A. Sanh tâm ‘Vô trụ’
NIỆM PHẬT TÂM ĐỊA CÔNG PHU
Nguyên tác: Lão Pháp Sư Tịnh Không
Nguyên tác: Lão Pháp Sư Tịnh Không
1. Mục đích của Phật thất
Phật thất là phương pháp tu hành [mà hành
giả] đặt ra kỳ hạn để cầu chứng, nghĩa là đặt mục tiêu phải thành công, trong 7
ngày này phải đạt được ‘nhất tâm bất
loạn’ nói trong kinh A-Di-Ðà. Công phu đến ‘nhất tâm bất loạn’ thường được chia ra ba hạng: thượng, trung, hạ.
Công phu mức thượng gọi là ‘Lý nhất tâm
bất loạn’ có cùng một cảnh giới với mức ‘Minh
tâm kiến tánh, kiến tánh thành Phật’ trong Tông Môn. Kế đó là ‘Sự nhất tâm bất loạn’: đoạn dứt kiến tư
phiền não, công phu này tương đương với bậc Tiểu thừa A-la-hán. Mức thấp nhất
gọi là ‘Công phu thành phiến’ (thành
khối). Rất ít người có thể đạt được công phu mức thượng và mức trung, nhưng
‘công phu thành phiến’ đích thật là
ai cũng có thể đạt được.
Trong vòng 24 giờ đồng hồ trong tâm chỉ có
A-Di-Ðà Phật, ngoài ra không khởi lên một vọng niệm gì khác, đây gọi là ‘công phu thành phiến’. Từ điểm này
[chúng ta] có thể biết kết thất niệm Phật có mục đích thù thắng như vậy. Giảng
khai thị trong Phật thất được gọi là ‘xen
tạp, xía vô’, vì giảng khai thị làm cho tâm người ta loạn lên và không đạt
được công phu thành phiến. Tại sao chúng ta không những giảng khai thị trong
Phật thất mà còn giảng đến một giờ rưỡi? Nói chung cũng vì lúc dự Phật thất
vọng tưởng, tạp niệm [của các bạn] quá nhiều, đạt không được công phu thành
phiến, bất đắc dĩ phải làm vậy.
2. ‘Ðạo’ ở trong sanh hoạt hằng ngày.
Tại sao công phu niệm Phật của mọi người
không được đắc lực? Nguyên nhân là vì không nhìn thấu, không buông xả, và cũng
vì chưa hiểu rõ được chân tướng của vũ trụ nhân sanh.
Tất cả kinh điển Ðại thừa như Lăng Nghiêm, Lăng Già, Hoa Nghiêm, Pháp Hoa đều
đã thảo luận đến những vấn đề này. Tuy kinh Kim Cang không dài nhưng nội dung
nhất định không kém những kinh luận Ðại thừa khác, mỗi chữ mỗi câu trong kinh
đều hàm chứa vô lượng nghĩa cho nên kinh Kim Cang trong Phật giáo Trung-Quốc đã
vượt qua [ranh giới] giữa các tông phái, không kể tu học pháp môn nào hầu như
không ai không đọc kinh Kim Cang.
Sự việc mà Phật pháp truy cầu là trí huệ
rốt ráo, trí huệ cứu cánh viên mãn. Chỉ có trí huệ mới có khả năng giải quyết
tất cả vấn đề, [vấn đề] lớn như sanh tử luân hồi, thành Phật làm Tổ, [vấn đề]
nhỏ như thân tâm an lạc ngay trong hiện tại. Tâm thanh tịnh thì thân sẽ thanh
tịnh, trăm bịnh không sanh; mỗi năm thân thể càng khỏe và dung mạo trẻ trung
thêm.
Trong Phật pháp không kể Ðại Thừa, Tiểu
Thừa, Hiển Giáo, Mật Giáo đều dạy chúng ta đạt được niềm vui ‘pháp hỷ sung mãn’ trong sanh hoạt thường ngày. [Vậy thì] tại
sao đời sống của chúng ta hiện nay lại khổ não như vậy? Nguyên nhân là không có
trí huệ. [Khi tôi] đọc Lục Tổ Ðàn Kinh rất ngưỡng mộ Huệ Năng đại sư, lúc gặp
Ngũ Tổ Ngài nói: ‘Trong tâm đệ tử thường
sanh trí huệ’, đủ thấy được Ngài luôn sanh hoạt trong trí huệ; [ngược lại]
chúng ta thì ‘trong tâm đệ tử thường sanh
phiền não’, chúng ta luôn sanh hoạt trong phiền não!
Làm thế nào để chuyển phiền não thành bồ
đề?
