VI. KHUYÊN CHÚ TRỌNG NHÂN QUẢ

ẤN QUANG ĐẠI SƯ GIA NGÔN LỤC
Bửu Quang TĐệ Tử Như Hòa dịch

6.1. Luận về lý nhân quả
* Một pháp nhân quả là bước đầu nhập môn của Phật giáo, mà cũng là kế sách trọng yếu để thành ý, chánh tâm, tu thân, tề gia, trị quốc, bình thiên hạ.
* Nhân quả là phương tiện lớn lao để thánh nhân thế gian và xuất thế gian bình trị thiên hạ, độ thoát chúng sanh. Nếu nay chẳng lấy nhân quả làm nhiệm vụ cấp bách để cứu quốc, cứu dân, dù ông có trí xảo, đạo đức cao siêu đến mấy, cũng chỉ uổng công, vì chẳng giảng đạo lý, cũng như không có vương pháp vậy!
* Thánh hiền thời cổ, không ai là chẳng dè dặt, kinh sợ để tự rèn luyện, gìn giữ mình, nên tâm họ chẳng bị cảnh phú quý, cùng quẫn, hanh thông xoay chuyển. Cùng quẫn thì riêng thân mình thiện, hiển đạt thì khiến cho cả thiên hạ cùng thiện. Người đời nay, trong những hành vi, lời lẽ thường ngày, trong vòng cha con, anh em, chồng vợ, mỗi mỗi đều chẳng thể như pháp. Người có chút tri kiến bèn lầm lạc mong làm bậc cao nhân lỗi lạc, kẻ chưa có quyền bèn mặc tình cuồng vọng, luận nghị mù quáng để mê hoặc người đời. Kẻ đã có quyền vị, bèn tỏ rõ ác niệm bạo ngược tàn nước hại dân. Gốc bệnh là do lúc ban đầu, cha mẹ, thầy bạn chưa từng dùng đạo nhân quả báo ứng để chỉ bảo kẻ ấy. Nếu biết nhân quả báo ứng đôi chút, ắt khởi tâm động niệm đều kiêng dè, chẳng dám phóng túng. Dù chẳng mong thành thánh, thành hiền, muốn chẳng kinh sợ, dè dặt như vào vực sâu, như đi trên băng mỏng, thì cũng không thể được! Vì thế, những người có thiên tư cao phải bắt đầu từ những điều thiển cận, chớ cho là điều lành nhỏ nhặt nên không làm, chớ nghĩ điều ác vặt vãnh rồi cứ làm. Cứ vun bồi từng ít một thì sẽ trở thành tánh. Ví như cây nhỏ đã mọc thẳng, đến lớn muốn uốn cong cũng chẳng thể được!
* Thầy thuốc trị bệnh, bệnh cấp bách thì trị đằng ngọn, bệnh diễn biến thong thả bèn trị đằng gốc. Ví như có người yết hầu ủng thũng, ăn uống khó nuốt xuống, thở ra khó khăn; trước hết, phải tiêu trừ chứng thũng, sau đấy mới căn cứ trên gốc bệnh để điều hòa tạng phủ. Nếu chẳng trừ trước chứng thũng ấy, người đó lăn đùng ra chết, dù có lương phương, diệu dược để trị gốc bệnh thì cũng chẳng làm gì được! Nhân quả chính là diệu pháp để tiêu trừ chứng bệnh thũng ngày nay; nhưng pháp Nhân Quả trị bệnh cả gốc lẫn ngọn. Kẻ sơ cơ nương vào đó sẽ cải ác tu thiện. Người thông hiểu nương theo đó, có thể đoạn Hoặc, chứng Chân, thông trên, suốt dưới. Dù là hàng phàm phu sát đất, cho đến bậc viên mãn Phật Quả, đều chẳng thể lìa pháp này, há có phải nhân quả chỉ trị được bệnh đằng ngọn mà thôi!
* Một pháp nhân quả chính là lò luyện lớn để “nung phàm, luyện thánh” của thánh nhân thế gian và xuất thế gian. Nếu lúc ban đầu chẳng hiểu rõ nhân quả, thì sau khi đã thông Tông, thông Giáo, rất có thể sẽ bị lầm lẫn nhân quả. Ðã lầm nhân quả, đọa lạc ắt sẽ có phần, không có cách nào siêu thăng! Ðừng bảo lý này thiển cận rồi coi thường! Đức Như Lai đã thành Chánh Giác, chúng sanh đọa lạc tam đồ, đều chẳng ra ngoài nhân quả. Nhưng tâm lượng của phàm phu hẹp nhỏ, có lẽ không thể lãnh hội những lẽ nhân quả lớn lao đã nói trong kinh, hãy dùng những điều thiển cận trong thế gian để làm phương tiện [giúp họ] lãnh hội những điều thù thắng ấy. Chẳng hạn như đối với bài Âm Chất Văn của Văn Xương Ðế Quân, sách Thái Thượng Cảm Ứng Biên v.v... xin hãy đọc kỹ, suy xét tường tận, làm theo, thì ai nấy đều là lương dân, người người đều có thể liễu sanh thoát tử. Năm trước, Quang từng khắc An Sĩ Toàn Thư, bản khắc để tại Dương Châu, các nơi phát hành kinh sách đều có. Cuốn sách này đúng là một tác phẩm trọng yếu để làm cõi đời hiền dịu, dân chúng hiền lành vậy!
* Xưa kia, ông Bạch Cư Dị hỏi Ô Khoa thiền sư: “Thế nào là đại ý Phật pháp?”. Ngài Ô Khoa đáp: “Ðừng làm các điều ác, vâng giữ các điều lành”. Họ Bạch bảo: “Hai câu nói ấy, đứa bé lên ba cũng nói được”. Ngài Ô Khoa bảo: “Tuy đứa bé lên ba nói được, ông già tám mươi làm chẳng xong”. Cần phải biết lời ấy chính là lời thiết yếu quan trọng nhất đối với hết thảy người học Phật.
* Hai câu “đừng làm các điều ác...” chính là đại ý của hết thảy giới kinh của tam thế chư Phật, chớ nên coi thường! Ngay trong mỗi ý niệm vừa phát khởi của chính mình, hãy nên suy xét kỹ. Nếu có thể suy xét đến cùng cực thì còn có thể thành tựu Phật đạo, huống hồ là các quả vị phước huệ khác!
* Dạy giới thiện (Ngũ Giới, Thập Thiện) để mở ra con đường trời, người phẳng phiu. Hiển nhân quả để bày phương cách xu tỵ (趨避: xu là hướng tới, tỵ là tránh né) tốt lành. Nói đến giới thiện thì:
a. Ngũ Giới:
Chẳng giết là Nhân; chẳng trộm là Nghĩa; chẳng tà dâm là Lễ; chẳng nói dối là Tín; chẳng uống rượu thì tâm thường trong trẻo, chí ngưng lặng, thần chẳng hôn mê, nên Lý hiện, tức là Trí. Trì trọn vẹn Ngũ Giới chẳng đọa tam đồ, luôn sanh trong nhân đạo. Năm điều này nói chung tương đồng với Ngũ Thường (nhân, nghĩa, lễ, trí, tín) của đạo Nho, nhưng Nho giáo chỉ dạy tận nghĩa, nhà Phật còn giảng thêm về quả báo.
b. Thập Thiện:
Chẳng giết, chẳng trộm, chẳng tà dâm, là ba nghiệp nơi thân. Chẳng nói dối, chẳng nói thêu dệt, chẳng nói lưỡi đôi chiều, chẳng ác khẩu, là bốn nghiệp nơi miệng. Chẳng tham, chẳng sân, chẳng si, là ba nghiệp nơi ý. Những điều này xét về đại thể, giống như Ngũ Giới, nhưng Ngũ Giới đa phần nói về thân, Thập Thiện phần nhiều nói về tâm. Ðầy đủ Thập Thiện, quyết định sanh vào thiên giới.
Còn như các điều dạy về luân lý như hiếu với cha, từ với con, kính anh, nhường em... đều là muốn cho ai nấy đều trọn hết bổn phận chẳng khiếm khuyết, thuận theo tướng thế gian để tu pháp xuất thế. Nếu nói rộng về nhân quả báo ứng thì hào ly chẳng sai. Ðọa địa ngục hay sanh lên trời chỉ do tự mình chiêu cảm lấy. Ðức Như Lai tâm bi tột bậc, muốn cho chúng sanh vĩnh viễn lìa khổ, chỉ hưởng các điều vui; vì thế, Ngài chẳng tiếc sức hiện tướng lưỡi rộng dài, vì các chúng sanh tận tình tuyên diễn.
Kinh dạy: “Bồ Tát úy nhân, chúng sanh úy quả” (Bồ Tát sợ nhân, chúng sanh sợ quả). Nếu chẳng muốn nhận lãnh quả khổ, phải đoạn trừ nhân ác trước đã! Nếu luôn tu thiện nhân, ắt quyết định thường hưởng quả vui! Ðây chính là điều kinh Thư bảo: “Tác thiện giáng tường, tác bất thiện giáng ương” (Làm thiện thì điều tốt lành giáng xuống. Làm điều bất thiện, tai ương giáng xuống), kinh Dịch nói: “Tích thiện tất hữu dư khánh, tích bất thiện tất hữu dư ương” (Tích thiện thì sự vui có thừa. Chất chứa điều chẳng lành, tai ương ắt có thừa). Nhưng nhà Nho chỉ xét trên đời hiện tại và con cháu mà nói, còn Phật xét theo cả ba đời quá khứ, hiện tại, vị lai để luận. Phàm tình chẳng hiểu thấu, bèn cho là chuyện mông lung, chẳng chịu tin nhận. Như kẻ mù cãi lời người dẫn đường, tự đi vào đường hiểm, muốn chẳng rớt hầm, sụp hố, có được hay chăng?
* Ðề xướng nhân quả báo ứng là kính vâng theo tâm của thiên địa và thánh nhân để thành tựu Tánh Đức nhân nghĩa và đạo đức của người đời. Nếu coi nhân quả báo ứng là chuyện mờ mịt, không có cách nào khảo sát thì không chỉ trái nghịch với tâm của thiên địa, thánh nhân, mà thần thức của chính mình còn vĩnh viễn đọa trong ác thú. Nếu bậc trí giả chẳng phấn phát ý chí ưu thời mẫn thế để tu đức của chính mình, kẻ hạ ngu không kiêng sợ gì, dám làm điều ác, thì quyền dưỡng dục của thiên địa, thánh nhân bị chèn ép chẳng được phô bày, cái Lý sẵn có trong tâm tánh của chúng ta bị ẩn mất, chẳng hiện. Họa hại ấy chẳng thể nói được!
Nhưng lời lẽ của thánh nhân thế gian giản lược, lại chỉ bàn về đời này và con cháu, còn những việc trước khi sanh ra, sau khi chết đi, từ vô thỉ đến nay thuận theo nhân duyên tội phước luân hồi trong lục đạo... đều chưa luận rõ. Vì thế, những kẻ thấy biết nông cạn tuy hằng ngày đọc những lời dạy về nhân quả báo ứng của thánh hiền, vẫn chẳng tin tưởng nhân quả báo ứng.
Ðại giáo của đức Như Lai hiển dương sự huyền diệu nơi tâm tánh của chúng ta, sự tinh vi của nhân quả ba đời. Tất cả những thuyết “cách trí” (trí tri cách vật), “thành, chánh” (thành ý, chánh tâm), “tu thân, tề gia, trị quốc, bình thiên hạ”, và pháp “đoạn Hoặc, chứng Chân, liễu sanh thoát tử”, không pháp nào chẳng giảng đủ. Vì thế, gặp cha nói từ, gặp con nói hiếu, anh nhường, em kính, chồng xướng vợ theo, chủ nhân từ, tớ trung thành, ai nấy đều tận hết bổn phận, há có khác gì những điều thánh nhân thế gian đã dạy? Thế nhưng, đối với mỗi một điều, Phật lại khai thị nhân trước quả sau; đấy chính là điều thánh nhân thế gian chẳng thể làm được! Lời dạy “tận nghĩa, dốc trọn bổn phận” [của Nho gia] chỉ để dạy hàng thượng trí, chẳng thể chế ngự kẻ hạ ngu. Nếu biết nhân quả báo ứng thì thiện, ác, họa, phước rành rành như nhìn vào lửa; ai lại không tìm tốt, tránh xấu, tránh họa hòng được phước cơ chứ?
* Kinh Hoa Nghiêm nói: “Hết thảy chúng sanh đều có đủ trí huệ và đức tướng của Như Lai, nhưng vì vọng tưởng, chấp trước, nên chẳng thể chứng đắc”. Do vậy, biết rằng trí huệ, đức tướng chúng sanh và Phật đều đồng, tức là Tánh Ðức. Do có vọng tưởng chấp trước và lìa vọng tưởng chấp trước, nên chúng sanh và Phật khác nhau. Ðấy chính là Tu Ðức.
Tu Ðức có thuận, có nghịch. Tu thuận tánh thì càng tu càng gần. Tu đến cùng cực bèn triệt chứng, chứng nhưng trọn chẳng có gì để đắc. Còn tu nghịch tánh thì càng tu càng xa. Tu đến cùng cực sẽ vĩnh viễn đọa trong ác đạo, tuy đọa nhưng không có gì để mất. Hiểu điều này thì ngu cũng là hiền, hiền cũng là ngu, thọ cũng là yểu, yểu cũng là thọ, [những mong ước] phú quý, cháu con đầy đàn đều diệt sạch. Mỗi mỗi đều có thể làm chủ thì có cái để nương dựa cũng coi như không, không có cái để nhờ cậy cũng coi như có. Như núi cao chẳng thể trèo lên được, người ta không có cách nào,  thì chẳng ngại gì đục núi,  xếp bậc,  sẽ cũng có thể lên đến chót núi.
