II. LÀM THẾ NÀO ĐỂ KHẾ NHẬP CẢNH GIỚI CỦA PHẬT
Ý NGHĨA CHÂN THẬT CỦA 'BỔN NGUYỆN NIỆM PHẬT'
Nguyên tác: Lão Pháp sư Tịnh Không
Nguyên tác: Lão Pháp sư Tịnh Không
Các
bạn đồng học:
Chào
các bạn, còn hai mươi ngày nữa là bước sang năm 2000, năm ‘thiên hi’ đã đến,
mọi nơi trên thế giới đều tổ chức lễ lộc đón mừng, chúng ta cũng sẽ tổ chức một
buổi dạ tiệc ấm cúng và mời hết thảy chín tôn giáo ở Tân Gia Ba tham dự; không
những mời họ tham gia, chúng ta còn mời họ làm chủ nhân của buổi tiệc, chúng ta
chỉ đứng kế bên phụ giúp. Mọi người đều biết những năm gần đây tai nạn không
ngừng xảy ra trên toàn thế giới, vả lại ngày càng nghiêm trọng, ai cũng lo
lắng, không yên tâm. Người ta cho rằng tai nạn này không thể nào tránh khỏi,
nhưng cũng có người cho rằng tai nạn này có thể hóa giải, thế nên có người hỏi:
‘Chúng ta phải làm thế nào để chào đón
thế kỷ thứ 21?’
1. Phàm và Thánh cùng một
thể - duy tâm sở hiện, duy thức sở biến
Chúng
ta tổng hợp hết thảy cách giải thích nguồn gốc đời sống trong vũ trụ của các
tôn giáo và các vị thánh hiền xưa nay, trong nước và ngoài nước. Trong Phật
pháp nói đến ‘tâm tánh’, y báo và chánh
báo trang nghiêm trong mười pháp giới, đây là nói hết thảy chúng sanh trong hư
không pháp giới ‘duy tâm sở hiện, duy thức sở biến’. Lịch sử của Ấn Ðộ
giáo cổ kính so với Phật giáo còn lâu đời hơn nhiều, Bà La Môn giáo ở Ấn Ðộ ít
nhất cũng có hơn tám ngàn năm lịch sử. Họ nói nguồn gốc của vũ trụ là ‘Phạm’ là ‘Ngã’; chữ Ngã này không phải là Tiểu Ngã mà là chữ Ngã trong ‘Thường, Lạc, Ngã, Tịnh’ của Phật giáo,
đây là Chân Ngã. Phần đông các tôn giáo đều nói thế giới này là do Thượng đế
sáng tạo ra, sanh mạng cũng là do Thượng Ðế tạo nên, là do Chúa tạo nên. Cũng
có tôn giáo coi Thượng Ðế là Trí Huệ, Phật pháp Ðại thừa gọi là ‘Pháp Thân’, đều là nói từ bản thể, sự
nhận thức này là đại thánh đại hiền. Làm sao họ biết được?
Thông
qua sự tu học ‘Giới, Ðịnh, Huệ’ trong
Phật pháp, [người ta có thể] khai mở trí huệ từ trong các mức thiền định thâm
sâu, đây là Tam huệ của Bồ Tát. Từ đó nhận biết, khẳng định, hiểu rõ triệt để
chân tướng của vũ trụ nhân sinh. Phạm vi của nó bao lớn? Nhà Phật nói ‘mười
pháp giới’, ‘trăm giới ngàn như’,[1]
đúng là ‘dù lớn cũng không lọt ra ngoài, dẫu nhỏ nhặt đến mấy cũng không có
gì chẳng thuộc vào đây’. Thánh nhân thế gian, xuất thế gian chẳng ai không
hạ thủ công phu từ chỗ này. Sau đó đích thân chứng được cảnh giới ấy, khẳng
định việc mà ngày nay người ta gọi là ‘tinh thần vượt quá kinh nghiệm’
đích thực tồn tại. Ðây là những gì phía trên nói đến: ‘Tâm Tánh, Phạm Ngã,
Thượng Ðế, Pháp Thân, Thần’, đích thật là tồn tại vĩnh hằng; cái này là cái
năng hiện, năng sanh, năng biến (chủ thể tạo nên sự hiện, sự sanh, sự biến).
