VII. PHỤ LỤC

Ý NGHĨA CHÂN THẬT CỦA 'BỔN NGUYỆN NIỆM PHẬT'
Nguyên tác: Lão Pháp sư Tịnh Không


1.     Ba yếu quyết của việc thọ trì kinh Vô Lượng Thọ
a.     Khéo giữ gìn khẩu nghiệp, chẳng chê bai lỗi của người khác;
Khéo giữ gìn thân nghiệp, đừng làm chuyện trái ngược với giới luật;
Khéo giữ gìn ý nghiệp, thanh tịnh chẳng nhiễm.
b.     Phát bồ đề tâm, một hướng chuyên niệm A-Di-Ðà Phật.
c.      Quán pháp như hoá, tam muội thường tịch.
Nhận định:
Lão hòa thượng luôn luôn nhấn mạnh bí quyết tu học Phật pháp cho được thành tựu là phải: ‘Thâm nhập một môn, huân tu lâu dài’. Nếu có thể không hoài nghi, không xen tạp, không gián đoạn, thì chẳng ai không thành công.
Trong bài văn Khuyên Phát Tâm Bồ Ðề, Tổ thứ mười một của Tịnh Tông, Tỉnh Am đại sư chỉ rõ ‘Trong việc tu hành cấp bách nhất là phải lập nguyện trước tiên’. Trong chín nhân duyên có nói: ‘Phát Bồ Ðề Tâm là thiện căn, chấp trì danh hiệu là phước đức’
Kinh Hoa Nghiêm dạy: ‘Nguyện rộng thì hành sâu, hư không chẳng lớn, tâm vương mới lớn. Kim cang chẳng cứng, nguyện lực cứng nhất’.
Chú thích: Bồ Ðề tâm tức là tín nguyện tâm – tin những gì Phật nói, muôn duyên buông xuống hết, cầu nguyện vãng sanh.
2.     Thái độ và nhận thức cần có khi tu học Phật pháp
a.     Ấn Quang đại sư dạy chúng ta: ‘Muốn được lợi ích chân thật của Phật pháp thì phải tìm cầu từ sự cung kính, một phần cung kính được một phần lợi ích, mười phần cung kính được mười phần lợi ích’
b.     Học Phật phải tin sâu nhân quả, hiểu lý của nhân quả. Bất luận là ‘Như Lai thành chánh giác’ hoặc là ‘chúng sanh đọa ác đạo’ đều chẳng ra ngoài nhân quả. Kinh Dịch nói: ‘Nhà tích thiện ắt có niềm vui, nhà tích điều bất thiện ắt có việc tai ương’. Tích thiện và tích bất thiện là nhân; niềm vui và tai ương là quả.
c.      Kinh nói: ‘Bồ Tát sợ nhân, chúng sanh sợ quả’. Bồ Tát sợ chiêu cảm ác quả nên ngăn ngừa, đoạn trừ nhân ác, từ đó tội chướng tiêu trừ, công đức viên mãn mãi đến khi thành Phật. Chúng sanh thường làm nhân ác nhưng lại muốn miễn trừ quả ác cũng giống người chạy trốn bóng của mình dưới ánh nắng mặt trời, vất vả khổ nhọc cách nào cũng chẳng được. Người vô trí khi làm chút ít việc thiện xong rồi hy vọng có phước báo to lớn; lúc gặp nghịch cảnh, có chút gì chẳng như ý liền nói: ‘Tôi làm lành nhưng lại gặp nạn, chẳng có nhân quả’, từ đó thoái tâm.
d.     ‘Tu phước còn phải tu huệ, tu Tịnh Ðộ’, tu phước dĩ nhiên là bắt đầu từ ‘đoạn ác tu thiện’. Làm công quả ở đạo tràng nhất định phải giữ gìn tâm thanh tịnh, nhắm đến mục tiêu ‘thành tựu giới, định, huệ của mình’, đừng tham cầu phước báo. Nhân viên [trong đạo tràng] càng không thể có thái độ: ‘tôi cho bạn cơ hội tu phước báo’ để đối xử với những người đến làm công quả. Tu huệ nên cầu đoạn trừ phiền não. Hoằng Nhất đại sư khai thị: “Muốn trừ phiền não trước tiên phải quên ‘ngã’ (tôi)”. Tu hành chẳng rời sinh hoạt, nhất định từ ‘quên tôi, xả tiểu ngã, đến vô tư, vô ngã’ mà làm; như vậy mới có thể đoạn trừ phiền não, trừ ngã chấp, tu học giới, định, huệ; đây là một phương pháp rất kỳ diệu. Nếu có thể dùng tâm ‘chân thành, thanh tịnh, từ bi’ để niệm Phật cầu sanh Tịnh độ thì đó là phước huệ viên mãn.
