SỐ 3
LƯỢC GIẢI NHỮNG PHÁP SỐ CĂN BẢN
Cư Sĩ Hạnh Cơ biên soạn
Cư Sĩ Hạnh Cơ biên soạn
BA CẢM THỌ (tam
thọ)
Cảm thọ tức
là cảm giác, là trạng thái hay kinh nghiệm tâm lí phát sinh khi nội thân tiếp
xúc với ngoại cảnh. Duy Thức Học phân biệt có ba loại cảm thọ:
1. Cảm thọ khó
chịu (khổ thọ): những cảm giác
khó chịu, buồn phiền, đau khổ sinh ra khi ta tiếp xúc với những hoàn cảnh ngang
trái, những bạo hành đày đọa.
2. Cảm thọ dễ
chịu (lạc thọ): những cảm giác dễ
chịu, vui thích, sung sướng sinh ra khi ta tiếp xúc với những hoàn cảnh thuận lợi,
hợp ý, thích thú.
3. Cảm thọ
trung tính (xả thọ – bất khổ bất lạc thọ): những cảm giác trung hòa, không dễ chịu cũng không
khó chịu, không đau khổ cũng không vui sướng, hoặc không có cảm giác nào cả.
BA CẢNH (tam cảnh)
“Cảnh” ở đây là chỉ cho đối tượng
của nhận thức; vì vậy nó
có liên hệ mật thiết với “lượng” là hình thái của
nhận thức. (Xin xem mục“Ba
Hình Thái Nhận Thức” ở sau.) Những tên khác của “cảnh” là trần, tướng, tướng phần, sở duyên – tất
cả đều có nghĩa là đối tượng của nhận thức. Cảnh
có 3 loại:
1. TÁNH CẢNH: là tự thân hay thật tướng của sự vật(1). Ở đây, sự vật hiện hữu trong đúng bản tính chân thật của chúng, không bị bóp méo, xuyên tạc hay cắt vụn bởi sự phân biệt, so sánh, suy luận hay phán đoán của nhận thức. Có 2 loại tánh cảnh:
a) Vô chất
tánh cảnh: là bản thể chân
thực của thực tại, cũng tức
là chân như hay pháp thân. Cảnh
giới này không thể đạt tới bằng
các thức, mà chỉ có
thể bằng tuệ giác – tức trí tuệ giác
ngộ, là loại nhận thức
trực tiếp, không phân biệt. (Loại
trí tuệ này khi đã phát sinh thì
không còn rơi vào chỗ nhận thức sai lạc
nữa, cho nên nó còn được gọi
là “trí vô lậu” hay “trí bát nhã”.)
b) Hữu chất tánh cảnh: là tướng trạng của
vạn pháp phát hiện từ vô chất tánh cảnh.
Sự phát hiện của chúng tùy thuận theo luật tương quan duyên khởi. Trong khi vô chất tánh cảnh ở trên chỉ làm đối tượng
cho tuệ giác thì hữu chất tánh cảnh ở đây lại là đối tượng của “chân hiện lượng”.
(Xin xem mục “Ba Hình Thái Nhận Thức”
ở sau.)
2. ĐỚI CHẤT CẢNH: chính là những ý tượng được cấu tạo từ hữu chất tánh cảnh để làm đối tượng cho
bảy thức (nhãn, nhĩ, tĩ, thiệt, thân, ý
và mạt-na thức), nhưng quan trọng hơn hết là ý thức. Nói cách khác, thức đã căn cứ trên thế giới hữu chất tánh cảnh (tức là tướng trạng của
vạn pháp) để tạo nên thế giới đới chất cảnh (tức là các ý tượng)
và nhận thức thế giới này như là thế giới tánh cảnh.
3. ĐỘC ẢNH CẢNH: là thế giới ảnh tượng do ý thức tái tạo hoặc sáng tạo khi nó hoạt động
độc lập, không có sự cộng tác của 5 thức cảm giác (nhãn, nhĩ, tĩ, thiệt và thân
thức) - nghĩa là khi không có cảm giác. Vì vậy, độc ảnh cảnh chỉ làm đối tượng
cho ý thức mà thôi. Đó là thế giới của hồi tưởng, tưởng tượng và mộng mị.
Có 2 loại độc ảnh cảnh:
a) Hữu chất độc ảnh cảnh: là những ảnh
tượng của tri giác và ý tượng (đới chất cảnh) đã từng là đối tượng của ý thức, được ý thức tái tạo để rồi lại lấy
đó làm đối tượng cho chính nó. Những ảnh tượng này biểu hiện một cách trung
thành hay đôi khi có thay đổi chút ít đối với những tri giác và ý tượng cũ. Chẳng
hạn, khi ta hồi tưởng lại cái giờ phút hãi hùng trên biển cả khi chiếc ghe máy
của ta bị giặc cướp hoành hành trong chuyến vượt biên mười mấy năm về trước,
thì những hình ảnh đang lần lượt diễn lại trong trí nhớ của ta lúc này chính là
thế giới của hữu chất độc ảnh cảnh.
b) Vô chất độc ảnh cảnh: là những ảnh tượng hoàn toàn do ý thức tạo dựng ra.
Chẳng hạn, khi ta mơ tưởng về một cuộc sống huy hoàng cho chính ta trong tương
lai, hoặc tưởng tượng về đời sống của một giống người ở tận một tinh cầu xa xôi
nào đó, tất cả những hình ảnh tưởng tượng “viển vông” ấy đều là vô chất độc ảnh cảnh.
(1) Các danh
từ thực tại, sự vật, vạn pháp, vạn hữu, vạn vật, vạn sự vạn vật, đều cùng mang
một ý nghĩa như nhau.
BA CÕI (tam giới)
Ba cõi cũng tức là vòng sinh tử luân hồi.
Các kinh luận thường dạy rằng, tất
cả mọi loài chúng sinh đều có sẵn khả
năng giác ngộ (Phật tính),
nhưng vì bị các kiến chấp sai lạc làm
cho mờ tối nhận thức, khiến
không tự phát hiện và thắp sáng được
khả năng ấy, cho nên cứ phải
quanh quẩn mãi trong ba cõi. Còn ở
trong ba cõi là còn bị phiền não
chi phối. Chỉ khi nào đạt được quả vị
giác ngộ thì mới được
giải thoát ra khỏi ba cõi – tức
là thoát khỏi vòng sinh tử luân hồi. Ba cõi đó là:
1. Cõi
Dục (Dục giới). “Dục” là ham muốn.
Cõi Dục là cõi của thực phẩm,
ước muốn vật chất và dục vọng
thể xác. Chúng sinh trong cõi này vì
đam mê theo các “thú vui” về sắc
tướng, âm thanh, mùi hương, ăn
uống, chạm xúc và dâm dục cho
nên luôn luôn gây ra nhiều tội lỗi, tai họa
và khổ đau. Các loài chúng sinh
trong cõi Dục này gồm có: Người, A-tu-la, Địa-ngục, Ngạ-quỉ và
Súc-sinh. Trong 5 loài này thì loài Người có
tâm ý phát triển cao hơn hết,
là cảnh giới có khổ đau và hạnh
phúc lẫn lộn. Bởi vậy, các vị
Bồ-tát thường chọn sinh vào
thế giới loài Người, nơi có nhiều
hoàn cảnh thuận lợi, để phụng sự
chúng sinh và tu tập các pháp
môn cần thiết sau cùng để thành tựu
quả Phật. Cũng bao gồm trong phạm
vi cõi Dục này còn có 6 cõi Trời, tuy hưởng được nhiều phước
báo hơn loài Người, nhưng vẫn
là những phước báo tạm bợ, và
trí tuệ thì không hơn loài
Người. Chúng sinh trong 6 cõi này vẫn có
hình sắc, nhưng phần vật chất của họ
vô cùng vi tế, mắt người thường
không thể trông thấy được.
Họ đều là hóa sinh, cũng
mang hình thể nam, nữ, với đầy đủ các
thứ dục vọng như con
người. Sáu cõi trời của cõi Dục (Lục-Dục thiên) này, từ thấp lên
cao gồm có: Tứ-vương, Đao-lợi
(cũng gọi là cõi trời Ba-mươi-ba
– tam thập tam thiên), Dạ-ma, Đâu-suất, Hóa-lạc và Tha-hóa-tự-tại.
2. Cõi
Sắc (Sắc giới). “Sắc” là hình tướng,
vật chất. Đây là cõi của
các vị Phạm Thiên, có hình tướng,
vật chất như thân thể, cung
điện v.v..., nhưng rất vi tế, đẹp đẽ,
tinh diệu. Các vị trời ở đây
không có tướng nam nữ, không
có tham dục như ở cõi Dục, chỉ sống
trong thiền định. Tùy theo mức độ
cao thấp của thiền định, cõi Sắc được
chia làm 4 bậc, gồm 18 cõi
Trời:
a) Cõi Sơ-thiền
(Sơ-thiền thiên), gồm 3 cõi
Trời: Phạm-chúng (các vị trời
tùy tùng của các vị Phạm Thiên),
Phạm-phụ (các vị trời thân
cận các vị Phạm Thiên), Đại-phạm
(các vị Phạm Thiên có nhiều hạnh
phúc, đẹp đẽ, tuổi thọ
cao nhất trong cõi Sơ-thiền). Các vị Phạm
Thiên ở các cõi này có
thân thể khác nhau, nhưng cách suy nghĩ
thì đều giống nhau, và trong tám thức thì
không còn có tị thức và thiệt
thức hoạt động.
b) Cõi Nhị-thiền
(Nhị-thiền thiên), gồm 3 cõi
Trời: Thiểu-quang (các vị Phạm Thiên
có chút ít ánh sáng), Vô-lượng-quang
(các vị Phạm Thiên có ánh
sáng vô cùng), Quang-âm (các vị Phạm
Thiên có ánh sáng rực rỡ).
Cõi Nhị-thiền này có rất nhiều
ánh sáng. Các vị Phạm Thiên ở đây đều
có thân thể giống nhau nhưng
cách suy nghĩ thì khác nhau, và trong tám
thức thì từ cõi Nhị-thiền này trở
lên, cả năm thức cảm giác đều
không còn hoạt động.
c) Cõi Tam-thiền
(Tam-thiền thiên), gồm 3 cõi
Trời: Thiểu-tịnh (có hào quang
nhỏ), Vô-lượng-tịnh (có hào
quang vô hạn), Biến-tịnh (có hào
quang không xao động). Cõi Tam-thiền này mọi sự
đều thanh tịnh, cả thân và
tâm của các vị Phạm Thiên đều hoàn
toàn giống nhau.
d) Cõi Tứ-thiền
(Tứ thiền thiên), gồm
9 cõi Trời: Vô-vân (cảnh giới
quang đãng), Phước-sinh (cảnh giới
trường cửu), Quảng-quả (hưởng phước
báo rộng lớn), Vô-phiền
(hoàn toàn tinh khiết), Vô-nhiệt (hoàn toàn
thanh tịnh), Thiện-kiến (cảnh giới
đẹp đẽ), Thiện-hiện (hoàn toàn
tự tại), Sắc-cứu-cánh (cảnh giới
tối thượng), Vô-tưởng (không còn
tư tưởng). Đây là cõi cao nhất
của Sắc giới, chúng sinh sống
trong cảnh giới thiền định sâu xa,
hoàn toàn tịch tịnh, chẳng những năm thức cảm
giác mà cả ý thức
cũng không còn hoạt động nữa.
