Chương 6: Năm Khoa Mục Chủ Yếu Trong Việc Tu Học Phật Pháp

NHẬN THỨC PHẬT GIÁO
Nguyên Tác: Lão Pháp Sư Tịnh Không


I. Ba loại tịnh nghiệp

Đức Phật Thích-Ca Mâu-Ni đã dùng vô số phương tiện tùy thuận mọi căn cơ chúng sinh mà thuyết pháp. Tuy nhiên, bất luận phương tiện nào cũng không tách rời khỏi Đại viên mãn. Nói cách khác, mọi giáo pháp của Ngài đều lưu xuất từ tự tánh. Do đó, mọi pháp môn đều chân thực bình đẳng. Như tinh thần chủ bạn viên dung trong Kinh Hoa Nghiêm. Chẳng hạn, nếu như ta xem Đức Phật Thích-Ca Mâu-Ni là chủ, thì hết thảy chư Phật là bạn. Nếu ta xem Đức Phật A-Di-Đà là chủ thì Đức Phật Tỳ-lô-giá-na là bạn. Vị Phật nào cũng có thể là chủ và cũng có thể là bạn, vì chủ bạn viên dung.
Tinh thần chủ bạn viên dung cũng được áp dụng cho hàng Bồ-tát. Nếu như chúng ta nhận Bồ-tát Quán Thế Âm là bổn tôn thì chư Phật là bạn. Nếu như chúng ta nhận Bồ-tát Địa Tạng là bổn tôn thì Bồ-tát Quán Thế Âm là bạn. Kinh cũng như vậy. Nếu như chúng ta xem Kinh Vô lượng thọ là chủ thì hết thảy các kinh khác đều là bạn. Nếu như chúng ta xem Kinh Kim cương là chủ thì Kinh Vô lượng thọ, Kinh Hoa Nghiêm, Kinh Pháp Hoa đều là bạn. Tất cả các kinh điển và chư Bồ-tát đều bình đẳng từ tự tánh. Khi chúng ta chọn được pháp môn nào để tu tập rồi, chúng ta thường tự khen pháp môn của mình là đệ nhất; tuy nhiên, nói như thế không có nghĩa là các pháp môn khác dở hơn hoặc thấp kém hơn pháp môn mình đang tu. Nếu chúng ta quên điều nầy, chúng ta sẽ bị phạm một sai lầm rất nghiêm trọng, xem như là đã phạm giới. Giới gì? Đó là tự khen mình chê người.
Trong cương lĩnh tu tập, nên quán sát kỹ duyên khởi của Kinh Quán Vô lượng thọ.[1] Khi người thân của Vi-đề-hy[2] phu nhân bị hoạn nạn, bà chua xót thưa cùng Đức Phật: ‘Thế gian nầy tràn ngập khổ đau. Có một quốc độ nào không có khổ đau chăng? Con muốn sanh về cõi nước ấy.’ Đức Phật dùng năng lực thần thông chỉ bày cho bà thấy vô số cõi nước của chư Phật trong khắp 10 phương để cho bà chọn lựa. Bà phát nguyện sinh về cõi Tây phương Tịnh độ của Đức Phật A-Di-Đà, đó là cõi nước Cực lạc, và thỉnh cầu Đức Phật chỉ dạy pháp tu để được thành tựu bản nguyện.
Đức Phật dạy cho bà trước hết nên tu tập Ba loại tịnh nghiệp, đây là chánh nhân để thanh tịnh nghiệp chướng mà chư Phật trong ba đời quá khứ, hiện tại, vị lai đã tu tập và thành chánh quả. Do vậy, Ba loại tịnh nghiệp là nền tảng trọng yếu trong việc tu tập Phật pháp và là điều cốt yếu để thành tựu Phật quả.

1. Phước trời người

Là người Phật tử, trước tiên cần phải tu tập Ba loại tịnh nghiệp (Tịnh nghiệp tam phước). Chúng ta thường nghe trong kinh Đại thừa thường nói, ‘Thiện nam tử, thiện nữ nhân’. Cần có đủ những tiêu chuẩn nào để được gọi là Thiện nam tử, thiện nữ nhân? Đó là hội đủ 11 điều trong Ba loại tịnh nghiệp. Như vậy chúng ta thấy những tiêu chuẩn ấy rất cao. Thiện nam tử, thiện nữ nhân trong cõi trời và người thì chỉ cần tu tập Tịnh nghiệp thứ nhất là đủ. Trong kinh điển Nguyên thủy chỉ yêu cầu hành giả tu tập Tịnh nghiệp thứ nhất và Tịnh nghiệp thứ nhì là được; nhưng theo tinh thần Đại thừa, Thiện nam tử, thiện nữ nhân phải hội đủ cả Ba loại tịnh nghiệp. Như chúng ta thấy trong Kinh Địa Tạng và Kinh Vô lượng thọ, trong kinh dạy rằng người Phật tử phải sống đúng theo 11 điều trong Ba loại tịnh nghiệp.
Không thực hành dù chỉ một trong 11 điều thuộc Ba loại tịnh nghiệp đều chưa được gọi là Thiện nam tử, thiện nữ nhân. Bất luận Đức Phật giảng dạy điều gì, về phương pháp cơ bản để tu tập hoặc về chân lý của vũ trụ nhân sinh, tất cả đều tương ưng với Đại viên mãn, tất cả đều lưu xuất từ chân như tự tánh, tất cả các pháp đều là Đại viên mãn. Mười một điều trong Tam phước tịnh nghiệp đều là viên mãn trong từng câu chữ.
Phước nghiệp thứ nhất gồm:
1. Hiếu dưỡng cha mẹ.
2. Kính trọng bậc sư trưởng.
3. Tâm từ bi không sát hại mọi loài chúng sinh.
4. Tu tập mười thiện nghiệp.
Trước tiên hãy xem xét hai điều đầu tiên là hiếu dưỡng cha mẹ và tôn trọng sư trưởng. Chữ hiếu () trong tiếng Hán gồm hai phần, phần trên là chữ lão (), có nghĩa là thế hệ đã qua; phần dưới là chữ tử (), có nghĩa là thế hệ tương lai. Hàm ý biểu tượng cho thế hệ đã qua và thế hệ tương lai là một thực thể. Là một chứ không phải hai. Trong lối sống của người Tây phương hiện nay, còn tồn tại một khoảng cách giữa hai thế hệ khiến cho cha mẹ và con cái là hai thực thể chứ không phải một. Khoảng cách nầy đi ngược lại với đạo hiếu. Lòng hiếu kính với cha mẹ sẽ xóa khoảng cách ấy.
Quá khứ có chỗ trả về của nó, tương lai có riêng vị trí của nó. Quá khứ không có chỗ khởi đầu, tương lai không có chỗ kết thúc. Vô thủy vô chung nên vốn là nhất thể. Lòng hiếu đạo vượt hẳn thời gian và bao trùm cả không gian. Nói cách khác, chữ hiếu bao trùm cả hư không, khắp cả pháp giới. Vậy thì có ai là người thực hành viên mãn được đạo hiếu nầy? Chỉ có Đức Phật Như Lai mới có thẻ làm được. Nếu không chứng được Phật quả, thì chúng ta không thể nào thực hành đạo hiếu đạt đến mức Đại viên mãn.
Hiếu dưỡng có ý nghĩa rất sâu trong Phật pháp. Chữ hiếu chỉ cho lý tánh, chữ dưỡng chỉ cho đức hạnh. Không những chỉ lo phụng dưỡng, chăm sóc thân thể cho cha mẹ thôi, mà còn phải biết tồn dưỡng tâm chí của cha mẹ nữa. Càng lo hiếu dưỡng cha mẹ, chúng ta càng phát triển tâm từ bi đối với mọi người rộng lớn hơn. Như trong Giới kinh có dạy: “Hết thảy người nam là cha mình, hết thảy người nữ là mẹ mình”.[3] Là để phát tâm hiếu rộng lớn đến khắp mọi người trong tận hư không pháp giới. Đó được gọi là hiếu đạo.
Kinh điển Đại thừa Phật giáo kiến lập trên nền tảng hiếu đạo, vì đạo Phật là đạo được truyền thụ giữa thầy và đệ tử, nên lấy đạo hiếu làm nền tảng. Nếu không có hiếu đạo thì sẽ không có tinh thần tôn sư trọng đạo. Nếu có người không hiếu kính cha mẹ, thì làm sao họ lại cung kính bậc sư trưởng được. Chúng ta còn có ý định không được tốt; chẳng hạn, tâng bốc xu nịnh thầy giáo để được nhiều điểm. Việc ấy không phải là hiếu kính. Hiếu kính phải đi cùng với nhau. Cùng lúc hiếu thuận với cha mẹ, ta mở rộng lòng ra cùng hiếu thuận với tất cả chúng sinh và kính trọng sư trưởng. Chỉ khi nào nhận ra được chân lý nầy thì chúng ta mới thực sự hưởng được chân giá trị của hiếu đạo. Kinh Địa Tạng là hiếu kinh, cho nên chỉ khi nào chúng ta đối xử với cha mẹ bằng tâm hiếu kính thì chúng ta mới có thể khôi phục lại được kho báu vô giá từ trong tự tánh ta được.
Hiếu kính cha mẹ là công đức của tự tánh. Chỉ có công đức của tự tánh (tánh đức) mới khai phát được tự tánh. Đây là điều căn bản nhất trong Ba loại tịnh nghiệp. Người Trung Hoa rất kính trọng tổ tiên dù đã qua đời đã hằng trăm hàng ngàn năm. Nay họ vẫn tưởng niệm tổ tiên trong những ngày giỗ. Sao vậy? Vì tổ tiên với họ là một thực thể. Không có khoảng cách giữa họ và tổ tiên. Thành tâm tưởng nhớ tổ tiên là hoàn toàn tương ưng với tự tánh. Nếu chúng ta thành tâm tưởng nhớ và kính trọng tổ tiên, chắc chắn là chúng ta sẽ hiếu kính với cha mẹ. Khi chúng ta đã có lòng hiếu kính với cha mẹ rồi, chắc chắn chúng ta sẽ tôn kính các bậc sư trưởng. Đây là tác dụng to lớn của tánh đức.
Nếu như có người không tôn kính các bậc sư trưởng, không nghe lời thầy dạy, đó không phải là người học trò tốt. Làm cho cha mẹ buồn lòng; đó gọi là người bất hiếu. Lại nữa khi chúng ta không hòa mục với anh chị em trong gia đình, khiến cho cha mẹ không vui; đó cũng gọi là người bất hiếu. Khi ra làm việc cùng với người khác, nhất định phải có trách nhiệm và tuân theo pháp luật, đừng để cha mẹ phải mang tiếng bận lòng. Làm được như vậy là thực hành đúng đạo hiếu, đích thực là viên mãn tột cùng của tánh đức. Đức Phật dạy chúng ta học đạo khởi đầu từ điểm nầy. Đức Phật là bổn sư của chúng ta đã từ 3000 năm nay, nếu chúng ta đã tôn kính một bậc thầy từ quá khứ lâu xa như thế, tại sao chúng ta lại không tôn kính bậc thầy hiện nay của mình?
Khi chúng ta đảnh lễ trước tượng Phật, không có nghĩa là chúng ta cầu một vị thần linh giúp đỡ, mà chúng ta tôn kính ảnh tượng như là một biểu tượng của vị Bổn sư, do vậy nên chúng ta thể hiện lòng biết ơn đến ngài. Đó là lý do tại sao hàng Phật tử đảnh lễ tượng Phật cũng như lạy trước bàn thờ tổ tiên. Trong việc nầy có một ý nghĩa giáo dục rất lớn và sâu xa, là khi chúng ta chiêm ngưỡng thần vị của tổ tiên, khi chúng ta chiêm bái hình tượng của chư Phật và Bồ-tát, chúng ta càng nhớ đến bổn phận của mình là hiếu thuận với cha mẹ và tôn kính các bậc sư trưởng hơn.
