LỜI TỰA
ẤN QUANG ĐẠI SƯ GIA NGÔN LỤC
Bửu Quang Tự Đệ Tử Như Hòa dịch
Pháp môn Tịnh Ðộ lý cực cao sâu, sự
cực giản dị. Do vậy, người thiên tư thông mẫn, tri kiến cao siêu, thường xem
Tịnh Ðộ là pháp tu của bọn ngu phu, ngu phụ, chẳng chịu tu trì. Chẳng biết đây
là pháp môn rốt ráo để mười phương tam thế hết thảy chư Phật, trên thành Phật
đạo, dưới độ chúng sanh, thành thỉ, thành chung[1].
Họ thấy kẻ ngu phu, ngu phụ có thể tu pháp này bèn coi thường, sao chẳng xét
trong hội Hoa Nghiêm, bậc đã chứng bằng với Phổ Hiền, bằng với chư Phật, vẫn
phải dùng mười đại nguyện vương hồi hướng vãng sanh Tây Phương Cực Lạc, ngõ hầu
viên mãn Phật Quả? Miệt thị pháp môn Tịnh Ðộ chẳng chịu tu là coi những vị
trong hội Hoa Nghiêm thuộc hạng người gì? Chỗ quy tông cuối cùng của kinh Hoa
Nghiêm có đáng nên tôn trọng hay nên coi thường?
[Có thái độ như vậy], không có gì
khác hơn là do chưa xét kỹ nguyên do của từng pháp môn thông thường và đặc
biệt, cũng như [chẳng suy xét] tự lực, Phật lực, đại, tiểu, khó, dễ, nên mới
đến nỗi như thế. Nếu đã xét kỹ, há chẳng học đòi Hoa Nghiêm Hải Chúng, nhất trí
tiến hành cùng cầu vãng sanh ư? Ấn Quang tôi từ lúc búi tóc đọc sách, nhiễm
ngay phải cái độc bài Phật của Hàn, Âu, Trình, Chu, may là không có được cái
tài như Hàn, Âu, Trình, Chu. Nếu có được chút tài như họ, ắt sẽ tự mình lầm,
khiến người lầm, thân còn sống mà đã hãm trong địa ngục A Tỳ mất rồi. Từ năm
mười bốn, mười lăm tuổi về sau, bệnh nặng nhiều năm. Từ đấy chiêm nghiệm khắp
xưa nay, xem kỹ kinh sách, mới hay những thuyết do Hàn, Âu, Trình, Chu đã lập
đều là những tri kiến quẩn quanh ngoài cửa ngõ, tuyệt chẳng đạt đến những sự huyền
áo trong nhà.
Nhược quan[2]
được một năm, tôi liền xuất gia làm Tăng, chuyên tu Tịnh nghiệp. Thề trọn một
đời này làm một kẻ tự tu, chẳng lập môn đình, rộng thâu đồ chúng đến nỗi con
cháu đời sau làm Phật pháp bại hoại, kéo cả Ấn Quang tôi vào trong địa ngục A
Tỳ chịu khổ với chúng. Ðến năm Quang Tự 19 (Quý Tỵ 1893), hòa thượng Hóa Văn
chùa Pháp Vũ ở Phổ Ðà Sơn lên kinh đô thỉnh Ðại Tạng Kinh, nhờ tôi coi sóc việc
ấn loát. Xong việc, Hòa Thượng mời tôi cùng về núi. Biết tôi chẳng thích tham
gia Tăng sự, Ngài cho tôi ở riêng một liêu, tùy ý tu trì. Ðến nay đã hơn ba
mươi lăm năm rồi. Ở núi lâu ngày, có việc phải dùng đến bút mực viết lách,
tuyệt chẳng dùng đến tên gọi Ấn Quang. Ngay cả những văn tự cần phải ký tên,
cũng chỉ tùy tiện viết hai chữ là xong. Vì thế, trong hai mươi năm qua, không
có người khách nào đến thăm, cũng không có thư từ qua lại làm phiền.
