Ngày Thứ Ba: Trần Thuật Nguyên Lý Nhân Quả Và Nêu Những Sự Thực Để Chứng Minh
ẤN QUANG ĐẠI SƯ KHAI THỊ LỤC
Bửu Quang Tự Đệ Tử Liên Hương dịch
Bửu Quang Tự Đệ Tử Liên Hương dịch
Hai ngày hôm trước, tôi đã trình bày sơ lược về đạo lý
nhân quả và phương pháp tức tai hộ quốc; hôm nay vốn chẳng cần phải luận về
nhân quả nữa; nhưng vẫn còn có những điểm chẳng thể không trình bày rõ ràng,
nên tôi định sẽ giảng sâu hơn ít nữa, giảng rõ nguyên lý nhân quả và nêu sự
thực để làm chứng, ngõ hầu đại chúng biết mà kiêng dè.
Hiện thời, người đời chẳng hiểu nguyên lý nhân quả, cho
đó là chuyện bàn xằng, tà thuyết, lúc nào cũng tính chiếm tiện nghi, chẳng chịu
thua thiệt; đâu biết tiện nghi chính là chịu thua thiệt, chịu thua thiệt chính
là tiện nghi. Như người làm cha mẹ hiện nay phần nhiều nuông chiều con cái,
chẳng kềm cặp nghiêm ngặt đến nỗi tạo thành thói quen ham tiền tài, tham chuộng
tiện nghi. Cứ cho là có như vậy mới giữ gìn được gia sản, chẳng đến nỗi bị tổn
thất; nào ngờ kết quả trái ngược: Gây vạ suốt đời, lại còn gián tiếp tạo ảnh
hưởng vô hạn cho quốc gia, xã hội.
Nay tôi nêu lên một chuyện để làm ví dụ: Triệu Lương
Tướng ở Ðại Châu đời Tùy, giàu nứt đố đổ vách, có hai đứa con. Ðứa lớn tên
Mạnh, đứa nhỏ tên Doanh. Doanh mạnh mẽ, Mạnh yếu đuối. Lúc người cha sắp mất,
chia gia sản làm hai, Mạnh được nhiều hơn. Tới khi Lương Tướng mất, Doanh chiếm
sạch tài sản của anh, chỉ cho anh một căn nhà và mảnh vườn. Mạnh phải đi làm
thuê để tự nuôi thân. Chẳng mấy chốc, Triệu Doanh chết, sanh làm con của Mạnh,
mang tên là Hoàn. Sau đấy, Mạnh cũng chết, đầu thai vào nhà Doanh, làm cháu nội
của Doanh, mang tên là Tiên. Ðến lớn, nhà Mạnh càng nghèo, nhà Doanh càng giàu.
Triệu Hoàn phải làm tôi tớ cho Triệu Tiên để sống. Ngạn ngữ có câu: “Thiên đạo không công bằng, đã giàu càng
giàu thêm”.
Một ngày kia, Hoàn nghe bà mẹ góa bảo: “Triệu Doanh cướp
đoạt gia sản của mày đến nỗi đời mày nghèo mạt, nay đến làm tôi tớ cho nó,
chẳng nhục hay sao?” Bởi thế, Hoàn oán hận, muốn giết Triệu Tiên. Năm Khai
Hoàng thứ nhất (600 Tây lịch), Hoàn
theo Tiên đi triều bái Ngũ Ðài, vào đến chốn hang thẳm mấy mươi dặm ở phía
Ðông, sâu hun hút không một bóng người. Hoàn rút dao, bảo Tiên: “Ông nội mày và
bố tao là anh em. Ông mày đoạt sản nghiệp của tao. Ðến đời tao nghèo túng nay
làm đầy tớ cho mày. Mày nỡ lòng làm thế, nay tao giết mày đây!”. Tiên liền rảo
chạy, Hoàn đuổi theo chạy vào rừng, thấy có am tranh liền bước vào. Có một vị
lão Tăng bảo Hoàn: “Ông định làm gì thế?”. Hoàn đáp: “Tôi đuổi theo kẻ oán
thù!”. Vị lão Tăng cười lớn: “Ông khoan làm thế, tôi sẽ cho ông tự biết”, rồi
trao những món thuốc cho mỗi người để pha trà. Uống xong, như mộng mới tỉnh,
chợt nhớ việc cũ, cảm thấy thẹn thùng, đau đớn. Lão Tăng bảo: “Doanh chính là
tiền thân của Hoàn. Cướp đoạt tài sản của anh chính là tự bỏ tài sản của mình.
