II. Một Lá Thư Gởi Khắp
(Lời lẽ tuy vụng về chất phác, nhưng nghĩa vốn lấy từ kinh Phật. Nếu chịu
hành theo, lợi lạc vô cùng. Năm Dân Quốc 21 (1932))
Pháp môn Tịnh Độ độ khắp ba căn, lợi - độn trọn thâu,
chính là đại pháp để đức Như Lai phổ độ hết thảy thượng thánh hạ phàm khiến cho
họ liễu sanh tử ngay trong một đời này. Đối với pháp này chẳng tin, chẳng tu,
chẳng đáng buồn ư? Pháp môn này lấy ba pháp Tín - Nguyện - Hạnh làm tông[1]. Tín là tin thế giới chúng ta đây là khổ, tin thế giới
Cực Lạc là vui. Tin ta là nghiệp lực phàm phu, quyết định chẳng thể cậy vào Tự
Lực để đoạn Hoặc chứng Chân hòng liễu sanh thoát tử. Tin A Di Đà Phật có đại
thệ nguyện; nếu có chúng sanh niệm danh hiệu Phật, cầu sanh cõi Phật, lúc người
ấy mạng chung, Phật ắt rủ lòng từ tiếp dẫn sanh về Tây Phương. Nguyện là nguyện
mau thoát lìa thế giới khổ sở này, nguyện mau vãng sanh thế giới Cực Lạc kia.
Hạnh là chí thành khẩn thiết, thường niệm Nam Mô (âm đọc là Nạp-mạc[2]) A Di Đà Phật, thời thời khắc khắc chớ để tạm quên. Sáng
tối đối trước Phật lễ bái, trì tụng, tùy theo bản thân rảnh rỗi hay bận bịu mà
lập một khóa trình[3]. Ngoài ra, [trong lúc] đi - đứng - ngồi - nằm và những
chuyện chẳng phải dùng đến tâm thì đều khéo niệm. Lúc ngủ nên thầm niệm, chẳng
nên niệm ra tiếng.
Chỉ nên niệm bốn chữ A Di Đà Phật để khỏi bị nhiều chữ
khó niệm. Nếu áo mũ không chỉnh tề, hoặc đang lúc rửa ráy, đại tiểu tiện, hoặc
đến chỗ không sạch sẽ đều nên niệm thầm. Niệm thầm có cùng một công đức [như
niệm ra tiếng], niệm ra tiếng không hợp lễ. Bất luận niệm lớn tiếng hay niệm
nhỏ tiếng, niệm Kim Cang (niệm có tiếng
nhưng người bên cạnh không nghe được), niệm thầm trong tâm, đều phải niệm
cho rõ ràng rành rẽ trong tâm, niệm cho rõ ràng rành rẽ nơi niệm, tai nghe cho
rõ ràng rành rẽ. Như thế thì tâm chẳng rong ruổi theo bên ngoài, vọng tưởng dần
dần dứt, Phật niệm dần dần thuần, công đức rất lớn!
Người niệm Phật phải hiếu dưỡng cha mẹ, phụng sự sư trưởng
(tức thầy dạy ta và những vị có đạo đức),
từ bi không giết (nên ăn chay trường,
hoặc ăn chay kỳ. Nếu chưa dứt được ăn mặn thì đừng đích thân giết), tu Thập
Thiện nghiệp (tức là thân chẳng làm
chuyện sát sanh, trộm cắp, tà dâm; miệng chẳng nói dối, thêu dệt, nói đôi
chiều, nói lời ác; tâm chẳng khởi niệm tham dục, nóng giận, ngu si). Lại
còn phải cha nhân từ, con hiếu thuận, anh nhường, em kính, chồng hòa, vợ thuận,
chủ nhân từ, tớ trung thành, tận hết bổn phận của chính mình. Chẳng cần biết
người khác có trọn hết bổn phận đối với ta hay không, ta phải luôn trọn hết
phận ta. Nếu có thể đối với gia đình và xã hội tận tình, tận hết bổn phận thì
gọi là thiện nhân. Thiện nhân niệm Phật cầu sanh Tây Phương chắc chắn khi lâm
chung liền được vãng sanh bởi tâm hợp với Phật, nên cảm được Phật từ tiếp dẫn.
Nếu tuy thường niệm Phật, nhưng tâm chẳng nương theo đạo, hoặc đối với cha mẹ,
anh em, thê thiếp, con cái, bạn bè, xóm làng chẳng thể tận hết bổn phận thì tâm
đã trái nghịch Phật, khó thể vãng sanh! Do tự tâm phát sanh chướng ngại, Phật
cũng không có cách nào rủ lòng từ tiếp dẫn được!