Năm đầu Dân Quốc (1911-1912), cư sĩ
Cao Hạc Niên đem mấy thiên văn cảo đăng trên Phật Học Tùng Báo, chẳng dám dùng
tên Ấn Quang, mà dùng tên Ấn Quang thường tự xưng là Thường Tàm Quý Tăng. Vì
thế, ký tên là Thường Tàm. Cư sĩ Từ Úy Như và Châu Mạnh Do lầm lẫn tán thưởng,
hỏi dò suốt ba bốn năm. Sau Mạnh Do lên núi bái yết, xin quy y, đem mấy thiên
bản cảo tệ hại gởi cho Úy Như, đưa in ở kinh đô, đặt tên là Ấn Quang Pháp Sư
Văn Sao, khiến cho văn tôi gai mắt khắp mọi người cao nhã nên càng thêm hổ
thẹn.
Năm Dân Quốc thứ bảy, thứ tám
(1918-1919), họ lại lôi ra thêm mấy thiên nữa, soạn thành sách Tục Biên, in
chung với cuốn Sơ Biên. Năm Dân Quốc thứ chín (1920), giao cho Thượng Hải
Thương Vụ Ấn Thư Quán sắp chữ thành hai cuốn để làm bản lưu. Mùa Xuân năm Dân
Quốc thứ mười (1921), sách in xong. Quang tôi lại sang Dương Châu, đem bản sắp
chữ năm Dân Quốc thứ chín khắc thành một bản, chia làm bốn cuốn. Năm Dân Quốc
11 (1922), lại giao cho Thương Vụ Ấn Thư Quán in thành bốn cuốn. Khi ấy, các cư
sĩ chỉ yêu cầu in hai vạn bộ, nhưng đến khi Thương Vụ Ấn Thư Quán in xong, gởi
ra bán, số ấy vẫn chẳng đủ!
Mùa Ðông năm Dân Quốc thứ 14 (1925),
lại giao cho Trung Hoa Thư Cục in bản Tăng Quảng (bản mở rộng – do thêm vào những bài mới), cũng chia thành bốn
cuốn, dầy hơn lần in trước một trăm tờ. Mùa Hạ năm nay in sách, do phong trào
công nhân đấu tranh, giá in rất cao, chỉ in được hai ngàn bản. Bản gốc đã đem
đánh máy ra thành bốn bản sao thì nhà in giữ lại hai bản, trả về cho Quang hai
bản. Tôi bèn giao cho Hàng Châu Chiết Giang Ấn Loát Công Ty in trước một vạn
bản, sau đó sẽ in tiếp.
Một nhân duyên tình cờ nữa là cư sĩ
Viên Tịnh Lý Vinh Tường trong mấy năm qua, chuyên tâm học Phật, đối với luận
Khởi Tín, kinh Lăng Nghiêm, kinh Viên Giác đều viết sớ giải. Quang bảo: “Người thanh niên nên thiết thực dụng công
niệm Phật trước đã, đến khi nghiệp tiêu trí rạng, chướng tận, phước dầy rồi sẽ
lại phát huy, tự có thể xiển minh Phật ý truyền khắp vũ trụ”. Khi ấy, ông
Lý chẳng chịu là đúng. Sau vì dụng tâm quá độ, tinh thần, thân thể mỗi ngày một
suy, mới hay lời Quang nói chẳng sai.
Ông bèn đọc kỹ Văn Sao, hoan hỷ khôn
xiết, nên trích lục những nghĩa trọng yếu, chia thành từng môn, từng loại, soạn
thành một cuốn, tính dùng giấy in báo để in một ngàn cuốn nhằm đáp ứng nhu cầu
cần đọc ngay của độc giả. Tháng Năm, ông đến Thượng Hải, rồi cùng vợ xin quy y.