Tiên là Mạnh thác sanh trở lại để hưởng lấy sản nghiệp kiếp trước vì lệnh cha
vẫn còn vậy!”. Hai người bèn bỏ nhà tu theo đạo Phật, sau mất tại Di Ðà Am. Xem
trong Thanh Lương Sơn Chí[1]. Nhân quả báo ứng hiển hiện rõ ràng, như âm vang ứng
theo tiếng, như bóng theo hình, chẳng sai mảy may.
Lại như hiện tại còn lưu truyền chuyện cái trống bằng da
người ở Ngũ Ðài Sơn cũng là chuyện nhân quả báo ứng thật rành rẽ đáng sợ vậy,
xin kể rành rẽ. Đời Ðường, tại chùa Hắc Sơn ở mặt sau ngọn Bắc Ðài có nhà sư
tên Pháp Ái làm Giám Tự hai mươi năm, lấy vật dụng của Chiêu Ðề Tăng[2] tậu nhiều ruộng ở Nam Nguyên, để lại cho đồ đệ là Minh
Hối. Pháp Ái chết liền sanh làm trâu ở nhà nọ tận lực một mình kéo cày trong ba
mươi năm. Trâu vừa già vừa bệnh, chủ trại muốn đem trâu đổi lấy dầu. Ðêm ấy,
Minh Hối mộng thấy vị thầy đã chết của mình khóc bảo: “Ta dùng tài sản của Tăng
chúng để tậu ruộng cho ngươi. Nay đang làm trâu vừa già vừa còm cõi. Xin hãy
lột da ta bịt trống, viết tên họ của ta trên trống. Mỗi khi lễ tụng liền đánh
trống thì nỗi khổ của ta mới mong có ngày thoát khỏi. Nếu không, dù gò Nam
Nguyên có biến thành biển xanh, ta vẫn chưa thể thoát khổ nổi!” Nói xong, phủ
phục cả thân mình xuống. Minh Hối tỉnh giấc, chỉ mới nửa đêm liền thỉnh chuông
nhóm chúng, kể cặn kẽ chuyện này. Sáng hôm sau, chủ trại ruộng báo con trâu già
đã húc đầu vào cây mà chết. Minh Hối y theo lời trước, lột da trâu bịt trống,
viết tên [thầy] lên trên, bán hết ruộng ở Nam Nguyên, được bao nhiêu tiền đem
đãi cơm chư Tăng Ngũ Ðài hết. Minh Hối lại bán sạch cả y bát, vì vị thầy đã mất
mà lễ sám. Sau đem trống ấy gởi vào điện Văn Thù ở Ngũ Ðài Sơn. Lâu ngày, trống
hư, chủ chùa đem trống khác thế vào. [Thế gian] ngoa truyền là trống bịt bằng
da người. Xem trong Thanh Lương Sơn Chí.