Con người xưa nay chẳng biết nghĩa lý “do tâm tạo nghiệp, do tâm chuyển nghiệp”, không ít kẻ đại thông minh, học vấn rộng, nhưng cư xử đến nỗi công lao trước kia bị mất sạch, đến nỗi di hại bao kiếp. Nếu chẳng tu đức, dù thân đạt tới mức giàu trùm thiên hạ, quý như thiên tử, địa vị đứng đầu các quan, thanh thế hiển hách như hàng tể phụ, há chẳng có kẻ bị tru lục, diệt môn ngay trong một đời đó ư? Những điều ta đã được đều chẳng thể nương dựa được! Ông Viên Liễu Phàm hiểu rõ điều này, nên đối với những thứ được hưởng thụ đều bảo chẳng phải do “tiền nhân” (nhân đời trước) định sẵn. “Tiền nhân”, tục gọi là “thiên” (trời).Thiên định thắng nhân” tức là tiền nhân khó chuyển. Nhân định cũng thắng thiên, tức là siêng gắng tu trì thì tiền nhân chẳng thể không bị chuyển dời. Vì thế, lấy nhân hiện tại làm nhân để tiêu diệt tiền nhân. Nếu buông lung làm xằng, sẽ đạt kết quả trái ngược. Hiểu rõ điều này thì muốn ngu trở thành hiền, muốn tầm thường trở thành vượt trỗi, đều là do giữ lòng tu đức, tùy thời khéo dạy mà thôi!
* Mạng là gì? Chính là quả báo của những điều đã làm trong đời trước. Lại nữa, những điều đạt được do làm đúng theo đạo nghĩa thì mới gọi là Mạng. Những điều đạt được do chẳng làm đúng theo đạo nghĩa bèn chẳng được gọi là Mạng. Vì sau khi đạt được như vậy, nỗi khổ trong đời sau chẳng nỡ thấy, nghe! Như trộm cướp tiền tài của người ta, dường như tạm thời giàu có, vui sướng, một khi quan phủ biết đến, ắt sẽ đầu một nơi, thân một nẻo! Lẽ nào với cái tạm thời được vui, lại cho là Mạng?
Lực là gì? Chính là nói đến những cái ta đã làm ngay trong đời này. Có hai thứ “làm”: Một là tài trí, chuyên dùng mưu mẹo biến trá. Hai là chuyên dùng sự khắc kỷ, giữ lễ để tu trì.
Cái Mạng do Liệt Tử đã nói hỗn độn, chẳng phân; cái Lực của ông ta nói phần nhiều chú trọng về mưu mẹo, biến trá. Bởi thế, đến nỗi Lực bị Mạng đè ép, không cách gì đáp được [câu chất vấn sau đây]: “Khổng Tử bị khốn đốn nơi biên giới nước Trần, nước Sái; Ðiền Hằng lấy nước Tề làm tánh mạng, còn có thể nói là biết Mạng ư?” Khổng Tử chẳng gặp vua hiền, chẳng thể khiến thiên hạ trị an, chính là do nghiệp lực của muôn dân tạo ra như vậy, há liên quan đến Khổng Tử! Nhan Uyên yểu thọ, nghĩa lý cũng giống như thế. Ðiền Hằng có được nước Tề là do soán đoạt mà có, làm sao gọi là Mạng cho được? Tuy hiện thời còn là vua Tề, nhưng khi hơi thở không hít vào được nữa, liền trở thành tù nhân trong A Tỳ địa ngục. Ðấy mới là Mạng, vì ông ta dạy người chẳng tu đạo nghĩa, mặc tình cướp đoạt! Bởi thế, tôi mới nói: “Liệt Tử chẳng biết Mạng”. Chẳng thấy Mạnh Tử luận về Mạng đó ư? Ắt phải cùng lý tận tánh đến mức như thế mới gọi là Chân Mạng. Còn những điều chẳng do đạo nghĩa mà được, chẳng do đạo nghĩa mà mất, đều chẳng được gọi là Mạng. Liệt Tử luận về Lực, phần nhiều thuộc về tài trí mưu mẹo, biến trá, [là những điều] hiền thánh chẳng thèm nói tới. Những điều hiền thánh nói đều là “khắc kỷ, giữ lễ để tu trì”.
“Thánh mất niệm thành cuồng, cuồng khắc chế niệm bèn thành thánh. Nhà tích thiện ắt sự vui có thừa, nhà tích điều chẳng lành, ắt tai ương có thừa. Làm lành trăm điều tốt lành giáng. Làm điều chẳng lành trăm tai ương trút xuống. Gỗ phải căn theo dây mực mới ngay, vua phải nghe lời can gián mới thành thánh. Thuận theo đạo sẽ dẫn tới điều tốt lành, trái nghịch đạo sẽ dẫn đến điều xấu, giống như bóng theo hình, như tiếng vang theo âm thanh. Lúc năm mươi tuổi, biết bốn mươi chín năm trước là sai trái; muốn giảm bớt lỗi, nhưng vẫn chưa thể. Muốn chính mình được sống thêm dăm mười năm nữa để học Dịch hầu chẳng mắc lỗi lớn. Ai cũng có thể là Nghiêu, Thuấn, kiêng giữ những điều chẳng nên nhìn, kinh sợ những điều chẳng nên nghe, đều là Lực”. Đấy là những lời của Nho gia.
Còn nhà Phật bảo “hết thảy chúng sanh đều có Phật tánh, đều sẽ thành Phật” để họ sám hối nghiệp cũ, cải ác tu thiện, mong họ đừng làm các điều ác, vâng làm các việc lành. Dùng Giới giữ thân, chẳng làm điều phi lễ. Dùng Định nhiếp tâm, chẳng khởi vọng niệm. Dùng Huệ đoạn Hoặc, thấy rõ bổn tánh. Đấy đều là những Lực để khắc kỷ, giữ lễ tu trì. Nương theo các Lực đó để hành, còn có thể thành Phật đạo, huống hồ những quả vị thấp hơn ư! Vì thế, kinh Lăng Nghiêm nói: “Cầu vợ được vợ, cầu con được con, cầu trường thọ được trường thọ, cầu tam-muội được tam-muội. Như thế cho đến cầu Đại Niết Bàn đắc Đại Niết Bàn”. Đại Niết Bàn là Phật Quả rốt ráo. [Những điều ấy] đều là do tu trì theo đúng giáo pháp mà được, Lực ấy rất lớn, há có hạn lượng.
Ông Viên Liễu Phàm gặp Khổng tiên sinh bói các việc trước sau, việc nào cũng đều ứng nghiệm, bèn cho là nhất định phải có Mạng (số mạng). Về sau, ông ta được thiền sư Vân Cốc khai thị, tận lực tu trì. Những điều ông Khổng đã đoán, chẳng trúng một mảy. Ông Viên Liễu Phàm là bậc hiền giả, dù có nhầm lẫn làm điều gì chẳng đúng, lời đoán của họ Khổng cũng chẳng linh. Do đấy, ta biết: Hiền thánh dạy đời chỉ trọng tu trì. Đức Như Lai dạy người, cũng giống như thế. Vì thế, tất cả những pháp môn Đại, Tiểu, Quyền, Thật do Phật đã nói, không pháp nào chẳng khiến cho chúng sanh trừ khử Hoặc nghiệp huyễn vọng, triệt chứng Phật Tánh sẵn có. Vì thế, đời có kẻ ngu độn cùng cực, do tu trì lâu ngày liền đạt được đại trí huệ, đại biện tài.
Liệt Tử quy hết thảy mọi sự về Mạng (số mạng), gây trở ngại chí mong thành thánh, thành hiền của con người, cổ vũ cái tâm gian ác, soán đoạt của người khác. Đối với kẻ bậc hạ, ắt phải phải chịu họa hại vô cùng; đối với người bậc thượng, cũng làm nhụt khí lực quyết chí, ưu thời mẫn thế, đến nỗi suốt đời chẳng dự vào bậc Thánh Hiền, cứ làm một người tầm thường, thấp kém. Thiên sách ấy (tức sách Liệt Tử của Liệt Ngự Khấu) hoàn toàn vô ích cho đời, há có giá trị gì đáng để nghiên cứu!
* Tôi thường nói: “Nhân dân trong thế gian, trong mười phần, bị chết trực tiếp bởi sắc dục có đến bốn phần, chết gián tiếp vì sắc dục cũng đến bốn phần”. Do sắc dục mà hao tổn, phải chịu đựng các thứ cảm xúc khác mà chết. Đối với những cái chết ấy, không ai là chẳng đổ thừa số mạng, chẳng biết: Do tham sắc mà chết, đều chẳng phải là số mạng!
Mạng vốn nằm trong tay những ai giữ lòng thanh tịnh, trinh khiết, chẳng tham dục sự. Kẻ tham sắc là tự giết hại mình, bảo là số mạng sao được? Còn những người do mạng mà sanh, mạng tận bèn chết, bất quá chỉ một hai phần thôi. Do vậy biết: Quá nửa thiên hạ là hạng uổng tử. Cái họa này rất dữ dội, có một không hai trong đời. Chẳng đáng buồn ư? Chẳng đáng sợ ư?
Cũng có cách chẳng tốn một đồng, chẳng tốn tí ti sức lực gì, lại có thể trở thành bậc đức hạnh cao tột, hưởng an lạc cực lớn, con cháu quý hiển, phước ấm vô cùng, đời sau được quyến thuộc trinh lương, chỉ có giới dâm mà thôi! Đối với việc hành dâm chánh đáng giữa vợ chồng, trong phần trước tôi đã thuật qua về lẽ lợi hại, nay chẳng nhắc lại nữa. Còn đối với việc tà dâm, vô liêm, vô sỉ, cực uế, cực ác, chính là dùng cái thân người để làm chuyện súc sanh.
Vì thế, nếu gái đẹp đến cợt nhả, đàn bà yêu kiều đến xin chung chạ, quân tử coi đó là mối họa ương không gì lớn bằng, bèn cự tuyệt, thì phước chiếu rạng ngời, hoàng thiên ban ân. Kẻ tiểu nhân coi đó là hạnh phúc không chi lớn bằng bèn thâu nạp, ắt đến nỗi bị tai tinh xung chiếu, quỷ thần tru lục. Quân tử do họa được phước, tiểu nhân do họa càng thêm họa. Vì thế, mới nói: “Họa phước vô môn, duy nhân tự chiêu” (họa phước không cửa, chỉ do người tự chuốc lấy). Nếu đối với cái ải nữ sắc, người đời chẳng thể triệt để thấy thấu suốt, thì [những sự như] đức hạnh tột cao, an lạc cực lớn, con cháu quý hiển, phước ấm vô cùng, đời sau quyến thuộc trinh lương sẽ bị mất hết trong giây phút hoan lạc mà thôi! Xót thay!
* Hai chữ Nhân Quả bao gồm trọn vẹn hết thảy các pháp thế gian, xuất thế gian chẳng sót chút gì. Thánh nhân thế gian không ai chẳng dạy nhân quả, nhưng do chuyên chú nơi đạo xử thế, muốn cho nó được kế tục, được lưu truyền, nên chỉ [giảng giải] hạn cuộc trong đời này và thế hệ trước, thế hệ sau, chẳng nói những chuyện trước lúc sanh ra, sau khi chết đi và những điều kể từ vô thỉ trước đến tận đời vị lai sau.
Kẻ hậu học chẳng thể hiểu rõ ý của thánh hiền, bèn cho rằng người và vật có sự sống là do khí thiên địa ngẫu nhiên thấm vào hình hài mà thôi. Còn đến lúc chết, hình hài đã mục nát, hồn cũng phiêu tán, không nhân, không quả, trở thành Đoạn Diệt Kiến. Đã cô phụ thánh giáo, lại còn mê muội tánh linh của mình đến cùng cực vậy! Khổng Tử khen ngợi sách Châu Dịch, ngay câu đầu tiên, Ngài đã nói: “Nhà tích thiện, ắt sự vui có thừa; nhà tích bất thiện, ắt tai ương có thừa”. Cơ Tử trần thuật Hồng Phạm, đã nói: “Thuận theo đạo bèn là ngũ phước, trái nghịch đạo bèn là lục cực”.
Điều thứ hai là nếu chẳng dùng ba đời quá khứ, hiện tại, vị lai để luận, thì những điều trời giáng xuống phần nhiều mâu thuẫn với những ngôn luận của thánh nhân hoặc chánh lệnh của bậc minh quân (chẳng hạn như gian đảng vinh hoa, trung thần bị tru lục; Nhan Uyên chết yểu, Đạo Chích trường thọ...) Nếu biết tiền nhân, hậu quả, [sẽ hiểu] những sự cùng quẫn, hanh thông, được, mất đều do tự mình chuốc lấy. Dù có gặp nghịch cảnh cũng chẳng oán, chẳng hận, chỉ thẹn đức mình kém cỏi, chẳng thấy lỗi lầm của trời, người, vui biết mạng trời, không lúc nào là chẳng tự tại tiêu dao!
