G. NHÂN QUẢ
NIỆM PHẬT THÀNH PHẬT
Cư sĩ Diệu Âm biên soạn
Cư sĩ Diệu Âm biên soạn
1- Phật pháp nói “Quả
báo thông tam thuế” (nghĩa là quả báo thông ba đời). Thứ nhất là hiện báo,
đây là tạo thiện ác rất nặng, đời này thay đổi vận mạng, liền được báo ứng. Thứ
hai là sinh báo, chỉ đời sau thọ báo ứng, quả báo không ở đời này. Thứ ba là
hậu báo. Hậu báo thì không nhất định ở đời nào, có thể ngàn vạn kiếp sau. Vì
quả báo nhất định phải “hội đủ nhân duyên”
mới có thể báo ứng. “Tạo” của bây giờ là nhân, nếu duyên không hội đủ, quả báo
không thể hiện tiền. Nhưng nhân của nghiệp tồn tại, sớm muộn khi gặp duyên, quả
báo sẽ hiện tiền. Vì vậy, trong cửa Phật thường nói “không phải không báo, chỉ vì thời khắc chưa đến”. Tuy có ác nhân,
không có ác duyên, đời này không chịu quả báo. Có nhân của ác, đời này vẫn
không ngừng tạo ác, thì duyên ắt đã có rồi. Nhân duyên hội đủ, ác báo sẽ rất
nhanh chóng hiện tiền trong đời này. Chúng ta có thiện căn, đời này đoạn ác tu
thiện, duyên ác đoạn rồi, thiện duyên tăng trưởng hàng ngày, tích tụ việc tu
mỗi ngày, thiện báo ắt có thể đến sớm hơn. Thiện báo lớn nhất là được vãng sanh
về Tây Phương Cực Lạc thế giới.
Hiểu rõ nhân quả ba đời, mới biết được trên thế gian này
không thể có việc chiếm lợi ích của người khác, cũng không có việc phải chịu
thiệt thòi. Oan oan tương báo, đời đời kiếp kiếp vay trả lẫn nhau, báo đi báo
lại, chân tướng của lục đạo là thế đó. Đây là việc thê thảm, đau khổ làm sao!
Hiểu rõ tướng ảo của quả báo liên tục, đời này dù có bị thiệt thòi, bị lừa,
phải nghĩ đó là trả nợ, thì nợ sẽ trả xong; còn người khác nợ ta, mình đem bố
thí, không cần nữa. Tâm của chúng ta thanh tịnh, tâm thanh tịnh sẽ khai mở trí
tuệ, tu hành như vậy, nhất định được chứng quả.
2- Tổ Ấn Quang cực lạc đề xướng “Liễu Phàm tứ huấn”, mục đích là dạy chúng ta thật sự tin vào nhân
quả báo ứng. Trong xã hội hiện thời, đây là việc lớn khẩn thiết nhất. Vì sao
vậy? Phật pháp suy thoái, nhà Nho cũng bị bỏ rơi, lòng người không nơi nương
tựa để về. Tư tưởng, kiến giải của chúng ta không có tiêu chuẩn, thì thế giới
sẽ đại loạn. Trong đời loạn lạc, nếu ai ai đều tin vào sự thật của “Nhân quả báo ứng” thì khi khởi tâm động
niệm sẽ biết ý tứ một tí, sẽ giúp nhiều cho sự ổn định, trật tự của xã hội. Do
đó, Ngài cực lực đề xướng “Liễu Phàm tứ
huấn”, tin sâu nhân quả, đoạn ác tu thiện, tự cầu nhiều phước. Tiêu chuẩn
của thiện ác là gì? Ngài dùng “Cảm ứng
thiên” làm tiêu chuẩn của thiện ác, đoạn ác tu thiện; dùng “Di-Đà Kinh Yếu Giải” để làm sạch thân
tâm của chúng ta, cầu sanh Tịnh độ.