e.      Người niệm Phật ăn chay để nuôi dưỡng tâm từ bi và tâm tường hòa. Nếu chẳng thể chấm dứt ăn mặn thì nên ăn tam tịnh nhục (thịt mà mình chẳng thấy giết, chẳng nghe giết, chẳng bị giết vì mình), hoặc ăn chay buổi sáng, nhất quyết đừng sát sanh, đặc biệt là sát sanh ở nhà. Ðể cho trong nhà thường được kiết tường, nếu thường sát sanh thì trong nhà biến thành lò sát sanh, oan hồn thường tụ tập, chẳng kiết tường.
f.       Phật, Bồ Tát giúp đỡ chúng ta bằng cách nói rõ đạo lý về nghiệp nhân quả báo, nói rõ sự lợi hại, và phương pháp đoạn ác tu thiện cho chúng ta biết, chỉ như vậy mà thôi. Thực sự muốn làm thì phải do tự mình làm; Phật, Bồ Tát chẳng thể làm thay chúng ta.
g.     Nghe pháp và nghe kinh nhất định phải ‘thâm nhập một môn, huân tu lâu dài’, học tập không ngừng để thể hội, giác ngộ và nỗ lực làm được ‘giải và hành đều tương ứng’. Lâu ngày công phu sâu dày mới phát sanh tác dụng - mới có kết quả - mới có thể hàng phục thói quen tập khí và đạt được thành tựu.
h.     Khổng Lão Phu Tử dạy chúng ta: ‘Ða văn khuyết nghi, thận hành kỳ dư’ (Nếu nghe nhiều mà còn có những chỗ nghi ngờ thì hãy thực hành cẩn thận những điều còn lại, tức những điều mình không nghi), đây là thái độ nên có khi chúng ta nghe kinh, nghiên [cứu kinh] giáo. Trong việc nghe kinh, nghiên giáo, căn cơ của mỗi người chẳng giống nhau, mỗi người sẽ hiểu khác nhau, tâm đắc khác nhau, và chẳng tránh có chỗ nghi ngờ khác nhau. Nghi ngờ là một căn bịnh nặng, đừng vì nghi mà đánh mất lòng tin, càng không thể vì nghi mà cản trở chánh hạnh. Nên tạm thời gác chỗ nghi hoặc qua một bên, chỉ thực hành những gì mà mình chẳng nghi, chuyện này rất quan trọng. Sau này gặp được ‘minh sư’ hoặc cảnh giới tu học của mình đã nâng cao thì vấn đề nghi hoặc sẽ được giải đáp.
i.       Trong câu chuyện Pháp Chiếu vào Trúc Lâm tự, Văn Thù Bồ Tát nói với Pháp Chiếu: ‘Hôm nay ông niệm Phật, đã đúng lúc rồi. Trong các môn tu chẳng có gì hơn niệm Phật. Cúng dường Tam Bảo, tu phước lẫn tu huệ. Hết thảy các pháp, Bát Nhã Ba La Mật, thậm thâm thiền định, cho đến chư Phật đều phát sanh từ niệm Phật. Thế mới biết niệm Phật là vua của các pháp. Ông nên thường niệm pháp vô thượng này, đừng bao giờ ngừng nghỉ’. Pháp Chiếu hỏi: ‘Làm thế nào để niệm?’. Văn Thù Bồ Tát nói: ‘Phía tây của thế giới đó có Phật A-Di-Ðà, Ngài có nguyện lực chẳng thể nghĩ bàn, ông nên niệm liên tục đừng để gián đoạn, sau khi mạng chung, nhất quyết sẽ vãng sanh, vĩnh viễn chẳng thoái chuyển’.
j.       ‘Nhiếp trọn sáu căn’ là bí quyết của sự niệm Phật, lúc niệm Phật phải nhiếp nhĩ căn, lắng nghe từng chữ từng câu rõ ràng, đừng để mất. Phật hiệu từ tâm khởi lên, âm thanh từ miệng phát ra, trở vào tai, liên tục chẳng gián đoạn. Khi vừa có chút vọng niệm liền thâu nhiếp tâm niệm Phật, nhiếp nhĩ căn lắng nghe, chẳng để vọng niệm tiếp tục, hết thảy tạp niệm sẽ từ từ tiêu trừ, công phu tự nhiên sẽ được đắc lực.
k.     Long Thư Tịnh Ðộ Văn nói: ‘Ngày hết đêm sẽ đến, phải chuẩn bị cho đêm./ Mùa nóng hết thì mùa lạnh sẽ đến, phải chuẩn bị cho mùa lạnh./ Còn thì sẽ phải mất, phải chuẩn bị cho cái mất./ Làm thế nào để chuẩn bị cho đêm? Ðèn nến, giường chiếu./ Làm thế nào để chuẩn bị cho mùa lạnh? Áo ấm, than củi./ Làm thế nào để chuẩn bị cho cái chết? Phước huệ Tịnh Ðộ.’
