SỐ KHÁC

LƯỢC GIẢI NHỮNG PHÁP SỐ CĂN BẢN
Cư Sĩ Hạnh Cơ biên soạn

12 BỘ KINH (thập nhị bộ kinh)
12 bộ kinh tức là 12 thể loại của toàn bộ kinh điển Phật dạy:
1. Khế kinh (trường hàng): những lời dạy của đức Phật bằng văn xuôi, thường được gọi tổng quát là “kinh”.
2. Ứng tụng (trùng tụng): những bài kệ tụng (hình thức thơ cổ) dùng để tóm tắt ý nghĩa của khế kinh, cho nên thường đặt ở sau và luôn luôn tương ứng với phần khế kinh.
3. Kí biệt (thọ kí): lời Phật thọ kí cho chúng đệ tử sẽ chứng quả vào đời vị lai.
4. Phúng tụng (cô khởi): một bài kinh Phật dạy toàn dùng kệ tụng để diễn đạt, nhưng không phải là những bài kệ tụng tóm tắt kinh văn “trường hàng” như thể loại “trùng tụng” (số 2 ở trên).
5. Tự thuyết: Phật tự mở lời khai thị mà không đợi có người thỉnh cầu chỉ dạy.
6. Nhân duyên: nêu lên cái nhân duyên đưa đến trường hợp thuyết giáo của Phật – thường là phẩm “tựa” ở đầu mỗi bộ kinh.
7. Thí dụ: những ví dụ Phật đưa ra trong lúc giảng thuyết để giúp thính chúng hiểu ý kinh dễ dàng hơn.
8. Bản sinh: các kiếp tu hành đời trước của Phật do chính Ngài thuật lại.
9. Bản sự: những hành vi cùng phẩm hạnh của các vị Bồ-tát và thánh chúng đệ tử trong các kiếp trước do chính đức Phật thuật lại.
10. Phương quảng: kinh điển Phật nói có văn từ phong phú, giáo nghĩa sâu xa rộng lớn; đặc biệt chỉ cho toàn thể kinh điển đại thừa.
11. Hi pháp (vị tằng hữu): những sự việc ít có của Phật và chư vị đệ tử được ghi chép trong kinh.
12. Luận nghị: những lời nghị luận rành mạch, rõ ràng của đức Phật nhằm giúp thính chúng hiểu rõ về thể tánh của vạn pháp.

12 ĐỨC SÁNG (thập nhị quang)
Ánh sáng của đức Phật A Di Đà được xưng tán có 12 đức tính:
1. Vô lượng quang: ánh sáng của đức Phật A Di Đà thật bao la, không thể lường được.
2. Vô biên quang: ánh sáng của đức Phật A Di Đà chiếu tỏa cùng khắp, tất cả chúng sinh dù có duyên hay không có duyên, đều được soi tỏ.
3. Vô ngại quang: bất cứ người nào hay sự vật  gì cũng không thể gây chướng ngại được ánh sáng của Phật.
4. Vô đối quang: ánh sáng của chư vị đại Bồ-tát cũng không bì kịp.
5. Diệm vương quang: ánh sáng của Phật rực rỡ không có gì sánh bằng.
6. Thanh tịnh quang: ánh sáng của Phật do từ thiện căn không tham dục mà phát sinh, có năng lực diệt trừ tâm tham dục của chúng sinh.
7. Hoan hỉ quang: ánh sáng của Phật do từ thiện không sân hận mà phát sinh, có năng lực diệt trừ tâm sân hận của chúng sinh.
8. Trí tuệ quang: ánh sáng của Phật do từ thiện căn không si mê mà phát sinh, có năng lực diệt trừ tâm ngu si của chúng sinh.
9. Bất đoạn quang: ánh sáng của Phật chiếu soi thường hằng không dứt.
10. Nan tư quang: hàng Nhị-thừa không thể suy lường cùng tận ánh sáng của Phật.
11. Vô xưng quang: các hàng Thanh-văn, Duyên-giác, Bồ-tát không thể xưng tán cùng tận ánh sáng của Phật.
12. Siêu nhật nguyệt quang: ánh sáng của Phật chiếu soi suốt cả ngày đêm, vượt quá ánh sáng mặt trời mặt trăng; nếu ai gặp được ánh sáng ấy thì thân tâm nhu hòa, vui vẻ, phát khởi tâm lành; nếu chúng sinh ở nơi địa ngục mà gặp được ánh sáng ấy thì sự thọ khổ ngưng lại, không còn chịu đau khổ tiếp tục, cho đến khi mạng chung liền được giải thoát.
12 đức tính của ánh sáng được xưng tán ở trên cũng là 12 danh hiệu của đức Phật A Di Đà: Vô Lượng Quang Phật; Vô Biên Quang Phật; Vô Ngại Quang Phật; Vô Đối Quang Phật; Diệm Vương Quang Phật; Thanh Tịnh Quang Phật; Hoan Hỉ Quang Phật; Trí Tuệ Quang Phật; Vô Xưng Quang Phật; Bất Đoạn Quang Phật; Nan Tư Quang Phật; Vô Xưng Quang Phật;Siêu Nhật Nguyệt Quang Phật.

12 HẠNH ĐẦU ĐÀ (thập nhị đầu đà hạnh)
“Đầu đà” là tiếng dịch âm từ Phạn ngữ “dhuta”, có nghĩa là trừ bỏ phiền não trần cấu. Đầu đà là một trong những phương pháp tu khổ hạnh, cho nên cũng được gọi là “hạnh đầu đà”, cốt để tôi luyện thân tâm, bằng cách diệt trừ lòng tham trước đối với ba vấn đề thiết yếu của đời sống hằng ngày là cơm nước, áo quần và chỗ ở. Chư vị tì kheo thường tu tập hạnh đầu đà, cho nên cũng còn được gọi là chư vị “đầu đà”. Trong sinh hoạt hằng ngày, người tu tập hạnh đầu đà phải chấp hành mười hai điều qui định – được gọi là 12 hạnh đầu đà –  như sau:
1. Tránh xa chỗ đông đảo người đời, ở những nơi vắng vẻ, u tĩnh;
2. Ở giữa bãi tha ma, những nơi mồ mả;
3. Nghỉ ở gốc cây;
4. Ngồi ở những nơi trống trải, lộ thiên;
5. Ngồi nhiều nằm ít, hoặc chỉ ngồi suốt đêm mà không bao giờ nằm;
6. Thường đi xin ăn;
7. Đi xin ăn theo thứ lớp, lần lượt từ nhà này đến nhà khác, không phân biệt nhà giàu hay nhà nghèo;
8. Chỉ ăn một bữa mỗi ngày;
9. Ăn một bữa, nhưng chỉ ăn những gì xin được trong bát; và chỉ ăn vừa đủ, không ăn quá mức;
10. Ăn một bữa, vào buổi trưa, và sau bữa ăn đó thì không ăn một lần nào nữa; dù là nước gạo cũng không uống;
11. Mặc áo bằng những mảnh vải rách người ta bỏ đi, đem chắp vá lại;
12. Mỗi người chỉ được có ba chiếc áo, không được có nhiều hơn.

12 KHU VỰC (thập nhị nhập - thập nhị xứ)
Gồm chung sáu giác quan (lục căn)sáu đối tượng của giác quan (lục trần) thì chúng ta có pháp số gọi là “12 khu vực”. (Xin xem lại mục “Sáu Giác Quan, Sáu Đối Tượng của Giác Quan và Sáu Thức” ở trước.)

12 NGUYỆN LỚN (thập nhị đại nguyện)
Có 12 nguyện lớn của đức Phật Dược Sư và 12 nguyện lớn của đức Bồ-tát Quán Thế Âm:
 A) 12 Nguyện Lớn của đức Phật Dược Sư (khi còn tu hạnh Bồ-tát):
1. Nguyện sau khi thành Phật, tự thân tôi sẽ có ánh sáng rực rỡ, chiếu tỏa khắp vô số thế giới, và tôi sẽ dùng thân tướng trang nghiêm đó hóa độ chúng sinh, khiến cho tất cả đều có được thân tướng trang nghiêm, sáng rỡ như chính thân tôi.
2. Nguyện sau khi thành Phật, sắc thân tôi trong sáng như ngọc lưu li, uy đức bao la vòi vọi, sáng soi khắp nơi, khiến cho chúng sinh tăm tối nhờ đó mà tỏ ngộ, tùy theo ý chí mà tu tập các nghiệp lành.
3. Nguyện sau khi thành Phật, tôi sẽ dùng phương tiện trí tuệ rộng lớn để cứu giúp chúng sinh, những gì họ cần thiết đều có đầy đủ, không bị thiếu thốn, đau khổ.
4. Nguyện sau khi thành Phật, nếu có chúng sinh nào lầm theo con đường bất chính, tôi sẽ hóa độ cho được an trú trong đạo giác ngộ; nếu họ tự mãn với đạo quả tiểu thừa thì tôi sẽ dùng giáo pháp đại thừa để hướng dẫn họ chứng đắc đạo quả đại giác ngộ.
5. Nguyện sau khi thành Phật, nếu có chúng sinh nào biết tu theo chánh đạo, tôi sẽ hộ trì cho họ gìn giữ được giới hạnh thanh tịnh, đủ cả ba nhóm giới luật đại thừa (tam tụ tịnh giới), không hề phạm lỗi. Nếu trót đã phạm lỗi, nghe đến danh hiệu tôi thì liền được thanh tịnh, không bị đọa lạc vào vòng ác đạo.
6. Nguyện sau khi thành Phật, nếu có chúng sinh nào thân thể yếu đuối, tàn tật, tâm trí ngu si, ngông cuồng, khi nghe danh hiệu tôi thì thân thể khỏe mạnh, tàn tật được lành lặn, dứt mọi bệnh khổ, phát sinh trí tuệ.
7. Nguyện sau khi thành Phật, nếu có chúng sinh mắc các chứng bệnh hiểm nghèo, không thầy cứu, không thuốc chữa, không thân nhân chăm sóc, đau khổ mọi bề, khi nghe được danh hiệu tôi thì bệnh tật liền dứt, thân tâm an lạc, và phát tâm tinh tấn tu tập cho đến khi đạt được đạo quả giác ngộ.
8. Nguyện sau khi thành Phật, nếu có người đàn bà nào chán nản vì cho rằng mang thân đàn bà phải chịu nhiều điều bất hạnh, và muốn chuyển sinh làm thân đàn ông, khi nghe được danh hiệu tôi thì sẽ được chuyển sinh làm thân đàn ông, và cứ như thế mãi cho đến khi đạt được đạo quả giác ngộ.
9. Nguyện sau khi thành Phật, tôi sẽ độ thoát cho chúng sinh vượt khỏi sự vây bủa của các lưới ma, các sợi dây trói buộc của vọng tưởng tà kiến, và dẫn dắt họ vào chánh kiến, tu tập hạnh nguyện Bồ-tát cho đến khi đạt được đạo quả giác ngộ.
10. Nguyện sau khi thành Phật, nếu có chúng sinh nào bị xử trị oan ức bởi luật nước bạo tàn, bị tù ngục gông cùm, tra tấn hành hạ, hoặc bị tai nạn nguy hiểm, đạo tặc chém giết v.v..., trăm điều đau khổ, khi nghe được danh hiệu tôi thì liền nhờ uy đức của tôi mà vượt thoát mọi đau khổ.
11. Nguyện sau khi thành Phật, nếu có chúng sinh nào sa vào cảnh đói khát khốn khổ, và vì miếng ăn mà phải gây ra các hành động tội lỗi xấu xa, khi nghe được danh hiệu tôi và chuyên tâm quán niệm thì tôi sẽ trước đem cho thức ăn ngon, sau đem pháp vị mà hóa độ, khiến cho an trú mãi trong niềm an lạc vô biên.
12. Nguyện sau khi thành Phật, nếu có chúng sinh nào nghèo túng đến nỗi không có áo mặc, đêm ngày phải chịu rách rưới, lạnh lẽo, trăm điều khổ sở, khi nghe được danh hiệu tôi và chuyên tâm quán niệm thì nhờ uy đức của tôi mà họ sẽ được có áo quần lành lặn đẹp đẽ, với đầy đủ các món trang sức thân thể.
B) 12 Nguyện Lớn của đức Bồ Tát Quán Thế Âm:
1. Với trí tuệ thông suốt trọn vẹn, với hùng lực tự tại vô ngại, với lòng từ bi đáp ứng mọi lời kêu cầu của chúng sinh, tôi xin phát những lời nguyện rộng lớn cứu khổ muôn loài.
2. Tôi nguyện thường xuyên có mặt tại biển khơi và một lòng thương nghĩ đến những chúng sinh đang đau khổ, không có một trở ngại nào ngăn cản tôi được.
3. Tôi nguyện thường có mặt ở mọi nơi và mọi hoàn cảnh đen tối trong thế giới khổ đau, tức khắc tìm đến chỗ nào có tiếng kêu cứu để giúp đỡ.
4. Tôi nguyện hàng phục tất cả tà ma, yêu quái, và làm tiêu trừ mọi thứ hiểm nguy có thể gây khổ não và làm hại đến tính mạng của chúng sinh.
5. Tôi nguyện dùng nước cam lộ rưới tắt mọi phiền não nơi chúng sinh, khiến cho tâm ý họ được thư thái, an lạc, giúp cho việc tiến tu đạo nghiệp được dễ dàng.
6. Tôi nguyện đem bốn tấm lòng rộng lớn từ, bi, hỉ, xả của một vị Bồ-tát để cứu độ tất cả mọi loài một cách hoàn toàn bình đẳng, không so đo, không phân biệt.
7. Tôi nguyện diệt trừ mọi khổ đau nơi các cảnh giới địa ngục, ngạ quỉ, súc sinh, và đêm ngày tuần sát khắp nơi để bảo vệ chúng sinh, không để cho các điều ác độc làm tổn hại.
8. Những ai đang bị xiềng xích, gông cùm, tù ngục mà có lòng chí thành tưởng nhớ, trì niệm tên tôi thì liền được thoát khỏi hoạn nạn.
9. Tôi nguyện chèo con thuyền Phật pháp dạo cùng khắp vùng biển khổ đau để cứu độ chúng sinh, cho đến khi kẻ đau khổ cuối cùng được an lạc, giải thoát.
10. Tôi nguyện cùng với thánh chúng, với phướn lọng trang nghiêm, tiếp dẫn chúng sinh về thế giới Cực-lạc của đức Phật A Di Đà.
11. Ở thế giới Cực-lạc, tôi nguyện được đức Phật A Di Đà thọ kí thành Phật khi đại nguyện độ sinh đã hoàn toàn trọn vẹn.
12. Tôi nguyện có thân tướng trang nghiêm không gì so sánh được, và đó là chánh báo do sự thực hành trọn vẹn các lời nguyện rộng lớn của tôi.
Những lời nguyện rộng lớn ở trên, không phải chỉ là của riêng đức Phật Dược Sư hay Bồ Tát Quán Thế Âm, mà bất cứ vị hành giả nào đã phát tâm tu học theo hạnh Bồ-tát, phát nguyện phụng sự chúng sinh, đều có thể coi đó là những lời nguyện của chính mình.

