D. Tôn đức Phật A-Di-Ðà làm thầy

NIỆM PHẬT TÂM ĐỊA CÔNG PHU
Nguyên tác: Lão Pháp sư Tịnh Không
1. Pháp môn bình đẳng:
Những nguyên lý và nguyên tắc mà đức Thế Tôn nói trong các kinh điển Ðại thừa, không có gì khác nhau, những gì khác nhau chỉ là phương pháp mà thôi. Nhà Phật thường nói tám vạn bốn ngàn pháp môn, vô lượng pháp môn, do đó có thể thấy chư Phật, Bồ Tát không có pháp nhất định gì để nói, còn phương hướng và mục tiêu đều giống nhau hết. Sự khác nhau giữa Tông Môn, Giáo Hạ, Hiển Giáo, Mật Giáo rất lớn, tuy nhiên phương hướng đều là ‘Giác, Chánh, Tịnh’, mục tiêu đều là ‘Vô Thượng Chánh Ðẳng Chánh Giác’, cho nên nói ‘pháp môn bình đẳng, không có cao thấp’.
Kinh Kim Cang nói: ‘Nhất thiết chư Phật, cập chư Phật A-nậu-đa-la Tam-miệu Tam Bồ-Ðề pháp, giai tùng thử kinh xuất’ (Hết thảy chư Phật và các pháp A-nậu-đa-la Tam-miệu Tam Bồ-Ðề của chư Phật đều từ kinh này ra). Do đó có thể thấy tất cả chư Phật đều y cứ vào nguyên lý và nguyên tắc trong kinh này mà thành Phật; Vô Thượng Chánh Ðẳng Chánh Giác cũng đạt được từ kinh này. Bộ kinh này cao tột cùng, những kinh khác cũng cao tột cùng, vì mỗi bộ kinh điển đều là chỗ xuất xứ của chư Phật và Vô Thượng Chánh Ðẳng Chánh Giác của chư Phật. Nếu đức Phật chỉ nói về một pháp môn duy nhất thì chẳng phải ‘không có định pháp gì để nói’.
Ðức Phật nói pháp nhất định y theo nguyên tắc Nhị Ðế - Chân đế và Tục đế - và nhất định phải khế cơ. Khế cơ và khế lý đều không vượt ra ngoài Nhị đế. ‘Khế cơ’ là không trái ngược với Tục đế. ‘Khế lý’ là không trái ngược với Chân đế. Căn tánh của chúng sanh sai khác quá nhiều, không thể chỉ dùng một phương pháp để phổ độ chúng sanh, cho nên đức Phật nói vô lượng pháp môn, đây là noi theo Tục đế mà nói. Tuy pháp môn vô lượng nhưng mục tiêu, phương hướng đều không trái ngược với Chân đế. Nếu chúng ta có thể nhận biết điều này rõ ràng thì học Phật không khó, vả lại nội trong một thời gian ngắn sẽ đạt được lợi ích. Sau ba tháng, sáu tháng sẽ có hiệu quả rất rõ ràng. Hiệu quả gì? Tiêu trừ nghiệp chướng, tự mình sẽ cảm thấy nghiệp chướng giảm bớt, trí huệ từ từ khai mở.
Trong kinh Lăng Nghiêm đức Phật thí dụ nghiệp chướng như giặc cướp, chúng nó giựt pháp tài công đức của mình. Nếu không nhận ra giặc cướp thì làm thế nào bắt chúng được! Cho nên nhất định phải nhận biết nghiệp chướng thì mới tiêu hết nghiệp chướng được. Nghiệp là sự nghiệp, đang lúc làm ra thì gọi là ‘sự’, kết quả của việc này khi làm xong thì gọi là ‘nghiệp’. Tạo ra nghiệp thì nhất định có chướng ngại. Trên căn bản cứu cánh thì chướng ngại tự tánh của người, chướng ngại pháp thân, bát nhã, giải thoát. Ðối với sanh hoạt của con người thì chướng ngại tâm thanh tịnh, làm thân tâm không an ổn; chướng ngại gia đình, làm gia đình này không hoà hợp; chướng ngại sự nghiệp làm cho công việc làm không thuận lợi, những thứ này đều là chướng ngại. Học Phật, bái sám (lạy sám hối) có thể tiêu trừ nghiệp chướng không? Chỉ cần chúng ta bình tĩnh quan sát, không những không thể tiêu trừ, càng bái sám thì nghiệp chướng càng nhiều, càng học Phật thì phiền não càng nhiều. Tu mù luyện đui thì làm sao được!
