Những Điều Cần Biết Hộ Niệm Vãng Sanh Tây Phương
Nguyện tôi đến lúc xắp mạng chung
Trừ hết tất cả các chướng ngại
Chính mắt gặp Phật A Di Đà
Liền được vãng sanh cõi An Lạc
II. Đại sư Ấn Quang nói:
Thành tựu cho một chúng sanh vãng sanh tây phương, tức là thành tựu cho một chúng sanh làm Phật, cái công đức này không thể nghĩ bàn.
III. Ba yếu tố thành công của sự hộ niệm:
- Bản thân của người vãng sanh phải hội đủ Tam Tư Lương (ba điều kiện) Tín Hạnh Nguyện, lúc bình thường phải dặn dò gia quyết chú ý những điều cần biết khi vãng sanh, Đại Sư Ngẫu Ích dạy: Có được vãng sanh toàn do tín nguyện có hay không, phẩm vị cao hay thấp đều do trì danh sâu hay cạn.
- Con cái quyến thuộc phải phát đại hiếu tâm và từ bi ân huệ tâm, tuân theo lời Phật dạy như pháp hộ trì cha mẹ thân nhân vãng sanh tây phương, thì gọi là: Tự thoát khỏi trần lao, mới có thể thành tựu.
- Các liên hữu chân thành hết lòng hộ niệm, thành tựu cho người khác vãng sanh, sẽ được quả báo người khác thành tựu cho mình vãng sanh. Tổ Ấn Quang nói: Khuyên bảo mọi người nên tu tịnh nghiệp, nguyện cho chúng sanh đó là bổn nguyện của Phật.
- Nếu có thể y theo ba yếu tố như pháp hộ trì trợ niệm, thì nhất định vạn người tu vạn người đi, thành tựu cho chúng sanh vãng sanh tây phương, viên thành Phật đạo, công đức không thể nghĩ bàn. Nếu vãng sanh có chướng ngại, thì phải chân thành cầu Phật gia trì, bài trừ chướng ngại, thành tựu vãng sanh đại sự.
IV. Đại Sư Ấn Quang khai thị ba điều lúc lâm chung:
Điều thứ nhất: Phải khéo khai thị an ủi, khiến cho bịnh nhân sắp mất sanh lòng chánh tín. Tha thiết khuyên bịnh nhân, buông bỏ tất cả, nhất tâm niệm Phật, nếu có dặn dò việc gì, bảo họ mau dặn dò, dặn dò xong, bảo họ không nên lo nghĩ chuyện khác, chỉ nghĩ đến ta sắp theo Phật sanh về cõi Cực Lạc, nhất tâm chí thành niệm Phật, nhất định cảm được lòng từ bi của Phật, Ngài đích thân đến tiếp dẫn, liền được vãng sanh.
Điều thứ hai: Mọi người luân phiên niệm Phật, để hộ trì tịnh niệm cho bịnh nhân. Tâm lực của bịnh nhân yếu ớt, không thể liên tục niệm lâu dài, ngay trong lúc này phải nhờ người khác hộ niệm, mới được đắc lực. Nên biết rằng: Những người chịu giúp bịnh nhân tịnh niệm vãng sanh, cũng được quả báo người khác hộ niệm cho mình, đừng nói là chỉ vì cha mẹ mới hộ niệm như vậy, cho dù là người không quen biết cũng phải giúp họ hộ niệm, cũng là bồi dưỡng phước điền của mình, giúp cho một người thành tựu vãng sanh tịnh độ, tức là giúp cho một người thành tựu làm Phật, hộ niệm nên chia thành từng nhóm luân phiên niệm Phật, pháp khí chỉ dùng một cái khánh, niệm Phật không mau không chậm, từng chữ rõ ràng.
Điều thứ ba: Tuyệt đối không nên dời động hay khóc lóc, e sợ làm hỏng việc. Bịnh nhân lúc sắp phân chia Phàm, Thánh, Người, Quỷ, lúc đó chỉ niệm Phật cho thần thức của họ, không nên lau mình, thay quần áo, dời động, khóc lóc, để cho họ tự nhiên ngồi nằm, vì vậy có thuyết rằng: Đỉnh nóng sanh cõi Phật, nơi mắt sanh cõi trời, ngực nóng sanh cõi người, bụng nóng sanh ngạ quỷ, đầu gối đọa súc sanh, bàn chân xuống địa ngục. Lúc này mọi người nên khẩn thiết mà niệm Phật, không nên thăm dò hơi nóng của người lúc lâm chung, họ quyết định đới nghiệp vãng sanh. Trong khổ thơ có nói:
Ta thấy người khác chết, tâm ta nóng như lửa,
Không phải nóng người khác, sẽ đến lượt ta đây.
V. Đại Sư Hoằng Nhất khai thị cho người sắp mất:
- Bịnh chưa nặng – có thể tiếp tục uống thuốc, nhưng phải niệm Phật, không nên nghĩ rằng uống thuốc sẽ lành bịnh.
- Lúc bịnh nặng – phải buông bỏ hết tất cả, nhất tâm niệm Phật cầu sanh Tây Phương (nếu thọ mạng chưa hết, thì sẽ mau lành bịnh), nếu cảm thấy đau đớn, cũng không nên sanh lòng kinh hoảng, mà nghĩ rằng ta đang trả nghiệp, lúc tâm trí còn sáng suốt, phải thỉnh thiện tri thức đến thuyết pháp, khiến cho sanh lòng hoan hỷ.
- Lúc lâm chung – không nên hỏi di chúc, không nên trò chuyện. Nếu bịnh nhân muốn lau mình, thay quần áo, thì nên y theo ý của bịnh nhân làm, bịnh nhân muốn ngồi hay nằm thì cũng tùy ý của bịnh nhân, không nên miễn cưỡng, phải thỉnh người đến hộ niệm, trong phòng bịnh nhân phải thờ một tượng Phật A Di Đà tiếp dẫn, để cho bịnh nhân trông thấy. Phải luân phiên hộ niệm, khuyên bảo bịnh nhân niệm Phật, tiếng niệm Phật không thể chói tai.
- Lúc mạng chung – không nên khóc lóc, dời động, lau mình, thay áo, không cần rờ đỉnh đầu xem có hơi nóng hay không, tám tiếng đồng hồ sau, nếu các khớp xương đã cứng, thì nên lấy khăn thấm nước nóng đắp lên, không bao lâu sẽ mềm mại.
VI. Vãng sanh chứng nghiệm:
Thời xưa – có ghi chép trong quyển Tịnh Độ Thánh Hiền Lục, Vãng Sanh Truyện, Vãng Sanh Tập: đời Đường ông Trương Thiện Hòa, đời Tống ông Vương Long Thơ, ông Hoàng Dã Thiết, Pháp Sư Khả Cửu. Đến thời đại Dân Quốc Đại Sư Ấn Quang, Đại Sư Hoằng Nhất, Đại sư Đế Nhàn, cư sĩ Giang Vị Nông, cư sĩ Hồ Tùng Niên v.v…
Thời nay – Lão Hòa Thượng Quảng Khâm, Lão Pháp Sư Đạo Nguyên, lão cư sĩ Lý Bỉnh Nam, cư sĩ Lại Tạ Diệu, cư sĩ Khưu Phiên Thử, cư sĩ Lý Tế Hoa, cư sĩ Giang Thúy Thường, cư sĩ Vu Thổ Sát, cư sĩ Lưu Lý Cúc v.v… những vị vãng sanh trong đời cận đại, có ghi chép trong quyển Vãng Sanh Lục và Nguyệt San Minh Luận.