Thế giới của chúng ta có thể chia thành hai bộ phận, một là hiện tượng tinh
thần, hai là hiện tượng vật chất, hai thứ này là sở hiện, sở sanh, sở biến (những
thứ được hiện, được sanh, được biến). Sở hiện, sở sanh, sở biến thì vô
lượng vô biên, nhưng năng sanh, năng biến chỉ có một thứ. Từ điểm này chúng ta
có thể biết tận hư không khắp pháp giới hết thảy chúng sanh là một thể, có cùng
chung một sanh mạng.
Chúng
ta thường nghe những người lãnh đạo quốc gia nói chuyện với toàn thể dân chúng
[bắt đầu bằng]: ‘Ðồng bào toàn quốc …’.
Từ sự nhận thức của đại thánh nhân chúng ta có thể nói: ‘Ðồng bào khắp hư không pháp giới’. Phạm vi này lớn hơn nhiều và
đều cùng một nguồn gốc, là một thể có cùng chung một sanh mạng. Chúng ta phải nhận
biết điểm này, sau đó quay lại nhìn hết thảy chúng sanh thì sẽ thấy một số đã
nhận biết rõ ràng, một số còn mê hoặc điên đảo, hoàn toàn không hiểu chi hết.
Trong Phật giáo người đã nhận thức rõ ràng thì gọi là ‘Phật, Bồ Tát’; người mê hoặc và không nhận thức rõ thì gọi là ‘phàm phu’. Trong các tôn giáo khác thì
gọi người đã nhận thức rõ ràng bằng ‘Thần’,
‘Tiên Tri’, ‘Thiên sứ’; gọi kẻ không nhận thức rõ ràng là ‘phàm phu’.
2. Chuyển phàm thành thánh
- Hạ thủ công phu từ tâm niệm.
Các
vị đại thánh hiền dạy chúng ta nhận thức chân tướng sự thật bằng phương pháp
chuyển biến: ‘chuyển ác thành thiện, chuyển mê thành ngộ, chuyển phàm thành
thánh’, đây là tổng cương lãnh của những phương pháp này. Chúng ta cũng đã
học nhưng làm cách nào cũng chuyển không nổi! Ðã từng nghe câu ‘Trồng nhân
thiện thì được quả thiện’ nên cũng học theo và làm chuyện thiện; cũng đã
làm chẳng ít chuyện thiện nhưng vẫn chưa chuyển ‘nghiệp báo’ được; như vậy là
tại sao? Thiệt ra đây cũng giống như câu chuyện ‘Ông Du Tịnh Ý gặp Thần Táo (Ông
Táo, Thần Bếp)’ ghi ở phần cuối của quyển Liễu Phàm Tứ Huấn, mọi
người hãy xem thì sẽ biết.
Ông
Du Tịnh Ý nghèo khổ, thường chẳng may mắn, gặp đại nạn, vô cùng bất hạnh; ông
cũng làm việc thiện hằng ngày, cũng là người có học và hiểu lý. Tại sao ‘chuyển nghiệp’ không được? Vì vậy nên
ông cứ oán trời trách người – [tôi] đã làm nhiều chuyện tốt lành như vầy nhưng
không có quả báo lành! Thần Táo dạy: ‘Những
chuyện thiện mà ông đã làm hoàn toàn ở bề ngoài không hà, chỉ có miệng thiện,
thân thiện, nhưng ý chẳng thiện, tâm chẳng thiện, cho nên ông chuyển không
nổi!’. Những lời thần Táo giảng giải cho ông như vậy rất đáng cho chúng ta
nghiên cứu, đọc tụng, kiểm điểm bản thân chúng ta.
Các
đại đức thời xưa dạy người tu hành phải tu từ căn bản. Căn bản là gì? Căn bản là tâm niệm. Chỉ cần tâm của bạn
thiện, ý niệm thiện, thì không có nghiệp báo gì chẳng thể chuyển biến được, và
không có tai nạn gì chẳng thể hoá giải được. Cũng như một cây cổ thụ, tâm là
rễ, ý niệm là gốc; thân là cành, miệng là lá, nếu bạn tu sửa trên cành lá nhưng
gốc rễ của bạn đã hư hoại thì không thể nào cứu chữa được. Nếu cứu được gốc rễ
[trước] thì cứu cành lá sẽ rất dễ dàng! Chúng ta thấy rất nhiều người bề ngoài
có vẻ làm lành tích đức nhưng nghiệp lực vẫn chuyển không nổi nên thường oán
trời trách người, và nói Phật, Bồ Tát không linh, thần không linh, hết thảy đều
có lỗi với họ, họ hoàn toàn chẳng khác ông Du Tịnh Ý!. Thế nên ‘chuyển’ phải chuyển từ trong tâm, phải
chuyển từ ý niệm, chuyển thành ‘thuần
thiện’.