3. Cõi
Vô-sắc (Vô-sắc giới).
Cõi này
hoàn toàn không còn có vật chất,
hình thể, cho nên cũng không có tướng
nam nữ, không có dục vọng, mà
chỉ thuần có nghiệp thức trú trong
các cảnh giới thiền định thâm diệu.
Đây là cõi cao nhất trong ba cõi, gồm
có 4 cõi Trời:
a) Cõi
Không-gian vô-biên (Không vô biên xứ
thiên): Cảnh giới của các vị
trời chỉ thấy có không gian
vô biên, đã đạt được và đang an
trú trong trạng thái thiền định gọi
là không vô biên xứ định.
b) Cõi
Tâm-thức vô-biên (Thức vô biên xứ
thiên): Cõi chỉ thấy có tâm thức
vô biên, là cảnh giới của
chư thiên đã đạt được và
đang an trú trong trạng thái thiền
định gọi là thức vô biên xứ định.
c) Cõi
Vô-sở-hữu (Vô sở hữu xứ
thiên): Cõi này không còn
có bất cứ một hiện tượng gì,
là cảnh giới của chư thiên
đã đạt được và đang an
trú trong trạng thái thiền định gọi
là vô sở hữu xứ định.
d) Cõi
Phi-tưởng phi-phi-tưởng (Phi tưởng
phi phi tưởng xứ thiên): Cõi này
không có tri giác mà cũng không phải
là không có tri giác, là cảnh giới
của chư thiên đã đạt được và
đang an trú trong trạng thái thiền
định gọi là phi tưởng phi phi tưởng xứ định.
Trong sách Đức Phật và Phật Pháp (Phạm Kim Khánh dịch), hoà thượng Narada Maha Thera có nói: “Nên ghi nhận rằng đức Phật
không nhằm mục đích truyền
bá một lí thuyết về vũ trụ. Dầu
những cảnh giới trên có hay
không, điều ấy không ảnh hưởng gì
đến giáo lí của Ngài. Không
ai bị bắt buộc phải tin một điều nào,
nếu điều ấy không thích hợp với
sự suy luận của mình. Nhưng nếu
bác bỏ tất cả những gì mà lí trí hữu hạn của ta không thể quan niệm được, thì điều ấy cũng không phải hoàn toàn là chính đáng.”
BA CON DẤU (tam ấn - tam pháp ấn)
Con dấu dùng để chứng nhận một sự việc
là thật, chắc chắn, đáng tin tưởng.
Vậy từ ngữ “con dấu” (ấn)
ở đây có nghĩa
là chân lí, là điều chân thật
được chứng ngộ và nói ra
bởi bậc Giác Ngộ (Phật) mà người học
trò của Phật phải tin tưởng,
phải thường quán niệm để có được
một nhận thức sáng tỏ về
thực tại. Tất cả giáo lí
nào phát biểu đúng với nội dung
ba con dấu này đều là Phật pháp. Tất
cả mọi nhận thức không phù hợp với
ba con dấu này đều là sai lạc,
tà ngụy.
A) Trong các kinh luận, ba con dấu thường được nói tới
là:
1. Tất cả mọi sự vật đều biến
đổi không ngừng (chư hành vô thường).
2. Tất cả mọi sự vật đều
không có bản ngã chân thật (chư pháp vô
ngã).
3. Bản thể của vạn hữu là vô
phân biệt, lìa khỏi mọi hình tướng, mọi tri kiến, mọi khái niệm (niết bàn tịch tịnh).
Con dấu 1 và con dấu 2 (vô thường và vô ngã) nói lên tướng
trạng của vạn hữu, và con dấu 3 (niết
bàn) nói lên bản thể của vạn hữu.
B) Mặt khác, theo kinh Pháp Ấn thì ba con dấu này như sau:
1. Không. Bản thể của mọi sự vật là không. “Không” ở đây có nghĩa là mọi sự vật đều
hiện hữu theo nguyên lí duyên sinh,
không có tự ngã.
2. Vô tướng. Vì là không cho
nên bản thể của vạn hữu là vô niệm –
tức là không thể dùng nhận thức phân biệt và khái niệm để nhận biết, mà phải
dùng trí bình đẳng, vô phân biệt mới thấy rõ được.
3. Vô tác (cũng
gọi là vô nguyện, hay vô khởi). Trong nhận thức bình đẳng, vô phân biệt (tức trí tuệ
giác ngộ) đó, sẽ không còn có sự phân biệt về chủ thể nhận thức và đối tượng nhận
thức, về chủ thể chứng đắc và đối tượng chứng đắc; không có tạo tác; không có
sinh khởi; không có sự mong cầu cũng không có cái gì để mong cầu.
“Không - vô tướng - vô tác” là ba giai đoạn liên tục, toàn vẹn của công phu thiền
quán. Đó là giáo lí căn bản của Phật giáo, Kinh Pháp Ấn nói: “Pháp ấn này
chính là ba cánh cửa đi vào cảnh giới giải thoát, là giáo lí căn bản của chư Phật,
là con mắt của chư Phật, là chỗ đi, về của chư Phật.”
BA CON ĐƯỜNG
(hay BA CỖ XE – tam thừa)
Kinh Pháp Hoa nói: “Thật ra chỉ có
một con đường (nhất thừa), nhưng chư Phật tùy căn cơ mà dùng phương tiện, nói
có ba con đường (tam thừa)...”
1. Con đường nhỏ (hay cỗ xe nhỏ – tiểu
thừa) tức là con đường Thanh-văn (Thanh-văn thừa).
2. Con đường vừa (hay cỗ xe vừa – trung
thừa) tức là con đường Duyên-giác (Duyên-giác thừa).
3. Con đường lớn (hay cỗ xe lớn – đại
thừa) tức là con đường Bồ-tát (Bồ-tát thừa).
GHI CHÚ: Xin xem lại mục “Hai Con Đường” ở trước.
BA CỬA GIẢI
THOÁT (tam giải thoát môn)
Do ba cửa (môn) này mà hành
giả đạt tới được cảnh giới giải thoát, tự tại, an lạc. Ba cửa đó là không,
vô tướng và vô tác. (Xin xem lại
mục “Ba Con Dấu” vừa trình bày ở trên.)
BA ĐỨC (tam đức)
1. Chỉ cho 3 đức tướng của cảnh giới đại niết bàn là: pháp
thân đức (thể tánh chân như xưa nay vốn có của thực tại vạn hữu), bát
nhã đức (trí tuệ giác ngộ) và giải thoát đức (thoát khỏi mọi sự
ràng buộc của phiền não).
2. Chỉ cho 3 đức tướng của quả vị Phật là: trí đức (trí tuệ giác ngộ
quán sát thấy rõ thật tướng của vũ trụ vạn hữu), đoạn đức (diệt trừ tận gốc
mọi phiền não hoặc nghiệp) và ân đức (công ơn cứu độ chúng sinh).
BA ĐƯỜNG (tam đồ)
Chữ “đồ” nguyên có nghĩa là dơ nhớp, lầm than. Bởi vậy, “ba đường” (tam đồ) cũng tức là “ba đường
dữ” (tam ác đạo, tam ác thú), là
thuật ngữ Phật học, đặc biệt dùng để chỉ cho ba cảnh giới Địa-ngục, Ngạ-quỉ và
Súc-sinh.
1. Đường Địa-ngục
(Địa-ngục đạo) gọi là đường
Lửa (hỏa đồ), tương đương với tâm sân hận (một trong ba thứ phiền não
căn bản được gọi là “tam độc”). Những
chúng sinh không có tâm từ bi, thường ôm lòng sân hận, sẽ sinh vào các cảnh giới
Địa-ngục, phải chịu các hình cụ nóng bức như chảo dầu sôi, nước đồng sôi, roi sắt
nướng đỏ, giường lửa, chó lửa v.v...
2. Đường Ngạ-quỉ
(Ngạ-quỉ đạo) gọi là đường
Dao (đao đồ), tương đương với tâm xan tham (một trong “ba độc”). Những chúng sinh không có tâm
bố thí giúp đỡ, thường ôm lòng tham lam keo kiệt, sẽ sinh vào cảnh giới Ngạ-quỉ,
thường bị dao gậy đuổi đánh.
3. Đường
Súc-sinh (Súc-sinh đạo) gọi là đường
Máu (huyết đồ), tương đương với tâm ngu si (một trong “ba độc”). Những chúng sinh tâm niệm ngu
si, không có trí sáng suốt, không rõ đạo lí, sẽ sinh vào cảnh giới Súc-sinh,
các loài tàn hại, uống máu ăn thịt lẫn nhau.
BA HIỀN (tam hiền)
Ba-hiền là một
trong năm địa vị (ngũ vị) trên quá trình tu chứng của các hành giả tiểu thừa cũng
như đại thừa. Trong Phật học, hạng người chưa từng biết tu tập, vô minh còn dầy,
tạo nhiều nghiệp ác, gọi là “phàm phu”; hạng người bắt đầu biết
tu tập, có chút ít trí tuệ, trừ dần nghiệp ác, dứt dần phiền não, tạo nhiều
nghiệp thiện, điều phục tâm ý, tinh tấn tiến tới trước, gọi là “hiền”;
khi bước vào quả Dự-lưu (đối với hàng tiểu thừa), hay bậc Sơ-địa (đối với hàng Bồ-tát
đại thừa) trở lên, thì gọi là “thánh”. Vậy, Ba-hiền là địa vị trung gian giữa phàm phu và thánh nhân. Lại nữa,
hành giả ở địa vị Ba-hiền, tuy cao hơn phàm phu, nhưng vẫn còn ở trong vòng ba
cõi, vẫn còn chấp tướng, còn “hướng ngoại” để tìm cầu chân lí; vì vậy, Ba-hiền
cũng được gọi là “Ngoại-phàm” (phàm phu hướng ngoại). Trong quá trình tu tập, ở
tiểu thừa cũng như ở đại thừa, địa vị Ba-hiền được xác lập rõ ràng; hành giả có
thể theo đó mà tự soi xét, để thấy mình tu tập có tiến bộ hay không.
Ba-hiền tức địa
vị của 3 bậc Hiền, là địa vị đầu tiên của người tu hành trong Phật pháp; có hai
loại, của tiểu thừa và của đại thừa:
A. Địa vị Ba-hiền của tiểu thừa:
Tên của mỗi bậc Hiền ở địa vị
này cũng tức là tên pháp môn tu tập của hành giả ở bậc ấy.
1. Bậc Năm phép
quán ngưng loạn tưởng (Ngũ đình tâm quán): Dùng “năm phép quán ngưng loạn tưởng” (xin xem mục “Năm Phép Quán” ở sau) để chế phục các tâm tham, sân, si, ngã kiến, và tán loạn.