3- Phước đức, trí tuệ, mạnh khỏe, trường thọ đều là do
“Nhân” của bố thí mà được. Tài bố thí thì được giàu tài lộc, pháp bố thí thì
được thông minh trí tuệ, vô úy bố thí thì được khỏe mạnh sống lâu. Tiền tài,
giàu sang ai ai cũng muốn có, trí tuệ mọi người đều muốn, mạnh khỏe trường thọ
càng mong muốn. Ba thứ này đều muốn được mà không chịu tu nhân thì đi đâu mà
cầu? Cầu không được đâu. Duy có tu nhân thì mới được quả báo.
4- “Phú quý vinh
hoa”, chuyện vui không thể tranh giành mà được. Trong số mạng có thì không
giành cũng có, trong mạng không có thì dù tranh giành cũng không có được. Do đó
người xưa nói “Nhất ẩm nhất trác, mạc phi
tiền định” (Cái ăn cái uống đều được định sẵn), không trồng “nhân” làm sao
có “quả”? Đã hiểu rõ chân tướng sự thật của thế gian, chúng ta muốn được thiện
quả thì cố gắng mà đi tạo thiện nhân.
Phải hiểu rằng, cưỡng đoạt của kẻ khác, mà số của mình đã
định sẵn là có, thì thật là oan uổng, vì nếu không lấy của người khác thì mình
cũng sẽ có bấy nhiêu đó. Người bị kẻ khác cướp đoạt làm tổn hại là vì trong số
mạng của họ vốn không có. Nếu không bị kẻ khác lấy đi thì cũng tiêu hao mất thôi.
Vậy mới phù hợp với định luật nhân quả.
5- Tiền tài là có trong số mạng, trong số mạng không có
thì không thể phát tài. Nếu trong số mạng không có tiền mà bạn có cách phát tài
thì Phật Thích Ca Mâu Ni cũng bái quý vị làm thầy. Vì Ngài không có cách gì để
làm được, quý vị đã làm được, quý vị đã vượt qua khỏi nhân quả, làm đảo lộn,
phá vỡ luật nhân quả, pháp xuất thế gian đều không siêu vượt định luật nhân
quả, điều này chúng ta nhất định phải biết. Thật ra “Miếng ăn miếng uống, đã được định trước rồi”. Vậy ai quyết định?
Tự mình định. Đời này nhiều tiền là do quá khứ đã tu “tài” bố thí nhiều. Đời
này thông minh trí tuệ là do trong quá khứ tu nhiều “pháp” bố thí. Đây là quả
báo đời này được. Phật nói: “Dục tri tiền
thế nhân, kim sanh thọ giả thị; dục tri lai thế quả, kim sanh tác giả thị”.
Muốn biết đời trước đã làm những gì, hãy xem đời này nhận quả báo ra sao; muốn
biết quả báo đời sau thế nào, những gì làm trong đời này chính là nhân của quả
báo đời sau.
Đã biết rằng tiền bạc, phú quý là có trong số mạng thì
cầu nó để làm gì? Hiểu được nhân quả, báo ứng thì mới có thể an phận thủ
thường. Ngược lại, tiền tài có được bằng những thủ đoạn bất chính, Phật pháp
gọi là “Bất tịnh chi tài”, thật ra
trong số mạng vẫn có, song tất cả cách làm đã dụng tâm sai, xem có oan uổng
không! Dùng tâm thanh tịnh, tự nhiên nó cũng sẽ đến, cần chi khởi lên những ác
niệm mà tạo nên những ác nghiệp đó.
Nghĩ đủ cách để giữ gìn của cải, tiền bạc, lo sợ nó sẽ
mất đi. Nhưng không biết rằng dù lao tâm khổ thân đến tột cùng cũng không chắc
giữ lại được. “Như thị chí cánh, vô nhất
tùy giả”. “Chí cánh” tức là lao tâm, thân khổ đến khi già chết cũng không
mang theo được một thứ gì. Đúng là “Vạn
thứ không mang đi, chỉ có nghiệp theo mình”. Một đời làm nhiều nghiệp ác,
đều mang theo rồi. Ngoài nghiệp ác ra, một thứ cũng không mang đi được. “Thiện ác họa phước, truy mệnh sở sanh”.
Kết quả đạt được là như thế đấy.