l.       Phật dạy: ‘Chẳng thể dùng ít thiện căn, phước đức, nhân duyên được sanh về cõi nước đó’. ‘Nhân duyên’ tức là nghe kinh, nghe pháp, ‘thiện căn’ là tin tưởng Phật pháp, ‘phước đức’ là thực sự làm theo, tu hành đúng như pháp. Ðầy đủ cả ba thì mới đạt được toàn bộ lợi ích của Phật pháp.
m.  Tâm an lý đắc; Vì lý đắc (hiểu rõ lý) nên tâm an.
n.     Lão Tử nói: ‘Ta có mối lo lớn vì ta có thân này; nếu ta chẳng có thân thì đâu có gì phải lo lắng’
o.     Phàm phu chẳng thể vượt thoát tam giới là vì trong tâm có cái ‘TA’. Chỗ huyền diệu của pháp môn Ðại thừa là ở chỗ liệng bỏ chữ ‘Ta’ này đi, khi khởi tâm động niệm gì cũng nghĩ đến chúng sanh, chẳng nghĩ đến mình, là dạy mình chẳng chấp trước trên cái ‘Ta’, mở rộng tâm lượng, phóng lớn lên, thì tự nhiên ‘chấp Ta, tướng Ta, ngã kiến’ sẽ mất hết.
p.    Ấn Quang đại sư khuyên người mới học Phật phải đọc cuốn Liễu Phàm Tứ Huấn, Thái Thượng Cảm Ứng Thiên, An Sĩ Toàn Thư là không ngoài mục đích tìm khuyết điểm của mình mà thôi, cũng giống như soi gương tìm ra vết dơ của mình. Lão hòa thưng Tịnh Không đau lòng mỏi miệng giảng đi giảng lại cũng là vì vậy.
q.     ‘Tâm niệm quá nhiều phiền phức thật!/ Xưa nay lặng niệm khó muôn vàn!’(Niệm đầu thái đa chân phiền não./ Cổ lai nhất niệm tối nan bình)
Bịnh nặng nhất của chúng ta là tâm không định, tâm cứ tán loạn, nghĩ ngợi lung tung, chẳng thể an định, vì vậy nghĩ về bịnh sẽ bị bịnh, nghĩ về già sẽ biến thành già nua. Mục đích của việc niệm Phật là để đè nén, hàng phục những vọng tưởng phiền não này.
r.      Thiền định, thiền là bên ngoài không trước tướng, định là bên trong không động tâm. Thiền định là thủ đoạn chứ không phải là mục đích, Bát Nhã trí huệ mới là mục đích.
s.      Tu hành phải dồn sức vào tâm niệm, tu hành chẳng phải tu để thành một người có tài ăn nói lưu loát, lanh lẹ. Nhà Nho nói ‘Lúc học vấn thâm sâu thì tâm ý bình lặng’. (Học vấn thâm thời ý khí bình)
t.       Nghe kinh nghe pháp nên đặt mục tiêu trên ‘một bộ kinh điển hoàn chỉnh’ thì mới có thể đạt được lợi ích hoàn toàn, và cũng có thể tránh khỏi căn bịnh ‘đoạn chương thủ nghĩa’ (hiểu nghĩa rời rạc theo từng phần nhỏ, ý nói: không lãnh hội được ý nghĩa toàn bộ kinh). Thường thấy có một vài đồng tu vì nhân duyên chưa đầy đủ, nghe kinh nghe pháp chỉ mới nghe một vài đoạn, không có thời gian hoặc cơ hội nghe hết cả bộ kinh (như kinh Vô Lượng Thọ) nhưng cũng có thể sanh tâm hoan hỷ, được lợi ích nơi Phật pháp. Thử nghĩ nếu có thể phát tâm nguyện rộng lớn nghe trọn hết một bộ kinh thì được lợi ích nơi Phật pháp sẽ chẳng thù thắng hơn sao!
u.     Hoằng Nhất đại sư nhắc nhở người tu hành nên chú ý ‘công và tội không thể bù đắp cho nhau’ (công không chuộc nổi tội) thì mới phù hợp với đạo lý nhân quả. Nếu không thì [những tư tưởng sai lầm như] ‘người đã làm việc thiện to lớn thì dù có làm chuyện ác cũng chẳng bị báo ứng’, ‘bây giờ làm việc ác chỉ cần sau này làm việc thiện để bù đắp, bù trừ thì được rồi!’, đây là những sự hiểu lầm về nhân quả, là những thiên kiến sai lầm. Người tu hành đoạn ác là sau này không tái phạm trở lại, là cắt đứt nhân ác, duyên ác. Tu thiện tức là tu nhân thiện, duyên thiện, tích lũy công đức, phá mê khai ngộ, chuyển phàm thành thánh.
A-Di-Ðà Phật.
