PHẦN TĂNG BỔ

ẤN QUANG ĐẠI SƯ GIA NGÔN LỤC
Bửu Quang Tự Đệ Tử Như Hòa dịch


1. Thư gởi Sài Dã Ngu
(Lá thư này vốn không có trong Văn Sao, nhân vì người đời thường đối với những nghĩa như mê, ngộ, chúng sanh, Phật, cuồng, thánh v.v... khởi nghi, nên kèm thêm thư này để giải trừ những mối nghi ấy)
Ai cũng có thể trở thành Nghiêu, Thuấn, ai cũng có thể thành Phật. Chỉ là “thánh mất niệm thành cuồng, cuồng khắc chế được ý niệm sẽ thành thánh. Hễ mê thì Phật là chúng sanh, hễ ngộ thì chúng sanh là Phật”. Xét lẽ ấy, mấu chốt ở nơi ta. Vì thế, cố nhiên hãy nên trên là ngưỡng mộ chư thánh, dưới phải trọng tánh linh của chính mình, dè dặt, kiêng sợ, phẫn chí tu trì, sốt sắng vâng giữ luân thường, nghiêm túc trọn hết bổn phận, đừng làm các điều ác, vâng làm các điều thiện, sáng dậy tối ngủ chẳng khiến người sanh ra ta phải hổ thẹn. Người làm được như thế chính là làm thánh, làm hiền, chẳng đến nỗi nhơ nhớp trời đất. Lại còn sanh lòng tin, phát nguyện, trì danh hiệu Phật, cầu sanh Tây Phương để mong tự chứng được Phật tánh sẵn có, viên thành Vô Thượng Bồ Đề mới thôi.
Đại trượng phu sanh trong thế gian nếu chẳng biết đại thể, chỉ biết đắm đuối ăn uống, nam nữ, tham cầu sắc thanh, của cải, lợi lộc thì có khác gì dị loại, nỡ để tư cách “có thể trở thành Nghiêu, Thuấn, có thể thành Phật” biến thành căn cứ để luân hồi trong lục đạo bao kiếp dài lâu, chịu đủ mọi nỗi khổ cùng cực, chẳng đáng buồn ư? Ông đã phát tâm quy y Tam Bảo, hãy nên lấy “niệm niệm đối trị phiền não làm gốc, dứt lòng tà, giữ lòng thành, đánh đổ lòng ham muốn xằng bậy của chính mình, giữ lễ, sửa ác tu thiện, trọn hết bổn phận, giữ vẹn luân thường, chuyên tu Tịnh nghiệp” để tự hành, dạy người, ngõ hầu trong là cha mẹ, anh em, vợ con, quyến thuộc, ngoài là thân thích, bạn bè, láng giềng, làng nước cùng được gội ân giáo hóa của Phật, cùng trở thành thiện nhân, thì mới chẳng uổng phí cái đời này, chẳng uổng duyên gặp gỡ này.
Sách Trung Dung nói: “Nhân giai viết dư trí, khu nhi nạp chư cổ, hoạch hãm tịnh chi trung, nhi mạc chi tri tỵ dã” (Con người ai cũng tự cho là mình thông minh, nhưng nếu thân bị hãm vào lưới rập, sụp hầm bẫy, chẳng biết tránh né ra sao)[1]. Vì chỉ biết hướng ngoại rong ruổi tìm cầu, chẳng biết hồi quang phản chiếu, nên mới mắc hại như thế. Nếu có thể phản chiếu tự tâm, ngầm vận dụng trí ngõ hầu tự chiếu, ắt sẽ có thể học thánh, học hiền, học Phật, học Tổ, ắt lúc sống đã dự vào cảnh giới thánh nhân, khi mất sẽ về cõi nước Cực Lạc. Đấy là đại ý của cái tên Quang đặt cho ông vậy.