Lại phải nên khuyên cha mẹ, anh em, chị em, thê thiếp,
con cái, xóm làng, thân hữu đều cùng thường niệm “nam-mô A Di Đà Phật” và
“nam-mô Quán Thế Âm Bồ Tát” (mỗi ngày nếu
niệm một vạn câu Phật hiệu thì niệm năm ngàn câu Quán Âm, nhiều hay ít chiếu
theo đây mà gia giảm). Bởi chuyện này lợi ích rất lớn, nỡ nào để người sanh
ra ta và quyến thuộc của ta cũng như thân hữu chẳng được hưởng lợi ích này hay
sao? Huống chi hiện tại đang là lúc cõi đời hoạn nạn lớn lao, tai họa xảy đến
không cách gì đối phó được. Nếu thường niệm Phật và niệm Quán Âm, nhất định
được Phật từ che chở, gặp chuyện dữ hóa lành. Dẫu không tai nạn cũng được túc
nghiệp tiêu, trí rạng, chướng tận, phước tăng. Huống chi khuyên người niệm Phật
cầu sanh Tây Phương chính là thành tựu cho kẻ phàm phu thành Phật, công đức rất
lớn. Dùng công đức này hồi hướng vãng sanh, ắt được mãn nguyện.
Phàm tụng kinh, trì chú, lễ bái, sám hối và cứu tai nạn,
giúp kẻ nghèo, mọi thứ công đức từ thiện đều phải hồi hướng vãng sanh Tây
Phương, chớ nên cầu phước báo nhân thiên trong đời sau. Nếu có tâm ấy sẽ chẳng
có phần vãng sanh! Hễ sanh tử chưa giải quyết xong, phước càng lớn ắt nghiệp
càng nặng. Hễ sanh lần nữa, khó khỏi đọa trong ba đường ác địa ngục, ngạ quỷ,
súc sanh. Nếu muốn lại được thân người, lại được gặp pháp môn Tịnh Độ liễu
thoát ngay trong một đời, thật khó như lên trời vậy! Phật dạy người niệm Phật
cầu sanh Tây Phương là nhằm để con người liễu thoát sanh tử ngay trong đời này.
Nếu cầu phước báo nhân thiên đời sau thì là trái nghịch lời Phật dạy, giống như
đem một viên bảo châu vô giá trong khắp cõi đời đổi lấy một thẻ đường để ăn,
chẳng đáng tiếc ư? Người ngu niệm Phật chẳng cầu sanh Tây Phương, cầu phước báo
nhân thiên đời sau cũng chẳng khác gì!
Người niệm Phật chẳng được lạm tu con đường tham cứu của
nhà Thiền, bởi người tham cứu chẳng chú trọng nơi tín nguyện cầu sanh; dẫu có
niệm Phật cũng chỉ chú trọng khán câu “người
niệm Phật là ai?” để cầu khai ngộ mà thôi! Nếu sanh Tây Phương thì không có
ai chẳng khai ngộ! Nếu khai ngộ mà Hoặc nghiệp hết sạch thì có thể liễu sanh
tử. Nếu Hoặc nghiệp chưa hết sẽ chẳng thể cậy vào Tự Lực để liễu sanh tử. Lại
do không có tín nguyện nên chẳng thể cậy vào Phật Lực để liễu sanh tử. Tự Lực
lẫn Phật Lực đều không nhờ cậy được, muốn thoát luân hồi há có được chăng? Phải
biết: Pháp Thân Bồ Tát lúc chưa thành Phật còn đều phải cậy vào oai lực của
Phật, huống chi nghiệp lực phàm phu phí công bàn chuyện Tự Lực, chẳng cậy Phật
Lực ư! Lời lẽ tuy cao siêu, nhưng hạnh thật hèn tệ. Phật Lực, Tự Lực lớn - nhỏ,
nào phải chỉ khác biệt như trời với vực! Nguyện đồng nhân[4] đều hiểu nghĩa này.