3.     Lợi ích thù thắng của sự nhiếp thọ chúng sanh của kinh Vô Lượng Thọ
Năm Dân quốc bảy mươi sáu (1987) lão hòa thượng Tịnh Không kỷ niệm ngày cụ Lý Bỉnh Nam vãng sanh, vì muốn báo ân pháp nhũ của ân sư nên đặc biệt khai giảng kinh ‘Phật Thuyết Ðại Thừa Vô Lượng Thọ Trang Nghiêm Thanh Tịnh Bình Ðẳng Giác’. Từ lúc giảng kinh đến nay, đồng tu trong và ngoài nước đều vui vẻ tán thán, đều cảm được sự lợi ích thù thắng từ sự nhiếp thọ chúng sanh của kinh này, càng cảm niệm cái nhìn sáng suốt, rốt ráo của lão hòa thượng đã chọn bộ kinh phương tiện nhanh chóng, thẳng tắt, rốt ráo, viên mãn này để dẫn dắt chúng sanh, để làm kim chỉ nam cho sự tu hành, thành tựu cho Phật quả Bồ Ðề viên mãn của chúng sanh.
Lão hòa thượng từ bi thương xót [chúng ta] cứ giảng đi giảng lại đến nay đã giảng hết chín lần, hội giảng kinh mỗi lần càng thù thắng hơn trước, những người đạt được lợi ích chân thật chẳng thể tính đếm nổi. Hiện nay lão hòa thượng đang giảng lần thứ mười ở Cư Sĩ Lâm Tân Gia Ba, trong bốn sự ‘Tín, Giải, Hành, Chứng’ đặc biệt nhấn mạnh ở ‘Hành, Chứng’, hy vọng những người có duyên nghe được đều ‘phát Bồ Ðề tâm chân chánh, một hướng chuyên niệm A-Di-Ðà Phật, cầu sanh Tịnh Ðộ’. Ðồng thời cũng hy vọng quý vị đồng tu trong Tịnh Tông có thể áp dụng Phật pháp viên dung vào trong đời sống và việc làm hằng ngày, để có thể cải thiện hoàn cảnh xã hội, cứu vãn kiếp vận của thế giới đầy dẫy tai nạn.
Lão hòa thượng chỉ rõ bản hội tập của kinh này là dựa trên sư thừa hẳn hòi, là được lão sư Lý Bỉnh Nam ở Ðài Trung đích thân truyền thừa (thầy Lý là học trò của Ấn Quang đại sư); bản hội tập kinh này đã được lão pháp sư Huệ Minh ấn chứng, pháp sư Từ Châu đích thân soạn khoa phán, đã khai giảng ở Ðại lục. Tuyên giảng hơn mười năm nay cũng thường nghe đến nhiều người y theo kinh này tu hành được vãng sanh, họ dự biết trước ngày giờ, hoa nở thấy Phật, họ làm chứng cho việc vãng sanh, rất nhiều đồng tu đã chứng kiến tận mắt, số nghe đến còn nhiều hơn nữa. Như vậy đủ để thấy công đức của bản hội tập kinh này rất thù thắng, được hết thảy mười phương ba đời chư Phật gia trì, hộ niệm.
Khả năng chữ nghĩa của người đời nay chẳng bằng người thời xưa, nhiều người không hiểu văn ‘Văn Ngôn’, thậm chí chẳng có năng lực đọc, huống chi kinh Vô Lượng Thọ có đến năm bản dịch gốc, thực sự rất khó đọc hết năm bản ấy. Ðồng tu trong hội chúng ta cũng biết việc này nên rất cảm niệm lời giáo huấn tha thiết, ân cần của lão hòa thượng đã dùng tâm cung kính, kiền thành để khuyên lơn hết thảy đồng tu, bất luận nghe kinh, nghiên giáo, hoặc niệm Phật tu hành đều nên bắt đầu từ bản hội tập kinh Vô Lượng Thọ. Hiểu rõ lý mới có thể tin sâu, tin sâu rồi mới có thể phát nguyện thiết tha, nguyện khẩn thiết mới có thể phụng hành, phụng hành thì tự nhiên công phu sâu dày. Có thể tín, nguyện, hành cả ba liên đới mật thiết như vậy, chẳng thiếu thứ nào thì mới có thể đạt được lợi ích chân thật của Phật pháp.
Những đại đức đồng tu ưa thích kinh Kim Cang Bát Nhã, Hoa Nghiêm, Pháp Hoa nếu có thể lấy kinh Vô Lượng Thọ làm cơ sở, bắt đầu từ kinh Vô Lượng Thọ thì càng dễ đạt được lợi ích rốt ráo của đại kinh.
A-Di-Ðà Phật
Tứ chúng đồng tu tại Tịnh Tông Học Hội Thành Phố Ðài Nam kính ghi.

4.     Ý nghĩa của Phật thất và niệm Phật.