Thêm nữa, “chỉ vì thánh mất niệm thành cuồng, cuồng chế ngự được niệm sẽ thành thánh, mê thì Phật thành chúng sanh, ngộ thì chúng sanh chính là Phật”. Nếu chẳng khéo hiểu bốn câu này, rất có thể sẽ đến nỗi sanh nghi, luận bàn lầm lạc. Nay tôi sẽ giải thích sơ lược. Thứ nhất, nói Thánh hay Phật đều là ước theo bản thể của tự tâm để nói, chứ chẳng phải đã thành Phật hay thành thánh. Tiếp đó, “mất niệm”, “chế ngự được niệm”, “mê, ngộ” chính là luận theo sự tu trì và rèn luyện là thuận hay nghịch. Cuối cùng, nói “thành cuồng”, “thành thánh”, “thành chúng sanh”, “chính là Phật” là nói đến hiệu quả ước theo sự tu trì thuận hay nghịch.
Nếu chẳng hiểu “thành Phật, thành thánh” trong phần đầu là nói về bản thể, ắt sẽ lầm tưởng đã thành Phật, thành thánh lại còn trở thành cuồng, thành chúng sanh thì tai hại rất lớn. Bởi thế, tôi chẳng thể không giảng sơ lược cho ông hiểu. Những điều khác, xin đọc kỹ Văn Sao ắt sẽ tự biết.
2. Thư phúc đáp Du Huệ Úc và Trần Huệ Sưởng (đính kèm thư gởi tới)
Đệ tử nghiệp chướng sâu nặng, bẩm tánh ngu độn, tối tăm, may được nghe pháp môn Tịnh Độ, được quy y dưới tòa, chỉ khăng khăng tuân lời thầy răn thật thà niệm Phật để mong sớm liễu sanh tử, chẳng phụ lòng thầy đau đáu. Phàm đã là Phật tử, phải nên phát tâm tự độ, độ người. Nay lũ đệ tử chúng con chưa thể tự độ, sao lại nói chuyện độ người cho được? Nhưng gặp thân hữu liền dùng phương tiện khuyên họ tin tưởng cũng là chuyện thuộc bổn phận, tuy vậy, thường có hai loại người kiến giải lẫn lời lẽ đều là tự lầm, lầm người, thật chẳng ít ỏi! Một là loại nói: “Phật không có dục. Những thứ vàng, báu như kinh A Di Đà đã nói vẫn giống như dục, chẳng giống như kinh Kim Cang [dạy] ‘hết thảy đều không’ cao siêu, huyền diệu hơn!’ Do vậy, họ miệt thị pháp môn Tịnh Độ, chẳng sanh lòng tin. Đấy là vì họ chẳng biết ý nghĩa của hai kinh Di Đà và Kim Cang, chỉ thuận theo ý mình nói bừa. Một loại nói: “Phật đã dạy người thấy thấu suốt hết thảy, sao chính mình lại ngược ngạo nẩy sanh thứ tham dục này?” (Chỉ những thứ vàng, báu được nói trong kinh A Di Đà). Chúng ta sao lại khổ sở bỏ đi những gì có thật trước mắt để mong cầu những thứ mờ mịt nơi thân sau?” Đây chính là kẻ tà kiến, chấp trước, mặc tình báng Phật, báng Pháp. Hai hạng này tuy phẩm vị có cao, thấp nhưng tà kiến đều giống hệt như nhau, đều là tự lầm, lầm người giống hệt như nhau. Bọn đệ tử chúng con tận lực bảo họ những cảnh giới Tây Phương đều do công đức của A Di Đà Phật hóa hiện Thật Tướng trang nghiêm, là quả báo phước đức tự tại hưởng dụng, khác hẳn những thứ do nghiệp lực tạo thành trong đời ác Ngũ Trược. Huống chi, tất cả mọi thứ trong Sa Bà đều khổ, không, vô thường; vì thế phải nên vứt bỏ để cầu lấy Thật Tế. Nhưng lời lẽ của kẻ ngu muội [như chúng con] dẫu chẳng trái chánh lý, trọn chẳng thể khơi gợi chánh tín [cho họ được]. Kính nghĩ tất cả ngôn luận của thầy như mặt trời rạng rỡ giữa hư không, không tối tăm nào chẳng  chiếu  tỏ, dám  xin  thầy  giảng giải mấy lời để phá thứ tà kiến ấy.
