D. Hành Môn
NIỆM PHẬT TÂM ĐỊA CÔNG PHU
Nguyên tác: Lão Pháp sư Tịnh Không
Nguyên tác: Lão Pháp sư Tịnh Không
1. Nhìn thấu, Buông xả là then
chốt của sự thành đạo
Chúng ta đã nói về năm
điều đầu tiên, phía sau còn năm điều nữa; ở đây nên chú ý, năm điều sau này
phải được thực hiện trong đời sống, nghĩa là sự chân thành, thanh tịnh, bình
đẳng, từ bi của bạn bắt đầu từ đâu? Từ trong đời sống hằng ngày. Sự biểu hiện
trong đời sống nhất định phải nhìn thấu; nhìn thấu nghĩa là hiểu rõ ràng minh
bạch chân tướng của vũ trụ nhân sanh. Trong kinh nói giác ngộ triệt để, thấu
triệt rồi, đó gọi là ‘hành’. Chân thành, thanh tịnh, bình đẳng, chánh giác, từ
bi [được thể hiện] trên sự nhìn thấu; sau khi nhìn thấu thì không thể nào không
buông xả được. Tại sao vậy? Ðiều kế sau đây là tự tại, được đại tự tại (thong
dong, thảnh thơi, thoải mái)! Bạn xem câu đầu trong Tâm Kinh: ‘Quán Tự Tại Bồ Tát’, chữ ‘quán’ ở đây là ‘nhìn thấu’, quán là trí huệ, trí huệ chân thật. Nhìn thấy chân
tướng sự thật của vũ trụ rõ ràng minh bạch. Buông xả nghĩa là không nhiễm trước
một tí gì hết, không nhiễm trước chẳng có nghĩa là không có sự thọ dụng. Tất cả
đều có thể thọ dụng, vì tất cả đều không nhiễm trước, cho nên sự thọ dụng này
được gọi là ‘chánh thọ’, trong kinh
nói đến ‘tam muội’, ‘tam muội’ là
tiếng Phạn có nghĩa là ‘hưởng thọ chánh
thường’. Hưởng thọ chánh thường khác với sự hưởng thọ của chúng ta hiện nay
ở chỗ nào? Trên ‘sự’ thì hoàn toàn
giống nhau. Chúng ta mặc áo, Phật, Bồ Tát cũng mặc áo; chúng ta ăn cơm, quý
Ngài [khi thị hiện] cũng ăn cơm, có gì khác nhau? Nhưng bên trong đích thật có
chỗ khác biệt, chúng ta mặc áo, ăn cơm có chấp trước, các Ngài mặc áo, ăn cơm
không có chấp trước; cho nên các Ngài mặc áo ăn cơm vui vẻ tự tại, chúng ta mặc
áo, ăn cơm rất khổ, không được xứng tâm vừa ý, có [thêm] một thứ, thiếu một thứ
đều không được. Ðây là do nguyên nhân gì vậy? Vì buông xả, buông xuống không
nổi! Tại sao buông xả không nổi? Vì không nhìn thấu! Cho nên khi áp dụng trên
sanh hoạt thường ngày nhất định phải nhìn thấu sự thật, đây không phải là một
chuyện dễ. Nếu bạn muốn có công phu thì trong mười điều này nhất định phải nhận
thức rõ ràng then chốt ở ‘nhìn thấu,
buông xả’. Vì nếu bạn nhìn không thấu, buông xả không nổi, bạn sẽ không đạt
được tâm chân thành; nếu không đạt được tâm chân thành thì cũng không đạt được ‘chánh thọ’. Cho nên nhìn thấu có thể
giúp cho buông xả, buông xả cũng giúp cho nhìn thấu, hai pháp này bổ sung, hỗ
trợ, củng cố lẫn nhau.
Nhìn thấu giúp cho
buông xả thêm, buông xả giúp cho nhìn thấu thêm, một mực cho đến quả địa Như
Lai, đến cứu cánh viên mãn. Cho nên bạn sẽ hỏi: Bồ Tát dùng công phu gì? ‘Nhìn thấu buông xả’ đều bao gồm hết.