Phật thất là căn cứ trên đoạn: ‘Nếu có người thiện nam tử, người thiện nữ nghe đến A-Di-Ðà Phật, chấp trì danh hiệu trong vòng một ngày, hoặc hai ngày, …, hoặc bảy ngày, nhất tâm bất loạn. Người này lúc lâm chung, A-Di-Ðà Phật và chư thánh chúng hiện ra ở trước mặt. Lúc người này mạng chung, tâm chẳng điên đảo ắt được vãng sanh về cõi Cực Lạc của A-Di-Ðà Phật’ trong Phật thuyết A-Di-Ðà Kinh. Trong những pháp hội niệm Phật, hy vọng dùng tâm chí thành, tâm khẩn thiết, buông xuống hết vạn duyên, nhất tâm niệm Phật, đạt được hiệu quả khắc kỳ cầu chứng (cầu chứng được nhất tâm bất loạn trong vòng bảy ngày, xây dựng lòng tin và bằng chứng để vãng sanh).
Ấn Quang đại sư dạy: ‘Nhiếp trọn sáu căn là bí quyết niệm Phật’. Lúc niệm Phật nhất định phải thâu nhiếp nhĩ căn, lắng nghe từng câu, từng chữ rõ ràng, rành mạch, đừng để luống qua. Phật hiệu phát khởi từ tâm, âm thanh từ miệng niệm, lọt vào tai, liên tục chẳng dứt. Vừa có chút vọng niệm thì liền thâu nhiếp tâm lại để niệm Phật, đóng cái tai lại và lắng nghe, chẳng để cho vọng niệm tiếp tục. Hết thảy vọng niệm tự nhiên từ từ biến mất, công phu tự nhiên đắc lực.
Lão hòa thượng Tịnh Không thường khuyến khích đồng tu phải dùng tâm ‘chân thành, thanh tịnh, bình đẳng, chánh giác, từ bi’ để niệm Phật, như vậy câu Phật hiệu này mới tương ứng, mới được bổn nguyện oai thần của đức Phật A-Di-Ðà gia trì, mới là chắc thật niệm Phật. Và nói: ‘Chỉ cần đệ tử Di Ðà thực sự chịu buông xuống, xả trừ vọng niệm, chánh niệm tự nhiên sẽ hiện tiền’. Cổ đức có câu: ‘Chỉ cầu trừ vọng, đâu cần tìm chân [thật]’. Phải biết ‘mục đích của niệm Phật vốn là công phu dùng chánh niệm đánh đổi vọng niệm, dùng một chánh niệm chống đỡ vô số vọng niệm’. Nếu có thể chắc thật niệm Phật thì bất cứ lúc nào chánh niệm cũng phân minh, thánh hiệu Di Ðà thường nằm trong tâm. Vì lúc nào cũng có Phật hiệu nên mới đạt đến ‘quên ta, quên mình’; nhờ quên mình như vậy nên chẳng có chướng ngại. Vì lúc nào cũng có Phật hiệu [trong tâm] thì tự nhiên được đại tự tại, công phu tự nhiên đắc lực.
Trong quyển ‘Tâm Thanh Lục’ lão cư sĩ Hoàng Niệm Tổ cũng chỉ rõ: “Chí tâm xưng niệm thánh hiệu Di Ðà này cũng giống như ‘luyện khoáng (quặng) thành vàng’ là loại bỏ hết thảy tạp chất đến lúc sạch hoàn toàn, xả bỏ hết thảy vô minh phiền não. Nếu được vậy tức là đã luyện thành vàng, chẳng còn là quặng nữa”.
· Chí thành niệm Phật là tự lực và Phật lực gia trì, là sự kết hợp của hai lực [lượng này].
· Chí thành niệm Phật là cắt cỏ mọc um tùm, bỏ chất tạp, luyện khoáng thành vàng.
· Chí thành niệm Phật là buông xuống hết vạn duyên, là chứng minh cho sự phát Bồ đề tâm, cầu nguyện vãng sanh.
· Chí thành niệm Phật là sự khảo nghiệm coi ‘tam tư lương’ tín - nguyện - hạnh đầy đủ hay không.
· Chí thành niệm Phật là thiện căn và phước đức hiện tiền.
5.     Giới thiệu sơ lược về Tam Thời Hệ Niệm.
Tam Thời Hệ Niệm là do Trung Phong quốc sư đời Tống đặt ra, nội dung gồm có tụng kinh, trì danh, giảng kinh, hành đạo, sám hối, phát nguyện, xướng tán, bảy phương pháp hợp lại làm thành, pháp sự này phân chia ra thành ba đoạn để cử hành.
Mục tiêu chính của Tam Thời Hệ Niệm là khuyên dạy vong linh sanh khởi lòng tin chân chánh, tâm nguyện khẩn thiết, niệm Phật cầu sanh Tây phương Tịnh độ. Người làm lễ Tam Thời Hệ niệm thay thế vong linh cũng có thể lợi dụng cơ hội này để tu tập Tịnh nghiệp. Ðây không những là để khuyến đạo vong linh, đồng thời cũng là để khuyến đạo chính mình, tự mình đạt được lợi ích, vong linh cũng được lợi ích, thiệt là cả hai cõi minh dương đều lợi, hết sức khế cơ cho những đồng tu tu trì Tịnh nghiệp.