Kinh Địa Tạng dạy chúng ta về lòng từ bi sau khi giải thích về Đại viên mãn. Từ bi là điểm thứ ba trong phước nghiệp thứ nhất về thuộc Ba loại tịnh nghiệp. Từ bi là công đức của tự tánh (tánh đức) và là một đề mục rất trọng yếu trong việc tu tập Phật pháp. Khi tâm hiếu đạo đối với cha mẹ và tôn kính sư trưởng được mở rộng thì biến thành tâm từ bi. Từ bi là không giết hại mọi loài. Điều nầy có ý nghĩa rất sâu. Nếu không thông suốt Kinh Địa Tạng, ta khó lòng nhận ra được ý nghĩa sâu mầu của việc không giết hại chúng sinh.
Trong tất cả các nghiệp ác, giết hại chúng sinh có hậu quả nghiêm trọng nhất. Sao vậy? Mọi chúng sinh đều có bản tính tham tiếc mạng sống của mình, ai cũng tham sống sợ chết. Tuy nhiên, sát sinh là oan nghiệp báo ứng nhau nhiều đời nay, nhưng nạn nhân hiện thời không biết về điều đó. Họ không nghĩ được rằng, ‘Trước đây mình đã giết người nầy nên bây giờ họ giết lại mình’. Nếu người bị giết hiểu được điều ấy thì họ sẽ không tức giận người đã giết mình. Thay vì vậy, họ lại nghĩ, ‘Bây giờ thì anh giết tôi, được rồi, sau nầy tôi sẽ giết anh để trả thù’. Sự trả thù nầy lặp đi lặp lại trong vòng luân hồi sinh tử vô tận, lòng sân hận càng chất chồng nhiều và mạnh hơn thêm.
Đây là điều nghiêm trọng nhất trong tất cả các nghiệp chướng, và đó là lý do tại sao chúng ta cần phải sớm tu tập tâm từ bi đối với tất cả mọi loài chúng sinh. Có vô số cách để tu tập tâm từ bi, nhưng trong Ba loại tịnh nghiệp, Đức Phật đặc biệt nhấn mạnh không sát hại chúng sinh. Nói cách khác, sát hại chúng sinh là hành vi cực kỳ bất hiếu đối với cha mẹ và bất kính đối với các bậc sư trưởng.
Đức Phật đã dạy chúng ta thực hành Năm giới, điều trước tiên của Năm giới cũng là điều trước tiên trong pháp tu Mười thiện nghiệp, đó là không sát hại chúng sinh. Nếu chúng ta vẫn còn tâm sát hại chúng sinh có nghĩa là chúng ta không làm theo lời Đức Phật dạy và đó là hành vi vô cùng bất kính. Sự bất kính nầy tương đương như bất hiếu với cha mẹ. Cũng vậy, nếu chúng ta không làm theo những lời dạy nầy, có nghĩa là chúng ta không có tâm từ bi và cũng chẳng có tâm hiếu đạo.
Điều thứ tư là tu Mười thiện nghiệp, đó là tiêu chuẩn của các thiện pháp trong thế gian. Các tôn giáo và các nền văn hóa lấy tiêu chuẩn nầy làm nền tảng. Đức Phật dạy chúng ta rằng nếu tu Mười thiện nghiệp nầy, chắc chắn không bị đọa vào ba đường dữ.[4] Thay vì vậy, chắc chắn sẽ được sinh vào cõi trời nếu chúng ta tu tập tinh chuyên. Nếu chúng ta tu tập được thiền định cùng với Tứ vô lượng tâm (từ, bi, hỷ, xả) thì chúng ta sẽ đạt đến cảnh giới cõi trời cao hơn như cõi trời Sắc giới hoặc cõi trời Vô sắc giới.
Mười thiện nghiệp nầy được xếp nầy thành ba phạm trù: thân, miệng, ý. Thân gồm ba điều: không sát sanh; không nói dối; không tà dâm. Đối với hàng xuất gia, Đức Phật dạy là ‘không dâm dục’. Bất luận tu tập pháp nào, công phu thiện hạnh đạt đến cỡ nào, định lực sâu đến mức nào đi nữa mà tâm tham ái chưa trừ sạch, thì chỉ được sinh ở cõi trời Dục giới. Cõi trời nầy có đến sáu tầng,[5] càng lên cao, tham ái càng nhẹ hơn.
Với người tinh cần chân chính tu hành, dù chỉ đạt đến Sơ thiền, họ cũng có thể hàng phục tâm tham ái rồi. Ở tầm mức định lực nầy, họ đã chuyển hóa toàn bộ ngũ dục: tài, sắc, danh, thực, thùy; khiến không còn một niệm sinh khởi tác dụng nữa. Tuy nhiên, vẫn chưa hoàn toàn trừ sạch hẳn. Nếu được như vậy, hành giả đã có đủ tư cách sinh vào cõi trời Sơ thiền trở lên. Hiểu được điều nầy rồi mới biết tu tập thiền định không phải là chuyên dễ. Khi nỗ lực công phu, chúng ta cần phải tự hỏi mình, ‘Ta có còn động tâm trước ngũ dục: tài, sắc, danh, thực, thùy hay không?’ Nếu còn động tâm khởi niệm trước ngũ dục, thì chẳng có phần chút phần nào ở cõi trời Sơ thiền. Nếu thực sự không còn động tâm, thì mới được gọi là thành tựu thiền định. Nên tuy nhiều người học thiền, nhưng đạt được mức thành tựu thiền định thì không được bao nhiêu. Người đạt được thiểu định (chưa đạt được chánh định) thì còn có vài người, nhưng người thực sự đạt được thiền định và sinh vào cõi trời Sắc giới thì không có mấy người.
Điều giới thứ hai là không trộm cắp. Chẳng hạn, ngày nay nhiều người thích tránh thuế lợi tức. Điều nầy cũng giống như ăn cắp công quỹ quốc gia và quả báo còn nghiêm trọng hơn ăn cắp tài sản cá nhân. Khi ta trộm lấy tài sản cá nhân, ta chỉ mắc nợ một người; nhưng khi ăn cắp tài sản quốc gia là ta đã mang một món nợ không thể nào trả nỗi vì như thế là ta đã ăn cắp và nợ của những người đã đóng thuế nhà nước. Chẳng hạn, Hoa Kỳ có dân số chừng hơn hai trăm triệu, là hai trăm triệu chủ nợ! Hãy tưởng tượng hệ quả to lớn của vấn đề! Do vậy, người tu hành chân chính là người hết lòng tôn trọng luật pháp và chịu những trách nhiệm chung. Người không vi phạm các giới sát hại chúng sinh, giới trộm cắp và giới tà dâm là người có được thân nghiệp thanh tịnh, đúng là người chân chính học Phật.
Khẩu nghiệp gồm có bốn điều: không nói dối (vọng ngữ), không nói hai chiều (lưỡng thiệt), không nói lời thô ác (ác ngữ), không nói lời hoa mỹ (ỷ ngữ). Nói dối là cố tình lừa gạt người khác, đó là điều không thành thực. Nói hai chiều là khơi động tính thị phi, trước mặt anh Ất thì nói: ‘Anh Giáp bảo anh không được tốt’. Trước mặt anh Giáp thì nói: ‘Anh Ất bảo anh không được tốt’. Nên đã làm cho hai bên giận trách nhau. Khi đã khơi động tính thị phi, dù cố tình hay vô ý đều phạm giới nói hai chiều. Trong xã hội ngày nay, nhiều người phạm phải việc nầy đến nỗi vấn đề bị bóp méo đi quá xa sự thực. Một câu chuyện hoặc nhận xét có thiện ý trở thành ngược lại chỉ sau khi được thêm thắt đôi điều qua cửa miệng vài người. Điều nầy có thể gây ra những hậu quả bất hòa nghiêm trọng giữa cá nhân và dẫn đến chiến tranh giữa các quốc gia. Nói lời thô ác là dùng ngôn ngữ thô lỗ, dùng lời mắng nhiếc, xỉ vả người khác, khiến người khác bất bình. Nói lời hoa mỹ có nghĩa là dùng những lời nói nghe rất êm tai và hấp dẫn những thường ẩn chứa những ý định xấu. Hãy nhìn những phim ảnh, ca nhạc và sân khấu ngày nay, xem qua thấy hay và đẹp nhưng nó lại khiến người ta hành động như thế nào? Nói dối, trộm cắp, giết hại.
Ý nghiệp gồm có ba điều. Ý nghiệp là do khởi tâm động niệm. Do khởi niệm ban đầu mà xếp vào ba loại chính: tham, sân, si. Lòng tham bao gồm cả keo kiệt bủn xỉn, không muốn cho người khác những gì mình có, không muốn chia xẻ kiến thức hiểu biết cho người. Điều nầy có thể trở thành chướng ngại lớn cho việc tu tập. Đức Phật dạy rằng bố thí là phương pháp để chuyển hóa tâm tham. Nhiều người có thể vượt qua được những cám dỗ thế gian, nhưng họ không thể hàng phục được tâm tham muốn thử tu cho được nhiều pháp môn. Hôm nay muốn thử tu pháp môn nầy, hôm sau muốn thử tu pháp môn kia. Đó cũng là dạng chưa đoạn được tâm tham. Đức Phật dạy chúng ta hãy đoạn trừ tâm tham, chứ không bảo chúng ta hóan đổi đối tượng tham luyến. Trước đây chúng ta tham thế gian pháp, nay chúng ta lại tham Phật pháp. Tâm tham vẫn còn y nguyên, điều ấy thật sai lầm. Nên đối với Phật pháp lẫn thế gian pháp đều không nên khởi tâm tham ái, vì tham ái là cội nguồn của hết thảy mọi tội chướng.
Kế đến là tâm sân hận. Lòng tham ái không được thỏa mãn sẽ biến thành tâm sân hận và điều nầy dẫn đến vô cùng phiền não. Tham, sân, si được gọi là Ba món độc phiền não. Xan tham là nghiệp nhân đưa đến quả báo làm ngạ quỷ. Do không chuyển hóa được lòng sân hận gây nên bởi không thỏa mãn lòng tham mà chúng sinh bị đọa vào địa ngục. Do ngu si, không có trí huệ mà chúng sinh bị đọa vào loài súc sanh. Phật pháp và pháp thế gian đều có cái thật cái giả, cái chính, cái tà, cái thiện cái ác. Người ngu si thì không thể nào phân biệt rõ được sự khác nhau ấy, nên vô tình hoặc cố ý, họ thường nhận lầm cái tà làm chánh, cái ác làm thiện.
Ba món độc phiền não này là chướng ngại nghiêm trọng nhất cho sự minh tâm kiến tánh. Đạo Phật, đặc biệt là Thiền tông, các vị cổ đức đều dạy chúng ta tu hành nên dụng công trực tiếp từ căn gốc, từ bổn tâm, có nghĩa là khi chúng ta đoạn trừ sạch tham, sân, si rồi thì chân tâm sẽ tự nhiên hiển lộ. Đó có nghĩa là tu tập trực tiếp từ bổn tâm.
Tu tập ba nghiệp từ thân, bốn nghiệp từ miệng và ba nghiệp từ ý, tất cả tạo thành Mười nghiệp lành. Nếu chúng ta hiếu dưỡng cha mẹ, tôn kính sư trưởng, từ bi không sát hại chúng sinh, tu tập Mười nghiệp lành, thì mới được gọi là bậc Thiện nhân ở trong thế gian. Tuy nhiên, còn khó mới được gọi là ‘thiện nam tử, thiện nữ nhân’ như trong kinh điển Phật dạy, vì tiêu chuẩn yêu cầu phải cao hơn bốn điều trên. Như thế mới biết tuân thủ theo bốn điều trên không phải là dễ. Thiện là tiêu chuẩn thấp nhất mà chúng ta phải nhận thức rõ đó là điều cần phải thực hành trong khi tu học.