Người niệm Phật chớ nên bắt chước kẻ ngu, làm những “Phật sự” như hoàn thọ sanh[5], gởi kho v.v… bởi chuyện “hoàn thọ sanh” chẳng phát xuất
từ kinh Phật, mà do người đời sau ngụy tạo. Gởi kho là nguyện chết đi làm quỷ,
chuẩn bị sẵn tiền tiêu dùng trong quỷ đạo. Đã có tâm nguyện làm quỷ sẽ khó thể
vãng sanh. Nếu chưa làm hãy chớ có làm. Nếu trót đã làm hãy bẩm rõ cùng Phật: “Đệ tử tên là… chỉ cầu vãng sanh, tiền trước
kia gởi kho nơi cõi âm, đều dùng chẩn tế cô hồn hết” thì mới chẳng gây
chướng ngại cho việc vãng sanh. Phàm những kinh như Thọ Sanh, Huyết Bồn, Thái
Dương, Thái Âm, Nhãn Quang, Táo Vương, Thai Cốt, Phân Châu, Diệu Sa[6] v.v… đều do những kẻ lầm lạc ngụy tạo, chớ nên niệm. Kẻ
ngu chẳng biết niệm kinh Đại Thừa (tức là
các kinh A Di Đà Kinh, Vô Lượng Thọ Kinh, Quán Vô Lượng Thọ Phật Kinh, Tâm
Kinh, Kim Cang, Dược Sư, Pháp Hoa, Lăng Nghiêm, Hoa Nghiêm, Phổ Hiền Hạnh
Nguyện Phẩm v.v...) Tin vào các thứ ngụy kinh ngụy tạo mù quáng ấy, ắt phải
làm những chuyện hoàn thọ sanh, phá địa ngục, phá huyết hồ mới an tâm được! Có
người hiểu lý nói những kinh ấy là ngụy tạo, cũng chẳng chịu tin. Phải biết:
Làm Phật sự thì chỉ có niệm Phật là công đức lớn nhất. Nên dùng tiền làm chuyện
hoàn thọ sanh, phá địa ngục, phá huyết hồ[7] để thỉnh vị Tăng có chánh niệm niệm Phật thì lợi ích lớn
lắm.
Người niệm Phật nên ăn chay trường. Nếu như chưa thể thì
nên giữ Lục Trai, hoặc Thập Trai (mồng 8,
14, 15, 23, 29, 30 là Lục Trai. Thêm vào ngày mồng Một, 18, 24, 28 thì thành
Thập Trai. Gặp tháng thiếu thì ăn lên trước đó một ngày. Lại còn tháng Giêng,
tháng Năm, tháng Chín là ba tháng chay, nên ăn chay trường, làm các công đức).
Từ giảm dần đến vĩnh viễn dứt ăn mặn thì mới hợp lý. Tuy chưa dứt được ăn mặn,
hãy nên mua thịt làm sẵn, chớ có sát sanh trong nhà. Do trong nhà thường nguyện
cát tường (tốt lành, may mắn), nếu
hằng ngày sát sanh thì nhà ấy liền trở thành nơi giết chóc. Nơi giết chóc chính
là chỗ oán quỷ tụ hội, chẳng tốt lành, [điều này] quan trọng lắm! Do vậy phải
kiêng sát sanh trong nhà.
Người niệm Phật nên khuyên cha mẹ niệm
Phật cầu sanh Tây Phương, nhưng muốn cho cha mẹ lúc lâm chung quyết định vãng
sanh Tây Phương mà không nói sẵn cho quyến thuộc biết về việc trợ niệm lâm
chung, và lợi - hại của việc phô trương phù quáng và khóc lóc sẽ chẳng thể
được! Vì vậy, muốn cho cha mẹ lâm chung được hưởng sự lợi ích do quyến thuộc
trợ niệm, chẳng bị mắc hại phá hoại chánh niệm mà lúc thường ngày không nói cho
họ biết sự lợi ích của việc niệm Phật, khiến cho ai nấy đều thường niệm sẽ
không thể được! Như thế chẳng những có ích cho cha mẹ mà thật sự còn có ích cho
những quyến thuộc hiện đời, con cháu đời sau. Lâm chung trợ niệm bất luận già
trẻ đều nên như vậy, xem cuốn Sức Chung Tân Lương[8] sẽ tự biết (Thượng
Hải Phật Học Thư Cục, chùa Báo Quốc ở Tô Châu đều có bán cuốn ấy).