2. Bậc Quán niệm
tướng riêng (Biệt tướng niệm trụ):
Dùng phép quán “bốn lĩnh vực quán niệm” (xin xem mục “Bốn Lĩnh Vực Quán Niệm” ở sau), quán chiếu từng tướng riêng như thân thể là bất tịnh, cảm thọ là đau
khổ, tâm thức là vô thường, và vạn pháp là vô ngã.
3. Bậc Quán niệm
tướng chung (Tổng tướng niệm trụ):
Cũng dùng phép quán “bốn lĩnh vực quán niệm” ấy, nhưng quán chiếu tổng quát các
tướng đều cùng chung là bất tịnh, khổ, vô thường, và vô ngã. Ví dụ: Khi quán
chiếu “thân thể là bất tịnh”, thì đồng
thời cũng quán chiếu “thân thể là đau khổ,
là vô thường, là vô ngã”; khi quán chiếu về tính chất “bất tịnh”, thì cả thân thể,
cảm thọ, tâm thức và vạn pháp đều là “bất tịnh”(1).
Trong ba bậc trên thì bậc Ngũ
đình tâm quán sẽ thành tựu về phương diện “chỉ”
(dừng lại); còn hai bậc Biệt tướng niệm trụ và Tổng tướng niệm trụ sẽ thành tựu
về phương diện “quán” (quán chiếu).
A. Địa vị Ba-hiền của đại thừa:
Địa vị Ba-hiền của đại thừa tức
là giai đoạn mà các hành giả tu tập Bồ-tát hạnh phải trải qua trước khi tiến
lên cấp Mười-địa, vì vậy, địa vị này cũng còn được gọi là “Bồ-tát Địa-tiền”; gồm
ba cấp từ thấp lên cao có tên là Mười-trụ, Mười-hạnh và Mười-hồi-hướng
(xin xem các mục “Mười Trụ”, “Mười
Hạnh”, “Mười Hồi Hướng” ở sau).
(1) Từ “bất tịnh”
vừa được hiểu theo nghĩa hẹp, là không sạch sẽ, dơ bẩn; vừa được hiểu theo nghĩa
rộng, là giả dối, không chân thật, vô thường, đầy phiền não cấu nhiễm.
BA HÌNH THÁI
NHẬN THỨC (tam lượng)
“Lượng” là
hình thái hay phương cách nhận thức, có 3 loại:
1. Nhận thức trực
tiếp (hiện lượng): nhận thức đối
tượng một cách trực tiếp, thuần túy cảm giác, không có suy luận, diễn dịch, so
sánh hay phán đoán. Đây là phương cách nhận thức của năm thức cảm giác (nhãn, nhĩ, tị, thiệt và thân thức), đôi khi có sự
cộng tác của thức thứ sáu là ý thức –
nhưng vẫn là trực tiếp, không có suy luận hay phán đoán.
Hình thái nhận thức này có
khi đúng và có khi sai. Khi đúng thì gọi là chân
hiện lượng, khi sai thì gọi là tợ hiện
lượng. (“Tợ” nghĩa là trông giống như cái đó chứ không phải chính thực là
cái đó.)
2. Nhận thức so
sánh (tỉ lượng): nhận thức mang
tính cách suy luận, diễn dịch, so sánh, hay phán đoán. Đây là phương cách nhận
thức của thức thứ sáu – ý thức, có
khi đúng và cũng có khi sai. Khi đúng thì gọi là chân tỉ lượng, khi sai thì gọi là tợ tỉ lượng.
3. Nhận thức
sai lầm (phi lượng): Thực ra,
không có riêng một hình thái nhận thức độc lập nào gọi là “phi lượng”. Cho nên, phi lượng
chẳng qua chỉ là “tợ hiện lượng” và “tợ tỉ lượng” ở trên vừa nói – tức là nhận
thức sai lầm, trông giống như cái đó chứ không phải chính là bản thân cái đó.
Duy Thức Học cho rằng, thức thứ bảy (mạt-na)
luôn luôn nhận thức sai lầm về sự tồn tại của một bản ngã chân thật, bất biến,
cho nên hình thái nhận thức của nó luôn luôn là phi lượng.
BA KHỔ (tam khổ)
Khổ là một
thứ cảm thọ (cảm giác), là trạng thái đau đớn, khó chịu, bất như ý khi thân tâm
bị bức bách. Y vào tính chất, khổ được chia làm ba loại:
1) Những hoàn cảnh trái
ngang, những điều bất như ý, những sự bách hại, v.v... gây ra những cảm giác
khó chịu, đau đớn, buồn phiền nơi thân tâm con người; cái khổ đó gọi là “khổ
khổ”.
2) Những hoàn cảnh thuận lợi,
những điều như ý có đem lại niềm vui cho con người. Nhưng đó chỉ là niềm vui tạm
bợ. Khi niềm vui đã tàn thì lại sinh tiếc nuối, khổ đau; cái khổ đó gọi là “hoại
khổ”.
3) Mọi vật trong vũ trụ vốn
không có tính chất khổ, vui; tâm ý con người cũng có lúc không cảm thấy khổ hay
vui; nhưng vì do nhân duyên sinh, nên chúng vô thường, biến đổi, sinh diệt,
trôi chảy không ngừng, gây ra đau khổ, phiền muộn một cách âm thầm, vi tế, thâm
sâu, mà con người không tỉnh giác nên không nhận biết; cái khổ đó gọi là “hành
khổ”.
BA KÌ (tam kì)
Ba kì tức là
ba a tăng kì kiếp, nghĩa là ba vô số kiếp; là thời gian tu hành của một vị Bồ-tát
từ lúc mới phát tâm cho đến ngày thành Phật. Bồ-tát Địa-tiền tu tập trải qua bốn mươi bậc (gồm mười Tín, mười Trụ,
mười Hạnh và mười Hồi-hướng) thì hoàn tất a tăng kì thứ nhất (sơ a tăng kì); Bồ-tát Địa-thượng, từ bậc Sơ-địa cho đến
khi đạt được bậc Thất-địa thì hoàn tất a tăng kì thứ hai (nhị a tăng kì); từ
bậc Bát-địa cho đến bậc Thập-địa thì hoàn tất a tăng kì thứ ba (tam a tăng kì).
BA LẦN CHUYỂN PHÁP LUÂN (tam chuyển pháp luân)
Pháp số này có hai ý nghĩa:
A. Chỉ cho đức Thế Tôn nói pháp Tứ Đế lần đầu tiên tại vườn Nai sau khi
Ngài thành đạo, để độ cho năm vị sa môn nhóm Kiều Trần Như. Khi nói pháp Tứ Đế
này, đức Phật đã nói đi nói lại ba lần, với ba chủ ý khác nhau, gọi là “tam chuyển pháp luân”:
1. Thị chuyển. Đầu tiên, với chủ ý khai thị cho thấy, đức Phật đã dạy:
“Đây là khổ. Đây là nguyên nhân của khổ. Đây là cảnh giới tịch diệt. Đây là các
pháp môn tu tập để chứng đạt cảnh giới tịch diệt.”
2. Khuyến chuyển. Sau đó, với chủ ý khuyên tu tập, đức Phật dạy tiếp: “Đây
là khổ, quí vị nên nhận biết. Đây là nguyên nhân của khổ, quí vị nên đoạn trừ. Đây
là cảnh giới tịch diệt, quí vị nên chứng đạt. Đây là các pháp môn tu tập để chứng
đạt cảnh giới tịch diệt, quí vị nên tu tập.”
3. Chứng chuyển. Cuối cùng, với chủ ý xác minh để gây tin tưởng, đức
Phật dạy tiếp: “Đây là khổ, Như Lai đã thấy rõ. Đây là nguyên nhân của khổ, Như
Lai đã đoạn trừ. Đây là cảnh giới tịch diệt, Như Lai đã chứng đạt. Đây là các
pháp môn tu tập để chứng đạt cảnh giới tịch diệt, Như Lai đã tu tập.”
B. Tông Tam Luận (Trung-quốc) đã chia toàn bộ giáo thuyết của đức Phật
trong suốt cuộc đời hóa độ 45 năm của Ngài làm ba phần, với 3 chủ ý khác nhau,
gọi là “tam chuyển pháp luân”:
1. Căn bản pháp
luân. Trước tiên, ngay sau khi thành
đạo, ở cội cây bồ đề, đức Phật đã trực tiếp nói giáo pháp căn bản nhất thừa cho
hàng Bồ-tát lớn, trình bày cảnh giới giác ngộ mà Ngài vừa thực chứng; – đó là
giáo nghĩa hàm chứa trong kinh Hoa Nghiêm,
– gọi là “căn bản pháp luân”.
2. Chi mạt pháp
luân. Nhưng giáo pháp nhất thừa ấy
quá cao sâu mầu nhiệm, con người độn căn phước mỏng không thể nào lĩnh hội được,
cho nên, tiếp theo đó, trong suốt thời gian dài gần 40 năm (nếu kể thời gian hóa
độ là 45 năm),
đức Phật đã phải tùy theo cơ trí của đại chúng mà nói giáo pháp tam thừa (Thanh-văn, Duyên-giác và Bồ-tát), tức là Ngài đã
phương tiện đem giáo pháp nhất thừa mà chia chẻ ra thành ngành ngọn, gọi là “chi mạt pháp luân”.
3. Nhiếp mạt qui bản pháp luân. Nhờ dùng nhiều phương tiện mà đức Phật đã đưa
được vô số chúng sinh vào con đường giác ngộ giải thoát; cuối cùng, khi thấy cơ
trí của phần đông đại chúng đều đã thăng tiến, thuần thục, có thể thọ nhận giáo
pháp vi diệu, Ngài đã dùng những năm còn lại của cuộc đời hóa độ, thu nhiếp hết
giáo pháp phương tiện của ba thừa mà qui kết về giáo pháp căn bản nhất thừa; – đó
là giáo nghĩa hàm chứa trong các kinh Pháp
Hoa, Niết Bàn, – gọi là “nhiếp mạt
qui bản pháp luân”.
BA LOẠI TỊNH
NHỤC (tam chủng tịnh nhục)
Chữ “tịnh” ở đây có nghĩa là không cố ý giết, không bảo người khác giết,
và không chấp nhận khi biết người khác vì mình mà giết sinh vật để lấy thịt.
Theo kinh điển đại thừa, ăn thịt là trái phạm tinh thần từ bi của người tu hành,
cho nên có qui điều cấm chỉ ăn thịt. Nhưng trong kinh luật tiểu thừa thì quyền nghi
cho phép các thầy tì kheo, có thể ăn ba loại thịt, được gọi là “tịnh nhục”, mà không bị phạm giới; đó
là:
1. Không phải
vì mình mà giết (bất vị ngã sát), mình không thấy (bất kiến) người ta vì mình
mà cố ý giết sinh vật cho mình ăn.
2. Không phải
vì mình mà giết (bất vị ngã sát), mình không nghe nói (bất văn) người ta vì
mình mà giết sinh vật cho mình ăn.
3. Không phải
vì mình mà giết (bất vị ngã sát), không có điều gì làm cho mình nghi ngờ (bất
nghi) là người ta vì mình mà giết sinh vật cho mình ăn.