2. Thân cận thiện tri thức:
Trong kinh luận Ðại thừa và Tiểu thừa đức Phật đều dạy rõ cho chúng ta, điều kiện đầu tiên của việc học Phật là nhất định phải theo học một vị thầy tốt (Tùng minh sư thọ giới, chuyên tín bất phạm). Nếu muốn thành tựu, không hiểu đạo lý thì không làm được. Trong vài ngàn năm qua ở Trung-Quốc, sự trao truyền (truyền thừa) thế pháp và Phật pháp đều chú trọng ở chữ ‘sư thừa’, tức là học tập theo một vị thầy. Ðúng đạo lý thầy trò, từ xưa đến nay chuyện này rất khó gặp. Ðây không phải duyên phần trong chỉ một đời này, mà là duyên phần trong nhiều đời nhiều kiếp. Chúng ta dựa vào kinh nghiệm tu học của thầy mà nâng cao [trình độ của mình], đây là việc rất quan trọng trong ‘sư thừa’. Trong Tông Môn thường nói ‘Ði trên đảnh của Tỳ Lô’. Tỳ-Lô-Giá-Na Phật là pháp thân Như Lai. Trong kinh Hoa Nghiêm nói đến ba thân Như Lai, Tỳ-Lô-Giá-Na là ‘Pháp thân Phật’, Lô Xá Na Phật là ‘Báo thân Phật’, Thích-Ca Mâu-Ni Phật là ‘Ứng thân Phật’, đây là ‘một thể ba thân’ của Phật. Phật là thầy giáo của chúng ta, chúng ta nương nhờ vào ngài, nương theo vai của ngài, nương theo và đạp trên đảnh (nghĩa là nương nhờ vào) [thì] học sinh mới có thể vượt qua thầy, người sau vượt trội hơn người trước, có câu nói: ‘thanh xuất ư lam, nhi thắng ư lam’ (màu xanh lá cây có từ màu xanh lam mà vượt trội hơn xanh lam).[1] Nếu không noi theo phương pháp tu hành này mà phải xây dựng lại từ đầu, đến ngày nào mới có thể thành tựu! Sự giáo học trong thế pháp và Phật pháp đều có chung đạo lý này.
Người xưa học Phật không kể tại gia hay xuất gia, lúc vào cửa Phật phải bắt đầu ‘học giới 5 năm’, đây là cơ sở, nền tảng. Câu này rất đơn giản, nếu y theo lời văn mà giải nghĩa, rất có thể sẽ giải thích sai ý tứ, cứ tưởng rằng chỉ học những thứ như năm giới, mười giới, Bồ Tát giới, Bát quan trai giới, mà không biết chữ giới ở đây chỉ ‘giáo giới’ (lời dạy, khuyên răn) của thầy giáo. Trong vòng 5 năm phải tuân theo lời khuyên dạy của thầy giáo, chứ không phải chỉ giới điều.
Thời xưa sư đạo tôn nghiêm, trong xã hội không ai chẳng tôn trọng người dạy học. Thế pháp còn như vậy huống hồ là Phật pháp. Cho nên quan trọng nhất là thân cận thiện tri thức. Ai là thiện tri thức? Chúng ta xem ngữ lục của người xưa, quan sát kỹ càng thì sẽ hiểu ngay. Thiệt ra thiện tri thức không có tiêu chuẩn nhất định, điều kiện quan trọng nhất là người học trò phải ngưỡng mộ, kính phục vị thiện tri thức này nhất, người này đúng là thiện tri thức. Nếu bạn có thể hoàn toàn phục tùng theo lời nói của người đó 100% thì đó là thiện tri thức của bạn. Cho dù đức hạnh của người đó cao đến đâu, học thức giỏi cách mấy, nếu bạn không phục họ, không chịu nghe lời, thì họ không phải là thiện tri thức của bạn. Cho dù chư Phật, Bồ Tát tới, nếu bạn không tôn kính họ, không có tâm niệm phải y giáo phụng hành, Phật, Bồ Tát cũng không phải là thiện tri thức của bạn. Người khác nói cùng một lời nói như vậy, bạn không thể tin nhận; nếu có một người nói [như vậy] mà bạn có thể hoan hỷ nghe theo, làm theo, thì người này là thầy giáo tốt của bạn.