Ấy là nhân quả rành rành, không ai có thể trốn khỏi. Hai
người con họ Triệu do đời trước có gieo căn lành nên gặp được cao tăng, nghiễm
nhiên thành đạo. Còn như những kẻ phàm tục há nên tự ỷ y, lại còn bài bác
“không có nhân quả”, tự mình lầm, làm người khác lầm, tự hại, hại người! Người
đời nay đều chỉ thấy chuyện trước mắt, chẳng đoái hoài đời sau, thích chiếm
tiện nghi, chẳng bằng lòng chịu thua thiệt. Con cái họ mắt thấy tai nghe, tập
riết thành thói. Phong tục xã hội cũng do đó mà hiểm ác, tranh đoạt khởi lên,
đại loạn dấy lên lung tung, giết người đầy thành, ngập đồng mà mắt chẳng nháy,
tâm chẳng áy náy, không gì chẳng phải là vì lẽ đó. Ðã thế, những kẻ giết người
tàn nhẫn, ác độc, chẳng thấy là đáng buồn, đáng sợ, ngược ngạo vênh váo khoe
công, lại còn khen ngợi lẫn nhau. Thậm chí có kẻ giết cả cha mẹ, giết huynh
trưởng, ngược ngạo tự xưng là “đại nghĩa
diệt thân” (vì nghĩa lớn mà giết người thân)! Ôi! Họa biến đến thế, thiên
lý tuyệt, nhân đạo diệt, không những đạo đức bị vùi lấp, mất mát mà chắc là
kiếp nạn lớn lao sẽ liên tiếp xảy ra! Vì thế, trong hiện tại, muốn cứu vớt, bảo
vệ đất nước thì phải bắt đầu từ căn bản. Căn bản là gì? Tức là tin tưởng chắc
chắn vào nhân quả. Nếu đã thật sự hiểu rõ lý nhân quả rồi lại còn có thể dốc
lòng tin, thực hành thì thế đạo, nhân tâm sẽ tự có thể vãn hồi. Tôi cho rằng
tất cả triết học, tôn giáo trên thế giới không gì tinh vi, sâu thẳm, nhưng dễ
thực hành bằng Phật giáo!
Hiện tại, người đời sở dĩ chẳng tin nhân quả, phần lớn là
vì chịu ảnh hưởng của Tống Nho. Những nhà Lý học[3] thời Tống như Trình Minh Ðạo, [Trình] Y Xuyên, Châu Hối
Am v.v… do xem kinh Ðại Thừa nhà Phật, chỉ lãnh hội sơ lược ý nghĩa “toàn sự
tức lý” và thân cận tri thức trong Tông Môn (Thiền Tông), lại biết ý chỉ “bất cứ pháp nào, chuyện nào cũng
chẳng ngoài Nhất Tâm”, chứ thực sự chưa hề xem trọn khắp các kinh luận và tham
học với khắp mọi tri thức các tông, bèn trộm lấy ý nghĩa của kinh Phật để tự
xưng hùng, dùng đó để phát huy sự sâu xa của Nho giáo. Bọn họ lại sợ người đời
sau xem kinh Phật sẽ biết được cái họ đạt được [là ăn trộm từ kinh Phật] bèn
rắp tâm mê muội báng Phật. Do chẳng dễ báng bổ những chỗ tinh diệu, họ liền
nhắm vào mặt Sự để bài bác. Họ bảo đức Phật dạy sự -lý “tam thế nhân quả, lục
đạo luân hồi” đều nhằm phỉnh phờ hạng ngu phu, ngu phụ phụng hành giáo pháp của
Ngài, chứ thật sự chẳng có những chuyện ấy. Họ còn bảo: Sau khi con người chết
đi, thân đã mục nát thì thần thức cũng phiêu tán; dù có băm, chặt, giã, mài sẽ
thi thố vào đâu? Hơn nữa, thần thức đã tan thì còn ai để thọ sanh? Do vậy, họ
đã mở tung đầu mối phóng túng, không kiêng sợ gì cả, thiện không có gì để
khuyên, ác không có gì để trừng phạt, cho rằng “Trời tức là Lý” vậy, chứ nào có một vị vua đội mão[4] thật sự đâu! Họ cho rằng quỷ thần là lương năng[5] của hai Khí, chẳng hạn như sấm động là do hai khí Âm,
Dương va chạm nhau nổ thành tiếng.