Hai thứ tà kiến được nói trong thư gởi đến chính là “đem tri kiến phàm phu để dò lường cảnh giới của Như Lai”. Khổng Tử gọi đó là “hiếu hành tiểu huệ”[2], Mạnh Tử thì gọi là “tự bạo, tự khí”[3]. Hạng người này vốn chẳng có giá trị, tư cách để cùng bàn luận. Nhưng đức Phật lòng Từ rộng lớn, chẳng bỏ một ai, chẳng ngại lập ra một phương tiện để họ tỉnh mê, tan mộng. Do đức Phật trọn chẳng có tham dục, nên mới cảm được cảnh giới thù thắng các thứ trang nghiêm quý báu, mọi thứ đều hóa hiện chẳng cần đến sức người lo toan, tạo dựng; cảnh giới phàm phu trong thế giới Sa Bà há có thể so sánh được ư? Ví như người từ thiện, có đức, tâm địa, hành vi đều chánh đại quang minh, thì tướng mạo cũng hiện vẻ từ thiện rạng rỡ. Cố nhiên người ấy chẳng cầu tướng mạo dung nhan đẹp đẽ mà tự nhiên được tươi đẹp. Kẻ tạo nghiệp tâm địa rối ren, ô uế, hung ác, vẻ mặt cũng tối tăm, hung ác theo. Cố nhiên kẻ ấy muốn sắc mặt tươi đẹp để người khác tưởng mình là bậc thiện nhân chánh đại quang minh, nhưng do tâm địa chẳng lành, dẫu cầu [được như thế] cũng trọn chẳng thể được. Đấy là ước theo cái nhìn của con mắt phàm phu mà nói; chứ quỷ thần sẽ thấy người lành thân có quang minh, quang minh lớn hay nhỏ tùy thuộc vào người ấy đức lớn hay nhỏ; thấy kẻ ác thân có những tướng tối tăm, hung ác v.v… Tướng ấy lớn hay nhỏ cũng tùy theo sự ác lớn hay nhỏ mà hiện.
Những kẻ [tà kiến] kia cho rằng “kinh Kim Cang là không”, chẳng biết kinh Kim Cang giảng rõ về Lý Tánh, nhưng chưa nói đến quả báo đạt được do chứng Lý Tánh. Sự trang nghiêm nơi Thật Báo Vô Chướng Ngại Độ chính là quả báo rốt ráo đạt được bởi kinh Kim Cang. Phàm phu nghe như vậy, cố nhiên sẽ ngờ vực cho là “chẳng hề có chuyện ấy!”.
Kinh Kim Cang dạy thiện nam nữ phát tâm Bồ Đề, tâm chẳng trụ vào tướng, nhưng muốn độ trọn hết chúng sanh. Dẫu độ, cũng chẳng thấy “ta là người độ, chúng sanh là kẻ được độ”, cũng như pháp Niết Bàn rốt ráo để đạt. Đấy gọi là “vô sở trụ nhi sanh kỳ tâm” (chẳng trụ vào đâu mà sanh tâm), do đã đạt đến “vô sở đắc” (không có gì để đạt được), nên bèn thành Phật. Họ lại bảo đức Phật đã thành, quốc độ Ngài trụ trong kinh Kim Cang cũng giống hệt như cảnh giới trong đời ác Ngũ Trược này ư? Họ tưởng là rỗng tuếch tuềnh toang, trọn chẳng có gì cả ư?
Cõi Phật thanh tịnh, con người vừa nghe đến tên [cõi Phật ấy], thân tâm liền thanh tịnh, họ lại cho là tham dục! Đúng là loài giòi tửa hằng ngày nằm trong hầm xí, tự xưng là thơm tho, thanh khiết, coi hương Chiên Đàn là hôi thối, chẳng muốn lìa khỏi hầm xí ấy để ngửi mùi thơm kia! Đạo Chích[4] tụ tập đồ đảng mấy ngàn tên hoành hành trộm cắp trong thiên hạ, ngược ngạo tự xưng là “hữu đạo”, cực lực chê trách “vua Nghiêu bất nhân, vua Thuấn bất hiếu, vua Vũ dâm dật, Thành Thang, Vũ Vương bạo loạn, Khổng Tử hư ngụy”, chê họ là vô đạo! Thật giống với tri kiến của hai hạng người ấy! Lại như trong thời gần đây, những kẻ phế kinh, phế hiếu, phế luân thường, lõa thể rong chơi, cho đó là bẩm thụ phẩm đức tự nhiên của trời đất, chẳng cần phải tạo tác. Thế nhưng mùa Hạ tranh nhau lõa lồ, sao mùa Đông chẳng trần trụi? Bảo là bẩm thụ tự nhiên, chẳng cần phải tạo tác, [vậy thì] đào giếng, cày ruộng, dệt cửi mới có cơm ăn, áo mặc, chẳng phải là tạo tác đó sao? Kẻ ác ngăn trở phá hoại người khác làm lành thường là như thế. Chúng bảo rằng: “Thiện phải do vô tâm mà làm, hễ có tâm làm thì chẳng phải là thiện thật sự!” Nhưng bậc thánh hiền thuở xưa, không vị nào chẳng sáng chiều miệt mài gắng sức, răn dè, cẩn thận, kiêng sợ như vào vực sâu, như bước trên băng mỏng, là có tâm hay chăng? Hay là vô tâm vậy?
