V. TỊNH NGHIỆP TAM PHƯỚC
Ý NGHĨA CHÂN THẬT CỦA 'BỔN NGUYỆN NIỆM PHẬT'
Nguyên tác: Lão Pháp sư Tịnh Không
Nguyên tác: Lão Pháp sư Tịnh Không
Chư vị pháp sư, chư vị đại đức đồng tu:
Thời gian trôi đi quá nhanh, hôm nay đã là
ngày họp mặt cuối cùng trong chuyến đi Úc Châu lần này, hai ngày trước thực sự
chúng tôi nói chưa hết lời và cũng nói chưa hết những điều muốn căn dặn, nhắc
nhở; trong khoảng thời gian ngắn nội dung của buổi nói chuyện chẳng nhiều, hy
vọng các bạn lắng lòng thể hội, đi tìm cầu trong kinh giáo. Mỗi chữ mỗi câu
trong kinh Phật đều chứa đựng vô lượng nghĩa, tùy theo tri kiến và kiến giải
của chúng sanh, lợi ích của mỗi người có sâu cạn, rộng hẹp chẳng đồng. Nếu
chúng ta thành tâm đi tìm cầu, thể hội, phụng hành thì mọi người sẽ đạt được
lợi ích thù thắng, đây là sự gia trì của Tam Bảo cho chúng ta, người thế tục
thường nói là Phật, Bồ Tát phò hộ cho chúng ta, là có ý nghĩa như vậy. Do đây
có thể biết trong Phật pháp chẳng có mê tín; lý luận, phương pháp dạy chúng ta
tu học như thế nào.
1.
Tịnh nghiệp chánh nhân của ba đời chư Phật.
Sự tu học Tịnh Tông, chúng tôi đặc biệt tuyển
chọn những lời khai thị trong kinh điển của Tịnh Tông và tóm tắt thành năm khoa
mục (Tam phước, Lục Hòa, Tam Học, Lục Ðộ,
Thập nguyện) để làm nguyên tắc cho sinh hoạt, việc làm, xử sự, đãi người,
tiếp vật trong suốt cuộc đời chúng ta. Chúng ta phải tuân theo những nguyên tắc
này thì mới xứng đáng làm đệ tử của Thế Tôn, làm học trò của đức Phật A-Di-Ðà.
Khoa mục thứ nhất là ‘Tịnh Nghiệp Tam
Phước’ dạy trong kinh Quán Vô Lượng Thọ Phật, vì thời gian không đủ nên tôi
chẳng thể nói rõ, trong hội trường có một bộ băng cassette ghi bài giảng lúc
trước [các bạn có thể nghe thêm]. Tam Phước hết sức quan trọng, trong phần cuối
của đoạn kinh này đức Thế Tôn đặc biệt nhấn mạnh ba điều này là tịnh nghiệp
chánh nhân của ba đời chư Phật.
Tầm vóc của câu này hết sức quan trọng, ba đời
chư Phật là Phật quá khứ, Phật hiện tại, Phật tương lai; những người tu hành
thành Phật trong quá khứ, hiện tại và tương lai chẳng biết bao nhiêu mà tính!
Dĩ nhiên họ tu hành thành Phật chẳng phải chỉ dùng một phương pháp duy nhất vì
có vô lượng pháp môn. Trong kinh Ðại thừa thường nói: ‘Pháp môn bình đẳng,
chẳng có cao thấp’, pháp môn nào cũng có thể thành Phật, nhưng dựa trên căn
tánh của chúng sanh mà nói thì sẽ khác nhau – có người lợi căn, có người độn
căn. Có pháp môn khế cơ, có pháp môn chẳng khế cơ; khế cơ thì thích hợp cho
chúng ta tu học, chẳng khế cơ nghĩa là đối với đời sống hiện tại có nhiều chỗ
chẳng thuận tiện. Khế cơ thì chúng ta tu học rất thuận lợi, rất dễ dàng, nếu
chẳng khế cơ thì chúng ta cảm thấy rất khó khăn, hễ cảm thấy khó khăn thì chúng
ta nên bỏ và lựa chọn pháp môn nào thích hợp với mình. Việc này cũng giống như
lựa chọn khoa hệ trong trường học, khoa hệ nào mà chúng ta rất thích và cũng có
năng lực học theo thì dễ rồi. Nếu lựa chọn một khoa hệ chẳng hợp với ý thích
của mình thì học theo sẽ rất khó khăn. Cho nên vô lượng pháp môn của Phật pháp
giống như khoa hệ trong trường học, đều để cho mình tùy ý lựa chọn. Ðiều kiện
của sự lựa chọn là phải thích hợp với trình độ của mình, ý thích của mình, đời
sống của mình, chẳng gây trở ngại cho đời sống và công ăn việc làm của mình,
không những chẳng trở ngại mà còn trợ giúp thêm thì tu học theo sẽ rất dễ dàng.
Ðây là những điều kiện chúng ta cần biết rõ khi lựa chọn pháp môn.
Ðức Phật dạy ba điều trong Tam phước là tịnh
nghiệp chánh nhân của hết thảy chư Phật, nói một cách khác bất luận bạn tu học
theo khoa hệ nào thì ba điều này là lớp chính mình phải học; trong vô lượng
pháp môn ba điều này là khóa học mọi người nhất định phải tu học, hết sức quan
trọng. Giống như xây một căn nhà, chẳng kể bạn xây theo kiểu nào thì đây là nền
móng, nhất định phải xây nền móng vững chắc, ổn định trước thì căn nhà này mới
được hoàn hảo, chúng ta phải đặc biệt coi trọng việc này.