Nữ nhân khi sanh nở thường đau đớn chẳng kham nổi, mấy
ngày chưa sanh rất có thể bị mất mạng. Lại có người sanh xong bị băng huyết, đủ
mọi nỗi nguy hiểm, và con cái mắc chứng kinh phong chậm hay gấp, đủ mọi nỗi
nguy hiểm. Nếu nhằm lúc sắp sanh, hãy chí thành khẩn thiết niệm ra tiếng rõ
ràng “nam mô Quán Thế Âm Bồ Tát”, chớ
đừng niệm thầm trong tâm, bởi niệm thầm sức nhỏ, nên cảm ứng cũng nhỏ. Lại do
lúc ấy dùng sức đẩy đứa con ra, nếu thầm niệm thì rất có thể do bế khí mà thành
bệnh. Nếu chí thành khẩn thiết niệm chắc chắn chẳng bị đau đớn, khó sanh và
băng huyết sau khi sanh, con mắc các chứng kinh phong v.v… Dẫu cho khó sanh đến
tột bậc, người đã sắp chết, hãy nên dạy sản phụ ấy và những người chăm sóc
chung quanh đều cùng niệm Quán Thế Âm ra tiếng, người nhà dẫu ở phòng khác cũng
đều có thể niệm, chắc chắn công phu chưa đến một khắc liền được an nhiên sanh
nở. Ngoại đạo chẳng hiểu lý, chấp chết vào một pháp cung kính, chẳng biết căn
cứ vào sự để luận lý, đến nỗi những bà cụ niệm Phật coi sanh nở là chuyện đáng
sợ, dẫu là con gái ruột, con dâu cũng chẳng dám nhìn đến, huống chi là dám dạy
họ niệm Quán Âm ư? Phải biết Bồ Tát mang tâm cứu khổ, lúc sắp sanh lõa lồ, bất
tịnh, là chuyện không thể nào tránh được, chứ không phải là do cố ý luông
tuồng, chẳng những [niệm Quán Âm khi ấy] không có tội lỗi gì, mà lại còn gieo
được đại thiện căn cho cả mẹ lẫn con. Nghĩa này đức Phật dạy trong kinh Dược Sư,
chứ không phải là ý kiến ức đoán của tôi, chẳng qua tôi chỉ đề xướng mà thôi! (Kinh Dược Sư nói về thệ nguyện công đức
Phật Dược Sư, cho nên dạy niệm Phật Dược Sư. Nhưng danh hiệu Quán Âm ai nấy đều
biết cho nên bất tất phải niệm Phật Dược Sư, cứ niệm Quán Âm cũng được).
Nữ nhân từ mười hai, mười ba tuổi cho đến bốn mươi tám,
bốn mươi chín tuổi đều có kinh nguyệt. Có kẻ nói trong lúc có kinh không được
lễ bái, trì tụng. Lời ấy chẳng thông tình lý. Người có kinh ngắn ngày thì hai
ba ngày là hết, có người kéo dài đến năm sáu ngày mới hết. Người tu trì ắt phải
niệm niệm không gián đoạn, lẽ đâu vì một tật nhỏ trời sanh ấy để rồi bỏ phế
việc tu trì ư? Nay tôi nói: Trong lúc có kinh, chỉ nên lễ bái ít hơn (nên ít lễ bái, chứ không phải là tuyệt đối
chẳng được làm lễ), niệm Phật, tụng kinh đều theo như lệ thường. Nên thường
thay vải dơ (băng vệ sinh). Nếu tay
sờ vào vải dơ, hãy nên rửa sạch, chớ dùng tay đã chạm đồ dơ để lật kinh và thắp
hương. Phật pháp pháp nào cũng viên dung, ngoại đạo chỉ chấp vào lý ngoài rìa.
Người đời đa phần chỉ tin lời ngoại đạo, chẳng biết đến chánh lý trong Phật
pháp. Vì thế, khiến cho hết thảy đồng nhân chẳng thể được nhuần thấm lợi ích
nơi pháp.
Quán Thế Âm Bồ Tát thệ nguyện rộng sâu, theo tiếng cứu
khổ. Nếu gặp phải những hoạn nạn như đao binh, nước, lửa, đói kém, sâu rầy,
châu chấu, ôn dịch, hạn hán, lụt lội, giặc cướp, oan gia, ác thú, rắn độc, ác
quỷ, yêu mị, bệnh tật do oán nghiệp, tiểu nhân hãm hại…. mà có thể phát tâm sửa
lỗi hướng thiện, tự lợi lợi người, chí thành khẩn thiết niệm Quán Thế Âm, niệm
niệm không gián đoạn, chắc chắn sẽ được Ngài từ bi che chở, chẳng bị nguy hiểm
gì. Nếu vẫn giữ tấm lòng chẳng lành, dẫu có xưng niệm, chẳng qua chỉ tạm gieo
căn lành cho vị lai, chẳng được cảm ứng trong hiện thời. Bởi lẽ Phật, Bồ Tát đều
là thành tựu thiện niệm cho người, trọn chẳng thành tựu ác niệm cho người. Nếu
chẳng phát tâm sửa lỗi hướng thiện, lầm lạc muốn niệm danh hiệu Phật, Bồ Tát để
mong thành tựu ác sự cho mình thì quyết định không được cảm ứng, chớ có dấy lên
cái tâm điên đảo ấy!
Niệm Phật khẩn yếu nhất là giữ vẹn luân thường, trọn hết
bổn phận, dứt lòng tà, giữ lòng thành, đừng làm các điều ác, vâng làm các điều
thiện, giữ tấm lòng tốt, nói lời tốt lành, làm chuyện tốt. Có sức làm được thì
tích cực làm, chẳng thể làm được thì cũng phải phát thiện tâm ấy, hoặc khuyên
người có sức làm, hoặc thấy người khác làm bèn phát tâm hoan hỷ, thốt lời khen
ngợi thì cũng là thuộc về công đức nơi tâm và miệng. Nếu chẳng thể tự làm được,
thấy người khác làm bèn sanh ganh ghét, liền thành ra tâm hạnh tiểu nhân gian
ác, chắc chắn bị tổn phước, giảm thọ, chẳng được kết quả tốt lành, hãy nên
thống thiết răn dè. Chẳng được làm chuyện giả dối để được tiếng, buôn danh
chuốc dự, tâm hạnh ấy quả thật bị thiên địa quỷ thần đều cùng ghét. Nếu có thì
phải sửa đổi, nếu không thì càng thêm cố gắng.