Hình dáng của bồ đề tức là niềm vui ‘pháp hỷ sung mãn’, tức là trí huệ viên
mãn. Kim Cang Bát Nhã là trí huệ viên mãn và rốt ráo nhất. Cho nên ngay đoạn
đầu trong kinh Kim Cang đức Phật Thích-Ca Mâu-Ni liền biểu hiện sự đại tự tại,
đại viên mãn trong đời sống, dạy cho chúng ta thể hội và học theo. Phần đông
các kinh điển đều dùng việc [đức Phật] phóng hào quang, hiện tướng lành để mở
đầu, nhưng [đoạn mở đầu] trong kinh Kim Cang đức Phật Thích-Ca Mâu-Ni ‘đắp y, cầm bình bát, đi vào thành Xá Vệ
khất thực’. Ðây là để nói rõ trí huệ cứu cánh viên mãn vốn là ở trong sanh
hoạt hằng ngày. Ðức Phật Thích-Ca Mâu-Ni đắp y, cầm bình bát, ăn cơm đều là ‘kim cang bát nhã’; từ sáng đến tối,
sanh hoạt, làm việc, tiếp xúc với người và việc, tất cả đều là trí huệ cứu cánh
viên mãn. Trong kinh Hoa Nghiêm, những Pháp Thân Ðại Sĩ trong 53 lần tham vấn
thị hiện làm nam, nữ, già, trẻ, các ngành nghề, tại gia, xuất gia, đời sống của
họ đều giống sự thị hiện của đức Phật Thích-Ca trong kinh Kim Cang, đều sanh
hoạt trong trí huệ cứu cánh viên mãn. Ðây là sự thọ dụng chân thật mà Phật pháp
đem lại cho mọi người, không có gì là mê tín.
Trong kinh Vô Lượng Thọ, đức Thế Tôn nói
đến ba thứ chân thật:
1. ‘Chân
thật chi tế’ tức là bản tánh chân như, tức là mục tiêu của sự học Phật
2. ‘Trụ
chân thật huệ’ tức là Kim Cang Bát Nhã
3. ‘Huệ
dĩ chúng sanh chân thật chi lợi’ (Ban cho chúng sanh lợi ích chân thật).
Tự mình trụ trong trí huệ chân thật thì mới
có khả năng dạy tất cả chúng sanh đạt được trí huệ chân thật. Chúng ta phải làm
ra hình tướng tốt cho người ta thấy, làm cho người ta cảm động, muốn học và bắt
chước, [làm cho họ] cũng có thể đạt được đời sống viên mãn trí huệ giống như
chư Phật, Bồ Tát, đó tức là ‘huệ dĩ chân
thật chi lợi’.
Chư Phật, Bồ Tát thị hiện ở thế gian làm
gương tốt nhất cho chúng sanh, chúng ta noi theo các Ngài mà học tập, như vậy
gọi là ‘học Phật’. Cùng một đạo lý
này, làm một đệ tử của Phật, khi khởi tâm động niệm, ngôn ngữ tạo tác, hành vi
trong đời sống chúng ta đều phải làm gương tốt cho tất cả mọi người. Phật pháp
không phải dùng để đàm huyền thuyết diệu mà phải áp dụng vào sự sanh hoạt
thường ngày. Nguyên nhân chúng ta học Phật mà không đạt được thọ dụng [lợi ích]
của Phật pháp, khuyết điểm của chúng ta là ‘không buông xả’ và ‘không nhìn
thấu’. Giống như lão hòa thượng Hư Vân trong Thiền Tông cận đại, đại sư Ấn
Quang trong Tịnh Tông, những gì họ thị hiện hoàn toàn phù hợp với nguyên tắc tu
học dạy trong kinh Kim Cang. Sau khi nghe hai câu ‘Ưng vô sở trụ nhi sanh kỳ
tâm’ (nên không trụ vào đâu để sanh cái tâm ấy) trong kinh Kim Cang,
Lục Tổ Huệ Năng [liền] khai ngộ; thiệt ra mỗi chữ mỗi câu trong kinh đều quan
trọng như hai câu này.
Chúng ta học Phật rốt cuộc là để làm gì?
Học cái gì?
Ðạt được cái gì?
Thường thường phản tỉnh như vậy thì mới có
cơ hội giác ngộ, không những phải vượt hơn Lục Tổ, mà còn phải vượt ra khỏi
thập pháp giới. Nếu không phản tỉnh thì cứ tiếp tục mê hoặc và kẹt mãi trong
sáu nẻo luân hồi. Trong kinh Hoa Nghiêm đức Phật dạy: ‘Tất cả chúng sanh đều
có trí huệ đức tướng của Như Lai, nhưng vì vọng tưởng chấp trước nên không
chứng được’, đây là một lời nói chỉ rõ nguồn gốc của thập pháp giới. Khởi
vọng tưởng làm ‘Nhất Chân Pháp Giới’
biến thành thập pháp giới; có chấp trước thì tạo thành lục đạo luân hồi. Vì vậy
phá chấp trước sẽ ra khỏi lục đạo; đoạn dứt vọng tưởng sẽ ra khỏi thập pháp
giới.