VII. Tài liệu tham khảo hộ niệm vãng sanh
Quy Tắc và Ý Nghĩa của sự Hộ Niệm do Tuyết Lư Lão Nhân giảng, quyển Lâm Chung Tu Tri và Lâm Chung Tân Lương.
Phải thường chí thành niệm câu:
Nam mô A Di Đà Phật.
Đời này tiêu nghiệp chướng,
Lâm chung không chướng ngại,
Đồng sanh cõi Cực Lạc,
Thừa nguyện lực tái lai.
Kiến tật bịnh nhân
Đương nguyện chúng sanh
Tri thân không tịch
Ly quai tránh pháp
Tạm dịch:
Thấy người bịnh tật,
Nên nguyện chúng sanh
Biết thân không tịch,
Xa lìa tranh cãi.
----------------------
Do Tuyết Lư Lão Nhân giảng tại Liên Xã Đài Trung
Hộ niệm là giúp người vãng sanh. Người hộ niệm đối với phương pháp và đạo lý của vãng sanh, nhất định phải biết rõ ràng, thì bịnh nhân mới được lợi lạc. Con người lúc lâm chung, thần thức của mỗi một người khác nhau.
Những hành vi tạo tác, ngay trong lúc này đều khởi hiện hành, chủng tử trong A Lại Da Thức sẽ hiện ra ngoài.
Lúc đó hoàn toàn sẽ do nghiệp lực làm chủ, nghiệp nào lớn mạnh thì ra trước. Ác nghiệp nhiều thì sức của ác chủng tử lớn mạnh, đưa đẩy thần thức vào tam ác đạo. Nếu thiện nghiệp nhiều, thì chủng tử dẫn thần thức sanh lên cõi trời hoặc đầu thai làm người. Còn như lúc bình thường có công phu niệm Phật, thì có Phật chủng tử, sức của Phật chủng tử lớn mạnh mà ra trước, thì được Phật tiếp dẫn vãng sanh Tây Phương. Nếu như sức của Phật chủng tử nhỏ yếu chưa ra được, lúc đó phải nhờ vào người hộ niệm giúp đỡ niệm Phật, thì Phật chủng tử mới dễ dàng ra trước. Cho nên lúc bình thường phải có tu trì niệm Phật, đến khi lâm chung thì Phật chủng tử ra trước, mới có hy vọng được vãng sanh. Hộ niệm chính là giúp cho người sắp mất biết niệm Phật cầu vãng sanh.
Đệ tử Phật bất luận lúc bình thường đọc tụng bao nhiêu bộ kinh, hoặc niệm bao nhiêu thần chú, lúc sắp mạng chung, mà chủng tử bốn chữ A Di Đà Phật ra trước thì mới hữu dụng, lúc đó mới giúp được người sắp mạng chung vãng sanh Cực Lạc. Những lời này rất là quan trọng, mọi người phải luôn nhớ kỷ.
Lúc hộ niệm phải tuân theo quy tắc. Gia quyến của người sắp mất không nên làm rối loạn, không nên làm theo ý mình, không nên bày vẽ bên ngoài làm cho nhộn nhịp. Khi ban hộ niệm đến, nên chuẩn bị nước trà, ngoài ra không cần gì hết. Ban hộ niệm nhất định phải chú ý hai điều:
- Tự mình ăn uống, không nên làm phiền gia quyến của người sắp mất.
- Không được nhận phong bì đỏ (tiền lì xì), tuyệt đối không thể phá lệ.
Nếu như đã phá hoại quy tắc, họ không cho phong bì đỏ thì tâm sẽ không còn chân thành để hộ niệm cho người sắp lâm chung, thì sự hộ niệm cũng sẽ trở thành kiếm tiền, đây là phá hoại Phật pháp. Cũng không nhận lễ vật của người ta. Nếu tại gia cư sĩ đi hộ niệm, mà nhận tiền thù lao, tức là tạo tội nghiệp, ban hộ niệm mà nhận tiền thù lao của người ta, thì là hỏng hết. Mọi người phải học theo Tổ Ấn Quang, bằng không là phản đồ, không tuân theo quy tắc hộ niệm, tức là khi sư diệt tổ.
Phàm là những liên hữu gia nhập ban hộ niệm, đều có danh sách. Thân nhân quyến thuộc của thành viên trong ban hộ niệm, họ cũng tin Phật pháp, nếu họ có chuyện gì, chúng ta đều phải đi hộ niệm, còn như họ không tin, thì không cần đi hộ niệm, đây là phạm vi nhiệm vụ của ban hộ niệm.
Đi hộ niệm, phải chuẩn bị những thứ cần thiết sau đây: Một tượng Phật Di Đà cao 3 thước (1 mét), một cái lư hương, hai cây đèn cầy, nhang (nhang đốt không gián đoạn), một cái ly và 1 cái chén, chúng ta phải mang theo những thứ này, bất luận nhà của họ có hay không. Khi đã đến nhà của họ, việc đầu tiên là an trí tượng Phật, chủ yếu là để cho bịnh nhân có thể trông thấy tượng Phật, tượng Phật không nhất định là đóng hay treo vách tường, đặt trên bàn cũng được, cũng không nhất định đặt tại phương hướng nào, bởi vì vị trí nhà cửa của mỗi người khác nhau, thật ra mười phương không phân đông tây nam bắc, có tượng Phật nơi nào thì nơi đó là hướng tây. Niệm sáu chữ hoặc niệm bốn chữ cũng được. Nhang đèn mang theo nếu đã dùng hết thì dùng của họ, nếu như họ không có, không đốt tiếp cũng không sao. Khi vào trong nhà của họ, trước hết trưởng ban hộ niệm thỉnh tượng Phật an trí đàng hoàng, sau đó đốt nhang đèn, kế tiếp sắp xếp chỗ ngồi, rồi bắt đầu hộ niệm. Việc sắp xếp chỗ ngồi rất quan trọng, có thể khiến cho bịnh nhân yên lòng, cũng là không để cho mắt của bịnh nhân nhìn chỗ khác. Nếu bịnh tình của bịnh nhân không nguy ngập, có thể bắt đầu niệm:
Nam mô Tây Phương Cực Lạc Thế Giới Đại Từ Đại Bi A Di Đà Phật. Nếu thấy nguy ngập liền niệm sáu chữ, nếu thấy rất nguy ngập thì trực tiếp niệm bốn chữ A Di Đà Phật. Nên biết, một tiếng A Di Đà Phật, bao gồm cả ba thừa, điều quan trọng nhất là phải khiến cho bịnh nhân nghe được tiếng Phật hiệu mà niệm theo, thì công đức vô lượng không thể nghĩ bàn.