Họ coi những vấn đề Thực Lý, Thực Sự là chuyện bàn luận xuông,
chuyên lấy việc “chánh tâm thành ý” làm cái gốc để trị quốc, trị dân; chẳng
biết chánh tâm thành ý chính là do “trí
tri cách vật” mà ra. Họ bảo “trí tri”
là thúc đẩy tri thức (sự hiểu biết) của mình đến cùng cực, “cách vật” là hiểu cùng tận cái lý của mọi sự vật trong thiên hạ;
nào hay “vật” chính là tư dục trong
tâm mình. Do có tư dục nên chướng lấp tự tâm. Bởi thế, tâm vốn sẵn đủ chân tri
nhưng không cách nào hiển hiện được. Do “cách
trừ” (thấu hiểu và trừ khử) được
tư dục thì chân tri sẵn có sẽ tự hiển hiện. Hễ chân tri đã hiển thì ý sẽ thành,
tâm sẽ chánh! Chánh tâm thành ý thì ngu phu, ngu phụ chẳng biết một chữ cũng
vẫn làm được! Còn nếu đúng như họ (chỉ
các nhà Tống Nho) nói thì thúc đẩy tri thức của ta đến cùng cực để hiểu tận
cùng cái lý của mọi sự vật trong thiên hạ, dẫu bậc thánh nhân cũng làm không
được! Vì thế, biết rằng: Hễ lầm lạc ở chỗ này thì căn bản để giữ yên cõi đời đã
mất. Họ lại dùng thuyết “không nhân quả, luân hồi” để dạy người khác chánh tâm
thành ý. Nếu không có nhân quả, một phen chết đi là vĩnh viễn mất hết, thiện
hay ác đều cùng chết sạch; còn ai bận tâm đến cái tiếng hão mà chánh tâm thành
ý cơ chứ?
Hơn nữa, các nhà Lý học cho rằng: “Có làm điều gì để
làm lành thì đó chính là ác”. Lời này đúng là phá hoại thiện pháp thế gian.
Vì sao thế? Ông Cừ Bá Ngọc năm hai mươi tuổi, biết mười chín năm trước đều sai
trái. Ðến năm mươi tuổi, thấy bốn mươi chín năm trước đều sai trái, muốn bớt
lỗi nhưng chưa làm được. Như thế là có làm điều gì hay là không làm điều gì?
Khổng Tử coi “đức không tu, học vấn chẳng
giảng, nghe đạo nghĩa mà chẳng thể làm theo, không thể thay đổi chuyện chẳng
tốt” là điều đáng lo. Tuổi đã bảy mươi, Ngài vẫn mong trời cho sống thêm
mấy năm nữa để học Dịch hòng khỏi mắc lỗi lớn. Như vậy thì Ngài có làm điều gì
hay không làm điều gì hết vậy?
Từ sau thời Trình - Châu, nhà Nho đều chẳng dám bàn đến
nhân quả vì hễ bàn đến sẽ bị người khác công kích, bảo không phải là thuần Nho,
cho là trái nghịch tiên hiền. Bởi vậy, phàm những kẻ hiểu biết kém cỏi liền hùa
giọng báng Phật; người kiến thức cao minh không ai chẳng lén lút xem kinh Phật
để mong khoe tài, không ai chẳng thống thiết bài bác Phật pháp, ngõ hầu làm căn
cứ để sau này được thờ trong Hiền Từ (miếu
thờ tiên hiền) trong làng hay được đưa vào [thờ trong] Văn Miếu! Trong thâm
tâm của Trình, Châu khi ấy chỉ mong Nho Giáo hưng thịnh, chẳng bận tâm Phật
giáo sẽ còn hay mất! Cho tới hiện thời, do chất độc “phá diệt nhân quả, luân
hồi” của bọn họ đến nay bộc phát, phế kinh điển, phế luân thường, bỏ hiếu,
không biết hổ thẹn, trở thành những thảm kịch như giết cha, giết mẹ, chẳng đáng
buồn ư?
Hiện tại, chiến sự ở vùng Tuy Viễn rất khẩn cấp, tai họa
cực thảm, những chiến sĩ trung dũng và đồng bào thân ái của chúng ta hoặc là
máu thịt tung tóe, táng thân, tổn mạng, hoặc là nhà tan cửa nát, trôi giạt, bơ
vơ, không cơm, không áo, đói khát bức bách. Nói, nghĩ đến điều này, tim gan đều
tan nát! Sáng nay, pháp sư Viên Anh kể cho tôi nghe chuyện này, bảo tôi khuyên
mọi người phát tâm cứu tế, góp gió thành bão[6], chẳng quản ít nhiều. Có áo giúp áo, có tiền giúp tiền,
công đức vô lượng, chắc chắn hưởng thiện quả. Phải biết: Giúp người tức là giúp
mình, cứu người tức là cứu mình. Nhân quả vằng vặc, chẳng sai sót mảy may. Nếu
chính mình gặp tai nạn, không có ai giúp, nhưng nếu có thể xưng niệm thánh hiệu
thì nhất định sẽ được Phật, Bồ Tát thầm gia hộ, bảo vệ. Tôi là một ông sư
nghèo, hoàn toàn chẳng cất chứa thứ gì, hễ đệ tử tại gia có bố thí gì, đều dùng
để ấn loát kinh sách hết. Nay tôi xin quyên ra một ngàn đồng để xướng suất [cứu
trợ vùng] Tuy Viễn. Giúp người mắc nạn thì mới có thể dứt trừ được tai nạn cho
chính mình.