2. Phước Nhị thừa

Phước nghiệp thứ hai là nội dung của giáo lý Phật pháp Tiểu thừa. Gồm có ba điều:
1. Quy y Tam bảo.
2. Nghiêm trì các tịnh giới.
3. Không phạm các oai nghi.
Chúng ta đều biết giáo lý Đại thừa được kiến lập trên nền tảng của giáo lý Tiểu thừa. Cách đây 1300 năm, Phật giáo Tiểu thừa được truyền đến Trung Hoa vào đời Tùy, Đường. Kinh điển được phiên dịch khá hoàn chỉnh (kinh văn tiếng Pāli chỉ có chừng 50 bộ). Nhưng chỉ thịnh thành được một thời gian ngắn. Đến cuối đời Đường thì Phật giáo Tiểu thừa suy vong. Lý do tại sao Phật giáo Tiểu thừa tại Trung Hoa lại thất truyền? Vào thời trước đó, giới học Phật phần nhiều đã có được nền tảng giáo lý Nho gia và Đạo gia (Đạo gia không phải là Đạo giáo) đủ để thay thế cho giáo lý Tiểu thừa. Thực tế là tư tưởng Nho gia và Đạo gia rất dễ tiếp cận với tư tưởng Đại thừa, do vậy nên người Trung Hoa tiếp nhận Đại thừa rất tự nhiên. Giới học Phật thời xưa đều đọc qua các sách Tứ thư, Ngũ kinh, và tư tưởng Lão Trang, nên họ thâm nhập tư tưởng Đại thừa rất vững vàng. Đó là một nguyên nhân khiến cho Tiểu thừa tiêu trầm. Ngày nay chúng ta tu học tư tưởng Đại thừa mà không đọc kinh điển Tiểu thừa và sách của Nho gia, Đạo gia; việc nầy cũng giống như xây nhà mà không để ý đến cơ cấu địa tầng, thậm chí tầng thứ nhất cũng không để ý, mà lại xây từ tầng hai. Việc như thế không nên làm vì đó là ‘xây lầu các trên không’. Đó là lý do tại sao chúng ta thấy có rất ít nhân tài trong Phật pháp xuất hiện ngày nay.
Phật giáo Tiểu thừa xây dựng trên nền tảng quả báo ở cõi trời và người, gồm hiếu dưỡng cha mẹ, tôn kính sư trưởng, thực hành tâm từ bi, tu Mười thiện nghiệp. Với nền tảng nầy, chúng ta hội đủ điều kiện để bắt đầu tu học Phật pháp. Để trở thành người Phật tử chân chính, sau khi đã có được nhận thức cơ bản về Phật pháp rồi, trước tiên chúng ta cần phải cầu thỉnh một vị Thầy để truyền pháp Quy y Tam bảo Phật, Pháp, Tăng. Được truyền thọ pháp Tam quy y là việc rất long trọng, nghiêm túc chứ không phải là việc nhỏ. Chúng ta thể hiện tâm quy ngưỡng Đức Phật Thích-Ca Mâu-Ni và phát nguyện thực hành theo lời dạy của ngài cho đến trọn đời. Từ đây chúng ta có được nguyên tắc tối cao làm tiêu chuẩn để tu sửa hành vi, tư tưởng và lời nói của mình.
Quy Tam bảo là quy y Phật, quy y Pháp, và quy y Tăng. Thời xưa mọi người đều thông hiểu ý nghĩa của Tam bảo. Tuy nhiên, ngày nay nhiều người hiểu sai lạc ý nghĩa nầy. Khi nghe quy y ‘Phật’, họ nghĩ ngay đến pho tượng. Khi nghe đến quy y ‘Pháp’, họ nghĩ ngay đến cuốn kinh. Nghe quy y ‘Tăng’, họ nghĩ ngay đến quý Thầy, quý ni cô. Lục tổ Huệ Năng của thiền tông đã tiên liệu người đời sau sẽ hiểu sai lạc về ý nghĩa Tam bảo. Do vậy nên khi ngài giảng, Lục tổ không dùng từ Phật, Pháp, Tăng. Thay vì vậy, ngài dùng từ quy y Giác thay cho quy y Phật, quy y Chính thay cho quy y Pháp, quy y Tịnh thay cho quy y Tăng. Đó là chỗ y cứ chủ yếu của người tu hành chúng ta. Chủ yếu là quy y tự tánh giác, tự tánh chính, và tự tánh tịnh. Đó được gọi là Tự tánh Tam bảo. Đây chính là chỗ quy y chân thực của chúng ta. Nếu ban đầu mà chúng ta bị lầm lạc theo một cá nhân nào đó, thì sẽ còn bị lầm lạc mãi về sau. Như vậy làm sao có thể thành tựu được đạo nghiệp?
Đầu tiên là quy y Phật. Thế nào có nghĩa là ‘Quy y’? Quy có nghĩa là quay về; y có nghĩa là nương tựa. Chúng ta vốn từ nhiều kiếp xưa nay luân hồi sinh tử trong sáu đường, chẳng có nơi quay về để nương tựa, thật đáng thương xót. Đó là do chúng ta không gặp được thiện tri thức, không gặp được Phật. Nay chúng ta đã gặp được Đức Phật chỉ cho con đường từ mê hoặc điên đảo quay về nương tựa vào Tự tánh giác. Vì tự tánh xưa nay vốn là giác ngộ sáng suốt. Nên quy y Phật không có nghĩa là quy y ông Phật bên ngoài, mà đó là quy y Tự tánh Phật. Tịnh độ tông thường dạy: ‘Tự tánh Di-đà, duy tâm tịnh độ’. Đức Phật A-Di-Đà, Đức Phật Thích-Ca Mâu-Ni, và chư Phật trong 10 phương ba đời thảy đều biến hiện từ tự tánh Phật. Do vậy, chính là chúng ta quay về nương tựa vào tự tánh Phật hay là tự tánh giác. Nên từ giờ trở đi, chúng ta phải tỉnh giác chứ đừng mê trở lại nữa, mới được gọi là chân chính quy y. Nếu như chúng ta đã quy y Phật rồi, mà còn mê hoặc điên đảo, có nghĩa là chỉ quy y cho có danh mà vô thực, thì chẳng được các vị Hộ pháp gia hộ, chẳng được sự cảm ứng. Nên chúng ta phải nhận thức thật rõ ràng về ý nghĩa quy y tự tánh giác.
Kế đến chúng ta quay về nương tựa vào Pháp. Pháp là cái nhìn về vũ trụ nhân sinh hoàn toàn phù hợp với chân tướng. Đó là tư tưởng và kiến giải chính xác, đúng đắn nhất. Trong kinh Phật gọi đó là ‘chánh tri chánh kiến’ hoặc là ‘Phật tri Phật kiến’. Đó là pháp bảo của tự tánh, không phải từ bên ngoài mà có mà chính là vốn có sẵn từ tự tánh. Đức Phật dạy chúng ta từ cách nhìn, cách suy nghĩ sai lầm nay hãy quay về nương tựa vào chánh tri chánh kiến của Tự tánh giác. Đây chính là quy y Pháp. Đức Phật dạy, đừng tin theo ngài một cách mù quáng mà mình hãy dũng mãnh làm một con người tự chủ độc lập, chính mình hãy thể nghiệm chân lý.
Tiếp theo chúng ta quay về nương tựa vào Tăng. Tăng là biểu tượng cho sự thanh tịnh của sáu giác quan: mắt, tai, mũi, lưỡi, thân, ý. Khi sáu giác quan (căn) tiếp xúc với ngoại cảnh (trần) liền phát sinh sáu thức phân biệt. Phần nhiều sáu giác quan chúng ta bị ô nhiễm khi chúng tiếp xúc với sáu trần. Nếu thấy hài lòng, chúng ta liền khởi tâm tham, đó là tâm ô nhiễm. Khi có điều gì không hài lòng, ta nổi tâm sân hận, đó cũng là tâm ô nhiễm. Nên nhớ rằng ngũ dục: tài, sắc, danh, thực, thùy và thất tình: hỷ, nộ, ai, lạc, ái, ố, dục đều là tâm ô nhiễm. Đức Phật dạy chúng ta rằng tự tánh xưa nay vốn thanh tịnh không chút nhiễm ô. Nay chúng ta nên từ những nhiễm ô này quay về nương tựa vào tâm thanh tịnh của chính mình, đó chính là quy y Tăng.
Tóm lại, quy y Phật có nghĩa là tỉnh giác, không còn mê nữa. Quy y Pháp là có nhận thức đúng đắn. Quy y Tăng có nghĩa là thanh tịnh, không nhiễm ô. Đây là Tam bảo của tự tánh mà Đức Phật dạy chúng ta nên tu tập. Đó là Giác, Chánh và Tịnh. Từ nay trở đi chúng ta nên từ bỏ những tập khí trong quá khứ, quay về nương tựa vào Tam bảo. Từ đó, suy nghĩ, hành động, lời nói của chúng ta đều được chân chính.
Khi chúng ta đã quy y một trong Tam bảo, có nghĩa là chúng ta đã đạt được cả hai phương diện kia. Hãy nghĩ xem. Có thể nào một người đã giác ngộ mà còn có những suy nghĩ sai lầm? Làm sao mà người có tâm ô nhiễm và kiến giải sai lầm mà giác ngộ được? Đức Phật chỉ dạy cho chúng ta ba nguyên tắc để khai mở tự tánh vốn có trong mình và để chứng được Phật quả. Cũng tương tự như ngôi chùa có cổng tam quan, chỉ cần ta bước qua một cửa là đã vào được bên trong rồi!
Thiền tông Phật giáo dùng phương pháp đốn ngộ để khai mở tự tánh. Tuy nhiên, chỉ những hành giả có căn cơ cao và tâm thanh tịnh mới theo được pháp tu nầy. Chẳng hạn, Lục tổ Huệ Năng của thiền tông thường chỉ dạy cho những đệ tử có căn cơ nhạy bén nầy.
Các tông phái khác như Tông Thiên Thai, Hoa Nghiêm, Tam Luận, Pháp tướng tông thường dùng những phương pháp tu tập chính kiến để có được tư tưởng, việc làm chân chính theo những nguyên tắc hướng dẫn trong kinh điển. Tức là từ ‘Chính’ mà đi vào. Tuy nhiên, pháp tu nầy đòi hỏi sự tinh cần công phu qua thời gian dài và phải nghiên cứu rất nhiều kinh luận.
Tịnh độ tông và Mật tông[6] lại chú trọng đến ‘Tịnh’ để nhập đạo, có nghĩa là làm cho tâm ý thanh tịnh. Vào thời mạt pháp, hai pháp môn này rất thích hợp để tu hành. Tuy nhiên, Tịnh độ tông không cần thiết đòi hỏi phải là người có căn cơ bậc cao mới tu được và không cần thời gian lâu dài. Do pháp môn nầy chú tâm vào niệm danh hiệu Phật để được tâm ý thanh tịnh nên dễ thực hành và dễ thành tựu hơn là Mật tông. Lại nữa, các cánh cửa dẫn vào đạo tràng tuy khác nhau, nhưng những cánh cửa ấy đều là lối vào. Do vậy, các pháp môn đều bình đẳng và đều là ba phương pháp đưa đến giác ngộ (Giác), hiểu biết Chân chính (Chính) và hoà hợp, thanh tịnh (Tịnh).
Do vậy, chúng ta cần phải có được sự hiểu biết đúng đắn và rõ ràng về Tam bảo tự tánh, phải biết chọn pháp môn căn bản để tu. Bằng cách nầy mới được gọi là chân thật quy y. Ngược lại, chúng ta vẫn còn mê mờ về sự quay về và không biết mình thực sự nương tựa vào đâu?
Dù bây giờ chúng ta đã có phần hiểu biết hơn về Tam bảo, nhưng chúng ta vẫn còn mơ hồ không biết thực hành ra sao trong đời sống hằng ngày. Mỗi pháp môn đều có những biểu tượng riêng về Tam bảo. Chẳng hạn như trong tông Hoa Nghiêm, Đức Phật Tỳ-lô-giá-na biểu tượng cho ‘Phật’ bảo, Kinh Hoa Nghiêm biểu tượng cho ‘Pháp’ bảo, Bồ-tát Văn-Thù Sư-Lợi và Bồ-tát Phổ Hiền và 41 vị Đại Bồ-tát là biểu tượng cho ‘Tăng’ bảo. Đó là những biểu tượng mẫu mực cho chúng ta y cứ mà tu học.