Có câu nói: ‘thanh xuất ư lam nhi thắng ư lam’, thầy giáo có thể dùng chánh pháp dạy dỗ bạn, bản thân của thầy chưa chắc đã làm được, nhưng nếu học trò phục tùng một trăm phần trăm (100%), học trò [có thể] làm được nên học trò [nhiều lúc] vượt trội hơn thầy giáo. Cho dù thầy có giỏi cách mấy, nếu học trò không chịu nghe và làm theo lời dạy, thế thì việc dạy học này không có hiệu quả, học trò đi theo ông thầy này cả đời cũng không thành công. Vì vậy tiêu chuẩn lựa chọn thầy giáo là ở điểm này.
Ngữ lục của các tông phái trong Phật giáo có ghi chép không kể là tại gia hay xuất gia, khi người học trò đi tham vấn các vị đại đức, những vị đại đức này thường sẽ cho biết duyên phần của người học trò ở địa phương nào, đi đến đâu tham vấn, học hỏi thì người này sẽ thành tựu. Người học trò nghe theo lời chỉ dẫn này mà đi tham vấn, quả nhiên sau 3 năm, 5 năm liền khai ngộ, liền thành tựu. Chúng ta suy nghĩ kỹ càng, không lẽ người học trò này không thể khai ngộ ở đạo tràng của người giới thiệu, chỉ đường này hay sao? Người này có năng lực chỉ dẫn người đến cầu học đi đến đâu, đi học với người nào thì sẽ thành tựu, không lẽ tự mình không có khả năng dạy học? Văn tự Trung-Quốc đơn giản, vắn tắt, người đó đi tham vấn vị lão hoà thượng này chắc chắn đã nói chuyện rất lâu, có thể đã lưu lại ở đó rất nhiều ngày, nhưng trong sách chỉ ghi lại hai ba câu nói, thiệt ra [họ đã nói] chuyện rất dài, rất lâu, liễu giải rất sâu. Lão pháp sư biết rõ căn cơ, thói quen của học trò, biết trong tâm học trò không mến mộ đạo tràng này và cũng không phải là [học trò] của mình, cho nên giới thiệu vị đại đức khác phù hợp với lý tưởng của học trò; đi học người thầy mà học trò ngưỡng mộ thì dễ hoàn toàn nghe lời và phục tùng, cho nên trong vòng 3 đến 5 năm thì có thể thành tựu. Thiệt ra đạo đức, học vấn, và tu trì của ‘vị chỉ đường’ này không thua người mà ngài giới thiệu, chỉ là căn tánh và cơ duyên khác nhau mà thôi.
Thí dụ có người đến chỗ này để niệm Phật, tuy niệm nhưng tâm không thể an định vì người này rất thích Thiền, đối với Thiền cứ ghi nhớ trong lòng. Họ ở đây niệm Phật cũng niệm không xong, tham thiền cũng tham không đến đâu, như vậy chỉ làm mất thời giờ của họ mà thôi. Không bằng giới thiệu cho họ một vị thầy giỏi, chuyên tham thiền, có công phu. Họ đến đó chẳng khởi vọng tưởng, một lòng một dạ siêng năng tu tập thì rất dễ thành công. Cho nên mỗi đạo tràng chỉ tu một pháp môn. Từ xưa đến nay, có câu ‘xây đạo tràng, lập pháp tràng (dựng bày pháp nghĩa và chỉ bày rõ ràng cho chúng sanh)’, giải hành chuyên nhất. Gom những người có cùng ý chí, đạo hiệp tu tập chung với nhau thì mọi người đều dễ thành tựu. Mỗi vị thiện tri thức trong 53 lần tham vấn trong kinh Hoa Nghiêm tu học theo một pháp môn [riêng rẽ], họ đón mừng những người cùng chung ý hướng đến để tu tập; người nào thích tu pháp môn khác đều được giới thiệu đến đạo tràng khác, giới thiệu với các pháp sư khác, giúp tất cả chúng sanh có thể thành tựu. Cho nên ‘pháp môn bình đẳng, thù đồ đồng quy’ (pháp môn bình đẳng, đường nào cũng về đến đích). Nhất định phải giữ hảo tâm muốn giúp người khác thành tựu, đừng gây chướng ngại cho họ, không thôi thì tội lỗi rất nặng.