Tháng Tám sách in ra, chẳng lâu sau sách được thỉnh hết. Thư yêu cầu nườm nượp
gởi tới, tôi bèn bảo sở in của nhà giam Tào Hà Kinh sắp đặt việc in sách. Cư sĩ
Trần Ðịch Châu xin đảm nhiệm việc trình bày, cũng như chịu phí tổn đánh máy bốn
bản sao. Ông Trần lại chịu tiền in hai ngàn bản, một lúc bỏ ra gần hai vạn.
Đối với xuất xứ của mỗi câu trong
bản này, thuộc quyển nào, trang nào, ông Lý đều ghi kỹ để người đọc có thể đối
chiếu với quyển Văn Sao. Do chỉ chép lấy những nghĩa trọng yếu trong các bài
văn, xếp vào một loại, nên trong mỗi thể loại, ý nghĩa [từng đoạn trích] khá
giống nhau, nhưng tôi chẳng lược bớt đi, ngõ hầu người đọc được khuyên đi,
khuyên lại nhiều lần, sẽ đoạn ngay được lòng nghi, phát sanh lòng tin. Xuất xứ
từ quyển nào, trang số mấy đều dựa theo cách đánh số trong bản Tăng Quảng Văn
Sao để làm bản lưu thông vĩnh viễn, sau này không phải in lại nữa.
Lại vì Văn Sao ý nhiều, nghĩa lắm,
có lẽ kẻ sơ cơ khó lòng phân biệt, hiểu rõ dễ dàng được, nên tôi thuận theo cơ
nghi, muốn cho họ trước hết thấy được những đường lối [trọng yếu] trong pháp
môn, từ đấy sẽ thiết thực tấn tu, tự đạt đến chỗ cùng cực, khỏi phải đến nỗi
nhìn biển cả than dài, hoặc đến nỗi lui sụt. Nhân đây, chép cả mục lục cuốn Văn
Sao Tuyển Ðộc Thiên vào sau mục lục cuốn Gia Ngôn Lục để người chưa từng nghiên
cứu Phật học dễ theo dõi. Tôi trình bày duyên do như thế để mong người đọc đều
biết rõ.
Nguyện người thấy, người nghe đừng
cho lời tôi nói là tầm thường, quê mùa rồi bỏ qua, chỉ toan cầu lấy những điều
cao sâu, huyền diệu. Ðạo của Nghiêu Thuấn chỉ là hiếu đễ mà thôi. Ðạo của Như
Lai chỉ là Giới, Ðịnh, Huệ. Thực hành được việc tầm thường, quê mùa, hành đến
cùng cực thì lý cao sâu huyền diệu há còn phải cầu ở nơi nào khác nữa ư? Nếu
không, chỉ là cao sâu huyền diệu nơi đầu môi chót lưỡi, khi sanh tử xảy đến,
chẳng dùng được mảy may! Xin độc giả hãy lưu tâm!
Mồng Tám tháng Chạp năm Ðinh
Mão, Dân Quốc 16 (1927), Cổ Tân Thường Tàm Quý Tăng Thích Ấn Quang cẩn soạn.
[1]
Thành thỉ, thành chung: Thành tựu lúc ban đầu, thành tựu lúc kết thúc. Ý nói do
pháp môn Niệm Phật mà thoát khỏi địa vị phàm phu, chứng nhập địa vị Pháp Thân
đại sĩ, và cũng do pháp môn Niệm Phật mà thành tựu quả Vô Thượng Bồ Đề rốt ráo.
[2] Nhược quan là hai mươi tuổi. Thời cổ, con
trai đến hai mươi tuổi sẽ làm lễ đội mũ (nhược
quan), [tức là lễ] công nhận là một người trưởng thành. Theo Ấn Quang Niên
Phổ, đại sư trốn nhà đi xuất gia năm hai mươi mốt tuổi, nhằm năm Quang Tự thứ
bảy (Tân Tỵ 1881), xuống tóc tại chùa
Nam Ngũ Ðài Liên Hoa Ðộng Tự ở núi Chung Nam, thờ hòa thượng Ðạo Thuần làm
thầy.
Nhận xét
Đăng nhận xét