Kinh Đại Thừa Vô Lượng Thọ_19
Lão Pháp sư Tịnh Không chủ giảng Biên dịch: Vọng Tây cư sĩ . - Biên tập: PT. Giác Minh Duyên
Thứ chín, Phật dạy niệm Phật “nghịch thuận thập tâm”, không hề dạy chúng ta phải niệm một vị Phật nào. Ngài dạy chúng ta “Niệm mười phương Phật”, cách niệm “mười phương Phật” như thế nào? Mười phương Phật chính là Phật A Di Đà. Phật Thích Ca Mâu Ni nói, mười phương tất cả chư Phật Như Lai đều niệm A Di Đà Phật. Chúng ta niệm A Di Đà Phật chẳng phải là niệm mười phương Phật sao. Nếu bạn không tin tưởng, ngày ngày đi lạy Vạn Phật Danh kinh, mỗi ngày đọc mười hai ngàn danh hiệu Phật, mệt chết người nhưng có đủ được mười phương Phật hay không? Mười phương chư Phật vô lượng vô biên, bạn mới niệm mười hai ngàn danh hiệu, như vậy còn sót lọt rất nhiều. Do đó xin thưa với các bạn, bạn chỉ niệm một câu A Di Đà Phật thì không sót một vị Phật nào, vì sao? Phật nói rất rõ ràng, mười phương ba đời tất cả chư Phật đều niệm A Di Đà Phật, cho nên bạn tụng kinh Vô Lượng Thọ là tụng hết tất cả kinh mà chư Phật đã giảng. Mười phương ba đời tất cả chư Phật, không một vị Phật nào không giảng kinh Vô Lượng Thọ, các kinh khác không nhất thiết giảng, chúng ta phải hiểu đạo lý này. Bộ kinh Vô Lượng Thọ giới thiệu thế giới Tây Phương Cực Lạc chính là khuyên chúng ta niệm Phật A Di Đà cầu sanh Tịnh Độ, chúng ta phải ở ngay chỗ này mà xây dựng tín tâm kiên cố.
Thứ mười, Phật dạy “Quán tội tánh không”, đây là trí tuệ chân thật. Chúng ta thường nói “Vạn pháp giai không” xin nói với các vị, tội nghiệp cũng là một trong vạn pháp, tội báo cũng là một trong vạn pháp, nó có phải là “không” không vậy? Nếu một không tất cả không, vậy tội của bạn chân thật được diệt. Phía trước tôi đã nói qua, sám hối thông thường có ba loại: phục nghiệp, chuyển nghiệp, và diệt nghiệp. Quán tội tánh không là diệt nghiệp sám. Ngay chỗ này chúng ta phải rất tỉ mỉ thể hội, hiểu sai ý nghĩa thì phiền phức sẽ rất lớn, cứ nghĩ là Phật nói quán tội tánh không nên không cần lo, làm tội nhiều cũng không hề hấn gì, vậy thì hỏng. Ngày nay bạn có quán không được không? Nếu quán không, việc đầu tiên, ngã không, nhân không, vạn pháp đều không thì mới được, có pháp nào không không thì tội nghiệp liền có, quả báo liền hiện tiền, vạn nhất không nên hiểu sai ý. Cho nên Phật đem câu nói này xếp ở sau cùng, chân thật bạn có thể niệm Phật đến lý nhất tâm bất loạn, cộng với quán tội tánh không mới được. Nói cách khác, bạn đã đoạn kiến tư phiền não, đoạn trần sa phiền não, phần phá vô minh, siêu việt mười pháp giới, vãng sanh Tây Phương là sanh cõi thật báo trang nghiêm, cõi Thường Tịch Quang, vậy mới có thể tu diệt nghiệp sám, tức là tiêu diệt tội nghiệp.