Ngoài ra, thịt của sinh vật
tự nó chết, hoặc thịt sinh vật bị các loài thú khác ăn còn thừa, cũng được gọi
là “tịnh nhục”; và nếu kể thêm hai thứ thịt này thì có “năm loại tịnh nhục” (ngũ tịnh nhục).
Trái lại với các trường hợp
trên thì thuộc loại “thịt bất tịnh” (bất tịnh nhục), tuyệt đối không được ăn.
BA MINH (tam
minh)
Các bậc thánh khi chứng đến
quả Phật, thì dứt trừ tận tuyệt vô minh si ám, trí sáng tối thượng hiển lộ, thấy biết thấu suốt 3 sự việc hoàn toàn
vô ngại, gọi là “ba minh”:
1. Túc mạng
minh: trí sáng thấy biết thấu suốt
tướng trạng của mình và tất cả chúng sinh từ một đời cho đến hàng trăm, ngàn, vạn,
ức đời ở thời quá khứ.
2. Thiên nhãn
minh: trí sáng thấy biết thấu suốt
các tướng trạng sinh tử của tất cả chúng sinh, chết nơi này chuyển sinh nơi
kia, chết nơi kia chuyển sinh nơi này; hoặc do nhân duyên xấu ác mà tạo nghiệp
xấu ác, sau khi chết phải sinh vào các cảnh giới đau khổ; hoặc do nhân duyên
thiện lành mà tạo nghiệp thiện lành, sau khi chết được sinh về các cảnh giới an
vui v.v...
3. Lậu tận
minh: trí sáng thấy biết rõ ràng
mình đã chân thật chứng ngộ chân lí, đã giải thoát hoàn toàn cái tâm lậu hoặc, đã
diệt trừ tận gốc rễ tất cả phiền não vô minh.
BA MÔN HỌC
GIẢI THOÁT (tam học - tam vô lậu học)
Mục đích của người tu học Phật
là đạt tới thành quả giác ngộ, an lạc và giải thoát cho chính mình và cho cả mọi
người. Mục đích ấy chỉ có thể đạt được khi nào hành giả thể nghiệm trọn vẹn 3 phép học là Giới, Định và Tuệ.
1. Giới, hay giới luật, trên căn bản nó có nghĩa là răn cấm và
ngăn ngừa, tức là cấm đoán làm các điều
xấu về thân, khẩu và ý, để ngăn ngừa
những hậu quả tai hại, xấu xa. Nhưng đó mới chỉ là ý nghĩa tiêu cực của nó.
Trên phương diện tích cực, giới còn có nghĩa là sự thể hiện nếp
sống tỉnh thức, thường trực đặt tâm ý trong chánh niệm, thực hiện các hành động
cụ thể, chính đáng, nhằm xây dựng sự sống, đem lại lợi ích và an lạc cho muôn
loài.
Theo cả hai ý nghĩa trên thì
giới đích thực là chất liệu sinh hoạt
tâm linh căn bản của người tu học Phật. Nó có công năng chuyển hóa bản thân cho
chính hành giả và tạo không khí hòa điệu giữa hành giả với môi trường sống
chung quanh. Vì vậy mà Kinh Niết Bàn
nói: “Giới là những pháp lành nâng chịu
cho hành giả một cách vững vàng, chắc chắn, như những bậc thang bằng đá...”;
hoặc: “Hành giả nên hành trì giới luật
cho bền vững, coi đó như cái phao nổi dùng bơi qua biển cả.” Kinh Di Giáo cũng dạy: “Này quí vị khất sĩ! Sau khi Như Lai diệt độ, quí vị hãy quí trọng và
tôn kính giới luật, như ở nơi tối tăm mà thấy được ánh sáng, như người nghèo mà
gặp được của báu. Phải xem giới luật chính là thầy của quí vị, không khác gì
Như Lai còn trụ thế.”
Giới thường là những điều luật do Phật chế ra – gọi là “chế giới” – cho các chúng tại gia (5 giới), sa di (10 giới), tì kheo (250 giới),
tì kheo ni (348 giới), và bồ-tát (34 giới cho chúng tại gia và 58 giới cho
chúng xuất gia). Nếu hành trì nghiêm túc các “chế giới” này thì hành giả sẽ
có được một tác phong đứng đắn, một tư cách cao thượng, một tâm niệm trong
sáng, ngay thẳng, đáng làm gương mẫu và chỗ nương tựa hoàn toàn tin cậy cho mọi
người. Đó là ý nghĩa của giới điều gọi là “nhiếp
luật nghi” (nghiêm trì giới hạnh), một trong 3 nhóm giới tổng quát của đại thừa (tam
tụ tịnh giới) mà người tu học theo hạnh Bồ-tát cần phải hành trì.
Hai giới điều khác của “tam
tụ tịnh giới” là “nhiếp thiện pháp”
(làm mọi điều lành) và “nhiêu ích hữu
tình” (làm lợi ích cho tất cả chúng sinh). Khác với loại “chế giới” ở trên,
“tam tụ tịnh giới” là những giới luật đích thực – gọi là “tự tính giới” – của những hành giả phát tâm tu hạnh Bồ-tát mà mọi
ý tưởng, ngôn ngữ và hành động đều nhằm đem lại lợi ích và an lạc cho tất cả
chúng sinh.
2. Định, là sự tập trung tâm ý bằng cách sống trọn vẹn trong
chánh niệm. Con người thường bị hoàn cảnh chi phối, tâm ý luôn luôn bị phân
tán, cho nên cứ mải sống trong loạn động, quên lãng, đến nỗi nhiều khi không
còn nhận biết mình là ai, đang làm gì, ở đâu! Bởi vậy, sự tu “giới” như trên vừa nói, sẽ giúp cho
hành giả tỉnh thức, tâm ý được thắp sáng, các vọng niệm sẽ bị tiêu trừ. Hành giả
sẽ thường xuyên có ý thức sáng tỏ về mình, biết mình đang nghĩ gì, nói gì, làm
gì. Sự quán niệm thường xuyên ấy sẽ làm cho sức mạnh của tâm linh được tập
trung và phát triển: đó gọi là định lực.
3. Tuệ, hay trí tuệ giác ngộ, là sự nhận thức sáng tỏ về thực
tại, là sự chứng ngộ chân lí của vạn hữu. Tuệ đạt được là nhờ có định lực, và
đó là mục đích tối hậu của người tu học Phật.
Giới - Định - Tuệ là trình tự của giác ngộ: do Giới sinh Định, do Định phát Tuệ.
Vậy, muốn đạt được trí tuệ giác ngộ thì phải tu tập thiền định; muốn có được định
lực thì phải nghiêm trì giới luật. Không những là trình tự của giác ngộ, mà Giới - Định - Tuệ còn là ba yếu tố tương
duyên và bất khả phân li của giác ngộ. Một vị hành giả đã đạt được tuệ giác thì
không thể nào là không có giới hạnh và định lực; đã nghiêm trì giới hạnh thì
cùng lúc cũng đã có định lực và trí tuệ; khi có đầy đủ định lực thì chắc chắn
là giới hạnh và trí tuệ cũng viên mãn. Như thế tức là trong Giới có đầy đủ Định
và Tuệ; trong Định có đầy đủ Giới và Tuệ; trong Tuệ có đầy đủ Giới và Định. Hay
nói khác đi, tu Giới là đồng thời cũng tu Định và Tuệ; tu Định là đồng thời
cũng tu Giới và Tuệ; và tu Tuệ là đồng thời cũng tu Giới và Định. Có một yếu tố
là có đủ cả ba yếu tố; thiếu một yếu tố là không có quả vị giác ngộ. Có thể nói, Giới - Định - Tuệ là nội dung căn bản và
tổng quát nhất của tất cả các pháp môn để đưa hành giả đến đạo quả giác ngộ, giải
thoát.
BA NGHIỆP (tam nghiệp)
“Nghiệp” là
hành động. Tất cả mọi hành động do chúng ta tạo ra được gọi là nghiệp nhân, và
kết quả do những hành động ấy đem lại được gọi là nghiệp quả, nghiệp báo, hay
quả báo. Hành động được chia làm 3 loại:
1. Hành động của
thân thể (thân nghiệp), gồm những động
tác đi, đứng, nằm, ngồi và tất cả những động tác khác của tay, chân và thân thể
(kể cả ăn uống, đụng chạm v.v...).
2. Hành động của
miệng lưỡi (khẩu nghiệp), gồm mọi
lời nói và âm thanh do miệng lưỡi phát ra.
3. Hành động của
tâm ý (ý nghiệp), gồm mọi tư tưởng
phát sinh từ tâm ý.
Tính chất của cả ba loại
hành động này có khi là thiện (giúp
ích), có khi là ác (phá hoại), và
cũng có khi là vô kí (trung tính,
không thiện cũng không ác).
BA NGÔI BÁU (Tam Bảo)
Với người Phật tử thì chỉ có
Phật, Pháp, Tăng là ba ngôi báu, ba
viên ngọc quí nhất trên đời.
1. PHẬT. Phật là bậc đã đạt được thành quả giác ngộ trọn vẹn,
là người có nếp sống tỉnh thức thường trực, và là người đưa đường chỉ lối cho
chúng ta trong cuộc đời. Đức Thích Ca Mâu Ni, vị khai
sáng ra đạo Phật cách đây 26 thế kỉ, trước hết là một con người, nhưng đó là một
người đã phát huy đầy đủ khả năng giác ngộ (Phật tính) để đạt đến địa vị của một
đức Phật. Ngài đã giác ngộ chân lí của cuộc sống (tự giác); rồi đem chân
lí ấy truyền bá, chỉ dạy, giúp cho mọi người cùng được giác ngộ (giác
tha); và như vậy tức là sự nghiệp giác ngộ của Ngài đã được thành tựu
trọn vẹn (giác hạnh viên mãn).
Khả năng giác ngộ của Phật gồm
có ba đức:
a) Đức TRÍ: là khả năng trí tuệ đưa đến
sự giác ngộ cùng tột đối với tất cả những hiện tượng riêng biệt cùng tính cách
duyên sinh của vạn hữu.
b) Đức BI: là tình thương rộng lớn thúc
đẩy cho việc hóa độ một cách bình đẳng và bao quát tất cả mọi người, mọi loài,
khiến cho bỏ ác làm lành, chuyển mê thành ngộ, dứt đau khổ được an vui.
c) Đức DŨNG: là ý chí mạnh mẽ để diệt
trừ tất cả những động lực tiềm tàng ở bên trong cũng như những hiện tượng phát
hiện ra bên ngoài của các phiền não tham, sân, si – tức là những nọc độc ghê gớm
nhất gây ra tham tàn, thù hận, lừa đảo, mù quáng, giết chóc v.v... DŨNG cũng là
ý chí mạnh mẽ, nhờ đó mà trí tuệ và tình thương được sử dụng triệt để trong
công cuộc độ sinh, khiến cho những cực khổ, gian nguy, cám dỗ, chướng ngại đều
bị khắc phục.
2. PHÁP. Pháp là đạo tỉnh thức, là con đường của
tình thương, hiểu biết và cởi
mở. Con đường ấy đã do đức
Phật mở lối, chỉ dạy.