Trong đời có kẻ nữ, chẳng hiểu chí lý (lý tột cùng), hoặc chẳng hiếu đối với
cha mẹ chồng, lừa dối, khinh miệt chồng, nuông chiều con cái mù quáng, ngược
đãi tôi tớ, hoặc là mẹ kế ngược đãi con cái đời vợ trước, chẳng biết hiếu dưỡng
cha mẹ chồng, kính trọng chồng, dạy con cái, rộng rãi với tôi tớ, nuôi dạy,
chăm sóc con cái vợ trước, [chẳng biết những điều ấy] quả thật là đạo thánh
hiền trong thế gian, mà cũng là pháp vun bồi cái gốc trong nhà Phật. Đầy đủ công
đức này, do tu tập Tịnh nghiệp chắc chắn danh dự ngày càng cao, phước tăng,
tuổi thọ lâu dài, lâm chung được Phật tiếp dẫn lên thẳng chín phẩm sen. Phải
biết: Có nhân ắt chắc chắn có quả. Nếu mình đã gieo cái nhân hiếu kính từ ái,
sẽ tự hưởng cái quả hiếu kính từ ái. Vì người chính là vì mình, hại người còn
tệ hơn tự hại mình. Vì thế phải tận hết chức phận của chính mình để mong Phật
trời cùng soi xét.
Trẻ nhỏ từ lúc có sự hiểu biết, liền dạy cho chúng đạo
hiếu, đễ, trung, tín, lễ, nghĩa, liêm, sỉ, và những sự nhân quả ba đời, luân
hồi lục đạo khiến cho chúng biết tâm của chính chúng nó trong từng hơi thở đều
thông với tâm của trời, đất, quỷ thần, Phật, Bồ Tát. Khởi lên một niệm bất
chánh, làm một chuyện bất chánh đã sớm bị trời, đất, quỷ thần, Phật, Bồ Tát
thấy biết tường tận, như đối trước gương sáng đều hiện ra hình bóng xấu không
thể trốn tránh được, ngõ hầu chúng nó biết kiêng sợ, gắng làm người lương
thiện. Bất luận là ai, dẫu là tôi tớ, trẻ nhỏ cũng chẳng được phép đánh chửi.
Dạy chúng tôn kính bậc tôn trưởng, giữ phận người dưới. Phải chú trọng dạy
chúng nó kính tiếc giấy có viết chữ, yêu tiếc ngũ cốc, y phục, đồ đạc, thương
tiếc che chở trùng kiến, cấm ngặt ăn vặt để khỏi bị bệnh. Dạy được như thế thì
phần đông chắc chắn trở thành người hiền thiện. Nếu lúc nhỏ để mặc theo thói
quen, điều gì cũng chẳng giáo huấn, lớn lên không thành hạng tầm thường cũng
thành phường trộm cướp. Lúc ấy có hối cũng chẳng có ích gì! Cổ nhân nói: “Dạy vợ từ thuở mới về, dạy con từ tấm bé”,
bởi lẽ do huân tập sẽ trở thành bản tánh nên phải cẩn thận ngay từ đầu. Thiên
hạ yên hay loạn đều bắt nguồn từ đây; chớ nghĩ lão tăng nói chuyện viễn vông,
không quan hệ, khẩn yếu chi!
Quang đã già rồi, tinh thần ngày càng suy, không có sức
trả lời thư gởi đến. Chỉ vì đường bưu điện thuận tiện khiến cho xa gần nghe lầm
hư danh, thường gởi thư đến hỏi mãi. Nếu nhất loạt chẳng phúc đáp cũng cảm thấy
phụ lòng người hỏi đến. Nếu phúc đáp từng thư một, thật chẳng có đủ tinh thần
làm như vậy. Vì thế, cho in bức thư dài này, phàm những gì liên quan đến chuyện
tu trì và lập thân, xử thế, thờ cha mẹ, dạy con, đều nói đại lược. Sau này có
ai gởi thư đến, dùng thư này gởi lại. Nếu có một hai chuyện chi đặc biệt liền
phê vào thư gởi đến mấy chữ để đôi bên thấu hiểu tình nhau, không đến nỗi nhọc
nhằn quá đáng. Nếu muốn thông hiểu sâu xa kinh giáo, xin hãy thỉnh giáo nơi
những bậc pháp sư thông hiểu sâu xa dựng cao tràng pháp. Nên biết rằng: Người
thông hiểu sâu xa kinh giáo chưa chắc đã liễu sanh tử ngay trong đời này. Nếu
muốn liễu sanh tử ngay trong đời này, hãy nên chú trọng nơi tín nguyện niệm
Phật cầu sanh Tây Phương.