Ðạo tràng thời xưa rất giống như phân khoa chuyên ngành trong trường đại học bây giờ, tạo phương tiện thuận lợi cho đại chúng tham học. Mỗi đạo tràng có tông chỉ tu học riêng rẽ, có nơi y cứ vào kinh luận, có chỗ dùng phương pháp tu tập đặc biệt. Cùng một tông phái, những đạo tràng khác nhau đều có chỗ đại đồng nhưng tiểu dị (điềm khác nhau nhỏ). Thí dụ trong Niệm Phật Ðường [có hai người] niệm Phật theo những giai điệu và tốc độ nhanh chậm khác nhau, hai người này sẽ làm cho những người đồng tu sanh phiền não, vì vậy phải phân ra hai đạo tràng riêng biệt.
Trong kinh Kim Cang, đức Phật Thích-Ca và chư Phật, Bồ Tát làm gương cho chúng ta. Ðệ tử Phật phải làm gương tốt cho tất cả chúng sanh, làm người hạng nhất trong mọi hoàn cảnh [và nơi chốn]. Phải làm cho gia đình trở thành gia đình gương mẫu trên toàn thế giới. Những người làm ăn buôn bán phải làm cho công ty của mình thành công ty hạng nhất trên thế giới, như vậy mới đúng là đệ tử của đức Phật. Trong Phật pháp không có hạng nhì, môn nào cũng là hạng nhất, mọi thứ đều hạng nhất, như vậy mới đúng như pháp. Cho nên ‘học Phật’ [đúng theo nghĩa của chữ này] rất khó, quan trọng nhất là ‘trí huệ tăng trưởng, thân tâm thanh tịnh’. Muốn đạt đến mức thân tâm thanh tịnh không thể không buông xả, không thể không nhìn thấu (thấy rỗng toang), phải biết rõ chân tướng của vũ trụ nhân sanh.
3. Ðừng lôi kéo tín đồ, đừng hóa duyên
Ðạo tràng không thể lôi kéo tín đồ, không thể hóa duyên, nếu làm như vậy thì sẽ tạo nghiệp tội, nhất định sẽ có lỗi lầm. Chúng ta tin Phật [sẽ lo lắng] và duy trì đạo tràng [cho chúng ta]. ‘Tin Phật’ vô cùng quan trọng! Ðiều này là do thầy Lý dạy tôi. Sau khi tôi xuất gia, thọ giới xong, đến Ðài Trung thăm thầy, vừa gặp mặt thì thầy liền dạy cho tôi hai chữ ‘Tin Phật’. Sau đó thầy giải thích: “Ông học Phật đã bao nhiêu năm nay, đã xuất gia và thọ giới, còn đi giảng kinh ở nhiều nơi, tôi dạy cho ông hai chữ này, ông không cảm thấy kỳ lạ hay sao?”
‘Tin Phật rất khó!’. Những gì đức Phật dạy chúng ta làm thì chúng ta phải làm theo lời dạy, những gì đức Phật dạy chúng ta đừng làm thì chúng ta nhất định không làm, như vậy mới gọi là ‘tin Phật’. Nhất định phải giải đúng nghĩa chân thật của những lời Phật nói, y theo đó mà làm, như vậy mói gọi là ‘tin Phật’. Ðạo tràng có chư Phật hộ niệm, long thiên ủng hộ, vì vậy [chúng ta] nhất tâm hướng về đạo, ngoài ra không cần phải lo lắng. Từ xưa đến nay những người chân tâm hướng về đạo đều tu tâm thanh tịnh, chắc thật niệm Phật, cầu sanh Tịnh độ, giúp các bạn đồng tu phá mê khai ngộ.