Thiền Tông Lục Tổ Huệ Năng đại sư dạy rất
hay: ‘Nếu là người tu đạo thì chẳng nhìn lỗi của thế gian’. Ðây mới đúng
là chuyển biến từ tâm, từ ý niệm. ‘Chỉ
nhìn thấy lỗi của mình, không nhìn thấy lỗi của người’ nên họ có thể ‘chuyển mê thành ngộ, chuyển phàm thành
thánh’, đạo lý là ở chỗ này. Ngày nay miệng chúng ta thiện, thân cũng thiện
nhưng thường nhìn thấy người khác chẳng thiện mà họ lại có quả báo tốt nên
trong tâm mình không phục, bất mãn! Bạn phải biết thân của bạn thiện, khẩu
thiện nhưng gốc rễ của bạn đã hư hết rồi, phải làm một cuộc thay đổi hoàn toàn
từ gốc rễ - trong tâm luôn luôn nghĩ đến chuyện tốt của mọi người, đừng nghĩ về
chuyện xấu của người khác; Người ta không có gì xấu hết, xấu là nơi gốc rễ của
chúng ta xấu. Chúng ta thấy chuyện xấu của người khác thì liền biết gốc rễ của
chúng ta đã hư hoại rồi; tại sao vậy? Phật thấy hết thảy chúng sanh đều là
Phật, Bồ Tát thấy hết thảy chúng sanh đều là Bồ Tát. Gốc
rễ của họ tốt, chẳng có bịnh tật.
3. Cảnh giới của thánh nhân (Phật) - Ðối xử hòa
mục, đối đãi bình đẳng
Chúng
ta tổng kết mục đích của sự tu học [thì thấy mục đích này] vô cùng hiện thực,
chỉ có hai chữ ‘hoà bình’. Hết thảy
chúng sanh trong hư không pháp giới chẳng phân biệt chủng tộc quốc gia, chẳng
phân biệt tôn giáo tín ngưỡng, mười phương vô lượng vô biên cõi nước chư Phật,
thế giới của chư thiên đều có thể ‘đối xử
hòa mục, đối đãi bình đẳng’. Chúng ta thấy trong kinh Ðại Phương Quảng Hoa
Nghiêm đích thực là văn hóa đa nguyên mà người ngày nay thường đề cập, chúng ta
không thể tưởng tượng nổi số lượng to lớn này – trong cảnh giới không thể nghĩ
bàn ấy mọi người đều đối xử hòa mục, đối đãi bình đẳng, tôn trọng, kính mến,
hợp tác và hỗ trợ lẫn nhau, chỉ có kiến thiết mà không có phá hoại.
Chúng
ta thấy Hoa Tạng thế giới, Cực Lạc thế giới, thế giới của chư thiên, đời sống
của họ hạnh phúc mỹ mãn, thiệt là đời sống đầy đủ ‘chân thiện mỹ huệ’! Chúng ta ngưỡng mộ, mong mỏi hết mấy ngàn năm,
mấy vạn năm nhưng vẫn không thể thực hiện nổi trên trái đất này; nguyên nhân là
gì? Vì chúng ta chẳng ‘hòa’ - chẳng
thể đối xử hòa đồng, không thể đối đãi một cách bình đẳng với tất cả chúng
sanh. Ngày nay chúng ta đề xướng giáo dục Phật Ðà, đề xướng giáo dục tôn giáo,
mục đích của chúng ta là mong mỏi và hy vọng hết thảy chúng sanh, hết thảy thế
gian đều có thể ‘đối xử hòa mục, đối đãi
bình đẳng’. Muốn đạt đến mục đích này thì phải đánh thức chánh giác của
chúng sanh. Muốn đánh thức chánh giác của chúng sanh thì ngoài giáo dục ra
chẳng có phương pháp nào khác.