[1] Tông: Tông ở đây là ý nghĩa chủ
yếu của một bộ kinh, hay chủ trương, giáo nghĩa chánh yếu được xiển dương bởi một
bộ kinh. Hiểu theo nghĩa rộng, tông là giáo nghĩa căn bản, chủ đạo của một pháp
môn. Theo Thiên Thai Tông, Tông chính là nội dung nhất quán của một bộ kinh hay
một pháp môn.
[2] Do chữ Nam Mô 南無 nếu
đọc theo giọng Quan Thoại thông thường sẽ thành Nán-wú nên ở đây Tổ ghi âm bằng
chữ Nạp-mạc納莫 (âm Quan Thoại là Nà-mó) để chỉ cách đọc mô phỏng
âm Namo trong tiếng Phạn.
[3] Khóa trình: Thời gian tu tập nhất
định trong một ngày, thường dùng để chỉ một thời tụng kinh, niệm Phật hay tọa
thiền.
[4] Đồng nhân: Những người có cùng
căn cơ với ta.
[5] Đây là một quan điểm mê tín của
người dân Trung Hoa thời xưa. Họ tin rằng khi sanh làm người, ai nấy đều bị thiếu
nợ một khoản tiền dưới âm phủ, nếu không đốt tiền giấy van vái trả nợ dần dần sẽ
bị tổn phước giảm thọ, gặp nhiều tai nạn, ác mộng, ba hồn bảy phách bị suy bại
nên chết yểu. Khoản tiền giấy vàng bạc đốt để trả nợ gọi là Hoàn Thọ Sanh (quan điểm này được đề cao qua ngụy kinh Thọ
Sanh). “Gởi kho” là đốt tiền giấy, vàng bạc để tích trữ sẵn dưới âm ty như
một hình thức gởi tiền tiết kiệm để dùng sau khi chết.
[6] Thọ Sanh Kinh là một
kinh do Đạo giáo ngụy tạo. Nội dung kinh nói năm Trinh Quán thứ 13 đời Đường, ngài
Huyền Trang duyệt Đại Tạng Kinh, thấy nói rõ mỗi người khi được đầu thai làm
người đều thiếu một khoản nợ lớn tại âm phủ, vị quan chủ mạng của âm phủ sẽ
truy tìm người ấy trong nhân gian để đòi nợ. Người nào không chịu trả khoản nợ ấy
bằng cách đốt tiền giấy, vàng mã trả nợ cho âm phủ, đêm ngủ sẽ gặp nhiều ác mộng,
ba hồn bảy phách vất vưởng, suy bại, sẽ bị mười tám thứ tai ương như đi đường bị
trộm cắp, sanh nở khó khăn, chết bất đắc kỳ tử, bị trúng phong mà chết, bị chết
vì dịch tật, tai nạn xe cộ, bị vu cáo, bắt bớ, giam cầm, tàn tật v.v… Nếu người
nào siêng năng trả tiền nợ thọ sanh sẽ được đủ mọi sung sướng, không tai dịch,
không bị sao xấu chiếu, ba đời giàu sang, không bao giờ bị nghèo khổ, khẩu thiệt
v.v…
Kinh Huyết Bồn (tên
gọi đầy đủ là Phật Thuyết Đại Tạng Chánh Giáo Huyết Bồn Kinh) nói ngài Mục
Kiền Liên đến huyện Truy Dương ở Vũ Châu thấy một địa ngục có hình dáng một cái
chậu máu lớn rộng đến tám vạn bốn ngàn do-tuần, đủ mọi khí cụ hành hình. Trong
ngục có nhiều nữ nhân tóc tai rũ rượi, bị ngục tốt bắt uống máu mỗi ngày ba lần.
Nếu không chịu uống sẽ bị quỷ sứ dùng gậy sắt đánh đập tàn nhẫn. Hỏi đến nguyên
cớ, quỷ sứ đáp: “Do người nữ lúc sanh nở hoặc khi có kinh, máu dơ thấm đất, xúc
phạm thần đất. Hoặc tắm gội khiến nước sông, nước suối bị nhiễm máu dơ. Người
khác không biết dùng nước ấy đem nấu trà cúng thánh hiền, Thiên đại tướng quân
bèn ghi tội kẻ ấy. Sau khi chết bèn đọa ngục này. Muốn cứu giúp vong linh của mẹ
thì phải tụng kinh này ba năm, lập Huyết Bồn thắng hội, thỉnh Tăng chúng tụng
kinh này, hồn mẹ sẽ được giải thoát!”