Pháp vận của đức Phật Thích-Ca dài một vạn hai ngàn năm, tất cả đệ tử từng đời tiếp nối truyền đến đời sau; trong kinh điển Ðại thừa nói hào quang từ bạch hào [của đức Phật] có một phần công đức dùng để cúng dường cho những người xuất gia đời sau này mãi cho đến khi pháp diệt. Chúng ta có thể tin và tiếp nhận điều này hay không?
4. Pháp môn vô lượng chỉ chọn một môn
Việc mà Phật pháp theo đuổi, tìm cầu là trí huệ cứu cánh viên mãn, trí huệ này có sẵn trong tự tánh, không phải đến từ bên ngoài. Tổng cương lĩnh của việc tu hành là ‘giác mà không mê, chánh mà không tà, tịnh mà không nhiễm’. Mê, tà, nhiễm đều là nghiệp chướng. Kinh Kim Cang dạy chúng ta ‘Ưng vô sở trụ’, trụ tức là nhiễm, chấp trước, phân biệt. Ðức Phật dạy chúng ta làm bất cứ việc gì cũng phải tuỳ duyên, đừng phan duyên.
Phật pháp là ‘Giác, Chánh, Tịnh’. Tám vạn bốn ngàn pháp môn đến sau cùng đều đi vào từ ba cửa này. Thiền Tông, Tánh Tông vào từ cửa ‘Giác’, cho nên đại triệt đại ngộ, minh tâm kiến tánh. Giáo Hạ vào từ cửa ‘Chánh’, như Hiền Thủ, Thiên Thai, Pháp Tướng, Tam Luận Tông noi theo kinh điển Ðại thừa để sửa đổi tri kiến của mình, nhập Phật tri kiến, chánh tri chánh kiến. Tịnh Tông và Mật Tông vào từ cửa ‘Tịnh’, [cả hai đều] đặc biệt coi trọng tâm thanh tịnh – tâm tịnh thì cõi nước tịnh. Lúc chưa bước vào cửa thì ba cửa này không giống nhau, sau khi vào trong thì ba cửa vốn là một. Tâm địa thanh tịnh làm sao lại không giác ngộ được chứ? Người giác ngộ không thể nào có tri kiến bất chánh. ‘Giác, Chánh, Tịnh’, ba là một, một là ba. Ðạt được một thì cả ba đều đạt được, hiểu như vậy thì [chúng ta] mới có một phương hướng rõ ràng cho sự tu học của mình.
Trong kinh Kim Cang đức Phật dạy cho chúng ta rất nhiều thứ, đặc biệt là câu: ‘Thiện nam tử, thiện nữ nhân ư thử kinh trung nãi chí thọ trì tứ cú kệ đẳng, vị tha nhân thuyết, nhi thử phước đức thắng tiền phước đức’ (Người thiện nam, người thiện nữ y theo [lời dạy] trong kinh, nhận lấy và làm theo cho dù chỉ bốn câu kệ, giảng thuyết cho người khác thì phước đức này còn thù thắng hơn những phước đức kể trước), những câu giống câu này [được lập lại] đến 7, 8 lần, thế mới biết câu này quan trọng đến mức nào. Ðiểm quan trọng nhất là ‘thọ trì’, ‘thọ’ là tiếp nhận. Tôi hoàn toàn tiếp nhận lời dạy của Phật, y theo lời dạy mà làm, nhất định không làm ngược lại; ‘trì’ là bảo trì, giữ gìn vĩnh viễn không mất. Phân nửa phần sau nói đến ‘tín tâm bất nghịch’ (lòng tin không chống trái), nhất quyết phải làm theo y như vậy.