Thực tế mà nói, ở hiện tiền chúng ta, chuyển nghiệp sám là thù thắng nhất, cao minh nhất. Trường hợp của cư sĩ Lý Mộc Nguyên là chuyển nghiệp sám. Ông bị bệnh, đó là nghiệp báo nhưng ông có thể chuyển. Nếu ông có thể chuyển thì ta cũng có thể chuyển. Tôi nhớ ngày trước ở Singapore giảng kinh đã từng nói qua với các vị, tôi cũng đoản mạng. Rất nhiều người xem tướng đoán mạng cho tôi đều nói tôi không thể sống được 45 tuổi, cho nên tôi cũng chuyển nghiệp. Cả đời này tôi học Phật thì ngay đời này chuyển, đích thực có thể chuyển, thậm chí tôi chuyển còn nhẹ nhàng hơn Lý Mộc Nguyên. Đến nay ông vẫn còn mang chút bệnh nhưng tôi chỉ bệnh một tháng. Năm 45 tuổi, tôi đã bị bệnh hết một tháng, bởi vì tôi biết tuổi thọ đến rồi, tuy không có người nào nói với tôi. Cho nên tôi không tìm bác sĩ, cũng không uống thuốc, mỗi ngày ăn ít cháo lỏng với ít rau, chỉ niệm A Di Đà Phật chờ vãng sanh. Tôi niệm được một tháng thì hết bệnh, đó là chuyển nghiệp. Chúng ta đích thực có thể chuyển, chỉ cần chân thật chịu phát tâm.
Tóm lại Thế Tôn nói, nếu một người y theo lời răn dạy của Phật, tu “Nghịch thuận mười tâm”, nhận biết mười loại tâm thuận sanh tử, chúng ta thường gọi là tâm luân hồi, sau đó tu mười loại tâm đoạn nghiệp luân hồi thì sẽ siêu việt ba cõi sáu đường. Loại phương pháp tu hành này nhất định phải rất chăm chỉ nỗ lực, lúc đó tội nghiệp của chúng ta từ quá khứ cho đến đời này đều có thể sám trừ. Thực tế trong sáu đường, mỗi một chúng sanh từ quá khứ vô lượng kiếp đã không ác nào không làm, tạo tác tội nghiệp quá nhiều. Nếu không tạo tội nghiệp thì làm sao được cái thân này, làm sao có thể chịu quả báo này? Ngày nay chúng ta được thân này, thường hay sanh bệnh, chỗ nào vừa bị đau nhức là nghiệp báo hiện tiền, những nghiệp báo đều có nhân chính là nhân của đời quá khứ đã tạo. Cho nên hiểu tường tận thì từ rày về sau phải dùng ba nghiệp thân ngữ ý y theo răn dạy của Phật Đà.
Khi sám hối, nếu các vị không nhớ lời dạy của Phật, cũng không nhớ 20 điều tôi đã giảng mấy ngày nay thì vẫn còn một phương pháp rất đơn giản bao gồm cả 20 điều trong đó. Chính là niệm Phật, miệng niệm A Di Đà Phật, tâm tưởng A Di Đà Phật, thân lạy A Di Đà Phật, ba nghiệp của chúng ta đều cung kính A Di Đà Phật thì những buổi giảng vừa rồi của tôi toàn bộ thảy đều trong đó, rất có hiệu quả. Trong nhà cúng một tượng A Di Đà Phật, thường hay tưởng một vị Phật này, trong lòng của bạn liền có Phật. Chỉ cúng một vị, không nên thay đổi, giả sử bạn tưởng vị này rồi lại tưởng vị kia, đến khi lâm chung, rốt cuộc Phật A Di Đà hiện ra tướng gì để tiếp dẫn? Cho nên tốt nhất cả đời chỉ cúng một tôn tượng của Phật A Di Đà.