Chúng ta dùng cách phân đoạn lớn để nói, nhìn thấu căn bịnh của Kiến Tư phiền
não xong bạn buông xả nó thì bạn được nâng lên một cấp và thành A-la-hán.
A-la-hán lại phát hiện căn bịnh của Trần Sa phiền não, buông xả Trần Sa phiền
não được thì nâng lên một cấp thành Bồ Tát. Bồ Tát lại nhìn thấy căn bịnh của
Vô Minh phiền não, buông xả được một phẩm Vô Minh thì được nâng lên một cấp
thành Pháp Thân Ðại Sĩ. Thế nên nếu bạn nhìn thấu một phẩm, buông xả một phẩm
thì bạn sẽ không ngừng đi lên. Thiệt ra những cấp bực này có hay không có?
Không có! Tại sao đức Phật lại nói đến những cấp bực này? Là dựa trên mức độ
phiền não của bạn mà phân ra.
Công phu của người tu
hành càng thấp thì phiền não càng nặng, [công phu] càng cao thì phiền não càng
nhẹ. Tại sao phiền não nhẹ? Ðều là do buông xả đấy! Bồ Tát tu hành có lợi căn (căn tánh lanh lợi), có độn căn. Ðộn căn
là gì? Hôm nay buông xả một ít, ngày mai buông xả thêm một ít, đây là tiệm tu –
tu từ từ. Người có lợi căn thì hoàn toàn buông xả, lập tức sanh lên trời, đốn
siêu đương nhiên rất nhanh, là sự việc như thế đó. Nếu bạn muốn hỏi người nào
đốn căn, người nào lợi căn? Lợi căn và đốn căn không phải sanh ra vốn sẵn có,
đó là do bạn có triệt để giác ngộ hay không, triệt để giác ngộ thì một thoáng
qua đã buông xả hoàn toàn, đó là lợi căn, thượng căn lợi trí! Do đó phải dám
‘xả’, xả tức là buông xuống.
2. Buông xuống vô lượng pháp,
đi sâu vào một môn
Tôi dạy các bạn đồng
tu nguyên tắc giảng kinh, cung cấp tài liệu tham khảo cho các bạn, các bạn chỉ
cần lấy một phần mười thì đủ rồi, chín phần còn lại phải chịu buông bỏ, nếu bạn
xem câu nào cũng hay, câu nào cũng không chịu bỏ bớt, như vậy thì chuyện phiền
phức của bạn rất lớn! Cho nên phải mạnh dạn buông xuống. Ngay cả Phật pháp cũng
phải buông xuống, huống hồ là phi pháp? Phải nên hiểu nguyên lý này! Trong biển
cả Phật pháp, chúng ta không có biện pháp gì nuốt hết trong một ngụm, nếu muốn
thành tựu trong Phật pháp chỉ có cách múc một giọt nước trong biển cả mà thôi,
[nghĩa là] vô lượng pháp môn chỉ chọn lấy một pháp môn, vô lượng kinh luận chỉ
chọn lấy một bộ kinh luận mà thôi; thông [hiểu] một kinh rồi thì hết thảy kinh
luận đều thông suốt, pháp thế gian và xuất thế gian cũng thông suốt, nếu bạn
hỏi tại sao đều thông suốt? Ðó là vì Thanh tịnh, Bình đẳng, Giác.