Tam bảo theo Tông Thiên Thai gồm Đức Phật Thích-Ca Mâu-Ni biểu tượng cho ‘Phật’ bảo, Kinh Pháp Hoa biểu tượng cho ‘Pháp’ bảo, các vị Bồ-tát đề cập trong kinh biểu tượng cho ‘Tăng’ bảo.
Tam bảo theo Tịnh độ tông gồm Đức Phật A-Di-Đà biểu tượng cho ‘Phật’ bảo, Kinh Vô lượng thọ cùng bốn bộ kinh khác và một bộ luận biểu tượng cho ‘Pháp’ bảo, Bồ-tát Quán Thế Âm, Bồ-tát Đại Thế Chí, Bồ-tát Văn-Thù Sư-Lợi và Bồ-tát Phổ Hiền biểu tượng cho ‘Tăng’ bảo.
Chúng ta học lòng từ bi từ Bồ-tát Quán Thế Âm và học tinh thần tu tập chuyên nhất từ Bồ-tát Đại Thế Chí. Chương ‘Pháp tu niệm Phật viên thông của Bồ-tát Đại Thế Chí’ trong Kinh Thủ Lăng Nghiêm chỉ cho chúng ta cách mà Bồ-tát Đại Thế Chí đã chuyên tâm tu tập pháp môn niệm danh hiệu Phật từ khi quy y Tam bảo cho đến khi được giác ngộ. Ngài dạy chúng ta phương pháp niệm Phật đúng đắn là thu nhiếp sáu căn và nhất tâm chuyên niệm danh hiệu A-Di-Đà Phật không gián đoạn.[7] ‘Không nghi ngờ, không ỷ lại những phương tiện khác, chắc chắn tâm sẽ được khai ngộ’.[8]
Niệm danh hiệu liên tục có nghĩa là niệm câu nầy đến câu khác không gián đoạn. Đó là bí quyết niệm Phật mà Bồ-tát Đại Thế Chí dạy cho chúng ta, là ‘không hiệp ly, không hoài nghi, không gián đoạn’.
Cư sĩ Hạ Liên Cư[9] có viết trong cuốn ‘Yếu quyết tu tập Tịnh độ[10] rằng Bồ-tát Đại Thế Chí là Sơ tổ của pháp giới. Vừa đọc qua, cuốn sách nầy làm cho tôi thích thú vô cùng vì trước đây chưa có ai nghĩ được như vậy. Sau khi hiểu được ý cư sĩ muốn nói, tôi càng thán phục ông ta. Vì trong khắp pháp giới nầy, Bồ-tát Đại Thế Chí là vị Bồ-tát đầu tiên chuyên tâm tu tập pháp môn niệm danh hiệu Phật.
Khi Đức Phật Thích-Ca Mâu-Ni thị hiện ở cõi Ta-bà nầy, bộ kinh Ngài giảng đầu tiên là Kinh Hoa Nghiêm. Trong pháp hội nầy, Bồ-tát Phổ Hiền phát Mười đại nguyện dẫn dắt chúng sinh quy hướng về cõi Tây phương Cực lạc. Như vậy Bồ-tát Phổ Hiền là Sơ tổ của Ta-bà thế giới. Đến đời Đông Tấn, Kinh Vô lượng thọ truyền đến Trung Hoa, Đại sư Huệ Viễn ở núi Lô sơn lập nên đạo tràng gồm 123 người chuyên tu niệm Phật, nay đã được 1600 năm. Họ chỉ chuyên hành trì theo Kinh Vô lượng thọ và chuyên niệm danh hiệu Đức Phật A-Di-Đà. Do vậy, ba vị tổ thành lập Tịnh độ tông là Bồ-tát Đại Thế Chí, Sơ tổ của pháp giới; Bồ-tát Phổ Hiền, Sơ tổ của thế giới Ta-bà và Đại sư Huệ Viễn của Trung Hoa.
Khi tôi đến hoằng pháp ở Hoa Kỳ, thầy tôi là Lão sư Lý Bỉnh Nam[11] có căn dặn rằng nên truyền bá Tịnh độ tông vào các nước phương Tây. Tôi lập một đạo tràng tại Dallas, Texas và đặt tên là ‘Hoa Nghiêm Liên xã’, giống như tên đạo tràng ở Đài Loan, nơi tôi đã giảng Kinh Hoa Nghiêm suốt 17 năm. Khi thỉnh tượng Đức Phật A-Di-Đà, Bồ-tát Quán Thế Âm, Bồ-tát Đại Thế Chí từ Trung Hoa về thì thấy các pho tượng quả nhỏ, chỉ cao 4 thước, so với chánh điện cao 21 thước. Tôi liền nghĩ ra tốt hơn nên có một bức tranh thật lớn họa Tam thánh Tây phương để biểu tượng cho sự kiện Tịnh độ tông được truyền bá đến các nước Tây phương.
Lần nầy trước khi có việc phải rời Hoa Kỳ một ngày, có người gởi đến tặng một quyển Phật tượng, ước nguyện rằng tượng Phật sẽ được vẽ ở ngôi chánh điện tại Dallas. Tôi chẳng biết người gởi tặng là ai, cũng chẳng biết nhờ ai vẽ, may nhờ có Cư sĩ Giản Phong trong cơ quan hội đứng ra lo liệu. Khi đến xem, thấy bức tranh sơn dầu vẽ Tam thánh Tây phương, Đức Phật A-Di-Đà, Bồ-tát Quán Thế Âm, Bồ-tát Đại Thế Chí thật là bất khả tư nghì! Đức Phật A-Di-Đà có nét mặt của người Ấn Độ, Bồ-tát Quán Thế Âm có nét mặt của người Trung Hoa, Bồ-tát Đại Thế Chí có nét mặt của người Mỹ. Thật là cảm ứng đạo giao. Người cúng dường đã có cùng ước nguyện như tôi. Hình tượng Bồ-tát Đại Thế Chí, Sơ tổ của pháp giới có nét mặt người Mỹ, biểu tượng cho vị Sơ tổ đã đến nước nầy, chân thực nói lên Tịnh độ tông đã được truyền bá đến đây. Từ đó, Tịnh độ Học Hội[12] do Lão cư sĩ Hạ Liên Cư đề xướng được thành lập. Lần nầy không phải ở Trung Hoa mà ở tại Dallas, Mỹ quốc.
Trú trì thế gian Tam bảo còn được biểu tượng qua ảnh tượng chư Phật, kinh điển và chư Tăng ni. Các biểu tượng ấy nhắc nhở cho chúng ta hãy quay về nương tựa vào Tam bảo tự tánh. Khi chúng ta nhìn thấy tượng Phật, sẽ nhắc nhở chúng ta hãy tỉnh giác chứ đừng mê mờ trong khi ứng xử với mọi người. Nếu không có sự nhắc nhở hằng ngày nầy, chúng ta dễ bị vướng mắc mãi trong những ham muốn thế gian.
Hằng ngày chúng ta tụng kinh không phải là cầu công đức của chư Phật và Bồ-tát, mà xem đó như là lời nhắc nhở của người khác về cách tu tập tâm ý và cách đối nhân xử thế của mình. Hãy biến Kinh Vô lượng thọ thành tư tưởng, lời nói, việc làm của mình hằng ngày. Đó chính là Pháp bảo.
Hình ảnh của chư Tăng ni, là những người xuất gia, dù họ có an trú trong giới luật hay không, đều nhắc nhở cho chúng ta sự thanh tịnh của sáu căn. Thanh tịnh không bị nhiễm ô, đó là công đức của người xuất gia. Đó chính là công đức lợi ích của trú trì thế gian Tam bảo đối với chúng ta. Nên hiểu rằng quy y không phải là quy y cá nhân một Pháp sư nào đó. Pháp sư chỉ là một vị Tăng đại biểu cho Tăng đoàn, là người hiểu rõ ý nghĩa pháp Tam quy và truyền thọ cho chúng ta, dạy cho chúng ta biết từ nay trở đi phải nên nương vào ‘chánh, giác, tịnh’ mà tu hành. Điểm quy hướng của Phật pháp là trí huệ, là trí huệ Đại viên mãn, là Tự tánh Đại viên mãn. Tu tập theo Phật pháp là tu ‘chánh, giác, tịnh.’ Giác có nghĩa là không mê, Chánh là không tà. Tịnh là không ô nhiễm. Nhưng chúng ta dùng phương pháp nào để tu?
Mặc dù có rất nhiều, có đến tám vạn bốn ngàn, vô lượng vô biên pháp môn. Pháp là phương pháp. Môn là cách thể nhập.[13] Bất luận dùng phương pháp nào, bất luận dùng cách nào, đều phải tu ‘chánh, giác, tịnh’. Nếu không tu ‘chánh, giác, tịnh’, thì đó chẳng phải là Phật pháp. Do vậy, pháp môn tuy nhiều, nhưng mục tiêu đều giống nhau, các con đường khác nhau đều dẫn về một mục đích. Các pháp môn đều bình đẳng, không có cao thấp. Chúng ta tu tập theo Tịnh độ tông thì không nên phê phán những người tu theo Mật tông, Thiền tông hoặc các tông khác. Vì sao? Vì mục đích của các pháp môn ấy đều giống như pháp môn mình đang tu, chỉ khác là họ theo phương pháp không như mình. Giống như khi ta đi xe buýt và người khác thích đi bộ. Ta không thể nói rằng họ sai khi mọi con đường đếu dẫn đến mục đích. Họ có tự do để lựa chọn. Khi tôi ở Huntsville, bang Alabama, một học trò hỏi tôi: ‘Con bối rối vì quá nhiều pháp môn. Thầy khuyên con nên chọn phương pháp nào?’ Lúc ấy có một trái bóng đang nằm đó. Tôi chỉ trái bóng và giải thích: “Hãy nhìn trái bóng kia, trên bề mặt nó có vô số điểm cũng giống như có vô lượng pháp môn tu. Giáo lý là vấn đề tìm ra tâm điểm trái bóng. Anh có thể tìm đến tâm điểm trái banh từ bất kỳ một điểm nào trên mặt trái bóng miễn là anh theo một đường thẳng. Không cần đến hai hoặc ba điểm. Ngạn ngữ xưa có câu: ‘Cứ theo đường thẳng là về đến nhà, khỏi cần đi loanh quanh’.” Anh ta hiểu ngay tu học Phật pháp là để nhận ra chân tâm. Khi giác ngộ rồi thì đạt đến cái toàn thể. Do vậy, bất luận chọn pháp môn nào, bí quyết là ở tinh chuyên. Chỉ cần siêng năng tu tập là chắc chắn có ngày thành tựu, sẽ được định, sẽ có huệ, sẽ chứng được tự tánh Đại viên mãn, khiến cho tự tánh tròn đầy hiển lộ.
Công đức thế gian trú trì Tam bảo đối với chúng ta rất to lớn là do vậy. Chư Tăng ni là Tăng bảo, chúng ta nên kính trọng. Chúng ta có thể học hỏi từ những vị có hạnh thanh tịnh cũng như những vị không tuân thủ giới luật và nguyên tắc tu tập. Chúng ta lấy những vị có hạnh thanh tịnh làm mẫu mực và xem những vị sau như là một ví dụ để tránh.
Nếu chúng ta chưa hiểu được quy y Tam bảo không có nghĩa là theo một cá nhân nào đó thì sẽ dẫn đến một hậu quả rất nghiêm trọng, vì chúng ta sẽ bị đọa vào địa ngục A-tì. Sao vậy? Vì cùng tận hư không, khắp cả pháp giới, vốn chỉ có một tăng đoàn, là một thể thống nhất. Tăng đoàn mà chúng ta đang quy y trong cõi giới nầy là một phần của toàn thể thống nhất nầy. Nếu chúng ta quy y và theo chỉ một vị Tăng hoặc Ni, rồi xem vị đó như là thầy duy nhất của mình rồi không còn kính trọng ai khác nữa, làm như vậy có nghĩa là ‘chia thành bè phái, phân hóa tăng đoàn’. Việc ấy được ghép vào tội ‘phá hòa hợp Tăng’. Theo Giới kinh, đó là một trong năm tội ngũ nghịch,[14] quả báo sẽ bị vào địa ngục A-tì. Năm tội ngũ nghịch là: giết cha, giết mẹ, giết Bồ-tát, A-la-hán, làm thân Phật chảy máu và phá hòa hợp Tăng. Vậy nên rất tệ hại khi chỉ chọn một vị Tăng, ni để quy y chứ không chịu quy y toàn thể Tăng bảo.