Phật đã chứng ngộ và truyền dạy
những giáo lí thích hợp với những
điều kiện về sinh hoạt, tâm lí,
kinh tế, chính trị và xã hội của thời
đại Ngài. Rồi trong quá trình
phát triển của đạo Phật, nhiều hệ thống
cấp tiến như Thiền, Duy Thức, Tịnh Độ, v.v... được xuất hiện.
Những hệ thống giáo lí này cũng
dung hợp những điều kiện về
sinh hoạt, tâm lí, kinh tế, chính trị và xã
hội của con người đương thời,
và ở bất cứ nơi nào
chúng được truyền tới. Bởi vậy,
giáo lí của Phật đã được gọi
là giáo lí khế cơ. Điều đó chứng tỏ rằng giáo lí của
đạo Phật không phải là một thứ
giáo lí bảo thủ, giáo điều,
cứng ngắc, đóng khung, mà trái lại,
nó luôn luôn cởi mở, khai
phóng và tiến bộ để mở rộng
chân trời tương lai. Tuy cởi mở,
khai phóng, tiến bộ, nhưng những hệ
thống giáo lí của đạo Phật trải
qua bao đời, ở mọi nơi chốn,
vẫn không bị lạc gốc, vẫn luôn
luôn phù hợp với chân lí, vẫn giữ
đúng các đặc tính căn bản,
và tiếp nối được truyền thống
từ bi, trí tuệ, hùng lực, bình
đẳng và giải thoát nguyên thỉ
của đạo Phật; cho nên giáo lí của
Phật còn được gọi là
giáo lí khế lí.
3. TĂNG. Tăng là đại chúng, là đoàn thể của những người nguyện
sống cuộc đời tỉnh
thức. Tăng bao gồm tất cả những
đoàn thể đang tu học, hành trì
hoặc hướng dẫn người khác tu học
theo giáo pháp của Phật. Họ nguyện cùng nhau làm kẻ đồng hành trên con đường của
hiểu biết, tình thương và cởi mở – tức là con đường giác ngộ. Đó là đoàn thể của
các vị Bồ-tát;
đoàn thể của những vị xuất gia;
đoàn thể của những người cư sĩ tại
gia.
Lại nữa, trong cái ý nghĩa là đoàn thể, TĂNG
cũng còn bao hàm cái ý nghĩa hòa
hợp – tức là mọi người
trong đoàn thể ấy phải cùng nhau
công nhận và tôn trọng những nguyên tắc
sống hòa hợp để ai ai cũng hưởng
được cái không khí hòa
thuận, thoải mái, an lạc. Có như thế
thì sự tu học và hoằng dương đạo
pháp mới có kết quả tốt đẹp.
Theo lịch sử thì sau khi chứng đắc đạo quả
giác ngộ, đức Phật Thích Ca
Mâu Ni đã đến vườn Nai (Lộc-uyển)
dạy bài pháp đầu tiên (chuyển
pháp luân) về đạo lí Bốn Sự Thật (tứ đế) để khai ngộ
cho năm người bạn đồng tu của
Ngài lúc trước. Năm vị này do
sa môn Kiều Trần Như lãnh đạo, đã được
Phật thâu nhận làm đệ
tử xuất gia đầu tiên và
làm thành tăng đoàn đầu tiên của Ngài.
Chính lúc đó mà Ba Ngôi Báu (Tam Bảo) lần đầu tiên xuất
hiện ở thế gian này.
Nhưng theo cái nhìn siêu lịch sử thì trong khoảng
không gian vô biên và thời gian vô tận,
không phải chỉ có một đức Phật
mà có vô lượng vô số đức
Phật; mỗi đức Phật lại
có đủ ba thân (pháp thân, báo thân,
hóa thân), cho nên số lượng chư Phật
trong mười phương không thể nào
dùng trí tưởng của con người mà
biết được. Đó là Ngôi Báu Thứ Nhất (Phật Bảo). Giáo
pháp của Phật cũng không phải chỉ
có Bốn Sự Thật, Mười Hai Nhân Duyên, hay Sáu Phép Qua Bờ (lục độ),
mà thật rộng lớn như biển cả
(pháp hải) – thường được diễn tả bằng
con số “tám vạn bốn ngàn pháp
môn” (nghĩa là rất nhiều pháp môn).
Không phải chỉ có đức Thích Ca
Mâu Ni nói ra giáo pháp ấy mà vô lượng
vô số Phật trong mười phương
cũng đều nói giáo pháp như vậy;
cho nên sự rộng lớn của Phật
pháp cũng không thể dùng trí tưởng
của con người mà biết được.
Đó là Ngôi Báu Thứ Hai (Pháp Bảo). Đoàn thể của những
người tu học, nguyện cùng nhau
làm kẻ đồng hành trên đường giác
ngộ cũng có rất nhiều:
đoàn thể của các chúng Bồ-tát, Duyên-giác, Thanh-văn, Tì-kheo, Tì-kheo-ni, Sa- di, Sa-di-ni, Cư-sĩ v.v... Một đức Phật làm
giáo chủ của một giáo hội gồm có
các chúng như vậy, thì vô lượng
vô số chư Phật trong mười
phương cũng vậy; cho nên số lượng
các tăng thân cũng không thể
nào dùng trí tưởng của con
người mà biết được. Đó là Ngôi Báu Thứ Ba (Tăng Bảo). Như vậy
thì sự hiện hữu của Ba
Ngôi Báu không phải chỉ hạn hẹp ở một
quốc độ, một thời kì, mà ở
khắp ba ngàn đại thiên thế giới,
trải khắp quá khứ, hiện tại,
vị lai; không chỗ nào, không thời nào
mà không có sự hiện hữu của Ba Ngôi Báu.
Thực ra thì sự phân biệt có ba ngôi báu
khác nhau như trên chỉ nói lên được sự
thật tương đối mà
thôi. Người tu học Phật pháp – nhất
là tu theo pháp môn thiền quán – cần
phải thường xuyên quán chiếu
để thấy rằng PHẬT, PHÁP, TĂNG
chỉ là một. Tất cả mọi loài đều
có khả năng giác ngộ (Phật
tính), vậy Phật và chúng sinh
(Tăng) là một. Phật pháp không thể tách rời
vũ trụ vạn hữu mà có.
Giác ngộ là giác ngộ cái chân lí của
vũ trụ vạn hữu. Nhưng người
giác ngộ và chân lí cũng
không thể tách rời nhau, vì cả hai
không phải là hai sự kiện độc lập với
nhau, mà chỉ là một. Cho nên có
Phật tức là có Pháp và Tăng;
có Pháp tức là có Phật và
Tăng; có Tăng thì cùng lúc cũng có Phật
và có Pháp. Kinh Niết Bàn nói: “Tất cả chúng sinh đều có Phật tính. Phật, Pháp và Tăng không có gì khác biệt”. Vậy thì Ba Ngôi Báu không phải tìm cầu ở nơi xa
xôi nào mà vốn đã có đầy đủ
trong tự thân của mỗi người.
Nhưng muốn thấy (thực chứng) được
điều đó, người tu học
phải thường xuyên sống trong
tỉnh thức và tinh cần trong công phu
thiền quán. Trong nếp sống quên lãng,
buông trôi sẽ không thấy được gì cả.
Dù sao thì hình tướng vẫn rất cần thiết
cho người mới nhập vào nếp sống
tu học. Hình tướng là phương
tiện dẫn dắt bước đầu để Phật
tử chúng ta đi dần vào nếp
sống tỉnh thức. Do đó, một niệm
Phật đường, một ngôi chùa, hay
một tu viện sẽ trở nên rất hữu
ích cho chúng ta; vì ở những nơi
đó luôn luôn có đầy đủ biểu tượng
của Ba Ngôi Báu: Phật được biểu hiện qua các ảnh,
tượng; Pháp được chứa đựng trong
ba tạng kinh điển, các sách báo,
câu đối, bích chương v.v...; và
Tăng là các chúng xuất gia và tại
gia đang tu học và thực hiện mọi
công tác Phật sự có ích lợi
cho chúng sinh.
BA NHÓM TỊNH
GIỚI (tam tụ tịnh giới)
Đây là giới pháp đại thừa của
hàng Bồ-tát.
1. Nhiếp luật
nghi giới (cũng gọi là tự
tánh giới). Đây là thuộc về phương diện “dứt ác” (chỉ ác), bao hàm tất cả các loại giới
luật nhằm ngăn chận và đoạn trừ tất cả tội lỗi, ác nghiệp. Tùy theo là tại gia
hay xuất gia mà thọ trì 5 giới, 10 giới, cụ túc giới v.v... Các loại giới luật
này là nhân làm cho pháp thân hiển lộ.
Pháp thân vốn tự thanh tịnh, nhưng lâu nay do bị ác nghiệp che lấp nên không hiển
lộ được; nay nhờ hành trì giới luật, đoạn lìa các ác nghiệp, thì công thành đức
hiện.
2. Nhiếp thiện
pháp giới. Đây là thuộc về phương
diện “làm
lành” (tu thiện), bao hàm tất cả giới hạnh của Bồ-tát đạo, tu tập mọi
nghiệp thiện về thân, ngữ, ý và hồi hướng về quả vị Vô-thượng Bồ-đề. Bồ-tát luôn
luôn chuyên cần tinh tấn, cúng dường Tam Bảo, tâm không buông lung, giữ gìn và
bảo hộ sáu căn, hành trì sáu pháp qua bờ; nếu lỡ vi phạm điều giới nào thì theo
đúng pháp chí thành sám hối, nuôi lớn căn lành. Các hạnh lành này cùng với các
hành vi “dứt ác” ở trên, là nhân duyên để làm nên báo thân Phật.
3. Nhiếp chúng
sinh giới (cũng gọi là nhiêu
ích hữu tình giới). Đây là về phương diện “làm lợi ích cho chúng sinh” (lợi
sinh) của Bồ-tát, đem lòng từ bi làm mọi việc đem lại lợi ích cho tất cả chúng
sinh, một cách bình đẳng, không phân biệt.
Ba nhóm tịnh giới trên đây,
hai giới xuất gia và tại gia phát tâm đại thừa, tu hạnh Bồ-tát, đều có thể thọ
trì; chỉ riêng về nhóm thứ nhất, nhiếp luật
nghi giới, chúng nào thì phải thọ loại giới luật căn bản (như 5 giới cho cư sĩ tại gia, cụ túc giới
cho tì kheo xuất gia v.v...) của chúng ấy trước khi cùng thọ trì chung ba
nhóm tịnh giới (chỉ ác, tu thiện, lợi sinh).
BA NỌC ĐỘC (tam độc)
Đây là ba loại
phiền não gốc rễ luôn luôn
đeo dính và thúc đẩy chúng
sinh tạo ra vô vàn tội lỗi, gây
đau khổ triền miên cho chính mình, cho
xã hội, và cho cả mọi loài. Bởi vậy,
người tu học xem chúng như là những
nọc độc nguy hiểm, chuyên tàn
phá căn thân huệ mạng mình, để
lúc nào cũng tỉnh giác, ngăn chận,
không để bị chúng lôi cuốn, sai
sử. Ba loại nọc độc đó là:
1. Tham: tâm tham muốn mọi thứ dục vọng.
2. Sân: tâm sân hận đối với những hoàn cảnh không thuận ý.
3. Si: tâm ngu muội do bị vô minh che phủ, không thấy rõ được
đâu là chánh, đâu là tà, điều gì là tốt, điều gì là xấu, thế nào là xây dựng,
thế nào là phá hoại v.v...