Nếu trên một bộ kinh
này bạn không đạt được Chân thành, Thanh tịnh, Bình đẳng, Chánh giác, thì bạn
chẳng thông [suốt], tiêu chuẩn của sự ‘thông’ là ở đây. Vì vậy mới biết nếu bạn
hiểu sơ sơ rất nhiều pháp môn mà muốn đạt được Thanh tịnh, Bình đẳng thì rất
khó. Khó vô cùng! Vả lại những gì bạn học được đều biến thành thế trí biện
thông (tri thức thế gian). Tại sao vậy? Tại vì bạn có phân biệt, có vọng
tưởng, có chấp trước; mục đích của Phật pháp là không ngoài việc đoạn diệt vọng
tưởng, phân biệt, chấp trước. Nếu bạn hiểu được đạo lý này rồi thì bạn mới hiểu
được lòng từ bi của giáo giới của lão sư (thầy),
họ thiệt là muốn cho chúng ta thành tựu, mà không phải là dạy sai chúng ta. Nếu
thầy dạy bạn cái gì cũng học, cái này cũng tốt, cái kia cũng tốt, muốn bạn học
rộng nghe nhiều, thế thì vị thầy này có hai trường hợp: một là ma, sợ bạn thành
tựu, cố ý hại bạn, làm vậy để bạn không thể thành tựu trong một đời này; còn
trường hợp thứ nhì là vô tri, bản thân của họ cũng không biết, cho nên dạy sai
cho bạn. Nếu đích thật là thiện tri thức thì họ sẽ không dạy bạn như vậy, nếu
bạn chịu tiếp nhận, họ nhất định sẽ dạy dỗ bạn, sẽ không dạy sai, đó mới thực
sự là thiện tri thức.
Cho nên đặt ra câu
hỏi: Phật pháp truy cầu những gì? Truy cầu Thanh tịnh, Bình đẳng, Giác. Bạn suy
nghĩ xem tu học một pháp môn, một bộ kinh thì dễ đạt được Thanh tịnh, Bình
đẳng, Giác hoặc là tu rất nhiều pháp môn, rất nhiều kinh luận dễ đạt được?
Chúng ta đều có những kinh nghiệm này, các bạn trong ba tháng ngắn ngủi ở đây,
những thể nghiệm trong ba tháng vừa qua đều nói lên [và chứng minh] điều này.
Trước kia các bạn học bốn năm trong Phật Học Viện, môn gì trong chương trình
học cũng có, ngũ hoa bát môn, hồi tưởng lại kinh nghiệm học trong bốn năm so
sánh với đi sâu vào một môn trong ba tháng tại đây thì sẽ biết ngay. Trong ba
tháng học một môn có được một chút thành tựu, một chút tâm đắc hay là trong bốn
năm trước học nhiều môn có tâm đắc, có thọ dụng? So sánh hai thứ thì liền rõ
ràng minh bạch. Tâm thanh tịnh sẽ sanh trí huệ đấy! Kinh Kim Cang nói: ‘Lòng
tin thanh tịnh, ắt sanh Thật Tướng’. Thật Tướng tức là Chánh Giác. Tâm
thanh tịnh thì Thật Tướng Bát Nhã sẽ hiện tiền!
Do đó có thể biết
buông xuống (buông xả) là một phương
pháp vô cùng quan trọng. Chư Phật, Bồ Tát không có bản lãnh gì khác ngoài buông
xuống; người thế gian buông xuống không nổi, quý Ngài đều có thể buông xuống
hết, bản lãnh của quý Ngài là ở chỗ này. Buông xuống Kiến Tư phiền não tức là
buông xuống lục đạo luân hồi; buông xuống tham, sân, si, mạn tức là buông xuống
tam ác đạo. [Nếu tôi] nói ‘Buông xuống tam ác đạo’, [thì bạn nói] ‘Ðược, tôi sẽ buông xuống’. Còn nói: ‘Buông xuống tham, sân, si’ thì bạn nhăn
nhó mặt mày, cảm thấy rất khó. Bạn không biết tam ác đạo từ đâu đến sao? Nghiệp
nhân của tam ác đạo tức là tham, sân, si đấy! Trên ‘quả’ chúng ta không có biện pháp buông xả được, thì phải buông xả
từ ‘nhân’, ‘nhân’ buông xuống được rồi thì ‘quả’
sẽ không còn nữa. Thế nên buông xuống Kiến Tư phiền não thì buông xả được lục
đạo, lục đạo sẽ không còn nữa; buông xuống Trần Sa, Vô Minh thì thập pháp giới
sẽ không còn nữa. Chư Phật, Bồ Tát tu những gì? Quý Ngài tu ‘Nhìn thấu, Buông xả’ đấy!