Lại nữa, chúng ta chỉ cần quy y một lần. Sẽ không thành tựu điều gì cả nếu lúc nầy quy y vị nầy, hồi khác quy y vị kia. Chúng ta có thể nghĩ rằng sẽ có được nhiều sự hỗ trợ nếu theo nhiều Tăng ni, nhưng hãy nhớ câu: ‘Phật đất qua sông, còn khó giữ được mình, làm sao độ được người khác’. Chỉ có quy y tự tánh Tam bảo thì mới chân thật được chư Phật hộ niệm, thiện thần giúp đỡ. Trong số quý vị có mặt hôm nay nếu ai đã quy y mà chưa được hiểu rõ, nay đã nhận thức được rõ rồi thì có thể quy y tự tánh Tam bảo ‘chánh, giác, tịnh’.
Điều thứ sáu trong Ba loại tịnh nghiệp là nghiêm trì các tịnh giới và luật nghi. Trong tất cả các luật nghi, quan trọng nhất là năm giới căn bản. Thầy tôi trước đây, Chương Gia Đại sư[15] có nói: ‘Tam quy và Ngũ giới rất là cần thiết cho tu tập Phật pháp, quý vị cần phải gìn giữ trong mọi lúc’, và Ngài nói thêm, ‘Cũng giống như vé xe lửa để đi từ Bắc Đài Loan đến Nam Đài Loan. Từ khi quý vị lên tàu cho đến khi đến nơi, quý vị phải giữ vé ấy. Không được để mất, vì phải trình ra khi quý vị rời ga. Giữ gìn Tam quy Ngũ giới cũng giống như giữ tấm vé ấy vậy’. Ngài còn dạy thêm nếu chúng ta tách rời quy y Tam bảo và giới luật, thì chúng ta sẽ không còn là học trò của Đức Phật nữa.
Năm giới là không sát sinh, không trộm cắp, không tà dâm, không nói dối và không uống rượu. Bốn điều đầu tiên được gọi là ‘tánh tội’.[16] Bất luận chúng ta có thọ giới hay không thọ giới, khi phạm các điều nầy đều là có tội. Không thể nói rằng ai chưa thọ giới thì không có tội khi phạm các điều nầy. Còn người đã thọ giới rồi mà còn phạm các giới nầy được xem là phạm tội phá giới.
Tuy nhiên, giới uống rượu và dùng các chất kích thích thì lại khác. Người chưa thọ giới thì không có tội khi uống rượu. Tuy nhiên, người đã thọ giới rồi mà uống rượu thì sẽ phạm giới nầy. Mục đích của giới này là ngăn ngừa cho ta khỏi phạm bốn tánh giới đầu tiên khi bị ảnh hưởng các chất nầy. Nên điều nầy gọi là ‘giá giới’. Đây là ví dụ vì sao ta cần phải thông hiểu mục đích chế giới của Đức Phật cùng những  tác dụng và lợi lạc của giới.
Vậy nên khi phát tâm thọ giới, cần thiết phải cầu thỉnh một vị Pháp sư giảng giải tường tận về các giới điều, sau đó mình mới biết cách hành trì và cách giữ giới. Tuyệt đối không được tự mình xem các điều giới trong sách luật rồi tự cho đó là trì giới. Phải nên tìm hiểu để biết chính xác rằng khi Đức Phật chế định một điều giới nào là đều có dụng ý tại một địa phương nào đó. Phải biết điều giới nào đối với việc tu học của chúng ta rốt ráo có được lợi ích công đức nào? Nên biết mỗi điều giới đều có ‘khai, giá, trì, phạm’. Trong tình huống nào thì giới ấy được ‘khai’ mà không xem là ‘phạm’? Trong tình huống nào thì giới ấy phải được ‘trì’ (tuân thủ) mà không được ‘khai’? Thế nào được gọi là ‘trì’, Thế nào được gọi là ‘phạm’? Chúng ta phải thông hiểu rõ ràng. Hiểu rõ giáo lý như thế mới có thể biết cách ứng dụng vào sinh hoạt hằng ngày mà không bị giới luật ràng buộc.
Một số người than phiền rằng có quá nhiều điều giới khiến cho ta dễ phạm. Nói như thế là họ không muốn thọ trì giới luật. Đó là lý do tại sao có nhiều người thích đọc hoặc thích nghe giảng kinh trong khi không thích giữ giới. Chúng ta nên biết rằng giới luật hướng dẫn cho hành vi của chúng ta và là công hạnh của chư Phật. Giới luật là chỗ hành trì của chư Phật, nếu không hành trì giới luật, thì chẳng phải Phật pháp. Nếu không có lễ, Nho gia đã bị tiêu vong rồi. Nếu không có giới luật, Phật pháp đã đoạn diệt rồi. Chỉ tụng kinh suông mà không tu tập theo kinh điển thì chẳng được lợi ích chân thực. Nên trình độ học vấn chân thực là ở chỗ thực hành. Sự thực hành trong Phật pháp chính là giới luật. Giới luật là quy phạm sinh hoạt đưa đến sự giác ngộ chân chính.
Khi Đức Phật còn tại thế, trong mọi sinh hoạt giảng kinh, thuyết pháp hằng ngày, ngài đều tỏa ra niềm an lạc và bao dung. Chính nhờ niềm an lạc và năng lực ấy mà thu hút được mọi người để giúp họ đến với Phật pháp. Phật pháp tuyệt nhiên không phải là cái gì đó ràng buộc, mà đem đến cho con người niềm vui và an lạc. Sự chế định giới luật là để chỉ cho chúng ta con đường chân chính dẫn đến sự an lạc và cuộc sống thanh thản. Ngày nay có nhiều Pháp sư giảng kinh, nhưng Pháp sư giảng giới luật thì rất ít, gần như chẳng có ai. Tương tự như vậy, người nghe giảng kinh thì nhiều, nhưng người nghe giảng giới luật thì rất ít. Sao vậy? vì nghe nói làm điều này là phạm tội, làm điều kia là đọa địa ngục, nên nghe lần thứ nhất, lần thứ hai không đến nữa, qua ba ngày thì chẳng còn ai nghe. Thật ra giới luật rất là viên mãn, ở chỗ chúng ta phải biết thông hiểu tường tận những điểm ‘khai, giá, trì, phạm’ để vận dụng linh hoạt. Giới luật không phải là những tín điều chết cứng.
Ở Đài Trung có Lão sư Lý Bỉnh Nam, là vị thầy trước đây của tôi. Ngài sống rất thanh đạm nhưng đầy an lạc. Đã mấy chục năm này, ngày chỉ ăn một bữa, nhưng bất kỳ khi nào được mời đi ăn buổi chiều, ngài liền nhận lời. Có vài lần, ngài bảo tôi cùng đi; vì tôi đã giữ giới không ăn chiều nên thấy rất lúng túng. Ngài vốn đã biết tôi chỉ ăn một bữa trong ngày, nhưng vẫn ôn tồn bảo: ‘Cứ đi với tôi! Cứ đi với tôi!’ Sau đó, ngài giải thích: ‘Với suy nghĩ ấy, ông không thể nào làm lợi lạc được cho nhiều người. Sao vậy? Vì muốn giúp họ, ông phải làm cho họ vui. Ăn chiều không phải là phạm giới mà chính là ‘khai’ giới. Họ mời mình với ý định tốt, nếu mình không đến, họ sẽ cho rằng mình không quan tâm đến tình người. Không những họ khước từ Phật pháp, mà còn nói với người khác là những người học Phật là cao ngạo và xem thường kẻ khác. Có thể họ sẽ bảo người khác xa lánh Phật pháp. Thế nên ông làm mất cơ hội cho nhiều người được biết đến Phật pháp. Điều ấy chẳng khác nào khiến họ tạo nghiệp xấu hay sao!’
Do vậy, ngài đã không phạm giới, ngài con ‘khai’ giới với ý nghĩa là cho người khác sanh tâm hoan hỷ, để giúp cho họ hiểu được Phật pháp tùy theo hoàn cảnh sống của họ. Khi chúng tôi đến, chủ nhà xin lỗi, ‘Chúng con rất ân hận không biết là Lão sư không ăn chiều’. Chủ nhà rất cảm động khi Lão sư đã đáp lời mời. Chúng ta thấy Phật pháp rất uyển chuyển. Tuy nhiên, sẽ hoàn toàn khác nếu như Lão sư hoặc người nào đó đã phát nguyện giữ giới nầy mà còn muốn ăn chiều. Lâu nay tôi theo lời dạy của Sám Vân Pháp sư trì ngọ (ăn ngày một bữa) rất nghiêm. Khi sang Đài Trung theo Lão sư Lý Bỉnh Nam học kinh luận, tôi tiếp nhận thêm được những giáo huấn rất lợi lạc cho sự học đạo về sau.
Cách đây nhiều năm khi tôi còn nhỏ, có người bạn kể cho tôi nghe về cuộc đời anh ta. Chuyện xảy ra vào thời kháng chiến chống Nhật Bản xâm chiếm Trung Hoa. Sau khi Nam Kinh thất thủ, anh ta và hai người nữa bị quân Nhật truy đuổi. Cả ba chạy trốn trong một ngôi chùa do một Lão Hòa thượng trú trì. Lão Hòa thượng cạo tóc cho cả ba người rồi lấy y phục của chư tăng cho họ mặc. Khi lính Nhật Bản tìm đến chùa, họ không thể nào tìm được ba người đang trốn nên bỏ đi. Ba người ấy đã được cứu thoát.
Khi chiến tranh chấm dứt, người bạn ấy trở lại Nam Kinh để đền đáp ơn cứu mạng. Họ mời Lão Hòa thượng đến dự một buổi tiệc rất sang trọng. Lão Hòa thượng thấy bàn tiệc chất đầy thịt gà, vịt, heo, cá. Đến đây họ mới chợt nhớ là Lão Hòa thượng ăn chay! Họ rất bối rối về lỗi lầm của họ và không biết nói sao. Nhưng Lão Hòa thượng xem như không có gì xảy ra và thản nhiên cầm đũa rồi mời mọi người ngồi vào bàn. Cả ba người đều rất xúc động.
Có phải Lão Hòa thượng đã phá giới chăng? Không! Ngài xử sự như trong kinh dạy, ‘Từ bi là gốc, phương tiện là pháp môn’. Ngài đã vận dụng điều thứ nhất trong Tứ vô lượng tâm (từ, bi, hỷ, xả) để làm cho người khác sanh tâm hoan hỷ. Ba người kia xúc động vì phong cách ứng xử của Lão Hòa thượng khi ngài đã không quở trách họ. Ngài đã ứng xử theo cách mà các vị Bồ-tát đã vận dụng các pháp môn để cứu độ chúng sinh. Nếu Lão Hòa thượng tức giận, ngài sẽ phá tan lòng mến mộ Phật pháp nơi ba người ấy, nhưng ngài thừa trí huệ để vận dụng cơ hội nầy mà giáo hóa họ. Chúng ta thấy Phật pháp Đại thừa rất là uyển chuyển, vì nó thích hợp với mọi căn cơ con người.
Về việc nghiêm trì giới luật, Ngũ giới là trọng yếu trong tất cả mọi giới điều. Phạm vi của giới luật rất là sâu rộng. Chúng ta không chỉ tuân theo những điều giới do Đức Phật Thích-Ca Mâu-Ni chế định mà còn phải tuân thủ luật pháp quốc gia, đạo đức xã hội, phong tục, tập quán địa phương nữa. Khi ở Trung Hoa, ta phải tuân thủ luật pháp, đạo đức xã hội, phong tục, tập quán của Trung Hoa. Khi ở Hoa Kỳ, chúng ta cũng phải hành xử đúng y như vậy. Nói cách khác, giới luật là những nguyên tắc mà ta phải ứng dụng vào trong đời sống hằng ngày. Hiện nay phương tiện giao thông phát triển thuận lợi nên dễ dàng đi từ quốc gia nầy đến mọi nơi trên thế giới. Đến đâu chúng ta cũng phải theo đúng luật pháp quốc gia, đạo đức xã hội, phong tục, tập quán địa phương ấy. Đó gọi là nghiêm trì giới luật.