‘Tam
Quy Y’ là tổng cương lĩnh, mục tiêu chung của sự học Phật. ‘Quy’ nghĩa là quay lại, ‘y’ nghĩa là nương vào, ‘Phật’ nghĩa là ‘giác’. Từ trong mê hoặc điên đảo quay lại nương nhờ vào ‘giác’, từ đây về sau luôn ‘giác mà không mê’ tức là ‘quy y Phật’. Pháp nghĩa là chánh tri
chánh kiến (sự hiểu biết, cái nhìn đúng đắn), từ tất cả tà tri tà kiến (sự
hiểu biết, cái nhìn sai lầm) quay lại nương vào tri kiến Phật tức là ‘quy y Pháp’. Tăng có nghĩa là thanh
tịnh, sáu căn thanh tịnh một mảy trần cũng không nhiễm. Hiện nay chúng ta
thường nói đến tâm lý, tinh thần, tư tưởng, và kiến giải ô nhiễm, thậm chí đến
sinh lý, hoàn cảnh ô nhiễm …., chúng ta từ trong tất cả nhiễm ô quay lại nương
vào thanh tịnh. Tâm thanh tịnh thì thân thanh tịnh; thân tâm thanh tịnh thì
hoàn cảnh sẽ thanh tịnh. Ðó mới là ‘quy y
Tăng’.
Phật pháp [dạy chúng ta] tu cái gì?
Tu ‘giác,
chánh, tịnh’.
Dùng phương pháp gì để tu?
Tám vạn bốn ngàn pháp môn, vô lượng pháp
môn.
‘Pháp’
là phương pháp, môn là lối vào; vô lượng vô biên phương pháp đường lối đều tu ‘giác, chánh, tịnh’. Nếu phương pháp
đường lối [nào đó] không có tu ‘giác,
chánh, tịnh’ mà ngược lại là ‘mê, tà,
nhiễm’ thì đó không phải là Phật pháp. Nếu mỗi ngày chúng ta sinh hoạt, làm
việc, tiếp xúc với người và sự việc mà không tương ứng, phù hợp với giác,
chánh, tịnh thì pháp chúng ta học không phải là chánh pháp.
Kinh Kim Cang nói: ‘[Chánh] pháp còn
phải xả, huống hồ là phi pháp’. Pháp thế gian do nhân duyên sanh, duyên
khởi tánh không; Phật pháp cũng do nhân duyên sanh, cũng là ‘đương thể giai
không, liễu bất khả đắc’ (bản thể đều là không, không thể nào [nắm lấy] được).
Ðây là điều mà đức Phật dạy chúng ta đừng nên chấp trước thế pháp và Phật pháp,
‘Ưng vô sở trụ’, ‘trụ’ tức là chấp
trước. Nhưng không phải dạy người ta ‘không
nên chấp trước thế pháp, rồi chấp trước Phật pháp’. Trong kinh nói rất rõ
ràng, Phật pháp cũng không được chấp trước, cũng phải buông xả. Hôm nay tại sao
chúng ta không thể buông xả? Vì không hiểu rõ chân tướng sự thật. Ðời sống của
đức Phật Thích-Ca Mâu-Ni vô cùng tự tại siêu thoát, nguyên nhân là vì đối với
tất cả các pháp Ngài có thể làm được ‘ưng vô sở trụ nhi sanh kỳ tâm’ (nên
không trụ vào đâu để sanh cái tâm ấy). Chúng ta học Phật, học Bồ Tát thì
phải học cho tâm thanh tịnh, một tí bụi cũng không nhiễm; khi tiếp xúc với mọi
cảnh giới đều phải có trí huệ viên mãn, sanh hoạt được tự tại là pháp hỷ sung
mãn, có thể làm cho người khác hâm mộ. Mỗi ngày đức Thế Tôn đều biểu diễn như vậy,
chưa từng gián đoạn, nhưng chưa có ai đề cập đến chuyện này.
Một hôm giữa đám đông, tôn giả Tu Bồ-Ðề tán
thán đức Phật Thích-Ca Mâu-Ni ‘Hiếm có,
Thế Tôn’. Pháp giới cứu cánh viên mãn của Thế Tôn đã tu chứng được từ lũy
kiếp (A-nậu-đa-la Tam-miệu Tam Bồ-Ðề)
vốn là được dùng trong sanh hoạt thường ngày: mặc áo, ăn cơm; từng ly từng tí
đều là ‘Vô Thượng Chánh Ðẳng Chánh Giác’,
và cũng là ‘Trí huệ vô thượng, rốt ráo,
cứu cánh, viên mãn’. Ðiều này mới thật sự là hiếm có!
Ngài Tu Bồ-Ðề nói tiếp: ‘Như Lai thiện
hộ niệm chư Bồ Tát, thiện phó chúc chư Bồ Tát’. Bồ Tát là học trò. Ðức Phật
làm sao hộ niệm học trò? [Bằng cách] làm [gương mẫu] cho học trò thấy, để học
trò thể nghiệm, học tập, thực hiện trong đời sống. Ðây là sự hộ niệm và phó
chúc thật sự. Phó chúc có nghĩa là giao trọng trách, nhắn nhủ. Quý vị hiểu rõ,
làm được rồi, lại phải dạy và làm gương tốt cho tất cả chúng sanh, hy vọng mọi
người đều giác ngộ, ai cũng sống một cuộc đời chân thật, mỹ mãn, trí huệ; đây
là bổn nguyện của đức Phật.