3. Nhìn thấu, Buông xả được đại
tự tại
Nhìn thấu là học vấn,
buông xả đòi hỏi phải có công phu, công phu này không phải là võ công ở chùa
Thiếu Lâm, đây là công phu chân thật. Nếu có thể nhìn thấu, buông xuống thì đời
sống sanh hoạt của bạn sẽ được đại tự tại (thong
dong, thảnh thơi). ‘Quán Tự Tại’ – Quán Thế Âm Bồ Tát được đại tự tại. Ðời
sống được tự tại mới là đời sống hạnh phúc thật sự, hạnh phúc mà người thế gian
thường nói đến là hữu danh vô thực, không phải thật. Người thế gian nói đến
viên mãn cũng là có tên, chẳng thật, duy chỉ khế nhập vào cảnh giới này thì mới
thật, mới có thể đạt được hạnh phúc chân chánh mỹ mãn, đạt được đại tự tại.
Quý vị phải biết cảnh
giới ‘tự tại’ nói trong ‘Tâm Kinh’ sâu rộng vô bờ bến, không thể nghĩ bàn!
Những thí dụ trong kinh như 32 sự ứng hiện của Quán Thế Âm Bồ Tát, cần ứng thân
gì có thể độ thoát thì Ngài sẽ hiện thân ấy; cần nói pháp gì thì Ngài thị hiện
và nói pháp đó, đây là chỉ nêu ra vài thí dụ đơn giản để nói rõ sự tự tại của
Ngài. Nói thực ra Ngài không có một thứ gì mà chằng tự tại! Trong đời sống bất
luận ăn cơm, mặc áo, từng ly từng tí mọi sự đều tự tại, những gì nói trong kinh
chỉ là đại khái mà thôi, không thể nói kỹ, nói kỹ thì nói không hết. Ðừng nói
một vị Phật nói không hết, mười phương Như Lai dùng vô lượng kiếp cũng nói
không hết. Ðây là sự thật chứ không phải phóng đại.
4. Tùy duyên mà không phan
duyên[1]
Sự lợi ích của Phật pháp
ở chỗ nào? Không ai biết, vì không có người nói rõ ra. Làm một đệ tử Phật
chúng ta có trách nhiệm, có nghĩa vụ nói rõ chân tướng của Phật pháp cho đại
chúng. Chúng ta có được sự lợi ích này thì phải nên chia xẻ cùng đại chúng, hy
vọng người nào cũng đạt được sự lợi ích giống vậy, đây là bồn nguyện của hết
thảy chư Phật, Bồ Tát.
Tại sao có bồn nguyện
này? Là tự nhiên mà có, là tánh đức lưu xuất! Trong đó không có người đốc thúc
và cũng không có người khuyến khích, tự tự nhiên nhiên sẽ làm như vậy, cũng như
lời nói trong kinh ‘đại từ bi hiển lộ’, bất đắc dĩ chỉ có thể nói như vầy:
‘hoàn toàn thuộc tự nhiên’. Khi xử sự, đối người, tiếp vật trong đời sống của
mình phải tùy duyên mà không phan duyên, [nhờ vậy] nên họ luôn luôn được đại tự
tại. Trong tùy duyên, hết thảy sự việc tùy theo tâm niệm mà thành tựu, giống
như trong kinh nói: ‘Bồ Tát ở Cực Lạc thế giới, Bồ Tát ở tha phương thế giới
hoặc cúng dường A-Di-Ðà Phật, hoặc cúng dường mười phương chư Phật, những vật
cúng dường tuỳ [theo ý muốn] liền hiện trên tay, tuỳ niệm liền sanh’. Thiệt
ra chỉ cần khế nhập vào cảnh giới này, trong tất cả sanh hoạt trên thế gian,
mọi việc làm đều là tùy niệm mà sanh, không cần phải tạo tác một tí gì hết, như
vậy thì làm sao họ không tự tại được chứ?
