B. HỌC PHẬT
NIỆM PHẬT THÀNH PHẬT
Cư sĩ Diệu Âm biên soạn
Cư sĩ Diệu Âm biên soạn
1- Học Phật nhất định
phải từ “Tam phước” (xem chú giải trang
135) của “Quán Kinh” bắt đầu,
không từ đây tu hành thì không cách nào được thành tựu. Phật đã nói rất rõ đây
là “cái nhân chính để tu tịnh nghiệp của
ba đời chư Phật”. Nói một cách khác là chư Phật quá khứ, Phật hiện tại và
Phật vị lai muốn thành Phật, nhất định phải đi con đường này. Nếu chúng ta
không đi con đường này, muốn thành Phật thì không thể nào. Trong Phật pháp nói
đến hiếu thuận cha mẹ, cho nên, thật hiếu thuận thì phải khuyên cha mẹ niệm
Phật. “Phụng sự sư trưởng” cũng không
dễ dàng. Phụng sự sư trưởng có phải là chiếu cố tốt cho cuộc sống của sư trưởng?
Không chỉ có thế. Quý vị xem “Phổ Hiền Bồ
Tát Hạnh Nguyên Phẩm” có nói đến sự cúng dường. Trong các sự cúng dường,
Pháp cúng dường là tối thắng. Trong “Pháp
cúng dường” lại có “Y giáo tu hành”
là đệ nhất. Tiêu chuẩn của Phổ Hiền Bồ Tát là những gì thầy chỉ dạy cho chúng
ta, chúng ta đều nhận biết, đều tiếp nhận và cũng đều thực hành. Đây mới là
phụng sự sư trưởng.
Thế giới ngày nay là
loạn thế, từ xưa đến nay chưa có tình thế hỗn loạn như bây giờ. Nếu muốn tìm sự
căn nguyên của sự hỗn loạn, đó là chúng ta đã bỏ mất những lời giáo huấn của
chư Phật, Bồ Tát và các bậc Thánh hiền nhân. Chúng ta hy vọng Phật, Bồ Tát đến
cứu là không thể được. Chúng ta phải biến mình thành Phật, Bồ Tát để cứu vớt xã
hội này. Từ đâu mà cứu vớt? Phải từ “Hiếu
thân tôn sư” mà làm, khởi xướng lên và làm người dẫn đầu, làm người mô phạm
cho người khác xem. Đây là thân giáo, là hoằng pháp lợi sanh, khuyên bảo tất cả
mọi người, mang đến cho họ nhiều lợi ích.
Ngày nay chúng ta
muốn khai phát tánh đức, minh tâm kiến tánh. Dùng phương pháp gì? Dùng “hiếu kính”. Cho nên, đem tấm lòng cha
mẹ trải rộng ra thành hiếu thuận tất cả chúng sanh, đem tấm lòng kính ngưỡng sư
trưởng trải rộng ra thành kính ngưỡng tất cả chúng sanh thì sẽ được minh tâm
kiến tánh. Từ phân biệt, tu đến khi không còn phân biệt. Tôi “hiếu thân tôn sư” là có phân biệt, sau
khi trải rộng thì không còn phân biệt. Đến khi nào không còn phân biệt thì tánh
đức sẽ hiển lộ ra, đó là minh tâm kiến tánh. Đây phải cố gắng, chăm chỉ mà làm,
cho nên, học theo A-Di-Đà Phật quyết định không sai.
2- A-Di-Đà Phật toàn
tâm toàn ý để trang nghiêm Tịnh độ, mục đích để làm gì? Không phải để hưởng
thụ, mà là để cho tất cả chúng sanh thọ dụng. Ngài nguyện mười phương thế giới
tất cả chúng sanh đều sanh về nơi Ngài để hưởng thụ thành quả của Ngài. Thật là
đáng kính phục! Có phước báo muốn cho tất cả chúng sanh cùng hưởng, không phải
chỉ có mình hưởng. Chúng ta học Phật là học cái gì? Chính là học cái này.
Khi phước báo hiện
tiền, mình có phước không tự hưởng mà đem phước báo ấy cho đại chúng cùng hưởng,
có như vậy thì phước báo càng tích sẽ càng lớn. Số người hưởng phước càng nhiều
thì phước báo càng lớn rộng ra, đây là hạnh Bồ Tát. Phước báo không chấp tướng
thì phước báo ấy rộng lớn vô cùng, không thể tính đếm được, không có cách gì để
diễn tả được. Nếu quý vị thật sự không chấp tướng, tích công lũy đức, đại phước
báo sẽ hiện tiền. Nên nhớ là đem phước báo trải rộng ra để cho tất cả pháp giới
chúng sanh cùng hưởng.