Hiện tại, có những phụ nữ ham chuộng xa hoa, một bình
nước hoa trị giá từ ba, bốn chục đồng đến hai, ba trăm đồng. Sao bằng đem số
tiền phung phí đó dùng để cứu trợ Tuy Viễn? Lại còn có hạng người rất chuộng
tích cóp của cải, lúc sống đã chẳng muốn dùng, chết đi còn mong chôn theo xuống
đất, muốn được con cái chôn cất ma chay trọng thể, hoặc để lại cho con cháu
dùng. Đâu có biết hiện nay đang có nguy cơ đào mồ, [những tưởng] tích chứa [nào
ngờ] lại khiến cho [người chết] bị hại. Như hiện tại ở Thiểm Tây đang có cả một
tổ chức đào mộ chuyên làm chuyện đó. Làm con có hiếu với cha mẹ, nỡ nào vì chữ
Hiếu lại khiến cho mớ xương khô của cha mẹ bị phơi tênh hênh trên mặt đất! Sao
bằng đem khoản tiền lớn lao đó dùng để cứu tế người khác thì tốt hơn! Lại có
người nghèo túng, tuy có chí nguyện làm như thế, nhưng sức chẳng kham nổi, tôi
cho rằng hãy nên niệm Phật cho nhiều để giúp đỡ. Đã có thể dứt tai nạn cho
người, lại còn dứt được tai nạn cho mình. Vui sướng [như vậy] mà sao không làm?
Lúc chiến cuộc xảy ra tại đất Hỗ (Thượng Hải), cháu nội của cư sĩ Tào Thương Châu ở Tô Châu vâng lời
cha từ đất Hỗ xuống Tô Châu đón tam thúc tổ (ông
chú thứ ba) và các chú về đất Hỗ. Ông chú và các chú đều chẳng muốn đi. Anh
ta bèn lấy châu báu của vợ giắt vào lưng, ngồi tàu thủy nhỏ về đất Hỗ. Chợt có
kẻ cướp đến, anh ta muốn trốn lên bờ, liền nhảy xuống nước, vàng ngọc giắt theo
có lẽ đáng giá hai, ba vạn đều đem cho hết người đã đổi áo cho mình, tự xưng là
học trò nghèo, làm thầy giáo dạy vỡ lòng cho trẻ. Nếu bọn giặc cướp biết được,
không biết còn phải tốn tới mấy vạn để chuộc thân nữa. Ðấy có phải là tiền tài
gieo họa cho người hay không? Người ta nay chỉ tham phần tiện nghi trước mắt,
chẳng thể thấy thông suốt, bị khốn khổ vì tiền tài, những trường hợp như vậy
rất nhiều, chẳng thể thuật đủ! Khi xưa, có một vị cư sĩ nọ hỏi tôi phương cách
vãn hồi kiếp vận, tôi bảo: “Việc này rất dễ! Hiểu rõ lý nhân quả rồi tận lực
thực hành. Phát được tín tâm ắt có thiện quả. Vả nữa, tâm dối trá đã tiêu,
trong tâm rỗng suốt thì tai nạn nào cũng đều tiêu tan như băng tuyết vậy!”