Nói chung, những hạng người ấy ý họ muốn “chẳng phải tu trì gì mới là cao thượng”, nên mới lập ra thứ lý luận mù quáng hèn kém nhất ấy để tự khoe mẽ mình hiểu rõ lý, mong được người khác tưởng mình là cao minh, là đại thông gia, là chân danh sĩ! Họ chẳng biết toàn thân nằm trong hầm xí, trừ những kẻ có cùng tri kiến với chúng, ai chịu chấp nhận [những luận điệu càn quấy ấy]?
3. Thư phúc đáp cư sĩ Ngu Tăng
Chuyện phóng sanh vốn là để cảm phát cái tâm kiêng giết, bảo vệ sanh mạng của đồng nhân, thực hành ý niệm bất nhẫn trắc ẩn của chính mình mà thôi. Người đời đông đúc, tâm hạnh mỗi người mỗi khác. Tuy chẳng thể cảm động toàn bộ mọi người, dẫu chỉ cảm động được một người thì suốt một đời kẻ ấy đã bớt giết bao nhiêu sanh mạng, huống chi chẳng phải chỉ có một người [bị cảm động mà thôi]!
Nếu nói “cá nhỏ bị cá lớn ăn, dẫu có thả trong sông to cũng khó khỏi sa lưới rập” thì kiểu suy tính này tợ hồ có lý, nhưng thật ra đã ngăn trở thiện niệm của người khác, giúp người ta tạo sát nghiệp. Kẻ ấy may mắn được làm người, bản thân có lẽ chẳng đến nỗi bị giết chóc, nên mới nêu ra lý lẽ vô lý đó để tỏ ra mình có trí hòng khuất phục kẻ phóng sanh. Nếu kẻ ấy là cá và là các sanh mạng lúc sắp bị giết, chắc chắn sẽ chẳng chịu khởi lên thứ ý tưởng ấy, chỉ mong có người cứu mạng cho mình, chẳng hề có ý tưởng “dù có được loài khác cứu, vẫn sợ sau này lại bị loài vật khác ăn thịt, hay bị người khác bắt được”, chỉ nguyện cam tâm bị giết để sau này khỏi gặp tai ương nữa! Nếu trong lúc ấy mà khởi lên được ý niệm ấy thì vẫn chưa đủ để tranh cãi! Huống chi muôn vàn phần là trong lúc ấy chẳng thể nào khởi lên được ý niệm ấy! Trong lúc không bị dính dáng đau đớn, lại thốt ra lời ấy ngăn trở thiện niệm của người ta, dấy động cơ duyên giết chóc của người ta! Nếu kẻ ấy trong đời sau chẳng tự thọ lấy quả báo ấy thì mặt trời, mặt trăng sẽ [từ phương Tây] xoay sang phương Đông, trời đất sẽ đổi ngôi vậy! Há có nên thốt lời xằng bậy ư?