2.
Phật pháp là hiếu đạo và sư đạo
Ðiều thứ nhất: ‘Hiếu dưỡng phụ mẫu, phụng sự sư trưởng, từ tâm chẳng sát hại sanh vật,
tu thập thiện nghiệp’. Chúng ta nhất định phải làm cho được điều này, nếu
chúng ta thực sự làm được thì chúng ta học Phật, nền móng để thành Phật đã được
xây dựng. Giả sử bạn chẳng làm được thì Phật pháp mà bạn nghiên cứu sẽ trở
thành những gì người thế gian nói: Phật học – học Phật như nghiên cứu một môn
học, việc này đối với đời sống, tu trì, thậm chí liễu sanh tử, vượt thoát tam
giới chẳng có liên quan chi hết! Vì vậy phải hết lòng làm cho bằng được. Phật
pháp là hiếu đạo, trong Giới kinh của Ðại thừa giảng rất rõ, từ hiếu thuận cha
mẹ mở rộng đến hiếu thuận sư trưởng, hiếu thuận hết thảy chúng sanh, phải có
tâm lượng như vậy. Thế nên chữ hiếu này có thể nói đã bao gồm hết thảy toàn bộ
Phật pháp. Hiếu dưõng cha mẹ, ‘hiếu’
là giác ngộ, tức là tự tánh giác, giác ngộ xong rồi biểu hiện trong hành vi
sanh hoạt tức là ‘dưỡng’.
Mọi người đều biết văn tự Trung Quốc là một
hệ thống ký hiệu có trí huệ cao độ, khi chúng ta nhìn phù hiệu này thì liền
hiểu rõ, việc này thiệt rất phi thường. Kết cấu của văn tự Trung Quốc có sáu
nguyên tắc (lục thư), chữ hiếu là
viết theo nguyên tắc ‘hội ý’ – nhìn
phù hiệu này liền có thể hiểu được ý nghĩa trong đó. Phía trên chữ Hiếu là chữ
Lão, phía dưới là chữ Tử (con), hai
chữ này ghép lại thành chữ Hiếu, ý nghĩa của nó rất rõ ràng. Lão là đời trước,
đời trước còn có đời trước nữa, quá khứ vô thỉ; Tử (con) là đời sau, đời sau còn có thêm đời sau nữa, vị lai vô chung,
vô thỉ vô chung là một cái toàn thể, đây gọi là hiếu. Người phương tây nói về ‘đại cấu’ (sự ngăn cách giữa các thời đại),
nếu có sự ngăn cách thì chữ hiếu này chẳng còn nữa. Người Âu tây thường hỏi
tôi: ‘Người Trung Quốc quý vị, tổ tông cả
mấy ngàn năm trước chưa hề gặp qua thế thì tại sao vào dịp tết, dịp lễ phải đi
cúng họ?’. Ðó là hiếu đạo. Bạn nghĩ thử coi: tổ tông từ ngàn năm về trước
mình còn kỷ niệm họ, vẫn chẳng quên họ, cha mẹ hiện giờ làm sao có thể chẳng
làm tròn đạo hiếu cho được? Thầy giáo thời xưa mình còn tôn trọng thì đối với
người thầy dạy mình hiện giờ làm sao chẳng tôn kính cho được? Sự giáo học của
nhà Nho và nhà Phật đều có căn bản từ điểm này, đây là nền tảng. Cho nên phải
hiểu chữ hiếu này tức là Phật pháp, đặc biệt là trong kinh điển Ðại thừa gọi là
‘chân như pháp tánh’, tận hư không,
khắp pháp giới, phù hiệu này được dùng để tượng trưng cho cả cái chỉnh thể này.
Nếu chúng ta có sự nhận thức như vậy thì mới thực sự thể hội được chữ hiếu.
Sau đó làm thế nào để thực hiện chữ ‘hiếu’ trong đời sống sinh hoạt của
mình, trên phương diện làm người, xử sự, đó tức là ‘dưỡng’; dưỡng là phụng dưỡng, từ nghĩa hẹp mà nói tức là dưỡng
thân của cha mẹ. Cha mẹ sanh chúng ta, ân đức dưỡng dục này rất lớn; khi cha mẹ
lớn tuổi và về hưu, chúng ta có nghĩa vụ săn sóc cho họ cũng giống như lúc mình
còn nhỏ cha mẹ lo lắng, chăm sóc cho mình, chúng ta phải báo đáp, báo đền, đây
là một chuyện hết sức tự nhiên. Ðây là dưỡng thân thể của cha mẹ, [làm được
việc này] có kể là đã làm tròn đạo hiếu chưa? Chưa tròn. Quý vị phải biết trong
loài cầm thú con quạ cũng biết dưỡng thân của cha mẹ; quạ con biết đút đồ ăn
cho quạ già, nó cũng biết nuôi dưỡng cha mẹ vậy! Nếu người chẳng biết nuôi cha
mẹ mình thì cả cầm thú cũng chẳng bằng! Thế nên dưỡng thân của cha mẹ cũng chưa
làm tròn đạo hiếu. Cha mẹ hy vọng con cái như thế nào? Chúng ta có làm thỏa mãn
nguyện vọng của cha mẹ chăng, việc này rất quan trọng!