Hai ngàn năm trăm năm về trước Đức Phật thị hiện ở Ấn Độ, những giới điều Ngài chế định vào thời ấy đến nay ứng dụng không còn thích hợp nữa, vì phương thức sinh hoạt, sử dụng y phục ở mỗi quốc gia không giống nhau. Như 10 điều mục về y phục trong giới tỷ-khưu, và việc khất thực của chư tăng ở Ấn Độ thời xưa với việc khất thực của chư tăng ngày nay khác nhau rất nhiều. Cho nên ngày nay khi chúng ta tụng giới hãy chú trọng đến ý nghĩa nhắc nhở chúng ta sống đúng tinh thần của giới luật.
Do vậy, khi trì giới, điểm trọng yếu nhất là theo đúng tinh thần, ‘Không làm việc ác, siêng làm việc lành’. ‘Không làm việc ác’ là giới của Tiểu thừa. Là giới tự áp dụng cho riêng mình. Người Trung Hoa gọi điều nầy là ‘Độc thiện kỳ thân’.[17] Khi trì giới nầy, dù sống một mình không ai thấy, cũng không chút vi phạm, không chút phóng dật. ‘Siêng làm việc lành’ là giới của hàng Bồ-tát, là để hòa nhập với chúng sinh, vì lợi ích cho chúng sinh mà phải thực hành giới nầy. Giới luật là tiêu chuẩn để phân biệt thiện ác.
Do sự khác nhau về thể chế chính trị, triết học, văn hóa, nên giới luật đã được điều chỉnh và bổ sung thêm khi Phật pháp truyền đến Trung Hoa. Thanh quy do Thiền sư Bách Trượng soạn vào đời Đường là giới luật được điều chỉnh và bổ sung, vận dụng để thích nghi với địa phương và thời đại. Nhưng tinh thần cốt tủy của giới luật vẫn giữ nguyên. Tương tự như tu chính hiến pháp của các quốc gia. Khi gặp những tình huống mới phát sinh, cần phải sửa đổi, bổ sung một số điều luật, nhưng nguyên tắc chung thì vẫn giữ nguyên. Ở Trung Hoa, các đạo tràng ở mỗi địa phương đều có những thanh quy riêng. Cần phải thích ứng với điều kiện sinh sống của người dân địa phương ấy mới giúp cho họ tu học Phật pháp được. Đây là sự vận dụng để thích nghi. Nếu không thông suốt việc nầy, Phật pháp khó trường tồn. Nhờ vậy Phật pháp luôn luôn mới mẻ và sinh động, khiến mọi người khắp trên thế giới đều chấp nhận và thực hành theo.
Đức Phật dạy rằng nếu chúng ta an trú trong giới luật thì sẽ có được thân tâm an tịnh, không bị phiền não quấy nhiễu. Có được định lực là nhờ tâm an tịnh. Do vậy giới luật là điều cốt yếu để tu tập. Nếu chúng ta phạm giới, tâm thức chúng ta sẽ bị dày vò bởi tội lỗi mặc dù không phải chịu một hình phạt nào. Tuy nhiên, dù ta tránh được quả báo ở thế gian nhưng không thể nào tránh khỏi nghiệp báo. Khi thân tâm bị phiền nhiễu, thì không thể nào chú tâm tu tập được. Muốn thành tựu trong tu tập, than tâm cần phải an định. Nên nói, ‘Nhân giới đắc định, nhân định khai huệ’.
Điều thứ bảy trong Ba loại tịnh nghiệp là ‘Nghiêm trì luật nghi’, có nghĩa là chúng ta hành xử nghiêm túc, thích ứng trong mọi hoàn cảnh mà chúng ta đang gặp phải. Chúng ta hành xử một cách thành tâm kính trọng mọi loài chúng sinh, hữu tình cũng như loài vô tình. Đây là phước báo và là nền tảng tu tập của hàng Nhị thừa.

3. Phước Đại thừa

Phước nghiệp thứ ba là nội dung của giáo lý Phật pháp Đại thừa. Giáo lý Đại thừa được xây dựng trên nền tảng giáo lý Tiểu thừa. Phước Đại thừa có 4 điều:
1. Phát tâm bồ-đề.
2. Tin sâu nhân quả.
3. Thọ trì kinh Đại thừa.
4. Khuyến khích mọi người tu tập giác ngộ.
Điều thứ 8 là phát tâm bồ-đề. Người Trung Hoa chủ yếu tu tập theo Phật giáo Đại thừa, ‘Phát tâm bồ-đề’ là lời nói luôn luôn được nhắc đến để khuyến khích mọi người. ‘Bồ-đề’ là phiên âm chữ bodhi từ tiếng Phạn, dịch nghĩa là ‘giác ngộ’. Tâm bồ-đề là tâm giác ngộ chân chính, là tâm chân thật không mê vọng, là tâm từ bi, mong đạt được giác ngộ để cứu giúp cho toàn thể chúng sinh. Giác ngộ là biết rõ cuộc đời thực chất là khổ. Đức Phật dạy rằng cả ba cõi thế gian đều là khổ, không những cõi người khổ mà cõi trời cũng khổ. Cái khổ ở cõi người nhiều không có thì giờ kể cho hết được. Nói đơn giản là có tám nỗi khổ ở thế gian: sanh, già, bệnh, chết, sống gặp nghịch cảnh, muốn mà không được, thương yêu phải xa lìa, gặp người mình không ưa.
Người được sinh vào Sắc giới là người có tu tập thiền định và đã đoạn trừ được năm thứ dục lạc: tài, sắc, danh, thực, thùy. Ở cõi trời nầy không còn chịu khổ do nghịch cảnh như đói khát, bão tố, bệnh dịch... nữa, đó là khổ khổ, nhưng vẫn còn chịu sự tàn hoại của thân xác theo thời gian, và khổ do nhận biết rằng không được tồn tại ở cõi trời lâu dài nữa. Với thân thể, có sự hoại diệt theo tiến trình: sinh, già, bệnh, chết. Đối với vạn vật, theo luật vô thường: thành, trụ, họai, không. Đó là hoại khổ.
Cõi trời cao hơn là Vô sắc giới. Ở đây không còn tâm tham dục nữa, không còn thân tướng cũng như tướng nam nữ. Chúng sinh ở đây không còn chịu khổ bởi hoàn cảnh và sự biến hoại nữa. Tuy nhiên, ở đây còn nỗi khổ khi nhận thấy rằng không có gì là vĩnh viễn bất diệt cả, vì chúng sinh ở đó chưa phải đã đạt đến niết-bàn, nên không thể dừng trụ mãi mãi ở cõi giới nầy. Đó gọi là hành khổ.
Ba loại khổ nầy, ở ba cõi đều có. Nếu chân thực nhận thức được chân tướng của ba cõi là người giác ngộ, tự nhiên sẽ có tư tưởng xa lìa cái khổ để đạt được an lạc. Do vậy, cách hay nhất là thoát khỏi ba cõi: Dục giới, Sắc giới và Vô sắc giới. Bằng cách nào? Qua thực hành theo lời Phật dạy. Chỉ bằng cách nầy chúng ta mới chân chính phát tâm bồ-đề và đạt được giác ngộ.
Tâm bồ-đề được thành tựu nhờ phát Bốn lời nguyện lớn của chư Phật và Bồ-tát:
Chúng sinh vô biên thệ nguyện độ.
Phiền não vô tận thệ nguyện đoạn.
Pháp môn vô lượng thệ nguyện học.
Phật đạo vô thượng thệ nguyện thành.
Bốn nguyện lớn là điều cụ thể thực tiễn nhất của phát tâm bồ-đề. Trong kinh điển Đại thừa, Đức Phật dạy rằng hàng Nhị thừa, A-la-hán, Bích-chi Phật không phát tâm bồ-đề, chỉ có hàng Đại thừa Bồ-tát mới phát tâm bồ-đề, vì họ mang tâm nguyện cứu độ chúng sinh. Họ không chỉ biết nỗi khổ riêng của họ mà còn muốn cứu giúp cho toàn thể thân quyến, bạn bè và vô lượng vô biên chúng sinh. Tâm bình đẳng cứu giúp tất cả chúng sinh, đó là tâm bồ-đề rộng lớn. Kinh Vô lượng thọ nói rằng các vị Bồ-tát là ‘người bạn không mong cầu của chúng sinh’. Cho dù quý vị không cầu mong họ đến giúp mình họ vẫn đến. Họ tự nguyện giới thiệu Phật pháp đến cho mọi người và đây là hạnh nguyện thanh tịnh của các Bồ-tát.
Muốn cứu giúp tất cả chúng sinh, trước tiên phải biết cách cứu mình. Để được như vậy trước tiên chúng ta phải vượt qua mọi phiền não. Điều quan trọng đối với chúng ta là thực hiện Bốn lời nguyện lớn theo thứ tự trong bài kệ. Tuy vậy, có người thực hiện lời nguyện thứ ba, tu học nhiều pháp môn trước khi thực hiện lời nguyện thứ hai là chuyển hóa sạch mọi phiền não. Trong bốn nguyện lớn ấy, họ chỉ muốn đạt được hai hạnh nguyện sau cùng là học hết các pháp môn và thành Phật chứ không thực hiện hai hạnh nguyện đầu là chuyển hóa phiền não, cứu độ vô biên chúng sinh. Nỗ lực của họ như vậy cũng giống như xây nhà ba tầng bốn tầng mà không xây tầng hai và tầng trệt của ngôi nhà. Ngày nay có nhiều người tu tập nhưng ít người thành tựu. Sao vậy? Vì họ không biết rằng trước hết cần phải phát nguyện cứu giúp cho tất cả mọi người, vì tâm đại bi nầy là tiêu chuẩn phát sinh những động lực để tu học. Đây là trọng tâm của lòng từ bi.
Cách đây nhiều năm, khi ban đầu học đạo với thầy tôi là Lão sư Lý Bỉnh Nam, ngài đưa ra ba điều kiện:
1. Từ nay trở đi, chỉ nghe Lão sư giảng dạy, ngoài ra không nên nghe bất luận người nào.
2. Muốn xem kinh Phật hoặc bất kỳ loại sách nào, đều phải có sự đồng ý của Lão sư.
3. Những gì đã được học trước đây xem như không đáng lưu tâm. Phải bắt đầu lại từ đây.
Điều thứ nhất để thanh lọc những gì nên nghe, điều thứ hai là gom lại những gì cần thấy, và thứ ba làm cho tâm ý thanh tịnh. Những yêu cầu xem có vẻ độc đoán và vô lý. Lúc ấy tôi nghĩ, ‘Thầy thật là cao đạo, độc đoán’. Nhưng sau đó tôi đồng ý các điều kiện ấy và theo học với thầy. Tôi không ngờ rằng những điều kiện nầy chính là giới luật giúp tôi cắt đứt mọi phiền não. Tâm tôi trở nên thanh tịnh hơn, ít vọng tưởng hơn sau sáu tháng. Phương pháp của thầy đã giúp tôi thực hành hạnh nguyện thứ nhì, chuyển hóa sạch mọi phiền não.
Tôi rất biết ơn Lão sư, mặc dù ngài chỉ yêu cầu tôi tuân theo những điều kiện nầy năm năm, tôi tự nguyện kéo dài thời gian tu học với ngài đến 10 năm. Sau 10 năm làm học trò và tuân thủ những điều luật của ngài, tôi đã có được một nền tảng Phật pháp. Từ đó, ngài giải tỏa những điều kiện trước và khuyến khích tôi mở rộng phạm vi nghiên cứu. Nói cách khác, tôi được phép nghe các thầy khác giảng kinh, thuyết pháp, kể cả những người có tà kiến. Tôi có thể đọc bất kỳ sách nào. Sao vậy? Vì mọi kiến thức đều có ích chớ không nguy hại gì cho tôi vì tôi đã phân biệt được đúng, sai, tà chính. Tôi không còn bị người khác lung lạc. Lão sư ví chuyện nầy cũng như đứa trẻ còn ngây thơ, cần có sự chăm sóc, hướng dẫn của cha mẹ trước khi có khả năng phán đoán và hành xử độc lập.