Vãng tích sở tạo chư ác nghiệp        (Những ác nghiệp tạo từ trước
Giai do vô thỉ tham sân si                  Ðều do tham sân si từ vô thỉ
Tùng thân khẩu ý chi sở sanh           Từ thân khẩu ý sanh ra
Ngã kim Phật tiền cầu sám hối         Trước Phật con nay cầu sám hối)

Chư khổ tận tùng tham dục khởi      (Hết thảy khổ khởi lên từ tham dục
Bất tri tham dục khởi hà nhân          Chẳng biết tham dục khởi từ nhân gì
Nhân vong tự tánh Di Ðà Phật         Vì quên mất tự tánh Di Ðà Phật
Vọng niệm phân phi tổng thị ma.     Vọng niệm sôi nổi đều là ma.)
6.     Khó gặp thầy tốt.
Học hành phải y theo minh sư chứ chẳng phải danh sư. Minh sư có thể chỉ dẫn bạn đi trên đường bằng phẳng, đi về đường hướng sáng sủa. Minh sư là người chỉ đường, chỉ điểm phương hướng cho mình, phòng ngừa cho mình chẳng đi lạc đường. Ðồng tu là người khuyến khích lẫn nhau, dùi mài, trao giồi lẫn nhau, có ‘thầy tốt bạn tốt’ mới có thể thành tựu.
Người sơ học chưa đủ năng lực phân biệt tà - chánh, thị - phi; khi nghe người này rồi nói người này tốt, đi theo họ; nghe người kia xong thì nói người kia tốt, bị họ chuyển dời. Cũng như trẻ em, cha mẹ phải chăm nom kỹ càng vì nó chẳng biết tà - chánh, thị - phi, chẳng biết được - mất, lợi - hại, cần phải có thầy dạy dỗ. Ðợi đến lúc bạn có thể phân biệt tà chánh, thị phi, chẳng bị người ta xỏ mũi dẫn đi, có năng lực này rồi, lão sư có thể cho bạn đi ra ngoài tham học. Thầy thật là đại từ đại bi! Bảo đảm dạy dỗ, tận tâm tận lực.
Ðạo lý thầy trò thiệt chỉ có thể gặp mà chẳng thể cầu, vô cùng hiếm có! Ðây là cơ duyên, tự mình phải trồng thiện căn, vun bồi thiện duyên. Nếu thực sự chẳng gặp được thì cũng còn phương pháp, đó tức là học người xưa. Lúc trước thầy Lý Bỉnh Nam dạy tôi (tôi ở đây chỉ lão hòa thượng Tịnh Không), thầy rất khiêm nhường mà nói: ‘Khả năng của tôi chỉ có thể dạy cho ông năm năm’. Thầy dạy tôi học theo Ấn Quang pháp sư. Ấn Quang pháp sư là thầy của thầy Lý, thầy khuyến khích tôi tôn Ấn Quang pháp sư làm thầy. Lúc đó tôi mới bắt đầu học, còn chưa xuất gia. Thầy nói với tôi: ‘Người xưa đừng học theo Tô Ðông Pha, người thời nay đừng học theo Lương Khải Siêu’. Hai người này đều là học giả Phật học lỗi lạc, trên ‘Phật học’ họ là học giả uyên thâm, nhưng trên ‘học Phật’ họ chẳng có thành tựu, chẳng thể học theo hai người này.’
Lúc chúng ta chẳng tìm được thiện tri thức thì có thể tìm người xưa, làm học trò tư thục của người xưa. Những người dùng phương pháp này được thành tựu rất nhiều, ở Trung Quốc người đầu tiên tôn người xưa làm thầy là Mạnh Tử. Mạnh Tử học theo Khổng Tử, lúc bấy giờ Khổng Tử chẳng còn nhưng sách vở của ngài còn lưu lại trong thế gian nên Mạnh Tử chuyên đọc và học theo sách của Khổng Tử, tiếp nhận lời dạy của Khổng Tử trong sách, một lòng một dạ học theo Khổng Tử. Mạnh Tử học theo vị thầy này, chuyên học một vị thầy, học rất thành công, vì vậy nên trong lịch sử Trung Quốc người ta tôn Khổng Tử làm Ðại Thánh, Chí Thánh, Mạnh Tử làm Á Thánh.
Sau này trong lịch sử Trung Quốc có rất nhiều người dùng phương pháp này được thành công, lừng danh nhất là Tư Mã Thiên triều Hán, ông viết quyển lịch sử Trung Quốc đầu tiên ‘Sử Ký’. Tư Mã Thiên học Tả Khưu Minh, ông chỉ học một người, chuyên đọc tụng ‘Tả Truyện’, chuyên học văn chương, tu dưỡng của ‘Tả Truyện’, ông học thành công và trở thành một văn hào thời đó. Còn Hàn Dũ đời Ðường, ông là một trong tám văn hào nổi tiếng đời Ðường, Tống, còn có hiệu là Hàn Xương Lê, người chuyển đổi nền văn học sau tám đời suy thoái; thầy của Hàn Xương Lê là ai? Tức là Sử Ký. Ông học Tư Mã Thiên, chuyên học Sử Ký, học văn chương, giáo huấn của Sử Ký và trở thành lãnh tụ của tám nhà [văn hào] đời Ðường, Tống.