Thời xưa có sự dạy dỗ của cổ thánh tiên hiền,
cha mẹ không kỳ vọng con cái thăng quan phát tài, chẳng giống với quan niệm của
người thời nay, đều hy vọng con cái có thể làm thánh làm hiền, có đạo đức, có
học vấn, có cống hiến đối với xã hội đại chúng. Thế nên lập công, lập đức, lập
ngôn là làm rạng danh cha mẹ, làm cho cha mẹ hãnh diện, mới được xã hội đại
chúng tôn kính. Chúng ta đã làm tròn được chưa? Có phụ lòng cha mẹ kỳ vọng nơi
mình hay không?
Sau khi học Phật thì kỳ vọng của cha mẹ sẽ
khác lúc trước, làm thánh làm hiền vẫn chưa đủ, còn phải làm gì ? Làm Bồ Tát,
làm Phật! Nếu bạn làm Bồ Tát thì họ là cha mẹ của Bồ Tát; nếu bạn thành Phật
thì họ làm cha mẹ của Phật; làm cha mẹ của
thánh hiền và làm cha mẹ của Phật, Bồ Tát là hai chuyện khác nhau. Nếu chúng ta làm Phật, Bồ Tát chẳng nổi thì
chữ hiếu này chưa đạt đến viên mãn, vẫn còn khiếm khuyết, phải biết chuyện này.
Người như thế nào mới làm tròn chữ hiếu? Thành Phật thì chữ hiếu viên mãn nhất.
Ðẳng Giác Bồ Tát còn thua một bậc, họ còn một phẩm Sanh Tướng vô minh chưa phá
thì đạo hiếu của họ cũng chưa viên mãn; từ đây có thể biết Tam Phước là cơ sở
chân thực.
Nếu bạn thực sự đã học Phật, khi bạn khởi tâm
động niệm, ngôn ngữ tạo tác liền lập tức phải nghĩ đến ‘hiếu dưỡng cha mẹ,
phụng sự sư trưởng’. Thầy giáo và cha mẹ kỳ vọng chúng ta những gì? Chúng ta đã
làm được hay chưa? Trong kinh thường nói: ‘Phật,
Bồ Tát là tấm gương tốt nhất cho hết thảy chúng sanh trong chín pháp giới’.
Trong xã hội này chúng ta có thể làm gương mẫu, làm người dẫn đầu cho xã hội
đại chúng hay không? Tư tưởng, lời nói, hành động của chúng ta có ảnh hưởng gì
đối với xã hội đại chúng? Nếu là ảnh hưởng xấu thì tuyệt đối đừng làm. Nếu
chẳng thâm nhập kinh điển Ðại thừa thì bạn không biết ‘hiếu dưỡng cha mẹ, phụng sự sư trưởng’ trong đời sống phải bằt đầu
từ đâu. Chúng ta nêu ra một thí dụ đơn giản: trong nhà có nhiều anh chị em, làm
con nếu anh em chẳng hòa hợp thì cha mẹ phải lo lắng, buồn rầu, như vậy tức là
bất hiếu! Con cái trưởng thành ai cũng thành gia lập nghiệp, cưới vợ sanh con,
chị em dâu bất hòa, cha mẹ phải bận tâm, đó cũng là bất hiếu! Lúc còn nhỏ đi
học chẳng siêng năng làm cha mẹ phải bận tâm là bất hiếu! Trong trường không
nghe lời thầy, mỗi ngày đều đánh lộn, phá phách cũng là bất hiếu!
Thế nên chư vị nghĩ xem, chữ hiếu này bao
trùm hết thảy Phật pháp, hết thảy pháp của Thế Tôn nói suốt bốn mươi chín năm
chỉ là để giảng rõ chữ hiếu mà thôi. Khi chúng ta khởi tâm động niệm, xử sự,
đãi người, tiếp vật đều phải làm theo những lời đức Phật dạy trong kinh điển.
Phật dạy chúng ta làm thế nào, chúng ta nhất định phải làm cho bằng được; những
gì Phật chẳng cho chúng ta làm thì chúng ta tuyệt đối không làm, được vậy thì
bạn mới làm tròn đạo hiếu, mới kể là thực sự làm được ‘phụng sự sư trưởng’. Sư trưởng chẳng dạy bạn mỗi ngày phải cung
kính họ, cúng dường họ; chẳng phải vậy, bạn phải hết lòng làm theo lời dạy của
sư trưởng. Thế nên Phật pháp là hiếu đạo và sư đạo: thầy dạy bạn phải làm sao
để tròn đạo hiếu, cha mẹ dạy bạn phụng trì thầy giáo như thế nào, sự giáo dục
của hai bên hỗ trợ lẫn nhau thì bạn mới thành tựu, đây là cội gốc của căn bản.
Học Phật phải bắt đầu từ đâu? Bắt đầu từ Tịnh nghiệp Tam phước.
Kinh Ðịa Tạng Bồ Tát Bổn Nguyện dạy rõ về
hiếu đạo, trong nhà Phật kinh này thường được xưng là ‘Hiếu Kinh’. Lúc mỗi đạo
tràng mới thành lập, bộ kinh đầu tiên tôi giảng nhất định phải là kinh Ðịa
Tạng. Khi chúng ta có một miếng đất thì mới có thể phát triển, mới có thể làm
việc. Ðất đai có rồi nhưng quan trọng hơn vẫn là tâm địa, dùng lời nói hiện nay
tức là xây dựng tâm lý, kinh Ðịa Tạng giúp chúng ta xây dựng tâm lý. Từ mảnh
đất này liên tưởng đến tâm địa của mình, tâm địa phải chân thành, thanh tịnh,
bình đẳng, từ bi. Cả bộ kinh Ðịa Tạng thực ra là giảng bốn câu này: ‘Hiếu dưỡng
cha mẹ, phụng sự sư trưởng, từ tâm chẳng sát hại, tu thập thiện nghiệp’,các bạn
hãy coi kỹ.