Khi tôi mới bắt đầu học Phật, có một vị lão cư sĩ tặng tôi một tượng Phật A Di Đà. Chính là tượng này trước mặt tôi đây, làm bằng sứ cũng rất nổi tiếng, từ đầu năm nhà Thanh đến nay đại khái cũng khoảng hơn 300 năm lịch sử. Hiện tại cúng tại Đài Loan, trong thư viện Hoa Tạng. Tôn tượng này rất hiếm, chúng ta thường đi khắp nơi, cho nên tôi đem tượng Phật thỉnh ra, chụp lại rồi in ấn số lượng lớn, khoảng một trăm mấy chục ngàn tấm, phân tặng cúng dường mọi người. Hiện tại đi đến bất cứ nơi đâu, tôi đều mang một cuộn, không luận nơi nào, tôi đều nhìn thấy tượng Phật này nên ấn tượng rất sâu. Mấy năm gần đây nhất, Đài Loan điêu khắc tượng Phật có tiến bộ. Họ chiếu theo kiểu dáng đó, khắc ra cho tôi một tượng cũng rất giống. Hiện tại Đài Loan đã có khoảng một hai trăm tượng, điêu khắc rất đẹp.
Cho nên thường hay tưởng Phật, không nên khởi vọng tưởng, không nên nghĩ thứ khác. Nghĩ thứ khác là tạo tội nghiệp, chúng ta ngày ngày tưởng Phật, niệm Phật, lạy Phật. Người trung niên trở lên hiện tại vận động quá ít, bước ra cửa là ngồi xe, ở nhà thì ngồi sa lon thoải mái, do ít vận động nên bộ máy cơ thể dần dần lão hoá, sanh ra bệnh tật. Lạy Phật là cách vận động tốt nhất, mỗi ngày lạy một trăm lạy, sáng sớm năm mươi lạy, buổi tối năm mươi lạy. Lạy Phật mang đến cơ hội vận động tốt mà không rời khỏi ba nghiệp cung kính, thân động tâm không động, tâm luôn tưởng Phật, nhớ Phật, niệm Phật, đó cũng là pháp sám hối thù thắng.
Những năm đầu nhà Thanh, Từ Vân Quán Đảnh là pháp sư có trước tác rất phong phú. Vạn Tục Tạng kinh, Nhật Bản, thu thập mấy mươi loại trước tác của ông, trong đó có một bộ sớ kinh Quán Vô Lượng Thọ Phật, chính là chú giải của kinh Quán Vô Lượng Thọ Phật. Trong đó ngài nói, tất cả chúng sanh tạo tội nghiệp ngũ nghịch cực trọng, bất cứ kinh luận sám pháp nào đều không cách gì sám trừ tội nghiệp. Tuy nhiên còn có một cách duy nhất, niệm A Di Đà Phật, có thể sám trừ tội nghiệp của bạn. Cho nên các vị muốn cầu sám hối, muốn cầu tiêu tai diệt tội thì pháp niệm “A Di Đà Phật” là hiệu quả nhất.
Lời nói của ngài hoàn toàn có căn cứ, không phải nói tùy tiện. Ngài chú giải kinh Quán Vô Lượng Thọ Phật, công án này ở ngay trong kinh Quán Vô Lượng Thọ Phật. Bạn xem, vua A Xà Thế nghe lời xúi giục của Đề Bà Đạt Đa, vốn là kẻ hay đố kỵ với thành tựu hoằng pháp lợi sanh của Thích Ca Mâu Ni Phật. Đề Bà Đạt Đa cũng rất thông minh, luôn tìm mọi cách phá hoại Phật pháp, trừ bỏ Thích Ca Mâu Ni Phật để tự mình thay thế vào. Lúc A Xà Thế còn là thái tử, bá đồ của Đề Bà Đạt Đa xúi giục A Xà Thế mưu hại đồng thời lật đổ ngôi vua của cha. A Xà Thế nhất thời hồ đồ đã giết phụ thân, hại mẫu thân, tự tấn phong mình lên làm quốc vương. Đề Đà Đạt Đa nói: “Ngài làm tân quốc vương, ta làm Phật, hai chúng ta hợp tác thống trị quốc gia”, từ đó ông tạo tội ngũ nghịch thập ác, giết cha hại mẹ, phá hòa hợp tăng, làm thân Phật ra máu. Tội nghiệp như vậy, cho dù tất cả pháp sám hối trong kinh luận của Phật cũng đều không cách gì có thể sám trừ. Đến lúc lâm chung, vua A Xà Thế mới hối hận, sám hối, một lòng niệm Phật cầu sanh Tịnh Độ. Ông thật đã được vãng sanh.