Chư Phật, Bồ Tát ở trong thế gian không
nhất định phải thị hiện làm pháp sư hay cư sĩ trong Phật môn, mà cũng thường
thị hiện làm người trong tôn giáo khác. Thắng Nhiệt Bà La Môn và Biến Hành
Ngoại đạo trong kinh Hoa Nghiêm đều là các người lãnh đạo tôn giáo. Những nguyên
lý và nguyên tắc dạy dỗ chúng sanh của họ không khác với những gì Phật dạy,
nhưng phương pháp không giống nhau. Họ là chư Phật, Bồ Tát ứng hóa thị hiện,
như trong kinh có nói: ‘Tuỳ tâm chúng sanh, mà ứng hoá theo tri lượng như
vậy’. Thật là vĩ đại!
Ngày 1 tháng 2 năm nay, Cục trưởng Cục Sự
Vụ Dân tộc Thiểu Số ở Queensland, Úc Châu, ông Uri Themal OAM tổ chức một buổi
luận đàn ‘Ða Nguyên Văn Hóa’ ở
Queensland và mời tôi đến nói chuyện. Mục đích của buổi luận đàn này vô cùng
quý báu, theo cái nhìn của Phật pháp thì người này là Phật, Bồ Tát. Ông này là
người Do Thái, nhập tịch Úc, theo đạo Do Thái. Mục đích của buổi họp ‘Ða nguyên văn hoá’ là hy vọng tập hợp
tất cả tôn giáo trên thế giới lại với nhau và thảo luận làm thế nào để đoàn
kết, làm thế nào để xoá bỏ sự cách biệt giữa mọi chủng tộc, bối cảnh văn hoá,
và tôn giáo tín ngưỡng khác nhau. Vì ngày nay chính phủ Úc có chính sách mở
rộng, mọi người từ khắp nơi trên thế giới di dân đến Úc càng ngày càng nhiều,
làm sao có thể sanh hoạt hài hoà với nhau, hợp tác giúp đỡ lẫn nhau, để đạt đến
mục đích xã hội phồn vinh, an định, hưng thạnh, phú cường. Ðiều này là quan
niệm của Phật, Bồ Tát [trong việc] hoằng pháp lợi sanh.
Hôm đó tôi họp mặt cùng với người lãnh đạo
của 14 đoàn thể tôn giáo, tôi khen ngợi họ là những Bồ Tát thật sự, hoàn toàn
buông bỏ thành kiến cá nhân để mưu cầu cho xã hội an định, hạnh phúc thực sự
cho mọi người. Tôi hy vọng cuộc đàm luận này có thể mở rộng đến mọi thành phố,
và hy vọng có thể phát triển đến khắp mọi nơi trên thế giới. Mục tiêu của buổi
họp là hoà bình thế giới. Tuy nhiên hòa bình không phải chỉ dùng miệng hô hào
là được, nhất định phải tiêu trừ hết tất cả những mối hiềm khích lẫn nhau, ý
kiến khác nhau; tìm ra điểm tương đồng giữa quan niệm của mọi người. Thí dụ
trong các tôn giáo có nói đến ‘Chúa
thương yêu người đời’, nói đến ‘bác
ái’, trong Phật pháp nói đến ‘từ bi’,
đây là điểm tương đồng.
Tất cả mọi tôn giáo đều có điểm tương đồng,
chúng ta tạm thời gạt những điểm dị biệt qua một bên, phát huy những điểm tương
đồng trước, từ điểm này xây dựng sự hiểu biết lẫn nhau. Kinh Phật thường nói
vạn pháp đều từ ‘Tự tánh biến hiện’
ra, không có đạo lý ‘không thể dung hoà
lẫn nhau’. Kinh Hoa Nghiêm nói: ‘lý sự vô ngại, sự sự vô ngại’, đây
là chân lý. Nếu có trí huệ, tất cả những sự cách biệt, hiểu lầm đều có thể hoá
giải, thế giới, nhân sanh đều biến thành tốt đẹp.
3. Làm thế nào ‘an tâm đoạn vọng’.
Tôn giả Tu Bồ-Ðề trong hội giảng kinh Kim
Cang Bát Nhã nhìn thấy sanh hoạt, việc làm, cách đối người, tiếp vật đều là ‘Kim Cang Bát Nhã Ba La Mật’, nghĩa là ‘trí huệ cứu cánh viên mãn’, và cũng là ‘A-nậu-đa-la Tam-miệu Tam Bồ-Ðề’ (A-nậu-đa-la
Tam-miệu Tam Bồ-Ðề nghĩa là Vô Thượng Chánh Ðẳng Chánh Giác). Vì thế
Ngài hỏi đức Phật: ‘Thiện nam tử, thiện nữ nhân, phát tâm A-nậu-đa-la
Tam-miệu Tam Bồ-Ðề’. ‘Thiện nam tử,
thiện nữ nhân’ ở đây chỉ các bạn đồng học. Ðiểm này vô cùng trân quý – các
bạn đồng học phát tâm rồi, nhưng không thể làm được tự tại rốt ráo như đức
Phật. Nguyên nhân ở tại chỗ nào?