Tu thiện, mang đi thiện nghiệp, tạo ác, mang theo ác
nghiệp. Ác, tương lai cảm ứng nhận được quả tai họa. Thiện, kết quả tương lai
là phước đức. Từ đó có thể biết “Họa
phước vô môn, duy nhân tự chiêu” (Họa phước không cửa, do người tự chọn).
6- Nhân của khỏe mạnh trường thọ là “Vô úy bố thí”, phóng sanh cùng với không sát sanh đều thuộc vô úy
bố thí. Giúp cho chúng sanh mãi mãi rời xa sợ hãi, buồn lo, khổ nạn, đó gọi là
vô úy bố thí. Chúng ta giúp đỡ người khác thoát khỏi khổ nạn, được sự bình an,
loại bố thí này sẽ được quả báo khỏe mạnh trường thọ.
Có tiền không chịu bố thí, sẽ gặt hái quả báo của nghèo
khó. Lận pháp (bủn xỉn về pháp), thế
gian pháp hay Phật pháp mà mình biết được, không chịu truyền thụ cho kẻ khác,
không chịu tu pháp bố thí, sẽ bị quả báo ngu si. Ngược lại với vô úy thí, tức
là uy hiếp người khác, làm cho kẻ khác thân tâm bất an, quả báo sẽ là nhiều
bệnh tật, tuổi thọ ngắn ngủi.
Thường giúp đỡ người bệnh thì mình không sinh bệnh,
thường giúp đỡ người già tự mình sẽ không già yếu. Tuổi tác tuy lớn nhưng thể
lực giống như người trẻ tuổi. Quá khứ có không ít người gặp qua lão cư sĩ Lý
Bỉnh Nam ở Đài Trung. Lão cư sĩ 95 tuổi mà không cần người khác hầu hạ, đi bộ
cũng không cần chống gậy. Ông khỏe mạnh trường thọ là quả báo của vô úy thí.
Ông dùng Phật pháp, y thuật giúp đỡ nhiều người bệnh tật già yếu, do đó bản
thân ông được quả báo thù thắng như vậy. Tuyệt đối không thể chê bai, bỏ rơi
người bệnh già, người già cả, bệnh nhân, vì tương lai mình bị bệnh, tuổi đã
già, người trẻ tuổi sẽ chê bai bỏ rơi quý vị. Quả báo là như thế. Trồng nhân gì
thì được quả báo đó. Nhân duyên quả báo, một tí cũng không sai.
Vui vẻ, trường thọ, sức khỏe từ đâu đến? Từ lòng thanh
tịnh mà đến. Tâm lý khỏe mạnh, thân thể tự nhiên được khỏe mạnh. Do đó, tâm địa
thanh tịnh, trăm bệnh không sanh. Không những không bị bệnh, tôi thường nói:
Không chết (bất tử) là thật đấy. Quý
vị hỏi tôi: “Tôi có chết không?” Tôi
sẽ nói với quý vị: “Tôi quyết định không
chết”. Đây là chuyện thật. Không sanh bệnh, không phải chết, là sống mà vãng
sanh tịnh độ theo A-Di-Đà Phật. Dùng phương pháp gì tu tâm thanh tịnh? Dùng
phương pháp niệm kinh Vô Lượng Thọ, dùng phương pháp niệm A-Di-Đà Phật. Đây
không phải là mê tín.
7- Phật thường răn dạy chúng ta không nên có lòng làm tổn
hại đối với bất kỳ một chúng sịnh nào. Đây chính là nhà Phật thường nói: “Bồ Tát sợ nhân, chúng sanh sợ quả”. Khi
chúng sanh thấy quả báo hiện tiền thì lúc ấy mới sợ. Lúc này sợ hãi cũng không
sao tránh khỏi ác báo. Đã tạo nhân, ắt thọ quả báo. Bồ Tát biết rằng tạo nhân
ắt có hậu quả, do đó rất cẩn thận chú ý khi khởi tâm động niệm, không tổn hại
người, càng không tổn hại đến đoàn thể. Quả báo gặt được là thanh tịnh, viên
mãn.