Cá lớn nuốt cá nhỏ cố nhiên có chuyện ấy, đã thả ra rồi bị bắt lại cũng chẳng thể không có chuyện ấy. Nếu nói cá nhỏ bị cá lớn ăn sạch không còn sót gì thì chẳng hề có sự lý ấy! Những con vật được thả đều bị người ta bắt lại hết cũng chẳng hề có sự lý ấy! Sao lại lo lắng quá đáng như thế? Ví như cứu giúp dân chúng bị nạn thì cho [người ta] một manh áo hoặc một bữa ăn, họ cũng chẳng đến nỗi phải bị chết ngay. Trong lúc ấy bèn nói: “Một manh áo, một bữa cơm này sao có thể no ấm suốt đời được? Cho họ có ích lợi chi đâu, chẳng thà để họ chết rét, chết đói thì sẽ chẳng bị chết đói, chết rét lâu dài ư?” Lại như cường đạo cướp bóc người ta, [nếu được] kẻ có sức mạnh chống cự, kẻ ấy (tức nạn nhân) sẽ nói: “Nếu ông có thể chống cự suốt cả đời thì tốt lắm, chứ chỉ chống cự được một chốc, có ích gì đâu? Đâm ra chẳng bằng cứ mặc kệ cho nó cướp sạch hết đi, sau này sẽ chẳng lại bị cướp đoạt nữa thì tốt hơn!” hay sao? Cha mẹ thường nuôi nấng vỗ về con cái, nhưng mẹ hiền chẳng thể nuôi nấng, vỗ về thân đời sau của đứa con, nó sẽ nói: “Chẳng thể nuôi nấng, vỗ về, chẳng thà giết đi thì hơn!” hay sao?
Quân tử tu đức, chẳng vì điều thiện nhỏ mà không làm, chẳng vì điều ác nhỏ mà làm. Những kẻ cứ mong muôn điều chẳng sót một điều nào rồi mới chịu thực hành phóng sanh, sẽ làm cho người trong cả cõi đời dẫu sống hết tuổi thọ đều chẳng thực hiện chuyện kiêng giết, phóng sanh, trong tương lai ắt họ sẽ lâm vào cảnh “muôn người không một ai có thể cứu cho mình khỏi chết được!” Buồn thay, đau đớn thay, khôn ngăn dài dòng bày tỏ!
Ngày hôm qua nhận được thư cho biết trong số những vị hương thân nơi chỗ ông có Phan Trọng Thanh ở Trương Gia Khẩu gởi thư đến muốn được quy y. Người này tánh chất chân thành, chất phác, về mặt học vấn cũng có nghiên cứu. Ông ta đã phát tâm, Quang chỉ nên tùy duyên. Nay đặt pháp danh cho ông ta là Huệ Thuần, do hết thảy chúng sanh đều sẵn đủ Phật Tánh, tức là đều sẵn đủ Phật Huệ; nhưng do tham, sân, si v.v… xen tạp vào trong, nên Phật Huệ bèn trở thành tri kiến của chúng sanh. Nay đã biết Phật Huệ vốn sẵn có, bèn chú tâm kiểm điểm nơi khởi tâm động niệm, xử sự, chẳng để cho tri kiến tham, sân, si v.v… phát sanh. Lại hãy nên dùng lòng tín nguyện sâu để trì danh hiệu Phật, kiêng giết, bảo vệ sanh mạng, yêu tiếc sanh mạng loài vật, đừng làm các điều ác, vâng làm các điều lành, tự hành, dạy người cùng tu Tịnh nghiệp thì Huệ ấy sẽ dần dần thuần. Nếu giữ được điều này chẳng để mất, thì vãng sanh Tây Phương sẽ vừa thuần, vừa dễ. Đến khi Phiền Hoặc hết sạch, phước trí viên mãn, thì Huệ sẽ thuần đến tột bậc, viên thành Phật đạo. Người đời thường lầm lạc bảo mình có trí huệ, chẳng biết trí huệ là vàng còn trong quặng, hoàn toàn chưa sử dụng được, cần phải luyện ròng khiến cho những chất xỉ quặng (những tạp chất) hoàn toàn tiêu hết thì mới được lợi ích. Đại ý là như vậy, mong hãy chuyển [những ý nghĩa này] đến cho [ông ta]. Người học Phật chú trọng vào việc tận tụy thực hành. Con người hiện thời phần nhiều mong sao miệng lưỡi nhạy bén, [tức là] kể tên những món ăn thật hay, thật đẹp, nhưng vô ích cho cái bụng rỗng tuếch, đáng buồn thay!