Ðến khi nào mới đạt
được đại tự tại? Khi nào bạn nhìn thấu và buông xuống hết thảy thì sẽ đạt được.
Nếu bạn có thể nhìn thấu một phần, buông xả một phần thì bạn sẽ đạt được tự tại
một phần. Nếu bạn có thể nhìn thấu hai phần, buông xả hai phần thì bạn sẽ đạt
được hai phần; đây là thật không phải giả. Cho nên những người tham lam sẽ vĩnh
viễn không đạt được, sẽ vĩnh viễn vọng tưởng. Hễ những người gây tổn hại cho
người khác và lợi cho mình đều là những người tham lam; nếu họ không có tâm
tham thì làm sao có thể làm việc lợi mình hại người cho được! Người có trí huệ
chân thật nhất định sẽ nhìn thấu, buông xuống, xả thân mình phục vụ cho người.
Phục vụ cho người tức là làm lợi ích cho chúng sanh, lợi ích cho chúng sanh là
chân chánh làm lợi ích cho mình, tự mình sẽ được đại tự tại! Cho nên phải
tùy duyên mà đừng phan duyên. Tại sao vậy? Vĩnh viễn giữ gìn tâm chân thành,
thanh tịnh, bình đẳng, chánh giác của mình. Nếu bạn phan duyên thì tâm thanh
tịnh của bạn hoàn toàn mất hết. Trong lúc phan duyên bạn có phiền não, sanh ra
tri kiến, tâm chân thành của bạn bị che lấp hoàn toàn, không thể hiển lộ ra
ngoài; thế nên tùy duyên mới tốt!
Phong phạm (khuôn khổ, mẫu mực) của Liên Trì đại sư
Những đại đức ngày xưa
bất kể là tại gia hay xuất gia đều làm gương mẫu tốt nhất cho chúng ta. Ðại đức
đầu tiên của Tịnh Tông là Liên Trì đại sư, Ngài là người cuối triều Minh, Sớ
Sao của Ngài hay vô cùng; Ngẫu Ích đại sư tán thán: ‘bác đại tinh thâm’ (rộng lớn, tinh sâu). Lúc còn ở Triết Giang,
đại khái là ở gần chùa Vân Thê, Hàng Châu, thời bấy giờ còn chưa xây dựng chùa,
Liên Trì đại sư đi đến một địa phương và rất thích, phong cảnh trên núi rất
đẹp, nên Ngài dựng một túp lều tại đó, ở đó tu tập một mình. Ngài tu hành rất
đúng như pháp, - như pháp tức là y giáo phụng hành - Những gì trong kinh đức
Phật dạy chúng ta làm, thì chúng ta làm, những gì không cho chúng ta làm thì
chúng ta không làm. Liên Trì đại sư tu hành rất như pháp, rất nhiều người tán
thán là đức hạnh cao. Cao ở đâu? Như pháp tức là cao, không như pháp thì không
cao. Cho nên người ở vùng phụ cận rất kính trọng Ngài, nhiều học nhân ở phương
xa cũng tôn kính, ngưỡng mộ nên rất muốn kề cận Ngài. Từ từ có vài người tụ
đến, họ không có chỗ ở nên phải dựng thêm vài túp lều tranh nữa. Sau này càng
ngày càng nhiều người đến nên mới làm một số thí chủ cảm động, nhìn thấy nhiều
người xuất gia như vậy, tu hành tốt như vậy, nên họ [ra công sức] xây dựng đạo
tràng. Việc xây chùa là để an trú tăng, người xuất gia không cần phải nhọc
công, bận tâm! Ðại khái thì Liên Trì đại sư chỉ điểm một chút mà thôi: ‘Nếu quý vị muốn xây thì xây ở đây được rồi’.
Hết thảy những ngôi nhà phòng ốc đều do mọi người phát tâm xây dựng, cho nên
đại điện được gọi là ‘Thần Vận Ðiện’,
không cầu tự nhiên có.