12 NHÂN DUYÊN (thập nhị nhân duyên - thập nhị duyên khởi)
12 nhân duyên là mười hai điều kiện tương liên, là đạo lí căn bản của đạo Phật dùng để giải thích cái “bí ẩn” của hiện tượng sinh tử luân hồi, tức là sự hiện hữu của chúng sinh – mà trực tiếp là con người. Mười hai điều kiện ấy gồm có:
1. Vô minh: là trạng thái vô ý thức, mù quáng, mê lầm, không sáng suốt, không nhận chân được thực tướng của vạn pháp, không thấy rõ được tự tính của chính mình, do đó mà dẫn tới những hành động u tối, sai lầm.
2. Hành: là tác động vô thức của ý chí sinh tồn theo hướng vô minh đã thúc đẩy tạo nghiệp. Nó là khát vọng muốn sống một cách mù quáng. Tất cả những tư tưởng (ý), lời nói (khẩu) và việc làm (thân) thiện hay bất thiện đều nằm trong hành.
3. Thức: Tất cả nghiệp nhân đã tạo ra đều được huân tập vào nghiệp chủng thức (hay nghiệp thức, tức là a-lại-da thức). Thức này đi đầu thai và bắt đầu một sinh mạng mới. Lúc bà mẹ thụ thai, chính đó là lúc nghiệp thức kết hợp với tinh trùng và noãn châu của cha mẹ mà làm nên bào thai. Như vậy, thức chính là yếu tố nối tiếp giữa kiếp quá khứ và kiếp hiện tại, và là giai đoạn đầu tiên của đời sống hiện tại.
4. Danh sắc: Do nghiệp thức phát động mà phát hiện ra các hiện tượng tinh thần (danh)vật chất (sắc) của bản thân con người. Đây là giai đoạn thứ hai của đời sống hiện tại. Bản thân con người là một “hợp thể ngũ uẩn”, trong đó, bốn uẩn thọ, tưởng, hành, thức chỉ có tên gọi mà không có hình chất, không thể thấy, nghe, ngửi, nếm và chạm xúc được, nên gọi là danh; còn uẩn sắc tức là phần sinh lí của bản thân, do bốn nguyên tố (tứ đại: địa, thủy, hỏa, phong) cấu thành, có hình chất, màu sắc, mùi, vị, có thể thấy, nghe, ngửi, nếm, chạm xúc được, nên gọi là sắc. Trong giây phút đầu tiên khi bà mẹ thụ thai – tức là lúc nghiệp thức kết hợp với tinh trùng và noãn châu của cha mẹ, thì danh chính là nghiệp thức, và sắc chính là tinh trùng và noãn châu. Vậy, nếu hành và thức là hai yếu tố thuộc về hai kiếp quá khứ (hành) và hiện tại (thức) của một chúng sinh, thì thức và danh sắc, trái lại, được xuất hiện cùng lúc trong kiếp hiện tại của chúng sinh đó.
5. Lục nhập: sáu giác quan (lục căn: nhãn, nhĩ, tĩ, thiệt, thân, ý) dần dần hiện rõ theo sự phát triển của bào thai, từ chỗ thật giản dị lúc mới được tượng hình, trở thành vô cùng phức tạp khi con người đã trưởng thành toàn diện. Chúng hoạt động một cách hoàn toàn tự nhiên, mầu nhiệm, như một guồng máy tinh diệu. Mỗi giác quan đều có những hoạt động và đối tượng riêng biệt. Sáu giác quan là sáu chỗ để cho sáu đối tượng (lục trần: sắc, thanh, hương, vị, xúc, pháp) phản ảnh vào, gọi chung là “lục nhập”.
6. Xúc: Sự tiếp xúc giữa các giác quan và đối tượng của chúng, như mắt tiếp xúc (thấy) với cảnh vật, tai nghe (tiếp xúc) âm thanh, mũi ngửi mùi v.v...
7. Thọ: Cảm giác gây nên do sự tiếp xúc giữa các giác quan và đối tượng. Có loại cảm giác dễ chịu, vui sướng, hạnh phúc, gọi là “lạc thọ”; có loại cảm giác khó chịu, buồn phiền, khổ đau, gọi là “khổ thọ”; có loại cảm giác trung tính, không khó chịu cũng không dễ chịu, gọi là “xả thọ”.
8. Ái: “Ái” hay “ái dục” là sự ham muốn, khao khát, luyến ái. Do có cảm giác mà sinh ra ái. Đối trước dục vọng trần cảnh (ngũ dục), con người sinh tâm luyến ái. Nếu nói cho chính xác hơn, “ái” chính là sự luyến ái đối với sự sống. Vì vậy, cái gì làm cho ta vui thích thì ta khao khát, muốn có cho bằng được; còn cái gì làm cho ta buồn khổ thì ta chỉ muốn tránh xa, hoặc tống khứ hay hủy diệt nó đi; đó là động cơ chính yếu thúc đẩy thân, miệng, ý tạo nghiệp.
9. Thủ: Khi đã luyến ái thì cố bám giữ lấy đối tượng; hay nói rõ hơn, vì luyến ái sự sống cho nên phải bám giữ lấy sự sống – và từ đó mà phát sinh ra những tư tưởng sai lầm là có “TÔI và những gì THUỘC VỀ TÔI”. Mục đích của mọi hành động trong ba lĩnh vực ý, thân và miệng, dù là thiện hay bất thiện, cũng đều để bảo vệ và củng cố cho cái “TÔI và những gì THUỘC VỀ TÔI” ấy.
10. Hữu: Vì đam mê và cố bám giữ lấy đối tượng cho nên phải vướng mắc vào nghiệp báo do sự sống của chính mình tạo ra. “Hữu” nghĩa là những nghiệp nhân (thiện hay bất thiện) đã tạo ra ở kiếp này, và dĩ nhiên, những nghiệp quả (vui sướng hay khổ đau, cũng tức là những cảnh giới của các loài chúng sinh khác nhau) sẽ thọ nhận ở kiếp sau.
11. Sinh: Nghiệp đã tạo (hữu) ấy lại được huân tập vào chủng tử thức (a-lại-da), và chính là dẫn lực đưa tới việc ra đời của sinh mạng mới.
12. Lão tử: Khi đã có sinh ra thì tất nhiên lại phải có già và chết.
12 nhân duyên, như vừa thấy, đã trình bày một chuỗi nhân quả kéo dài suốt qua ba đời: quá khứ, hiện tại, và vị lai. Do vô minhhành nghiệp ở từ quá khứ cho nên đã có đời sống hiện tại. Cuộc sống hiện tại có thức, danh sắc, lục nhập, xúc, thọ, và những nhân duyên này cũng chính lại là vô minh, làm cho ái, thủ lại tiếp tục tạo nghiệp – tức là hữu. Chính sức mạnh của hữu (nghiệp) đã tạo ra trong cuộc sống hiện tại ấy sẽ là nguyên nhân đưa đến một đời sống mới (sinh lão tử) ở đời vị lai. Cứ thế, quá khứ làm nguyên nhân cho hiện tại, hiện tại làm nguyên nhân cho vị lai; hiện tại lại trở thành quá khứ, vị lai lại trở thành hiện tại để rồi lại đưa đến một vị lai khác..., vòng luân hồi tiếp diễn không ngừng.
12 nhân duyên chính là nội dung của giáo lí “Duyên Khởi”, giáo lí căn bản nhất của Phật giáo. Mười hai nhân duyên là mười hai điều kiện cùng nương nhau mà hiện hữu, cùng nối kết mật thiết với nhau, cùng là nhân và là quả của nhau, để tạo thành vòng sinh tử luân hồi. Vòng (hay bánh xe) luân hồi là một vòng tròn không có khởi điểm. Mười hai nhân duyên là mười hai cái khoen của vòng tròn đó, mà không có cái khoen nào là khoen bắt đầu. Bất cứ một nhân duyên nào trong số ấy cũng không thể có một bản chất và sự hiện hữu riêng biệt và độc lập. Vô minh chẳng hạn, không phải chỉ là điều kiện sinh ra hành, mà nó còn có mặt trong hành cũng như trong tất cả các điều kiện khác. Lại nữa, vô minh chỉ là một điều kiện như mười một điều kiện còn lại; tuy nó được đặt ở khoen đầu tiên, nhưng đó chỉ là theo thói quen thông thường, chứ không phải vì nó là nguyên nhân đầu tiên để sinh ra các điều kiện khác. Lí do dễ hiểu, vì đã là nguyên nhân đầu tiên rồi thì nó không còn là một nhân duyên nữa. – Hai ý niệm “nhân duyên”“nguyên nhân đầu tiên” hoàn toàn chống trái nhau. Phật giáo không bao giờ chấp nhận có một nguyên nhân đầu tiên. Ta chỉ có thể tạm cho rằng, vô minh là điều kiện bao trùm đối với các điều kiện khác, vì chính thực, có vô minh mới có sinh tử luân hồi, nếu diệt được nó thì sinh tử luân hồi cũng không còn. Hơn nữa, các nhân duyên khác như lục nhập, xúc, thọ, ái, thủ v.v... cũng chính là vô minh, và cũng chính là chất liệu để tạo ra vòng sinh tử luân hồi; nếu một trong các nhân duyên ấy bị diệt thì cái vòng luân hồi tức khắc đứt tung. Cũng vậy, a-lại-da (tức là thức) chính là bản thể của vạn hữu, nhưng không vì thế mà bảo nó là nguyên nhân đầu tiên để từ đó sinh ra những cái khác; bởi vì, a-lại-da là bản thể của vạn hữu ở trạng thái vô minh ô nhiễm, nếu nó đã là nguyên nhân đầu tiên thì sẽ chẳng bao giờ có trí tuệ, và do đó, chẳng bao giờ có thể có chân như; kì thực, chân như (hay đại viên cảnh trí) và a-lại-da thức chỉ là hai trạng thái (thanh tịnh và ô nhiễm, hay mê và ngộ) của bản thân vạn pháp. Cho nên, dù là chân như, dù là thức, hay là gì gì đi nữa, thì cũng không có cái gì gọi là nguyên nhân đầu tiên, không có gì hiện hữu độc lập, mà tất cả đều là nhân duyên của nhau, nương vào nhau mà sinh thành, tồn tại và hủy diệt.