Bậc thầy tốt là người chân thật có tâm đại từ đại bi. Các ngài kiên nhẫn dạy dỗ và tận tâm tận lực với trách nhiệm của mình. Các ngài tận tâm gìn giữ cho học trò mình không bị ô nhiễm tâm ý. Nên chúng ta rất cần thiết phải gần gũi một vị thiện tri thức. Tuy nhiên, gần gũi không có nghĩa ở sát bên cạnh mà là tuân theo lời dạy của thầy. Thường rất khó gặp được một vị thiện tri thức. Chúng ta chỉ có thể gặp được chân sư sau nhiều đời đã gieo trồng căn lành, phải có đầy đủ phước đức, nhân duyên mới gặp được. Có người nói với tôi rằng, ‘Thật là may mắn khi Thầy đã gặp được chân sư, nay chúng con phải tìm ở đâu để gặp, chúng con phải đi đâu để học đạo?’ Bậc chân sư ấy chỉ có thể gặp được chứ không thể tìm, và cơ duyên để gặp thì rất hiếm có. Đó là do các duyên lành đã gieo trồng đến khi chín muồi, nên chúng ta cần phải tích cực gieo trồng căn lành. Nếu chúng ta chưa được gặp những bậc chân sư nầy, thì hãy noi gương các bậc cổ đức.
Lão sư Lý Bỉnh Nam khiêm tốn bảo tôi rằng ngài chỉ có khả năng dạy tôi 5 năm. Ngài khuyến khích tôi tiếp tục theo học với Bổn sư của ngài là Lão Hòa thượng Ấn Quang Pháp sư. Ngài khuyên tôi đừng học theo những người nổi tiếng là học giả, là giới có kiến thức trong Phật pháp nhưng không có được thành tựu công phu tu tập. Ngài nói, ‘Không nên học theo Tô Đông Pha thời xưa, cũng không nên học theo Lương Khải Siêu thời nay. Hai vị ấy đều là những người tinh thông Phật học nhưng việc học Phật thì họ hoàn toàn chưa thành tựu’. Nên ngài khuyên tôi nên học với Ấn Quang Pháp sư, lúc ấy Ấn Quang Pháp sư thực là bậc thiện tri thức mô phạm chân chính. Còn khi không tìm gặp được thiện tri thức thì chúng ta có thể học theo các bậc hiền triết thời xưa. Nhiều người đã thành công theo phương pháp nầy.
Người Trung Hoa đầu tiên nhận các bậc hiền triết thời xưa làm thầy mình là Mạnh Tử. Ông ta học theo Khổng Tử, là người đã để lại kinh sách cho các thế hệ sau học theo. Mạnh Tử chuyên tâm học theo lời giáo huấn của Khổng Tử, về sau Mạnh Tử được lịch sử Trung Hoa công nhận là Á Thánh, còn Khổng Tử là Đại Thánh, Chí Thánh. Sau Mạnh Tử, nhiều người đã thành công về mặt học thuật khi theo phương pháp trên. Một điển hình khác là nhà viết sử nổi tiếng đời Hán là Tư Mã Thiên[18] với bộ Sử Ký. Ông chỉ học một người là Tả Khâu Minh[19] bằng cách chuyên đọc bộ Tả truyện. Ông học cách tu dưỡng đạo đức tinh thần của các nhân vật trong Tả truyện và học tài trứ tác văn chương của Tả Khâu Minh, học cho đến khi thành công và được tôn xưng là văn hào của thời đại. Trong nhà Phật có Đại sư Ngẫu Ích đời Minh, là Tổ sư của Tịnh độ tông. Ngài đã xem Đại sư Liên Trì cùng những trước tác lưu lại thế gian của ngài như thầy mình. Ngài hoàn toàn y theo những điều trong đó để tu học mà không theo một ai khác. Hoàn toàn giống như cách Lão sư Lý Bỉnh Nam đã dạy tôi.
Nay quý vị muốn tìm thiện tri thức để tu học, xin đừng theo tôi, tôi chưa có đủ năng lực. Hồi xưa Lão sư Lý Bỉnh Nam khuyên tôi tìm đến Ấn Quang Pháp sư để tu học, nay tôi khuyên quý vị nên chọn vị thiện tri thức tối ưu nhất là Đức Phật A-Di-Đà và Kinh Vô lượng thọ để tu học. Điều quan trọng nhất khi tu tập là chú tâm và chuyên nhất một pháp môn. Được vậy chắc chắn chúng ta sẽ có được định lực và sẽ phát sinh trí huệ. Người tu thời xưa ai cũng phải qua giai đoạn chuyên nhất một pháp môn trong 5 năm. Sau đó, mới được phép học rộng vào kinh luận. Lúc ấy, tôi tin chính kiến đã được phát huy và tự nhiên sẽ thông đạt mọi nghĩa lý trong kinh. Nếu chúng ta vẫn còn tâm phân biệt vọng tưởng, trí huệ sẽ không khai phát được, thì dù có học 300 năm, cũng không thể nào hiểu được nghĩa lý sâu mầu trong kinh luận.
Tôi tưởng rằng chỉ có Lão sư Lý Bỉnh Nam mới đặt ra ba điều kiện tu học cho tôi thôi, đâu ngờ rằng vào năm 1989, tôi được Pháp sư Diễn Bồi mời sang giảng kinh ở Singapore. Thấy có nhiều người còn trẻ trong đạo tràng, tôi kể cho họ nghe việc tu học của mình trong quá khứ và khuyên họ chỉ nên tu học theo Pháp sư Diễn Bồi. Tôi bảo đảm với họ rằng, ‘Chỉ học theo một thầy, chắc chắn sẽ thành công’.
Sau buổi giảng, Pháp sư Diễn Bồi mời tôi dùng trà, Pháp sư nói rằng khi ngài còn là chú Sa-di nhỏ, thầy của ngài là Pháp sư Đế Nhàn cũng đã đặt ra ba điều kiện yêu cầu ngài tuân theo khi học đạo. Tôi mới hiểu là ba điều kiện ấy không phải là phát kiến của một cá nhân nào, mà cổ đức đã lập ra để dạy cho đệ tử từ xưa nay rồi.
Nay tôi mới nhận ra được ý nghĩa của ‘Sư thừa[20] – kế thừa truyền thống đạo học từ thầy’. Khi thầy thấy đó là một học trò tốt, thầy mới trao cho ba điều kiện ấy. Trước tiên là bưng tai, bịt mắt lại để phiền não không xâm nhập vào được, Khi ta đã gạn lọc được những vướng mắc rồi và có được chút ít trí huệ thì mới được phép học các pháp môn khác. Do vậy, học vô lượng pháp môn được xếp thứ yếu sau khi đã chuyển hóa được phiền não.
Điều khó khăn sẽ xảy ra nếu chúng ta thích học rộng vào lúc ban đầu. Giống như nghe lời giáo huấn từ một thầy và bắt đầu tu tập theo. Rồi lại nghe lời giáo huấn từ một vị thầy thứ hai và như thế chúng ta đối diện trước hai con đường dẫn đến hai hướng khác nhau. Với ba vị thầy, chúng ta sẽ gặp một ngã ba và với bốn vị thầy, chúng ta sẽ bị kẹt ở ngã tư đường mà không biết phải đi đường nào. Do vậy, điều quan trọng là một lúc chỉ nên theo một thầy. Đọc sách truyện về các vị cổ đức, cao tăng, cư sĩ thời xưa, ta thấy họ đều theo học với thầy hai ba chục năm cho đến khi được khai ngộ rồi mới rời thầy đi các nơi tham học với các vị thầy khác.
Nền giáo dục Phật giáo và giáo dục thế gian có quan niệm và phương pháp không giống nhau. Chẳng hạn, trong trường đại học, phải cần rất nhiều thời gian và rất thận trọng khi chọn lựa phân khoa để theo học. Giáo dục Phật giáo thì khác hẳn. Ở đây chúng ta chỉ mong khai sáng trí huệ viên mãn trước tiên rồi trong tương lai chúng ta sẽ thông đạt toàn thể mọi điều. Nhưng cách học đó bắt đầu từ đâu? Bắt đầu từ thâm nhập một pháp môn nào đó. Như nói, ‘Thông đạt một bộ kinh, là thông suốt tất cả kinh điển’. ‘Thông đạt’ có nghĩa là gì? Có nghĩa là có được trí huệ.
Giáo dục ngày nay cũng giống như xây dựng một kim tự tháp. Đầu tiên họ học rất rộng, về sau khép dần vào sự tinh chuyên một bộ môn. Đây là một cách học từ rộng đến tinh và sâu. Nhưng bất luận kim tự tháp có cao và rộng bao nhiêu, thì nó vẫn có đỉnh điểm của nó. Giáo dục Phật giáo thì khác hẳn, giống như cây có rễ, thân, cành, lá và hoa trái. Đó là một tiến trình dài vô hạn, bắt đầu từ một điểm là rễ và rồi phát huy thành tự tánh Đại viên mãn. Kết quả là chúng ta hiểu được mọi điều. Tri thức thế gian có hạn chế là khi học đến chỗ tột cùng rồi không có cách để đột phá nữa, không có cách nào để thăng hoa. Còn giáo dục Phật giáo thì rất cao minh, vượt hẳn mọi tri thức trung bình ở thế gian. Phật pháp xem có vẻ bình thường lúc đầu nhưng sự thành tựu về sau thì bất khả tư nghì. Ngược lại, cái học thế gian ban đầu rất rộng nhưng sự thành tựu về sau  lại không đáp ứng được lâu dài.
Tu tập theo Bốn lời nguyện lớn, cuối cùng chúng ta sẽ khai mở được tự tánh bản hữu. Trong Kinh Hoa Nghiêm, Thiện Tài Đồng tử (Sudhana), là mẫu mực cho sự tu tập của chúng ta, ngài không những chỉ bày cho chúng ta lý luận và phương pháp tu học mà còn chỉ cho chúng ta cách ứng dụng các nguyên lý ấy vào trong đời sống hằng ngày. Vị thầy đầu tiên của Thiện Tài Đồng tử là Bồ-tát Văn-Thù Sư-Lợi, đã dạy Thiện Tài Đồng tử hãy theo ba điều kiện tu học mà tôi đã nói ở trước, đoạn trừ sạch phiền não, và tu tập ba môn học vô lậu giới, định, huệ. Sau khi Thiện Tài Đồng tử khai phát được trí huệ rồi, Bồ-tát Văn-Thù Sư-Lợi mới cho phép ngài đi tham học rộng rãi các pháp môn bằng cách đi đến cầu thỉnh 53 vị thiện tri thức đại biểu cho mọi tầng lớp và thành phần trong xã hội chỉ dạy cho.
Vị mà Thiện Tài Đồng tử đến tham học sau cùng là Bồ-tát Phổ Hiền, ngài đã dạy cho Thiện Tài Đồng tử Mười nguyện lớn, ngài khuyên Thiện Tài Đồng tử nên đến Tây phương Cực lạc diện kiến Đức Phật A-Di-Đà, khi đến được cõi đó mới thành tựu viên mãn Phật đạo vô thượng. Nếu chưa vãng sinh ở cõi Tịnh độ và chưa diện kiến Đức Phật A-Di-Đà, thì chúng ta chỉ mới làm được nguyện thứ hai và ba là chuyển hóa sạch phiền não và học các pháp môn chứ chưa thành tựu Phật đạo vô thượng.