Cứ như vậy trong vòng
mấy chục năm đến một trăm năm, từ từ một ngôi tùng lâm được hình thành, không
phải do quy hoạch trước, quy hoạch trước là phan duyên chứ không phải tùy
duyên! Trong tâm bạn mỗi ngày đều phải suy nghĩ, bận tâm, tìm mọi cách để hóa
duyên, tìm cách để kiếm tiền, bạn xem tâm như vậy mệt quá phải không? Còn tự
tại gì được nữa! Có an lạc gì đâu! Sự khổ này từ đâu đến? Tự mình tìm đến!
Không có người đem khổ đến cho bạn, đều là do bạn tự tạo, phải hiểu rõ đạo lý
này. Cho nên khi nào cần thiết thì khi đó Phật, Bồ Tát sẽ đem đến, tại sao hiện
nay không cho bạn một ngôi chùa lớn vậy? Ngày nay Phật, Bồ Tát tặng cho bạn một
ngôi chùa lớn tức là hại bạn đấy, tại sao vậy? Làm tăng trưởng lòng tham, sân,
si, mạn, tăng trưởng phân biệt, chấp trước của bạn. Phật, Bồ Tát tuyệt đối
không làm những chuyện này, tuyệt đối không hại chúng sanh, chỉ có ma mới hại
chúng sanh.
Cho nên chư vị đồng tu
tu hành đến một mức nào đó, có một chút thành tựu thì ma sẽ đến khuấy nhiễu. Ma
không phải mặt xanh, nanh nhọn, không có khủng khiếp như vậy, nếu hình dáng dễ
sợ thì bạn đã xa lìa nó từ lâu rồi. Lúc Ma xuất hiện trước mặt bạn, bạn sẽ
rất hoan hỷ! Vì hình dáng của Ma xinh đẹp, lại có tiền tài, có thế lực, nó sẽ
làm cho tâm bạn không an, làm cho bạn mất hết tâm thanh tịnh, bình đẳng, giác,
tăng trưởng lòng tham, sân, si, mạn của bạn. Nếu không thể tự giác, lúc Ma hiện
ra thì bạn sẽ lọt vào tay Ma đến nỗi ngay cả bạn cũng không biết, còn nói Ma
đối với bạn rất tốt, rất lo lắng, chăm sóc cho bạn, đều là Ma đấy!
Kinh Lăng Nghiêm nói
về cách phân biệt giữa Phật và Ma rất rõ ràng, cho nên kinh Lăng Nghiêm thực sự
là ‘tấm kiếng chiếu yêu’, nếu bạn có
thể hiểu rõ thì hết thảy nhân vật mà bạn tiếp xúc, rốt cuộc họ là Ma hay là
Phật, bạn vừa nhìn liền thấy rõ ràng. Phật nhất định giúp bạn tăng trưởng thanh
tịnh, bình đẳng, giác, đây là Phật, Bồ Tát đến để hộ trì. Nếu che phủ hết thanh
tịnh, bình đẳng, giác, tăng trưởng tham, sân, si, mạn thì bạn phải cảnh giác
đi, bạn đã lọt vào tay Ma rồi. Ðặc biệt là trong thời đại này, trong hội giảng
kinh Lăng Nghiêm đức Phật nói: ‘Tà sư thuyết pháp [nhiều] như cát sông Hằng’.
Tà sư là gì? Yêu ma quỷ quái rất nhiều, nhiều vô cùng, không thể nào phòng ngừa
được hết! Huống chi bạn không có trí huệ, không có định lực, không có phước
báo, thì bạn làm sao phòng ngừa cho được? Bạn không có cách chi có thể phòng
ngừa được hết!
