cứ để phỏng theo, không có cách nào nghi ngờ được nữa, bèn noi gương cổ nhân, tận lực tu Tịnh nghiệp. So với việc tham phỏng thiện tri thức, đọc sách này lại càng thật sự quan yếu hơn.
* Sách Long Thư Tịnh Độ Văn đoạn nghi, khởi tín, bao lượt phân tích, trình bày rành rẽ, chia môn định loại pháp môn tu trì, là cuốn sách hướng dẫn quý bậc nhất của người sơ cơ. Nếu muốn lợi lạc khắp hết thảy, chẳng thể không bắt đầu từ cuốn sách này.
* Sách Pháp Uyển Châu Lâm (gồm một trăm quyển, chùa Thiên Ninh ở Thường Châu in thành bản gồm ba mươi quyển, xưởng in kinh Mã Não ở Tô Châu in thành bản hai mươi bốn quyển, nhưng bản của xưởng in kinh Mã Não tàn khuyết, lờ mờ, bản của chùa Thiên Ninh là bản khắc mới) luận rõ nhân quả, Lý, Sự cùng nêu, sự tích báo ứng rành rẽ phân minh, khiến cho người đọc không lạnh mà run, dù ở trong nhà kín phòng tối vẫn thường như đang đối diện Phật, trời, chẳng dám nẩy sanh chút ác niệm nào. Thượng, trung, hạ căn đều được lợi ích, chẳng đến nỗi vướng mối tệ nhận lầm đường nẻo, chấp Lý phế Sự, ngả theo thiên tà, cuồng vọng. Như ngài Mộng Đông đã nói: “Người khéo bàn tâm tánh, ắt chẳng bỏ lìa nhân quả, người tin sâu nhân quả, rốt cuộc sẽ hiểu thật rõ tâm tánh”. Lẽ ấy đương nhiên như thế. Câu nói ấy của ngài Mộng Đông quả là lời bàn luận cùng tột thiên cổ chẳng thể sửa đổi, mà cũng là mũi kim đâm thẳng xuống đỉnh đầu những kẻ cuồng huệ buông tuồng vậy.
* Bộ An Sĩ Toàn Thư giác thế, dạy  người  tận  thiện  tận  mỹ, bàn
đạo luận đức, vượt cổ siêu kim, lời lẽ đơn giản, nhưng súc tích, lý sâu, nhưng dễ hiểu, dẫn những sự tích có chứng cứ đích xác, nghị luận nêu tỏ tột cùng uyên nguyên, đúng là của báu để lưu truyền cho con cháu, mà cũng là một bộ kỳ thư để tuyên giảng. Mỗi lời đều là tâm pháp của Phật, của Tổ, là đạo mạch thánh hiền, là đạo trọng yếu khiến đời yên, dân hiền, là bí phương rạng rỡ, tốt lành. Nếu có thể hành đúng theo sách ấy, sẽ nối chí thánh hiền, liễu sanh thoát tử, giống như đưa ra bằng khoán để lấy lại vật cũ, so với những thiện thư khác được lưu thông trong đời thì có khác nào đem quả núi sánh với đụn đất, đem biển cả sánh với vũng nước vậy!
An Sĩ tiên sinh họ Châu, tên Mộng Nhan, còn có tên là Tư Nhân, người Côn Sơn, tỉnh Giang Tô, thông hiểu rộng khắp kinh sách của tam giáo (Phật, Nho, Lão), tin tưởng sâu xa pháp môn Niệm Phật, đến tuổi nhược quan (chừng hai mươi tuổi) đi học bèn chán con đường khoa cử, phát Bồ Đề tâm, soạn sách giác ngộ người đời, ngõ hầu trước là để ai nấy chẳng lầm lỗi, sau là thoát khỏi biển khổ sanh tử.
Vì thế, ông viết cuốn sách khuyên kiêng giết hại, đặt tên là Vạn Thiện Tiên Tư, sách giới dâm tên là Dục Hải Hồi Cuồng. Ấy là vì chúng sanh tạo nghiệp chỉ có hai chuyện này là nhiều nhất, mà sửa lỗi thì cũng chỉ có hai chuyện này là khẩn yếu nhất. Ông còn soạn Âm Chất Văn Quảng Nghĩa (giảng rộng nghĩa lý bài Âm Chất Văn của Văn Xương Đế Quân) ngõ hầu với mỗi một pháp, ai cũng biết phân biệt đầu mối, đều biết hành trì. Sách phê bình, biện luận thông suốt, tinh vi, đáng gọi là bậc công thần của Đế Quân, triệt để bóc trần, phơi bày toàn bộ cái tâm rủ lòng giáo huấn khiến cho ngàn đời trước, ngàn đời sau cả người giáo huấn lẫn người được giáo huấn hai đằng đều chẳng tiếc nuối gì. Ấy là vì tiên sinh kỳ tài diệu ngộ, đã dùng những sự tích thế gian để giảng rõ những nghĩa lý áo diệu, u vi của Phật, Tổ, khiến cho người nhã, kẻ tục cùng xem, người trí, kẻ ngu cùng hiểu.