* Hết thảy những kẻ chẳng hiểu thấu tột cùng lý sâu và những kẻ vô tri, vô thức, nếu nghe nói đến lý tánh, phần nhiều đề cao thánh cảnh, nhưng vẫn tự làm phàm phu, chẳng chịu mạnh mẽ gắng sức tuân thủ, noi theo. Nếu bảo cho họ biết nhân quả ba đời quá khứ, hiện tại, vị lai, dù thiện hay ác đều có quả báo, ắt họ sẽ sợ ác quả mà đoạn ác nhân, tu thiện nhân hòng được thiện quả. Thiện, ác chẳng ngoài ba nghiệp thân, khẩu, ý. Đã biết nhân quả, sẽ tự phòng giữ thân, miệng, rửa lòng gột ý. Dù ở trong nhà tối, phòng kín, vẫn luôn như đang ở trước Thiên Đế, chẳng dám móng khởi chút tâm hèn kém nào, kẻo vướng phải tội vạ! Đấy chính là đại pháp “trí tri, thành ý, chánh tâm, tu thân” để dạy khắp hết thảy chúng sanh thượng, trung, hạ căn của đức Đại Giác Thế Tôn vậy. Tuy vậy, kẻ cuồng sợ bị câu thúc, bảo đó là chấp tướng; kẻ ngu nhằm tránh khỏi bị xấu mặt, bèn bảo đó là chuyện vu vơ. Trừ hai hạng người ấy ra, có ai lại chẳng tin nhận? Vì thế, ngài Mộng Đông nói: “Người khéo luận về tâm tánh sẽ chẳng thể lìa bỏ nhân quả. Người tin sâu nhân quả, cuối cùng ắt sẽ thấy tâm tánh hết sức rõ rệt”. Lý này tất nhiên là phải như thế. Cần nên biết: Từ địa vị phàm phu cho đến khi viên chứng Phật Quả, đều chẳng ra ngoài nhân quả. Kẻ nào chẳng tin nhân quả đều là hạng tự đánh mất thiện nhân, thiện quả, luôn tạo ác nhân, luôn chịu ác quả, trải kiếp số như bụi trần, luân chuyển trong ác đạo, chẳng thể do đâu mà xuất ly vậy. Buồn thay!
* Phật pháp lưu thông lợi ích vô lượng. Người căn tánh sâu sẽ lãnh hội sâu xa, liền có thể minh tâm kiến tánh, đoạn Hoặc, chứng Chân. Người căn cơ nông cạn lãnh hội nông cạn, cũng có thể cải ác tu thiện, cầu thành Thánh, thành Hiền. Ấy là do đức Như Lai lập giáo, dù chánh yếu là vì xuất thế, nhưng Phật tùy thuận cơ nghi, khuyến dụ dần dần, nên đối với đạo xử thế, Ngài cũng giảng rõ trọn khắp, không bỏ sót mảy may điều thiện nào! Gặp cha nói về từ, gặp con nói về hiếu, anh nhường, em kính, chồng xướng vợ theo, phàm hết thảy những đạo luân thường hằng ngày đều được đức Phật dạy trọn chẳng khác gì với những điều Nho Giáo đã nói.
Chỗ khác biệt là: Đối với mỗi điều ấy, Phật đều chỉ rõ nhân quả ba đời, thiện ác báo ứng, khiến cho người nghe đem lòng kính sợ, chẳng dám vượt phạm. Dù ở trong nhà tối, phòng kín, thường như đang đối trước Phật, trời. Ngay cả hạng tham tàn bạo ác, trọn chẳng có tín tâm, nghe mãi chuyện nhân quả báo ứng, tâm cũng thầm bị chế phục, cũng chẳng đến nỗi mười phần khốc liệt. Cứ xem thời Liệt Quốc, có tục giết người tuẫn táng[1], giết càng nhiều càng vinh hiển; đến khi Phật giáo truyền sang phương Đông mới chấm dứt được thói tục ấy. Điều ấy đủ để chứng minh vậy.
* Đời này đã cách thời Nghiêu, Thuấn, Vũ, Thang, Văn Vương, Võ Vương cả ba bốn ngàn năm, tình đời, lòng người so với thời cổ khác xa lắm. Nhưng do biết lục đạo luân hồi theo nghiệp thăng trầm, sanh lên trời, đọa xuống địa ngục, người biến ra thú, thú sanh làm người, nên dù là hạng cùng hung cực ác ương ngạnh khó giáo hóa, trọn không có tín tâm cũng bị pháp này (nhân quả) chiết phục. Dù coi rẻ mạng người, trong tâm vẫn tiềm ẩn một chút bóng dáng sợ hãi nhân quả, nên chưa đến nỗi mười phần bạo ác. Như các chư hầu thời Liệt Quốc đem bầy tôi, ái thiếp và bá tánh bắt giết tuẫn táng theo cả mấy chục, mấy trăm người, chẳng coi đó là sai; trái lại, còn cho là vẻ vang nữa. Chẳng phải là do pháp nhân quả mà thời này hiền hơn đời trước ư? Châu Văn Vương ân trạch thấm đến cả xương khô, thế mà chỉ mấy trăm năm, phong tục giết người tuẫn táng đã lan khắp thiên hạ. Dù Lão, Trang, Khổng, Mạnh cùng ra đời, đều chẳng thể vãn hồi phong tục suy đồi ấy.
Từ sau khi Phật pháp truyền sang phương Đông, lý sanh tử, luân hồi, nhân quả báo ứng sáng rực trong cõi đời. Chẳng kể chư hầu, ngay cả kẻ hướng mặt về Nam xưng “trẫm”[2] cũng chẳng dám làm. Dù có kẻ dám làm, cũng chẳng dám coi giết nhiều người là vinh. Nếu không có pháp này, chỉ có cái thuyết “chánh tâm, thành ý” để đề cao lòng trung hậu, khoan dung, hòng dốc lòng đùm bọc nhau để dứt trừ tục tuẫn táng trong toàn dân, tôi e rằng càng nhọc nhằn khuyên lơn, thói tệ ấy càng thêm thịnh hành!
Huống nữa, Nho gia chỉ biết trị đạo (đạo bình trị), chẳng hiểu rõ tự tâm, muốn bài xích Phật pháp, cưỡng lập môn đình, đều nói là “chết rồi là vĩnh viễn diệt, không còn có đời sau nữa”. Nếu không có lẽ sanh tử, luân hồi, nhân quả báo ứng của đức Như Lai thấm nhuần khắp tâm con người thì những người đời sau được chánh mạng, chết tốt lành càng hiếm hoi hơn nữa! Đấy chỉ là pháp thiển cận nhất trong Phật pháp, mà còn có thể trừ khử thói tàn sát, huống hồ là đại pháp viên đốn chí cực sâu xa. Thế trí phàm tình há có thể suy lường một phần trong vạn phần lợi ích của Phật pháp ư?
* Phật pháp rộng lớn, không gì chẳng bao gồm, không điều nhỏ nhặt nào lại chẳng nêu lên. Không chỉ như vậy, nương theo đó sẽ còn có thể đoạn Hoặc chứng Chân, liễu sanh thoát tử. Đấy chính là đạo “cách vật trí tri, tu thân, tề gia, trị quốc, bình thiên hạ, minh Minh Đức, chỉ ư chí thiện”. Nếu thấu hiểu Phật pháp thì sự chỉ một nửa, nhưng công gấp bội. Bởi lẽ, những điều thánh nhân thế gian đã nói chỉ nhằm dạy con người tận hết bổn phận; chỉ bậc thượng trí mới có thể tuân hành triệt để. Nếu là hạng căn tánh trung, hạ, sẽ chểnh mảng, coi thường. Phật pháp dạy rõ các sự lý nhân quả báo ứng, sanh tử, luân hồi, và hết thảy chúng sanh đều có Phật tánh, đều có thể thành Phật... ngõ hầu bậc thượng trí ắt sẽ chứng Phật tánh sẵn có; kẻ hạ ngu cũng chẳng dám phóng túng, càn rỡ vì sợ nhận lãnh nỗi khổ trong đời vị lai; tất nhiên sẽ cải ác hướng thiện, mong thành thánh, thành hiền. Dù ở trong nhà tối, phòng kín, vẫn thường như đang đối trước Phật, trời.
Đức Như Lai dùng Tam Quy, Ngũ Giới, Thập Thiện để nhiếp khắp các chúng nam nữ tại gia. Có thể tu Ngũ Giới, Thập Thiện, sẽ thắng được thói tàn sát, bỏ thói kiêu bạc, khôi phục thuần hòa, vĩnh viễn thoát khỏi ác báo tam đồ, thường hưởng sự khoái lạc trong cõi nhân thiên. Pháp nông cạn nhất mà còn như thế, huống hồ là pháp sâu nhất. Vì thế biết rằng: Như Lai là đại sư ba cõi, là cha lành của bốn loài, là thánh nhân của các thánh, là trời của các trời. Bởi thế, vua thánh, tôi hiền, những bậc thông đạt, không ai chẳng tuân lời Phật dạy mà tu tập, hộ trì, lưu thông. Trong hết thảy các pháp lấy tâm làm gốc, chỉ có Phật pháp là giảng rõ rệt đến chỗ rốt ráo!
6.2. Giảng về chuyện nhân quả
* Kinh dạy: “Bồ Tát sợ nhân, chúng sanh sợ quả”. Bồ Tát sợ gặp phải ác quả, nên đã đoạn sẵn ác nhân từ trước. Do vậy, tội chướng tiêu diệt, công đức viên mãn mãi cho đến khi thành Phật mới thôi. Chúng sanh thường tạo ác nhân, muốn tránh khỏi ác quả, giống như ở trước mặt trời lại muốn không có bóng, cứ nhọc nhằn rảo chạy. Thường thấy kẻ ngu vô tri vừa làm một tí điều lành, liền mong đại phước. Vừa gặp phải nghịch cảnh, bèn bảo “làm lành mắc họa, chẳng có nhân quả!” Từ đó, cái tâm ban đầu lùi sụt, ngược ngạo báng bổ Phật pháp. Họ chẳng biết đến ý chỉ huyền áo “quả báo thông ba đời, chuyển biến do tâm”.
Trong đời hiện tại làm thiện hay làm ác; ngay trong đời này được phước, mắc họa thì gọi là “hiện báo”. Đời này làm thiện, làm ác, đời sau được phước, mắc họa, gọi là “sanh báo”. Đời này làm thiện, làm ác, đến đời thứ ba, hoặc đời thứ tư, hoặc mười, trăm, vạn đời sau, hoặc đến vô lượng vô biên kiếp sau mới hưởng phước, mắc họa, thì gọi là “hậu báo”. Hậu báo sớm, chậm bất định. Phàm những nghiệp đã tạo, tuyệt đối không có nghiệp nào lại chẳng có báo.
“Chuyển biến do tâm” là ví như có người đã tạo ác nghiệp, sẽ phải đọa mãi trong địa ngục, chịu khổ cả bao kiếp dài lâu. Về sau, kẻ ấy sanh lòng hổ thẹn lớn lao, phát đại Bồ Đề tâm, cải ác tu thiện, tụng kinh, niệm Phật, tự hành, dạy người khác hành, cầu sanh Tây Phương. Do đó, trong đời này, người ấy bị người khinh miệt hoặc mắc chút bệnh khổ, hoặc phải tạm chịu bần cùng, và gặp hết thảy chuyện chẳng như ý. Nghiệp vĩnh viễn đọa địa ngục chịu khổ bao kiếp dài lâu do chính mình đã tạo trước đây liền bị tiêu diệt, lại còn có thể liễu sanh thoát tử, siêu phàm nhập thánh. Đấy là như Kim Cang đã nói: “Nếu có người thọ trì kinh này, bị người khác khinh rẻ, [là vì] người ấy do tội nghiệp đời trước đáng đọa ác đạo, nhưng vì đời này bị người đời khinh rẻ, nên tội nghiệp đời trước liền bị tiêu diệt, sẽ đắc A Nậu Đa La Tam Miệu Tam Bồ Đề”. Đây chính là ý nghĩa “chuyển biến do tâm”.
* Người đời gặp một chút tai ương nếu chẳng oán trời, cũng sẽ trách người, tuyệt chẳng có ý tưởng trả nợ, sanh tâm sám hối tội lỗi. Cần biết: Trồng dưa được dưa, gieo đậu được đậu, trồng cỏ dại chẳng thể được thóc tốt, gieo gai góc chớ mong lúa nếp!
Kẻ làm ác được phước [thì phước đó] là do đời trước đã vun trồng sâu dầy. Nếu chẳng làm ác thì phước càng thêm lớn. Ví như con em nhà giàu, ăn xài phung phí, xem vàng như đất, chẳng bị đói lạnh ngay lập tức là do vàng nhiều. Nhưng nếu ngày ngày cứ như thế, dù giàu đến trăm vạn, chẳng được mấy năm cũng nhà tan, người chết, mất sạch sành sanh!
Làm lành mắc họa là do tội nghiệp đời trước sâu nặng. Nếu chẳng làm lành thì tai ương càng lớn. Ví như người phạm trọng tội, chưa bị hành hình, lập được công nhỏ; do công nhỏ, nên chẳng thể xá tội hoàn toàn, nhưng đã đổi nặng thành nhẹ. Nếu có thể ngày ngày lập công, do công càng nhiều, càng lớn, nên hết tội, được xá miễn; lại được phong hầu, bái tướng, tước vị thế tập dài lâu cùng vận nước.
* Cần biết: Điều trái nghịch xảy đến, cứ thuận theo, mới gọi là “lạc thiên” (vui theo mệnh trời). Tu thân, gieo đức mới gọi là “tận tánh”. Đời có kẻ ngu chẳng biết thiện ác đời trước, chỉ thấy việc tốt xấu trước mắt, thấy làm thiện mắc họa bèn bảo “thiện chẳng đáng làm”; thấy làm ác được phước bèn bảo “ác chẳng đáng kiêng”. Chẳng biết thiện báo và ác báo chẳng phải là chuyện một sớm, một chiều, phải xảy ra dần dần. Ví như ba thước băng, há có phải là trời lạnh một buổi đã kết thành! Trăm sông đầy ắp nước, há có phải do trời nóng một ngày mà băng tan! Chớ nên oán trời, trách người, cũng đừng do dự, hối hận, lui sụt; hãy nên học theo cách tu thân của ông Du Tịnh Ý và cách lập mạng của ông Viên Liễu Phàm!