Trong nhà Phật, Ngẫu Ích đại sư triều Minh là một Tổ sư Tịnh Tông. Thầy của Ngài là ai? Là Liên Trì đại sư. Lúc bấy giờ Liên Trì đại sư đã vãng sanh rồi, sách vở của Liên Trì đại sư còn lưu lại trong đời, Ngẫu Ích đại sư bèn chuyên học sách vở của Liên Trì đại sư.
Sự giáo học từ đời xưa của Trung Quốc đều hy vọng đời sau vượt trội hơn đời này, nếu chẳng thể vượt trội thì giáo dục [kể như] hoàn toàn thất bại. Chẳng giống người ngày nay có tâm đố kỵ, chướng ngại luôn sợ người ta hơn mình, khi dạy người khác thì luôn giữ lại một ít, chẳng chịu tận tâm dạy học, đây gọi là keo pháp.
Chú thích: tài liệu trong phần này được trích từ bài giảng ‘Nhận thức Phật giáo’ của lão hòa thượng Tịnh Không tại Miami.
7.     Nhàn đàm về chuyện học Phật.
a.     Tin sâu nhân quả, trồng nhân gì thì gặt quả đó. Bố thí vô uý được khoẻ mạnh, sống lâu.
b.     Rất nhiều người nói về nhân quả [theo một cách] rất dễ gây ra hiểu lầm, tức là họ chỉ nhấn mạnh nhân quả đời trước. Vì họ cho rằng hết thảy đều do vận mạng định sẵn nên trở thành tiêu cực, chẳng muốn làm gì cả, và cách nói chẳng làm gì được (chỉ nghe theo trời, theo vận mạng an bài) người nghe theo Túc Mạng Luận, nhưng coi nhẹ nhân quả của đời này - những việc làm của mình trong đời này là mấu chốt quan trọng hơn.
c.      Mục đích nói về nhân quả có hai thứ:
Thứ nhất: An tâm, làm cho bạn định tâm, đừng vì ngoại duyên chẳng vừa ý mà nổi tâm bất bình, lúc nghịch cảnh đến thì đừng lo sợ, phải mạnh dạn nhận lấy.
Thứ hai: Lập mạng, muốn bạn phát nguyện lập chí, mạnh dạn tạo lập hạnh phúc cho mình.
d.     Những chỗ có Bồ Tát đều làm cho hết thảy chúng sanh sanh tâm hoan hỷ. Khi khởi tâm động niệm, ngôn ngữ tạo tác đều chẳng có tâm làm não hại chúng sanh; phải kết thiện duyên với tất cả chúng sanh, đừng kết ác duyên.
e.      Trì giới: Giới luật chẳng phải là trói buộc, là những gì [bạn] chẳng làm. Vì vậy giới luật giúp cho bạn tránh những sự dụ dỗ phi pháp, chẳng bị cảnh giới bên ngoài chi phối, ngược lại [nhờ giữ giới nên] được khinh an, tự tại.
f.       Vô úy bố thí:
1.     Không sát sanh: chúng sanh bình đẳng, tôn trọng sanh mạng, tiếc thương sanh mạng.
2.      Không não hại chúng sanh: đừng làm cho người ta chẳng được an ninh.
3.     Cứu tế khi nguy cấp: phóng sanh, hiến máu, cứu người, cứu động vật.
g.     Ăn ít cho khoẻ và có tinh thần. Những thức ăn được thêm chất hóa học và gia công dễ sanh bịnh, thậm chí dễ sanh ung thư, nên ít ăn những thứ này, tốt nhất là đừng ăn.
h.     Người xưa dạy: ‘Buổi sáng ăn cho có dinh dưỡng, buổi trưa ăn cho no (để làm việc), buổi tối ăn ít (dễ ngủ).
i.       Bác sĩ chuyên khoa tim danh tiếng Ðổng Ngọc Kinh bàn về đạo lý khoẻ mạnh:
1.     Ăn uống, vận động, ngủ nghỉ, kiểm soát tâm lý cho được quân bình.
2.     Bịnh lâu ngày thành thầy thuốc hay, chỉ có thể chữa cho mình, không thể chữa cho người khác. Thuốc phải cho đúng bịnh!
j.       Ô nhiễm mang đến tật bịnh: sanh hoạt bị ô nhiễm, thân thể bị ô nhiễm, hoặc tâm lý bị ô nhiễm. Phương pháp trị bịnh hay nhất là: tâm thanh tịnh, thân sẽ thanh tịnh, thân tâm thanh tịnh thì tự nhiên khoẻ mạnh
k.     Giải mở oan kết, gút mắt: là một công khóa quan trọng trong nhà Phật, cần có:
1.     Tự lực: đoạn ác tu thiện, tích lũy công đức, hồi hướng cho oan gia chủ nợ.
Chuyên tu tâm thanh tịnh, thân tâm thanh tịnh, duyên đoạn rồi thì quả báo chẳng sanh.