Lại vì trong các pháp môn tu hành, chỉ có pháp Tịnh Độ là thiết yếu nhất, nên tiên sinh lại soạn cuốn Tây Quy Trực Chỉ để giảng rõ đại sự niệm Phật cầu sanh Tây Phương, liễu sanh thoát tử. Bởi lẽ, tích đức tu thiện chỉ được phước nhân, thiên, phước hết lại phải đọa lạc. Niệm Phật vãng sanh là dự vào địa vị Bồ Tát, quyết định đạt thành Phật đạo.
Ba cuốn sách đầu tuy dạy người ta tu thiện nghiệp thế gian, nhưng vẫn gồm đủ pháp liễu sanh thoát tử. Cuốn sách thứ tư tuy dạy người pháp liễu sanh tử, nhưng phải tận lực hành điều thiện thế gian. Thật có thể nói là tiên sinh hiện thân cư sĩ để thuyết pháp độ sanh. Ai bảo tiên sinh chẳng phải là Bồ Tát tái lai, tôi chẳng dám tin!
* Văn bút lẫn nghĩa luận của sách Cảm Ứng Thiên Vựng Biên thảy đều siêu tuyệt, nhưng chẳng được quán thông Phật pháp như An Sĩ Toàn Thư. Ngoại trừ sách An Sĩ Toàn Thư ra, tôi cho rằng cuốn này là hay nhất.
* Sách Cảm Ứng Thiên Trực Giảng là sách do bậc đại thông gia soạn, lời chú giải thuần dùng văn bạch thoại, chỉ đọc qua một lượt, sẽ tự hiểu rõ ý nghĩa. Lúc con cái còn nhỏ, rất nên bảo chúng đọc sách này, để nhờ sách này răn dạy con cái mình, tương lai ắt chúng sẽ được thụ dụng chân thật, hòng gỡ bỏ mối lo cho mình.
* Sách Cư Sĩ Truyện do tiến sĩ Bành Thiệu Thăng ở Trường Châu, Tô Châu soạn vào thời Càn Long. Ông xem khắp các sách vở, chọn lấy những gương đại trung, đại hiếu, thanh cao, chánh trực, liêm khiết, có công lao đối với danh giáo, hiểu sâu Phật pháp từ đời Hán đến nay, ghi chép những sự nhập đạo, tu chứng của họ, và chép cả những câu văn nêu tỏ Phật pháp. Số người được chép lên đến mấy trăm người, chép thành sáu quyển.
* Tam Giáo Bình Tâm Luận do học sĩ Lưu Mật đời Nguyên soạn. Trước hết, sách chỉ rõ tam giáo đều khuyên con người dứt ác tu lành, chẳng nên phế một giáo nào. Tiếp đó, sách luận rõ công dụng cùng cực của từng giáo sâu cạn bất đồng. Cuối cùng sách đả phá sạch những thuyết của Hàn Dũ, Âu Dương, Trình, Chu.
* Thích Thị Kê Cổ Lược chép theo năm tháng các đời, ghi sự tích của Thích Nho thành từng mục. Từ Phục Hy cho đến cuối đời Minh, quốc gia thái bình hay loạn lạc, Phật pháp hưng thịnh hay suy vong, tội do hủy báng, phước do tin tưởng, lợi ích do tu trì, pháp ngữ của tổ sư, hạnh chân thật của cao tăng, và những kẻ trung hậu, khoan dung lỗi lạc, và chuyện những kẻ gian ác cùng cực đều chép tỉ mỉ, khiến cho ai nấy giở xem liền biết pháp giới, ngồi ngay ngắn xem khắp cổ kim, há có phải chỉ ích lợi cho riêng người tu đạo, mà còn là của báu kỳ lạ trong tay áo của những ai đọc sách để luận cổ suy kim nữa!
* Nếu đã có tín tâm, hãy nên đọc các sách Tịnh Độ. Nếu chẳng thể đọc nhiều thì chọn lấy cuốn sách dễ hiểu, nghĩa lý rộng rãi nhất như cuốn Kính Trung Kính Hựu Kính (trong các con đường tắt nhất, lại là con đường tắt hơn nữa). Cuốn sách này thâu thập ý nghĩa trọng yếu của các tác giả, phân môn chia loại, khiến cho người xem đến chẳng tốn sức nghiên cứu, tìm đọc, bèn trực ngộ thẳng chỗ yếu diệu và cốt tủy của Tịnh Độ. Đối với kẻ sơ cơ, sách này có lợi ích rất lớn.