16 NƯỚC LỚN (thập lục đại quốc)
Trong thời đức Phật tại thế, bán đảo Ấn-độ gồm có hàng trăm quốc gia, trong đó, 16 quốc gia được coi là lớn nhất (kể cả mọi mặt: đất đai rộng lớn, văn hóa phát triển, tôn giáo hưng thịnh, kinh tế phồn vinh, chính trị và quân lực hùng mạnh), gồm có:
1. Ma-kiệt-đà (Magadha), kinh đô là thành Vương-xá (Rajagrha), thuộc miền Trung Ấn-độ, nằm ở bờ Nam sông Hằng (Ganga);
2. Bạt-kì (Vrji), kinh đô là thành Tì-xá-li (Vaisali), nằm ở bờ Bắc sông Hằng, tức đối diện với Ma-kiệt-đà;
3. Ương-già (Anga), kinh thành là Chiêm-ba (Campa), nằm ở phía Đông Ma-kiệt-đà;
4. Ca-thi (Kasi), kinh thành là Ba-la-nại (Varanasi), nằm ở bờ Bắc sông Hằng và xéo hướng Tây Bắc của Ma-kiệt-đà;
5. Mạt-la (Malla), kinh đô là Câu-thi-na (Kusinagara), nằm ở phía Bắc nước Bạt-kì;
6. Kiều-tát-la (Kausala), kinh đô là thành Xá-vệ (Sravasti), nằm ở phía Bắc của nước Ca-thi;
7. Chi-đề (Cedi), nằm ở phía Tây nước Ca-thi;
8. Bạt-sa (Vatsa), kinh thành là Kiều-thưởng-di (Kausambi), nằm ở phía Nam nước Chi-đề và phía Tây của nước Ma-kiệt-đà;
9. A-bàn-đề (Avanti), kinh thành là Ổ-xà-diễn-na (Ujayana), thuộc miền Tây Ấn-độ, nằm ở hướng Tây Nam của nước Ma-kiệt-đà;
10. A-thấp-ba (Asvaka), kinh đô là thành Bổ-đa-lặc-ca, nằm ở phía Bắc nước A-bàn-đề;
11. Tô-la-sa (Surasena), thủ đô là Mạt-thổ-la, nằm ở phía Bắc nước A-thấp-ba;
12. Bà-sa (Matsya), nằm phía Bắc nước Tô-la-sa;
13. Cư-lâu (Kura), nằm ở bờ Tây thượng lưu sông Hằng, xéo hướng Đông Bắc của nước Bà-sa;
14. Bàn-xà-la (Pancala), nằm giữa nước Cư-lâu ở phía tây và nước Kiều-tát-la ở phía Đông;
15. Càn-đà-la (Gandhara), kinh đô là Đát-xoa-thỉ-la (Taksasila), chiếm trọn vùng Tây Bắc thượng lưu sông Ấn (Sindhu);
16. Kiếm-phù-sa (Kamboja), kinh đô là Đa-môn (Dvaraka), nằm ở bờ Tây sông Ấn, phía Nam nước Càn-đà-la.
Trong 16 nước trên đây, thì Ma-kiệt-đà (Magadha) cùng với Kiều-tát-la (Kosala) là 2 nước lớn nhất và hùng mạnh nhất trong toàn lãnh thổ Ấn-độ thời Phật tại thế. Và 6 đô thị nổi tiếng phồn thịnh nhất thời bấy giờ là: Xá-vệ (Savatthi) của Kiều-tát-la; Vương-xá (Rajagaha) của Ma-kiệt-đà; Kiều-thưởng-di (Kosambi) của Bạt-sa; Tì-xá-li (Vesali) của Lê-xa; Chiêm-ba (Campa) của Ương-già; và Ba-la-nại (Baranasi) của Ca-thi.
Xin nói thêm, những thế kỉ trước ngày Phật ra đời, nền văn minh Ấn-độ (được hiểu là nền văn minh Bà-la-môn giáo) đã tập trung tại miền Tây Bắc Ấn-độ, bao gồm vùng thượng lưu hai con sông Hằng-hà (Ganga) và Ấn-hà (Sindhu). Các bộ tộc hùng mạnh đều lấy vùng này mà lập nên các vương quốc phú cường, như Kamboja (Kiếm-phù-sa), Gandhara (Càn-đà-la), Kuru (Cư-lâu), Matsya (Bà-sa), Pancala (Bàn-xà-la) và Surasena (Tô-la-sa), là 6 nước lớn nhất (mà đặc biệt, Gandhara và Kuru được xem là căn cứ địa của văn minh Bà-la-môn). Các khu vực khác đều còn bị coi là man rợ. Đến thế kỉ thứ 7 tr. TL, các vương quốc ở các vùng phía Tây, Đông, Đông Bắc và lưu vực sông Hằng bỗng nhiên phát triển mạnh mẽ về mọi lãnh vực, vượt hẳn các vương quốc trên kia, và chiếm địa vị trung tâm. Mười vương quốc mới nổi tiếng được nhắc tới nhiều nhất là Kosala (Kiều-tát-la), Malla (Mạt-la), Licchavi (Lê-xa – cũng gọi Vrji - Bạt-kì), Asvaka (A-thấp-ba), Kasi (Ca-thi), Vatsa (Bạt-sa), Avanti (A-bàn-đề), Cedi (Chi-đề), Anga (Ương-già) và Magadha (Ma-kiệt-đà); cộng chung với sáu vương quốc trên kia, là mười sáu vương quốc lớn nhất (thập lục đại quốc) của Ấn-độ thời Phật tại thế. Tất cả 16 nước lớn này đều nằm trong lãnh thổ nửa phía Bắc Ấn-độ. Dưới thời đại của Phật, nền văn minh vẫn chưa phát triển xuống nửa phía Nam của bán đảo Ấn-độ.Từ khi các vương quốc kém phát triển ở phía Tây, Đông, Đông Bắc và lưu vực sông Hằng bỗng nhiên vùng dậy mạnh mẽ trở thành các cường quốc, thì uy thế của Bà-la-môn giáo truyền thống lại bắt đầu suy yếu tại các khu vực đó. Các hệ phái triết học khác đua nhau bộc phát, làm cho tư tưởng giới đương thời trở nên rối ren, phức tạp. Một cách tổng quát, tư tưởng giới lúc đó chia làm hai xu hướng: Xu hướng trung thành với truyền thống Vệ Đà và xu hướng phản Vệ Đà. Xu hướng thứ nhất gồm có ba trào lưu: Bà-la-môn chính thống, tín ngưỡng tập tục (sùng bái nhiều vị thần nhân cách hóa), và triết học (lấy Phạm ThưÁo Nghĩa Thư làm chủ yếu). Xu hướng thứ hai bao gồm các trào lưu chủ trương nghiên cứu các vấn đề triết học một cách tự do, độc lập, phủ nhận hoàn toàn uy thế cũng như đặc quyền của Bà-la-môn truyền thống. Các nhà tư tưởng (hay tôn giáo) này được gọi là “sa-môn” (samana). Họ tổ chức thành từng giáo đoàn, được gọi là “sa môn đoàn”. Các vương quốc mới phát triển như Kiều-tát-la, Lê-xa, Ca-thi, A-bàn-đề, Ma-kiệt-đà v.v... là địa bàn hoạt động rất nhộn nhịp của các đoàn sa môn này. Các đạo sĩ A La Lam (Alara Kalama) và Uất Đầu Lam Phất (Uddaka Ramaputta) chẳng hạn, đều là thủ lãnh lớn của các đoàn sa môn ấy, và đã lấy vùng lưu vực sông Hằng làm căn cứ địa, mở các đạo tràng hướng dẫn đồ chúng.

16 PHÉP QUÁN (thập lục quán)
16 đối tượng quán tưởng của người tu Tịnh Độ thường được gọi là “16 phép quán”, được Phật dạy trong kinh Quán Vô Lượng Thọ, xin trình bày tóm lược như sau:
1. Quán tưởng mặt trời (nhật tưởng quán). Ngồi ngay ngắn, mặt quay về hướng Tây, quán tưởng thấy rõ mặt trời để cho tâm được an định, vững vàng, chuyên chú quán tưởng như thế, không dời đổi; rồi thấy mặt trời sắp lặn, hình trạng giống như cái trống treo trên không. Đã thấy mặt trời như thế rồi, dù mở mắt hay nhắm mắt vẫn thấy rõ ràng như thế.
2. Quán tưởng nước (thủy tưởng quán). Ban đầu quán tưởng thấy cả một vùng phương Tây toàn là nước mênh mông; rồi thấy nước đó đóng thành băng, băng ấy sáng chói trong suốt; rồi từ đó mà quán tưởng tới ngọc lưu li.
3. Quán tưởng đất (địa tưởng quán). Quán tưởng xuống thấy đất toàn bằng lưu li, mặt đất toàn là bảy món báu, có trụ cờ bằng ngọc kim cương. Trên đất lại có dây bằng vàng ròng giăng hàng qua lại, mỗi mỗi món báu đều có năm trăm sắc hào quang.
4. Quán tưởng cây báu (bảo thọ quán). Quán tưởng nước Cực-lạc có bảy hàng cây báu, tất cả cây, cành, lá, hoa đều bằng bảy báu, màu sắc khác nhau, trên mỗi cây đều có bảy lớp mạng lưới, trong mỗi lớp lưới đều có năm trăm ức cung điện đẹp đẽ trang nghiêm.
5. Quán tưởng ao báu (bảo trì quán). Quán tưởng ở nước Cực-lạc có ao nước bằng bảy báu, cát dưới đáy ao toàn bằng vàng, trong ao chứa nước có tám thứ công đức, trong nước có ức triệu hoa sen toàn bằng bảy báu, có nước ma-ni rót vào từng hoa sen, phát ra âm thanh kì diệu, diễn nói diệu pháp. Lại có nhiều giống chim với hàng trăm màu sắc quí báu, thường tán thán niệm Phật, niệm pháp, niệm tăng.
6. Quán tưởng lầu gác báu (bảo lâu quán). Quán tưởng nước Cực-lạc có nhiều khu vực, ở mỗi khu vực có năm trăm ức lầu gác báu, trong đó có vô lượng chư thiên tấu lên những khúc nhạc vi diệu. Lại có nhiều thứ nhạc khí treo khắp hư không, tự chúng phát ra những điệu nhạc kì diệu, vang ra tiếng niệm Phật, niệm pháp, niệm tăng.
7. Quán tưởng tòa hoa sen (hoa tòa quán). Quán tưởng các tòa sen, là chỗ ngồi của đức Phật A Di Đà và hai đức Bồ-tát Quán Thế Âm, Đại Thế Chí. Tòa sen do bảy báu làm thành, các hoa sen, cọng sen, lá sen v.v... toàn bằng ngọc ma ni, kim cương v.v..., chiếu ánh sáng muôn màu rực rỡ.
8. Quán tưởng hình tượng (tượng quán). Quán tưởng hình tượng đức Phật A Di Đà toàn bằng châu báu, sáng chói sắc vàng, ngồi trên tòa hoa sen; lại quán tưởng hình tượng đức Bồ-tát Quán Thế Âm thân vàng sáng chói, ngồi trên tòa sen bên trái để hầu Phật; đức Bồ-tát Đại Thế Chí cũng vậy, ngồi tòa sen bên phải để hầu Phật; cả hình tượng Phật và hai vị Bồ-tát đều phóng ra hào quang sắc vàng sáng chói.
9. Quán tưởng chân thân Phật (chân thân quán). Quán tưởng chân thân của đức Phật A Di Đà. Tướng quan trọng nhất của Phật là tướng lông trắng ở giữa đôi chân mày. Thấy rõ được tướng này thì tám vạn bốn nghìn tướng tốt khác của Phật cũng đồng thời hiện ra. Thấy rõ được chân thân của Phật A Di Đà thì cũng thấy được chân thân chư Phật trong mười phương.
10. Quán tưởng Quán Thế Âm (Quán Âm quán). Quán tưởng sắc thân chân thật của Bồ-tát Quán Thế Âm, cao lớn, sắc vàng, vòm hào quang trên đầu có đức hóa Phật. Ngài dùng bàn tay quí báu trợ lực đức Phật A Di Đà để tiếp dẫn chúng sinh.
11. Quán tưởng Đại Thế Chí (Thế Chí quán). Quán tưởng sắc thân chân thật của Bồ-tát Đại Thế Chí, cùng với Bồ-tát Quán Thế Âm, là hai vị hầu cận trợ lực đức Phật A Di Đà tiếp dẫn chúng sinh
12. Quán tưởng mình được vãng sinh (tự vãng sinh quán). Quán tưởng mình được vãng sinh về nước Cực-lạc. Bấy giờ mình ngồi kiết già trong hoa sen búp, khi hoa nở có năm trăm sắc hào quang chiếu soi thân mình, được thấy Phật A Di Đà, chư vị hóa Phật và Bồ-tát khắp cả hư không.
13. Quán tưởng xen lộn (tạp tưởng quán). Quán tưởng thân Phật cao một trượng sáu ngự trên ao nước đầy đủ tám công đức, hoặc thân Phật cao lớn đầy khắp hư không; tức quán tưởng chân thân của Phật, hoặc hóa thân Phật, hoặc thân to lớn, hoặc thân thấp nhỏ, thân nào cũng toàn sắc vàng ròng, hai đức Bồ-tát Quán Thế Âm và Đại Thế Chí cũng vậy.
14. Quán tưởng vãng sinh cấp Thượng-phẩm (Thượng phẩm sinh quán). Người vãng sinh Tịnh-độ, y theo lúc tu nhân mà sẽ sinh vể một trong 3 cấp Thượng, Trung, Hạ; mỗi cấp lại chia ra có 3 phẩm thượng, trung, hạ; cả thảy là 9 phẩm. Quán tưởng các hành giả vãng sinh cấp Thượng phẩm, tự mình phát ba loại tâm, tu từ tâm, không giết hại, đọc tụng kinh điển đại thừa v.v..., khi lâm chung được Phật và thánh chúng tiếp dẫn vãng sinh về cõi Tịnh-độ, được mọi lợi ích thù thắng.
15. Quán tưởng vãng sinh cấp Trung-phẩm (Trung phẩm sinh quán). Quán tưởng các hành giả hành trì 5 giới, 8 giới, tu hạnh hiếu dưỡng phụ mẫu v.v..., khi lâm chung sẽ được Phật và thánh chúng đến tiếp dẫn vãng sinh.
16. Quán tưởng vãng sinh cấp Hạ-phẩm (Hạ phẩm sinh quán). Quán tưởng những người tuy tạo nhiều nghiệp ác, nhưng trong giờ phút lâm chung, may mắn gặp được bậc thiện tri thức dạy bảo mà biết xưng niệm danh hiệu Phật A Di Đà, nhờ đó mà được vãng sinh.

18 KHU VỰC (thập bát giới)
Gồm chung 6 giác quan (lục căn), 6 đối tượng của giác quan (lục trần)6 thức (lục thức), thì chúng ta có pháp số gọi là “18 Khu Vực” (thập bát giới). Tất cả mọi sự mọi vật trong vũ trụ đều bao gồm trong 18 khu vực này. (Xin xem lại mục “Sáu Giác Quan, Sáu Đối Tượng của Giác Quan, và Sáu Thức” ở trước.)