Ba loại phiền não trên, không
những là ba loại nọc độc, mà chúng còn làm nền tảng để sinh khởi mọi pháp bất
thiện, cho nên chúng cũng được gọi là “ba căn bất thiện” (tam bất thiện căn).
BA NƠI QUAY
VỀ NƯƠNG TỰA (tam qui - tam qui y)
Sở dĩ có sự quay
về là vì từ trước
chúng ta đã bị bao nhiêu
thứ mê hoặc làm cho sai đường, lạc lối.
Chúng ta đã quen nếp sống quên lãng,
tâm trí cứ luôn bị níu kéo về
những hình ảnh quá khứ hoặc
buông trôi theo những ảo tưởng
tương lai. Vì vậy, “quay về” có nghĩa
là ý thức phải được thắp
sáng, từ bỏ nếp sống buông
trôi, quên lãng, để sống trong tỉnh
thức, nhìn rõ chân lí của thực tại vạn
hữu. Muốn quay về thì phải
có chỗ để quay về; và cái chỗ để
quay về đó cũng đồng thời là
nơi cho chúng ta nương tựa để sống.
Có ba căn cứ vô cùng vững
chắc để cho chúng ta quay về và nương tựa: đó là Ba Ngôi Báu (Tam Bảo) vừa được trình bày ở
trên.
1. Quay về
nương tựa Phật, người đưa đường
chỉ lối cho chúng ta trong cuộc đời.
2. Quay về
nương tựa Pháp, con đường của
tình thương và sự hiểu biết.
3. Quay về
nương tựa Tăng, đoàn thể của những
người nguyện sống cuộc đời tỉnh thức.
Nhưng, như trong mục “Ba Ngôi Báu” ở trên đã nói, Phật - Pháp
- Tăng vốn có đầy đủ nơi tự thân của mỗi người, vì vậy, quay về và nương tựa ở
đây không có gì khác hơn là quay về và nương tựa nơi chính tự tính giác ngộ của
chúng ta.
BA PHÉP QUÁN
(tam quán)
(Xin xem mục “Một Tâm Ba Phép Quán” ở trước.)
BA PHÉP TAM
MUỘI (tam tam muội)
Chữ “tam muội” nghĩa là “định”.
Ba chân lí không, vô tướng, vô nguyện do tu tập thiền định mà đạt được, nên gọi
là “ba phép tam muội”. Đó cũng là ba cánh cửa đưa hành giả vào cảnh giới giải thoát,
an lạc, tự tại, nên cũng được gọi là ba cửa giải thoát (tam giải thoát môn – xin
xem lại mục “Ba Cửa Giải Thoát” ở trên).
BA TẠNG (tam tạng)
Chữ “tạng” nghĩa là cái kho chứa; ở đây có ý nói là cái kho chứa giữ tất
cả giáo pháp cần phải biết – tức thâu gồm tất cả thánh điển của Phật giáo. Tất
cả thánh điển này được chia làm ba loại, mỗi loại là một cái kho; có ba cái
kho, cho nên gọi là “ba tạng”: đó là
tạng Kinh, tạng Luật và tạng Luận.
1. Tạng KINH
(Tu-đa-la tạng): bao gồm tất cả yếu
nghĩa giáo thuyết của đức Phật. Kinh,
nói đủ là “Khế Kinh”. Chữ “khế”
nghĩa là phù hợp, khế hợp. Tất cả những lời dạy của đức Phật vừa khế hợp với
chân lí của vũ trụ (khế lí), vừa khế
hợp với từng loại căn cơ của chúng sinh (khế
cơ), cho nên gọi là “Khế Kinh” –
nói tắt là “Kinh”.
2. Tạng LUẬT
(Tì-nại-da tạng): bao gồm tất cả
những qui điều, phép tắc sinh hoạt áp dụng cho toàn thể giáo đoàn (xuất gia lẫn
tại gia), do đức Phật chế định. Ý nghĩa của chữ “luật” là điều phục. Tất cả những luật nghi do đức Phật chế định có
thể đối trị những ác nghiệp của chúng sinh, điều phục tâm tính của chúng sinh,
cho nên gọi là “Luật”.
3. Tạng LUẬN
(A-tì-đạt-ma tạng): bao gồm tất cả
những lời bàn luận, lí giải, làm cho tỏ rõ ý nghĩa kinh điển, xác minh tánh tướng
của vạn pháp. Từ những giáo thuyết nguyên thỉ của đức Phật, các vị Bồ-tát và
các bậc Thánh tăng dùng trí tuệ thù thắng của mình để giải thích, nghị luận,
phân tích, hệ thống hóa, làm tỏ rõ ý tứ cô đọng trong Kinh Luật, làm nổi bật
các yếu nghĩa, giải đáp các nghi hoặc, v.v... đều gọi là “Luận”.
Nói đến “Ba Tạng” là nói đến phần
nội dung của giáo điển; nhưng muốn nói đến sự tu tập để tiến đến giác ngộ giải
thoát thì phải nói đến “Ba Pháp Học” (Tam Học hay Tam Vô Lậu Học) là Giới, Định và Tuệ. Nếu
xét kĩ, chúng ta sẽ thấy rõ, tự thân ba tạng Kinh Luật Luận đã nói lên đầy đủ cả
lí (lí thuyết) và sự (thực hành) của ba pháp học Giới Định
Tuệ. Tất cả những gì Phật dạy trong KINH đều nhằm để nhiếp niệm, an tâm, định
ý, cho nên KINH tạng chính là cái kho bảo vật của ĐỊNH học. Tất cả những luật
nghi do Phật chế định đều nhằm phòng hộ thân miệng ý, ngăn ngừa các hành động tội
lỗi, cho nên LUẬT tạng chính là cái kho bảo vật của GIỚI học. Tất cả những
minh giải, biện luận, phân tích, giải hoặc, v.v... đối với kinh điển, đều nhằm
phát triển trí tuệ đến chỗ siêu việt để thành tựu đạo quả giác ngộ, cho nên LUẬN
tạng chính là cái kho bảo vật của TUỆ học. Như vậy là Kinh tạng thông với Định học; Luật tạng
thông với Giới học; và Luận tạng thông với Tuệ học. Nhưng đó chỉ là cái
nhìn giới hạn, thực ra, với cái nhìn thấu đáo, thì trong tạng Kinh không những
chứa đựng đầy đủ tinh yếu của Định học, mà còn chứa đựng tất cả những yếu nghĩa
của Giới và Tuệ học. Cho nên có thể nói, Kinh tạng đã bao hàm cả ba pháp học Giới,
Định và Tuệ; trong khi đó, Luật tạng bao hàm cả Giới và Định học, còn Luận tạng
thì chỉ bao hàm Tuệ học mà thôi.
Các vị cao tăng tinh thông cả
ba tạng Kinh Luật Luận thì được tôn xưng là “tam tạng pháp sư”. Tôn
hiệu này vốn đã được Phật giáo Ấn-độ dùng từ lâu, để chỉ cho những vị cao tăng
thông hiểu cả ba tạng và thuyết giảng cho đồ chúng. Phật giáo Trung-quốc dùng
tôn hiệu ấy để chuyên gọi các vị cao tăng tinh thông ba tạng và tùng sự phiên dịch
Kinh Luật Luận từ Phạn văn ra Hán văn. Đặc biệt, chỉ một mình pháp sư Huyền
Trang ở đời Đường đã được người đời gọi là “Đường Tam Tạng” (tức là chỉ có tên triều đại ghép với từ “tam tạng”, là thành tên ngài Huyền Trang). Ngoài ra, những vị
cao tăng chỉ chuyên về Kinh tạng thì gọi là “kinh
sư”; chỉ chuyên về Luật tạng thì gọi là “luật
sư”; chỉ chuyên về Luận tạng thì gọi là “luận
sư”.
Ba tạng Kinh Luật Luận được
hình thành sơ khởi trong kì kết tập kinh điển lần thứ nhất, 3 tháng sau ngày Phật
nhập diệt. Bởi vậy, ở buổi đầu, nói đến “Ba
Tạng” là nói đến thánh điển của Phật giáo Nguyên thỉ và Phật giáo Bộ phái,
cũng tức là “ba tạng giáo” của tiểu thừa.
Về sau, khi Phật giáo đại thừa phát triển, thì Ba Tạng được phân làm hai loại: Ba Tạng hạ thừa (Thanh-văn thừa) và Ba Tạng thượng thừa (Bồ-tát thừa) – hợp
tất cả lại thành ra “Sáu Tạng”. Ngày nay, Ba Tạng hiện lưu hành gồm có hai hệ: 1) Tạng
Bắc-truyền, điển hình là Hán Tạng, bao gồm tất cả các Kinh, Luật và Luận
của đại thừa lẫn tiểu thừa, và được gọi là “Đại Tạng Kinh”; 2) Tạng
Nam-truyền, điển hình là Tạng Ba-li, chỉ gồm có Kinh, Luật và Luận của
tiểu thừa.
Lại nữa, từ “Ba Tạng”
cũng còn được dùng để chỉ cho ba loại giáo pháp Phật nói cho ba thừa: thừa
Thanh-văn thì có tạng Thanh-văn (Thanh Văn
Tạng); thừa Duyên-giác thì có tạng
Duyên-giác (Duyên Giác Tạng); và thừa Bồ-tát thì có tạng Bồ-tát (Bồ Tát Tạng). Nhưng thông thường, hễ nói tới “Ba Tạng” thì ai cũng hiểu đó là ba tạng
Kinh, Luật và Luận, gồm thâu tất cả giáo điển đạo Phật. Ngoài ba tạng đó ra, Đại
Chúng bộ còn thêm Tạp-tập tạng, làm
thành bốn tạng; Độc Tử bộ thì thêm Cấm-chú tạng, cũng làm thành bốn tạng; Pháp Tạng bộ thêm Cấm-chú tạng và Bồ-tát tạng để lập nên năm tạng; Nhất Thuyết bộ lại thêm Tạp-tập tạng và Cấm-chú tạng, luận Thành
Thật thì thêm Tạp-tập tạng và Bồ-tát tạng,
kinh Lục Ba La Mật thêm Bát-nhã ba-la-mật
tạng và Đà-la-ni tạng, cũng đều lập nên năm tạng.
BA THÂN (tam thân)
Tất cả chư Phật đều có đầy đủ
3 thân:
1. Pháp
thân: thân chân thật, thường trú, không
biến đổi, không bị giới hạn bởi
không-thời-gian, không thể nắm bắt được
bằng tri thức và khái niệm,
không bị sinh lão bệnh tử chi phối.
Pháp thân cũng tức là chân
như, là pháp tính, là bản thể. Theo
truyền sử thì liền sau khi thành đạo và trước
khi rời gốc cây bồ đề,
đức Thích Ca Mâu Ni, với chính pháp thân này, đã cùng với
chư vị Đại Bồ-tát đã chứng
giải thoát môn, tuyên thuyết
kinh Hoa Nghiêm.