Người hộ niệm, còn phải chú ý, trước khi vào nhà của họ, nhất định phải gặp chủ nhân, sau khi đã gặp chủ nhân rồi, thì mới vào nhà để tránh bị nghi ngờ mất đồ. Chủ nhân mời chúng ta vào nhà thì mới vào nhà. Lúc không hộ niệm thì ngồi im lặng niệm thầm trong tâm, lúc hộ niệm phải tập trung tinh thần trong câu Phật hiệu. Trong khi đang hộ niệm, những người khác không được đi ra vào làm ồn, phải giữ bầu không khí yên tĩnh, những người khác chỉ có thể ở xa mà xem, không được tự tiện vào thăm bịnh nhân, nếu để cho họ tự tiện vào thăm hỏi bịnh nhân, nói những lời dấy động tình cảm, nên biết rằng: hể bịnh nhân vừa động tình cảm thì là hỏng hết. Lúc hộ niệm phải tôn trọng quy tắc hộ niệm của ban hộ niệm. Chỉ cần là đang hộ niệm, thì những người khác không được vào thăm bịnh, làm quấy rầy bịnh nhân, khiến cho bịnh nhân dấy động tình cảm mà mất đi chánh niệm. Cũng không được để cho bịnh nhân nghe những âm thanh khác (nghe âm nhạc, nghe tiếng hát), không được nghe tiếng khóc thê thảm. Dù có người sanh ra hiểu lầm, cho là sự ngăn cấm quá nhiều, người hộ niệm phải nhịn được sự hiểu lầm như vậy. Trước khi bịnh nhân sắp lâm chung, họ muốn uống nước hoặc muốn ăn, có thể để cho bịnh nhân ăn, nhưng không được nói chuyện, chỉ niệm Phật mang thức ăn đến đút cho họ ăn, nếu như nói chuyện với họ, thì tâm lý của bịnh nhân sẽ tưởng là những âm thanh khác, lúc đó họ không thể nhất tâm.
Công phu niệm hằng ngày của mọi người, đều phải đạt đến nhất tâm bất loạn, lúc lâm chung thì càng phải nhất tâm. Người hộ niệm trong khi đang hộ niệm không được ho, không được thở dài, hoặc phát ra những âm thanh khác, khiến cho bịnh nhân nghe rồi mất đi chánh niệm. Điều này lúc bình thường ban hộ niệm phải luyện tập, phải luyện tập không còn tạp âm. Nếu không thì lúc bịnh nhân đang nhất tâm niệm Phật, đột nhiên bị một tiếng ho hoặc thở dài làm gián đoạn, khiến cho tâm bịnh nhân rối loạn, thần trí không còn tĩnh táo. Đúng ngay lúc đó mà tắt thở, đây là điều quan trọng nhất, cũng là lúc khẩn yếu nhất, thân nhân quyến thuộc sẽ cầm không được nỗi xúc động, họ sẽ tiến đến bên mình của bịnh nhân khóc lóc, lúc đó ban hộ niệm phải ngăn cản họ, bảo họ không nên khóc lóc, kêu ba! gọi má! mà phải khuyên họ nên niệm Phật, mọi người đều phải niệm Phật, nếu không thì sự hộ niệm sẽ hoài công. Sau khi bịnh nhân vừa tắt thở, linh hồn vẫn còn trong thân thể, nghiệp lực của trong A Lại Da Thức vẫn còn trong thân thể, rất khó rời khỏi. Nếu người tội nghiệp nặng mà có công phu giỏi, trong khoãnh khắc thì rời khỏi thân thể, người thông thường rất khó rời khỏi, giống như con óc muốn rời khỏi vỏ là chuyện rất khó, vì vậy phải niệm Phật, hộ niệm suốt 24 tiếng không gián đoạn, mới bảo đảm không bị nghiệp lực lôi kéo. Cổ nhân rất coi trọng điểm này. Khổng Lão Phu Tử có nói: Ba ngày sau mới đại liệm (nhập quan), ba ngày sau thì linh hồn đã rời khỏi thân thể, bậc Thánh nhân cũng biết được điều này, đại đa số người đối với việc sanh tử không hiểu rõ.
Trưởng ban hộ niệm phải bảo người nhà của người mới mất, trong 12 tiếng đồng hồ không được dời động thân thể của người mới mất, sau khi hộ niệm xong thì mới có thể dời động thân thể. Nếu các khớp xương cùi chõ đầu gối đã cứng nên dùng khăn thấm nước nóng đắp lên. Nhiệm vụ hộ niệm đến đây đã làm xong, toàn thể ban hộ niệm đọc bốn câu kệ hồi hướng, rồi hành lễ hoàn mãn. Trưởng ban hộ niệm tặng một tấm mền kinh Đà La Ni (mền Quang Minh), và một bao chu sa Quang Minh cho người vãng sanh. Toàn ban hộ niệm từ biệt chủ nhân ra về, không còn lo nghĩ gì nữa.
Tóm lại, quy tắc và ý nghĩa của sự hộ niệm, mọi người không thể không biết, Cổ đại đức của Tịnh Tông, có viết một quyển sách tựa đề [Lâm Chung Tu Tri], mọi người có thể đọc tham khảo. Nếu như có thể giúp cho một người được vãng sanh, thành tựu một vị Phật, thì công đức không thể nghĩ bàn!