* Như Lai giảng kinh, báo thông tam thế. Phàm người sanh con, đại lược có bốn nhân:
- Thứ nhất là hiện báo, nghĩa là đời này làm thiện, làm ác, đời này hưởng phước, mắc họa. Như sĩ tử rèn luyện văn chương khoa cử, thân đời này đạt được công danh. Mắt phàm thấy được điều này.
- Thứ hai là sanh báo, nghĩa là đời này làm thiện, làm ác, đời sau hưởng phước, mắc tội. Như tổ phụ có trọng học vấn thì con cháu mới hiển đạt. Điều này mắt phàm chẳng thấy được, nhưng thiên nhãn còn thấy được (đời này, đời sau đều là ước theo người đó mà nói. Đối với việc cách đời, dùng thí dụ để giảng cho dễ hiểu, nên tạm dùng tổ phụ và con cháu. Đừng chấp vào lời văn mà đánh mất ý nghĩa. Mong lắm thay!)
- Thứ ba là hậu báo, tức là đời này làm thiện, làm ác, đến đời thứ ba, hoặc bốn, năm, sáu, bảy đời, hoặc mười, trăm, ngàn, vạn đời, hoặc một, mười, trăm, ngàn, vạn kiếp, hoặc là đến vô lượng vô biên Hằng hà sa kiếp mới nhận lãnh quả báo thiện hay ác. Như vương nghiệp nhà Thương, nhà Châu xưa kia, thật sự bắt nguồn từ việc ông Tắc giúp vua Thuấn, ông Khiết phò vua Vũ[3].
Nếu là chuyện trong ba bốn đời, thiên nhãn còn thấy được. Nếu như trong trăm ngàn vạn kiếp, thiên nhãn chẳng thể thấy, nhưng đạo nhãn của Thanh Văn còn thấy được. Nếu là vô lượng vô biên Hằng hà sa kiếp, chỉ có ngũ nhãn viên minh của đức Như Lai mới có thể thấy. Đấy còn chưa phải là cảnh giới thuộc đạo nhãn của Thanh Văn, huống hồ là thiên nhãn, nhục nhãn ư!
Hiểu ý nghĩa của ba thứ báo này thì chuyện làm thiện được phước, làm ác tai họa giáng xuống, thánh ngôn vốn chẳng sai lầm. Phú quý, bần tiện, thọ, yểu, cùng quẫn, hanh thông, mạng trời chưa từng thiên vị. Cảnh duyên xảy đến như hình ảnh hiện trong gương. Kẻ trí chỉ quan tâm đến vẻ mặt ở ngoài gương, người ngu uổng công ghét hình ảnh hiện trong gương. Chuyện trái nghịch xảy đến, vui chịu thì mới gọi là “lạc thiên”. Chẳng oán, chẳng trách mới gọi là “lập mạng”.
Con có bốn nhân là: Một là báo ân, hai là báo oán, ba là trả nợ, bốn là đòi nợ.
- Báo ân nghĩa là trong đời trước cha mẹ có ân với con. Vì để báo ân, nên nó sanh vào làm con để hầu hạ, phụng dưỡng, sống phụng sự, chết chôn cất. Cho nên [cha mẹ còn] sống, con ắt chăm sóc, chết thì cúng giỗ. Thậm chí tận tụy với vua, lợi dân, tên lưu sử xanh, khiến cho thiên hạ hậu thế kính người ấy bèn kính luôn cả cha mẹ, như các ông Tăng Lỗ Công, Trần Trung Túc, Vương Quy Linh, Sử Đại Thành (Ba ông Tăng, Trần, Vương đều là bậc danh thần đời Tống. Ông Sử là trạng nguyên đầu đời Thanh. Bốn ông cùng tin Phật, nhưng chỉ riêng Trung Túc ngộ nhập rất sâu. Do ông Trung Túc đời trước là cao tăng, nên tuy hưởng phú quý vẫn không quên mất bổn nhân). Con hiếu, cháu hiền trong đời này đều thuộc về loại này.
- Báo oán là đời trước cha mẹ từng phụ ân con, nên sanh vào làm con để báo oán. Lúc nhỏ ngỗ nghịch khiến cho cha mẹ buồn lòng, lớn lên gây họa khiến cha mẹ mắc vạ lây. Lúc sống, ngọt bùi chẳng đoái, chết đi phải mang nhục dưới chín suối. Lại còn những trường hợp quá đáng, con có quyền vị trọng yếu, mưu mô chuyện phi pháp, diệt môn, sát tộc, quật mồ, cuốc mả, khiến cho thiên hạ hậu thế thóa mạ kẻ ấy, chửi lây cả cha mẹ. Như Vương Mãng, Tào Tháo, Đổng Trác, Tần Cối v.v... chính là loại này.
- Đền nợ là đời trước mắc nợ cha mẹ tiền tài. Nay để đền trả bèn sanh làm con. Nếu nợ nhiều, sẽ làm con suốt đời. Nếu nợ ít, chẳng thể tránh khỏi giữa chừng chết trước cha mẹ, như học sắp thành tài bèn mất mạng, buôn bán vừa có lời bèn chôn thân.
- Đòi nợ là đời trước cha mẹ nợ tiền tài của con, nó bèn sanh vào làm con để đòi nợ. Nợ nhỏ sẽ uổng công biếu xén mời thầy [dạy học], dạm vàng hỏi vợ, dạy răn các thứ, những mong con được thành người, nhưng đại hạn chợt xảy đến, bỗng chết mất. Nợ lớn thì chẳng chỉ có vậy, ắt còn phải mất nghiệp phá sản, nhà bại, người mất mới thôi!
* Chuyện trong thiên hạ đều có nhân duyên. Sự được thành hay chăng đều do nhân duyên xui khiến. Dù có người làm cho việc thành hay hoại, nhưng quyền lực thật sự là do nhân trước của ta, chứ chẳng do duyên hiện tại. Hiểu điều này, sẽ vui biết mạng trời, chẳng oán, chẳng trách, làm đúng theo địa vị, chẳng chứng nhập mà tự đạt được vậy.
* Đối với chuyện vun bồi đức, hãy nên thường xem các sách [Thái Thượng] Cảm Ứng Thiên, Âm Chất Văn. Đối với điều thiện sẽ tùy phận, tùy lực mà hành. Đối với điều ác bèn bỏ đi như oán, như thù. Ông Viên Liễu Phàm hành pháp Công Quá Cách, nghiêm túc suy xét, lãnh hội, chẳng có mảy may buông lung. Vì thế, mạng vốn chẳng thọ bèn được thọ, không có đại công danh mà được đại công danh, không con bèn có con.
* Phàm những người hiển đạt nhờ khoa cử, tổ phụ của họ đều có đại âm đức. Nếu không có âm đức, cậy vào sức người để hiển đạt, sau này ắt gặp đại họa; chẳng thà không hiển đạt còn hơn. Xem khắp cuộc đời của các bậc đại thánh, đại hiền xưa nay, đều là do tổ phụ họ tích đức mà nên. Đại phú, đại quý cũng thế. Con cháu họ sanh ra trong phú quý, chỉ biết hưởng phước, tạo nghiệp, quên mất công sức tổ phụ một phen vun bồi. Do đấy, chôn vùi tổ đức, phá sạch tổ nghiệp, cam chịu bần tiện. Đấy chính là bệnh chung của kẻ phú quý trong cả cõi đời.
Đời đời giữ cho đức tổ tiên vĩnh cửu chẳng bị chìm lấp chỉ có mỗi nhà họ Phạm ở Tô Châu là bậc nhất từ xưa đến nay. Từ Văn Chánh Công (Phạm Trọng Yêm) đời Tống trở đi, đến mãi cuối đời Thanh, hơn tám trăm năm, gia phong chẳng suy sụp, con cháu nối tiếp nhau đỗ đạt, đáng gọi là nhà thư hương đời đời. Nhà họ Bành ở Trường Châu từ đầu đời Thanh đến nay, khoa bảng đứng đầu thiên hạ. Nhà ấy có bốn năm người đỗ trạng nguyên, có lúc cả mấy anh em cùng làm quan cực phẩm. Nhưng họ đời đời sùng phụng Phật pháp, dù là trạng nguyên, tể tướng vẫn hằng ngày đọc Cảm Ứng Thiên, Âm Chất Văn để noi gương thành ý, chánh tâm, tận tụy thờ vua, giúp dân. Gã học trò ngông cuồng kia bảo những sách ấy dành cho hạng ông già, bà cả quê mùa tin theo, không chỉ chẳng biết vì sao thánh hiền là thánh hiền, mà còn chẳng biết vì sao con người là người nữa kia! Sống làm thây đi, thịt chạy, chết mục nát cùng cỏ cây. Lại còn ác nghiệp khó tiêu, vĩnh viễn trầm luân trong ác đạo. Gã ấy cứ vênh váo tự coi mình là hạng học rộng thông suốt, đến nỗi đời sau, những danh từ “thiên, địa, phụ mẫu” còn chẳng được nghe đến, kể sao cho xiết?
* Đừng có nói nhà mình nghèo hèn, chẳng thể rộng chứa âm đức, chẳng thể hành phương tiện lớn. Phải biết rằng ba nghiệp thân, khẩu, ý đều ác thì không có gì ác bằng, còn nếu ba nghiệp thân, khẩu, ý đều thiện thì không có chi thiện bằng! Còn nếu có kẻ ngu chẳng tin nhân quả, chẳng tin tội phước báo ứng, cứ ngông nghênh, ngạo ngược, hãy dựa theo những điều đã nói trong An Sĩ Toàn Thư để giảng cho kẻ ấy, khiến cho hắn bắt đầu dần dần tin tưởng nhân quả, kế đó là tin sâu Phật pháp, cuối cùng là vãng sanh Tây Phương, liễu sanh thoát tử. [Độ] một người như thế, công đức vô lượng vô biên, huống hồ là nhiều người. Nhưng chính mình phải nghiêm túc, không có tỳ vết thì mới có thể cảm ứng những người cùng một căn tánh. Vợ con ta tin nhận, vâng làm, người khác trông thấy mới ham thích, há có phải là nhiều tiền lắm của [thì mới tích chứa âm đức được]!
* Người sanh trong thế gian có được cái vốn để thành đức, thành tài, dựng công lập nghiệp, và có được một tài, một nghề để nuôi thân cùng gia đình, đều là do sức chủ trì của văn tự mà được thành tựu. Chữ nghĩa là của cải quý báu nhất trong thế gian, có thể khiến cho kẻ phàm thành thánh, biến kẻ ngu thành trí, kẻ nghèo hèn thành phú quý, kẻ tật bệnh trở thành khỏe mạnh. Đạo mạch thánh hiền được lưu truyền thiên cổ; kinh doanh nuôi sống mình và gia đình, để của cải lại cho con cháu, không chuyện gì chẳng nhờ vào sức lực của chữ nghĩa. Nếu trên đời không có chữ nghĩa, hết thảy Sự Lý sẽ đều chẳng thể thành lập, con người cũng chẳng khác gì cầm thú!
Chữ nghĩa đã có công sức như thế, tất nhiên phải nên trân trọng, yêu tiếc. Trộm thấy người đời nay mặc tình khinh thường, làm nhơ chữ nghĩa, đúng là xem của cải chí bảo chẳng khác phân, đất! Đời này chẳng bị giảm phước, tổn thọ; đời sau cũng bị vô tri, vô thức đấy thôi! Không chỉ đừng nên xem thường, làm ô uế, vứt bỏ những văn tự hữu hình; mà đối với những văn tự vô hình cũng chẳng được khinh thường, làm ô uế, vứt bỏ! Nếu chẳng ra sức thực hành “hiếu, đễ, trung, tín, lễ, nghĩa, liêm, sỉ” tức là đã mất cả tám chữ. Tám chữ ấy đã mất thì sống là loài cầm thú mặc áo, đội mũ; chết sẽ đọa trong tam đồ, ác đạo!
6.3. Giải thích về nguyên do của kiếp vận
* Sự khổ trong Sa Bà chẳng thể nói hết nổi. Dù trong thời thanh bình, hằng ngày vẫn gặp cảnh khổ não. Vì chúng sanh quá quen với những cảnh khổ ấy đã lâu, nên chẳng biết đó thôi! Gần đây, Trung Quốc trải mấy phen binh lửa, đã là khổ chẳng thể nói nổi! Ngoài thế giới, các nước đại chiến đã ba năm, người chết gần cả ngàn vạn, khai mào nạn binh kiếp bậc nhất. Tình hình chiến tranh vẫn còn mạnh mẽ, chẳng biết mức độ khốc liệt sẽ đến đâu, lặng im suy nghĩ, thật đáng kinh sợ vậy. Nguyên nhân là do nước nọ tận lực muốn chiếm đoạt, tàn diệt nước kia, nhưng cũng là do ác nghiệp xưa kia của chúng sanh chiêu cảm ác báo, nên mới đến nỗi cực kỳ tàn khốc như thế. Nay nghe lời này, phải nên mạnh mẽ phát khởi đại tâm cầu mau được vãng sanh. Sau đấy, sẽ trở vào Sa Bà phổ độ hết thảy.