Phật giáo Ðại thừa ở Trung Quốc rất có đạo
lý, là trí huệ cao độ, dùng bốn đại Bồ Tát để tiêu biểu và tượng trưng cho sự
tu học Phật pháp. Vị thứ nhất là Ðịa Tạng Bồ Tát, thứ hai là Quán Thế Âm Bồ
Tát; Quán Thế Âm Bồ Tát tượng trưng cho đạo hiếu mở rộng ra tức là đại từ đại
bi, phát huy đạo hiếu đến có thể hiếu thuận hết thảy chúng sanh. Nếu lúc chúng
ta giao thiệp với người khác vẫn còn tự tư tự lợi, vẫn làm một số việc lợi
mình, hại người, tức là chẳng hiếu, là chẳng kính trọng thầy giáo! Như vậy thì
chúng ta đâu có học Phật? Người học Phật đối với ai cũng đều chân thành, người
nào gạt gẫm mình, mình đối với họ vẫn phải chân thành, được vậy mới đáng gọi là
người học Phật.
Trong số những pháp sư thế hệ trước, có một
thời gian tôi có dịp tiếp xúc và hợp tác với Ðạo An lão pháp sư. Thầy mở lớp
Phật học Ðại Chuyên và mời tôi làm tổng chủ giảng, chúng tôi hợp tác với nhau
hết ba, bốn năm. Thầy làm cho tôi khâm phục, thầy chẳng có tâm riêng tư, chẳng
có đố kỵ, việc này rất hiếm và quý báu! Lúc tôi giảng, có khoảng chừng hơn bốn
trăm học sinh đến nghe; lúc lão pháp sư giảng thì chỉ còn từ ba đến bốn mươi
học sinh. Tình trạng này rất khó coi, thầy chẳng phiền lòng nhưng tôi cảm thấy
rất khó chịu. Lớp của tôi được xếp vào buổi sáng, lớp của thầy buổi chiều; học
sinh buổi sáng học xong, ăn xong thì đều ra về, buổi chiều chẳng còn bao nhiêu
người đến lớp của thầy. Thế nên tôi đề nghị: ‘Chúng ta thay đổi lớp học ngược lại xem sao, thầy dạy lớp buổi sáng,
tôi dạy lớp buổi chiều’. Sau khi thay đổi thì lớp buổi sáng của thầy học
trò chẳng chịu đến, lớp buổi chiều thì học sinh lại đến đầy chỗ ngồi, thiệt là
chẳng có cách nào khác! Tuy vậy nhưng lão pháp sư trước sau cũng chẳng phiền hà
gì hết, có thể làm được như vậy rất khó, chẳng dễ đâu!
Có một hôm tôi đi thăm thầy, lúc đó có một
người từ phòng của thầy đi ra. Thầy hỏi tôi: ‘Người đó [vừa bước ra], thầy có gặp chăng?’
Tôi nói: ‘Gặp
rồi, vừa đi khỏi’
Thầy nói: ‘Hôm
nay ổng cũng đến gạt tôi’. Ông đó rất thường gạt tiền của thầy, hôm nay
cũng lại gạt tiền.
Tôi nói: ‘Thế
thì thầy có cho ổng hay không?’
‘Tôi
đưa rồi’.
Thiệt là phi thường! Người đến gạt lão pháp
sư cứ nghĩ rằng lão pháp sư chẳng biết mình bị gạt, đâu ngờ là lão pháp sư đã
biết rõ ràng. Biết rõ họ gạt mình mà vẫn để cho họ gạt; thiệt là phi thường!
Trong những lão pháp sư đời trước tôi chỉ gặp được một người như thầy, tôi rất
khâm phục, thầy chẳng hồ đồ, chẳng mê hoặc điên đảo chi cả, đây là việc chúng
ta phải nên học tập. Thầy đã làm một gương tốt cho chúng ta.
Ðiều thứ hai trong Tam Phước:
‘Thọ
trì Tam Quy, đầy đủ các giới, chẳng phạm oai nghi’.
Từ đây có thể biết điều kiện cơ bản của ‘Thọ trì Tam Quy’ tức là phước thứ nhất
làm xong thì mới có tư cách tiếp nhận sự dạy dỗ của Phật. Tại sao ngày nay Phật
pháp suy thoái như vậy? Là vì mọi người thọ trì Tam Quy nhưng điều thứ nhất
[nói phía trước] chẳng làm được nên thọ Tam Quy đều là giả, chẳng phải thật –
trên hình thức thọ Tam Quy, nhưng trên thực tế thì chẳng thọ. Hỏi bạn thọ Tam
Quy rồi, quy từ đâu? Chẳng biết. Hỏi bạn y những gì? Cũng chẳng biết. Thọ trì
một cách hồ đồ như vậy là sai lầm! Tôi đã giảng ‘Tam Quy’ kỹ càng ở Tân Gia Ba, hình như năm ngoái đã giảng thêm
một lần ở tại bờ biển Hoàng kim, có lưu lại băng thâu âm, băng thâu hình. Hai
lần diễn giảng này đã được chép lại thành một cuốn sách nhỏ, đã in ở Ðài Loan,
chư vị muốn thọ Tam Quy nhất định phải nghe kỹ hai lần giảng này; sau đó chúng
ta ở trước mặt Phật, Bồ Tát làm nghi thức đơn giản nhưng long trọng, mời Tam
Bảo chứng minh cho chúng ta; chúng ta thực sự phát nguyện quy y Tam Bảo.