Cho nên pháp môn Tịnh Độ rất thù thắng. Tạo tội nghiệp ngũ nghịch thập ác phải đọa A Tỳ địa ngục, thế mà chỉ cần bạn chân thật sám hối, chân thật hồi đầu. Trong Đại Tạng kinh có một bộ A Xà Thế Vương kinh, Thích Ca Mâu Ni Phật giảng những sự tích trong đời của ông, ông vãng sanh phẩm vị tương đối cao, thượng phẩm trung sanh. Chúng ta nghe Phật nói mà không thể tưởng tượng được, phẩm vị cao như vậy khiến chúng ta phải sâu sắc cảm nhận, không dám khinh khi những người ác tạo tác tội nghiệp ở thế gian, vì sao? Đến lúc lâm chung họ có thể sẽ sám hối vãng sanh, phẩm vị còn cao hơn chúng ta. Do đó vãng sanh thế giới Tây Phương Cực Lạc có hai hạng người: một loại bình thường niệm Phật, đoạn ác tu thiện, tích công bồi đức, chín phẩm vãng sanh; còn một loại là khi lâm chung sám tội vãng sanh, phẩm vị vãng sanh của những người này không thể nghĩ bàn. Đấy là trường hợp vua A Xà Thế vãng sanh được ghi chép trong kinh.
Trong lịch sử Trung Quốc, việc vãng sanh của pháp sư Oánh Kha tuy chúng ta không biết ở phẩm vị nào nhưng có thể đoán phẩm vị nhất định không thấp. Đó là sám tội vãng sanh, chính mình chân thật biết được mình làm sai. Ông là một người không giữ thanh qui, không giữ giới luật, một người xuất gia tạo tội nghiệp, nhưng rất may là ông tin tưởng nhân quả báo ứng. Ông biết những gì mình đã làm, tương lai nhất định đọa địa ngục. Nghĩ đến địa ngục, ông liền lo sợ, đó là cái tốt của người này. Hiện tại có rất nhiều người khi nói đến địa ngục, họ không sợ, gan to như vậy ta không thể không bội phục họ. Oánh Kha nghĩ đến đọa địa ngục liền lo sợ. Ông thỉnh giáo các đồng đạo tìm biện pháp giúp. Một đồng đạo bèn đưa ông quyển “Vãng Sanh truyện”. Xem thấy những người niệm Phật vãng sanh trong “Vãng Sanh truyện”, ông rất cảm động, thế là chính mình hạ quyết tâm, đóng phòng lại, chỉ niệm A Di Đà Phật. Ông không ngủ, cũng không ăn, không uống, chỉ một mạch niệm A Di Đà Phật suốt ba ngày ba đêm. Quả nhiên niệm A Di Đà Phật thành tắc linh, Phật A Di Đà đến nói với ông rằng ông vẫn còn mười năm dương thọ, khuyên ông cố gắng tu học, sau mười năm, đến khi lâm chung, Phật sẽ đến tiếp dẫn. Pháp sư Oánh Kha nghe rồi liền yêu cầu với Phật A Di Đà: “Con biết tập khí của chính mình quá nặng, không cưỡng nổi mê hoặc, bên ngoài vừa dẫn dụ sẽ lại tạo tội nghiệp, cho nên dương thọ mười năm không cần nữa. Hiện tại con muốn đi theo ngài, nếu không thì trong mười năm tới không biết sẽ tạo thêm bao nhiêu tội nghiệp”. Phật A Di Đà nghe rồi, gật đầu nhận lời ông. Ngài hẹn sau ba ngày nữa sẽ trở lại tiếp dẫn. Việc này ông vô cùng hoan hỉ, liền mở cửa phòng báo với đại chúng trong