Kinh dạy: “Bồ Tát sợ nhân, chúng sanh sợ quả”.  Bồ Tát sợ chiêu lấy ác quả, nên đoạn ác nhân. Ác nhân đoạn rồi, ác quả chẳng sanh từ đâu được nữa! Chúng sanh đua nhau tạo nhân ác, ắt phải lãnh quả ác. Đến lúc lãnh quả ác, chẳng biết tự sám hối nghiệp trước, lại còn tạo thêm ác pháp để chống chọi lại. Do đó, oan oan tương báo trải bao kiếp không ngừng. Chẳng đáng buồn sao? Chẳng đáng sợ sao? Đã biết như vậy rồi, lẽ đâu chẳng cầu sanh Tây Phương!
* Cõi đời đang lúc Kiếp Trược, cướp bóc, giết hại lẫn nhau. Chẳng có lá bùa hộ thân, sẽ khó thể tránh khỏi họa hại được mãi! Lá bùa hộ thân vừa nói đó cũng chỉ là chí thành lễ niệm A Di Đà Phật mà thôi! Quán Âm Đại Sĩ thệ nguyện rộng sâu, nghe tiếng cứu khổ, có cảm ắt ứng. Ngoài việc sáng chiều lễ Phật ra, hãy nên lễ niệm thêm Đại Sĩ hòng ngầm được gia hộ, tự có thể chuyển họa thành phước, biến tai nạn thành điều tốt lành mà chính mình chẳng biết.
* Thiên hạ loạn lạc, kẻ thất phu phải có trách nhiệm. Người người ai nấy dốc tấm lòng thành, ai nấy tận lực hiếu đễ, ai nấy làm điều từ thiện, giúp đỡ kẻ cô quả, cứu kẻ hoạn nạn, thương xót kẻ nghèo, kiêng giết, phóng sanh, ăn chay, niệm Phật. Người có thiện cảm, trời ắt ứng phước, tự nhiên mưa thuận, gió hòa, dân yên, vật mạnh, quyết chẳng đến nỗi trời thường giáng các tai nạn lụt, hạn, ôn dịch, châu chấu, gió lốc, động đất... Thời tiết điều hòa, được mùa, nhân dân an cư lạc nghiệp.
Lại thêm từ hòa, nhân nhượng tập quen thành thói. Dù có một hai kẻ ngu độn, cũng sẽ biến thành hiền lành. Nếu thương xót kẻ quân tử trên xà nhà[4], hắn sẽ dứt tuyệt vĩnh viễn thói trộm cắp; chu cấp cho đứa trộm rình rập nhà kín, từ đấy về sau nó sẽ trở thành người lành. Cổ nhân dùng nhân từ để cai trị, chân thành yêu dân, nên còn có thể cảm hóa cả dị loại. Các điềm lành như hổ chẳng vào nơi trấn nhậm, cá sấu bỏ đi nơi khác... được chép trong sử sách, há phải chỉ có một chuyện! Nếu ai nấy thật sự có thể dùng lòng từ thiện để cảm động lẫn nhau, quyết chẳng đến nỗi thường có các tai họa thổ phỉ, đao binh, giầy xéo, cướp bóc!
* Hãy nên biết rằng: Phật pháp lấy nhân quả báo ứng làm đạo trọng yếu kể từ khởi đầu cho đến lúc kết thúc, ngõ hầu hạ học thượng đạt. Nay kẻ trên không giữ đạo, kẻ dưới chẳng tuân phép tắc, tàn hại lẫn nhau, lấy giết chóc làm vui, chỉ mong thỏa thích ý mình, chẳng đoái hoài quốc gia diệt vong, dân tình thống khổ. Đấy đều là do chẳng biết nhân quả báo ứng mà nên nỗi. Tôi thường nói: “Nhân quả là phương tiện lớn lao để thánh nhân thế gian và xuất thế gian bình trị thiên hạ, độ thoát chúng sanh”. Trong lúc này, chẳng đề xướng sự lý nhân quả báo ứng, sanh tử, luân hồi, mà muốn thiên hạ thái bình, nhân dân an lạc, dù Phật, Tổ, thánh hiền cùng ra đời cũng chẳng biết làm sao được!
* Thế đạo suy sụp, lòng người bạc bẽo là do Nho Gia chẳng biết đạo ở chỗ cung kính thực hành, một mực đuổi theo cái ngọn. Phàm đối với những nghĩa lý như khắc kỷ, giữ lễ, ngăn lòng tà, giữ lòng thành, họ chẳng cần biết đến, cứ lo thuộc lòng từ chương hòng làm cái vốn để tấn thủ trong cõi đời, khiến cho cái đạo “tham tán hóa dục” (tham dự và góp phần điều tiết sự vận hành trong tự nhiên) của thánh nhân trở thành một ngón nghề để thâu đoạt danh lợi. Đấy thật là báng nhục thánh hiền, trái nghịch thiên địa đến cùng cực! Do vậy, người đọc sách tâm chẳng hiểu nghĩa sách, thân chẳng hành theo đạo lý dạy trong sách. Người làm văn cứ phô diễn đạo lý hiếu đễ, trung tín, lễ nghĩa, liêm sỉ chẳng sót mảy may, nhưng xét đến ý nghĩ, việc làm [của họ], tuyệt chẳng có chút mảy may nào liên quan đến những điều ấy cả. Khác nào con hát diễn tuồng, khổ, sướng, vui, buồn, diễn giống hệt như thật, chứ thật sự ra những tâm trạng ấy chẳng có mảy may liên quan gì đến chính mình! Thói tệ ấy đã nẩy sanh, dần dà đến mức biến đổi tận gốc. Do vậy, người có thiên tư quen thói cuồng vọng, thẹn phải theo vết Nghiêu, Thuấn, Châu, Khổng, bèn muốn vượt trỗi hơn, rốt cuộc phế bỏ kinh điển thánh hiền, tôn sùng Âu hóa, một người đề xướng, trăm kẻ hùa theo, đến nỗi những kẻ tiểu nhân hèn kém tầm thường do muốn thỏa ý niệm mặc sức phóng túng không kiêng kỵ của mình bèn vội vã đề xướng lật đổ cương thường đạo lý gây trở ngại cho họ, muốn gấp rút thực hành chủ trương tệ hại gây hại lớn lao cho quần chúng, khiến cho dân không có cách gì an ổn, đến nỗi thiên tai, nhân họa liên tục giáng xuống. Vận nước nguy ngập, dân không lẽ sống. Ví như đi đêm bỏ đuốc, vượt biển bỏ thuyền, lại mong chẳng bị té ngã, chìm đắm, há có được chăng?
* Gần đây thế đạo nhân tâm suy sụp, chìm đắm đến cùng cực. Thiên tai, nhân họa liên tục giáng xuống. Người biết lo cho đời, biết các nghiệp quả ấy đều do sát hại khởi lên. Nếu đã biết vật còn chẳng nên giết, quyết chẳng có lẽ nào giết người! Do vậy, ai nấy ôm lòng từ thiện, nâng đỡ lẫn nhau, sẽ tự có thể thay đổi phong tục, chiêu cảm thiên hòa vậy.
* Cần nên biết: Phóng sanh chính là để ngăn ngừa giết chóc. Muốn tránh giết chóc thì phải bắt đầu bằng ăn chay. Nếu như ai nấy đều kiêng giết, ai nấy đều ăn chay thì nhà nhà tu tập từ thiện, người người tuân hành đề cao lễ nghĩa, phong tục thuần mỹ, thời tiết điều hòa, mùa màng sung túc, có đâu đến nỗi kiếp đao binh khởi, kẻ này người kia tàn hại lẫn nhau! Đấy chính là nhiệm vụ căn bản trọng yếu, gốc chánh, nguồn trong để vãn hồi thiên tai, nhân họa. Phàm những ai muốn cửa nhà yên vui, thân tâm khỏe mạnh, an ổn, thiên hạ thái bình, nhân dân an lạc, xin hãy đều mong cầu những điều ấy bằng cách phóng sanh, kiêng giết, ăn chay, niệm Phật thì cầu gì lại chẳng được!
* Gần đây, thiên tai nhân họa liên tiếp xảy ra quá đỗi, số người tử vong càng nhiều thê thảm. Há có phải là đạo trời bất nhân? Thật ra là do ác nghiệp trong bao kiếp và trong đời này chiêu cảm đó thôi. Tuyệt đối chẳng có chuyện không có nhân lại được quả, cũng tuyệt đối chẳng có chuyện tạo thiện nghiệp lại bị quả ác! Chỉ vì tri kiến phàm phu chẳng thể biết rõ nhân duyên đời trước, nên tựa hồ có trường hợp lẽ ra chẳng đáng được nhưng lại được. Nếu có thể xem trọn nhiều kiếp, nhiều đời, sẽ thấy mỗi một quả báo thiện hay ác ta phải nhận lãnh đều như tiếng vọng đi theo âm thanh, như bóng theo hình, trọn chẳng sai khác!
* Nay thế đạo nhân tâm suy sụp, khuyết hãm đã đến cực điểm. Nếu chẳng dùng nhân quả, báo ứng, sanh tử, luân hồi và “hết thảy chúng sanh đều có Phật tánh, đều có thể thành Phật” để dạy dỗ, quyết khó lòng đạt được hiệu quả! Do một niệm tâm tánh của chúng ta bất biến tùy duyên, tùy duyên bất biến, hễ gặp tịnh duyên bèn chứng Tam Thừa và Phật pháp giới; gặp duyên mê nhiễm sẽ thành nhân thiên và tứ ác thú pháp giới[5]. Dù mười pháp giới thăng trầm, khổ vui khác xa như trời với đất, nhưng tâm tánh vốn sẵn có tại phàm chẳng giảm, tại tánh chẳng tăng.
Nếu hiểu kỹ nghĩa này, dù có táng thân mất mạng, quyết chẳng chịu bỏ đi tịnh duyên đã ngộ để theo đuổi nhiễm duyên, đến nỗi luân hồi mãi mãi, chẳng thể thoát nổi! Vì thế, biết rằng các pháp như nhân quả, báo ứng, sanh tử, luân hồi v.v... chính là đại đạo để trị cả gốc lẫn ngọn, phàm lẫn thánh đều cùng tuân theo, là phương tiện lớn lao để thánh nhân thế gia và xuất thế gian bình trị thiên hạ, độ thoát chúng sanh. Trong lúc này, nếu bỏ đi pháp này, dù Nghiêu, Thuấn, Vũ, Thang, Văn Vương, Vũ Vương, Châu, Khổng cùng ra đời, cũng chẳng làm gì được!
* Ba cõi chẳng yên hệt như nhà lửa, các khổ đầy dẫy, thật đáng kinh sợ! Chúng sanh ngu si thường trụ trong ấy, dẫu chịu khổ đến cùng cực, vẫn chẳng cầu xuất ly. Dù sẵn có Phật tánh, nhưng vì mê muội, trái nghịch, nên lại trở thành cái gốc để khởi Hoặc tạo nghiệp đến nỗi trải kiếp số như trần sa, không có cách nào giải thoát. Chẳng đáng buồn ư? Huống hồ hiện thời thế đạo, lòng người nguy hãm, chìm đắm đến cùng cực, sát kiếp thê thảm từ xưa chưa từng nghe.
Lại thêm trào lưu tân học bài bác “không nhân quả”, chê những lời nghị luận đạo đức của thánh hiền là hủ bại, vu vơ, mặc tình đề xướng những ý kiến do chính mình ức đoán. Kẻ quáng dẫn lũ mù, lôi nhau vào lửa, đến nỗi thiên tai, nhân họa liên tục giáng xuống. Lũ dân ngây ngô thật đáng thương xót. Bởi thế, những người có tâm lo cho đời bèn mạnh mẽ phát đại chí, muốn cứu giúp dân. Những nghiệp quả ấy đều do chỉ biết tự tư, tự lợi, chẳng biết nhân quả ba đời, thiện ác báo ứng, tưởng là người chết đi, thần thức liền diệt, chẳng có linh hồn thuận theo nhân duyên tội phước thọ sanh trong trời người hay đọa vào tam đồ, ác đạo! Nếu thiện hay ác cũng đều bị diệt mất như nhau, lẽ nào chẳng tùy ý làm bất cứ chuyện gì cốt sao thân tâm khoái lạc ư? Do vậy, đối với những việc nghịch thiên, trái lý, tổn người, lợi mình, cùng với giết hại sanh mạng cốt sao thỏa thích miệng bụng, bèn đua nhau ào ạt làm, chẳng e dè chi!
Nếu biết nhân quả ba đời, sẽ liền sợ phải thọ báo, chẳng dám móng khởi chút ý niệm, huống hồ là thực hành những việc ấy ư? Vì vậy, biết rằng: Sự Lý nhân quả ba đời, sanh tử, và luân hồi do đức Phật ta đã giảng chính là vầng huệ nhật trong đêm dài vô minh. Niệm Phật cầu sanh Tây Phương Cực Lạc thế giới chính là thuyền Từ trong biển khổ sanh tử. Muốn vãn hồi kiếp vận, bỏ qua pháp này, sẽ không còn có cách nào!
6.4. Giảng những điểm trọng yếu trong việc kiêng giết
* Đại đức của trời đất là Sanh, đại đạo của Như Lai là Từ. Người và vật tuy khác, tâm tánh là đồng. Như Lai xem khắp cả tam thừa lục phàm đều như con một. Vì sao vậy? Do họ đều có Phật tánh, đều có thể thành Phật. Tam thừa hãy để đó. Lục phàm là trời, người, A-tu-la, súc sanh, ngạ quỷ, địa ngục. Tuy có cao thấp khác nhau vời vợi, khổ vui khác nhau thăm thẳm, nhưng đều chưa đoạn được Hoặc nghiệp, chưa thoát khỏi sanh tử. Phước trời nếu hết liền phải đọa xuống, tội trong địa ngục nếu tiêu bèn lại sanh lên, giống hệt như bánh xe, hết lên cao lại xuống thấp.