Trong Kinh Hoa Nghiêm, theo viên giáo, cả Bồ-tát Văn-Thù Sư-Lợi và Bồ-tát Phổ Hiền đều đã đạt đến hàng đẳng giác Bồ-tát, và cả hai vị đều phát nguyện vãng sinh về Tịnh độ. Tôi rất sung sướng khám phá ra điều nầy khi giảng về Kinh Hoa Nghiêm. Cảnh giới Hoa Nghiêm là của hàng đẳng giác Bồ-tát, cõi nước đó kỳ diệu biết bao. Tôi ngạc nhiên không hiểu các ngài vãng sinh về Tây phương Cực lạc làm gì? Dường như không cần thiết cho lắm? Sau khi suy nghĩ như vậy, tôi mới biết là các ngài phát nguyện về đó để có thể thành tựu Phật quả chỉ trong một thời gian ngắn. Nếu không phải vậy, thì chẳng có nguyên do nào để đến cõi Tịnh độ của Đức Phật A-Di-Đà.
Đột nhiên, tôi nhận ra rằng nếu chúng ta muốn thành tựu giác ngộ viên mãn, thì nên phát nguyện sinh về Tây phương Cực lạc. Chỉ nhờ thông hiểu được phẩm ‘Phổ Hiền Bồ-tát hạnh nguyện’ trong Kinh Hoa Nghiêm chúng ta mới chân thực biết cách tu tập theo Phật giáo Đại thừa. và khi chúng ta đã thực sự hiểu được, đã thức tỉnh và phát tâm bồ-đề, cuối cùng chúng ta sẽ thoát khỏi được mọi chấp trước phiền não.
Điều thứ 9 của Ba loại tịnh nghiệp là tin sâu nhân quả. Ban đầu khi mới tu tập, tôi rất nghi hoặc khi đọc câu nầy trong Kinh Quán Vô lượng thọ. Sao vậy? Dường như có hàm ý rằng Bồ-tát chưa hiểu rõ về luật nhân quả Nếu chúng ta hiểu rằng nhân lành sẽ dẫn đến quả lành và nhân xấu sẽ dẫn đến quả xấu, tại sao một vị Bồ-tát lại không hiểu được điều ấy? Nay trong kinh lại khuyến khích các Bồ-tát phải tin sâu vào nhân quả. Thật tôi không thể nào hiểu nỗi.
Cho đến khi đọc kỹ Kinh Hoa Nghiêm đến phẩm Thập địa, đột nhiên bừng lên ánh sáng. Tôi nghĩ rằng, ‘Từ vô thủy đến nay, hàng Thập địa Bồ-tát đều không rời pháp môn niệm Phật’. Và tôi nhận ra rằng Bồ-tát từ Sơ địa đến thập địa cho đến hàng Đẳng giác Bồ-tát đều tu tập pháp môn niệm Phật. Rồi tôi nhận ra rằng, ‘Niệm Phật là nhân, thành Phật là quả’. Sợ rằng nhiều Bồ-tát chưa nhận ra điều nầy, nên Đức Phật Thích-Ca Mâu-Ni mới giảng kỹ trong kinh. Có một sự xác tín mạnh mẽ trong câu trên nên đã khuyến khích Bồ-tát Văn-Thù Sư-Lợi, Bồ-tát Phổ Hiền, Thiện Tài Đồng tử đều phát nguyện sinh về cõi Tịnh độ. Đó là nhờ tôi nghiên cứu và giảng Kinh Hoa Nghiêm mà hiểu ra được điều nầy. Thật vậy, rất khó mới có được nhận thức như vậy.
Điều thứ 10 trong Ba loại tịnh nghiệp là thọ trì kinh luận Đại thừa. Kinh điển Đại thừa giúp cho chúng ta nhận thức được chân tướng của nhân sinh và vũ trụ. Với nhận thức nầy, chúng ta mới biết được cách suy nghĩ đúng đắn và hành xử cũng như ứng dụng chính xác và thích hợp. Chỉ khi nào thực sự khế hợp với giáo lý trong kinh, thì chúng ta mới có được lợi lạc. là người tu tập, ít nhất chúng ta cần phải tụng niệm những điều ấy vào thời khóa buổi sáng và thời khóa buổi chiều. Mục đích của thời khóa buổi sáng là nhắc nhở chúng ta bắt đầu một ngày trên nền tảng của lời Phật dạy. Mục đích của thời khóa buổi chiều là quán chiếu lại xem chúng ta đã thực hiện lời dạy ấy như thế nào, nếu thấy chưa được, thì phải sớm sám hối và nguyện sẽ sửa đổi.
Trong các thời tụng niệm, người tu tập theo Tịnh độ tông thường tụng Kinh A-Di-Đà và trì chú vãng sanh ba biến rồi niệm danh hiệu Phật A-Di-Đà. Càng niệm danh hiệu Phật nhiều bao nhiêu thì càng có kết quả bấy nhiêu. Phép tu tập nhất tâm nầy áp dụng cho cả buổi sáng cùng buổi chiều. Kinh A-Di-Đà thấy có vẻ đơn giản nhưng rất vi diệu. Để tụng kinh được lợi lạc, chúng ta cần phải có tâm thanh tịnh.
Nay tôi giới thiệu Kinh Vô lượng thọ, dễ hiểu về ngôn ngữ cũng như nghĩa lý. Do nhiều người bận quá nhiều việc, tôi đề nghị chỉ tụng phẩm thứ sáu vào thời khóa buổi sáng, trong đó gồm 48 lời nguyện của Đức Phật A-Di-Đà. Đó là yếu quyết của Phật giáo Tịnh độ tông vì mọi người tu đều phải phát lòng từ và bổn nguyện như Đức Phật A-Di-Đà. Vào thời khóa buổi chiều, tôi đề nghị tụng phẩm 32 đến phẩm 37, trong đó Đức Phật dạy chúng ta cách không làm các việc ác, siêng làm các việc lành và cách tiếp nhân xử thế trong đời sống hằng ngày. Nếu chúng ta tu tập theo ít nhất sáu phẩm nầy, là đã giữ được giới rồi.
Khi tu tập, chúng ta thường nên quán tưởng Đức Phật A-Di-Đà và thực hành theo lời dạy trong sáu phẩm kinh nầy. Chúng ta có tâm nguyện, hiểu biết và hành xử như Đức Phật A-Di-Đà thì chính chúng ta là Phật A-Di-Đà. Nhưng nếu ta tụng kinh niệm danh hiệu Phật theo cách khác mà không áp dụng theo những nguyên tắc trên thì mọi gắng sức của chúng ta đều vô ích. Sự phối hợp của hai thời khóa công phu tụng niệm được chư Tổ đề ra từ thời xưa và đã được chứng minh là có hiệu quả, do người tu tập thời đó hiểu rõ hơn những gì họ đang tụng niệm. Những thời khóa công phu tụng niệm nầy nhắc nhở mình cư xử theo phong cách của người chân chính nên ngăn ngừa được những việc bất thiện. Ngày nay, người tu chỉ tụng kinh với tâm lơ đãng, như trẻ con tập hát cho đúng âm đúng điệu, nhưng chẳng hiểu nghĩa. Chỉ khi nào chúng ta hiểu được mục đích và phương pháp niệm Phật tụng kinh thì chúng ta mới có được kết quả tốt đẹp.
Thầy tôi, Lão sư Lý Bỉnh Nam thường dạy rằng khi nghe giảng pháp, nên chú tâm để hiểu nguyên lý trong kinh chứ đừng để ý đến ngôn từ. Những nguyên lý nầy xuyên suốt mọi giáo lý Phật pháp và tri thức thế gian, Người nào đã thông suốt nghĩa lý của một bộ kinh thì có thể vận dụng hiểu biết ấy để thông đạt được hết thảy mọi bộ kinh. Nói cách khác, học Phật phải nên chú tâm theo đúng phương pháp do thầy mình dạy và toàn tâm toàn ý không để bị thu hút bởi bất kỳ cái mới lạ nào khác.
Khi tu tập Bát-nhã ba-la-mật, chúng ta cần phải có tâm kiên trì. Người ta thường đánh giá kinh kia hoặc pháp môn nọ hay hơn. Đừng vội nghe theo, đừng chú ý đến điều ấy cho đến khi nào ta khai mở được trí huệ. Hãy chỉ nên đào sâu một pháp môn. Đó là chìa khóa để thành tựu trong tu học.
Điều thứ 11 trong Ba loại tịnh nghiệp là khuyến khích mọi người tu tập giác ngộ. Để làm việc nầy, chúng ta giới thiệu rộng rãi cho mọi người muốn tu học. Trong khi 10 điều đầu tiên trong Ba loại tịnh nghiệp là tu tập để có lợi lạc cho mình, thì điều thứ 11 là giúp cho người khác hiểu biết và thực hành theo Phật pháp. Giúp đỡ người khác là hạnh nguyện của Bồ-tát.
Nhờ thành tựu 11 điều trong Ba loại tịnh nghiệp, từ hiếu dưỡng cha mẹ cho đến khuyến khích mọi người tu tập giác ngộ, chúng ta trở thành ‘thiện nam tử, thiện nữ nhân’ theo như trong kinh điển Đại thừa đã gọi. Kinh Địa Tạng dạy rằng nếu chúng ta xưng tụng danh hiệu của ngài, tu tập đúng theo lời dạy của ngài thì chúng ta sẽ được sinh vào tầng trời thứ 33 một trăm lần không bị đọa vào ác đạo.
Trong thế giới nầy, chỉ thực hành phước nghiệp thứ nhất là được gọi ‘thiện nam tử, thiện nữ nhân’ rồi. Tiêu chuẩn của giáo lý nguyên thuỷ đòi hỏi chúng ta phải thực hành phước nghiệp thứ nhất và phước nghiệp thứ hai. Giáo lý Đại thừa đòi hỏi chúng ta phải hội đủ cả Ba loại tịnh nghiệp. Tuy vây, khi tụng kinh, chúng ta cần phải tự hỏi chính mình đã xứng đáng được gọi là ‘thiện nam tử, thiện nữ nhân’ hay chưa? Mình đã có được nhiều ít rồi? Và tự hỏi công hạnh của mình có theo đúng tiêu chuẩn của giáo lý Đại thừa hay không?


[1] Quán Vô lượng thọ Phật Kinh 觀無量壽經 do ngài Cương-lương-da-xá (s: Kālayaśas 畺良耶舎) dịch vào đời Lưu Tống. Còn gọi là Vô lượng thọ Kinh, Vô lượng thọ Quán Kinh, Thập lục Quán Kinh, gọi tắt là Quán Kinh. Là một trong 3 bộ kinh chính của Tịnh độ tông.
[2] 韋提希,s: Vaidehīp: Vedehī. Dịch là Tư thắng Phu nhân, Thắng diệu thân phu nhân. Vợ của vua Tần-bà-sa-la nước Ma-kiệt-đà xứ Trung Ấn Độ, mẹ của vua A-xà-thế.
[3] 一切男子是我父,一切女人是我母 Kinh Phạm Võng.
[4] Nguyên văn: Tam đồ ác đạo; địa ngục, ngạ quỷ, súc sanh.
[5] Lục dục thiên: 6 tầng trời cõi dục:
1. Tứ đại vương thiên; 2. Tam thập tam thiên; 3. Diệm-ma thiên; 4. Đao lợi thiên; 5. Hóa tự tại thiên; 6. Tha hóa tự tại thiên.
[6] E: Tibetan School.
[7] 都攝六根,淨念相續.
[8] 不假方便,自得心開.
[9] ; c: Xia.
[10] ; e: Essentials for Practical of the Pure Land School.
[11] c: Lee Bing Nan.
[12] Pure Land Society.
[13] 法是方法, 門是門經.
[14] E: Five Deadly Offenses.
[15] C: Zhang-Jia.
[16] E: Physical transgressions of the self-nature.
[17] 善其身; E: Attending to one’s own moral wellbeing even while alone.
[18] 司馬遷 (135-93. tcn). Nhà tư tưởng, nhà văn, nhà sử học Trung Quốc thời cổ đại.
[19] (?-?) Nhân vật thời Xuân thu Chiến quốc, cùng thời hoặc trước Khổng Tử, từng giữ chức Quốc sử quán. Tác giả của Tả truyện, hay còn gọi là Tả thị Xuân Thu.
[20] ; e: Inheritance of the tradition from the master.

Nhận xét

Bài đăng phổ biến từ blog này