Ngày nay muốn tu
phước, nói thực ra nếu đã không tích lũy thiện căn phước đức từ nhiều đời trước
thì bạn đi đâu để tu phước! Người có tiền, có thế lực rất nhiều, họ đều muốn tu
phước, kết quả là tiền tài của họ đều bị chôn vùi dưới đất, bị trôi ra biển cả,
chìm xuống đáy biển, không khởi tác dụng chi hết! Làm sao có thể gọi là tu
phước được? Vì vậy nếu muốn trong một đời này thiệt có thể vãng sanh Tây Phương
Cực Lạc thế giới thì mười điều này vô cùng quan trọng, nếu bạn khởi tâm động
niệm, ngôn ngữ tạo tác trái ngược với mười điều này, bất luận bạn niệm Phật
niệm giỏi cách mấy thì cũng không thể vãng sanh, chỉ kết một chút duyên với
Phật mà thôi. Nếu bạn niệm Phật có thể tương ứng với mười điều này, vậy thì xin
chúc mừng cho bạn, đời này bạn nhất định có thể vãng sanh, bạn xứng đáng là đệ
tử Di Ðà, không là phàm phu, trong kinh nói: ‘Ðệ tử số một của Như Lai’ là chỉ
bạn đấy, bạn có thể nhận lấy danh xưng này.
5. Niệm Phật phải tương ứng với
thập đức
Ðiều sau cùng là ‘Niệm Phật’; Phật ở đâu? Chín điều nói ở
phía trước đều là Phật. Chân thành là Phật, Thanh tịnh là Phật, Bình đẳng là
Phật, Chánh giác là Phật, Từ bi là Phật, Nhìn thấu, Buông xả, Tự tại, Tùy duyên
đều là Phật, sau đó bạn mới biết mười câu này tức là một câu. Ðúng như kinh Hoa
Nghiêm nói: ‘Một tức là nhiều, nhiều tức là một’. Sai biệt và bình đẳng
không hai, tách lìa ra nói về [từng điều trong] mười điều là sai biệt, hợp lại
để nói là bình đẳng một thứ, đây gọi là Niệm Phật. Mọi người đều biết lời cổ
đức: ‘Một niệm tương ứng một niệm Phật, Niệm niệm tương ứng niệm niệm Phật’.
Tương ứng với cái gì? Tức là tương ứng với Chân thành, Thanh tịnh, Bình đẳng,
Chánh giác, Từ bi, Nhìn thấu, Buông xả, Tự tại, Tùy duyên. Trong từng tiếng
Phật hiệu đều đầy đủ cương lĩnh này, như vậy mới gọi là Niệm Phật. Nếu miệng niệm
A-Di-Ðà Phật, nhưng trong tâm toàn là tham, sân, si, mạn thì không phải là
người niệm Phật, có câu nói: ‘hét bể
cuống họng cũng uổng công’, từng tiếng Phật hiệu đều phải tương ứng mới
được!
Mười [tánh] đức trên
đều viên dung, hàm nhiếp trong một câu Phật hiệu, như vậy mới gọi là người niệm
Phật, đây mới gọi là tu Tịnh Ðộ. Các bạn đồng học hỏi tôi phải tu như thế nào?
Không có gì khác, cả đời này những gì tôi tu phải là mười điều này, tôi phải
tương ứng với mười điều này. Hôm nay có duyên với mọi người tôi truyền thọ mười
điều này cho quý vị, trong Tông Môn có ‘Truyền
tâm pháp yếu’, thì đây không có gì khác với truyền tâm pháp yếu. Hy vọng
mọi người đều phát tâm Bồ-Ðề chân chánh, nối tiếp Huệ mạng của Phật, hoằng pháp
lợi sanh, đây là đại nguyện. Nếu muốn đại nguyện trở thành sự thật, muốn
thực hiện đại nguyện, mà không có tâm hạnh này, thì tâm nguyện đều là giả,
không phải thật. Có tâm chân thành, từ bi, có nhìn thấu, buông xả, niệm Phật
mới được, nguyện của bạn mới là chân thực, bạn nhất định có thể làm được.