2.     Tha lực: Phật lực gia trì, chí thành niệm Phật, được nguyện lực của đức Phật A-Di-Ðà gia trì.
l.       Tật bịnh của người hiện nay phần đông là do sanh hoạt tập quán không tốt gây ra
m.  Ðạo dưỡng sanh: dưỡng tâm trong lúc tĩnh, lúc tịnh (như niệm Phật), dưỡng thân trong lúc động (như lạy Phật)
n.     Ăn chay không được thì đừng miễn cưỡng, không thể vì mình muốn ăn chay mà ảnh hưởng, tạo phiền phức cho người nhà, làm cho cả nhà chẳng yên, thế thì đã chẳng từ bi, lại không khéo léo. Nếu ăn chay không được thì nên ăn tam tịnh nhục.
o.     Việc ăn chay là do Lương Võ Ðế đề xướng, sau khi đọc kinh Lăng Già vua rất cảm động, phát tâm từ bi, chẳng nhẫn ăn thịt chúng sanh. Sau đó được người xuất gia hưởng ứng, trở thành điểm đặc sắc của Phật giáo Trung Quốc (Nhật, Ðại Hàn, nhiều nước ở Ðông Nam Á [ngoại trừ Việt Nam] đều chẳng có).
p.    Phương pháp ngừa muỗi, kiến, dán (chẳng dùng thuốc sát trùng).
1.     Trong bếp giữ gìn sạch sẽ, nấu ăn xong phải lau chùi gọn (để ngừa dán)
2.     Dùng thùng rác có nắp đậy (ngừa dán, kiến)
3.     Cửa sổ cần dùng cửa lưới (ngừa ruồi, muỗi, trùng)
4.     Chân bàn của bàn ăn dùng băng keo hai mặt dán xung quanh để ngừa kiến, mỗi tháng thay một lần.
5.     Ðốt nhang đuổi muỗi (dùng nhang điện an toàn hơn, gây tổn hại cho thân thể ít hơn), và phải mở hé cửa hoặc cửa sổ, để muỗi có đường bay ra ngoài, đừng kết oán thù với những động vật nhỏ này.
6.     Ði ra ngoài có thể dùng kem thoa ngừa muỗi, và tránh những nơi có nhiều muỗi.
q.     Từ trước đến nay trong sách thường dạy người ta phải ăn thịt mới có đủ dinh dưỡng, mới khoẻ mạnh, động vật sanh ra là để người ăn thịt! Và nói: ‘Tôn giáo là mê tín, chẳng có thần tiên, chẳng có Bồ Tát, và cũng chẳng có địa ngục, người chết thì hết, việc gì cũng chẳng còn’. Vì [có những quan niệm sai lầm như] vậy nên ngày càng nhiều người chẳng tin nhân quả, muốn làm gì thì làm, tham đắm trong ngũ dục, chẳng thể tự chủ.
r.      Khi nhìn thấy người ta giỏi, tốt hơn mình thì chịu không nổi, đây là đố kỵ. Ðố kỵ thuộc về [tội] ăn cắp, là tập khí từ vô thỉ kiếp đến nay. Phải thành tâm hối cải, khi nhìn thấy chuyện thiện phải tùy hỷ, có thể hoan hỷ khi nhìn thấy cái tốt, cái đẹp của người khác là thành tựu công đức cho mình, tức là tùy hỷ công đức.
s.      Nhẫn nhục là công phu giữ gìn công đức của mình, là công phu trước khi được định. Người xưa thường nói: ‘[Việc] nhỏ mà không nhẫn thì làm loạn mưu lớn’. Thành tựu nhỏ cần nhẫn nại ít, thành tựu lớn cần phải nhẫn nại nhiều. Nhưng nhẫn nhục chẳng phải đè nén, đè nén lâu ngày sẽ tích lũy thành bịnh. Nhẫn nhục đúng cách là vượt thoát ra khỏi phạm vi của sự tranh chấp, dùng trí huệ hóa giải, dùng độ lượng bao dung.
t.       Thuốc bổ tốt cách mấy cũng thua tâm thanh tịnh, tâm vui vẻ. Ham muốn ít, biết đủ thì thường vui. Ham muốn ít thì tâm thanh tịnh, biết đủ thì thường khoái lạc.
Tóm lại chỉ có niệm Phật là tốt.
A-Di-Ðà Phật!
Trong quá trình chuyển ngữ chắc không tránh khỏi thiếu sót, xin các bậc thức giả hoan hỷ phủ chính cho.
Xin thành thật cám ơn.
Một nhóm Diệu Âm cư sĩ, 9-4-2004

Nhận xét

Bài đăng phổ biến từ blog này