Nhiều bạn đồng tu hỏi tôi: ‘Ðọc kinh nào tốt?’. [Chúng ta] phải biết bộ kinh nào cũng tốt cả; nếu thích bộ kinh nào thì đọc kinh đó, nhưng phải nhớ kỹ cả đời chỉ đọc một bộ kinh thì mới có thể thành tựu. Nếu nghĩ bộ kinh này tốt, kinh kia cũng tốt, [kinh nào cũng đọc] thì là tham. Phật dạy chúng ta phải đoạn trừ tâm tham chứ không dạy tăng trưởng tâm tham.
Học một bộ kinh là ‘nhất môn thâm nhập’ (đi sâu vào một môn), một lòng một dạ theo học một pháp môn mà thôi, như vậy thì tâm sẽ định, tâm sẽ thanh tịnh. Phật nói rất nhiều kinh điển nhưng không dạy chúng ta học hết toàn bộ, mà trong số kinh này chỉ chọn một bộ kinh thích hợp với căn tánh của mình. Ði sâu vào một môn mới có thể thành công. Câu ‘Pháp môn vô lượng thệ nguyện học’ trong Tứ hoằng thệ nguyện đứng vào hàng thứ ba. Câu thứ nhất là ‘Chúng sanh vô biên thệ nguyện độ’, câu thứ nhì là ‘Phiền não vô lượng thệ nguyện đoạn’, nhất định phải làm được hai câu đầu rồi sau đó mới học nhiều pháp môn.
Học một pháp môn là cắt đoạn phiền não, nhưng trước đó phải phát tâm bồ đề, được vậy tri kiến (sự hiểu biết) mới chánh, tâm lượng mới lớn. Tâm lượng của chúng ta phải độ tận tất cả chúng sanh, không những độ những người học Phật mà còn phải độ tất cả những tín đồ tôn giáo khác, tâm lượng như vậy mới bình đẳng. Những tín đồ tôn giáo khác đối với chúng ta có thành kiến, mình đối với họ không có thành kiến, họ phỉ báng mình, mình đối với họ chỉ có lễ kính, tán thán. Phật là ‘tâm bao thái hư, lượng châu sa giới’, tâm lượng nhỏ hẹp là nghiệp chướng sâu nặng. Chúng ta muốn tiêu trừ nghiệp chướng thì bước đầu tiên phải mở rộng tâm lượng, dùng tâm hoan hỷ đối đãi với tất cả chúng sanh.
5. Lối dạy học nghệ thuật hóa trong Phật giáo
Hình tượng của Phật, Bồ Tát đều chứa đựng ý nghĩa thâm sâu, nếu chúng ta xem Phật, Bồ Tát như thần thánh thì sai rồi. Kể cả kiến trúc Phật giáo cũng biểu thị pháp (tượng trưng pháp), thí dụ nhìn từ phía ngoài thì đại điện trong chùa có hai tầng, đi vào phía trong thì chỉ có một tầng: hai tầng ở phía ngoài tượng trưng cho nhị đế, một tầng ở trong tượng trưng nhị đế viên dung [hoà đồng với nhau]. [Thông thường theo] kiến trúc chánh quy của các tự viện vừa vào cửa thì gặp Ðiện Thiên Vương, ở chính giữa điện là tượng Di-Lặc Bồ Tát, tượng này hướng về cổng chính, có hình dáng giống ‘Bố Ðại hòa thượng’ và tượng trưng cho tâm bình đẳng, tướng vui vẻ. Ðệ tử Phật phải có đủ điều kiện này: bình đẳng đối với tất cả chúng sanh, cười tươi đón tiếp người, thường sanh tâm hoan hỷ, pháp hỷ sung mãn, như vậy mới đi vào cửa Phật được. Hai bên có Tứ Ðại Thiên Vương hộ pháp, chữ hộ ở đây không phải hộ (bảo vệ) người khác, không phải hộ tự viện, không phải hộ đạo tràng, mà là hộ trì pháp của chính mình.