Sau cùng, quan trọng
nhất là ‘Một là mười, mười là một’,
bất cứ một điều nào cũng hàm nhiếp (bao gồm) chín điều kia, tuyệt đối
không thể tách rời. Do đó điều nào cũng viên dung, hàm nhiếp [lẫn nhau], sau
khi khế nhập vào thì thật tự tại! Thật hoan hỷ! Bạn đích thân cảm giác được,
cảm giác được một cách rất rõ ràng, chư Phật gia trì, chư Phật hộ niệm, Long
thiên lo lắng, giúp đỡ; bạn sẽ cảm thấy rất minh hiển [rõ ràng], thật là tâm
tưởng sự thành. Ngày nay trong tâm chúng ta nghĩ gì cũng đều là vọng tưởng,
không thể thành công; tại sao không thể thành công? Vì không tương ứng. Nếu bạn
có thể tương ứng thì tức là ‘trong nhà Phật có cầu ắt ứng’. Lúc cầu mà
không thể ứng (cầu không toại nguyện) thì có hai nguyên nhân, một là
chúng sanh không có phước, hoặc là hiện nay còn chưa cần tới. Lúc thực sự cần
thì vừa động niệm liền hiện ra ngay.
6. Hết thảy phải làm từ tâm
chân thật
Cho nên hết thảy đều
phải bắt đầu từ tâm chân thật, đây lời giáo huấn của Thiện Ðạo đại sư. Thiện
Ðạo đại sư là đức Phật A-Di-Ðà hóa sanh. Trên lịch sử ghi chép A-Di-Ðà Phật hoá
thân tái lai có: Thiện Ðạo đại sư, Vĩnh Minh Diên Thọ đại sư, Phong Can Hòa
Thượng, đây là việc mọi người đều biết. Di Ðà hóa thân đến, những lời Ngài nói
tức là A-Di-Ðà Phật đích thân nói vậy. Chúng ta muốn trong một đời này thực sự
đạt được hạnh phúc, thực sự đạt được gia đình mỹ mãn, sự nghiệp thành công
thuận lợi, học mười điều này mới thực sự đạt được, tách rời khỏi mười điều này
thì đều là có danh không thật, đều không chân thật.
Ở Mỹ chúng tôi đặc
biệt lấy mười điều 20 chữ này ghi trên huy hiệu bằng đồng, cúng dường chư vị
đồng tu, các bạn đều đã nhận được. Hy vọng các bạn thường thường nhìn thấy,
thường thường suy nghĩ đến, hiểu rõ ý tứ trong đó thật là vô cùng sâu rộng,
không những bất kỳ một điều nào cũng bao hàm hết chín điều kia, bất kỳ điều nào
cũng hàm chứa hết thảy vô lượng diệu lý của chư Phật, hàm chứa hết thảy pháp
thế gian và xuất thế gian, nếu bạn hướng về phía này mà nhìn thì ý thú vô cùng
sâu xa. Tương lai khi chúng ta giảng kinh thuyết pháp, khuyến đạo chúng sanh,
mục đích của mỗi lần diễn giảng, bất luận thời gian nói chuyện dài hay ngắn,
nội dung sâu cạn đều không kể, [bạn phải đặt câu hỏi] bạn dạy người ta những
gì? [Nếu bạn] dạy một điều trong mười điều này thì phương hướng, mục tiêu của bạn
sẽ chính xác. Trong lời [giảng của bạn] có hàm chứa thực chất! Sẽ không [có
trường hợp] người ta nghe hết nửa ngày rồi cũng chẳng biết bạn đang nói những
gì, bạn thực sự có thể dẫn dắt hết thảy chúng sanh hướng về Phật đạo. Mỗi chữ
mỗi câu trong mười điều này đều là Phật đạo, mọi người phải hết lòng nỗ lực làm
theo. Ở nước ngoài có rất nhiều địa phương muốn mời bạn đi giảng kinh, chờ đợi
bạn đi hoằng pháp, nhân duyên vô cùng hy hữu, hy vọng mọi người đều trân trọng.
[1] Phan duyên nghĩa là nương theo cảnh vật
bên ngoài mà nghĩ tưởng, toan tính, và hành động bằng thân và miệng.
Nhận xét
Đăng nhận xét