TỰA

NIỆM PHẬT THÀNH PHẬT
Cư sĩ Diệu Âm biên soạn
Tịnh Không pháp sư tuyên giảng “Phật Thuyết Đại Thừa Vô Lượng Thọ Trang Nghiêm Thanh Tịnh Bình Đẳng Giác Kinh Giảng Ký”, cư sĩ Lưu Thừa Phù khen đấy có thể cùng với “A-Di-Đà Sớ Sao” của Liên Trì Đại sư, “A-Di-Đà Kinh Yếu Giải” của Ngẫu Ích Đại sư, cùng được xưng là ba quyển bất hữu về văn giảng giải của Di-Đà Tịnh độ. Có thể thấy được địa vị cao tột và giá trị quý báu của ba bộ kinh giảng này. Hậu học mỗi lần cung kính đọc, đều có những khai thị mới, thu hoạch mới, pháp hỉ tràn đầy vô hạn. Cổ nhân nói: “Ba ngày không đọc sách cảm thấy lời nói vô vị, mặt mũi đáng ghét”. Hậu học cũng cảm thấy: “Ba ngày không đọc quyển giảng ký này, liền cảm thấy tâm thần tán loạn, đạo tâm thoái chuyển”. Phân tích thêm một bước, hai bộ kinh lớn trên của hai vị Đại sư, đều viết theo lối cổ văn, nói Lý rất thâm sâu, nếu một người mà trình độ Hoa ngữ (quốc học) và Phật lý không tinh thông, không am hiểu thì rất khó lý giải thấu triệt nghĩa thú đó.
Quyển “giảng ký” này là Sư Phụ dùng lời nói giảng giải, chỗ thâm sâu giảng dễ hiểu, chỉ cần người nào có thể đọc, xem qua, bất luận căn cơ nào cũng đều có những lãnh hội riêng, được thật sự lợi ích. Về mặt nghĩa lý, phàm là người học Phật từ sơ phát tâm đến thành tựu Phật quả, tất cả quan niệm và cách hành trì cần chuẩn bị, Sư Phụ đều khai thị nhiều lần, ân cần dặn dò chỉ bảo. Nơi nơi đều thấy tấm lòng quảng đại, cứu nhân độ thế, thiết tha kỳ vọng và từ bi vô tận của Sư Phụ. Khi đọc, hậu học cảm thấy cảm ân vô cùng.
Bộ “Vô Lượng Thọ Kinh” đệ nhất kinh của Tịnh Độ Tông này, Sư Phụ đã tuyên giảng một trăm lẻ bảy hội (107). Sau khi được Lưu cư sĩ chuyển lục thành văn tự, được tinh trang thành bốn quyển sách lớn, mỗi quyển sách dày sáu, bảy trăm trang. Muốn đọc hết toàn bộ, cần phải mất một thời gian dài, nếu muốn nhớ kỹ tất cả những lời dạy bảo trong “Giảng ký” để y giáo phụng hành, thật sự không dễ dàng. Cho nên, hậu học thử trích lục những lời khai thị quan trọng trong kinh, để dễ bề đọc tụng, khắc ghi trong lòng, ngày thường đối nhân, xử thế, tiếp vật, cố gắng mà tuân theo. Sau này lại nghĩ đến, những đạo hữu đồng môn Tịnh Tông, đa phần vì công việc bận rộn, rất khó có đủ thời gian để nghiên cứu, đọc tụng toàn văn “Giảng ký”. Cho nên, những khai thị quan trọng trong quyển sách nhỏ này, đối với những đại chúng chân chánh tu hành Tịnh độ mà nói, có thể giúp ích được đôi phần. Vì thế, hậu học không ngại thiển cận, lại chỉnh đốn phân loại, tập hợp thành sách, lấy tên là “Niệm Phật Thành Phật”. Xin trình lên cho Chu quán trưởng của thư viện Từ Quang để ấn hành, lưu thông rộng rãi.
Kính nguyện quyển sách nhỏ này có thể giúp đỡ thật sự những đồng tu, đại đức có duyên, được lìa khổ được vui, liễu sanh thoát tử, siêu Phàm nhập Thánh, xuất ly tam giới, vãng sanh Tây Phương, viên thành Phật đạo. A-Di-Đà Phật.
Đệ tử Tam Bảo Cư sĩ Diệu Âm Cẩn Thức.

Nhận xét

Bài đăng phổ biến từ blog này