3- “Vô Lượng Thọ Phật ý muốn độ thoát chúng sanh của mười
phương thế giới, đều được vãng sanh về nước của Ngài, đều chứng được Nê Hoàn
Đạo (con đường Niết Bàn, trạng thái tịch tịnh sáng suốt), các vị Bồ Tát đều
được làm Phật”. Đây là quy kết đại nguyện vô tận của Phật Di-Đà. Mục đích
kiến lập Tây Phương thế giới của Ngài là đây. Cho nên đệ tử của Phật, nhất là
học sinh của A-Di-Đà Phật cần phải phát đại nguyện để tương ứng với nguyện của
Phật, tham gia vào đại sự nghiệp giáo hóa chúng sanh của Phật Đà. Sự nghiệp này
rất cao cả, chúng ta rất vinh dự được tham gia.
4- Chúng ta ngày nay
học Phật, trước hết là phát nguyện thành Phật, phát nguyện giúp đỡ tất cả chúng
sanh, nguyện này là Bồ đề tâm. Làm từ đâu? Trước tiên là đoạn phiền não, rồi
mới học pháp môn. Đoạn phiền não, đây là phương hướng, mục tiêu một đời của
chúng ta phải cố gắng làm, đợi khi đến được Tây Phương Cực Lạc thế giới rồi mới
bắt đầu học pháp môn. Một đời này của chúng ta không học pháp môn vì pháp môn
quá nhiều, thọ mạng lại quá ngắn, học không hết. Cho nên, đời này kiếp này cố
gắng hoàn thành mục tiêu thứ nhất là đoạn phiền não, tín nguyện trì danh, cầu
sanh Tịnh độ.
5- Học phật phải mở rộng
tâm lượng, không nên chỉ nghĩ đến lợi ích của chính mình. Lợi ích của mình quá
nhỏ bé, quá ngắn ngủi. Chỉ cần một làn hơi không tiếp tục, lợi ích của quý vị ở
nơi đâu? Lợi ích của mình hưởng thụ được đến bao giờ? Thật là mê muội đến cùng
cực! Nếu có thể đem Phật pháp hoằng khắp thế giới, lưu truyền dài lâu, tự nhiên
phước đức của mình đời đời kiếp kiếp hưởng không hết.
Tứ hoằng thề nguyện
là con đường thành Phật. Trước tiên dạy quý vị phát nguyện, mở rộng tâm lượng,
không được khởi tâm động niệm đều nghĩ đến lợi ích của mình. Cái tâm lượng này
quá nhỏ. Phật dạy chúng ta phát nguyện, phải vì lợi ích của tất cả chúng sanh,
phải độ tất cả chúng sanh. Tất cả chúng sanh đương nhiên là bao gồm luôn cả gia
tộc, gia đình của quý vị. Tâm nguyện của mỗi người khi sanh đến Tây Phương Cực
Lạc thế giới là đều muốn độ tất cả chúng sanh. Nếu tâm lượng của quý vị quá nhỏ
bé, chỉ muốn độ người nhà, độ một mình quý vị thì tư tưởng, kiến giải của quý
vị và các Ngài không tương đồng. Quý vị làm sao vãng sanh được? Cho nên, nhất
định phải phát đại tâm. Tâm lượng của quý vị lớn thì chư Phật hộ niệm, Long
Thiên sẽ hộ trì.
Những điều thiện, ác
mà Phật pháp nói, phàm là lợi ích cho chính mình thì đều là ác, lợi ích cho
người khác mới là thiện. Cho nên, phương pháp của Phật giáo dạy chúng ta là:
Khởi tâm động niệm đều nghĩ đến người khác, không nghĩ đến chính mình. Chúng ta tu Tịnh độ, A-Di-Đà Phật là Bổn Sư của chúng ta.
Ngài phát 48 lời nguyện, không có nguyện nào cho chính mình. Tâm nguyện của
Ngài thật lớn lao! Niệm niệm vì tất cả pháp giới chúng sanh. Tất cả chúng sanh,
trên từ Đẳng Giác Bồ Tát, dưới đến địa ngục chúng sanh, tâm nguyện của A-Di-Đà
là viên mãn. Chúng ta học Phật, phải học điểm này.