5. Thư trả lời cư sĩ Vương Tâm Thiền
Mẹ ông đã có thể niệm Phật thì hãy nên bảo các cô con dâu cùng bầu bạn niệm Phật với mẹ. Lại nên khuyên cụ ăn chay trường để trợ thành đạo nghiệp cho mẹ, đó là hiếu. Nếu chỉ nghĩ “đừng niệm Phật, sợ nhọc nhằn tâm lực; đừng ăn chay, sợ rằng chẳng hợp phép dinh dưỡng” là hiếu thì lòng hiếu ấy giống như La Sát nữ yêu thương con người vậy. Lòng hiếu ấy phá hoại đạo nghiệp của mẹ, khiến cho cụ vốn có thể liễu sanh thoát tử lại đâm ra ở mãi trong sanh tử. Lòng hiếu ấy chính là lòng hiếu “đã xô xuống giếng, lại còn quăng đá”, khiến cho mẹ ông chẳng được siêu sanh, đọa lạc suốt kiếp. Hiếu thì có hiếu đấy, nhưng chẳng biết [hiếu như vậy] hóa ra là ngỗ nghịch! Ông đã làm công chức, về mặt hình tích chẳng cần phải thể hiện vẻ tu trì, nhưng trong tâm địa há chẳng thể thường ức niệm ư? Giống như ông nhớ mẹ, ai cấm ông trong tâm thường nhớ nghĩ mẹ? Ông nêu ra những sự trở ngại ấy, hoàn toàn là luận trên hình tích, chứ không phải luận trên tâm địa!
Hiện nay thời cuộc nguy ngập như thế, nếu vẫn chẳng chịu thầm niệm Phật trong tâm, chuyện tương lai rốt cuộc chẳng biết giải quyết ra sao? Ông đọc Văn Sao, Gia Ngôn Lục, những gì nói trong ấy chẳng đủ để giải quyết mối nghi [của ông], cứ cần phải có một lá thư vài trăm chữ mới thỏa lòng mong ngóng, đều là do thường ngày chẳng chịu thể hội, quán sát mà ra. Hãy nên dùng lòng chân hiếu để khuyên lơn các nàng dâu, và thường xuyên tự hành mật niệm (niệm thầm) thì lợi ích lớn lắm!

Ấn Quang Đại Sư Gia Ngôn Lục hết
(dịch xong ngày 27 tháng 03 năm 2004)
(Tu chỉnh lần thứ nhất ngày 10 tháng 07 năm 2013)

THAY LỜI BẠT
Chúng tôi không nhớ đã được đọc những trước tác của tổ Ấn Quang từ thuở nào, nhưng chắc chắn là vào khoảng năm học lớp Mười hay lớp Mười Một, ngẫu nhiên tìm thấy tác phẩm Lá Thư Tịnh Độ của hòa thượng Thiền Tâm đã ố vàng được ẩn giấu trong trang thờ tại nhà một người bạn, mạt nhân đã đọc say sưa và hết sức khâm phục tài diễn dịch trác tuyệt của Hòa Thượng. Thuở đó, kinh sách hiếm hoi, không thể mượn lâu, xem kỹ vì chủ nhân sợ bị mất. Chỉ có thể đọc kiểu ngốn ngấu như tằm ăn dâu, nhưng vẫn cảm nhận những lời dạy của Tổ không thể nào chẳng trân quý. Do vậy, vẫn hằng ước ao sẽ có dịp được đọc toàn bộ tác phẩm ấy. Sau này khi quen biết Vạn Từ, trong các cuộc điện đàm, anh vẫn thường ước ao sẽ có người chuyển ngữ đầy đủ toàn bộ tác phẩm của tổ Ấn Quang sang tiếng Việt, vì ngoài hòa thượng Trí Tịnh và Thiền Tâm trích dịch một vài phần, chẳng có ai quan tâm dịch Văn Sao. Rồi như một duyên phận, ngẫu nhiên quen biết đạo hữu Minh Lập qua trung gian của Tuệ Cường, anh gởi tặng một số sách tiếng Hán trong đó có cuốn Ấn