3.
Tam Quy trong Tịnh Tông: A-Di-Ðà Phật, kinh
Vô Lượng Thọ, Bồ Tát Quán Âm và Thế Chí.
Quy y Tam Bảo nghĩa là từ hôm nay trở đi tôi
phát nguyện chánh thức làm một học trò của đức Phật, tôn Phật làm thầy. Bạn
phát nguyện tôn Phật làm thầy, chúng sanh trong chín pháp giới kể cả những
thiên thần nhìn thấy bạn đều tôn kính bạn. Bạn là học trò của Phật, chẳng phải
là người thường, đặc biệt nếu bạn là học trò của A-Di-Ðà Phật thì càng tôn quý
hơn, hết thảy chư Phật Như Lai đều đặc biệt tiếp đãi bạn, là nể Phật A-Di-Ðà
đấy. Nhưng bạn phải thiệt là học trò của A-Di-Ðà Phật mới được, nếu là giả mạo
thì bạn chẳng đáng một xu. Tuy Phật, Bồ Tát chẳng trách bạn nhưng thần hộ pháp
sẽ khiến bạn bị rắc rối. Thần hộ pháp là cảnh sát, là người chấp hành pháp
luật, họ đối với bạn chẳng khách sáo gì cả, nếu bạn giả mạo làm đệ tử Phật thì
bạn đã phạm pháp rồi.
Tôi đặc biệt kết hợp sự quy y của đồng tu
chúng ta với giáo giới của Tịnh Tông. Chúng ta quy y Phật thì tôn A-Di-Ðà Phật
làm thầy, quy y Pháp thì lấy kinh Vô Lượng Thọ làm nền tảng, đây là kinh số một
của Tịnh Tông. Những lời dạy của đức Phật trong kinh chúng ta phải hiểu rõ,
nhận thức, nhớ nằm lòng, và phải thực hiện những lời này trong đời sống. Chúng
ta hy vọng cách dụng tâm của mình giống như đức Phật A-Di-Ðà; chúng ta phát
nguyện cũng phải giống nguyện của đức Phật A-Di-Ðà, mỗi nguyện trong bốn mươi
tám lời nguyện của đức Phật A-Di-Ðà đều nhằm đem lại lợi ích cho chúng sanh,
đều chẳng vì mình. Ðức Phật A-Di-Ðà dạy chúng ta phải sửa đổi hết thảy tập khí
phiền não từ vô lượng kiếp đến nay. Một đoạn rất dài từ phẩm ba mươi hai đến
phẩm ba mươi bảy [trong kinh Vô Lượng Thọ] dạy về vấn đề này. Trong đó là những
lời giải thích hết sức cụ thể của ngũ giới và thập thiện, chúng ta phải biết
làm thế nào y giáo phụng hành, làm theo lời dạy của Phật; thực sự nương tựa thì
sẽ được lợi ích!
Tăng bảo thì chúng ta học theo Quán Thế Âm Bồ
Tát và Ðại Thế Chí Bồ Tát - Bồ Tát Tăng. Hai vị đại Bồ Tát này tượng trưng cho những
gì?
Quán Thế Âm Bồ Tát đại từ đại bi, nói theo
hiện nay thì từ bi nghĩa là quan tâm, thương mến, và giúp đỡ, trong đó hoàn
toàn chẳng có điều kiện gì hết thì gọi là đại. Ðối với hết thảy người, hết thảy
chúng sanh, chúng ta phải quan tâm, thương mến họ. Khi họ gặp khó khăn thì phải
giúp đỡ họ, đây tức là Quán Âm. Nếu bạn thường giữ tâm niệm này để đối người,
tiếp vật thì bạn tức là Quán Thế Âm Bồ Tát.
Ðại Thế Chí Bồ Tát tượng trưng cho trí huệ
cao độ; tuyệt đối chẳng dùng tình cảm để xử sự, đãi người, tiếp vật, dùng lý
trí mà chẳng dùng cảm tình tức là Ðại Thế Chí Bồ Tát. Ðại từ đại bi lấy trí huệ
làm cơ sở, chẳng dùng cảm tình. Dùng cảm tình thì có thể có nhiều rắc rối nên
phải dùng lý trí để phán đoán. Ý nghĩa của việc quy y Tam Bảo là như vậy, đây mới
thiệt là chỗ quay về, nương tựa của chúng ta. Cho nên Tam Bảo trong Tịnh Tông
được thể hiện qua ‘A-Di-Ðà Phật, kinh Vô
Lượng Thọ, Quán Âm và Thế Chí Bồ Tát’. Nếu phàm phu chúng ta chẳng có nơi
nương tựa thì sẽ cảm thấy trống rỗng, thiếu thốn; khi bạn hiểu được những đạo
lý và phương pháp này thì bạn đã kiếm được chỗ nương tựa. Từ mê hoặc, điên đảo,
sai lầm quay lại nương tựa vào Tam Bảo thì bạn mới thực sự quy y.
4.
Giữ phép tắc, làm gương mẫu cho chúng sanh.
Học chịu thiệt thòi, không vì cá nhân mình.