Trong kinh thường nói:
“Bồ Tát sợ nhân”. Bồ Tát hiểu rõ sự thật chân tướng , dù phải chịu khốn khổ
rất lớn cũng không oán trời, trách người. Các Ngài biết tự chịu quả báo. Ác báo
đã thọ xong, thiện nhân chín muồi thì thiện quả hiện ra. Đây mới là người thật
sự có trí tuệ, hiểu rõ chân tướng của sự thật.
8- “Chuyển tương
khắc tặc” là nói sự xoay vòng của quả báo, tuần hoàn của sự giết hại. Đời
này bạn giết hại chúng, đời sau chúng giết hại bạn. Quả báo là tuần hoàn, không
chiếm được lợi cũng không bị thiệt thòi. Oan oan tương báo mới là bộ mặt thật
của lục đạo luân hồi.
“Tương tòng cộng
sanh, canh tương báo thưởng”. Nếu chúng ta
nghĩ thấu được hai câu này rồi thì cho dù ngày nay trên thế gian này có người
khác phỉ báng, sỉ nhục, lăng nhục, tâm của chúng ta sẽ bình thản. Vì sao họ
không phỉ báng, không hà hiếp người khác mà chỉ hiếp đáp mình? Trong quá
khứ ta đã hà hiếp họ, phỉ báng họ. Ngày nay họ một trả một với ta, nợ này mà
trả xong, về sau thiên hạ sẽ thái bình, không còn gì nữa rồi. Do đó, cần biết
triệt tiêu tất cả nợ đối với oan gia kẻ thù, trong lòng sẽ thanh thản tự tại.
Tất cả chúng sanh ở thế gian này không thể không có oan
gia, không thể không có trái chủ. Vì từ vô thỉ kiếp của quá khứ chúng ta ở
trong lục đạo luân hồi, không biết đã kết oán thù với bao nhiêu chúng sanh,
cũng không biết đã nợ bao nhiêu của chúng sanh. Mình nợ người ta nhiều, người khác
nợ ta ít. Khi những oan gia trái chủ gặp nhân duyên hội tụ, tuy không quen biết
cũng phải đòi nợ, trả nợ. Việc này Phật pháp nói thẳng ra thì chúng ta rất dễ
nhận biết. Trong đời này của chúng ta, rất nhiều chuyện không như ý muốn, đặc
biệt là sự không như ý của hoàn cảnh người và việc. Phật dạy chúng ta lúc nào
cũng phải nhường nhịn. Nhường nhịn là trả nợ, là giải oán. Đừng để trong lòng,
đừng so đo.
Tuy đời này bị mắc lừa, chịu thiệt thòi, mình phải biết
chắc là trong kiếp quá khứ ta đã hà hiếp họ, chướng ngại cản trở họ nên hôm nay
họ lại chướng ngại ta. Báo ứng một thì trả một, sổ kết toán đến đây, tất cả
triệt tiêu, tâm khai, ý mở. Sổ tính xong, nợ đã không còn. Nếu không dứt điểm,
còn ôm hận trong lòng thì tương lai lại đi trả đũa. Đời đời kiếp kiếp báo qua
báo lại, mãi mãi không xong, không hết. Hơn nữa mỗi một lần trả đũa đều nghiêm
trọng hơn lần trước, rất là khủng khiếp, đáng sợ.
Nhân quả báo ứng, tơ hào không sai. Đồ đạc và tiền bạc
của chúng ta bị người khác ăn cắp, sao họ không trộm của người khác mà chỉ lấy
cắp của ta? Có lẽ kiếp trước mình trộm của họ, bây giờ họ lấy cắp về. Sổ này
xem như đã tính xong, không còn việc gì nữa. Do đó, dù người khác hãm hại chúng
ta, bất kể thủ đoạn tàn nhẫn cỡ nào, thậm chí lấy đi mạng sống của chúng ta thì
cũng đừng so đo. Vì sao? Sổ sách (nợ) đến đây đã hết, cùng nhau kết nối cái
thiện duyên, kiếp sau thành Phật còn có thể độ họ. Kết thiện duyên, không so
đo, không ép chúng sanh phải phiền não, đó là tu hành.