chùa rằng ba ngày sau Phật A Di Đà sẽ đến tiếp dẫn ông vãng sanh. Người trong chùa nghi ngờ đầu óc ông có vấn đề, một con người xuất gia xấu đến vậy làm sao có thể vãng sanh? Tuy nhiên, mọi người vẫn chờ xem ba ngày sau thế nào. Đến ngày thứ ba, ông đi tắm thay bộ quần áo mới, chay giới thanh tịnh. Khi tụng khoá sớm, ông yêu cầu các đồng tu đưa tiễn, không tụng theo thời khoá thông thường mà tụng kinh A Di Đà, niệm A Di Đà Phật để tiễn ông. Các bạn đồng tu đương nhiên cũng rất hoan hỉ chỉ niệm A Di Đà Phật. Niệm đại khái khoảng một khắc, chừng mười lăm phút, pháp sư Oánh Kha quay ra nói với mọi người: “Phật A Di Đà đến rồi, từ biệt mọi người” ông liền đi.
Bạn xem, ông không hề có bệnh, chỉ niệm ba ngày ba đêm, thời gian không dài, vì sao ông có thể vãng sanh? Các vị thử nghĩ xem, ba ngày ba đêm này cùng với nguyên tắc trên kinh Vô Lượng Thọ đã nói là hoàn toàn tương ưng. Phát tâm Bồ Đề một lòng chuyên niệm A Di Đà Phật, Đại Thế Chí Bồ Tát nói “Gom nhiếp sáu căn, tịnh niệm liên tục” cũng hoàn toàn tương ưng. Ba ngày ba đêm một câu Phật hiệu không xen tạp, không hoài nghi, không gián đoạn, đích thực tịnh niệm liên tục, cho nên tội của ông đều tiêu hết, cảm được Phật đến tiếp dẫn.
Việc sám tội không thể không sám trừ, vấn đề là bạn có thật phát tâm hay không, có chân thật muốn sám hối hay không. Bạn phải học pháp sư Óanh Kha, chính mình tạo tội nghiệp không che giấu người, có dũng khí dám nói ra, biết lo sợ khi nghĩ đến địa ngục, và chân thật cầu sám hối. Ông đã thành công, trở thành tấm gương tốt cho chúng ta. Những bậc thánh nhân thế xuất thế gian như Khổng Lão Phu Tử còn dạy bảo chúng ta trong cuộc sống thường ngày, “Dĩ trực báo oán, dĩ đức báo đức”, huống hồ nhà Phật dạy chúng ta “Đại từ đại bi, oán thân bình đẳng”, đó là ở ngay trong cuộc sống tu pháp sám hối. Người khác đối tốt với ta, chúng ta phải tri ân báo ân. Hiện tại, vì sao người thế gian vong ân phụ nghĩa nhiều đến như vậy, vì họ không biết ân đức, nói lời khó nghe, không biết tốt xấu. Không những người thông thường khó phân biệt mà người nhận qua giáo dục cao đẳng, thậm chí nhận học vị tiến sĩ, có địa vị tương đối trong xã hội cũng không biết ân nghĩa, không biết cái gì gọi là ân đức, báo ân. Họ thấy lợi quên nghĩa, mặc dù làm việc rất ưu tú trong công ty, họ có năng lực nhưng khi bị công ty khác đến dụ dỗ mua chuộc với những lời hứa hẹn sẽ đãi ngộ tốt, họ liền bỏ bên này mà qua bên kia. Họ không biết rằng thân phận địa vị của mình hiện nay là do đâu mà có, do người ta mang đến cho bạn, sau khi bạn có rồi thì liền thấy lợi quên nghĩa, không biết ân đức, đó chính là tạo tác tội nghiệp.