So với Tiểu Thừa, Đại Thừa cao minh hơn, phương pháp cũng
diệu dụng hơn, đó là: Niệm niệm không nghĩ tới mình, niệm niệm đều nghĩ đến
chúng sanh, «Tôi» tự nhiên bị quên dần. Trong pháp Đại Thừa, pháp môn niệm Phật
càng thù thắng, càng diệu xảo. Ngài dạy chúng ta niệm niệm đều nghĩ đến A-Di-Đà
Phật, nghĩ đến tâm nguyện của A-Di-Đà Phật, nghĩ đến hành trì của A-Di-Đà Phật.
Bốn mươi tám đại nguyện của A-Di-Đà Phật phổ độ tất cả pháp giới chúng sanh,
tâm lượng quảng đại vô lượng vô biên. Đích thật là không thể so sánh với các vị
Đại Thừa Bồ Tát khác.
6- Chúng ta đều muốn
thành tựu như Phật, chỉ hy vọng vào quả báo là không thể, mà phải học cái nhân (hành) của Ngài. Học ở Ngài sự tận tâm
tận lực giúp đỡ tất cả chúng sanh đều thành Phật đạo. Di-Đà tại nhân địa làm
thế nào, mình cũng làm thế ấy, đây là học Phật. Cho nên, học Phật không phải là
ngày ngày tụng kinh, lạy Phật, đó chỉ là hình thức, tu một tí nhân thiên phước
báo mà thôi. Tu hành phải từ tâm địa, từ lời nói, từ hành động, như Bồ Tát, như
Phật vậy. Các ngài có tâm gì, chúng ta có tâm đó. Các Ngài đối đãi với người
như thế nào, chúng ta cũng đối đãi với người cũng thế đó. Đây mới thật sự học
Phật, thật sự tu hành.
7- Tôi chân thật đọc
tụng bộ kinh điển này, chân thật niệm câu «A-Di-Đà Phật» đem 48 nguyện Di-Đà
biến thành bổn nguyện của chính mình, như vậy nguyện tôi và nguyện của Phật đã
giống nhau. Cách nhìn, kiến giải của chúng ta đối với vũ trụ nhân sinh đều lấy
bộ kinh này làm tiêu chuẩn để theo. Ta có sai lầm thì phải tu sửa lại để cho
kiến giải, tư tưởng, cách nhìn của chúng ta với A-Di-Đà Phật giống nhau, đây là
kiến giải y như Phật. Cuộc sống của chúng ta, hành vi của chúng ta cũng phải y
theo sự giáo huấn của bộ kinh này, phải làm cho được, như vậy hành của chúng ta
cũng giống Phật, tâm đồng với Phật, nguyện đồng với Phật, giải đồng với Phật,
hành đồng với Phật. Xin chúc mừng quý vị, quý vị nhất định là thượng phẩm
thượng sanh, chỉ cần tâm, nguyện, giải, hành của quý vị giống như Phật, thành
thật mà nói, hiện tại quý vị đã là đại Bồ Tát của Tây Phương Cực Lạc thế giới,
không phải là người phàm.
Tất cả thời, tất cả nơi, niệm niệm suy xét lại, vĩnh viễn
không rời khỏi giáo huấn của Phật, Bồ Tát, tổ sư đại đức. Như vậy chúng ta mới
thật sự với Di-Đà, Thích Ca, mười phương tất cả chư Phật đồng tâm, đồng nguyện,
đồng đức, đồng hành.
A-Di-Đà Phật hàm chứa cái tâm gì, chúng ta cũng giống như
Ngài. A-Di-Đà Phật phát cái nguyện gì, chúng ta cũng giống như Ngài. A-Di-Đà
Phật đối nhân, xử thế, tiếp vật, mỗi thứ chúng ta cũng giống như Ngài. A-Di-Đà
Phật không ở nơi đây, chúng ta làm sao học pháp? «Vô Lượng Thọ Kinh» chính là
tâm, nguyện, giải, hành của A-Di-Đà Phật, phải làm cho được những chỉ dạy về
lý, sự trong kinh này.
«Như thuyết tu hành» là học tập theo A-Di-Đà Phật. Đây
mới là học trò, đệ tử thật sự của A-Di-Đà Phật.
Chúng ta cần phải làm cho tâm, nguyện, giải, hành của
mình giống như A-Di-Đà Phật. A-Di-Đà Phật là thế nào? «Vô Lượng Thọ Kinh» chính
là A-Di-Đà Phật. Y theo những gì trong kinh nói để tu sửa lại mình, đem những
giáo huấn trong kinh, viên viên mãn mãn làm tốt trong cuộc sống của mình. Nếu
quý vị làm được như vậy, tôi xin chúc mừng quý vị. Quý vị không những được vãng
sanh, mà là Phật Di-Đà, quý vị và Phật không hai không khác. Đây mới thật sự
học Phật.