Quang Đại Sư Gia Ngôn Lục này. Cuốn sách mỏng, in bằng giấy xấu của Phật Quang Viện tại Bản Kiều, Đài Loan, chữ nhỏ tí, lại in mờ, giấy đã vàng úa, đọc rất nhức mắt, nhưng vẫn ráng đọc, yêu thích vô cùng, nhưng vẫn ngần ngại không dám chuyển ngữ vì tự biết kiến thức của mình quá tệ. Dưới sự ân cần, khuyên nhủ, khích lệ nhiều lượt của Vạn Từ, Minh Lập và Tuệ Cường, mạt nhân đánh bạo dịch ra, cũng chỉ nhằm chia sẻ với bạn bè cũng như thỏa mãn ý muốn tham lam, ngạo nghễ của chính mình. Sau này, dưới sự khuyến khích và giúp đỡ của Minh Lập, chúng tôi đánh bạo đăng tải trên trang nhà Di Đà Nguyện Hải với mong ước chia sẻ pháp nhũ cùng những người căn tánh kém hèn như chính mình. Thuở đó, do mới tập tành, đua đòi chuyển ngữ, thiếu tài liệu tra cứu, trình độ kém cỏi, lại không có font chữ Hán thuận tiện như hiện thời, khó thể tra cứu qua thư viện trên mạng để hiểu đích xác những câu kinh điển Nho gia được Tổ trích dẫn, cũng như một số thành ngữ trong cổ văn, nay nhìn lại bản chuyển ngữ đầu tiên của chính mình, hổ thẹn khôn ngằn! Lúc đó, si dại không hay không biết, thấy có đạo hữu đọc thành sách nói, và chùa Đức Viên in thành sách, mạt nhân cứ tưởng bài dịch này đã khá ổn thỏa; nhưng nay đọc lại, vô cùng hổ thẹn khi thấy câu chữ vụng về, quê kệch, lủng củng, tối nghĩa, sử dụng quá nhiều tiếng Hán trong khi có thể “diễn Nôm” cho dễ hiểu hơn, cách chấm câu luộm thuộm, thật đúng là gai mắt người đọc, phạm lỗi to lớn đối với Tổ, tội lỗi khôn cùng! Tuy thế, mạt nhân vẫn không có ý định tu chỉnh bản dịch này vì nghĩ đã có Văn Sao Tăng Quảng, Tục Biên, Tam Biên, Gia Ngôn Lục Tục Biên, Gia Ngôn Lục Tinh Hoa ấn hành, chẳng cần phải tái bản Gia Ngôn Lục nữa.
Mùa Thu năm nay, trong khi chuyện vãn, đạo huynh Hồng Sơn thắc mắc tại sao không dịch Gia Ngôn Lục cho trọn bộ. Khi biết đã dịch, anh nằng nặc đòi xem và ngỏ ý muốn tái bản. Anh khuyên nhủ: Không phải ai cũng có duyên đọc toàn bộ Văn Sao, và do tác phẩm khá to, người đọc sẽ nản chí không xem đến. Gia Ngôn Lục phân lượng vừa phải, lại bao gồm toàn bộ những nét chánh yếu trong lời dạy của Tổ, dễ khơi gợi hứng thú, và thuận tiện cho hành nhân có thể đọc đi đọc lại. Do vậy, mạt nhân gắng gượng gọt giũa, sửa đổi bản cảo sau khi đối chiếu với bộ sách Ấn Quang Văn Sao do đạo huynh Minh Tiến ban tặng để đính chính những chỗ in sai trong bản in của Bản Kiều Phật Quang Viện, đồng thời tăng bổ chú thích, diễn Nôm những chữ Hán, tra cứu những câu kinh điển trong Nho gia qua nhiều nguồn để dịch sao cho tương đối dễ hiểu hơn. Dẫu cố gắng hết sức, nhưng tài vụng vẫn hoàn tài vụng. Chỉ sợ bài tu chỉnh này càng khiến các liên hữu đọc tới phải thở dài sườn sượt!