Ngài Tu Bồ-Ðề vô cùng khéo léo, thay mặt
mọi người nêu ra hai câu hỏi, hỏi đúng ngay chỗ bí, chỗ gút mắc [của mọi
người], câu hỏi thứ nhất là:
‘Ưng vân hà trụ’ (Nên trụ ở đâu),
câu thứ nhì:
‘Vân hà hàng phục kỳ tâm’ (Làm sao để khuất
phục tâm này?)
Câu thứ nhất, không biết phải an trụ tâm ở
đâu?
Câu thứ hai, vọng niệm vọng tưởng quá
nhiều, làm sao để đoạn dứt?
‘Hàng phục kỳ tâm’ tức là ‘khuất
phục phiền não’. Từ điểm này có thể biết, không biết nên an trụ tâm ở đâu
tức là vọng tưởng, ý niệm quá nhiều, tất cả đều là phiền não. Thị phi, nhân
ngã, tham, sân, si, mạn (kiêu mạn, kiêu căng) là ‘vọng tưởng, chấp
trước’ nói trong kinh Hoa Nghiêm. ‘Ưng vân hà trụ’ là dạy người ta giải
quyết [dẹp trừ] vọng tưởng; ‘vân hà hàng phục kỳ tâm’ nghĩa là làm sao phá
trừ chấp trước. Nếu hai vấn đề này được giải quyết thì có thể vượt ra khỏi
mười pháp giới, như vậy mới biết ý nghĩa của của câu hỏi này vô cùng sâu rộng,
nghệ thuật hỏi cũng rất cao minh.
Hai câu hỏi này thực ra là hai mặt của một
vấn đề, đức Phật trả lời cụ thể rằng Bồ Tát làm thế nào để khuất phục tâm này.
Phật dạy Bồ Tát, tức là dạy chúng ta. ‘Sở hữu nhất thiết chúng sanh chi
loại…., ngã giai linh nhập Vô Dư Niết Bàn nhi diệt độ chi’ (Tất cả mọi loài
chúng sanh…, ta đều khiến cho nhập vào Vô Dư Niết Bàn hòng diệt độ), nếu có
thể sanh tâm như vậy tức là tâm Phật, tức là chân tâm. Chúng ta phải có tâm
niệm giống như chư Phật, Bồ Tát; Phật dạy chúng ta dùng tâm thanh tịnh, tâm
bình đẳng, tâm đại từ bi để đối xử với tất cả chúng sanh. Kinh nói: ‘Phật
không độ người chẳng có duyên’, chịu tiếp nhận dạy dỗ tức là có duyên,
không tiếp nhận tức là chẳng có duyên. Trong nhà Phật không bỏ một người nào
cả, chư Phật, Bồ Tát chân thành từ bi, sẽ không buông bỏ một người nào cả; vấn
đề là chúng ta có chịu y theo lời dạy mà thực hành hay không? Khi chúng ta giúp
đỡ chúng sanh không chỉ giúp đỡ họ trong một thời gian ngắn mà phải giúp họ đạt
đến cứu cánh rốt ráo, tức là ‘đều giúp cho nhập vào Niết Bàn Vô Dư rồi diệt
độ’. Nói một cách khác phải luôn luôn giúp đỡ chúng sanh chứng được ‘Vô Thượng Chánh Ðẳng Chánh Giác’, câu
này là để dạy chúng ta ‘nhi sanh kỳ tâm’ (để sanh cái tâm ấy).
‘Sanh
tâm’ phải ‘vô trụ’ mới
được, nên đức Phật nói tiếp: ‘Như thị diệt độ vô lượng vô số vô biên chúng
sanh, thực vô chúng sanh đắc diệt độ giả’ (Ðộ vô lượng vô số chúng sanh nhiều
như vậy nhưng thực sự không có chúng sanh được diệt độ). Tâm của Phật, Bồ
Tát thanh tịnh như thế! Ðức Phật Thích-Ca Mâu-Ni mặc áo chỉnh tề, sạch sẽ,
không trước tướng; trì bát [khất thực] mỗi ngày, ăn uống cũng không chấp tướng.
Hết thảy lời nói, hành động, cử chỉ đều để làm gương cho tất cả chúng sanh,
trong tâm trống rỗng, cho đến mảy trần chẳng nhiễm, nhất định không có tí phân
biệt chấp trước gì cả. Phật, Bồ Tát giúp đỡ chúng sanh hoàn toàn không nghĩ
rằng mình ban ân huệ cho họ, nên mới gọi là ‘vô
duyên đại từ’. Vô duyên nghĩa là không đặt điều kiện. Như vậy mới biết được
chỗ cao cả, vĩ đại của chư Phật, vì tâm lượng của các Ngài đã mở rộng, tận hư
không khắp pháp giới đều là một thể cả. Vì tất cả chúng sanh và mình đều là một
thể cho nên người thực sự giác ngộ nhất định sẽ từ bi, thương yêu chăm sóc vô
điều kiện cho tất cả chúng sanh. Nhưng chúng sanh mê hoặc điên đảo không biết
tận hư không, khắp pháp giới đều là một, cho rằng người khác không có liên can
gì với mình, mình tốt đẹp là được rồi, lo cho người khác làm gì.