(Bài giảng này có đăng trong Nguyệt San Minh Luận số 158)
----------------------------------
Tài Liệu Tham Khảo Hộ Niệm Pháp Ngữ Khai Thị
Trích Đại Sư Ấn Quang Văn Sao tục biên quyển hạ
Pháp ngữ khai thị cho Pháp Sư Hoa Quyền đang mang bịnh. (năm Dân Quốc 21- 1932)
Con người sống trong thế gian này, đều không tránh khỏi nổi khổ của bịnh tật và chết chóc, lúc xảy ra những sự khổ này, chỉ có cách là buông bỏ vạn duyên, nhất tâm niệm Nam Mô A Di Đà Phật, nếu hơi thở ngắn thì niệm bốn chữ A Di Đà Phật, nhất tâm cầu Phật từ bi tiếp dẫn ông vãng sanh tây phương. Ngoại trừ một niệm này ra, trong tâm không thể có những ý niệm nào khác. Cũng không thể mong cho mau lành bịnh, cũng đừng nghĩ tưởng cầu thần cầu Phật phù hộ. Hể tâm ông có những nghĩ tưởng này, thì sẽ không tương ứng với tâm của A Di Đà Phật, vì vậy sẽ không được sức gia trì lòng từ bi của Phật. Ông nên biết rằng, trời đất cha mẹ, đều không khiến cho ông thoát khỏi sanh tử luân hồi, chỉ có A Di Đà Phật, mới có thể khiến cho ông thoát khỏi sanh tử luân hồi. Nếu ông chịu buông bỏ hết tất cả, nhất tâm niệm Phật, nếu tuổi thọ chưa hết, thì sẽ mau lành bịnh. Còn như tuổi thọ đã hết, liền được vãng sanh Tây Phương. Nhưng không thể cầu mau lành bịnh, chỉ có thể cầu mau vãng sanh. Nếu tuổi thọ đã hết, mà muốn cầu hết bịnh, thì sẽ không được vãng sanh. Còn như tuổi thọ chưa hết, lại cầu vãng sanh, thì sẽ mau lành bịnh. Vãng sanh tây phương sự lợi lạc nói không hết, so với những người sanh lên cõi trời làm thiên đế thiên vương, còn thù thắng hơn họ vô số vô lượng vạn vạn vạn vạn lần. Ông không thể có si tâm vọng tưởng sợ chết, nếu trong tâm mà sợ chết thì không được vãng sanh. Chúng ta sống trong thế gian này, giống như những con giòi trong hầm phân, như trong ngục tù không khác, vô cùng thống khổ. Vãng sanh tây phương như ra khỏi hầm phân và ngục tù, trở về quê hương thanh tịnh an lạc tiêu dao tự tại, sao lại sợ chết. Nếu trong tâm mà sợ chết, thì vĩnh viễn chịu khổ trong sanh tử luân hồi, vĩnh viễn không có ngày ra khỏi cảnh khổ. Nếu ông có thể niệm ra tiếng, thì nên niệm nhỏ tiếng. Còn như không thể niệm ra tiếng, thì chỉ niệm thầm trong tâm, tai nghe người khác niệm, trong tâm cũng niệm theo như vậy. Hai mắt nhìn tượng Phật A Di Đà (tượng Phật thờ trong phòng), trong tâm nhớ đến A Di Đà Phật. Nếu có những ý niệm khác nỗi dậy, thì liền tự trách mình: Ta muốn nhờ vào Phật lực vãng sanh tây phương, tại sao ta lại nỗi dậy những ý niệm này, phá hoại việc lớn của ta. Nếu ông chịu y theo lời tôi dạy mà niệm Phật, thì nhất định vãng sanh Tây Phương, liễu sanh thoát tử, siêu phàm nhập thánh. Đời đời kiếp kiếp vĩnh viễn thường hưởng lấy sự vui sướng, không còn thấy nghe những sự khổ nữa, thì làm gì có những sự khổ não tật bịnh như vậy hay sao. Có lúc trong tâm nỗi dậy phiền não, nên biết rằng đó là do ác nghiệp trong đời quá khứ sai khiến, muốn phá hoại ta không được vãng sanh tây phương, muốn khiến cho ta vĩnh viễn chịu khổ trong sanh tử luân hồi. Nay ta biết rõ ý của bọn chúng muốn hại ta đó, ta không thể để cho bọn chúng xoay chuyển ta. Ngoại trừ niệm Phật ra, quyết không nghĩ đên bọn chúng nữa. Như vậy thì tâm ông tương ứng với tâm Phật, ông sẽ được Phật tiếp dẫn vãng sanh tây phương. Hãy nhớ kỷ lời tôi nói, thì ông sẽ tự mau được sự lợi lạc không gì sánh bằng!
Phổ hóa chúng sanh linh giải thoát
Bất trước nhất thiết như hư không
Tạm dịch:
Phổ độ chúng sanh được giải thoát
Chẳng chấp tất cả như hư không
----------------------------------
Dặn Dò Những Điều Lúc Lâm Chung
Những lời dặn dò cho các con cháu hiếu thảo của tôi:
Bản thân tôi suốt đời niệm A Di Đà Phật, cảm thấy được sự lợi lạc rất nhiều. Nếu các con có lòng hiếu thảo với ta, thì nhất định phải giúp đỡ ta vãng sanh tây phương cực lạc thế giới, đi đến cõi đó vĩnh viễn sẽ hưởng được thanh tịnh an lạc, tự do tự tại, đây là nguyện vọng lớn nhất của suốt đời ta.
Nên biết rằng con người lúc gần tắt thở, giống như rùa sống bị lột vỏ, vô cùng đau đớn. Nếu như các con thật sự muốn ta ra đi tự tại, vã lại hy vọng có thể phù hộ cho cả gia đình, thì nhất định phải thiết thực hoàn thành tâm nguyện của ta sau đây:
- Trong lúc bịnh tình của ta nguy ngập, tuyệt đối không được dời động thân thể của ta, không được thay quần áo, không được khóc lóc, khóc than thảm thiết. Mà phải vì ta chân thành niệm A Di Đà Phật, cầu Phật từ bi tiếp dẫn ta vãng sanh tây phương.
- Nếu thần thức của ta hôn mê, lúc hơi thở trong tình trạng sắp tắt chưa tắt, xin đừng để cho bác sĩ chích thuốc cứu cấp, hoặc là dùng những phương pháp hô hấp khác để cứu cấp ta, để tránh tâm thần của ta bị lay động (rối loạn), sẽ làm cho ta càng có cảm giác đau đớn. Lúc đó các con nên giữ gìn yên tịnh, nhất tâm niệm Phật, mới là có lòng hiếu thảo với ta.
- Trước khi ta sắp lâm chung, xin liên lạc gấp với liên hữu……………, thỉnh cầu họ đến hộ niệm cho ta. Điện thoại số……………………, các con đều phải nghe theo lời chỉ dẫn của liên hữu, không được làm trái nghịch.
- Sau khi ta đã tắt thở trong 24 tiếng đồng hồ, phải niệm Phật liên tục không ngừng, mọi người trong nhà đều phải luân phiên hộ niệm, bởi vì trong lúc này đối với ta mà nói, là sự giúp đỡ rất lớn lao, chính là giúp ta duy trì tiếp tục niệm A Di Đà Phật. Còn về nghi thức tang lễ, hãy đợi sau khi hộ niệm xong, thì mới cử hành tang lễ.
- Còn như lau mình thay quần áo, nhập liệm……….., phải đợi sau khi vãng sanh 24 tiếng đồng hồ, thì thỉnh ban nghi lễ đến làm nghi thức tang lễ. (nếu như sợ trời nóng sẽ có mùi vị khác thường, thì trong nhà nên đốt đàn hương và để nước đá).
- Những đồ cúng trong tang lễ, khách đến phúng viếng, tất cả đều là cúng đồ chay, tuyệt đối không được sát sanh, để tránh tội nghiệp của ta tăng thêm.
- Nghi thức tang lễ đều y theo Phật giáo, lấy niệm Phật làm chủ. Làm tang lễ nên tiết kiệm, không nên phô trương, không nên lãng phí.
- Sau khi mất trong 49 ngày, mọi người trong nhà phải sáng tối đều phải niệm Phật, hồi hướng cho ta vãng sanh cực lạc thế giới! Làm được như vậy thì ta mới có thể thật sự được hưởng sự vui sướng, mà mọi người cũng được vô cùng cát tường quang minh.