18 PHÁP KHÔNG CÙNG CHUNG (thập bát bất cộng pháp)
Đây là 18 pháp công đức mà đặc biệt chỉ Phật mới có, chứ các hàng Bồ-tát, Thanh-văn và Duyên-giác đều không có:
1. Thân không lầm lỗi (thân vô thất): Phật từ vô lượng kiếp đến nay, trì giới thanh tịnh, công đức đầy đủ, phiền não dứt sạch, cho nên ở nơi thân không hề có lầm lỗi.
2. Miệng không lầm lỗi (khẩu vô thất): Phật có trí tuệ biện tài vô lượng, tùy căn cơ của chúng sinh mà nói pháp thích hợp, làm cho tất cả đều được chứng ngộ.
3. Ý tưởng không lầm lỗi (niệm vô thất): Phật đã tu các pháp môn thiền định sâu xa, tâm không bao giờ tán loạn, không dính mắc nơi các pháp, tuyệt đối an ổn.
4. Không có ý tưởng phân biệt (vô dị tưởng): Phật cứu độ khắp tất cả chúng sinh một cách bình đẳng, không phân biệt chọn lựa.
5. Không có tâm bất định (vô bất định tâm): Trong mỗi lúc đi đứng ngồi nằm, Phật không bao giờ xa rời chánh định sâu xa, luôn luôn nhiếp tâm trụ nơi pháp lành.
6. Không có cái tâm không biết tự mình buông xả (vô bất tri kỉ xả tâm): Trong từng sát na, đối với những cảm thọ khổ vui, Phật thấy rõ các tướng sinh trụ dị diệt của chúng, cho nên vẫn an trú trong cảnh giới bình đẳng, vắng lặng.
7. Ý chí không tiêu mất (dục vô diệt): Phật có đầy đủ các đức lành, tâm luôn luôn muốn cứu độ chúng sinh mà không bao giờ cho là đủ hay nhàm chán.
8. Tinh tấn không tiêu mất (tinh tấn vô diệt): Thân tâm Phật lúc nào cũng tinh tấn, thực hiện mọi phương tiện để cứu độ chúng sinh, không lúc nào ngưng nghỉ.
9. Niệm không tiêu mất (niệm vô diệt): Tất cả các pháp và trí tuệ của chư Phật trong ba đời đều tương ưng đầy đủ, không có sự thối chuyển.
10. Trí tuệ không tiêu mất (tuệ vô diệt): Phật có đầy đủ tất cả trí tuệ, suốt cả ba đời không có gì chướng ngại, không khiếm khuyết, không tiêu mất.
11. Giải thoát không tiêu mất (giải thoát vô diệt): Phật dứt tuyệt mọi sự chấp trước, thoát khỏi cả hai lãnh vực hữu vi và vô vi, tất cả tập khí phiền não đều không còn, cho nên thành quả giải thoát không hề bị khiếm khuyết hay tiêu mất.
12. Giải thoát tri kiến không tiêu mất (giải thoát tri kiến vô diệt): Phật thấy biết các tướng giải thoát thật rõ ràng, không có gì che lấp được.
13. Tất cả thân nghiệp đều hành động theo trí tuệ (nhất thiết thân nghiệp tùy trí tuệ hành): Khi thân muốn hành động, trước hết Phật quán sát hậu quả của việc làm, sau đó sẽ tùy theo trí tuệ mà thực hiện, cho nên không gây ra lầm lỗi, chỉ đem lại lợi ích cho chúng sinh mà thôi.
14. Tất cả khẩu nghiệp đều nói năng theo trí tuệ (nhất thiết khẩu nghiệp tùy trí tuệ hành): Khi miệng muốn nói năng, trước hết Phật quán sát hậu quả của lời nói, sau đó sẽ tùy theo trí tuệ mà diễn bày, cho nên không gây ra lầm lỗi, chỉ đem lại lợi ích cho chúng sinh mà thôi.
15. Tất cả ý nghiệp đều tư duy theo trí tuệ (nhất thiết ý nghiệp tùy trí tuệ hành): Khi suy nghĩ, trước hết Phật quán sát hậu quả của ý nghĩ, sau đó sẽ tùy theo trí tuệ mà suy nghĩ, cho nên không gây ra lầm lỗi, chỉ đem lại lợi ích cho chúng sinh mà thôi.
16. Trí tuệ thấy biết đời quá khứ không bị chướng ngại (trí tuệ tri kiến quá khứ thế vô ngại vô chướng): Đối với mọi sự việc của chúng sinh ở đời quá khứ, Phật quán chiếu thấy biết thông suốt, không có gì làm cho chướng ngại.
17. Trí tuệ thấy biết đời vị lai không bị chướng ngại (trí tuệ tri kiến vị lai thế vô ngại vô chướng): Đối với mọi sự việc của chúng sinh ở đời vị lai, Phật quán chiếu thấy biết thông suốt, không có gì làm cho chướng ngại.
18. Trí tuệ thấy biết đời hiện tại không bị chướng ngại (trí tuệ tri kiến hiện tại thế vô ngại vô chướng): Đối với mọi sự việc của chúng sinh đời hiện tại, Phật quán chiếu thấy biết thông suốt, không có gì làm cho chướng ngại.
Lại nữa, có chỗ cho rằng, 18 pháp không cùng chung của Phật gồm có mười trí lực, bốn đức vô úy, ba nơi trụ của chánh niệm (tam niệm trú), và tâm đại bi. Ba nơi trụ của chánh niệm gồm có: 1) Đối với những người nghe pháp sinh tâm cung kính, Phật giữ tâm bình đẳng, không vui mừng. 2) Đối với những người nghe pháp sinh tâm bất kính, Phật giữ tâm bình đẳng, không buồn phiền. 3) Đối với những người cung kính lắng nghe và những người không cung kính lắng nghe, Phật giữ tâm bình đẳng, không thích người này, cũng không trách người nọ.
Hàng Bồ-tát cũng có 18 pháp công đức mà Thanh-văn và Duyên-giác không cùng có chung (Bồ-tát thập bát bất cộng pháp):
1. Bố thí không cần người khác khuyên bảo.
2. Giữ giới không cần người khác khuyên bảo.
3. Nhẫn nhục không cần người khác khuyên bảo.
4. Siêng năng không cần người khác khuyên bảo.
5. Thiền định không cần người khác nhắc nhở.
6. Trí tuệ không cần người khác dạy bảo.
7. Thực hành những cách thu phục để thu phục giáo hóa chúng sinh.
8. Hiểu rõ sự hồi hướng.
9. Lấy phương tiện thiện xảo làm chính để giúp chúng sinh tu hành.
10. Không thối lui trên con đường đại thừa.
11. Khéo léo thị hiện niết bàn nơi sinh tử, tâm thường an vui, lời nói và âm thanh đều khéo léo thuận theo thế tục.
12. Lấy trí tuệ làm kẻ dẫn đường, tuy có thọ sinh mà không hề thọ sinh, xa lìa mọi lầm lỗi.
13. Đầy đủ mười nghiệp lành nơi thân, miệng và ý.
14. Thường hay chịu đựng đau khổ để thu phục giáo hóa chúng sinh.
15. Có thể hiện bày những thứ mà thế gian yêu thích.
16. Tuy ở trong hàng Thanh-văn và hạng phàm phu nhiều khổ não, nhưng không bao giờ mất trí sáng tỏ.
17. Khi nhận địa vị vua tất cả pháp, dùng lụa cột tóc và dùng nước vẩy đầu.
18. Không bao giờ rời bỏ sự mong cầu hiển bày chánh pháp của chư Phật.

20 VIỆC KHÓ (nhị thập nan)
Trong kinh Tứ Thập Nhị Chương có nêu ra 20 việc mà người thế gian rất khó thực hiện:
1. Người nghèo cùng rất khó thực hiện hạnh bố thí (bần cùng bố thí nan).
2. Người giàu sang rất khó tu học đạo giải thoát (hào phú học đạo nan).
3. Người đời khó có được ý chí quên mình vì đại nghĩa, hoặc xả thân vì đạo pháp (phán mạng tất tử nan).
4. Người đời khó có duyên được thấy nghe và thọ trì giáo pháp của Phật (đắc đổ Phật kinh nan).
5. Người không trồng nhân lành, không tu tập các điều thiện, mà muốn được sinh ra đời gặp Phật tại thế thì thật là vô cùng  khó khăn (sinh trị Phật thế nan).
6. Người đời thường say đắm ngũ dục lục trần, cho nên, chế phục được vọng niệm, xa lìa được dục tình là điều rất khó (nhẫn sắc li dục nan).
7. Người đời thấy cảnh giàu sang mà không ham, thấy lợi danh mà không thích, thấy vật gì vừa ý mà không muốn đem về cho mình, đó là điều rất khó (kiến hảo bất cầu nan).
8. Người hào phú thế lực mà vẫn giữ lễ độ, khiêm cung với mọi người, không ỷ thế làm nhục người, đó là việc khó (hữu thế bất lâm nan).
9. Bị người ta làm nhục mà nhịn nhục được, không sân hận, đó là điều rất khó (bị nhục bất sân nan).
10. Khi đụng chạm các việc ở đời mà tâm giữ được tĩnh lặng, không chao động, đó là điều khó (xúc sự vô tâm nan).
11. Người căn tánh thấp kém mà muốn học rộng, đọc nhiều, nghiên cứu nghĩa lí sâu xa, thì thật là khó (quảng học bác cứu nan).
12. Người học vấn uyên bác mà không khinh mạn đối với kẻ ít học, đó là điều khó (bất khinh mạt học nan).
13. Diệt trừ tâm ngã mạn, khinh người, thật là khó (trừ diệt ngã mạn nan).
14. Gặp được bậc thiện tri thức để được học hỏi, hầu mong mở mang trí hiểu biết chân chính, đó là điều khó (hội thiện tri thức nan).
15. Người đời thường mê đắm theo vọng tình ái dục, cho nên, biết phản tỉnh để quay về con đường chân chánh, tu học đạo giải thoát, đó là điều rất khó (kiến tánh học đạo nan).
16. Đối trước ngoại cảnh mà giữ tâm an nhiên, không chuyển động, đó là điều khó (đối cảnh bất động nan).
17. Thường có tâm từ ái đối với chúng sinh, dùng mọi phương tiện để làm lợi ích cho chúng sinh, đó là điều rất khó (thiện giải phương tiện nan).
18. Chúng sinh có nhiều căn cơ cao thấp khác nhau, cho nên, người có khả năng thấy rõ để tùy theo căn cơ mà dẫn dắt, giáo hóa chúng sinh, đó là điều rất khó (tùy hóa độ nhân nan).
19. Xử sự trong mọi trường hợp đều giữa tâm bình đẳng, không phân biệt kẻ thân người sơ, đó là điều rất khó (tâm hành bình đẳng nan).
20. Biết giữ gìn lời nói, không nói tới chuyện xấu, chuyện tốt, sở trường, sở đoản v.v... của người, tức là không nói chuyện thị phi, đó là điều rất khó (bất thuyết thị phi nan).

25 CÕI (nhị thập ngũ hữu)
Có sinh ắt có tử, có nhân ắt có quả, nhân quả không bao giờ diệt mất, cho nên nói là “hữu”. Thế gian, một cách tổng quát, được chia làm 3 cõi (tam giới: Dục giới, Sắc giới và Vô-sắc giới); chi tiết hơn thì chia làm 6 đường (lục đạo: Thiên, Nhân, A-tu-la, Bàng-sinh, Ngạ-quỉ, và Địa-ngục); và chi tiết hơn nữa thì chia làm 25 cõi (nhị thập ngũ hữu). 25 cõi này được kể trong 5 nhóm sau đây:
A) 4 cõi ác (tứ ác thú):
1. Địa-ngục
2. Ngạ-quỉ
3. Bàng-sinh
4. A-tu-la
B) 4 châu của loài người (tứ châu thiên hạ):
5. Đông Thắng-thân châu
6. Nam Thiệm-bộ châu
7. Tây Ngưu-hóa châu
8. Bắc Câu-lô châu
C) 6 cõi trời Dục giới (lục Dục thiên):
9. Tứ-vương thiên
10. Đao-lợi thiên
11. Dạ-ma thiên
12. Đâu-suất thiên
13. Hóa-lạc thiên
14. Tha-hóa-tự-tại thiên
D) 7 cõi trời Sắc (Sắc giới):
15. Sơ-thiền thiên
16. Đại-phạm thiên
17. Nhị-thiền thiên
18. Tam-thiền thiên
19. Tứ-thiền thiên
20. Vô-tưởng thiên
21. Tịnh-cư A-na-hàm thiên
E) 4 cõi trời Vô-sắc (Vô-sắc giới):
22. Không-xứ thiên
23. Thức-xứ thiên
24. Vô-sở-hữu-xứ thiên
25. Phi-tưởng-phi-phi-tưởng-xứ thiên
Ghi chú: Trong cõi Sắc giới, 4 tầng trời Sơ-thiền, Nhị-thiền, Tam-thiền, và Tứ-thiền, mỗi tầng được kể là 1 cõi (1 hữu); trong đó, đặc biệt:
a) Đại-phạm thiên được tách riêng ra từ tầng trời Sơ-thiền để được kể là 1 cõi (1 hữu), vì trời Phạm Thiên là chủ tể của cả ba ngàn đại thiên thế giới.
b) Vô-tưởng thiên được tách riêng ra từ tầng trời Tứ-thiền để được kể là 1 cõi (1 hữu), vì đó là nơi đặc biệt, chúng sinh không còn có tư tưởng.
c) 5 cõi trời Vô-phiền thiên, Vô-nhiệt thiên, Thiện-kiến thiên, Thiện-hiện thiên, và Sắc-cứu-cánh thiên, được tách riêng ra từ tầng trời Tứ-thiền, kết hợp thành một nhóm gọi là Ngũ Tịnh-cư thiên, hay Ngũ Na-hàm thiên, để được kể là 1 cõi (1 hữu), vì đó đều là nơi cư trú của chư vị đã chứng quả A-na-hàm (tức quả Bất-hoàn, quả vị thứ ba của 4 thánh quả Thanh-văn).
Do đó mà Sắc giới được kể có 7 hữu.