Mới đó mà đã chín năm trôi qua kể từ ngày hoàn thành bản cảo đầu tiên, dẫu đã đọc toàn bộ tác phẩm của Tổ, nhìn lại, mạt nhân chưa hề làm được một điều nhỏ nhặt nào trong lời châu ý ngọc của Tổ, vẫn chỉ là “kể chuyện ăn, đếm của báu”, miệng ra rả khuyên người khác tu hành, trong khi chính mình buông lung, phí uổng quang âm hữu hạn, vẫn để tập khí tham, sân, si, mạn chi phối, thị phi nhân ngã tơi bời, chẳng hề dành ra mảy may công sức tu tập! Với tâm ý thô phù, nhơ nhớp ấy, dễ gì thấu hiểu lời Tổ để chuyển dịch hòng phảng phất chân diện mục lời dạy của Tổ, chỉ đành gắng gượng tắc trách cho xong lời hứa với các đạo huynh. Nếu như có chút công đức nào đều xin hồi hướng về hiện tiền và lịch đại phụ mẫu, tổ tông, sư trưởng, quyến thuộc, oán thân trái chủ cùng hữu duyên chúng sanh khắp mười phương hư không pháp giới cùng sanh về Cực Lạc. Chân thành cảm tạ công đức đến các đạo hữu Minh Lập, Vạn Từ, Minh Tiến, Tuệ Cường đã cung cấp tài liệu, khuyến tấn. Chân thành cảm tạ đạo huynh Đức Phong đã sửa chữa góp ý. Chân thành cảm tạ đạo huynh Hồng Sơn đã khuyến tấn tái bản và đạo hữu Trần Hiền đã đứng mũi chịu sào cho việc tái bản lần này. Ngưỡng mong nếu việc làm cẩu thả này có chút công đức hay phước đức nào, xin đều hồi hướng cho các đạo hữu thân tâm an lạc, phước huệ tăng trưởng, tinh tấn tu trì, cùng nhau hội ngộ chốn An Lạc.
Mùa Thu năm 2013, si ám phàm phu Như Hòa kính bạch.


[1] Chúng tôi dịch câu này theo cách diễn giải của Tứ Thư Bạch Thoại Giải Thích. Theo sách ấy, chữ Chư () ở đây chính là cách viết giả tá của chữ Ư ().
[2] Đây là một câu nói trong thiên Vệ Linh Công của sách Luận Ngữ: “Quần cư chung nhật, ngôn bất cập nghĩa, hiếu hành tiểu huệ, nan hỹ tai”. Trong Luận Ngữ Giảng Yếu, cụ Lý Bỉnh Nam giảng: ‘Tiểu Huệ là tài trí vụn vặt’. “Nan hỹ tai”(khó vậy thay) là rốt cuộc chẳng có thành tựu gì. Câu này có nghĩa là suốt ngày cùng ở một chỗ với nhau, chẳng nói được lời nào hợp nghĩa lý hay hữu ích. Chỉ thích phô phang sự thông minh vụn vặt, hạng người ấy khó thể có thành tựu được!”
[3] Từ ngữ này xuất phát từ thiên Ly Lâu thượng sách Mạnh Tử: “Tự bạo giả, bất khả dữ hữu ngôn dã; tự khí giả, bất khả dữ hữu vi dã” (Kẻ tự phụ rẫy mình thì chẳng thể nói năng gì với hắn được. Kẻ tự vứt bỏ, thì chẳng thể làm gì với hắn được). “Tự bạo, tự khí” thường được dùng như một thành ngữ hàm nghĩa kẻ thiếu ý chí tiến thủ, tự thụt lùi, tự đầu hàng, tự buông mình vào tuyệt vọng.
[4] Đạo Chích tên thật là Liễu Hạ Chích, là một tên trộm lừng danh thời cổ, được coi như tổ sư “nghề” ăn trộm nên thành tên Đạo Chích (Đạo là kẻ trộm). Thành ngữ “Đạo diệc hữu đạo” (ăn trộm cũng có đạo nghĩa) xuất phát từ truyện Đạo Chích (số 29) trong phần Tạp Biên sách Trang Tử. Theo đó, em trai của Liễu Hạ Quý là Đạo Chích, tụ tập chín ngàn người, hoành hành trong thiên hạ, cướp bóc, gian dâm, không biết kiêng sợ ai. Khi Khổng Tử buông lời chê trách Liễu Hạ Quý không biết dạy dỗ em, Liễu Hạ Quý biện bác, thoái thác trách nhiệm. Khổng Tử bèn tìm đến tận sào huyệt của Đạo Chích để khuyên giải, liền bị hắn mạt sát, dương dương tự đắc khoe mình có đạo đức, nhất loạt chê trách tất cả thánh hiền từ xưa đến nay đều là phường tội lỗi, chỉ riêng hắn có đạo nghĩa. Cũng như những câu chuyện khác của Trang Tử, đây cũng chỉ là chuyện hư cấu, với ngụ ý châm biếm những kẻ làm càn vẫn tự khoe mình tài đức.

Nhận xét

Bài đăng phổ biến từ blog này