Hy vọng từ nay về sau mọi người đều phải tin Phật, niệm Phật. Có như vậy thì các con nhất định sẽ được bình an hạnh phúc.
Đây là tâm nguyện của ta, mong các con tuân theo.
A Di Đà Phật
Người lập ngôn………………………………Ký tên
-----------------------------------
Thông Cáo Hộ Niệm
Thân bằng quyến thuộc đến phúng viếng, đều phải tuân theo những điều sau đây:
1. Trong khi đang hộ niệm niệm Phật phải giữ im lặng.
2. Bây giờ là lúc mọi người tỏ ra lòng thành kính, chỉ có niệm Phật, tiếng niệm Phật sẽ giúp cho bịnh nhân an lành tự tại vãng sanh tây phương cực lạc thế giới.
3. Xin quý thân hữu niệm Phật ra tiếng, nếu không biết niệm, thì niệm theo nhỏ tiếng.
4. Trong lúc đang hộ niệm niệm Phật, xin đừng làm bốn điều dưới đây:
Xin đừng đốt giấy tiền vàng bạc. (để tránh không khí làm ô nhiễm, ảnh hưởng mọi người đang niệm Phật)
Xin đừng rờ mó thân thể. (để tránh bịnh nhân động tình ái, khiến cho mất đi chánh niệm).
Xin đừng khóc than thê thảm. (nếu cảm thấy rất đau lòng, xin mời ra bên ngoài)
Xin đừng hỏi han bịnh nhân. (để tránh làm trở ngại bịnh nhân đang niệm Phật)
5. Muốn đàm luận chuyện khác, xin mời đi nơi khác.
*****
Bài KỆ HỒI HƯỚNG
Nguyện đem công đức này
Hồi hướng… (điền tên họ người vãng sanh)
Trên đền bốn ơn nặng
Dưới cứu khổ tam đồ
Nếu có người thấy nghe
Đều phát lòng Bồ Đề
Hết một báo thân này
Cùng sanh cõi Cực Lạc
Mười phương ba đời tất cả chư Phật
Tất cả Bồ Tát Ma Ha Tát
Ma Ha Bát Nhã Ba La Mật
-----------------------------
Gia Quyến Cần Phải Biết Những Điều Hộ Niệm Lúc Lâm Chung
- Bịnh nhân lắng nghe tiếng Phật hiệu, đó là thiện căn của bịnh nhân đã thành thục, nếu thọ mạng chưa hết, thì dần dần sẽ hết bịnh, còn như thọ mạng đã hết, liền được vãng sanh tây phương cực lạc thế giới, người thế gian không hiểu, cứ nghĩ rằng Phật pháp chỉ là siêu độ cho vong linh, đó là kiến giải cạn cợt của người thế gian, họ không hiểu sự lợi ích của Phật pháp. Trong kinh Hoa Nghiêm có nói, Phật lên cõi trời thuyết pháp cho chư thiên, vô lượng Đế Thích đều tu pháp môn niệm Phật, niệm Phật là pháp môn thù thắng nhất, niệm Phật là pháp Phật sở thuyết, phải nên nhất tâm niệm Phật, thì công đức không thể nghĩ bàn.
- Bịnh nhân lúc lâm chung, thân nhân quyến thuộc không nên kêu gọi bịnh nhân hoặc khóc lóc than van, sẽ làm rối loạn chánh niệm của bịnh nhân, khiến cho bịnh nhân đọa lạc.
- Khi bịnh nhân vừa tắt thở, kỵ nhất là khóc lóc, kỵ nhất là lau tay chân, dời động thân thể và thay quần áo, bởi vì trong lúc này, thần thức của người vừa chết chưa rời thân thể, muốn cho họ không có cảm giác đau đớn và không mất chánh niệm, là phải nhất tâm niệm Phật, cho đến khi thần thức rời khỏi thân thể, thì nhiệm vụ của sự hộ niệm đã làm xong, những điều như trên phải tuân theo, sau đó mới chuẩn bị cử hành tang lễ.
- Sau khi người chết không còn cảm giác nữa, tay chân cùi chõ đầu gối đã cứng, rất khó duỗi thẳng, nên dùng khăn thấm nước nóng, đấp lên cùi chõ và đầu gối thì sẽ mềm mại như cũ, thật ra tay chân cong cũng không sao, đừng nghe người thế tục nói, người chết tay chân không duỗi thẳng, thì đời sau sẽ thành tay cán giá và thọt chân. Những người nói như vậy, họ không có kiến thức, nếu người có chút hiểu biết, thì biết họ nói không đúng. Còn như người tu hành có công phu, thì họ nằm nghiêng mình sang bên phải, gọi là Cát Tường Thệ, hoặc là ngồi mà vãng sanh, đứng mà vãng sanh, họ nằm nghiêng mình sang bên phải hoặc ngồi mà vãng sanh, tay chân của họ cũng cong vậy, điều này không cần giải thích, tự mình cũng hiểu. Như Thích Ca Mâu Ni Phật nhập Niết Bàn, Ngài cũng nằm nghiêng mình bên phải vậy, cho nên thân thể của người chết cong hay thẳng, thật ra không có vấn đề.
- Sau khi người đã vãng sanh tây phương, gia quyến vẫn tiếp tục niệm Phật, không nên khóc lóc.
- Hoàn toàn phải cúng đồ chay, không nên cúng đồ mặn, không nên sát sanh.
- Tang lễ phải tiết kiệm, các thứ chi phí, chỉ làm Phật sự, hoặc là phóng sanh, để giúp cho người quá cố vãng sanh tây phương.
- Thân nhân quyến thuộc của người quá cố, nếu không y theo điều thứ hai và điều thứ ba đã quy định, thì toàn ban hộ niệm lập tức tạm ngưng nhiệm vụ hộ niệm.
Ưng đương cụ túc trì tịnh giới
Thường vi nhiêu ích chư quần sanh
Tạm dịch:
Phải nên giữ gìn đủ các tịnh giới
Thường làm lợi ích cho chúng sanh
-----------------------------
Những Điều Cần Biết Lúc Hộ Niệm
A. Sắp đặt:
- Trước tiên an vị tượng Phật, sau đó đốt nhang đèn, tượng Phật nên đặt vị trí ở phía tây, nhưng cũng không nhất định là đặt ở phía tây. Nếu trong phòng bịnh nhân đã có tượng Phật A Di Đà, thì không cần an vị thêm tượng Phật khác. Khói nhang không nên quá nồng, để tránh bịnh nhân khó hô hấp.
- Nơi an vị tượng Phật, phải để cho bịnh nhân nhìn thấy.
B. Bắt đầu:
- Ban hộ niệm nên niệm bốn chữ A Di Đà Phật, vừa niệm vừa đánh khánh, không cần dùng những pháp khí khác, cũng không cần tụng kinh.
- Ban hộ niệm đã đến nhà bịnh nhân, nếu thấy bịnh nhân trong tình trạng nguy ngập, thì miễn trừ tất cả sắp đặt, trực tiếp đánh khánh niệm bốn chữ A Di Đà Phật.