28 VỊ TỔ (nhị thập bát tổ)
Năm 520, ngài Bồ Đề Đạt Ma đến Trung-quốc, truyền bá một pháp thiền đặc biệt, y cứ vào tư tưởng kinh Lăng Già mà chủ trương “bất lập văn tự, giáo ngoại biệt truyền” (không dựa vào văn tự, trao truyền ở ngoài giáo thuyết); ý nói, tông chỉ của pháp môn này là không y cứ vào văn tự, kinh điển, mà chỉ chuyên tọa thiền và dùng các cách thức đặc biệt ở ngoài kinh giáo, làm cho tâm hành giả bừng sáng, chứng ngộ bản lai diện mục của mình (tức “kiến tánh thành Phật”). Thuật ngữ “dĩ tâm truyền tâm” được đặc biệt dùng để chỉ cho phương pháp này. Từ đây mà tông Thiền được chính thức thành lập ở Trung-quốc như một tông phái độc lập; hễ nói đến “thiền”, hay “tu thiền”, là ai cũng nghĩ ngay đến tông Thiền này.
Thiền tông được thành lập, và ngài Bồ Đề Đạt Ma (Bodhidharma, ?-535) được tôn xưng là vị sơ tổ của tông Thiền Trung-quốc. Nhưng tông này không phải bắt đầu từ ngài Bồ Đề Đạt Ma, mà theo các vị tổ của tông Thiền, thì tông này đã có một hệ thống truyền thừa khởi đầu từ đức Phật Thích Ca Mâu Ni.
Theo truyền thuyết, một ngày nọ ở tại núi Linh-thứu, trước khi bắt đầu buổi thuyết pháp, đức Thế Tôn đã cầm một cành hoa đưa lên trước đại chúng, không nói lời nào. Cả pháp hội không ai hiểu gì cả, chỉ có tôn giả Đại Ca Diếp nhìn đức Thế Tôn mỉm cười. Đức Thế Tôn liền dạy: “Này Đại Ca Diếp! Như Lai có chánh pháp nhãn tạng, nay đem giao phó cho ông.” Tôn giả Đại Ca Diếp hoan hỉ nhận lãnh, nhưng cả hội chúng cũng không ai biết đức Thế Tôn và tôn giả Đại Ca Diếp đã trao và nhận cái gì, như thế nào. Về sau, một hôm tôn giả A Nan hỏi tôn giả Đại Ca Diếp là hôm đó đức Thế Tôn đã truyền dạy điều gì, thì tôn giả Đại Ca Diếp bảo: “Hãy đi hạ cột cờ xuống!” Ngài A Nan liền ngộ ngay. Cứ thế mà tâm ấn được truyền thừa, từ tôn giả Đại Ca Diếp trở đi, thứ tự như sau:
1. Đại Ca Diếp
2. A Nan
3. Thương Na Hòa Tu
4. Ưu Ba Cúc Đa
5. Đề Đa Ca
6. Di Già Ca
7. Bà Tu Mật
8. Phật Đà Nan Đề
9. Phục Đà Mật Đa
10. Hiếp tôn giả
11. Phú Na Dạ Xa
12. Mã Minh
13. Ca Tì Ma La
14. Long Thọ
15. Ca Na Đề Bà
16. La Hầu La Đa
17. Tăng Già Nan Đề
18. Già Da Xá Đa
19. Cưu Ma La Đa
20. Xà Dạ Đa
21. Bà Tu Bàn Đầu
22. Ma Nã La
23. Hạc Lặc Na
24. Sư Tử Bồ Đề
25. Bà Xá Tư Đa
26. Bất Như Mật Đa
27. Bát Nhã Đa La
28. Bồ Đề Đạt Ma
Tất cả 28 vị tổ trên đây đều là người Ấn-độ, mà tông Thiền Trung-quốc gọi là “Tây Thiên nhị thập bát tổ”, hoặc “Tây Thiên tứ thất”.

32 TƯỚNG TỐT CỦA PHẬT (tam thập nhị tướng)
Đây là 32 tướng quí mà người thường không có, chỉ có Chuyển luân thánh vương và thân ứng hóa của Phật mới có. Luận Đại Trí Độ liệt kê ba mươi hai tướng ấy như sau:
1. Dưới bàn chân bằng phẳng, đầy đặn, mềm mại, lúc đứng thì khít khao với mặt đất. Tướng này biểu trưng cho công đức dắt dẫn và làm lợi ích chúng sinh của Phật.
2. Các đường chỉ ở dưới hai bàn chân xoay tròn làm thành hai bánh xe, với trục bánh xe, vành bánh xe và cả ngàn căm bánh xe. Tướng này biểu thị cho công đức phá trừ ngu si và vô minh, hàng phục mọi thứ ma oán.
3. Các ngón tay và ngón chân đều thẳng, tròn đầy, thon dài; biểu trưng cho tâm kiêu mạn đã hoàn toàn dứt tuyệt, thọ mạng lâu dài, khiến chúng sinh qui y trong niềm yêu kính, an vui.
4. Gót chân rộng và đầy đặn, tương xứng với mu bàn chân; biểu trưng cho công đức hóa độ tất cả chúng sinh đến cùng tận đời vị lai.
5. Các kẽ tay và kẽ chân đều có màng mỏng như lưới; biểu trưng cho công đức xa lìa trọn vẹn phiền não và ác nghiệp, nhiếp độ chúng sinh, biến hiện tự tại vô ngại.
6. Tay chân mềm mại, biểu thị rằng, do đức từ bi mà đức Phật dùng đôi tay mềm mại để nhiếp độ tất cả mọi người, thân cũng như sơ.
7. Mu bàn chân nổi cao và đầy đặn, tương xứng với gót chân; biểu thị đức đại bi vô thượng, làm lợi ích cho tất cả chúng sinh.
8. Bắp đùi thon tròn như bắp đùi của nai chúa; biểu thị công đức diệt trừ trọn vẹn tất cả tội chướng.
9. Đôi tay thòng thẳng xuống thì dài quá đầu gối; biểu thị công đức hàng phục tất cả ma chướng, thường lân mẫn xoa đầu chúng sinh.
10. Nam căn ẩn kín; biểu thị cho thọ mạng lâu dài, độ được nhiều đệ tử.
11. Thân tướng cao rộng, đoan nghiêm, trái phải trước sau trên dưới đều viên mãn; biểu trưng cho đức tôn quí tự tại của bậc pháp vương vô thượng.
12. Tóc và lông đều hướng lên trên, mềm mại xanh biếc, xoắn tròn qua bên phải; khiến cho ai được chiêm ngưỡng, đều sinh tâm hoan hỉ, được lợi ích vô lượng.
13. Mỗi lỗ chân lông mọc một sợi lông, không tạp loạn, óng ánh màu xanh ngọc lưu li, thường tiết ra mùi hương vi diệu; biểu thị lòng phục vụ chúng sinh, giáo hóa không mệt mỏi; ai trông thấy ánh sáng ấy được tiêu trừ tội chướng trong hai mươi kiếp.
14. Toàn thân lóng lánh màu vàng ròng, khiến người chiêm ngưỡng liền xả bỏ niệm ái dục, tiêu tội, sinh niệm lành.
15. Chung quanh thân thể thường có ánh sáng chiếu ra rộng một trượng, biểu thị cho tất cả chí nguyện đều đầy đủ.
16. Da mỏng và mịn, bụi đất nước không dính được, biểu thị Phật là bình đẳng, không cấu nhiễm, luôn luôn dùng tâm đại từ bi giáo hóa, làm lợi ích cho chúng sinh.
17. Hai lòng bàn tay, hai lòng bàn chân, hai vai, và cổ, bảy chỗ đó đều đầy đặn, biểu thị công đức của Phật làm cho tất cả chúng sinh được tiêu tội lỗi, sinh điều lành.
18. Hai nách đầy đặn, không lõm, biểu thị Phật cho chúng sinh y dược, cơm áo, và tự xem bệnh cho chính mình.
19. Nửa thân trên rộng lớn, đi đứng nằm ngồi, dung nghi uy nghiêm như sư tử chúa; biểu thị uy dung cao quí, đức từ bi tròn đầy.
20. Thân tướng rộng lớn, ngay thẳng, biểu thị cho công đức trì giới sát, đạo một cách trọn vẹn, dứt hẳn tâm kiêu mạn, ai trông thấy liền dứt khổ đau, được chánh niệm, khởi tu mười nghiệp lành.
21. Hai vai tròn đầy, cân đối, biểu thị sự diệt trừ trọn vẹn phiền não, nghiệp chướng, công đức vô lượng.
22. Bốn mươi chiếc răng, ngang bằng, chân sâu, trắng sạch, thường tiết mùi hương tịnh diệu; biểu thị rằng, Phật có công năng ngăn ngừa nghiệp ác khẩu của chúng sinh, diệt vô lượng tội lỗi, được vô lượng an lạc.
23. Tất cả răng khít khao, đều đặn, không cái nào to, không cái nào nhỏ; biểu thị đức hòa thuận, thanh tịnh.
24. Bốn chiếc răng cửa trắng đẹp, sáng bóng, nhọn bén, cứng như kim cương; biểu thị, diệu tướng này có thể tiêu diệt ba phiền não độc hại, mạnh mẽ, cứng chắc (tức tham sân si) của chúng sinh.
25. Hai má đầy đặn như má sư tử; người thấy được tướng này, được tiêu trừ tội chướng trong trăm kiếp, được diện kiến chư Phật.
26. Trong miệng luôn luôn có vị thơm tinh khiết tối thượng, biểu thị diệu pháp của Phật giúp cho chí nguyện của chúng sinh được tròn đầy.
27. Lưỡi mỏng, rộng và dài, thè ra thì phủ cả mặt, đụng đến chân tóc; quán tưởng tướng này sẽ tiêu trừ được tội chướng sinh tử trong trăm ức tám vạn bốn ngàn kiếp, được tám mươi ức chư Phật và Bồ-tát thọ kí.
28. Tiếng nói như tiếng Phạm Thiên, rền vang như trống trời, tao nhã, sâu thẳm; biểu thị lời nói luôn luôn chân thật, người nghe tùy theo căn cơ đều thông hiểu, bao mối nghi hoặc đều tan biến.
29. Cặp mắt xanh biếc như hoa sen xanh, biểu thị đức Phật đời đời kiếp kiếp, lúc nào cũng dùng tâm từ, mắt từ và tâm hoan hỉ để tiếp độ chúng sinh.
30. Lông mi đều đặn, không rối, biểu thị tình thương chúng sinh như cha mẹ thương yêu, đùm bọc con cái.
31. Trên đỉnh đầu có nhục kế (tức cục thịt bằng nắm tay), nổi cao, biểu thị tự mình thọ trì và dạy cho mọi người thọ trì pháp thập thiện.
32. Giữa hai chân mày có sợi lông trắng, dài hơn một trượng, trắng sáng đẹp sạch như ngọc, mềm mại, uốn xoay về bên phải và thu ngắn lại, thường phóng ra ánh sáng, gọi là “hào quang”; biểu thị rằng, đức Phật luôn luôn tán thán những chúng sinh nào siêng năng tu tập ba pháp học vô lậu.

37 PHẨM TRỢ ĐẠO (tam thập thất trợ đạo phẩm)
Đây là 37 yếu tố làm trợ lực lớn cho hành giả trên đường tu tập cho đến khi đạt được đạo quả giác ngộ. Hay nói chính xác hơn, “37 phẩm trợ đạo” chính là 37 pháp môn tu tập căn bản của đạo Phật. Ba tháng trước ngày nhập niết bàn, chính đức Thế Tôn đã tuyên bố: “Các vị khất sĩ! Những giáo pháp mà Như Lai đã truyền đạt lại tuy nhiều, nhưng có thể được tóm tắt trong các pháp môn như Tứ niệm xứ, Tứ chánh
cần, Tứ như ý túc, Ngũ căn, Ngũ lực, Thất giác chi, và Bát chánh đạo. Các vị phải khéo léo học hỏi, tu tập, thực chứng, và truyền đạt lại những pháp môn ấy.” Chúng cũng chính là nội dung của Sự Thật Thứ Tư (đạo đế) của giáo lí Bốn Sự Thật (tứ đế). 37 pháp môn này gồm trong 7 pháp số sau đây:
- 4 lĩnh vực quán niệm (tứ niệm xứ);
- 4 sự cần mẫn (tứ chánh cần);
- 4 phép như ý (tứ như ý túc);
- 5 khả năng (ngũ căn);
- 5 sức mạnh (ngũ lực);
- 7 yếu tố giác ngộ (thất giác chi);
- 8 nguyên tắc hành động chân chính (bát chánh đạo).
Bảy pháp số này đều đã được trình bày ở trước, theo đó chúng ta thấy, tất cả 37 yếu tố đều tương liên và làm trợ duyên cho nhau, trong đó các yếu tố tinh tấn, niệm, định và tuệ được coi là quan trọng nhất, là những pháp môn quyết định để cho cây giác ngộ nở hoa.

42 GIAI VỊ (tứ thập nhị giai vị)
Đây tức là 42 bậc trong quá trình tu tập của hàng Bồ-tát, từ thấp lên cao gồm có: 10 bậc Trụ (thập trụ), 10 bậc Hạnh (thập hạnh), 10 bậc Hồi-hướng (thập hồi hướng), 10 bậc Địa (thập địa), bậc Đẳng-giác, và bậc Diệu-giác (tức Phật quả).