Phải biết tướng của chúng sanh trong sáu đường, chẳng qua
là oan oan tương báo. Thiếu tiền trả tiền, nợ mạng đền mạng, tuyệt đối không có
lý để trốn thoát. Phật Thích Ca Mâu Ni thành Phật, còn phải thị hiện “Mã mạch chi báo”. Trong truyện ký của
Phật Thích Ca Mâu Ni có ghi lại: Cầm bình bát xin không được đồ ăn, người ta
dùng thức ăn cho ngựa đến cúng dường Ngài. “Tại
Trần tuyệt lương” của Khổng Tử, còn có lúc đoạn việc nấu nướng, không có
cơm để ăn. Đại thánh nhân cũng không thể vì một đời tu thiện tích đức mà không
có quả báo ác; quả báo là nhân của kiếp trước đã gieo trồng.
9- Phật trong kinh nói rất rõ ràng: Duyên cha con đến như
thế nào? “Báo ơn, báo oán, đòi nợ, trả
nợ”, giữa người với người, người với tất cả chúng sanh, nói thật không
ngoài bốn thứ nhân duyên đó. Duyên kết nối nhiều đời nhiều kiếp, chỉ là nặng
nhẹ, nhiều ít mà thôi. Do đó, khi Bồ Tát khởi tâm động niệm đều rất cẩn thận,
rất chú ý. Vì các Ngài hiểu được sự thật của chân tướng, quyết không khởi một
ác niệm, quyết không tạo một việc ác. Vì các Ngài biết rằng, một ác niệm, một
việc lầm lỗi, tương lai nhất định sẽ mang lại điều không như ý trong đời sống.
Các Ngài muốn đời sống của mình tự tại, không chướng ngại, chỉ có không tạo ác
nghiệp thì mới có thể đạt được.
Quan hệ giữa người với người là quan hệ của sự báo ơn,
báo oán, đòi nợ, trả nợ. Bốn thứ quan hệ này là biến tướng của những nghiệp quả
do kiếp trước tự mình đã làm. Hiểu rõ sự thật chân tướng, mới biết thì ra người
sống trên đời không có chịu thiệt thòi, cũng không ai chiếm được lợi. Tôi bị
người ta lừa dối, vẫn vui vẻ cho xong một món nợ, có lẽ trong đời quá khứ tôi
đã lừa gạt họ, bây giờ bị họ lừa trở lại, vậy cũng tốt vì nợ này đã trả xong.
Bị ăn trộm cũng là kiếp quá khứ mình đã trộm của họ, bây giờ việc này xem như
sòng phẳng. Nhân quả vốn tuần hoàn không ngừng, hiểu được thật tướng thì tâm
khai, ý mở.
10- Phải nuôi dạy con cháu bằng cách giáo dục chúng cho
tốt, nhưng đừng để lại tiền bạc vật chất. Phải vì chúng mà tu phước, tích đức
thì chúng mới thực sự được thọ dụng. Để tiền bạc vật chất cho chúng, chúng cho
rằng tiền tài có được quá dễ dàng, nên dễ sa đọa và tạo nghiệp.
Thường bố thí, ban phát ân huệ cho người khác, con cháu
đến trả ơn sẽ rất nhiều. Đối với người khác không một tí ân huệ, mỗi một niệm
đều tự tư tự lợi thì sự báo ơn đâu có đến. Đều là đến để báo oán, đòi nợ. Uổng
phí bao nhiêu tâm huyết để giáo dưỡng chúng, đến sau cùng chỉ làm quý vị thất
vọng, cũng tức là “phụ ơn bội nghĩa, không có báo đền”.
11- Phật nói ba đời không có vọng ngữ, thì lưỡi có thể đưa
ra liếm đến chóp mũi. Phật tại nhân địa, đời đời kiếp kiếp không có vọng ngữ,
do đó khi Phật đưa lưỡi ra thì có thể che hết khuôn mặt. Nếu không chịu tu nhân
thì sao lại có quả báo?
Nhận xét
Đăng nhận xét