Một trong bốn vị thiên vương là ‘Ðông Phương Trì Quốc Thiên vương’, vị này tượng trưng cho ‘phụ trách tận phận (làm tròn trách nhiệm)’. Chúng ta sinh hoạt trong thế gian ai cũng có trách nhiệm, bổn phận, mình phải làm tròn bổn phận của mình cho thật hoàn hảo. Làm thế nào để làm cho thật hoàn hảo? Cây đàn tỳ bà trên tay của Trì Quốc Thiên Vương cũng có ý nghĩa tượng trưng, dây đàn quá căng thì sẽ đứt, dây quá lỏng thì đàn không kêu, nhất định phải căng đến mức thích hợp vừa phải. Ý nghĩa tượng trưng là gì? Trong đời sống hằng ngày, trong công việc, khi đối xử với người, với việc phải làm đến mức vừa phải, không thể quá lố, không thể quá thấp. Ðây gọi là ‘trung đạo’ trong nhà Phật, hoặc là ‘trung dung’ trong nhà Nho .
Vị thứ hai là ‘Nam Phương Tăng Trưởng Thiên Vương’, vị này tượng trưng cho tiến bộ. Nhà Nho dạy: ‘cẩu nhật tân, nhật nhật tân’ (càng ngày càng đổi mới). Phật pháp dạy ‘tinh tấn’. Cây kiếm trên tay tượng trưng cho trí huệ, chỉ có trí huệ mới có thể tiến bộ, không kể trên đức hạnh, học vấn, sanh hoạt, phẩm chất đều đòi hỏi mỗi ngày phải tiến bộ thêm.
Vị kế là ‘Tây Phương Quảng Mục Thiên Vương’, ‘Bắc Phương Ða Văn Thiên Vương’. Hai vị này dạy chúng ta phương pháp làm thế nào để làm hai điều trên được viên mãn? Phải học tập - nhìn nhiều, nghe nhiều, quán sát, học hỏi nhiều, khảo sát nhiều. Tay của Quảng Mục Thiên Vương cầm rồng hoặc rắn, rồng, rắn tượng trưng cho biến hoá. Nhân tình, sự lý trong xã hội đều rất phức tạp, luôn luôn thay đổi, chúng ta cần phải quan sát kỹ càng, nắm chắc cơ hội và không lầm lạc. Tay của Ða Văn Thiên Vương cầm cây lọng, cây lọng tượng trưng cho ‘ngăn ngừa ô nhiễm’. Trong hoàn cảnh xã hội nhân tình phức tạp, trược ác, chúng ta phải giữ vững được không mê lầm, không ô nhiễm. Nếu hiểu được những ý nghĩa này thì vừa bước vào cửa chùa liền học được bài học đầu tiên, lập tức tự nhắc nhở, tự cảnh tỉnh.
Người đời nay ưa thích nghệ thuật hoá, mấy ngàn năm trước giáo học và nghệ thuật trong Phật pháp đã kết hợp thành một thể. Khi thăm viếng mỗi ngôi chùa, ngắm nhìn mỗi tôn tượng của Phật, Bồ Tát, không cần nói gì cả thì cũng cảm thấy niềm vui pháp hỷ sung mãn, liền đạt được sự lợi ích của sự giáo dục trong Phật pháp, thật làm cho người ta khâm phục đến năm vóc sát đất. Hiện nay những người chân chánh hiểu được sự giáo học của nghệ thuật trong Phật giáo quá ít, hầu hết đều xem tượng Phật như thần thánh, dập đầu khấn vái, như vậy là mê tín. Chúng ta nhất định phải nhận định rõ ràng thì mới biết tiếp nhận và tu học như thế nào [cho chính xác].
6. Tôn Phật làm thầy.
Học Phật nhất định phải ‘đi sâu vào một môn’ thì mới có thể thành tựu. Nếu chúng ta không thiệt tình hết lòng khâm phục những đại đức đời nay, không thể 100% y giáo phụng hành thì nên tìm người đời xưa. Cho nên tôi giới thiệu với quý vị một vị thầy giỏi nhất, đó là đức Phật A-Di-Ðà. Tôi đã giảng kinh Vô Lượng Thọ hết 9 lần, đều khuyên mọi người tôn đức Phật A-Di-Ðà làm thầy. Những gì đức Phật A-Di-Ðà dạy chúng ta đều nằm trong kinh Vô Lượng Thọ. Nếu có thể thông suốt, hiểu rõ lời dạy trong kinh Vô Lượng Thọ, y theo đó mà làm thì chúng ta đúng là học sinh giỏi của đức Phật A-Di-Ðà. Ðức Phật Thích-Ca tán thán đức Phật A-Di-Ðà là ‘Quang trung cực tôn, Phật trung chi vương’ (tôn quý nhất trong các quang minh, là vua trong các vị Phật), chúng ta tìm vị thầy này nhất định sẽ không lầm!