‘Ðầy
đủ các giới, chẳng phạm oai nghi’. Dùng cách nói hiện nay thì hai câu này nghĩa là ‘giữ gìn phép tắc’; không những phải giữ phép tắc mà còn phải làm
gương mẫu cho xã hội đại chúng. Chúng ta không được làm trái ngược lời dạy của
đức Phật, phải tuân theo. Hiến chương, luật pháp của quốc gia, phong tục tập
quán ở địa phương chúng ta đều phải tuân giữ; được vậy mới có thể hòa đồng với
đại chúng, mới có thể cảm hóa hết thảy chúng sanh. Cho nên lúc chúng ta khởi
tâm động niệm, hết thảy các hành động phải thường suy nghĩ coi có thể làm gương
mẫu cho xã hội đại chúng hay không.
Hôm qua tôi nêu lên một thí dụ: ngày nay tâm
tham của người ta rất nặng, bất luận làm ngành nghề nào cũng đều kiếm đủ mọi
cách để đóng thuế ít hơn. Ðây có phải là việc chúng ta nên làm hay không? Không
phải. Chúng ta là đệ tử Phật, phải giữ phép tắc, chúng ta có nghĩa vụ phải đóng
thuế, nếu tìm đủ mọi cách, tìm lỗ hổng của pháp luật để đóng thuế ít một chút
thì chúng ta chẳng còn là đệ tử Phật nữa, chúng ta không tuân giữ luật pháp.
Trong đời sống hằng ngày chúng ta có thể tùy tiện khạc nhổ bừa bãi trên đường
phố hay không? Có thể tùy tiện xả rác hay chăng? Nếu chúng ta làm vậy thì có
thể làm gương mẫu cho xã hội đại chúng hay không? Nếu bạn có những sự cảnh giác
như vậy thì đó tức là quy y, bạn đã quay lại, bạn đã giác ngộ - những hành động
không tốt này sẽ ảnh hưởng đến xã hội, chúng ta nhất quyết chẳng làm.
Chúng ta chân thành với người, tuyệt đối
chẳng lừa gạt bất cứ người nào, khi chúng ta bị thiệt thòi, bị gạt gẫm cũng
chẳng so đo, giống như Ðạo An lão hòa thượng biết rõ bị người gạt nhưng vẫn để
cho họ gạt, và chẳng nói một lời, trong lòng mình tâm an lý đắc. Tại sao người
đó gạt mình mà chẳng gạt người khác? Bạn hãy suy nghĩ đạo lý này. Nếu họ gạt
mình và mình có năng lực cho người đó thì mình hãy bố thí cho họ, làm một việc
thiện. Ngay trong cảnh giới, trong hoàn cảnh này mài dũa hết tham, sân, si,
mạn, nghi. Nếu bạn chẳng có những cảnh giới này thì bạn tu cái gì? Ðây tức là
tu hành, đây tức là công phu! Rõ ràng minh bạch, là trí huệ đấy! Tu hành phải
tu ở đâu? Tu ngay tại chỗ này. Một chút thiệt thòi cũng chẳng chịu làm thì bạn
tu hành cái gì? Một chút thua thiệt cũng chẳng chịu, nói thực ra là bạn có phân
biệt, chấp trước quá cứng chắc. Nếu không thể phá trừ những thứ này thì bất
luận tu học pháp môn nào, tu được giỏi cách mấy, nói với các bạn biết đó đều là
tu thế gian pháp, đều vẫn kẹt trong lục đạo luân hồi.
5.
Giác là Phật pháp, mê không là Phật pháp.
Ðại thừa Phật pháp đặc biệt trong Tông Môn,
thường thường dùng câu: ‘Pháp nào là Phật
pháp?’ để thẩm vấn người sơ học. Các bạn nghĩ thử coi, pháp nào là Phật
pháp? Và hỏi ngược lại: ‘Pháp nào chẳng
là Phật pháp?’ Sự khác biệt giữa Phật pháp và chẳng phải Phật pháp ở đâu,
bạn phải hiểu rõ. Giác ngộ rồi thì hết thảy pháp đều là Phật pháp; chưa giác
ngộ thì hết thảy pháp đều chẳng là Phật pháp. Khi bạn chưa giác ngộ, vẫn
còn mê hoặc điên đảo, hỏi bạn thêm lần nữa: ‘pháp
nào là Phật pháp?’ Chẳng pháp nào là Phật pháp cả. Kinh Ðại Phương Quảng
Hoa Nghiêm cũng chẳng phải là Phật pháp. Một ngày bạn niệm mười vạn câu Phật
hiệu, thì như lời Liên Trì, Ngẫu Ích đại sư nói cho dù công phu niệm Phật của
bạn có giỏi hơn nữa, niệm đến mức ‘gió
thổi chẳng động, mưa rơi chẳng thấm’, sau đó phê bình bạn: ‘hét bể cổ họng cũng uổng công’. Tại sao
vậy? Chẳng thể vãng sanh, vẫn kẹt trong lục đạo luân hồi. Vì vậy nếu
chẳng giác ngộ, một ngày niệm mười vạn tiếng Phật hiệu cũng chẳng là Phật pháp,
quý vị phải hiểu đạo lý này.