Kinh Thái Dương (tên
gọi đầy đủ là Thái Dương Tinh Quân Bảo Cáo), có nội dung tán tụng thần mặt
trời, xin trích một đoạn như: “Đỗng dương
chí thánh, viêm minh thượng chân, chủ Nam cực chi dương khuyết, chưởng nhân thân
chi hồn phách, quang huy thạnh đại, hành vi vạn tượng chi tôn đức cao minh, chủ
thế chiếu chúng sanh chi mạng, chiếu hồi thiên địa thần quang trú dạ tuần hành,
khu nữu âm dương, viêm phách oai thí hách liệt, phàm mông quang chiếu, thật lại
sanh thành, đại bi, đại nguyện, đại thánh đại từ Nhật Cung Thái Dương Ân Quang
Phổ Chiếu Thiên Tôn” (tạm dịch: Đức Nhật Cung Thái Dương Ân Quang Phổ Chiếu
Thiên Tôn đại bi, đại nguyện, đại thánh, đại từ, là bậc chí thánh, dương khí
thông suốt, là bậc chân thật tột bậc về mặt nóng sáng, làm chủ cửa Dương nơi mặt
cực Nam, nắm giữ hồn phách của con người, rực rỡ vô cùng, có đức cao vời hơn mọi
vật, chủ trì việc chiếu soi sanh mạng của chúng sanh, ngày đêm đi tuần hành chiếu
soi trời đất, duy trì âm dương. Ngài có bản chất ấm nóng, oai dũng ban bố sự
chói ngời, phàm những gì được chiếu soi đều nhờ Ngài mà sanh thành). Tiếp đó là
bài kệ thần Thái Dương tự khoe công đức: “Trên
trời không ta không ngày đêm, dưới đất không ta chẳng tăng trưởng, thần nào
cũng có người tôn kính, chẳng ai kính ta thần Thái Dương! Mười chín tháng Giêng
Thái Dương sanh. Nhà nhà niệm Phật thắp đèn hồng, ai truyền được kinh Thái
Dương này, cả nhà già trẻ không bị sao hạn. Ai không truyền tụng kinh Thái
Dương, địa ngục cửa mở ngay trước mắt….”
Kinh Thái Âm có tên gọi đầy đủ là
Thái Âm Tinh Quân Thánh Kinh, câu cú lủng củng, lộn xộn, có toàn văn như sau: “Thái Âm Bồ Tát đi về phương Đông, mười tầng
địa ngục chín tầng mở, mười vạn tám ngàn chư Bồ Tát, chư Phật, Bồ Tát xếp hàng
hai bên, chư tôn Phật kính trọng, đất không mây, hoa sen vọt khỏi mặt nước nở đầy
đất, đầu đội tháp châu báu bảy tầng, Sa Bà thế giới nhãn quang minh, một Phật
báo trọn ân thiên địa, hai Phật báo đáp ân phụ mẫu, cha mẹ còn sống tăng phước
thọ, cha mẹ đã mất sớm siêu thăng. Nam-ma Phật, nam-ma Pháp, nam-ma A Di Đà Phật,
thiên la thần, địa la thần, người lìa nạn, nạn lìa thân, hết thảy tai ương hóa
thành bụi. Có ai niệm được bảy biến kinh Thái Âm, sống chết chẳng đến cửa địa
ngục”.
Kinh Nhãn Quang rất ngắn, chỉ gồm
mấy câu như sau: “Phật nói kinh Nhãn
Quang, mắt sáng là đèn tâm, hai bên tháp xá-lợi, hằng sa hậu thế Đại Tạng kinh.
Ngàn mắt ngàn tay tỏ rõ trong đời. Đại Trí Bồ Tát phóng hào quang, Văn Thù Bồ Tát cưỡi sư tử, Phổ Hiền cưỡi voi chúa. La
Hán đầy khắp hư không đại địa, sương mù che phủ mắt bị quét sạch ngay!”