48 LỜI NGUYỆN (tứ thập bát nguyện)
Đây tức là 48 lời thệ nguyện của đức Phật A Di Đà đã được phát ra từ khi Ngài còn tu tập hạnh Bồ-tát. Trong các kinh có nội dung liên quan đến các lời nguyện này, sự ghi chép không giống nhau, như Bình Đẳng Giác Kinh (Chi Lâu Ca Sấm dịch vào đời Hậu-Hán) và Đại A Di Đà Kinh (Chi Khiêm dịch vào đời Ngô), kê ra có 24 lời nguyện; các kinh Vô Lượng Thọ (Khương Tăng Khải dịch vào đời Tào-Ngụy), Bi Hoa (Đàm Vô Sấm dịch vào đời Bắc-Lương), Đại Bảo Tích (Bồ Đề Lưu Chí đời Đường và nhiều vị khác dịch) v.v... kê ra có 48 lời nguyện; ngoài ra còn một vài kinh khác, hoặc nói có 36 nguyện, hoặc 46 nguyện, hoặc 49 nguyện; trong số đó, hai bản kinh Vô Lượng Thọ (Khương Tăng Khải dịch) và Đại Bảo Tích so ra nhất trí và hoàn chỉnh nhất. Nay xin theo kinh Đại Bảo Tích, lược kể 48 lời nguyện của tì kheo Pháp Tạng (tiền thân của đức Phật A Di Đà hồi còn tu hạnh Bồ-tát) như sau:
1. Quốc độ của Ngài tuyệt không có ba dường dữ (Địa-ngục, Ngạ-quỉ và Súc-sinh);
2. Chúng sinh (trời người) ở nước Ngài sau khi mạng chung sẽ vĩnh viễn không sinh về ba đường dữ;
3. Thân thể của tất cả chúng sinh ở trong nước Ngài đều có sắc vàng;
4. Tất cả chúng sinh trong nước Ngài đều bình đẳng, không có xấu đẹp khác nhau;
5. Tất cả chúng sinh trong nước Ngài đều có túc mạng thông, biết rõ nhân duyên quá khứ;
6. Tất cả chúng sinh trong nước Ngài đều có thiên nhãn thông, thấy suốt vô lượng Phật độ trong mười phương không bị chướng ngại;
7. Tất cả chúng sinh trong nước Ngài đều có thiên nhĩ thông, nghe được pháp âm của chư Phật khắp mười phương;
8. Tất cả chúng sinh trong nước Ngài đều có tha tâm thông, biết được tâm niệm của khắp cả chúng sinh;
9. Tất cả chúng sinh trong nước Ngài đều có thần túc thông, trong một sát na có thể đi đến khắp các Phật độ trong mười phương;
10. Tất cả chúng sinh trong nước Ngài đều không còn khởi niệm tham ái đối với thân thể;
11. Tất cả chúng sinh trong nước Ngài đều thường xuyên sống trong chánh định, cho đến khi diệt độ;
12. Ánh sáng của Ngài sáng soi vô lượng, chiếu khắp mười phương Phật độ không bị chướng ngại;
13. Thọ mạng của ngài dài lâu vô lượng, làm lợi ích cho chúng sinh vô tận;
14. Chúng Thanh-văn ở trong nước Ngài nhiều vô lượng vô số;
15. Thọ mạng của chúng sinh trong nước Ngài, ngoại trừ nguyện lực riêng, đều dài lâu không có hạn lượng;
16. Tất cả chúng sinh trong nước Ngài đều không nghe một lời bất thiện;
17. Nguyện chư Phật khắp mười phương đều xưng tán danh hiệu (A Di Đà) của Ngài;
18. Nguyện tất cả chúng sinh trong mười phương, nếu hết lòng tin tưởng, muốn vãng sinh về nước Ngài, chí thành niệm danh hiệu Ngài 10 niệm, đều được Ngài tiếp dẫn về; đây là lời nguyện trọng yếu nhất trong 48 lời nguyện của Ngài;
19. Chúng sinh trong mười phương phát tâm bồ đề, tu các công đức, thành tâm phát nguyện vãng sinh về nước Ngài, đến phút lâm chung, Ngài cùng thánh chúng sẽ hiện ngay trước mặt để tiếp dẫn;
20. Chúng sinh trong mười phương nghe danh hiệu của Ngài, nghĩ nhớ đến nước Ngài, chí thành đem mọi công đức hồi hướng muốn sinh về nước Ngài, chắc chắn sẽ được toại nguyện;
21. Tất cả chúng sinh trong nước Ngài đều đầy đủ 32 tướng tốt;
22. Chư vị Bồ-tát ở các quốc độ khác, sau khi sinh về nước Ngài, ngoại trừ có bản nguyện giáo hóa riêng, tất cả đều đạt đến địa vị “nhất sinh bổ xứ”;
23. Chư Bồ-tát ở trong nước Ngài đều nương Phật lực, chỉ trong khoảng bữa ăn có thể đến cúng dường chư Phật ở các Phật độ trong khắp mười phương;
24. Chư Bồ-tát ở trong nước Ngài, trong khi cúng dường chư Phật, muốn có bao nhiêu vật phẩm để cúng dường cũng đều có đầy đủ như ý;
25. Chư Bồ-tát ở trong nước Ngài đều có khả năng diễn nói nhất thiết trí;
26. Chư Bồ-tát ở trong nước Ngài đều có thân cứng chắc như kim cương, mạnh mẽ như thần Na La Diên;
27. Tất cả chúng sinh và vạn vật trong nước Ngài đều nghiêm tịnh vi diệu, hình sắc đặc thù, dù người có thiên nhãn thông cũng không biết rõ ràng danh số;
28. Chư Bồ-tát cho đến những người chỉ có chút ít công đức ở trong nước Ngài đều có khả năng thấy biết sự cao rộng và sắc sáng vô lượng của cây đạo tràng;
29. Chư Bồ-tát ở trong nước Ngài đều thọ trì phúng tụng kinh pháp mà được trí tuệ biện tài;
30. Chư Bồ-tát ở trong nước Ngài đều có trí tuệ biện tài vô hạn lượng;
31. Đất ở trong nước Ngài trong sạch như gương, có thể soi thấy các Phật độ ở mười phương;
32. Vạn vật ở trong nước Ngài đều do vô lượng châu báu và trăm ngàn thứ hương vi diệu làm thành, khiến cho người nghe mùi hương đều tu Phật hạnh;
33. Ánh sáng của Ngài chiếu soi khắp các thế giới trong mười phương, các chúng sinh chạm được ánh sáng ấy đều cảm thấy thân tâm nhẹ nhàng.
34. Chúng sinh khắp thế giới mười phương nghe được danh hiệu Ngài đều chứng được vô sinh pháp nhẫn và các pháp môn tổng trì sâu xa;
35. Những người nữ trong mười phương thế giới, nghe được danh hiệu Ngài liền phát tâm bồ đề, thì sau khi mạng chung sẽ không trở lại thọ thân nữ nữa;
36. Chư Bồ-tát ở mười phương thế giới, nghe được danh hiệu Ngài, sau khi mạng chung sẽ luôn tu phạm hạnh cho đến khi thành Phật;
37. Hàng trời người trong khắp mười phương thế giới, khi nghe danh hiệu Ngài liền vui mừng tin tưởng, kính lễ và tu tập hạnh Bồ-tát, thì sẽ được tất cả trời người đều kính trọng;
38. Tất cả chúng sinh ở trong nước Ngài, muốn có y phục thì liền có như ý;
39. Tất cả chúng sinh ở trong nước Ngài đều hưởng được niềm vui giống như các vị tì kheo đã hoàn toàn dứt trừ hết lậu hoặc;
40. Chư Bồ-tát ở trong nước Ngài, nếu muốn thấy vô lượng Phật độ nghiêm tịnh trong khắp mười phương, cứ nhìn vào cây báu thì liền thấy rõ ràng như thấy mặt mình trong gương;
41. Chư Bồ-tát ở các quốc độ trong các phương khác, khi nghe được danh hiệu Ngài thì được các căn đầy đủ, không bị khiếm khuyết, cho đến khi thành Phật;
42. Chư Bồ-tát ở các quốc độ trong các phương khác, khi nghe được danh hiệu Ngài liền được an trú nơi định thanh tịnh giải thoát, trong khoảng một niệm có thể cúng dường vô lượng chư Phật mà không bị mất chánh định;
43. Chư Bồ-tát ở các quốc độ trong các phương khác, khi nghe danh hiệu Ngài, sau khi mạng chung sẽ được sinh vào gia đình tôn quí;
44. Chư Bồ-tát ở các quốc độ trong các phương khác, nghe được danh hiệu Ngài, liền hoan hỉ tu hạnh Bồ-tát, cội gốc công đức đầy đủ;
45. Chư Bồ-tát ở các quốc độ trong các phương khác, nghe được danh hiệu Ngài liền được an trú trong định phổ đẳng (thường thấy chư Phật đồng hiện tiền), cho đến khi thành Phật;
46. Chư Bồ-tát ở trong nước Ngài đều tùy chí nguyện mà nghe pháp một cách tự tại;
47. Chư Bồ-tát ở các quốc độ trong các phương khác, nghe danh hiệu Ngài liền tiến đến bậc bất thối chuyển;
48. Chư Bồ-tát ở các quốc độ trong các phương khác, nghe danh hiệu Ngài liền chứng được đệ nhất, đệ nhị và đệ tam pháp nhẫn, và các pháp bất thối chuyển.

52 GIAI VỊ (ngũ thập nhị giai vị)
Tiến trình tu tập của hàng Bồ-tát gồm có 42 giai vị (xin xem lại mục “42 Giai Vị” ở trên). Nhưng có thuyết (như trong kinh Bồ Tát Anh Lạc) đã lấy trụ vị đầu tiên của cấp Mười-trụ, là trụ vị phát tâm (xin xem lại mục “Mười Trụ” ở trước), lập thành một cấp trước cấp Mười-trụ, gọi là cấp Mười-tín (xin xem lại mục “Mười Tín” ở trước); thành ra có cả thảy là 52 giai vị.

80 VẺ ĐẸP (bát thập chủng hảo - bát thập tùy hảo)
Ngoài ba mươi hai tướng tốt, đức Phật còn có thêm tám mươi vẻ đẹp; hợp chung lại gọi là “tướng hảo”. Ba mươi hai tướng tốt thì hiển lộ rõ ràng, tám mươi vẻ đẹp thì tế nhị, ẩn mật hơn. Chuyển luân thánh vương cũng có 32 tướng tốt, nhưng 80 vẻ đẹp này thì chỉ Phật và các vị Bồ-tát lớn mới có. Kinh Đại Bát Nhã ghi tám mươi vẻ đẹp như sau:
1. Móng tay nhỏ dài, sáng sạch, ánh màu đồng đỏ.
2. Ngón tay và ngón chân tròn trịa, thon dài, đều thẳng, mềm mại, các đốt xương ẩn kín.
3. Hai tay, hai chân, mỗi đôi bằng nhau, không so le, giữa kẽ các ngón đầy đặn.
4. Tay chân viên mãn như ý, sáng láng, mềm mại, tinh sạch, màu như hoa sen.
5. Gân mạch liền lạc chắc chắn, ẩn sâu không lộ.
6. Mắt cá chân ẩn kín.
7. Bước đi thẳng tới, uy nghiêm mà hiền hòa như voi chúa.
8. Bước đi oai vệ, nghiêm chỉnh như sư tử chúa.
9. Bước đi không gấp không hoãn, an tường như trâu chúa.
10. Bước tới, dừng lại, cử chỉ dịu dàng như ngỗng chúa.
11. Mỗi khi ngó lại phía sau, giống như voi chúa, mặt cùng xoay theo thân mình sang bên phải.
12. Các đốt xương tay chân tròn trịa, đặt để khéo léo.
13. Các đốt xương nối kết nhau không có kẽ hở.
14. Đầu gối tròn đầy chắc chắn.
15. Những nếp nhăn ở chỗ kín khéo đẹp, hoàn toàn thanh tịnh.
16. Thân thể mượt mà, sáng bóng sạch sẽ, bụi đất không dính.
17. Dung mạo đoan chính, thuần hậu, không bao giờ có nét sợ sệt.
18. Thân thể đầy đặn, cứng chắc đủ các tướng lành.
19. Thân thể an định, không hề lay động, viên mãn không hoại.
20. Thân tướng như vua tiên, trước sau trái phải đều đoan nghiêm, sáng láng, khiết tịnh.
21. Thân tự tỏa sáng ra khắp chung quanh.
22. Bụng ngay ngắn, mềm mại, các tướng đều trang nghiêm.
23. Rún sâu, xoáy về bên phải, sạch sẽ sáng láng.
24. Rún dầy, không lồi không lõm.
25. Da không bao giờ bị ngứa ngáy, ghẻ lở, không có nốt ruồi hay thịt thừa.
26. Bàn tay mềm mại, đầy đặn, dưới bàn chân bằng phẳng.
27. Chỉ tay sâu, dài, thẳng, rõ ràng, không đứt đoạn.
28. Môi đỏ, bóng mượt, dưới trên tương xứng.
29. Mặt không dài không ngắn, không lớn không nhỏ, vừa vặn đoan nghiêm.
30. Lưỡi mềm, mỏng, rộng, dài, màu như đồng đỏ.
31. Tiếng nói trong trẻo, rõ ràng, uy nghiêm, vang rền sâu xa như tiếng rống của voi chúa.
32. Âm vận đầy đủ mĩ diệu, như tiếng vang từ hang sâu.
33. Mũi cao và thẳng, lỗ mũi không lộ ra.
34. Răng tề chỉnh, trắng trẻo.
35. Răng cửa tròn, nhọn bén, trắng trẻo, sáng bóng.
36. Cặp mắt trong sáng.
37. Mắt dài, mở rộng.
38. Lông nheo dầy, trên dưới tề chỉnh.
39. Cặp lông mày dài, mịn.
40. Lông mày thuận theo một chiều, đẹp đẽ, màu xanh biếc.
41. Lông mày cao, cong như mặt trăng non.
42. Tai dầy, lớn, rộng, dài, trái tai đầy đặn.
43. Hai tai cân đối, không có những khuyết điểm như tai người thường.
44. Dung nghi khiến cho ai trông thấy cũng sinh lòng kính mộ.
45. Trán rộng, ngay ngắn.
46. Nửa thân trên viên mãn, uy nghiêm như sư tử chúa, không ai sánh bằng.
47. Tóc dài, dầy và mịn, màu xanh biếc, không bạc trắng.
48. Tóc xoắn mềm mại, mùi thơm tinh khiết.
49. Tóc đều, không rối, không dính đùm.
50. Tóc không rụng, không đứt.
51. Tóc bóng mượt, bụi bặm không dính bám được.
52. Thân thể đầy đặn, cứng chắc.
53. Thân thể cao lớn, đoan chính.
54. Các lỗ đều trong sạch.
55. Thể lực thù thắng, không ai sánh bằng.
56. Thân tướng, ai nhìn cũng cảm thấy an vui, nhìn không biết chán.
57. Mặt sáng, khiết tịnh, như trăng tròn mùa thu.
58. Hình mạo, dung nhan thư thái, mỉm cười trước khi nói, chỉ hướng thuận mà không trái nghịch.
59. Nét mặt tươi sáng, không bao giờ cau có.
60. Da sạch sẽ, không cáu bẩn, không mùi hôi.
61. Lỗ chân lông thường tiết ra mùi thơm vi diệu.
62. Trên mặt thường thoảng mùi thơm thù thắng.
63. Đầu tròn đều đặn, đẹp như lọng trời.
64. Lông xanh biếc, sạch sẽ, sáng bóng, óng ánh màu đồng đỏ.
65. Pháp âm theo chúng mà có lớn có nhỏ, nhưng không thêm không bớt, ứng với thật lí, không sai lạc.
66. Tướng trên đỉnh đầu không ai trông thấy được.
67. Màng ở ngón tay ngón chân rõ ràng, trang nghiêm đẹp đẽ, ửng màu đồng đỏ.
68. Lúc đi, chân cách mặt đất khoảng bốn ngón tay, nhưng vẫn in dấu trên mặt đất.
69. Thân tự vững vàng, không xiêu ngã, không cần sự hộ vệ của người khác.
70. Uy đức rúng động khắp mọi loài, kẻ ác tâm trông thấy liền sinh vui mừng, người sợ hãi thấy liền được an ổn.
71. Âm thanh không thấp không cao, tùy thuận tâm ý chúng sinh, hòa vui cùng lời nói.
72. Tùy thuận các loài hữu tình mà thuyết pháp, tâm ý, lời nói, âm thanh đều vui vẻ.
73. Một lời nói pháp, nhưng tùy từng loại chúng sinh, ai nghe cũng đều thông hiểu.
74. Thuyết pháp y theo thứ lớp, phù hợp nhân duyên, không lời nào là bất thiện.
75. Quán sát bình đẳng các loài chúng sinh, tán thán người lành, chê trách người ác, nhưng không thương ghét.
76. Muốn làm việc gì, trước quán sát, sau mới làm, đầy đủ mẫu mực.
77. Tướng tốt của Phật, chúng sinh chiêm ngưỡng, không thể thấy trọn vẹn được.
78. Xương ót tròn đầy, cứng chắc.
79. Dung nhan thường trẻ, không già.
80. Tay chân và trước ngực đều có tướng cát tường (tức chữ “VẠN”).