Hồi trước lúc tôi đến Ðài Trung cầu học, thầy Lý vô cùng khiêm tốn, thầy nói với tôi: ‘Năng lực của tôi chỉ có thể dạy cho ông 5 năm, năm năm sau tôi không có năng lực để dạy ông nữa’. Thầy giới thiệu cho tôi một người thầy, đó là Ấn Quang đại sư, kêu tôi học theo Ấn Quang đại sư. Ấn Quang đại sư không còn trụ thế, [chúng ta có thể] tu tập theo [Ấn Quang] ‘Văn Sao’, nhất định sẽ không sai lầm. Hôm nay tôi giới thiệu đức Phật A-Di-Ðà cho quý vị, so với Ấn Quang đại sư còn cao minh hơn.
Ngẫu Ích đại sư trong nhà Phật là một vị tổ Tịnh Ðộ Tông nổi tiếng vào cuối đời nhà Minh. Ngài cũng học theo người xưa, thầy của Ngài là Liên Trì đại sư. Lúc bấy giờ Liên Trì đại sư đã vãng sanh, Ngẫu Ích đại sư bèn chuyên đọc những trước tác (sách vở) của Liên Trì đại sư, học tập theo lời dạy [trong sách] của ngài. Trong vòng 5 năm không xem sách của người khác, phải học theo lời dạy của một người duy nhất thì mới có thể thành tựu. Ðiều này gọi là đạp lên vai, đi trên đầu của người xưa (nghĩa là nương nhờ vào người xưa). Nếu học theo rất nhiều người, đạp lên như vậy sẽ té đau.
Trong Tịnh Ðộ Ngũ kinh, kinh A-Di-Ðà sâu nhất và khó nhất. Kinh Quán Vô Lượng Thọ Phật bổ sung và giảng rõ cho kinh Vô Lượng Thọ, bổ sung về lý luận và phương pháp. Vì trong kinh Vô Lượng Thọ chỉ giảng về ‘Ba Bậc vãng sanh’ còn Quán Kinh nói đến ‘16 thứ quán’ và nói rõ nhân quả của Chín phẩm. Kinh Quán Vô Lượng Thọ Phật bổ sung ba điểm này một cách tường tận, rõ ràng. Phải nên đọc kỹ, suy nghĩ kỹ, phá tan nghi hoặc, sanh lòng tin để có thể đạt được ‘tín tâm bất nghịch’ (lòng tin sâu không chống trái).
Tiểu bổn kinh A-Di-Ðà nói về phương pháp tu hành, ý nghĩa trong đó thật là vô cùng vô tận, đừng xem thường kinh này, đây là tinh hoa của Tịnh Tông. Từ xưa đến nay mọi người đều lấy kinh A-Di-Ðà làm khoá tụng [thường nhật], việc này rất hợp lý. Không những Tịnh Tông tụng kinh A-Di-Ðà, Thiền Tông cũng tụng kinh này trong khoá lễ tối, Giáo Hạ không cần phải nói, vì vậy nên chúng ta phải coi trọng kinh này. Nếu không có lòng tin đối với kinh A-Di-Ðà, không hiểu rõ sự lý trong đó, đọc tụng kinh Vô Lượng Thọ cũng tốt. Kinh Vô Lượng Thọ giảng ở mức thấp hơn và rõ hơn. Xây dựng lòng tin từ kinh Vô Lượng Thọ xong rồi thọ trì kinh A-Di-Ðà sẽ không khó nữa.


[1] Lam ở đây là một chất màu chiết ra từ thực vật, ta gọi là Chàm (indigo). Lọc màu xanh từ chất Chàm ra sẽ xanh đậm hơn, dùng để nhuộm áo, nhất là những sắc dân sơn cước hay dùng loại màu nhuộm này.

Nhận xét

Bài đăng phổ biến từ blog này