Thế Tôn đặc biệt nhắc nhở chúng ta: ‘Nếu
Bồ Tát có tướng ta, tướng người, tướng chúng sanh, tướng thọ giả, tức không
phải là Bồ Tát’. [Ngài] dùng câu này để dạy chúng ta lìa bốn tướng và cũng
là lìa tất cả pháp tướng thế và xuất thế gian. ‘Ngã tướng’ là chấp trước ‘tôi’,
cứ tưởng thân này là của mình, cứ tưởng [cái] có thể tư duy, tưởng tượng là
tôi. Thiệt ra đó là ‘tứ kiến’ (ngã kiến,
nhân kiến, chúng sanh kiến, thọ giả kiến) và đem những thứ này xem là
‘tôi’, đây là nguyên nhân của tất cả sai lầm. Những gì đối lập với ‘tôi’ đều xưng là ‘người’ (nhân); tất cả chúng sanh hữu tình trong chín pháp giới đều
ở trong phạm vi ‘người’ này. Thế mới
biết phạm vi của ‘nhân tướng’ (tướng
người) vô cùng rộng lớn, chư Phật, Bồ Tát cũng dùng ‘người’ làm đại biểu.
Ðức Phật nói với chúng ta tất cả hiện tượng
thế gian và xuất thế gian, y báo, chánh báo trang nghiêm trong mười pháp giới (người thế gian dùng danh từ ‘vũ trụ vạn
hữu’) từ đâu đến? Hình thành ra sao? Diễn biến như thế nào? Phật nói là do:
‘Chúng duyên hòa hợp nhi sanh’ (do các nhân duyên hòa hợp mà sanh ra),
tức là ‘tướng chúng sanh’. Vì do các
nhân duyên hòa hợp mà tạo thành, hàm ý thật sự trong đó là ‘không có tự
thể’, ‘đương thể giai không, liễu bất khả đắc’ (bản thể của nó là không, trọn
chẳng thể nắm lấy)… tướng hữu, thể không, liễu bất khả đắc (Tướng thì
có, nhưng bản thể là không, trọn chẳng thể đạt được). ‘Thế pháp’ (pháp thế gian) là do nhiều [nhân] duyên [hợp
lại] mà sanh ra, kinh Bát Nhã nói ‘duyên
khởi tánh không’; ‘Phật pháp’
cũng là ‘duyên khởi tánh không’,
trong chân tâm bản tánh không có Phật pháp. Lục Tổ nói rất hay: ‘Bổn lai vô
nhất vật’ (vốn chẳng có một vật), Phật pháp cũng là một vật, vốn cũng không
có. Thế mới biết hàm ý của ‘chúng sanh tướng’ sâu xa vô cùng!
‘Thọ
giả tướng’ chỉ thời gian tồn tại dài ngắn của các
hiện tượng. Kệ cuối cùng trong kinh Kim Cang nói:
‘Nhất thiết hữu vi pháp (Tất
cả pháp hữu vi
Như mộng huyễn bào ảnh, Như
mộng huyễn, bọt, ảnh,
Như lộ diệc như điển Như sương cũng như chớp
Ưng tác như thị quán’ Nên
quán sát như vậy)
Như mộng, huyễn, bọt, ảnh’ tức
là chúng sanh tướng; ‘như sương cũng như chớp’ tức là thọ giả tướng,
thời gian nó tồn tại [rất ngắn] như giọt sương, như ánh chớp. Sương thí dụ cho
tướng tương tục (tướng tiếp nối),
người ta trên thế gian có thể sống được mấy chục năm, thí dụ ‘như sương’. Ðiện chớp thí dụ cho ‘tướng chân thật’. Trong kinh ‘Nhân Vương Bát Nhã’ đức Phật nói ‘một
cái khảy ngón tay có 60 sát-na, một sát-na có 900 lần sanh diệt’, tức là ‘như chớp’. Hiện tượng đích thật không
tồn tại, từ ‘chúng sanh tướng’ và ‘thọ giả tướng’ liền hiểu rõ được chân
tướng sự thật của vũ trụ nhân sanh, mới hiểu được ‘đương thể tức không, liễu
bất khả đắc’ (bản thể của nó đều là không, chẳng thể đạt được). Thế
nên kết luận là ‘vạn pháp giai không, nhân quả bất không’ (vạn pháp đều là
không, nhân quả chẳng không).