100 PHÁP (bách pháp)
Chữ “pháp” ở đây có nghĩa là mọi sự vật trong vũ trụ, cụ thể hay trừu tượng, bất cứ cái gì có thể cho ta một khái niệm về nó thì gọi là “pháp”. Theo tông Câu Xá – thuộc truyền thống tiểu thừa – thì mọi sự vật trong vũ trụ được bao gồm trong 75 pháp. Nhưng tông Pháp Tướng thuộc truyền thống đại thừa thì chia ra có 100 pháp, gồm trong 5 loại như sau:

I. SẮC PHÁP (là các hiện tượng vật chất), gồm có 11 pháp:
1. nhãn: mắt
2. nhĩ: tai
3. tị: mũi
4. thiệt: lưỡi
5. thân: thân thể
6. sắc: hình tướng và màu sắc (dài, ngắn, vuông, tròn, lớn, nhỏ, cao, thấp, ngay, xẹo, cong, sáng, tối, bóng, khói, mù, xanh, vàng, đỏ, trắng v.v...)
7. thanh: âm thanh (tiếng nói, tiếng kêu, tiếng động, tiếng vang, tiếng vừa ý, tiếng không vừa ý v.v...)
8. hương: các thứ mùi (thơm, hôi, không thơm không hôi, mùi tự nhiên, mùi chế tạo v.v...)
9. vị: các thứ vị nếm (cay, đắng, chua, ngọt, mặn, lạt, bùi, béo, chát v.v...)
10. xúc: sự chạm xúc (đất, nước, gió, lửa, nhẹ, nặng, trơn, nhám, lạnh, nóng, ấm, cứng, mềm, no, đói, khát, đã khát, mạnh, yếu, dính, bịnh, già v.v...)
11. pháp: các ý tượng (tức bóng dáng của năm trần – sắc, thanh, hương, vị, xúc – ở trên còn lưu lại trong ý thức)
(Tông Câu Xá chia “sắc pháp” có 11 pháp, gồm 5 giác quan, 5 đối tượng của giác quan, và 1 “vô biểu sắc”.)

II. TÂM PHÁP (các hiện tượng tâm lí ở phương diện nhận thức, danh từ Duy Thức Học còn gọi là TÂM VƯƠNG), gồm có 8 pháp – tức là 8 THỨC:
12. nhãn thức: mắt thấy biết có cảnh vật
13. nhĩ thức: tai nghe biết có âm thanh
14. tị thức: mũi ngửi biết có mùi hương
15. thiệt thức: lưỡi nếm biết có vị
16. thân thức: thân đụng chạm biết có cảm xúc
17. ý thức: ý biết có các ý tượng và ảnh tượng
18. mạt-na thức: khả năng suy lường, chấp ngã
19. a-lại-da thức: khả năng chứa đựng, giữ gìn hạt giống và phát hiện ra vạn pháp
(Tông Câu Xá cho rằng, “tâm pháp” chỉ có 1 – tức là tâm thức, nhưng đương nhiên là nó hoạt động qua 5 ngả đường tương ứng với 5 giác quan.)

III. TÂM SỞ PHÁP (các hiện tượng tâm lí ở phương diện thuộc tính của tâm vương – hay 8 thức), có 51 pháp – tức là 51 TÂM SỞ, gồm trong 6 nhóm:
A. Biến Hành:
“Biến hành” là hoạt động cùng khắp, là những hiện tượng tâm lí “tương ưng” (tức là liên hiệp được, hay hiện diện hoạt động) với tất cả 8 thức, bất cứ lúc nào có thức hoạt động thì những tâm sở này cùng xuất hiện; có 5 tâm sở:
20. xúc: sự tiếp xúc giữa các căn và các trần cảnh
21. tác ý: sự chú ý, sự kích thích để phát sinh nhận thức
22. thọ: cảm thọ khó chịu, dễ chịu, hay không khó chịu cũng không dễ chịu, do cảm giác cung cấp
23. tưởng: tri giác, là sự nhận biết đối tượng (một người, một vật, một sự việc...)
24. tư: sự quyết định, từ đó phát sinh ra các hiện tượng tâm lí khác, cùng các hành động của miệng lưỡi (khẩu) và thân thể (thân), tức là tạo nghiệp
B. Biệt Cảnh:
“Biệt cảnh” là không hoạt động cùng khắp, là những tâm sở chỉ liên hiệp hoạt động với “sáu thức trước” mà thôi; có 5 tâm sở:
25. dục: ham muốn, mong cầu
26. thắng giải: hiểu biết rõ ràng, không nghi ngờ
27. niệm: nhớ, kí ức
28. định: tác dụng làm cho thức và các tâm sở khác tập trung vào một đối tượng, không tán loạn
29. tuệ: biết sự vật một cách sáng tỏ, nhưng không chắc là biết đúng – khác với “tuệ giác” là trí tuệ giác ngộ. Bởi vậy có thể nói, tâm sở “tuệ” này chính là thuộc tính đặc biệt của thức mạt-na, vì thức này luôn luôn thấy rõ rằng “có TA và những gì THUỘC VỀ TA”; cái thấy đó tuy là sáng tỏ nhưng là cái thấy sai lầm.
(Tông Câu Xá gồm chung hai nhóm trên lại thành một nhóm gọi là “Những tâm sở có nhiệm vụ tổng quát” – biến đại địa pháp).
C. Thiện:
“Thiện” là các đức tính tốt; có 11 tâm sở:
30. tín: tin tưởng
31. tàm: tự biết xấu hổ với lầm lỗi của mình
32. quí: biết tự thẹn khi thấy mình không trong sạch, không cao thượng như người
33. vô tham: gặp thuận cảnh không sinh lòng tham trước
34. vô sân: gặp nghịch cảnh không sinh lòng oán giận
35. vô si: sáng suốt, thấy biết đúng với sự thật
36. cần: siêng năng tu tập thiện nghiệp
37. khinh an: thư thái, nhẹ nhàng
38. bất phóng dật: không buông lung theo dục vọng
39. hành xả: tâm niệm bình đẳng, không vướng mắc, không chấp trước, không so đo phân biệt
40. bất hại: không có ý làm thương hại người khác
(Tông Câu Xá liệt kê các tâm sở “thiện” này chỉ gồm có 10 tâm sở – không có “vô sân”.)
D. Phiền Não:
Đây là các “phiền não gốc rễ”, khó diệt trừ; có 6 tâm sở:
41. tham: thấy gì vừa ý thì tham, muốn chiếm đoạt
42. sân: gặp điều không vừa ý thì oán giận
43. si: vô minh, không sáng suốt
44. mạn: kiêu mạn, tự cao
45. nghi: ngờ vực, do dự
46. ác kiến: thấy biết sai lạc – tức là “Năm Cái Thấy Sai Lạc”, như đã trình bày ở trước.
(Tông Câu Xá gọi nhóm này là “đại phiền não”, và ngoại trừ “si” –  tức “vô minh”, 5 tâm sở kia hoàn toàn khác biệt, gồm có: trạo cử, hôn trầm, bất tín, giải đãi, và phóng dật.)
E. Tùy Phiền Não:
Đây là các thứ “phiền não phụ thuộc” của các phiền não gốc rễ ở trên, dễ diệt trừ hơn, gồm có 20 tâm sở; lại chia làm 3 nhóm nhỏ:
a) Xấu nhẹ (tiểu tùy), có 10 tâm sở:
47. phẫn: nóng giận, bực tức, cộc cằn
48. hận: oán hờn
49. phú: che dấu tội lỗi
50. não: buồn phiền, bứt rứt, ẩn ức không yên
51. tật: ganh ghét
52. xan: bỏn sẻn, keo kiệt
53. cuống: dối gạt
54. siểm: nịnh hót, gièm siểm
55. hại: có ý làm thương hại người
56. kiêu: khoe khoang, tự kiêu, tự phụ
b) Xấu vừa (trung tùy), có 2 tâm sở:
57. vô tàm: làm lỗi mà không biết tự xấu hổ
58. vô quí: tài đức không bằng người mà không biết tự thẹn
c) Xấu nặng (đại tùy), có 8 tâm sở:
59. trạo cử: chao động không yên
60. hôn trầm: mê muội, dật dờ, trì trệ
61. bất tín: đa nghi, không tin tưởng
62: giải đãi: biếng nhác, bê trễ
63. phóng dật: buông lung, buông trôi
64. thất niệm: lãng quên, không có chánh niệm
65. tán loạn: xao xuyến, rối loạn
66. bất chánh tri: hiểu lầm, biết không chính xác
(Tông Câu Xá liệt kê các “tùy phiền não” có 12 tâm sở, gồm trong 2 nhóm: - “đại bất thiện”, có 2 tâm sở: vô tàm và vô quí; - và “tiểu phiền não”, có 10 tâm sở: phẫn, hận, phú, não, tật, xan, cuống, siểm, hại, và kiêu.)
G. Bất Định:
“Bất định” là những tâm sở không thuộc về thiện cũng không thuộc về bất thiện, hoặc giả, chúng có thể là thiện mà cũng có thể là bất thiện; có 4 tâm sở:
67. hối: hối hận về sự việc đã làm
68. miên: ngủ
69. tầm: suy tư, tìm hiểu phần dễ thấy của sự lí
70. từ: suy tư, nghiên cứu, phân tích để hiểu rõ phần sâu sắc của sự lí
(Tông Câu Xá liệt kê nhóm “bất định” này, ngoài 4 tâm sở trên đây còn có thêm 4 tâm sở nữa: tham, sân, mạn, nghi; tất cả là 8 tâm sở. – Như vậy, so với 51 tâm sở của tông Pháp Tướng thì tông Câu Xá chỉ liệt kê có 46 tâm sở.)

IV. TÂM BẤT TƯƠNG ƯNG HÀNH PHÁP: những hiện tượng không thuộc (nhưng có liên hệ với) tâm, tâm sở, hay sắc pháp ở trên; có 24 pháp:
71. đắc: cái tính cách từ đó các pháp có được hình sắc và tính chất của mình – ví dụ: nước có thể lỏng, không màu sắc, trong suốt, ướt, lưu nhuận v.v...; đó cũng là cái năng lực làm cho một người có (đạt) được một vật – ví dụ: tôi có (được) quyển sách, Tổ Điều Ngự Giác Hoàng đạt (được) quả vị giác ngộ v.v...
72. mạng căn: tính cách từ đó sinh mạng được duy trì
73. chúng đồng phận: tính cách từ đó chúng sinh trong mỗi loài có cùng chung một quả báo đồng nhất
74. dị sinh tánh: cái năng lực làm cho có bản tính phàm phu, đầy tà kiến, khác với thánh nhân
75. vô tưởng định: sự tu tập vô tâm định để đạt được quả Vô-tưởng
76. diệt tận định: sự tu tập rốt ráo, vượt cả vô tâm định, không còn cả thọ và tưởng, chứng đắc quả A-la-hán
77. vô tưởng quả: tính cách làm cho chúng sinh ở cõi trời Vô-tưởng, cả tâm lẫn tâm sở đều tiêu mất
78. danh thân: các tên gọi để chỉ cho sự vật
79. cú thân: những lời nói để diễn tả sự vật
80. văn thân: văn tự dùng để ghi chép những gì thuộc về “danh thân” và “cú thân” ở trên
81. sinh: tính cách từ đó các pháp được sinh thành
82. trụ: tính cách từ đó các pháp được tồn tại
83. lão (dị): tính cách từ đó các pháp bị biến đổi, suy hoại
84. vô thường (diệt): tính cách từ đó các pháp bị tiêu mất
85. lưu chuyển: tính cách làm cho mọi loài cứ phải quanh quẩn trong vòng luân hồi
86. thứ đệ: tính cách làm cho mọi sự vật có thứ lớp, có trật tự
87. định dị: tính cách làm cho mọi sự vật dù khác biệt nhau nhưng luật nhân quả tác động trên mỗi sự vật vẫn phân minh, không lộn xộn, không hồ đồ
88. phương: phương hướng
89. thời: thời gian
90. tương ưng: tính cách làm cho các sự vật ăn khớp, tương ứng nhau, liên hiệp hoạt động với nhau
91. thế tốc: tính cách làm cho vạn pháp sinh diệt tương tục từng sát na, di chuyển theo vận tốc
92. số: tính cách làm cho sự vật có thể hay không thể đếm được
93. hòa hiệp tánh: tính cách làm cho sự vật hòa hợp được với nhau
94. bất hòa hiệp tánh: tính cách làm cho sự vật không hòa hợp được với nhau
(Tông Câu Xá liệt kê nhóm “tâm bất tương ưng hành pháp” này gồm có 14 pháp – không có 11 pháp: dị sinh tánh, lưu chuyển, thứ đệ, định dị, phương, thời, tương ưng, thế tốc, số, hòa hiệp tính, bất hòa hiệp tính; nhưng thêm 1 pháp: phi đắc, cái năng lực làm cho một vật không còn thuộc sở hữu chủ của nó nữa).