Tông Pháp Tướng còn gọi pháp
thân Phật là thân tự tính.
2. Báo thân: hiện thân chúng sinh của Phật. Thân này giả hợp, vô
thường, bị sinh lão bệnh tử chi phối như bao nhiêu thân chúng sinh khác. Đó là
cái nhục thân của đức Thích Ca Mâu Ni từ khi nhập thai và sinh ra là thái tử Tất
Đạt Đa ở thành Ca-tì-la-vệ, có 32 tướng tốt và 80 vẻ đẹp; lớn lên lập gia đình,
xuất gia tu khổ hạnh; rồi thành đạo, thuyết pháp độ sinh; và cuối cùng nhập diệt
tại thành Câu-thi-na.
Tông Pháp Tướng còn gọi báo
thân Phật là thân thọ dụng.
3. Hóa
thân: cũng gọi là ứng thân hay ứng hóa thân, là thân hóa hiện của
đức Phật. Do tâm nguyện cứu
độ chúng sinh một cách bình đẳng
và bao la, chư Phật thường tùy duyên
mà ứng hiện làm nhiều loại thân
khác nhau của các loài chúng sinh khác
nhau để dễ dàng hóa độ. Kinh Hoa Nghiêm (phẩm 33) nói: “Khắp cả hư không, ở mỗi một chỗ bằng đầu sợi lông đều có vô lượngvô số cõi Phật; ở mỗi một cõi Phật như vậy, trong mỗi một niệm, Phật ứng hiện vô số hóa thân nhiều như bụi để chuyển pháp luân...”.
Tông Pháp Tướng còn gọi hóa
thân Phật là thân biến hóa.
BA THỨ KHÔNG
THỂ HẾT (tam bất khả tận)
1. Kinh pháp
không thể hết (kinh pháp bất khả tận). Kinh pháp do đức Như Lai nói ra là tùy theo căn cơ không đồng đều của
chúng sinh, hoặc nói sâu rộng, hoặc nói giản lược; tuy dùng một âm thanh diễn nói
mà phổ biến cả mười phương, cho nên nói là “kinh
pháp không thể hết”.
2. Ý nghĩa của
văn tự không thể hết (văn tự chi nghĩa bất khả tận). Kinh giáo do đức Như Lai nói ra, nghĩa lí thâm diệu,
rộng khắp mười phương, dài suốt ba đời; lớn thì không có cái gì là không bao trùm,
nhỏ thì không vật mảy may nào bị sót lọt; nếu là kẻ căn cơ thấp kém, trí biết cạn
cợt, thì không thể nào nhìn thấy chỗ áo diệu ấy được, cho nên nói là “ý nghĩa của văn tự không thể hết”.
3. Lời giáo huấn
không thể hết (sở tuyên huấn hối bất khả tận). Những lời dạy bảo của đức Như Lai nói cho chúng sinh,
hoặc pháp môn đại thừa, hoặc pháp môn tiểu thừa, tùy từng giống loài mà hiện hành
để giáo hóa cùng khắp, làm lợi ích vô lượng, cho nên nói là “lời giáo huấn không thể hết”.
BA TÍNH (tam tánh)
Tính chất của nhận thức gồm
có 3 loại:
1. Tính thiện
(thiện): những nhận thức chân
chính khiến tạo ra các nghiệp nhân tốt, phù hợp với chân lí, có công năng dẫn tới
giác ngộ và giải thoát.
2. Tính ác
(ác): những nhận thức sai lạc khiến
tạo nên các nghiệp nhân xấu, có công năng dẫn tới vô minh và sinh tử luân hồi.
3. Tính vô kí
(vô kí): những nhận thức không
thiện mà cũng không ác, không có công năng dẫn tới giải thoát hay sinh tử luân
hồi.
Không những chỉ có nhận thức,
mà tất cả mọi lời nói, cử chỉ và hành động – nói chung là ba nghiệp – của con người cũng đều thể hiện tính chất
của một trong ba tính ấy.
Vấn đề “tiêu chuẩn thiện ác” thật rất quan trọng đối với việc tu học. Chúng ta có thể đọc thêm sách Đạo Phật
Ngày Nay (Chương X) của Nhất Hạnh để có
được một hiểu biết rõ ràng, cụ thể và chính xác về vấn đề này.
BA TỊNH NGHIỆP
(tam chủng tịnh nghiệp)
Từ “tịnh nghiệp” ở đây có nghĩa là những hành động làm nguyên nhân để được
sinh về cõi Tịnh-độ. Theo kinh Quán Vô Lượng
Thọ, người tu học Phật muốn được vãng sinh về cõi Cực-lạc của đức Phật A Di
Đà, ngoài công phu niệm Phật, phải thường xuyên tu tập ba nghiệp sau đây:
1. Hiếu kính
và phụng dưỡng cha mẹ, phụng sự các bậc sư trưởng, nuôi lớn tâm từ bi không giết
hại chúng sinh, tu tập 10 nghiệp lành thập thiện nghiệp.
2. Thọ trì
“tam qui”, giữ gìn trọn vẹn giới luật, oai nghi tề chỉnh đoan trang.
3. Phát tâm
bồ đề, tin sâu sắc lí nhân quả, đọc tụng kinh điển đại thừa, khuyến khích người
khác tu hành tinh tấn.
BA TRÍ (tam trí)
Ba trí tức là ba trình độ của trí tuệ. Có nhiều danh số về “ba trí”:
A. Theo luận Đại Trí Độ, ba trí gồm có:
1. Nhất thiết
trí: Trí tuệ của các hàng
Thanh-văn và Duyên-giác, thấy rõ tổng tướng của tất cả các pháp là không, vô
thường, vô ngã.
2. Đạo chủng
trí: Trí tuệ của
hàng Bồ-tát, thấy rõ biệt tướng của tất cả các pháp, mỗi mỗi đều có tính chất đặc
thù khác nhau.
3. Nhất thiết
chủng trí: Trí tuệ trọn vẹn của
Phật, thông đạt cả thông tướng lẫn biệt tướng.
Tông Thiên Thai thì cho rằng,
ba trí trên là do ba phép quán không, giả
và trung mà có; tức là: nhất thiết
trí là do không quán mà có, đạo chủng
trí là do giả quán mà có, và nhất
thiết chủng trí là do trung quán mà có. Tông này lại y
theo ý nghĩa của ba phép quán không, giả, trung mà lập ra hai loại “ba trí” khác nhau: 1) Ba trí biệt tướng: Các vị Bồ-tát theo thứ tự tu tập ba phép quán
riêng biệt để thành tựu nhất thiết trí, đạo chủng trí và nhất thiết chủng trí,
thấy rõ Phật tánh, thường trú trong cảnh giới niết bàn. 2) Ba trí nhất tâm: Không theo thứ tự như trên, mà dung thông ba
chân lí vào một cảnh, chỉ trong một niệm mà có đủ ba phép quán, cho nên cũng chỉ
trong một niệm mà chứng đắc cả ba trí, không có thứ tự trước sau.
B. Ba trí cũng là thanh tịnh trí, nhất thiết trí và vô
ngại trí.
1. Thanh tịnh
trí là trí tuệ tuyệt đối của chư
Phật, do quán chiếu chân lí tuyệt đối, đoạn trừ tất cả các tập khí phiền não,
giải thoát mọi thứ chướng ngại, hoàn toàn không còn ô nhiễm.
2. Nhất thiết
trí là trí tuệ theo thế tục của
chư Phật, biết rõ tất cả pháp tướng, như: tất cả thời, tất cả cõi, tất cả sự việc,
tất cả chủng loại.
3. Vô ngại trí cũng là trí tuệ theo thế tục của chư Phật, tức là, đối
với bốn loại “tất cả pháp tướng” (thời, cõi, sự việc, chủng loại) ở trên, hễ khởi
niệm là biết rõ ngay, không nhờ phương tiện, không cần suy nghĩ, không có gì
làm trở ngại được.
Cả ba loại trí tuệ trên đều thuộc về nhất thiết chủng trí.
C. Ba trí cũng là thế gian trí, xuất thế gian trí và
xuất thế gian thượng thượng trí.
1. Thế gian trí là trí tuệ của phàm phu và ngoại đạo, đối với vạn
pháp luôn luôn khởi niệm phân biệt, chấp có chấp không, cho nên không thể nào
giải thoát khỏi thế gian.
2. Xuất thế
gian trí là trí tuệ của hàng
Thanh-văn và Duyên-giác, do tu tập bốn sự thật và mười hai nhân duyên mà thoát
li thế gian, nhưng vì còn đắm vào tướng chung mọi người và tướng riêng mình,
nên còn thấy có sinh tử để chán ghét và có niết bàn để mong cầu.
3. Xuất thế
gian thượng thượng trí là trí tuệ
của chư Phật và Bồ-tát lớn, thấy rõ vạn pháp là tịch tịnh, không sinh không diệt,
vượt hẳn các hàng Thanh-văn và Duyên-giác.
D. Ba trí cũng là ngoại trí, nội trí và chân trí.
1. Ngoại trí là trí tuệ phân biệt rõ ràng sáu căn sáu trần, thông
suốt cổ kim, rành rẽ việc đời.
2. Nội trí là trí tuệ diệt trừ phiền não vô minh, làm cho tâm ý
được vắng lặng.
3. Chân trí là trí tuệ thấy rõ thể tính vốn vắng lặng của vạn vật,
không còn phân biệt có dơ có sạch.
Đ. Ba trí cũng là hạ trí, trung trí và thượng trí.
1. Hạ trí là trí tuệ có thể chứng đắc giác ngộ của hàng Thanh-văn.
2. Trung trí là trí tuệ có thể chứng đắc giác ngộ của hàng
Duyên-giác.
3. Thượng trí là trí tuệ có thể chứng đắc giác ngộ của hàng Bồ-tát
và chư Phật.
BA TRƯỜNG HỢP KHÔNG THỂ THỰC HIỆN (tam bất năng)
Trong
công cuộc hoằng pháp độ sinh, có ba trường hợp mà ngay cả đức Phật cũng không
thể thực hiện được tâm nguyện của mình:
1. Không thể cải
biến định nghiệp (bất năng miễn định nghiệp). Phật là bậc đầy đủ trí tuệ, hoàn toàn không còn tâm
chấp trước đối với tất cả mọi hiện tượng; tuy vậy, đối với kết quả chiêu cảm bởi
các định nghiệp thiện ác, Ngài cũng không có cách gì có thể chuyển đổi làm cho
khác đi được.
2. Không thể độ
kẻ vô duyên (bất năng độ vô duyên).
Đức Phật biết rõ căn tánh của tất cả chúng sinh, biết rõ mọi sự vật vô cùng tận,
hóa độ khắp chúng sinh; tuy vậy, đối với các chúng sinh không có cơ duyên, Ngài
cũng không có cách gì hóa độ được.
3.
Không thể làm cho hết thế giới chúng sinh (bất năng tận sinh giới). Tuy đức Phật có thể cứu độ tất cả chúng sinh ở thế
gian, nhưng thế giới của chúng sinh thì vô tận, Ngài không thể làm cho hết chúng
sinh được.