* Cao Tăng Truyện quyển một, hai, ba, bốn; Cư Sĩ Truyện, Tỳ Kheo Ni Truyện, Thiện Nữ Nhân Truyện, Tịnh Độ Thánh Hiền Lục đều ghi chép lời lẽ tốt lành, hành vi cao đẹp của chư cổ đức. Xem đến, ắt sẽ nảy lòng vui mừng, ngưỡng mộ, trọn chẳng đến nỗi mắc lỗi được chút ít đã cho là đủ, cam phận kém hèn.
Hoằng Minh Tập, Quảng Hoằng Minh Tập, Đàm Tân Văn Tập, Chiết Nghi Luận, Hộ Pháp Luận, Tam Giáo Bình Tâm Luận, Tục Nguyên Giáo Luận, Nhất Thừa Quyết Nghi Luận đều là những sách hộ trì giáo pháp. Đọc đến không chỉ chẳng bị tà ma, ngoại đạo mê hoặc, lại còn phá tan thành lũy tà kiến của chúng nữa. Các sách này đọc đến sẽ khiến cho chánh kiến kiên cố, chúng có thể dùng để chứng tỏ, soi sáng kinh giáo. Chớ bảo là “cứ nhất tâm đọc kinh, chẳng thèm hỏi đến những sách ấy”. Cái tri kiến sai biệt ấy nếu không đả thông được, khi gặp địch rất có thể bị chuốc lấy nhục vậy!
* Sách Mộng Đông Ngữ Lục do cư sĩ Tiền Y Am trích tuyển những câu nói chuyên dạy về Tịnh Độ trong Mộng Đông Di Tập soạn thành, lưu truyền ở phương Nam ngõ hầu đáp ứng nỗi hận đã lâu của những người vô duyên hội ngộ. Toàn tập thì có ở Bắc kinh, nhưng ở phương Nam chỉ có lược bản này. Sách này văn từ, nghĩa lý tinh diệu, là trước tác đáng xếp hạng nhất sau sách của các vị Ngẫu Ích và Tỉnh Am.
* Ngài Mộng Đông nói: “Thật vì sanh tử, phát Bồ Đề tâm, dùng tín nguyện sâu, trì danh hiệu Phật”. Mười sáu chữ này là đại cương tông của pháp môn Niệm Phật. Một đoạn khai thị này tinh vi, thiết thực đến cùng cực, hãy nên đọc kỹ. Toàn bộ sách Mộng Đông Ngữ Lục văn từ, nghĩa lý chu đáo, đích thực là kim chỉ nam trong Tịnh Tông. Nếu còn muốn đọc thêm nữa thì có cuốn Di Đà Yếu Giải của Ngẫu Ích lão nhân, đúng là một tác phẩm hướng dẫn tốt đẹp, ngàn đời chỉ có một.
Nếu có thể một lòng hành theo hai cuốn sách này, sẽ chẳng cần phải nghiên cứu hết thảy kinh luận nào nữa. Nếu thường xem ba kinh Tịnh Độ và các sách như Tịnh Độ Thập Yếu v.v... ngửa tin lời chân thành của Phật, của Tổ, phát lòng tin chân thành, phát nguyện thiết tha, dùng lòng chí thành cung kính trì danh hiệu Phật, dù ở trong nhà tối, phòng kín, vẫn như đang đối trước Phật, trời, khắc kỷ, giữ lễ, thành thật, cẩn thận, e dè, chẳng giống như những kẻ trong đời hiện tại trọn chẳng câu thúc, phóng túng, không biết e sợ gì. Quang dù còn là phàm phu sanh tử, vẫn dám bảo đảm: Ngay trong đời này, các hạ sẽ giã biệt Sa Bà, cao dự hải hội, tự làm đệ tử Phật Di Đà, làm bạn hiền của các vị đại sĩ.
* Có các sách Tịnh Độ, các giáo nghĩa Tịnh Độ như thế, phải nên hiểu biết trọn vẹn; dù chẳng đọc khắp các kinh, cũng chẳng bị khiếm khuyết chi! Còn như chẳng biết đến pháp môn Tịnh Độ, dẫu thâm nhập nghĩa lý mọi kinh, triệt ngộ tự tâm, lại toan liễu sanh thoát tử thì chẳng biết phải mất mấy đại kiếp mới mãn được nguyện ấy! Chẳng biết đến món thuốc A Già Đà (tiếng Phạn là A Già Đà, Hán dịch là Phổ Trị, trị được hết thảy các bệnh) trị chung vạn bệnh này, thật đáng đau buồn thay! Biết nhưng không tu, hoặc tu nhưng chẳng chuyên chí, lại càng đáng đau tiếc hơn nữa!

Nhận xét

Bài đăng phổ biến từ blog này