Đem «Vô Lượng Thọ Kinh» biến thành tư tưởng, hành vi của
mình. Tư tưởng, hành vi của mình là «Vô Lượng Thọ Kinh»; quý vị và A-Di-Đà Phật
đồng tâm, đồng nguyện, đồng đức, đồng hành, thì quyết định được vãng sanh. Kinh
này là thư bảo đảm để vãng sanh Tây Phương Cực Lạc thế giới và cũng là thư bảo
đảm cho chúng ta một đời thành Phật. Không thể miệng niệm là thành Phật, mà
phải làm cho được.
Tại sao khuyên quý vị niệm bộ kinh này? Vì tâm, nguyện,
giải, hành của Di-Đà đều trong bộ kinh này. Bộ kinh này niệm thuộc làu, không
cần học, tự nhiên sẽ tương ưng. Mỗi ngày không ngừng huân tập, khởi tâm động
niệm, tự nhiên sẽ tương ưng với A-Di-Đà Phật. Đây là bảo chứng quyết định vãng
sanh.
8- Nhìn hình tượng
Phật, sẽ sanh tâm cung kính. Tâm cung kính là tánh đức, đối Phật sẽ sanh tâm
cung kính, đây có thể diệt tội được phước. Nhìn hình tượng Phật, nghĩ đến Ngài
cũng từ hàng phàm phu mà tu chứng, chúng ta hôm nay cũng là phàm phu. Ngài được
thành Phật, thành Bồ Tát, tại sao chúng ta không thành Phật, Bồ Tát? Thấy người
hiền phải học theo, nhìn thấy Ngài, chúng ta phát nguyện sẽ như Ngài, như thế
công đức diệt tội tiêu nghiệp sẽ càng to lớn.
Chúng ta cúng dường hình tượng của A-Di-Đà Phật, nhất
định phải hiểu nghĩa kinh, phải hiểu đạo lý; thấy nghe A-Di-Đà Phật, thì nghĩ
đến Phật A-Di-Đà. Trong kinh điển giáo huấn chúng ta nhiều điều quý báu. Chiêm
bái A-Di-Đà Phật như thế thì sẽ được vô lượng công đức.
Tác dụng của việc cúng dường hình Phật, là nhờ đó thời
thời khắc khắc để nhắc nhở chính mình. Mỗi chữ mỗi câu giáo huấn trong kinh
điển, thấy hình Phật, nghe đến Phật hiệu, lập tức nhớ đến, đây mới là học Phật.
9- Sự nghiệp của
Phật là giáo dục. Phật là thầy giáo, giáo hóa chúng sanh. Chúng ta cũng học
Phật, cho nên «hành đồng với Phật» tức là «giáo hóa đồng với Phật». Phật thị
hiện nơi thế gian, sanh trong nhà đế vương, mạng của Ngài định sẵn là làm quốc
vương, nhưng Ngài từ bỏ ngai vàng, làm thầy giáo, làm một vị giáo sư thuần túy
chỉ vì nghĩa vụ. Làm tròn nghĩa vụ giáo học, không nói đến thù lao, thầy giáo
như thế, chúng ta phải học tập theo.
Đức hạnh của chính mình chưa thành tựu thì không thể dạy
người khác, mình phải làm gương trước, thì mới có thể dạy người. Học Phật là
lập chí làm một người thầy tốt, Phật là Thiên nhân sư (Thầy của trời người) nhất định phải làm được «trang nghiêm chúng
hành, quỹ phạm cụ túc», vì tất cả chúng sanh làm một tấm gương tốt. Giáo hóa xã
hội, khiến cho mỗi chúng sanh đều khỏe mạnh, vui vẻ. Mỗi gia đình đều hạnh phúc
mỹ mãn, xã hội hài hòa, quốc gia giàu mạnh, thiên hạ thái bình.
10- Nhất định phải
quên đi được-mất, lợi-hại; đem bỏ đi sạch sẽ, sau đó không vui cũng không buồn,
thiên hạ thái bình, tôi và quý vị tuy ở cùng nhau, thế giới của quý vị không
thái bình, thế giới của tôi ngày càng thái bình. Thế giới của quý vị có nhiều
việc, thế giới của tôi không có việc gì. Chúng ta học Phật là học từ chỗ này. Đây
mới là thật sự học Phật.