Nội dung kinh Táo Vương (dân gian thường gọi là kinh Ông Táo) như sau: Kinh này do chính đức
Phật nói ra ở Ấn Độ, được các vị Tam Tạng pháp sư truyền qua Trung Hoa, ông Táo
có danh xưng là Đông Trù Tư Mạng, theo dõi hành vi của mọi người trong gia
đình, ngày Ba Mươi mỗi tháng tấu lên thiên đình, tùy theo hành vi thiện ác, trời
sẽ giáng phước hay ban họa. Sinh nhật của ông Táo là ngày mồng Ba tháng Tám,
gia chủ phải thắp hương, đốt đèn cúng tế mới được phước thọ, tụng niệm kinh này
thì học trò sẽ đỗ đạt, người buôn bán hưng vượng v.v… Cầu đảo ông Táo chí thành
sẽ thọ đến chín mươi tuổi. Kinh cũng khuyên phải giữ bếp cho sạch sẽ, không được
khua khoắng nồi xoong trong bếp, không được cởi trần trước bếp, không được khạc
nhổ, không được mắng chửi trong bếp, không đem dép dính phân súc vật vào bếp,
không đem vỏ tỏi, lông xương gà vịt vào bếp v.v…
Thai Cốt Kinh là kinh nói về sự hình thành con người
trong thai mẹ, bắt chước thô thiển vụng về kinh Báo Ân nhà Phật. Xin trích một
đoạn: “Tháng thứ tư, thai tăng trưởng, tứ
chi đã định, sanh chân trước, sau sanh tay, thu hạ xuân đông, sanh hai tay, khi
sanh hai tay, rút rỉa huyết mạch của mẹ. Khi sanh hai chân, thấu đến huyệt Huyền
Quan, mạch máu nhảy mạnh, [người mẹ] đi trên đất bằng như trèo núi cao, đầu gối
đau nhức”…
Kinh Diệu Sa rất ngắn, kinh văn lộn xộn, câu cú không
hoàn chỉnh, nội dung như sau: “Diệu Sa
Quán Thế Âm ngồi thuyền qua biển cả, thuyền chở ngập sâu năm trăm (không rõ
năm trăm cái gì? Năm trăm tấc chăng?), biển
cả dậy sóng gió, thỉnh được kinh Diệu Sa. Phật, Phật, Phật, ba mươi sáu vạn ức
Phật, hai mươi chín ngàn vô số Phật, năm trăm tạng hằng hà sa số Phật, tám vạn
thông minh trí huệ Phật, niệm đức Đương Lai Di Lặc Phật, hết thảy các Phật
trong Tinh Tú thiên cung, Phật nhiều như những hạt bụi nhỏ nhặt trên mặt đất,
Phật nhiều như những hạt mưa li ti trong bảy ngày bảy đêm, Phật nhiều như số
cát đọng hai bên bờ sông, Phật nhiều như số lá trong vườn thiên hạ, cành cành
lá lá quang minh Phật, đức Phật Thế Tôn trong pháp hội Linh Sơn, ông bà cha mẹ
bảy đời Phật, hết thảy Phật trong ba đời, có ai trì niệm kinh Diệu Sa, hiềm rằng
trên cầu thấy phân minh! Bốn quyển Diệu Sa là một tạng, thiên hạ quỷ thần chẳng
dám xâm phạm, Di Đà đồng tử cầm chuông vàng, lắc liền mấy tiếng địa ngục trống
rỗng, Diêm La thiên tử được thành Phật, hết thảy chúng sanh lìa địa ngục”.
Chúng tôi không tìm được tài liệu về bản kinh Phân Châu.
[7] Phá địa ngục, phá huyết hồ là những
lễ lạc do tà sư Trung Hoa bày ra. Tăng chúng làm những mô hình địa ngục, hồ máu
bằng giấy, tăng chúng đọc kinh, vẽ bùa, đốt bùa, chạy quanh đàn tràng, hô hoán
điều động quỷ thần, dùng tích trượng đục thủng địa ngục, hồ máu, cho rằng làm
như thế sẽ cứu được vong linh ra khỏi địa ngục.
[8] Sức Chung Tân Lương là một
tác phẩm do ông Lý Viên Tịnh soạn với nội dung hướng dẫn cách thức chuẩn bị cho
thời khắc lâm chung và phương pháp trợ niệm nhằm đảm bảo người tu Tịnh nghiệp
lúc lâm chung không bị phá hoại chánh niệm. Sách này chia làm bốn phần:
1. Sức Chung Chương Trình: người
tu Tịnh Độ phải dặn dò gia đình, bạn bè cách xử trí như thế nào khi người ấy để
lâm chung, cách thức trợ niệm, an táng sao cho người chết giữ được chánh niệm.
2. Sức Chung Ngôn Luận: Tập hợp
những lời dạy về chuẩn bị lâm chung của các cổ đức.
3. Dự Tri Lợi Hại: những phân
tích về lẽ lợi hại khi lâm chung như không nên khóc lóc, sát sanh, bày vẽ phô
trương như buộc người chết ngồi xếp bằng, thay áo, tắm rửa trong khi người sắp
chết còn đang thở hắt ra.
4. Sức Chung Thật Hiệu: Những bằng
chứng vãng sanh do dự bị chu đáo cho phút lâm chung.
Nhận xét
Đăng nhận xét