Phật pháp thay đổi quan niệm, cách suy nghĩ
của chúng ta. Khi khởi tâm động niệm đều nghĩ cho mình, như vậy là sai lầm, đó
chẳng là Phật pháp; khởi tâm động niệm đều nghĩ đến hết thảy chúng sanh, nghĩ
đến sự an toàn của cả xã hội thì hết thảy pháp đều là Phật pháp. Tôi thường nói
những việc mà bạn làm hằng ngày như uống nước, mặc áo, ăn cơm chẳng có thứ nào
không là Phật pháp. Bạn giác ngộ chưa? Người giác ngộ sẽ vì hết thảy chúng
sanh, người mê chỉ vì cá nhân mình, mê và ngộ khác nhau tại chỗ này. Lúc khởi
tâm động niệm còn vì mình thì không được. Tại sao không được? Phật nói: ‘Hết
thảy chúng sanh vốn thành Phật’. Tại sao bây giờ bạn biến thành chúng sanh?
Tại sao bây giờ bạn còn trong lục đạo luân hồi? Phật dạy chúng ta: lục đạo là
do chấp trước hiện thành; thập pháp giới là do phân biệt hiện thành. Nói cách
khác nếu bạn có thể phá trừ chấp trước, lục đạo sẽ chẳng còn nữa, bạn sẽ vượt
ra khỏi tam giới; nếu bạn phá trừ phân biệt, bạn sẽ vượt thoát thập pháp giới
và đến Nhất Chân pháp giới. Nhất Chân pháp giới là Hoa Tạng thế giới trong kinh
Hoa Nghiêm, là cảnh giới của Tỳ Lô Giá Na Phật. (Tây phương Cực Lạc thế giới cũng là Nhất Chân pháp giới). Vì vậy
khi khởi tâm động niệm mà còn một cái ‘TA’ thì ngã chấp của bạn làm sao có thể
phá trừ được?
‘Cách
phá ngã chấp’ trong Ðại thừa cao minh
hơn Tiểu thừa. Trong pháp Ðại thừa Phật dạy chúng ta khi khởi tâm động niệm đều
vì chúng sanh, đừng nghĩ cho cá nhân mình, lâu dần biến thành thói quen, niệm
niệm đều vì chúng sanh, đem ích lợi cho chúng sanh, vì chúng sanh tạo phước,
quên mất mình. Phương pháp này đích thật là rất tốt, chẳng nghĩ đến mình, chỉ
nghĩ cho người khác. Dần dần không hay không biết thì ngã chấp sẽ biến mất hết.
Nói một cách khác không hay không biết bạn bèn vượt thoát tam giới, lục đạo.
Phương pháp này vô cùng kỳ diệu! Thêm phần bạn nhất tâm niệm Phật cầu sanh Tịnh
Ðộ thì làm sao chẳng nhanh chóng được? Thành Phật rất nhanh chóng! Thành Phật
tức là thành tựu trí huệ, đức năng viên mãn, nhất định phải hiểu đạo lý này,
nhất định phải hiểu phương pháp. Hiểu đạo lý rồi, biết phương pháp rồi, vấn đề
sau đó là mình phải nỗ lực thực hành. Ðây đích thật là con đường thành Phật
nhanh chóng vậy!
Nếu bạn hỏi: ‘Trong xã hội ngày nay làm theo cách này thì chỗ nào tôi cũng chịu
thiệt thòi, bị gạt rồi sao? Người ta ai cũng vì mình, nhưng tôi lại vì họ, họ
lại chẳng chịu vì tôi, làm sao tôi phải làm việc khờ dại này!’ Nếu bạn nghĩ
như vậy thì bạn mới thiệt là ngu si, chẳng phải người khác ngu; nếu bạn chịu
làm thì bạn sẽ được đại tự tại! Bạn thực sự có thể đạt được những quả báo mà
Phật nói trong kinh. Phải tin Phật, phải mạnh dạn làm, tôi nói những lời này với
mọi người khẳng định chắc chắn như đinh đóng cột, chẳng có một tơ hào hoài nghi
gì hết. Tại sao vậy? Vì tôi đã làm được rồi. Những gì Phật nói trong kinh,
những gì thầy tôi dạy cho tôi, trong vòng mấy chục năm nay những gì tôi làm bây
giờ đã có kết quả, hiện nay tôi đạt được những gì? Ðược đại tự tại.
Tôi thường nói: ‘Trên thế giới này tôi sung sướng nhất’.
Nếu bạn hỏi: ‘Sung sướng ở chỗ nào?
‘Trong
tâm tôi chẳng có lo lắng, âu sầu, phiền não, thì làm sao chẳng sung sướng,
chẳng tự tại được? Trong tâm của các bạn có lo âu, nhớ nhung, phiền não thì dù
bạn có nhiều tiền, có địa vị cao, bạn cũng chẳng tự tại. Bạn sinh sống rất khổ
sở, tôi sinh sống rất thong dong, rất vui sướng, rất tự tại’. Cho nên những gì đức Phật nói trong kinh
câu nào cũng chân thật, chẳng có câu nào giả dối, tại sao bạn chẳng chịu làm?
Tại sao lại hoài nghi? Chẳng chịu làm là vì chẳng giác. Dùng một thuật ngữ
trong Phật pháp [thì đây] là nghiệp chướng sâu nặng! Nghiệp chướng nặng phải tự
mình tiêu trừ, người khác chẳng có cách chi tiêu trừ dùm bạn, Phật, Bồ Tát cũng
chẳng có cách gì hết. Phật, Bồ Tát chỉ có thể nói rõ những lý luận và phương
pháp này cho bạn biết, bạn phải tự mình giải quyết vấn đề của bạn.
6.