Trong thế gian này không có tâm được-mất. Được không hoan
hỉ, mất cũng không phiền não. Tại vì sao? Vì được là không, mà mất cũng là
không. Căn bản là không gì cả. Được-mất không quan tâm. Rất nhiều người biết
nói rằng «Sống không mang đến, chết không mang đi». Nếu biết như vậy, chúng ta
còn tranh nhau những gì? Không nên tranh nữa. Hai câu nói này nếu đã nghĩ thông
suốt, con người này đã khai ngộ, thân tâm thanh tịnh, một trần không nhiễm.
Nếu chúng ta đem cái ý niệm đươc-mất bỏ đi. Thật sự mà
nói, người này sẽ rất tự tại, rất hạnh phúc. Phiền não của người đời, đa số là
được-mất mà ra. Khi không có được, ngày ngày muốn có được. Có được rồi, lại sợ
mất đi. Sự thật căn bản là không có được-mất. Đây toàn là vọng tưởng. Vọng
tưởng mang đến rất nhiều đau khổ và tai nạn. Thật là oan uổng.
11- Quý vị muốn học
Phật, nhất định phải phát Bồ đề tâm. Đối nhân, xử thế, tiếp vật, phải dùng tâm
chân thành. Người khác có ác ý đối với mình, lường gạt mình, tôi vẫn dùng tâm
chân thành để đối đãi họ. Như vậy tôi có bị thiệt thòi quá không? Không sai.
Nếu quý vị không muốn chịu thiệt thòi, thì quý vị vĩnh viễn là phàm phu. Nếu
quý vị muốn làm Phật, làm Bồ Tát thì phải cam tâm tình nguyện mà chịu thiệt
thòi. Nên biết rằng, thời gian chịu thiệt thòi rất ngắn, chẳng qua một đời mấy
mươi năm mà thôi. Sau thời gian mấy mươi năm, quý vị đã thành Phật, mới biết
rằng mình không bị thiệt thòi. Nếu trước mắt không chịu thiệt thòi, thì quý vị
sẽ đời đời kiếp kiếp chịu khổ. Bài toán này quý vị phải tính cho kỹ lưỡng.
Quý vị nhất định phải ghi nhớ: đối nhân, xử thế, tiếp
vật, chỉ nên dùng một tâm, không dùng hai tâm. Tôi niệm Phật dùng tâm gì, lạy
Phật dùng tâm gì, tôi đối nhân, xử thế cũng dùng tâm này. Có người sẽ nói, xã
hội ngày nay, nếu dùng tâm này sẽ bị thiệt thòi. Không sai. Có thể chịu một tí
thiệt thòi, nhưng thử hỏi, quý vị chịu thiệt thòi trong bao nhiêu năm? Nếu cho
là quý vị sống được một trăm tuổi, ráng chịu thiệt thòi vài mươi năm thôi,
tương lai sẽ được làm Phật, làm Bồ Tát. Nếu không chịu thiệt thòi thì sau này
đời đời kiếp kiếp ở trong tam ác đạo. Tại sao không chịu suy nghĩ, cái nào
thiệt thòi hơn. Mình phải suy nghĩ thấu đáo hơn, tầm nhìn rộng xa hơn. Nếu có
thiệt thòi cho lắm, mình cũng cam tâm tình nguyện, giữ cho tâm địa trong sạch
thanh khiết, quyết định không bị ô nhiễm. Đây mới là quan trọng.
Người học Phật, người ta chửi mình, mình quyết không chửi
lại, không khởi tâm sân hận. Vì biết rằng người đó tiêu nghiệp chướng cho mình.
Nghiệp chướng tiêu rồi, mình cảm kích còn không kịp, có lý đâu lại đi trả thù?
Cho nên, đối với sự gia hại của người đời, mình không tính hơn thua. Đừng cho
rằng mình đang bị thiệt thòi, sự thật là mình không bị thiệt thòi. Nếu quý vị
hiểu rõ sự việc, thì phước báo của quý vị càng tích càng dày. Không những không
bị thiệt thòi, mà còn lời to. Cho nên, trước mắt thấy như bị lừa gạt, tiền bạc,
danh dự bị tổn thất vậy mà trong chớp mắt, tiền tài, danh dự không biết đã tăng
cao biết bao nhiêu lần. Người y giáo tu hành, chư Phật hộ niệm, Long Thiên
Thiện thần hộ trì, làm gì có bị thiệt thòi?
Nhận xét
Đăng nhận xét