BA TUỆ (tam tuệ)
1. Trí tuệ do
nghe mà có (văn tuệ). Người tu học
Phật, do được nghe giáo pháp từ ba tạng thánh điển, hoặc từ các bậc thiện hữu
tri thức, mà phát sinh trí tuệ vô lậu. Đặc biệt, đây là trường hợp thành tựu của
các hành giả Thanh-văn thừa.
2. Trí tuệ do
suy tư về những điều nghe thấy mà có (tư tuệ). Người tu học Phật, do suy tư về những đạo lí đã được
nghe, hoặc được thấy, mà phát sinh trí tuệ vô lậu. Đặc biệt, đây là trường hợp
thành tựu của các hành giả Duyên-giác thừa.
3. Trí tuệ do
tu tập mà có (tu tuệ). Người tu học
Phật, do tinh cần tu tập mà phát sinh trí tuệ vô lậu. Đặc biệt, đây là trường hợp
thành tựu của các hành giả Bồ-tát thừa.
Thật ra, ba loại trí tuệ trên
đây là một toàn bộ của quá trình đoạn diệt
phiền não chứng đắc niết bàn. Văn tuệ
là nhân. Chúng sinh nếu chuyên cần thọ trì đọc tụng, nghiên cứu và quảng bá
kinh điển, thì chắc chắn trí tuệ sẽ phát sinh; y nơi văn tuệ này mà phát sinh tư tuệ;
y nơi tư tuệ này mà phát sinh tu tuệ. Quá trình này cũng giống như
một cái cây, do từ hạt giống mà nẩy sinh ra mầm; do mầm mà sinh ra thân cây; từ
thân cây mà sinh ra cành lá hoa trái. Xét về
tác dụng, thì văn tuệ và tư tuệ chỉ đóng vai trò làm trợ duyên để cho tu tuệ phát sinh; chính tu tuệ mới có đầy đủ khả
năng đoạn diệt phiền não và chứng đắc niết bàn.
BA TỰ TÍNH (tam tự tính)
“Tự tính” của thực tại (vạn pháp) tức là bản chất, chân tướng của
thực tại. Tự tính đó là đối
tượng của nhận thức. Vì
không sáng suốt, không tỉnh thức, chúng
ta luôn luôn có những nhận thức
sai lạc về thực tại. Cho nên
người tu học Phật cần phải quán chiếu
thường xuyên nhằm “điều chỉnh” nhận
thức để có được một cái thấy
đúng đắn, cái thấy giác ngộ về
chân tướng của thực tại. Khi
nghiên cứu về chân tướng của thực tại,
các nhà duy thức học đã
phân tích có ba tự tính như
sau:
1. Tự
tính biến kế sở chấp. Tự tính
này vạn pháp vốn không tự có, nhưng chính vì sự sai lầm của nhận thức mà thực tại phải
mang lấy cái tự tính đó. Tại vì
chúng ta quan niệm vạn pháp có sinh, có
diệt, có thành, có bại, có thêm, có bớt,
có dơ, có sạch, cái này
khác cái kia, cái kia không phải cái
này, cái kia tốt, cái nọ xấu
v.v..., cho nên vạn pháp mới phải mang lấy
những tính chất như vậy. Khi ta
đang buồn thì ta nhìn cảnh vật cũng thấy buồn;
cảnh vật buồn không phải là vì nó vốn
có bản chất buồn, mà chính
là vì nó phải mang lấy cái tâm trạng
buồn của ta lúc ấy. Bởi vậy, khi
còn bị vô minh che phủ, bản chất của
nhận thức về thực tại của ta vốn
là biến kế chấp (tức là vọng tưởng
phân biệt), đã tạo ra cho
thực tại những tính chất mà chúng
không tự có. Cái tự tính của vạn
pháp vốn do nhận thức ngu muội của
chúng ta tạo ra cho chúng đó, các nhà
duy thức học gọi là tự tính biến
kế sở chấp.
2. Tự
tính y tha khởi. “Y tha khởi” tức là
nương vào cái khác
mà có. Đây mới là tự tính của
thực tại. Tự tính này
phát hiện được là do công
trình tu học và quán chiếu lâu dài về các
tính chất vô thường, vô ngã và
nhân duyên của vạn pháp nhằm “điều
chỉnh” những nhận thức sai lạc
(biến kế chấp) của chúng ta.
Theo tự tính này thì mọi sự vật đều
nhờ nhau và nương nhau mà
sinh thành, tồn tại và hủy diệt. Không có
hiện tượng nào hiện hữu độc lập
với những hiện tượng
khác. Kinh A Hàm nói: “Cái này có thì cái kia có; cái này không thì cái kia không; cái này sinh thì cái kia sinh; cái này diệt thì cái kia diệt.” Nếu chúng
ta quán chiếu và thấy được tự tính y tha khởi này của sự vật,
thì chúng ta đã có khả năng chuyển
hóa vô minh thành tuệ giác.
3. Tự
tính viên thành thật. “Viên thành thật”
là tính chất viên mãn, thành
tựu và chân thật của vạn hữu.
Đó chính là bản thân, thể tính,
hay chân tướng của thực tại; cũng
được gọi là pháp tính hay
chân như. Tự tính viên thành thật
ngược lại với tự tính biến kế sở chấp – vì nó không
do tâm ý tạo tác ra, cho nên nó đích thực
là tự tính của vạn pháp,
trong đó không có sinh diệt, không có
thành bại, không có thêm bớt, không
có dơ sạch v.v... Bản thân (hay
thể tính) của vạn hữu không thể nhận
thức bằng khái niệm, không thể diễn tả
bằng ngôn từ. Vạn pháp hiện
hữu như thế đó, trong cách thức
của chúng, không qua trung gian nhận
thức phân biệt. Chỉ khi nào quán chiếu
và thấy được tự tính y tha
khởi của thực tại thì người
tu học mới diệt trừ được mọi
sai lạc của nhận thức (biến kế chấp)
về thực tại, và lúc đó
tự tính viên thành thật của
thực tại mới hoàn toàn hiển
lộ.
BA VẦNG (tam luân)
“Ba vầng” là
ba thành phần làm nên một toàn bộ của một hạnh tu. Từ này được đặc biệt dùng
cho sáu pháp qua bờ (lục độ). Ba vầng
của pháp bố thí là người cho, người
thọ nhận, và vật đem cho; của pháp trì
giới là người giữ giới, giới được giữ, và sự phạm hay không phạm giới; của
pháp nhẫn nhục là người chịu nhẫn, đối
tượng phải chịu nhẫn, và sự động hay không động tâm; của pháp tinh tấn là người tinh tấn, đối tượng cần
tinh tấn để đạt đến, và tính siêng năng hay lười biếng; của pháp thiền định là người thiền định, cảnh giới
của thiền định, và sự có hoặc không có thiền vị; của pháp trí tuệ là người có trí tuệ, bản tánh của vạn pháp, và tướng trạng
của vạn pháp.
BA VẦNG THANH
TỊNH (tam luân thanh tịnh)
Khi tu tập sáu pháp qua bờ, dù ở bất cứ pháp nào,
hành giả chỉ biết một mực tu tập mà không để tâm chấp trước vào ba vầng, không mong cầu phước báo hữu lậu,
gọi là ba vầng thanh tịnh. Ví dụ, khi tu hạnh bố thí, hành giả nên bố thí một cách vô tâm, không để ý rằng mình
chính là người bố thí, người kia là người thọ nhận vật bố thí của mình, và của cải (nhiều ít, tốt xấu v.v...) này
chính là do mình đem cho người. Nếu để ý tới mình là người đem cho thì sinh
lòng tự đắc; để ý tới người thọ nhận thì sinh lòng thương hại hoặc khinh mạn; để
ý đến của cải đem cho thì sinh tâm phân biệt, so đo, đôi khi còn hối tiếc, và
như thế tức là tâm đã bị nhiễm ô; ngay cả khi bố thí một cách vô tâm mà lại mong
cầu mai sau sẽ được phước, được đền ơn, được gặp quả báo tốt, v.v... thì tâm vẫn
bị nhiễm ô, gọi là “ba vầng không thanh tịnh” (tam luân bất tịnh), chẳng được phước
báo gì, hoặc chỉ được chút ít phước báo hữu lậu ở thế gian mà thôi. Hành giả thực
hiện hạnh bố thí với tâm hoàn toàn vô tư như trên, thể hội tánh tướng của ba vầng
đều không, không vướng mắc cũng không mong cầu, gọi là “ba vầng thanh tịnh”; đó
chính là bố thí ba la mật (hay bố
thí độ).
BA VIÊN NGỌC
QUÍ (Tam Bảo)
Ba Viên Ngọc Quí cũng tức là
Ba Ngôi Báu (xin xem mục “BaNgôi Báu” ở trước).
BA VÔ TÍNH (tam vô tính)
Tuy tự tính y
tha khởi có thể giúp phá vỡ
được tính cách “biến kế sở
chấp” của sự vật, nhưng
dù sao thì nó vẫn chỉ được xem là một
phương tiện, vì vẫn còn là một
khái niệm về sự vật, và cuối
cùng cũng phải bị quét sạch thì
chân tướng của thực tại mới
hoàn toàn được hiển lộ. Vì lí
do đó, sau khi thuyết minh “ba tự tính” của
đối tượng nhận thức,
Duy Thức Học lại thành lập thuyết
“ba vô tính” nhằm triệt tiêu
hết mọi khái niệm:
1. Tướng vô
tính. Tuy biến kế sở chấp là tự tính của thực tại nhưng đó cũng chỉ là một
khái niệm về sự vật mà thôi, không phải đích thực là chân tướng của thực tại. Thực tại là thực tại, không phải là biến kế
sở chấp, cũng không phải là không biến kế sở chấp.
2. Sinh vô tính (hay vô tự nhiên tính). Y tha khởi là tự tính của thực tại,
nhưng đó cũng chỉ là một khái niệm về sự vật. Sự vật là nhân duyên sinh (y tha
khởi), và nhân duyên sinh không có thực
tính. Bởi vậy, thực tại là thực tại,
không phải là y tha khởi, cũng không phải là không y tha khởi.
3. Thắng nghĩa
vô tính (hay pháp vô tính). “Thắng nghĩa” có nghĩa là tuyệt đối, là
tên gọi khác của tự tính viên thành thật.
Viên thành thật cũng tức là chân như, là thực tính của vạn pháp. Dù vậy, cuối
cùng thì khái niệm này cũng phải được lìa bỏ; vì với tuệ giác vô niệm, thực tại là thực tại, không phải là viên
thành thật, cũng không phải là không viên thành thật.
Như vậy, “vô
tính” mới chính thực là “tự tính”, và thực tại trong trường hợp này chỉ
hiển lộ dưới tuệ giác vô niệm, vì với
bất cứ một khái niệm nào – dù đó là khái niệm “viên thành thật” – thực tại cũng
chỉ là một mảnh cắt xén (biến kế) của vọng tưởng phân biệt, của tà kiến.
Nhận xét
Đăng nhận xét