Ta nay may được làm thân người, lẽ ra phải khéo léo bày cách để cứu giúp, thương tiếc sanh mạng loài vật, thể hiện đức hiếu sanh của trời đất, thể hiện lòng nhân trắc ẩn trong tâm ta. Ấy là vì các loài vật và ta cùng sống trong vòng trời đất, cùng hưởng sự sanh trưởng, dưỡng dục của trời đất. Lại cùng biết tham sống, cùng biết sợ chết. Người có lòng nhân đối với xương khô còn nhặt lấy đem chôn, đối với cỏ cây còn để mọc dài chẳng chặt, há chịu vì sung sướng bụng miệng mà khiến cho các loài vật trên cạn, dưới nước phải chịu nỗi khổ cắt, xẻ, nung, nấu ư? Cần biết rằng các loài vật từ vô thỉ đến nay cũng từng ở địa vị cao sang, tôn quý, oai quyền hiển hách, chẳng biết mượn oai quyền để vun bồi ân đức; trái lại, cậy quyền tạo nghiệp, rốt cuộc khiến cho ác nghiệp chất chứa như rừng, đọa trong dị loại, miệng chẳng nói được, tâm không suy nghĩ, thân không tài khéo, nên mắc phải nạn này. Tuy kẻ mạnh ăn thịt kẻ yếu là chuyện đã đành, nhưng oán hận đã kết, há chẳng đời đời kiếp kiếp lo báo thù cái oán niệm này chăng?
Ví dù con người chẳng nghĩ đến nỗi khổ của những con vật bị giết, lẽ nào chẳng sợ oán nghiệp kết sâu, thường bị chúng giết lại hay sao? Lại chẳng sợ tàn hại loài vật của trời, trời sẽ đoạt mất phước thọ của mình hay sao? Con người chỉ mong quyến thuộc đoàn tụ, thọ mạng dài lâu, thân tâm yên vui, các duyên như ý, rất nên phát tâm đại bi, thực hành phóng sanh, khiến cho thiên, địa, quỷ thần thảy đều thương xót tấm lòng thành thương loài vật của ta, sẽ khiến cho những điều ta mong mỏi được thành tựu.
Nếu cậy mình có tiền tài, mình có trí lực, bày ra đủ cách bắt lấy các con vật hòng thỏa mãn bụng miệng mình, chẳng kể đến nỗi thống khổ của chúng, há còn đáng gọi là con người đứng cùng với trời đất thành Tam Tài hay chăng? Nhưng ta với bọn chúng cùng trong sanh tử từ vô thỉ đến nay, cố nhiên chúng đều là cha, mẹ, anh, em, thê thiếp, con cái của mình, mình cũng là cha mẹ, anh em, thê thiếp, con cái của chúng. Mỗi con vật ấy trong khi làm người hoặc lúc trong dị loại, từng bị ta giết; ta cũng trong lúc làm người, hoặc trong lúc làm dị loại, từng bị chúng giết. Làm kẻ oán, người thân, sanh ra nhau, giết hại lẫn nhau. Lặng im suy nghĩ, thẹn chẳng muốn sống nữa! Gấp rút sửa đổi, hối hận, vẫn còn là chậm, huống hồ cứ quen thói cũ, vẫn chấp mê tình, cho rằng trời sanh ra dị loại vốn để làm thức ăn cho con người ư? Ta vẫn còn đầy đủ Hoặc nghiệp, nên không có cách nào thoát khỏi luân hồi. Vạn nhất, chúng nó tội đã diệt, lại sanh làm người, thiện căn phát sanh, nghe pháp tu hành, đoạn Hoặc, chứng Chân, đạt thành Phật đạo. Nếu ta đọa lạc, còn mong chúng sẽ rủ lòng Từ cứu viện, ngõ hầu lìa khổ được vui, đích thân chứng Phật tánh. Há có nên cậy vào sức mạnh một thời để đạt [nỗi khổ] bao kiếp dài lâu không được cứu vớt hay chăng?
* Cần biết: Người cùng loài vật cùng mang cái thân huyết nhục này, cùng có tánh linh tri, cùng sống trong vòng trời đất. Chỉ do đây kia tội phước bất đồng, đến nỗi đời này hình chất thông linh hay ngu xuẩn sai khác. Cậy ta mạnh hiếp loài yếu, dùng thịt chúng nó để no đẫy bụng mình, khoái lòng thích chí, cho đó là phước báo. Chẳng biết rằng một khi phước lực đã tận, nghiệp báo hiện tiền, lúc bị người giết chóc, thân chẳng kháng cự lại được, miệng chẳng thể nói, trong lòng buồn sợ, đau đớn, khổ sở, mới biết chuyện ăn thịt là một tội vạ lớn vậy. Người ăn thịt đúng là La Sát, dù chẳng giết người để ăn thịt cũng không được. Vì thế, kinh Lăng Nghiêm nói: “Do người ăn dê, dê chết thành người, người chết thành dê. Như thế cho đến mười đời. Chết chết, sống sống, ăn nuốt lẫn nhau, ác nghiệp cùng sanh đến cùng tột đời vị lai”.
Lại còn nhiều kiếp đến nay sanh ra lẫn nhau. Đã không có đạo lực để cứu tế, nỡ nào để chúng nó bị dao xả cực khổ, hòng miệng lưỡi của ta hưởng vị ngon chăng? Trong kinh Nhập Lăng Già, đức Thế Tôn bao lần quở trách chuyện ăn thịt. Có đoạn chép: “Hết thảy chúng sanh từ vô thỉ đến nay ở trong sanh tử luân hồi chẳng ngơi. Không ai chẳng từng làm cha mẹ, anh em, quyến thuộc, con cái, cho đến bằng hữu thân ái, kẻ hầu. Qua đời khác, phải thọ các thân chim, thú... sao lại dùng chúng nó để ăn?” Phàm những ai sát sanh ăn thịt, nếu nghĩ đến điều này, ắt sẽ giật mình kinh sợ, tỉnh ngộ, thà tự giết mình, chẳng thể giết hết thảy loài vật nữa!
* Ta cùng hết thảy chúng sanh đều ở trong luân hồi; từ vô thỉ đến nay thay phiên sanh ra nhau, lần lượt giết nhau. Cố nhiên ai nấy đều từng là cha mẹ, anh em, chị em, con cái của chúng ta, ta cũng từng là cha mẹ, anh em trai, chị em gái, con cái của mỗi kẻ đó. Cố nhiên, bọn họ do sức ác nghiệp trùng trùng mà ở trong loài người hoặc trong dị loại bị ta giết hại, ta cũng do sức ác nghiệp trùng trùng mà ở trong loài người hoặc trong dị loại bị chúng giết hại. Trải kiếp dài lâu, sanh ra nhau, giết lẫn nhau, trọn chẳng ngừng nghỉ. Phàm phu chẳng biết, Như Lai thấy thấu triệt. Chẳng nghĩ thì thôi, hễ nghĩ đến, hổ thẹn, đau xót khôn ngăn! Ta nay may nhờ phước thiện đời trước, sanh trong loài người, tất nhiên nên giải trừ oán hận, tháo mối trói buộc, kiêng giết, phóng sanh, khiến cho hết thảy những loài có sanh mạng đều được yên ổn. Lại còn vì chúng nó niệm Phật hồi hướng Tịnh Độ khiến chúng được độ thoát. Dẫu chúng nó nghiệp nặng chẳng thể vãng sanh ngay, nhưng nương vào công đức từ thiện này, quyết mong khi lâm chung vãng sanh Tây Phương. Đã vãng sanh rồi, liền được siêu phàm nhập thánh, liễu sanh thoát tử, vĩnh viễn thoát khỏi luân hồi, dần dần chứng Phật Quả.
Vả nữa, thương yêu loài vật, phóng sanh, cổ thánh tiên hiền đều làm chuyện ấy. Vì thế, kinh Thư có đoạn văn nói “chim, thú, cá, ba ba đều được yên vui”. Văn Vương thương xót cả xương khô, huống hồ gì loài vật có tri giác! Còn như Giản Tử thả chim bồ câu, Tử Sản nuôi cá, Tùy Hầu cứu rắn, Dương Bảo cứu chim sẻ. Đấy là do tấm lòng nhân bình đẳng của Thánh Hiền, chứ họ đâu biết nghĩa lý: “Mỗi loài hàm linh xuẩn động đều có Phật tánh, lần lượt thăng trầm, làm kẻ oán, người thân của nhau, tương lai quyết định thành Phật”.
Mãi đến khi đại giáo truyền sang Đông, lý nhân quả ba đời, chúng sanh - Phật - tâm bình đẳng vô nhị mới được sáng rực trong đời. Phàm là bậc đại thánh, đại hiền, không ai là chẳng kiêng giết, phóng sanh, hòng vãn hồi sát kiếp, hòng bồi đắp phước quả, dứt đao binh hầu làm nền tảng vui hưởng tuổi thọ. Cổ nhân nói: “Dục tri thế thượng đao binh kiếp; tu thính đồ môn bán dạ thanh” (Muốn biết binh đao trên cõi thế, lò mổ nên nghe tiếng giữa đêm). Lại nói: “Dục đắc thế gian vô binh kiếp, trừ phi chúng sanh bất thực nhục” (muốn cho thế giới thái bình, trừ phi nhân loại đồng tình ăn chay). Do vậy, biết rằng: “Kiêng giết, phóng sanh” chính là kế sách tốt lành hòng dứt tận rễ, lấp tận nguồn để cứu đời vậy.
* Nếu nói: “Kẻ quan, quả, cô, độc[6], bần cùng, hoạn nạn, đâu đâu cũng có, sao chẳng chu cấp cho họ, cứ khăng khăng lo cho bọn dị loại chẳng có quan hệ gì với mình? Chẳng phải là đảo lộn chuyện hoãn, gấp, nặng, nhẹ ư?” Đáp rằng: Ông chưa biết nguyên do đức Như Lai dạy con người kiêng giết, phóng sanh. Người và vật tuy khác, Phật tánh vốn đồng. Chúng nó do ác nghiệp, nên đắm chìm trong dị loại; ta do thiện nghiệp, may được làm thân người; [thế mà] chẳng tăng thêm lòng lân tuất (xót thương, giúp đỡ), lại còn mặc sức ăn nuốt; một mai phước ta đã hết, tội chúng nó đã tận, khó tránh ta phải đền nợ từng mạng, hòng no thỏa bụng miệng của chúng nó.
Phải biết rằng: Đao binh đại kiếp đều do sát nghiệp đời trước cảm thành. Nếu không có sát nghiệp, dù thân gặp phải giặc cướp, chúng nó sẽ khởi tâm lành, chẳng chém giết ta. Huống hồ là đối với những tai nạn ngang trái như ôn dịch, nước lửa... người kiêng giết, phóng sanh, hoàn toàn ít gặp phải. Vì thế, biết rằng: Bảo vệ loài vật vốn là để bảo vệ chính mình, kiêng giết mới hòng khỏi bị trời giết, quỷ thần giết, đạo tặc giết, oan oan tương báo giết trong đời vị lai. Đối với kẻ quan, quả, cô độc, bần cùng, hoạn nạn, cũng nên tùy phần tùy sức chu cấp, chứ đâu phải là người kiêng giết phóng sanh trọn chẳng thực hiện công đức ấy! Nhưng những kẻ quan, quả... dù thật đáng thương xót, vẫn chưa đến nỗi lâm vào tử địa. Loài vật nếu chẳng được cứu chuộc ngay, sẽ lập tức phải lên chảo, lên thớt, để thỏa miệng bụng con người.
Lại còn có kẻ nói: Loài vật vô tận, phóng sanh được mấy? Đáp: Phải biết việc phóng sanh chính là để khiến cho những đồng nhân (những người cùng hàng, cùng căn tánh với ta) phát khởi thiện tâm tối thắng cứu giúp trọn khắp sanh mạng loài vật, mong họ thấu hiểu ý nghĩa gấp thả, trong tâm động lòng xót thương, chẳng nỡ ăn nuốt. Đã chẳng ăn nuốt, sẽ thôi săn bắt. Vậy thì hết thảy loài vật bay trên không, bơi dưới nước sẽ tự tại bay, chạy, bơi lội trong nơi sanh sống của chúng, tức là chẳng phóng sanh mà phóng sanh khắp cả, đấy chẳng phải là cả thiên hạ trở thành một cái ao [phóng sanh] hay sao? Dù không phải ai cũng làm được như vậy, nhưng một người chẳng nỡ ăn thịt thì đã có vô lượng sanh mạng loài vật trên cạn, dưới nước khỏi bị tàn sát; huống hồ nào phải chỉ có một người [không nỡ ăn thịt] thôi ư? Lại vì hết thảy đồng nhân trong hiện tại, vị lai, dứt trừ cái nhân quan, quả, cô, độc, bần cùng, hoạn nạn, tạo cái duyên trường thọ, không bệnh, phú quý, yên vui, cha con xum họp, vợ chồng giai lão.
Đấy chính là thực hiện sự chu cấp, giúp đỡ sẵn, để đời đời, kiếp kiếp trong vị lai, vĩnh viễn chẳng có những nỗi khổ quan, quả... hưởng thụ dài lâu những sự vui trường thọ v.v... há chẳng đáng gọi là khiến cho khắp hết thảy đều được hưởng phước ư? Há nên thờ ơ bỏ qua? Ông nghĩ kỹ đi: Kiêng giết phóng sanh, rốt ráo chính là khăng khăng vì con người, há có phải là cắm đầu lo cho loài vật, đảo lộn chuyện hoãn, gấp, nặng, nhẹ!