C. Số người đi hộ niệm:
Mỗi nhóm từ 2 đến 5 người thành một ban hộ niệm, tối đa không được nhiều hơn 10 người, mỗi ban hộ niệm luân phiên niệm 2 tiếng đồng hồ.
D. Khai thị:
- Nếu thấy bịnh nhân tinh thần tỉnh táo, thì trưởng ban hộ niệm hãy khuyên bịnh nhân buông bỏ vạn duyên, khuyên bảo bịnh nhân niệm Phật, hoặc niệm thầm trong tâm, hoặc dùng tai nghe người khác niệm.
- Nếu thấy bịnh nhân còn có lưu luyến chuyện gì, thì trưởng ban hộ niệm giảng giải cho họ biết, nếu thọ mạng của họ chưa hết sẽ mau được lành bịnh, còn như thọ mạng của họ đã hết, nên dùng lời vắn tắt khuyên họ vãng sanh cực lạc, khiến cho tâm được thanh tịnh.
E. Đề phòng chướng ngại:
- Gia quyến của bịnh nhân, phải cử ra một người phụ trách về việc hộ niệm, phàm là chuyện gì có liên quan đến bịnh nhân, để tiện liên lạc với ban hộ niệm.
- Không cần biết gia quyến và bạn bè của bịnh nhân, lúc bắt đầu hộ niệm, nhất loạt không được đến gần bịnh nhân, nếu họ muốn tham gia hộ niệm, họ phải thỉnh cầu người phụ trách hộ niệm đồng ý, thì mới có thể tham gia hộ niệm.
F. Cấm kỵ:
- Giả như gia quyến muốn tắm rửa cho bịnh nhân và thay quần áo, thì phải làm trước khi hộ niệm, việc này do gia quyến phụ trách, nhưng phải xem bịnh tình của bịnh nhân. Nếu bịnh nhân không muốn tắm rửa và thay quần áo, thì không nên miễn cưỡng, sẽ làm cho bịnh nhân đau đớn.
- Khi bắt đầu hộ niệm, thì không được tắm rửa, thay quần áo, dời động bịnh nhân, tuyệt đối ngăn cắm.
- Không được nói chuyện với bịnh nhân, hoặc hỏi bịnh nhân về việc lập di chúc, hoặc khóc lóc than thở, sẽ làm trở ngại bịnh nhân vãng sanh.
- Lúc bịnh nhân sắp lâm chung, hoặc ngồi, hoặc nằm, hoặc nằm nghiêng, hoặc nằm ngữa, đều tùy bịnh nhân, không nên bắt buộc.
- Sau khi bịnh nhân đã mất trong 8 tiếng đồng hồ, không được dời động, tắm rửa và thay quần áo, trải qua 8 tiếng đồng hồ sau, thì các khớp xương đã cứng, nên dùng khăn thấm nước nóng đắp lên các chỗ khớp xương đã cứng và rưới nước nóng lên, không bao lâu sẽ mềm mại.
- Sau khi bịnh nhân đã mất trong 8 tiếng đồng hồ, không được khóc lóc thê thảm, không được dùng tay rờ mó thi thể của bịnh nhân, để thăm dò nhiệt độ.
G. Hộ niệm đã xong:
- Sau khi bịnh nhân đã mất trong 8 tiếng đồng hồ, ban hộ niệm vẫn phải niệm Phật không gián đoạn, trải qua 8 tiếng đồng hồ sau, thì nhiệm vụ hộ niệm đã làm xong.
- Sau khi nhiệm vụ của ban hộ niệm đã làm xong, thì gia quyến có thể lau mình cho thi thể, thay quần áo và dời động, thân nhân quyến thuộc muốn khóc thì khóc (tốt nhất là đừng khóc), muốn làm gì thì làm.
Giải liễu thế gian do nhược mộng
Diệt trừ chướng cấu vô hữu dư
Tạm dịch:
Hiểu rõ thế gian như giấc mộng
Diệt trừ nghiệp chướng không còn dư
-----------------------------------
PHẬT THUYẾT ĐẠI THỪA VÔ LƯỢNG THỌ
TRANG NGHIÊM THANH TỊNH BÌNH ĐẲNG GIÁC KINH
(48 Lời nguyện của Phật A Di Đà)
Nguyên Hán bản: Lão cư sĩ Hạ Liên Cư (hội tập)
Việt dịch: Cư sĩ Tâm Tịnh chuyển ngữ
PHẨM SÁU: PHÁT ĐẠI THỆ NGUYỆN
Pháp Tạng bạch rằng: “Cúi mong Thế Tôn, Đại từ nghe xét, nếu con chứng đặng, Vô Thượng Bồ Đề, thành bậc Chánh Giác, cõi Phật của con, đầy đủ vô lượng, chẳng thể nghĩ bàn, công đức trang nghiêm, không có địa ngục, ngạ quỷ cầm thú, bò bay máy động, hết thảy chúng sanh, từ Diệm Ma La, trong ba đường ác, sinh vào cõi con. Thọ giáo pháp con, thảy đều đắc đặng, quả vị Vô Thượng Chánh Đẳng Chánh Giác, chẳng còn đọa lạc, vào ba đường ác, được như nguyện này, con mới thành Phật, bằng không như nguyện, chẳng thành Chánh Giác. (1.- Nguyện trong nước không có ác đạo. 2.- Nguyện không đọa ba đường ác)
Lúc con làm Phật, thế giới mười phương, hết thảy chúng sanh, khiến sinh nước con, đầy đủ thân sắc, chân kim vàng tía, băm hai vẻ đẹp, tướng đại trượng phu, đoan trang nghiêm chánh, tinh khiết thanh tịnh, đều đồng một loại. Hình mạo nếu khác, có tốt có xấu, con thề quyết không, ở ngôi Chánh Giác. (3.- Nguyện thân có sắc vàng ròng. 4.- Nguyện có ba mươi hai tướng tốt. 5.- Nguyện thân không sai biệt)
Khi con làm Phật, tất cả chúng sanh, sinh vào nước con, đều tự biết thấu, thiện ác đã làm, vô lượng đời trước, có thể nhìn suốt, nghe thông biết tận, sự việc ở trong, mười phương ba đời, không đặng nguyện này, không thành Chánh Giác. (6.- Nguyện có túc mạng thông. 7.- Nguyện có thiên nhãn thông. 8.- Nguyện có thiên nhĩ thông)
Lúc con làm Phật, tất cả chúng sanh, sinh về nước con, thảy đều chứng được, trí tha tâm thông. Nếu chẳng biết được, tâm nguyện chúng sinh, ức na do tha, trăm ngàn cõi Phật, con thề quyết không, ở ngôi Chánh Giác. (9.- Nguyện được tha tâm thông)
Lúc con làm Phật, tất cả chúng sanh, sinh về nước con, thảy đều đắc được, thần thông tự tại, Ba La Mật Đa. Nếu trong khoảnh niệm, không thể siêu vượt, ức na do tha, trăm ngàn cõi Phật, đi giáp khắp nơi, cúng dường chư Phật, con thề quyết không, ở ngôi Chánh Giác. (10.- Nguyện thần túc thông. 11.- Nguyện giáp khắp cúng dường chư Phật)
Lúc con làm Phật, tất cả chúng sanh, sinh về nước con, xa lìa phân biệt, sáu căn tịch tịnh, nếu chẳng quyết định, thành bậc Chánh Giác, chứng đại Niết Bàn, con thề quyết không, ở ngôi Chánh Giác. (12.- Nguyện quyết định thành bậc Chánh Giác)
Khi con làm Phật, quang minh vô lượng, chiếu khắp mười phương, vượt hơn quang minh, của thảy chư Phật, vượt hơn ánh sáng, mặt trời mặt trăng, ngàn vạn ức lần. Nếu có chúng sanh, thấy được quang minh, chiếu chạm thân mình, đều được an lạc, tâm từ hành thiện, sinh về nước con. Nếu không như nguyện, không thành Chánh Giác. (13.- Nguyện ánh sáng vô lượng. 14.- Nguyện chạm quang minh được an lạc)
Khi con làm Phật, thọ mạng vô lượng, nước con vô số, Thanh Văn Trời Người, thọ mạng chư vị, cũng đều vô lượng. Giả sử như có, ba ngàn đại thiên, thế giới chúng sanh, đều thành Duyên Giác, trong trăm ngàn kiếp, cùng nhau tính đếm, nếu biết số lượng, không thành Chánh Giác. (15.- Nguyện thọ mạng vô lượng. 16.-Nguyện Thanh Văn vô số).