4. Vạn pháp là tướng tương tục (tiếp nối) của nhân
quả
Nhân quả cũng ở trong vạn pháp, tại sao nói
nhân quả chẳng không? Nhân quả là căn nguyên của hiện tượng năng biến; ‘nhân’
là năng biến (chủ thể thực hiện động tác biến hiện), ‘quả’ là sở biến (cái
được biến hiện ra). Tại sao có mười pháp giới? Có ‘nhân’ của Phật, thì sẽ
hiện pháp giới Phật; có ‘nhân’ Bồ Tát thì sẽ hiện pháp giới Bồ Tát. Cùng nghĩa
lý này, có ‘nhân’ ngạ quỷ thì sẽ hiện ra pháp giới của quỷ; có ‘nhân’ địa ngục
thì sẽ hiện pháp giới địa ngục. Những hiện tượng này đều là tự tâm biến hiện
ra. Cũng như mỗi ngày nằm mộng, toàn là do ý niệm của mình biến hiện, cũng là
tâm ý thức biến hiện ra. Tâm địa lương thiện, từ bi thì mỗi ngày đều nằm mộng
tốt lành; mỗi ngày từ sáng đến tối đều tham, sân, si, mạn, đố kỵ chướng ngại
thì mỗi ngày đều có ác mộng. Y báo, chánh báo trang nghiêm trong mười pháp giới
đều là hiện tượng do tự tánh tuỳ theo duyên của nghiệp nhân biến thành. Từ điểm
này có thể biết: ‘tất cả vũ trụ nhân sanh đều là tướng tiếp nối của nhân
duyên quả báo biến thành’ mà thôi. Sau khi nhìn thấy và hiểu rõ như vậy thì
tại sao không buông xả chứ? Ðối với tất cả người ác, nghịch cảnh, tự nhiên có
thể nhìn thấu, tự nhiên có thể buông xả. Vì hiểu được [tất cả] hiện tượng đều
là nghiệp nhân quả báo tiếp nối liên tục, bản thể của nó đều là không, không
thể nắm giữ lấy được. Lúc đó trí huệ chân thật hiện ra, tâm đó nhất định phải
chân thành, thanh tịnh, bình đẳng, chánh giác, từ bi, hết thảy đều biểu hiện
trong sanh hoạt như lời của Lục Tổ: ‘Nếu là người tu đạo chân chánh, không
nhìn thấy lỗi lầm của thế gian’, chỉ nhìn thấy sự sanh diệt từng sát-na của
tướng nhân quả tiếp nối.
Nhất Chân pháp giới (Thật Báo độ) là nơi chư Phật Như Lai trụ và cũng từ tự tánh biến hiện
ra. Tâm thanh tịnh, tâm thuần tịnh biến ra cảnh giới ‘Thật Báo Ðộ’. Tâm thanh tịnh nhưng không thuần tịnh biến hiện ra
‘Tứ Thánh tịnh độ’. ‘Tứ thánh’ là pháp giới Phật, Bồ Tát, Thanh Văn, Duyên Giác
trong mười pháp giới. Tâm không thanh tịnh thì biến thành báo độ của lục đạo,
thế mới biết tâm chúng ta là nhiễm mà không tịnh [vì chúng ta đang ở trong
lục đạo].
Phân biệt, chấp trước bốn tướng thì không
phải là Bồ Tát. Tiêu chuẩn của Bồ Tát rất nhiều, nếu chúng ta đã thọ giới Bồ
Tát, thì [hiểu mình] là Bồ Tát cũng không sai, nhưng [như vậy] chưa đúng với
tiêu chuẩn Bồ Tát của kinh Kim Cang. Tiêu chuẩn Bồ Tát của kinh Kim Cang cũng
tức là tiêu chuẩn của kinh Hoa Nghiêm, 41 vị Pháp Thân Ðại Sĩ đều là Bồ Tát đã
vượt ra khỏi mười pháp giới. Thế nên [trong câu] ‘nếu Bồ Tát có ngã tướng,
nhân tướng, chúng sanh tướng, thọ giả tướng’ thêm vào vài chữ liền rõ ràng,
‘tức không phải Bồ Tát (trong Nhất Chân pháp giới)’.
Trong mười pháp giới có Thanh Văn, Duyên
Giác, Bồ Tát, Phật. Phật[1]
nói ở đây cũng không bằng Bồ Tát nói trong kinh Kim Cang (còn chưa vượt ra khỏi mười pháp giới). Tông Thiên Thai giảng tứ
giáo: Tạng, Thông, Biệt, Viên. Tạng Giáo Phật, Thông Giáo Phật đều ở trong mười
pháp giới, chưa minh tâm kiến tánh, một phẩm vô minh cũng chưa phá trừ. Biệt
Giáo Phật vượt khỏi mười pháp giới, bằng địa vị Nhị Hạnh Bồ Tát của Viên Giáo,
đã phá trừ 12 phẩm trong 41 phẩm vô minh.