4. Giáo dục tôn giáo, cứu vãn thế giới:
Cổ
thánh tiên hiền ngày xưa ở Trung Quốc coi trọng giáo dục, coi giáo dục là việc
quan trọng nhất của đời người. Sách ‘Lễ
Ký’ nói: ‘Xây dựng đất nước, cai trị dân chúng, việc giáo dục đứng hàng
đầu’. Sau khi truyền đến Trung Quốc, Phật pháp liền trở thành động cơ chính
hướng dẫn nền văn hóa Trung Quốc, cả hai trở nên gắn bó, không thể tách rời lẫn
nhau. Nền giáo dục Phật Ðà được nhà vua đích thân chủ trì, giáo học của Nho gia
thì giao cho quan tể tướng chấp hành; giáo dục thánh hiền trong thế gian, xuất
thế gian cùng lúc phát triển trên mảnh đất này, đây là điều may mắn của dân tộc
Trung Quốc, có thể sáng tạo nên nền văn minh Trung Quốc, làm cho văn hóa Trung
Quốc càng thêm phong phú.
Nhưng
trong thời gian cận đại, kể từ khoảng giữa đời nhà Thanh trở về sau, thiệt là
bất hạnh, chúng ta đã mất đi lòng tự tin dân tộc nên phải chịu đựng đại nạn
trong vòng hai trăm năm nay! Chúng ta có nhiều kinh nghiệm đau khổ, từ những
bài học kinh nghiệm này đã thức tỉnh và nhìn thấy văn minh khoa học kỹ thuật
[có thể] đem lại ảnh hưởng xấu cho người đời, suy đi nghĩ lại vẫn phải nương
nhờ vào giáo dục tôn giáo mới có thể cứu vãn thế giới. Chỉ có đẩy mạnh giáo dục
tôn giáo rộng rãi mới có thể dạy cho mọi người hiểu rõ: ‘Chúng ta có cùng chung một sanh mạng, là một thể có cùng chung một
sanh mạng’, hơn nữa sanh mạng này vĩnh hằng, (hễ là tín đồ tôn giáo đều khẳng định) có đời quá khứ, và đời tương
lai. Thời gian trong đời này rất ngắn, đời tương lai sẽ dài hơn, nhất định phải
dứt làm việc ác, chuyên làm việc thiện, chuyển mê thành ngộ! Chúng ta phải theo
đuổi hạnh phúc vĩnh hằng, phải hối lỗi, phải sám hối, bồi dưỡng tâm niệm thiện,
ý niệm thiện, hành vi thiện của mình. Nếu chúng ta làm hết lòng thì dù không
thể hoàn toàn tránh khỏi thiên tai nhân họa trước mắt, chúng ta khẳng định tai
nạn có thể giảm bớt và trì hoãn, phạm vi của tai nạn có thể giảm nhẹ, có thể
đem lại hạnh phúc chân thật cho chúng sanh cư trú trên địa cầu của mình, hy
vọng là mọi người sẽ hết lòng nỗ lực đi làm.
Ngày 21-12-1999 tại Báo Ân Ðường, Tịnh Tông Học
Hội Tân Gia Ba
[1] Trăm giới ngàn như (Bách
giới thiên như): Theo tông Thiên Thai có mười giới: từ ngạ quỉ, súc sanh,
địa ngục.. cho đến chư Phật. Trong mỗi giới lại có đủ mười giới (mỗi giới có đủ mầm mống mười pháp giới ở
trong), nên 10 x 10 = 100 giới. Trong mỗi giới lại có mười môn như thị (mười thứ đúng như thế). Diệu lý của
thật tướng từ xưa đến nay vẫn ‘như như’, chẳng hề biến đổi nên gọi là Như; y
vào Thực Tướng và phải hiện ra Thế Ðế nên gọi là Thị. Hai chữ Như Thị là trạng
thái của Thực tướng, nó phải như như thế thế. Mười cái Như thị là như thị
tướng, như thị thể, như thị tánh, như thị lực, như thị tác, như thị nhân, như
thị duyên, như thị quả, như thị bản mạt cứu kính (cái gì cũng có gốc, ngọn, từ gốc đến ngọn đều bình đẳng rốt ráo), (xem
kinh Pháp Hoa) Mỗi một pháp giới có mười cái Như Thị, một trăm pháp giới
thành ra một ngàn cái Như Thị. Tông Thiên Thai dùng chữ “bách giới thiên như” để chỉ tất cả các pháp.
Nhận xét
Đăng nhận xét