Lúc con làm Phật, mười phương thế giới, trong vô lượng cõi, vô số chư Phật, nếu không xưng tán, danh hiệu của con, và nói công đức, cõi nước thuần thiện, con thề không trụ, ở ngôi Chánh Giác. (17.- Nguyện được chư Phật xưng tán)
Lúc con làm Phật, chúng sinh mười phương, nghe danh hiệu con, chí tâm tin vui, có được căn lành, tâm tâm hồi hướng, nguyện sinh nước con, cho đến mười niệm, nếu không được sinh, con thề quyết không giữ ngôi Chánh Giác, duy trừ ngũ nghịch, phỉ báng chánh pháp. (18.- Nguyện mười niệm tất vãng sinh)
Lúc con làm Phật, mười phương chúng sinh, nghe danh hiệu con, phát tâm Bồ Đề, tu các công đức, cung kính thực hành, sáu Ba La Mật, kiên cố bất thoái, lại lấy tất cả, thiện căn hồi hướng, nguyện sinh nước con, nhất tâm niệm con, ngày đêm không dứt, đến khi lâm chung, con và Bồ Tát, hiện tiền nghinh tiếp, trải qua khoảnh khắc, liền sinh cõi con, thành tựu A Duy Việt Trí Bồ Tát, nếu không như vậy, không thành Chánh Giác. (19.- Nguyện nghe danh phát tâm. 20.- Nguyện lâm chung tiếp dẫn)
Lúc con làm Phật, mười phương chúng sinh, nghe danh hiệu con, hằng nhớ nước con, phát tâm Bồ Đề, kiên cố bất thối, trồng các cội đức, chí tâm hồi hướng, muốn sinh Cực Lạc, thảy đều toại nguyện. Nếu các đời trước, vốn tạo ác nghiệp, nghe danh hiệu con, liền tự sám hối, vì đạo làm lành, thọ trì kinh giới, nguyện sinh cõi con, đến khi mạng chung, không còn đọa lạc, vào ba đường ác, liền sinh nước con, nếu không được vậy, không thành Chánh Giác. (21.- Nguyện sám hối được vãng sinh)
Lúc con làm Phật, cõi nước của con, không có người nữ. Nếu người nữ nào, nghe danh hiệu con, được tin thanh tịnh, phát tâm Bồ Đề, nhàm chán thân nữ, nguyện sinh nước con. Sau khi mạng chung, hóa thành thân nam, tới cõi nước con. Mười phương thế giới, các loài chúng sinh, sinh vào nước con, hoa sen hóa sinh, trong ao bảy báu. Nếu không được vậy, không thành Chánh Giác. (22.- Nguyện trong nước không có người nữ. 23.- Nguyện nhàm chán thân nữ, chuyển thân nam. 24.- Nguyện liên hoa hóa sinh)
Lúc con làm Phật, chúng sinh mười phương, nghe danh hiệu con, hoan hỷ tin vui, lễ bái cung kính, đem tâm thanh tịnh, tu hạnh Bồ Tát, chư Thiên nhân dân, thảy đều chí kính. Nếu nghe danh con, sau khi mạng chung, sinh nhà tôn quý, đầy đủ các căn, huân tu đều đặn, phạm hạnh thù thắng, nếu không được vậy, không thành Chánh Giác. (25.- Nguyện Thiên Nhân lễ kính. 26.- Nguyện văn danh đắc phước. 27.- Nguyện tu thù thắng hạnh)
Lúc con làm Phật, trong cõi nước con, không tên “Bất Thiện”. Tất cả chúng sinh, sinh về cõi con, đều đồng nhất tâm, trụ chánh định tụ, vĩnh ly nhiệt não, tâm được mát mẻ, thọ hưởng vui sướng, cũng như Tỳ Kheo, sạch tận các lậu. Nếu còn khởi nghĩ, tham thân chấp ngã, con thề quyết không, ở ngôi Chánh Giác. (28.- Nguyện nước không có tên “bất thiện”. 29.- Nguyện trụ Chánh định tụ. 30.- Nguyện vui như Tỳ Kheo dứt sạch các lậu. 31.- Nguyện không tham chấp thân).