* Một niệm tâm tánh của hết thảy chúng sanh và một niệm tâm tánh của tam thế chư Phật trọn chẳng phải hai; nhưng do mê chưa ngộ, nên bao kiếp dài lâu luân hồi trong lục đạo, vĩnh viễn không ngừng nghỉ. Tuy đường lành trời người so với tam đồ ác đạo khổ vui khác xa nhau, nhưng đều là thuận theo nghiệp lực thiện ác mà thường luân chuyển! Thiện đạo chẳng đáng tin cậy, ác đạo thật đáng sợ. Há chẳng nên vun bồi nhân lành, cứ lầm lạc tạo ác nghiệp, cứ cậy mình mạnh, hiếp đáp kẻ yếu, bắt lấy hết thảy chúng sanh trên cạn, dưới nước để giết ăn hay chăng? Trước kia, khi Phật giáo chưa truyền sang [Trung Hoa], thánh nhân Nho giáo đều dùng luân thường thế gian để giảng dạy. Đối với Phật tánh sẵn có của chúng ta và sự chuyển biến, thăng trầm, luân hồi lục đạo, cũng như chuyện đoạn Hoặc, chứng Chân, siêu phàm, nhập thánh, dù là Lý hay Sự, đều chưa giảng ra. Vì thế, chẳng cấm giết, nhưng cái tâm bất nhẫn đã nêu rõ rành rành trong các lời dạy để lại cho đời. Chẳng hạn như, kinh Thư nói “chim, thú, cá, ba ba đều sống yên vui”, sách Luận Ngữ nói “thả câu, nhưng chẳng vãi chài, bắn chim, chỉ bắn con đang bay, chẳng bắn những con đang đậu”. Mạnh Tử nói “thấy sống, không nỡ thấy chết; hễ nghe tiếng [kêu gào của con vật bèn] chẳng nỡ ăn thịt”. Kinh Lễ chép: “Chư hầu chẳng vô cớ mổ trâu; đại phu chẳng vô cớ giết dê, kẻ sĩ chẳng vô cớ giết chó, lợn; thứ dân chẳng vô cớ ăn món ngon”. “Món ngon” chính là thịt vậy.
Đủ thấy rằng: Đối với việc sát sanh, Nho Giáo cũng chẳng phải không có răn dè, chỉ là quyền biến để dạy dỗ, chứ chưa thể vĩnh viễn cấm hẳn được. Có duyên cớ mới giết, cố nhiên kẻ giết cũng ít. Vô cớ chẳng ăn thịt thì trong một năm được ăn thịt mấy ngày? Hậu thế, sự giáo hóa suy đồi, quen thói tàn nhẫn, bèn coi chuyện ăn thịt như chuyện cơm bữa trong nhà, chỉ cốt sao khoái khẩu, chẳng biết  đến  nỗi  khổ  của  loài vật.
Đến khi Phật giáo truyền sang phương Đông thì chân lý, sự thật thường trụ vĩnh viễn “hết thảy chúng sanh đều có Phật tánh” “mê thì luân hồi sanh tử, trọn không lúc nào xong”, “ngộ thì triệt chứng Niết Bàn” mới được xiển minh rốt ráo. Mới biết rằng bao nhiêu dị loại đều là cha mẹ trong quá khứ, là chư Phật trong vị lai. Không chỉ chẳng dám giết ăn, mà còn mong cho chúng nó đều được sống yên ổn. Do vậy, vua thánh, tôi hiền, bậc triết sĩ, bậc hồng nho, đa số đều kính tuân lời Phật giáo huấn, vun đắp lòng nhân của chính mình. Hoặc là ăn chay, bỏ hẳn ăn mặn, hoặc là kiêng giết, phóng sanh. Những lời lẽ tốt lành, hành vi hay đẹp ấy được chép trong các sử sách cũng chỉ nhằm mong người đời sau đều cùng tu tâm từ, thương xót loài vật, cùng thấy Phật tánh. Do nhân duyên ác nghiệp, đọa trong đường súc sanh. Ta nay may được sanh trong loài người, nếu chẳng tăng thêm lòng thương xót, cứ mặc tình sát hại, khó tránh đời sau oan oan tương báo. Kinh Lăng Nghiêm nói: “Giết thân mạng chúng, hoặc ăn thịt chúng, trải vi trần kiếp ăn lẫn nhau, giết lẫn nhau, giống như bánh xe lăn, hết lên cao lại xuống thấp, chẳng có lúc ngừng. Trừ [lúc chính mình đắc] xa-ma-tha và lúc Phật xuất thế, chẳng thể ngưng nghỉ được”. Nhưng đạo Xa-ma-tha thật chẳng dễ đắc, Như Lai xuất thế cũng khó gặp gỡ, há dám chẳng học theo gương tiên hiền, chẳng tuân lời Phật dạy. Suy cái tâm sợ chết của mình mà cứu vớt loài đợi bị nấu nướng kia để mong tiêu trừ túc nghiệp, vun bồi căn lành, dứt vĩnh viễn cái nhân sát hại, cùng chứng quả trường thọ vậy!
* Hết thảy chúng sanh đều có Phật tánh, đều là cha mẹ quá khứ, là chư Phật vị lai. Lập cách cứu giúp còn e chưa kịp, há nên để thỏa thích miệng bụng mình, bèn giết hại thân xác chúng nó ư? Phải biết rằng các loài vật bay trên không, lặn dưới nước đều cùng có cái tâm linh minh giác tri, nhưng vì túc nghiệp sâu nặng đến nỗi hình thể khác xa, miệng chẳng nói được. Xem tình cảnh chúng đi tìm cái ăn, tránh né cái chết, sẽ nhận ra chúng chẳng khác gì con người! Chúng ta nhờ sức túc phước, may được làm người, tâm có trí lự, phải nên luôn nghĩ đến dân chúng và loài vật cùng [sanh từ] một bọc cha trời, mẹ đất, mới hòng chẳng phụ bạc cái lẽ “con người đứng cùng trời đất thành Tam Tài” để tán trợ, tham dự quyền sanh thành của trời đất, phải mong cho mọi người cùng loài vật đều được sống yên ổn, cùng được trời che, đất chở, cùng vui hưởng tuổi thọ thì mới nên! Nếu chẳng hiểu thấu đức hiếu sanh của trời đất, buông lung ý niệm tham ăn tục uống của chính mình, cậy mình khỏe, hiếp kẻ yếu, ăn thịt nó để no đẫy bụng mình, ắt đến một ngày nào đó, túc phước đã hết, sát nghiệp hiện tiền, muốn chẳng thay đầu, đổi mặt, bị chúng nó ăn, giết trở lại, há có được chăng?
Vả nữa, ăn thịt có chất độc, do lúc các con vật bị giết, tâm oán hận kết lại. Bởi thế, khi ôn dịch lưu hành, người ăn chay rất ít người bị nhiễm phải. Hơn nữa, thịt là vật uế trược. Ăn vào máu sẽ bẩn, tinh thần tối tăm, thấy mạnh mẽ ngay đó, nhưng hiệu quả tan đi rất nhanh, rất dễ tạo thành đầu mối cho bệnh tật. Rau cỏ là vật thanh khiết, ăn vào khí thanh, trí rạng, khỏe mạnh lâu, già chậm, giàu chất bổ. Tuy đây là lời bàn luận thông thường về phép vệ sinh, nhưng thật sự là lời luận định cùng tột về tánh. Do thói quen kéo dài đến nỗi [con người] mê man [ăn thịt, tàn sát], chẳng tỉnh.
Hãy nên biết: Người nhân từ với dân, ắt thương yêu loài vật. Người giết loài vật, quyết khó thể là người có lòng nhân với dân, do tập tánh sai khiến như thế. Vì vậy, thánh vương trị thế, chim thú cá, rùa đều yên vui. Đạo sáng dạy dân thì gậy nhựa dính, ná bắn đạn đều bỏ sạch. Hãy thử nghĩ: Từ xưa đến nay, phàm là kẻ tàn nhẫn tham ăn tục uống, phần nhiều dòng dõi bị tuyệt diệt. Người nhân ái tử tế, con cháu ắt hưng thịnh. Kẻ khởi đầu thói ác, Khổng Tử nói quyết đoán kẻ ấy vô hậu; kẻ mặc sức ăn thịt, Như Lai dự ký ắt phải đền trả. Xin chớ nói suông “xa lánh bếp núc”[7], đấy chỉ là cách nói quyền biến thuận theo thế tục, hãy nên vĩnh viễn dứt hẳn đồ hôi tanh thì mới là xứng lý thật nghĩa.
* Tâm tánh của chúng sanh giống hệt như Phật. Do nghiệp thiện, ác, quả báo phân thành người, thú. Người có trí huệ, thú không tài khéo. Cậy mạnh hiếp yếu, giết để ăn thịt. Làm con trong nhà người ta chẳng ngoài [lý do đã] thiếu nợ nặng. Huống hồ giết thân mạng chúng chỉ cốt sướng miệng, oán hận cố kết, trải bao nhiêu kiếp đòi nợ lẫn nhau. Thử nghĩ đến điều ấy, trong tâm đau thương.
* Nguyên hết thảy chúng sanh trên cạn, dưới nước, không một loài nào chẳng biết đau đớn, khổ, vui, không một loài nào chẳng biết tham sống sợ chết, nhưng không có con vật nào chẳng phải là cha mẹ, anh em trai, chị em gái, vợ con, bạn bè, thân quyến trong vô lượng kiếp của ta. Lại không có một loài nào chẳng thể trong đời vị lai, gieo sâu thiện căn, tu trì Tịnh nghiệp, đoạn Hoặc, chứng Chân, viên thành Phật đạo, chỉ vì túc thế ác nghiệp, phải đọa trong dị loại. Vì thế, phải nên sanh lòng thương xót sâu xa, hộ trì chúng, khiến cho mỗi con vật đều được sống yên vui, há có nên cậy mạnh hiếp yếu, hoặc dùng trí đoạt lấy, hoặc dùng tiền của đoạt lấy, khiến cho hết thảy bọn chúng đều bị dồn vào miệng bụng [của chính mình]? Tuy chúng nó sức chẳng chống chọi được, tâm đã kết mối hận dằng dặc; cho nên đời đời, kiếp kiếp xoay vần giết lẫn nhau. Sướng miệng bụng một lúc, giết thân mạng nhiều kiếp. So với chuyện tự giết mình còn khốc liệt hơn vạn lần! Sao lại khổ sở làm chuyện chuốc lấy ương họa này, há có phải là ngu mê đến cùng cực hay chăng?
Xưa nước Lỗ có hai gã dũng sĩ, chỉ nghe tên nhau chứ chưa gặp mặt. Một bữa gặp nhau, mua rượu cùng uống. Một gã bảo: “Không có thịt chẳng vui, hãy đi mua thịt!” Gã kia bảo: “Thịt của tôi với anh đây, còn tìm đâu nữa!” Gã thứ nhất bảo ý kiến ấy rất hay, bèn trễ áo xẻo thịt mình, hai bên cùng ăn. Kẻ kia lại cắt thịt mình, đưa cho bạn ăn. Dương dương tự đắc, bảo là tình bạn chúng ta tình ý chân thật tột bậc. Vừa cắt vừa ăn mãi cho đến chết. Những người trông thấy đều than: “Hai gã ngu!”
Do vì ăn thịt, người đời tạo các sát nghiệp đến nỗi bao kiếp xoay vần giết hại lẫn nhau. So với hai gã dũng sĩ kia, càng khốc liệt hơn! Do không có huệ nhãn, chẳng biết hậu báo, lại coi là chuyện đắc ý để khoe khoang, kiêu hãnh, chê kẻ ăn chay là mê tín và bạc phước. Thế tục tán thành, nào biết là sai! Vì thế, trong các kinh Đại Thừa như Phạm Võng, Lăng Nghiêm, Lăng Già v.v... đức Như Lai đã cực lực phơi bày cái họa do sát sanh ăn thịt, có thể nói là lòng chân từ đại bi nhổ rễ lấp nguồn vậy. Gần đây, sát kiếp thảm khốc, thiên cổ chưa từng nghe, lại còn các tai vạ như nước, lửa, tật dịch, gió lốc, động đất, hạn hán, lụt lội... thình lình xảy ra. Nói chung, đều do sát nghiệp duyên khởi, đến nỗi thế đạo, nhân tâm càng ngày càng thấp. Do vậy, thiên tai, nhân họa liên tiếp xảy ra, như đứng trước tấm gương, chẳng thể tránh khỏi bị soi bóng.