V. VÔ VI PHÁP: những hiện tượng không bị lệ thuộc vào nhân duyên; có 6 pháp:
95. trạch diệt vô vi: cảnh giới niết bàn đạt được do sự dùng trí tuệ tiêu diệt tận cùng mọi phiền não
96. phi trạch diệt vô vi: thể tính tịch diệt vốn đã hiển nhiên – không phải do sức trí tuệ tận diệt phiền não mà có
97. hư không vô vi: tính cách không làm chướng ngại cho bất cứ pháp nào và cũng không bị bất cứ pháp nào làm cho chướng ngại, gần giống như tính chất của hư không – nói là “gần giống” vì hư không vẫn không phải là vô vi; hư không còn có thể được trông thấy; tuy nó không làm chướng ngại cho mọi vật nhưng lại bị mọi vật làm cho chướng ngại, như sức thấy của mắt, sức nghe của tai v.v... đều có giới hạn, hơn nữa, hư không thường bị lồng vào các khuôn khổ khác nhau như rộng, hẹp, vuông, tròn v.v...
98. bất động vô vi: thể tính của niết bàn là như như, tĩnh lặng
99. tưởng thọ diệt vô vi: trạng thái của sự tận diệt mọi tư tưởng và cảm thọ – cũng tức là niết bàn
100. chân như vô vi: bản thân của vạn pháp
(Tông Câu Xá liệt kê chỉ có 3 pháp vô vi – không có 3 pháp vô vi bất động, tưởng thọ diệt, và chân như.)

Trong 5 loại của 100 pháp trên đây, 4 loại đầu (sắc, tâm, tâm sở, tâm bất tương ưng hành) thuộc về pháp hữu vi, và loại sau cùng thuộc về pháp vô vi. “Hữu vi” là có tạo tác, có điều kiện sinh khởi, có các tướng trạng sinh (sinh thành), trụ (tồn tại), dị (tiêu mòn), diệt (hủy diệt), và tất cả đều có thể khái niệm được. “Vô vi”, hay chân lí, niết bàn, pháp tính, pháp giới, đều là những tên gọi khác nhau của cùng một thể tính. Đúng ra thì vô vi không thể được gọi là “pháp” vì nó không thể đạt được bằng khái niệm, không thể dùng ý lự, ngôn từ để phân biệt, gọi tên, nhưng vì trí óc chúng ta không thể nào đạt tới thế giới vô niệm, cho nên bắt buộc phải khái niệm hóa vô vi, là sự giả lập gọi tên, là cánh cửa để đưa hành giả đi vào thế giới vô niệm. Theo sự giả lập đặt tên đó, 5 pháp vô vi đầu đề cập đến tướng trạng của pháp tính, còn pháp vô vi chót, chân như, đề cập đến tự thể của pháp tính; hay nói cách khác, 5 pháp vô vi đầu, cả thể tính và tên gọi, đều chỉ vì phương tiện mà giả lập nên, thực ra, cuối cùng chỉ có “chân như vô vi” là thể tính của vạn pháp mà thôi; nhưng ngay cả cái danh xưng “chân như” cũng chỉ là giả lập mà có.
(So với 100 pháp của tông Pháp Tướng thì tông Câu Xá liệt kê chỉ có 75 pháp mà thôi.)
  
108 PHIỀN NÃO (bách bát phiền não)
Theo sự giải thích của tông Thiên Thai, khi 6 căn tiếp xúc với 6 trần, mỗi căn đều có 3 cảm thọ (khổ, vui và không khổ không vui); vậy, 6 căn có tất cả là 18 cảm thọ, đó là 18 loại phiền não. Lại nữa, vì mỗi căn có 3 loại cảm thọ cho nên sẽ sinh ra 3 tình cảm ghét, thương và không ghét không thương; cộng 6 căn có tất cả là 18 loại tình cảm, đó cũng là 18 loại phiền não. Cộng 18 loại phiền não ở trên với 18 loại phiền não này, thì có cả thảy là 36 loại phiền não; phối hợp với cả 3 đời (quá khứ, hiện tại và vị lai), có tất cả là 108 phiền não.

1.250 VỊ TÌ KHEO (thiên nhị bách ngũ thập nhân)
Ở đầu các kinh thường ghi rõ con số 1.250 vị tì kheo luôn luôn theo Phật nghe pháp. Con số ấy gồm có:
- Bạn bè của tôn giả Da Xá: 50 vị. Sau khi thành đạo, đức Phật Thích Ca Mâu Ni đã đến vườn Lộc-dã (ở ngoại ô thành Ba-la-nại) chuyển bánh xe pháp đầu tiên hóa độ cho nhóm 5 vị sa môn do Kiều Trần Như đứng đầu. Sau đó, Da Xá, con trai của một vị trưởng giả hào phú trong thành Ba-la-nại, vì nhàm chán cuộc sống trụy lạc, một ngày nọ vào lúc nửa khuya đã bỏ nhà ra đi tìm sự thanh thoát cho tâm hồn; và do duyên lành, chàng đã vô tình đi tới vườn Lộc-giã, được đức Phật hóa độ, bèn xin xuất gia, trở thành vị thánh tăng thứ sáu. Lúc ấy, 50 thanh niên (có nơi nói là 54 người) bạn thân của Da Xá, nghe Da Xá đã xuất gia thì rất vui mừng, bèn cùng nhau tìm đến Lộc-dã, xin theo Phật xuất gia. Bấy giờ, ngoài 6 vị thánh tăng (tức 5 vị tôn giả nhóm Kiều Trần Như và tôn giả Da Xá), 50 thanh niên bạn của tôn giả Da Xá, đã trở thành 50 vị tì kheo đầu tiên của giáo đoàn.
- Đồ chúng của tôn giả Ưu Lâu Tần Loa Ca Diếp: 500 vị. Tôn giả Ưu Lâu Tần Loa Ca Diếp nguyên là vị lãnh đạo của giáo phái thờ thần Lửa, mở đạo tràng dạy dỗ đồ chúng tại thôn Ưu-lâu-tần-loa, thuộc nước Ma-kiệt-đà. Đức Phật ngự tại vườn Lộc-dã nửa năm để dạy dỗ chư vị đệ tử. Khi xét thấy chư tăng trí tuệ và phạm hạnh đều vẹn toàn, đầy đủ khả năng hóa đạo, Ngài bèn giao cho họ trách nhiệm hoằng truyền chánh pháp; rồi Ngài đi về thăm lại thôn Ưu-lâu-tần-loa. Tại đây Ngài đã hóa độ cho đạo sĩ Ưu Lâu Tần Loa Ca Diếp. Sau khi vị đạo sĩ này qui y Phật và xuất gia, thì tất cả 500 đồ đệ của ông cũng đều xin xuất gia theo Phật, trở thành 500 vị tì kheo.
- Đồ chúng của tôn giả Na Đề Ca Diếp: 250 vị. Người em kế của tôn giả Ưu Lâu Tần Loa Ca Diếp là đạo sĩ Na Đề Ca Diếp, cũng thờ thần Lửa, và đang hướng dẫn đồ chúng tu hành ở xứ Na-đề gần đó, thấy anh mình đã xuất gia theo Phật, cũng đến Ưu-lâu-tần-loa xin Phật độ cho xuất gia; và tất cả 250 đồ đệ của ông cũng đồng lòng xin xuất gia, trở thành 250 vị tì kheo.
- Đồ chúng của tôn giả Già Da Ca Diếp: 250 vị.
Người em út của tôn giả Ưu Lau Tần Loa Ca Diếp là đạo sĩ Già Da Ca Diếp, cũng thờ thần Lửa, và đang hướng dẫn đồ chúng tu hành ở xứ Già-da gần đó, đã dẫn tất cả 250 đồ chúng của mình, theo đạo sĩ Na Đề Ca Diếp cùng đến Ưu-lâu-tần-loa xin Phật độ cho xuất gia, trở thành 250 vị tì kheo.
- Đồ chúng của hai tôn giả Xá Lợi Phất và Mục Kiền Liên: 200 vị. Năm thứ hai sau ngày thành đạo, đức Phật ngự tại tu viện Trúc-lâm ở ngoại ô thành Vương-xá. Bấy giờ ở gần thành Vương-xá có hai vị đạo sĩ Bà-la-môn lỗi lạc là Xá Lợi Phất và Mục Kiền Liên, vừa là bạn thân của nhau, vừa có cùng chung ý chí tìm cầu chân lí và con đường giải thoát đích thực. Lúc ấy nhân duyên thuần thục, họ được gặp Phật ở Trúc-lâm, liền xin xuất gia, và trở thành hai vị đệ tử hàng đầu của Phật. 200 đồ chúng đang tu học với hai vị tôn giả này, thấy vậy, cũng cùng xin theo thầy đến Trúc-lâm xin xuất gia theo Phật, trở thành 200 vị tì kheo.
Cộng 5 nhóm trên lại (50 + 500 + 250 + 250 + 200), có tất cả là 1.250 vị tì kheo; trong đó, ngoại trừ 50 thanh niên bạn bè của tôn giả Da Xá, số 1.200 vị còn lại, đều nguyên là các sa môn ngoại đạo, tuy khổ công học đạo mà không đạt được thành quả gì thù thắng. Đến khi được Phật giáo hóa, thì chỉ trong một thời gian ngắn, tất cả 1.250 người ấy đều chứng thánh quả A-la-hán, giải thoát sinh tử. Vì cảm niệm ân đức sâu dầy của Phật, họ nguyện luôn luôn tùy tùng Phật tham dự nghe pháp ở tất cả các pháp hội, được gọi là “thường tùy chúng”. Vì vậy mà ở đầu các kinh, phần giới thiệu thính chúng tham dự nghe pháp, thường có câu: “1.250 vị tì kheo đều đầy đủ.”

3.000 ĐẠI THIÊN THẾ GIỚI (tam thiên thế giới – tam thiên đại thiên thế giới)
Nói đến “đại thiên thế giới” thì lấy “tiểu thế giới” làm đơn vị căn bản để tính. Một tiểu thế giới là một hệ thống thế giới gồm có: Ở trung ương là núi Tu-di, xuyên suốt qua biển lớn, đứng sừng sững trên địa luân. Dưới địa luân là kim luân. Dưới nữa là thủy luân. Dưới thủy luân là phong luân. Bên ngoài phong luân thuộc về hư không.
Núi Tu-di, phần giữa thì nhỏ, phần trên và phần dưới đều lớn; cõi trời Tứ-vương ở bốn mặt sườn núi; cõi trời Đao-lợi ở trên đỉnh núi. Chung quanh chân núi được bao bọc bởi bảy lớp núi vàng và bảy lớp biển nước thơm – cứ một lớp biển thì một lớp núi, xen kẽ nhau. Ngoài lớp núi vàng có biển mặn. Ngoài biển mặn có núi Đại-thiết-vi, vây tròn như lan can, hình trạng gần giống như phần dưới của cái cối xay.
Tầng hư không ở phía trên các cõi trời Tứ-vương và Đao-lợi, có các cõi trời Dạ-ma, Đâu-suất, Hóa-lạc và Tha-hóa-tự-tại; đó là sáu cõi trời Dục giới. Trên nữa là mười tám cõi trời Sắc giới và bốn cõi trời Vô-sắc giới. Trên không của biển mặn, ở mỗi phương Đông, Nam, Tây, Bắc, đều có vô số tinh vân, trong đó có vô số thái dương hệ, vô số thế giới. Tinh vân ở trên không phía Đông của biển mặn được gọi là châu Đông Thắng-thân; phía Nam gọi là châu Nam Thiệm-bộ; phía Tây gọi là châu Tây Ngưu-hóa; phía Bắc gọi là châu Bắc Câu-lô. Cả thảy chín núi, tám biển, bốn châu, sáu cõi trời Dục giới như thế, lại thêm ba tầng trời của cõi Sơ-thiền bao trùm ở trên nữa, là một tiểu thế giới. Hợp lại 1.000 tiểu thế giới như thế, với 3 tầng trời của cõi Nhị-thiền bao trùm ở trên, là một tiểu thiên thế giới. Hợp lại 1.000 tiểu thiên thế giới, với 3 tầng trời của cõi Tam-thiền bao trùm ở trên, là một trung thiên thế giới. Hợp lại 1.000 trung thiên thế giới, với 9 tầng trời của cõi Tứ-thiền và bốn cõi trời Không bao trùm ở trên, là một đại thiên thế giới.
Đại thiên thế giới, trong đó có ba bội số ngàn, cho nên cũng được gọi là “ba ngàn đại thiên thế giới” (tam thiên đại thiên thế giới), hay ngắn gọn hơn là “ba ngàn thế giới” (tam thiên thế giới).
Như vậy, tam thiên thế giới hay tam thiên đại thiên thế giới, không phải gồm có 3.000 thế giới, mà là: (1.000 x 1.000 x 1.000 =) 1.000.000.000, tức một tỉ thế giới.

Nhận xét

Bài đăng phổ biến từ blog này