Lúc con làm Phật, sinh vào nước con, căn lành vô lượng, đều được Kim Cang, Na La Diên thân, có sức vững chắc, thân đảnh đều có, quang minh chiếu diệu, được sự thành tựu, tất cả trí huệ. Thu hoạch vô biên, biện tài vô ngại. Khéo nói các pháp, thâm mật bí yếu. Thuyết kinh hành đạo, tiếng như chuông ngân. Nếu không được vậy, không thành Chánh Giác. (32.- Nguyện được Na la diên thân. 33.- Nguyện quang minh trí huệ biện tài. 34.- Nguyện khéo nói pháp yếu)
Lúc con làm Phật, tất cả chúng sinh, sinh về nước con, ắt đến rốt ráo, nhất sinh bổ xứ, trừ bản nguyện kia, vì chúng sinh nên mặc giáp hoằng thệ, giáo hóa tất cả, các chúng hữu tình. Đều phát tín tâm. Tu hạnh Bồ Đề. Hành đạo Phổ Hiền. Mặc dù sinh ở, thế giới phương khác, vĩnh ly đường ác, hoặc vui nói pháp, hoặc vui nghe pháp, hoặc hiện thần túc, tùy ý tu tập, đều được viên mãn. Nếu không được vậy, không thành Chánh Giác. (35.- Nguyện nhất sinh bổ xứ. 36.- Nguyện giáo hóa tùy ý)
Lúc con làm Phật, sinh về nước con, thức ăn, y phục, các loại cúng dường, theo ý liền đến, đều được viên mãn. Mười phương chư Phật, ứng niệm thọ nhận, các thứ cúng dường. Nếu không được vậy, không thành Chánh Giác. (37.- Nguyện y thực tự đến. 38.- Nguyện ứng niệm thọ cúng)
Lúc con làm Phật, vạn vật trong nước, nghiêm tịnh sáng đẹp, hình sắc thù đặc, vi diệu cùng cực. Không thể xứng lượng, các chúng sinh kia, tuy đủ thiên nhãn, nếu hay nói ra, các hình sắc kia, quang tướng danh số, tuyên nói tất cả, con thề quyết không, ở ngôi Chánh Giác. (39.- Nguyện trang nghiêm vô tận)
Lúc con làm Phật. Trong nước vô lượng, cây sắc báu cao, trăm ngàn do tuần. Cây cao Đạo tràng, bốn trăm vạn dặm. Trong chúng Bồ Tát, căn lành dẫu khuyết, cũng hay rõ biết. Muốn thấy chư Phật, cõi nước nghiêm tịnh. Thảy đều được thấy, nơi hàng cây báu, như đài gương sáng, soi thấy khuôn mặt. Nếu không được vậy, không thành Chánh Giác. (40.- Nguyện có vô lượng cây sắc báu. 41.- Nguyện cây hiện cõi Phật)
Lúc con làm Phật. Cõi Phật chỗ ở, rộng rãi nghiêm tịnh. Sáng sạch như gương. Chiếu suốt mười phương, vô lượng vô số, không thể nghĩ bàn, thế giới chư Phật. Chúng sinh thấy được, sinh tâm hy hữu. Nếu không được vậy, không thành Chánh Giác. (42.- Nguyện chiếu suốt mười phương)
Khi con làm Phật, dưới từ lòng đất, trên đến hư không, cung điện lầu các, ao nước hoa cây, cõi nước có được, tất cả vạn vật, đều do vô số, hương báu hợp thành, hương ấy xông khắp, thế giới mười phương. Chúng sinh ngửi đặng, đều tu hạnh Phật. Nếu không được vậy, không thành Chánh Giác. (43.- Nguyện hương báu xông khắp).
Lúc con làm Phật, cõi Phật mười phương, các chúng Bồ Tát, nghe danh hiệu con, tức khắc đạt được, thanh tịnh, giải thoát, phổ đẳng tam muội. Các thân tổng trì, trụ trong chánh định, đến khi thành Phật. Trong định thường cúng, vô lượng vô biên, tất cả chư Phật, không mất định ý. Nếu không được vậy, không thành Chánh Giác. (44.- Nguyện phổ đẳng tam muội. 45.- Nguyện trong định cúng Phật).
Lúc con thành Phật, thế giới phương khác, các chúng Bồ Tát, nghe danh hiệu con, chứng pháp ly sinh, được môn tổng trì, hoan hỷ thanh tịnh, được bình đẳng trụ, tu hạnh Bồ Tát, đầy đủ gốc đức. Ứng thời không được, nhất nhị tam nhẫn. Đối với Phật pháp, nếu không hiện chứng, quả bất thối chuyển, con thề quyết không, ở ngôi Chánh Giác. (46.- Nguyện được môn Tổng trì (Đà la ni). 47.- Nguyện nghe danh đặng pháp nhẫn. 48.- Nguyện hiện chứng quả bất thối chuyển)
Bồ Tát giới đệ tử Vận Thành Hạ Liên Cư pháp danh Từ Tế hội tập các bản dịch.
---------------------------------------
ĐẠI PHẬT ĐẢNH THỦ LĂNG NGHIÊM KINH
ĐẠI THẾ CHÍ BỒ TÁT NIỆM PHẬT VIÊN THÔNG CHƯƠNG
Hán dịch: đời nhà Đường Sa môn Thiên Trúc
BẤT LA MẬT ĐẾ
Việt dịch: Pháp Sư Minh Nhẫn
Ngài Đại Thế Chí Pháp Vương Tử, cùng với năm mươi hai vị Bồ Tát đồng tu pháp môn Tịnh Độ, liền từ chỗ ngồi đứng dậy, đảnh lễ dưới chân Phật, mà bạch Phật rằng: Con nhớ hằng hà sa kiếp trước, có đức Phật ra đời, danh hiệu là Vô Lượng Quang. Trong một kiếp có mười hai đức Như Lai kế nhau thành Phật, vị thành Phật sau cùng danh hiệu là Siêu Nhật Nguyệt Quang. Đức Phật kia chỉ dạy con pháp Niệm Phật Tam Muội. Thí như có người, một người chuyên nhớ, một người chuyên quên, hai người như thế, nếu có gặp nhau cũng như không gặp, dầu có thấy nhau cũng như không thấy. Nếu hai người đều tưởng nhớ nhau, cả hai người càng nhớ càng khắc sâu trong lòng. Như thế từ đời này cho đến đời khác, như hình với bóng, không cách xa nhau. Mười phương Như Lai, thương nhớ chúng sanh, như mẹ nhớ con. Nếu con bỏ trốn, tuy rằng tưởng nhớ chẳng có ích gì? Nếu con nhớ mẹ, như mẹ thường nhớ con, mẹ con đời đời kiếp kiếp không cách xa nhau. Nếu tâm của chúng sanh, nhớ Phật niệm Phật, hiện tiền hay tương lai, nhất định sẽ thấy được Phật, cách Phật không xa, không cần dùng phương pháp nào khác, thì tự tâm được khai ngộ. Như người ướp hương, thì thân có mùi thơm, ấy gọi là Hương Quang Trang Nghiêm. Pháp tu nhân địa của con là chuyên tâm niệm Phật, chứng nhập pháp Vô Sanh Nhẫn. Nay ở cõi Ta Bà này, rộng độ những người niệm Phật, vãng sanh về Tịnh Độ. Phật hỏi về chứng đắc viên thông, con không lựa chọn, đều nhiếp lục căn, tịnh niệm kế tiếp, được vào Tam Ma Địa, đó là thù thắng nhất.
-------------------------
TỬ
Học đạo chi nhân, niệm niệm bất vong thử tự,
tắc đạo nghiệp tự thành.
Thích Ấn Quang thư
Thời niên bát thập
Tạm dịch:
Người học đạo, niệm niệm không quên chữ TỬ này,
thì đạo nghiệp tự nhiên thành tựu.
Thích Ấn Quang viếtNăm 80 tuổi
SANH
Nhược sanh tây phương,
thứ khả dữ Phật quang thọ đồng nhất vô lượng vô biên hĩ.
Trí Sanh giám
Ấn Quang thư
Tạm dịch:
Nếu sanh về Tây Phương,
thì đồng với Phật quang thọ vô lượng vô biên
Trí Sanh giámẤn Quang viết
Nhận xét
Đăng nhận xét