* Thế tục mê hoặc, coi ác là thiện, coi tạo nghiệp là tu phước, [kẻ như vậy] rất nhiều. Điều mắt nhìn thấy thảm nhất, lòng thấy xót xa nhất, không gì bằng chuyện cúng tế quỷ thần. Phú quý đại gia luôn giết con vật lớn để tế: một mặt để cầu được nhiều phước, một mặt để phô trương sự giàu có. Còn những nhà nghèo khó cũng phải giết gà, giết vịt để cầu thần thường bảo hộ, ngõ hầu phước thọ tăng thêm, lâu dài hơn, mọi việc đều như ý. Chẳng biết thiên địa lấy hiếu sanh làm đức, quỷ thần lấy thiên địa làm chủ tể các sự, há chẳng phải là tâm ấy trái thiên nghịch địa ư? Vì hưởng một kỳ tế lễ của ta, mà khiến cho vô số sanh mạng cùng chịu nỗi khổ cắt xẻ, ông thần ấy còn đáng gọi là một vị chánh thần thông minh, chánh trực, thưởng thiện, phạt ác nữa chăng? Nguyên do là bọn ngu phu tham ăn, chỉ mượn danh quỷ thần, giết thú lớn, vật nhỏ, cốt sao thỏa thích bụng miệng của chính mình, quen dần thành thói, chẳng biết là đã tạo đại ác nghiệp! Bảo là “cúng quỷ thần”, thần có ăn đâu? Huống hồ đã gọi là “thần”, ắt phải vâng giữ đức thông minh, chánh trực, ắt phải chuẩn theo việc thiện hay ác để giáng phước hay gieo vạ. Há có phải là ai sát sanh cúng bái mình, dù nó làm ác, vẫn cứ giáng phước; kẻ nào chẳng sát sanh cúng tế mình, dù có làm thiện, cũng cứ gieo vạ ư? Nếu vậy, tâm hạnh của ông thần ấy có khác gì tâm hạnh của bọn tiểu nhân vô lại nơi chợ búa đâu? Làm sao có thể xưng là ông thần thông minh, chánh trực được nữa? Đã là một vị thần thông minh, chánh trực, chắc chắn chẳng vì thói yêu tà, quỷ quái này mà chẳng tuân thủ đạo đức, nhân nghĩa!
* Người đời chỉ biết ăn thịt là ngon, bèn vì ý niệm tham cầu thứ hôi thối, tanh tưởi ấy, cho rằng thần thánh cũng giống như vậy. Từ đấy kẻ nọ người kia bắt chước nhau, chẳng biết là sai trái. Ví như giòi tửa ăn phân, nghĩ thiên tiên cũng phải tham ưa vị ngon này, bèn thường muốn dâng lên để cầu được ban thưởng phước khánh! Những con vật bị giết kia phần nhiều đều là những kẻ trong đời trước sát sanh cúng tế quỷ thần ngõ hầu chính mình có dịp ăn thịt, nay phải đền trả quả báo sát sanh khi ấy. Thế nhưng hết thảy kẻ ngu nghe nói đến chuyện sát sanh tế thần bèn vui mừng, hớn hở, coi đấy là chuyện làm phước, chẳng biết tương lai sẽ phải biến thành những giống vật ấy. Lúc bị người ta giết, có miệng mà chẳng nói được, không có cách nào thoát khỏi.
Huống hồ, những ai đã thâm nhập Phật pháp, đã thọ đại giới nhà Phật, là bậc cao nhân lỗi lạc suốt đời ăn chay, do ham muốn ăn thịt bèn vô cớ bịa chuyện, giết vô số sanh mạng để cúng tế. Cái tội nghịch trời, trái lý, dối thánh, khinh hiền ấy, khiến cho đời đời kiếp kiếp sẽ mãi mãi làm các loài vật bị giết chóc ấy, há chẳng đáng buồn bã lắm hay sao?
* Người đời mắc bệnh và bị những tai nạn nguy hiểm,  chẳng biết niệm Phật, tu thiện, lại lầm lạc cầu đảo quỷ thần, đến nỗi sát hại sanh mạng. Nghiệp tăng thêm nghiệp, thật đáng thương xót! Người sống trong đời có những cảnh duyên gì, đa phần là do túc nghiệp. Đã mắc bệnh khổ, hãy nên niệm Phật tu thiện, sám hối túc nghiệp, nghiệp tiêu bệnh sẽ lành. Bản thân các loài quỷ thần kia còn đang ở trong biển nghiệp, làm sao có thể tiêu nghiệp cho người khác được? Dù là vị chánh thần có đại oai lực đi nữa thì oai lực của vị ấy so với oai lực của Phật, Bồ Tát khác gì lửa đom đóm sánh với ánh sáng mặt trời! Đệ tử Phật chẳng hướng về Phật, Bồ Tát cầu đảo, lại hướng về quỷ thần cầu đảo, chính là tà kiến, chính là trái nghịch lời Phật dạy. Chớ nên không biết điều này!
Thêm nữa, hết thảy chúng sanh đều là cha mẹ quá khứ, là chư Phật vị lai, lẽ ra nên kiêng giết, phóng sanh, yêu tiếc mạng sống loài vật, chớ nên theo tri kiến thế tục, cho rằng dâng món ngon lành lên cha mẹ mới là hiếu. Kẻ chưa nghe Phật pháp chẳng biết Sự Lý luân hồi lục đạo, lầm tưởng đấy là hiếu, còn tha thứ được. Chứ nếu là người đã nghe Phật pháp, giết cha mẹ, thân thuộc quá khứ để phụng dưỡng cha mẹ hiện tại và dùng trong tang tế v.v... thì không chỉ chẳng phải là hiếu đạo, mà còn trở thành ngỗ nghịch nữa! Bởi vậy, do nghe Nghĩa Đế chân thật của Phật pháp, những người thông đạt đều chẳng chịu làm theo những pháp quyền tạm của thế tục. Bởi những pháp tạm bợ ấy chỉ thuận theo mê tình thế tục mà lập, chẳng phải là đạo thấy thấu suốt nhân quả ba đời của đức Như Lai vậy!
* Trong các ác nghiệp, chỉ có sát nghiệp là nặng nhất. Khắp dưới gầm trời, không một ai chẳng tạo sát nghiệp. Dù cả đời chẳng sát sanh, nhưng hằng ngày ăn thịt tức là hằng ngày sát sanh! Bởi chẳng giết, chắc chắn chẳng có thịt! Kẻ mổ thịt, kẻ săn bắt, kẻ đánh cá đều là để cung cấp cho nhu cầu của người ăn thịt, họ giết hại thay cho ta. Nhưng một cửa ải “ăn thịt, ăn chay” thật sự là nguyên nhân chẳng nhỏ khiến cho chúng ta thăng hay trầm, thiên hạ bình trị hay loạn lạc vậy, chẳng phải là chuyện nhỏ nhặt! Những ai yêu thân mình và yêu thương trọn khắp mọi người trên cõi đời, muốn được trường thọ, an lạc, chẳng mắc phải tai họa ngoài ý muốn, phải lấy việc “kiêng giết, ăn chay” làm diệu pháp bậc nhất để vãn hồi thiên tai, nhân họa. Do một niệm tâm tánh của hết thảy chúng sanh chẳng khác với chư Phật, mà cũng chẳng khác với một niệm tâm tánh của chúng ta. Chỉ vì túc thế ác nghiệp nên đọa vào dị loại; vì thế, phải sanh lòng thương xót lớn lao, lẽ đâu mặc sức giết chóc? Người đời vô tri bị tập tục trói chặt, thường coi sát sanh ăn thịt là vui, chẳng nghĩ đến các con vật bị giết ôm nỗi thống khổ, oán hận như thế nào! Cậy mạnh hiếp yếu, coi là chuyện đương nhiên; một khi đao binh khởi lên, tình cảnh có khác gì những con vật bị giết? Đốt cháy nhà cửa ngươi, hãm hiếp vợ con ngươi, cướp tiền tài của ngươi, giết thân mạng ngươi, ngươi vẫn chẳng dám dùng lời ác chửi bới chúng nó vì sức chẳng chống chọi lại được. Loài vật bị giết cũng vì chẳng có sức chống cự lại được; nếu nó kháng cự được, tất nhiên nó sẽ cắn xé kẻ toan giết nó đến cùng. Sao con người không đối với cảnh khổ ấy, hãy thử nghĩ lại xem!
Loài vật cùng ta đều tham sống sợ chết. Ta đã có trọn vẹn cái thể chất đội trời đạp đất này, lẽ ra phải nên hỗ trợ đất trời sanh thành, dưỡng dục, khiến cho các loài chim, thú, cá, rùa kia đều sống yên vui. Nỡ nào giết thân mạng chúng để vui sướng bụng miệng mình ư? Do sát nghiệp cố kết đến nỗi phát sanh cái họa đao binh do con người gây ra và các thiên tai nước, lửa, hạn, lụt, đói kém, tật dịch, gió lốc, địa chấn, biển trào, sông ngập v.v... nối tiếp nhau giáng xuống. Giống như biếu quà cuối năm, ta biếu quà đi, người biếu quà lại, quyết chẳng bao giờ biếu đi chẳng được biếu lại, hoặc chỉ nhận quà, chứ không biếu trả. Nếu có trường hợp như vậy, tất nhiên phải có nhân duyên nào khác ngăn trở, chứ thật ra đều chẳng ngoài chuyện qua lại, đáp tạ cả. Trời thưởng phạt cũng giống như thế, huống hồ là chuyện báo đền giữa con người? Vì thế, kinh Thư viết: “Làm lành giáng xuống trăm điều tốt lành; làm việc chẳng lành, giáng xuống trăm điều họa ương”. Kinh Dịch chép: “Nhà tích thiện ắt sự vui có thừa, nhà chứa điều bất thiện, ắt tai ương có thừa”. Đạo trời ưa xoay vần, không có gì qua mà chẳng có lại! Muốn tránh khỏi ác quả, phải đoạn ác nhân trước đã. Muốn được thiện quả, phải trồng thiện nhân trước đã! Đấy là lẽ rốt ráo của lý trời, tình người vậy!


[1] Liệt Quốc là thời gian kể từ khi Châu U Vương (Cơ Cung Niết) lên ngôi năm 781 trước Công Nguyên cho đến khi Tần Thủy Hoàng Đế (Doanh Chính) gồm thâu lục quốc, thống nhất Trung Nguyên vào năm 221 trước CN. Thời này, các chư hầu đánh lẫn nhau, tranh nhau xưng bá nên còn gọi là thời Xuân Thu Chiến Quốc (từ năm 781 trước CN đến năm 476 trước CN là thời Xuân Thu, từ năm 475 đời Châu Nguyên Vương trở đi, chỉ còn sáu nước lớn (Tần, Triệu, Hàn, Yên, Tề, Sở, Ngụy) tranh giành lẫn nhau nên gọi là thời Chiến Quốc). “Tuẫn táng” là hình thức chôn sống hay giết rồi chôn những người tùy tùng, ái thiếp, bầy tôi thân cận trong lăng mộ của các bậc đế vương, công hầu.
[2] Chỉ hoàng đế. Vua ngồi trên ngai, quay mặt về hướng Nam, tự xưng là Trẫm. Thời cổ, Trẫm () là tiếng thông dụng để tự xưng. Sau này, Tần Thủy Hoàng cấm ngặt người khác tự xưng là Trẫm. Các đời vua sau này, cũng bắt chước xưng là Trẫm.
[3] Tắc và Khiết là hai vị quan quản trị nông nghiệp thời Đường Nghiêu, riêng ông Khiết còn giúp vua Vũ trị thủy. Tắc, còn gọi là Hậu Tắc, có tên là Khí, vốn là con của vua Đế Khốc và bà Khương Nguyên. Do bà Khương Nguyên thấy vết chân to ngoài đồng, dẫm lên bèn có thai, sanh ra Tắc, cho là điềm bất tường nên vứt đi (vì thế gọi là Khí), nhưng trâu bò, chim chóc, muông thú đều che chở, nên cha mẹ coi là thần dị, đem về nuôi nấng. Ông Tắc có tài trồng trọt, cày cấy, nên về sau được tôn là một vị thần của nghề nông (tức thần Hậu Tắc). Khi vua Nghiêu nhường ngôi cho vua Thuấn, ông Hậu Tắc được vua ban cho họ Cơ, trở thành tổ tiên của nhà Châu sau này. Châu Thái Vương (Cơ Đản Phủ, ông nội của Châu Văn Vương) chính là cháu đời thứ mười ba của Cơ Hậu Tắc. Khiết (còn gọi là Tiết) là em trai cùng cha khác mẹ của ông Tắc (Khiết là con của Đế Khốc và Giản Địch thuộc thị tộc Hữu Nhung). Mẹ ông ta thấy chim Huyền Vũ làm rớt trứng, bèn nhặt ăn, hoài thai sanh ra ông. Ông Khiết có tài xem thiên văn, thông minh, hiếu họ, nhân từ, hữu lễ. Theo Sử Ký, Đế Khốc có bốn người con là Xiết, Khí (Hậu Tắc), Khiết và Nghiêu. Sau khi Đế Khốc mất, Xiết nối ngôi, nhưng không chăm lo triều chánh, nên quần thần phế Xiết, tôn Nghiêu lên làm vua. Vua Nghiêu phong ông Tắc làm quan Đại Tư Nông chăm lo phát triển nông nghiệp. Do công phù tá Nghiêu Thuấn, nên ông được ban họ là Tử và thưởng cho đất Thương (nay là huyện Thương Khâu, tỉnh Hà Nam). Khi vua Thuấn sai Hạ Vũ trị thủy, Tử Khiết xin theo giúp. Trị thủy thành công, ông được phong làm chư hầu. Thương Thang (tên là Thang, còn gọi là Thiên Ất, hoặc Đại Ất, vua sáng lập vương triều Thương) chính là hậu duệ của Tử Tiết.
[4] Nguyên văn là “lương thượng chi quân tử” (kẻ quân tử ở trên xà nhà) là thành ngữ chỉ kẻ trộm.
[5] Tứ ác thú pháp giới là địa ngục, súc sanh, ngạ quỷ và A Tu La.
[6] Quan, quả, cô, độc: Quan là góa vợ, Quả là góa chồng, Cô là không cha mẹ, Độc là không con cái.
[7] Nhà Nho hay nói: “Quân tử viễn trù” (quân tử nên tránh xa bếp núc). Ở đây, Tổ quở người học Nho chỉ nói suông “xa lánh bếp núc”, nhưng vẫn tham ăn tục uống.

Nhận xét

Bài đăng phổ biến từ blog này