Tin sâu nhân quả -- Niệm Phật là nhân, thành
Phật là quả.
Từ Tam Quy nâng cao đến phước thứ ba tức là
cơ sở tu học của Ðại thừa Bồ Tát: ‘Phát
Bồ Ðề tâm, đọc tụng Ðại thừa, tin sâu nhân quả, khuyến tấn hành giả’.
Bồ Tát Ðại thừa chẳng những tự độ mình mà còn
giúp đỡ người khác, cho nên ‘khuyến tấn hành giả’ nghĩa là chủ động giúp đỡ
người khác. Tin sâu nhân quả nói ở đây chẳng phải là nhân quả thông thường. ‘Niệm
Phật là nhân, thành Phật là quả’ đặc biệt nhấn mạnh trên nhân quả ‘niệm
Phật thành Phật’. Chúng ta có thể tìm được rất nhiều chứng minh trong các
kinh điển Ðại thừa, kinh Hoa Nghiêm là thí dụ rõ ràng nhất cho việc niệm Phật
thành Phật. Pháp Hoa, Lăng Nghiêm, Lăng Già cũng chẳng ngoại lệ, quý vị hãy
quán sát kỹ càng. Hết thảy kinh Ðại thừa đều nói niệm Phật thành Phật, đây là
cơ sở học Phật của chúng ta! Chúng ta phải dụng công từ đây, bắt đầu học từ
đây.
7.
Năm khoa mục của Tịnh Tông – Tam Phước, Lục
Hòa, Tam Học, Lục Ðộ, Thập Nguyện.
Hiện nay chúng ta chưa thành Phật, chưa thành
Bồ Tát, chưa vãng sanh, thân thể này vẫn còn trụ trên thế gian, mỗi ngày phải
tiếp xúc với đại chúng, chúng ta dùng thái độ gì để đối phó với những chuyện
hiện thực trong xã hội, Phật dạy chúng ta sáu nguyên tắc gọi là ‘Lục Hòa Kính’. Lần này cư sĩ Lâm đem
vài bộ [liễn, ghi chép] Lục Hòa Kính ở Ðài Loan về đây, hy vọng đem đóng khung
[treo lên] để chúng ta thường nhìn thấy và cảnh giác mình. ‘Kiến hòa đồng giải, Giới hòa đồng tu’. Nói theo hiện nay ‘kiến hòa đồng giải’ tức là ‘xây dựng kiến thức chung’, chúng ta có
chung nhận thức, chung lý tưởng, mục tiêu thì có thể sinh hoạt chung với nhau,
hòa đồng khi tiếp xúc lẫn nhau, đối xử hòa mục với nhau; ‘Giới hòa đồng tu’ nghĩa là tuân giữ luật pháp; nhà có quy tắc
trong nhà, nước có pháp luật quốc gia, đạo tràng có quy củ của đạo tràng, mọi
người đều phải tuân theo. ‘Thân hòa đồng
trụ, khẩu hòa vô tránh, ý hòa đồng duyệt, lợi hòa đồng quân’ [thân hòa
đồng trụ: cùng nhau làm việc, sanh hoạt hòa đồng; khẩu hòa vô tránh: chẳng
tranh chấp, cãi cọ; ý hòa đồng duyệt: cùng chung chí hướng; lợi hòa đồng quân:
cùng chia xẻ tài vật đồng đều với nhau]. Phật dạy chúng ta ‘Lục hòa kính’,
chúng ta phải tuân theo sáu nguyên tắc này khi tiếp xúc, sinh hoạt với đại
chúng trong xã hội.
Tam Phước là cơ sở tu học của mỗi người. Lục
Hòa Kính là nguyên tắc căn bản khi chúng ta tiếp xúc với đại chúng. Nếu chúng
ta có thể làm được thì trên thế giới này bất luận bạn ở quốc gia nào, địa
phương nào, bất luận trong xã hội nào, bạn sẽ chẳng thiệt thòi gì hết, đi đâu
cũng được mọi người tôn kính, hoan nghinh, lợi ích này thiệt là chẳng thể nghĩ
bàn! Phải dốc sức thực hành, làm hết lòng; từ cơ sở này không ngừng tiến lên,
nâng cao cảnh giới của mình, bạn nhất định phải tuân theo Tam Học, Lục Ðộ, Thập
Nguyện. Tam Học tức là Giới, Ðịnh, Huệ. Trong đề kinh ‘Thanh Tịnh Bình Ðẳng Giác’ của kinh Vô Lượng Thọ, Thanh tịnh là
Giới Học, Bình đẳng là Ðịnh Học, Giác là Huệ Học. Tam Học đầy đủ trong đề kinh
này; Chẳng những Tam Học đầy đủ, Tam Bảo cũng đầy đủ, Thanh tịnh là Tăng Bảo,
Bình đẳng là Pháp Bảo, Giác là Phật Bảo. Từ đây có thể biết kinh Vô Lượng Thọ
thiệt là chẳng thể nghĩ bàn, hy vọng các vị đồng tu hết lòng nỗ lực, đời này
chúng ta sẽ chẳng luống uổng, đây là nhân duyên khó gặp từ vô lượng kiếp đến
nay, đời này gặp được thì chúng ta phải trân trọng, nắm chắc, nhất định sẽ
thành tựu. Lời tôi nói đến đây đã hết.
Buổi nói chuyện tại Tịnh
Tông Học Hội Úc Châu, 1997 (ngày thứ ba)
Nhận xét
Đăng nhận xét