Trong cơn loạn lạc Hồng Dương[7], một nhà buôn gỗ ở Giang Tây là Viên Cung Hoằng bị bọn
phỉ bắt được, trói vào cây cột ở khách sảnh (nhà
khách), khóa chặt cửa lại, chờ đúng lúc sẽ giết. Ông Viên tự nghĩ ắt bị
chết, bèn thầm niệm thánh hiệu Quán Âm, hồi lâu ngủ quên đi, tỉnh dậy thấy thân
mình nằm ngoài đồng, ngẩng đầu lên thấy hãy còn sớm liền trốn thoát. Do vậy,
tôi rất mong mọi người phát tín tâm rộng lớn, nương vào đức của cha trời, mẹ
đất[8], giữ lòng nhân “coi
mọi người và ta là ruột thịt, xem loài vật cũng giống như ta”. Phàm đối với
[hết thảy những gì] trong vòng trời đất đều thương xót, nuôi dưỡng, bảo vệ. Lại
còn đem lẽ nhân quả báo ứng, đạo niệm Phật cầu sanh Tây Phương để chỉ bảo,
khuyến hóa. Nếu như ai nấy đều thực hành thì nước chẳng mong bảo vệ mà tự được
bảo vệ, tai nạn chẳng mong dứt cũng tự dứt vậy!
[1] Thanh Lương Sơn Chí: Sách ghi chép về sự tích núi Ngũ
Đài. Do núi Ngũ Đài băng đọng ngàn năm, mùa Hạ vẫn có thể có tuyết rơi, không
bao giờ nóng nực, nên được gọi là Thanh Lương Sơn.
[2] Chiêu Đề (Catur-diśa):
Còn được phiên là Chiêu Đấu Đề Xá, dịch nghĩa là Tứ Phương, hoặc Tứ Phương
Tăng, Tứ Phương Tăng Phòng, có nghĩa là chúng tăng từ bốn phương đều có thể nghỉ
lại nhà khách của chùa. Về sau, chữ này dùng để chỉ tài sản chung của Tăng
chúng, mọi người đều có quyền sử dụng.
[3] Lý Học là học thuyết giải thích Nho giáo theo quan điểm
của Trình Di và Châu Hy. Học thuyết này cho Lý là nguyên khởi của vũ trụ (do nhìn từ góc độ khác nhau mà có danh xưng
khác nhau như Trời, Thượng Đế, Đạo v.v…), Lý là bản tánh trời sanh của từng
cá nhân. Do lòng ham muốn riêng tư mà con người quên mất Lý này. Vì thế, phải
trừ khử dục vọng, trở về với Lý gọi đó là “thiên nhân hợp nhất” (trời - người hợp nhất). Lý biểu hiện dưới
dạng vật chất hữu hình thì gọi là Khí. Như vậy, Lý của họ chỉ là vay mượn khái
niệm Phật Tánh, Như Lai Tánh, Pháp Thân của Phật giáo mà thôi! Hoặc nói cách
khác, Lý - Khí của họ chỉ là cách gọi tên khác của chữ Thể và Dụng trong Phật
giáo.
[4] Nguyên văn “miện lưu” là một thứ mũ lễ được dùng bởi
những bậc quyền quý. Thường được gọi là mão “bình thiên”, có hình ống, đỉnh là
một tấm phẳng hình chữ nhật (do vậy, gọi
là Bình Thiên), trước và sau tấm bình thiên có đính các sợi tua kết bằng
châu ngọc rủ xuống trước trán. Theo phần Biện Sư trong thiên Hạ Quan sách Châu
Lễ, Miện của thiên tử có mười hai tua, chư hầu chín tua, thượng đại phu bảy
tua, hạ đại phu năm tua. Từ đời Tần Thủy Hoàng trở đi, “miện lưu” chỉ dành
riêng cho thiên tử đội, cấm tuyệt chư hầu, quan chức sử dụng.
[5] Trong Lý Học, “lương
năng” là thuật ngữ chỉ tác dụng và biểu hiện của Khí.
[6] Nguyên văn là “tập dịch thành cừu” (góp những miếng da ở dưới nách con cáo may
thành áo cừu).
[7] Hồng Dương: Loạn Thái Bình Thiên Quốc do Hồng Tú Tài
và Dương Tú Thanh lãnh đạo, nên còn gọi là loạn Hồng Dương.
[8] Nguyên văn “Càn vi đại phụ, Khôn vi đại mẫu”.
Nhận xét
Đăng nhận xét