Nếu hiểu rõ chân tướng sự thật thì có thể
nhìn thấu; sau khi nhìn thấu rồi thì tự nhiên sẽ buông xả, không cần người khác
khuyên. Nếu không nhìn thấu, khuyên cách nào cũng chẳng được. Trong tâm không
có những nỗi niềm âu sầu, nhớ nhung, lo lắng, mới thật sự thong dong tự tại,
mới đúng là đáng sống. Ðức Phật dạy chúng ta nguyên lý và nguyên tắc của đời
sống: ‘Bồ Tát ư pháp, ưng vô sở trụ, hành ư bố thí’ (Bồ Tát đối với tất cả
các pháp không nên chấp trước, [nên] làm việc bố thí). Phạm vi của bố thí
rất rộng, tức là như người ta thường nói: ‘lấy được, buông được’. ‘Ư pháp
ưng vô sở trụ’ là thế pháp, Phật pháp cũng ‘vô sở trụ’. ‘Vô trụ’
nghĩa là không chấp trước. Ðối với thế pháp, Phật pháp đều không phân biệt,
không chấp trước, tức là ‘ưng vô sở trụ’.
Ngày nay chúng ta không hiểu rõ chân tướng, chuyện gì cũng phân biệt, tính
toán, đương nhiên sẽ phải chịu khổ nạn.
Trong kinh đức Phật nói rất rõ, kinh Kim
Cang không phải nói cho người tầm thường, mà là để nói cho người căn tánh
đại thừa, tối thượng thừa (‘vi phát đại thừa giả thuyết, vi phát tối thượng
thừa giả thuyết’). Chỉ có người căn tánh đại thừa, tối thượng thừa, căn
tánh viên đốn, ngay một đời này liền giải quyết rốt ráo vấn đề, không cần phải
tu 3 a-tăng-kỳ kiếp.
5. Ðoạn ác tu thiện trong đời sống.
Người [tu theo] Ðại thừa phải giữ gìn
nguyên tắc, đối với tất cả các pháp đều không phân biệt, chấp trước, nhưng phải
thực hành ‘đoạn tất cả ác, tu tất cả thiện’ và bắt đầu từ việc mặc áo,
ăn cơm. Không giặt quần áo sạch sẽ là ‘ác’;
tại sao không giặt sạch sẽ? Không xếp quần áo chỉnh tề là ‘ác’? Tại sao không xếp chỉnh tề? Không lau bàn sạch sẽ là ‘ác’; không bày chén đũa ngăn nắp lúc ăn
cơm là ‘ác’.
Ngày nay chúng ta học Phật, đối với cha mẹ
chưa làm hết bổn phận là ác; gia đình không thể làm gương tốt cho láng giềng
cũng là ác. Làm gương tốt cho con cái là thiện; hình dáng không tốt tức là ác;
Ðoạn ác tu thiện bắt đầu từ những việc này, đó mới là học Phật thực sự. Nếu
tách rời việc đoạn ác tu thiện ra khỏi đời sống hằng ngày thì chẳng có ích lợi
chi cả, người như vậy đúng là ‘không hiểu
rõ chân thiệt nghĩa của Như Lai’.
Một người từ lúc sanh ra đến lúc lìa đời,
từ sáng đến tối, từng ly từng tí, hai chữ ‘bố thí’ bao gồm hết thảy. Ý nghĩa
của ‘hành ư bố thí (làm việc bố thí)’ rất sâu rộng, làm thế nào biến đời
sống của mình thành kim cang bát nhã, đem công việc, giao tiếp với người và sự
việc làm giống như Phật, Bồ Tát. Phật, Bồ Tát không phải để cúng ở Phật Ðường,
Phật, Bồ Tát tức là bản thân mình, như vậy mới là học Phật, trong Phật pháp
người này mới đạt được sự thọ dụng chân thật.
[1] Phật ở đây phải hiểu là Phần Chứng Phật,
hoặc danh văn Phật, chưa phải là cứu cánh Phật, tức là hiểu theo phương diện đã
giác ngộ, nhưng mới chỉ là phần giác thì gọi là Phật.
Tôi không biết phải giới thiệu như thế nào. Những quyển sách mà các bạn sẽ đọc sau đây là những tác phẩm vô cùng quý cho những người thành tâm tìm đạo. Không phải bằng sự tin tưởng, cầu nguyện, mà bằng sự sáng suốt. Kinh Bát Đại Nhân Giác có câu “ Duy Tuệ Thị Nghiệp ”. Như người đi đêm chỉ cần một ánh đèn là đũ. Nếu những lời hay, sách quý đúng vào mục đích nhất là mục đích cốt tủy của người tầm đạo thì thật là như một ngọn đèn sáng. Trân trọng giới thiệu với các bạn tác phẩm “ Ta là Cái Đó ” và nhiều quyển sách quý giá khác của dịch giả Vũ Toàn. Vô cùng cảm ơn công sức dịch thuật của dịch giả và sự chia sẻ vô vụ lợi của Ông. Tác phẩm “ Ta là Cái Đó ” là “ Đối thoại sấm sét, trực chỉ giữa một người ở ngoài Tâm và những người còn quanh quẩn trong Tâm ”. Xin mời các bạn. Nếu các bạn muốn, xin vào trang web chuabenhdongian.com và để lại email tôi sẽ gửi sách đến các bạn
Trả lờiXóa