Cho nên ngay đến thánh nhân thế gian cũng đều dạy chúng ta “Dĩ trực báo oán, dĩ đức báo đức”, chúng ta phải tri ân báo ân. Cho dù người khác hủy báng, nhục mạ, hay hãm hại chúng ta, chúng ta cũng dùng tâm thanh tịnh đối đãi với họ, đó là dĩ trực báo oán. Cái trực này chính là trực tâm mà nhà Phật nói, chính là chân thành cung kính. Chúng ta dùng tâm chân thành tâm cung kính đối với họ, đó là đạo lý làm người. Tuyệt đối không kết oán thù với người khác, phải biết sau khi kết oán thù, đời đời kiếp kiếp báo không cùng tận, tương báo lẫn nhau, không biết lúc nào mới kết thúc. Ngày nay người khác hủy báng, nhục mạ, hay hãm hại ta, đó là quả báo của chúng ta. Vì sao họ không huỷ báng người khác, không hãm hại người khác mà lại hãm hại ta? Nhất định trong đời quá khứ ta đã huỷ báng, hãm hại họ, nên ngày nay họ gặp lại ta, tương báo lẫn nhau thì phải nên tiếp nhận. Cái nợ này chẳng phải đã trả xong, ta không còn mang tâm oán hận, báo thù nữa, nợ này đến đây kết thúc. Cho nên chúng ta phải dùng tâm cung kính, chân thành để đối đãi với những người này, nợ liền trả xong. Không nên đời đời kiếp kiếp báo tới báo lui, thật phiền não. Đó mới chân thật là phương pháp thông minh trí tuệ mà đức Phật đã dạy. Không nên làm cho vấn đề trở nên phức tạp hơn, phải đem nó giải mở thoả đáng, viên mãn, chúng ta trên đạo bồ đề mới được thuận buồm xuôi gió, mới không có chướng ngại.
Kinh Phật còn nói “Ư nhất thiết xứ, nhi bất trụ tướng”, kinh Bát Nhã thường nói “Ly nhất thiết tướng, tức nhất thiết pháp”, không nên đem những pháp tướng này để trong lòng, đối với tất cả hiện tượng, không nên sanh ưa ghét. Thuận với ý mình, không nên có tâm tham ái; không thuận theo ý mình cũng không nên có tâm sân hận. Ở trong thuận cảnh hay nghịch cảnh, người thiện hay người ác, cứ tu tâm thanh tịnh, tâm bình đẳng của chính mình, đó gọi là thật tu hành. Cho nên đời sống chân thật hạnh phúc mỹ mãn là tâm an lý đắc, không luận ở bất cứ hoàn cảnh nào, tâm của bạn vĩnh viễn an định, vĩnh viễn không bị cảnh giới bên ngoài dao động. Người xưa Trung Quốc thường nói “Đạm bạc minh trí”, đời sống càng đơn giản thì càng khoẻ mạnh, then chốt nhất chính là tâm đại thanh tịnh, không nhiễm một trần.
Hiện tại thế gian này ô nhiễm rất nghiêm trọng, ô nhiễm trong tâm, ô nhiễm tinh thần, ô nhiễm tư tưởng, ô nhiễm kiến giải, vậy phải dùng phương pháp gì để phòng bị, phương pháp gì để đối trị? Phương pháp tâm thanh tịnh, tâm bình đẳng. Tâm địa chúng ta thanh tịnh thì không bị ô nhiễm, trước sau giữ gìn tâm thanh tịnh, giữ gìn tâm bình đẳng. Trong tâm bình đẳng, quan trọng nhất là oán thân bình đẳng, oán thân có thể bình đẳng thì tất cả những thứ khác đều bình đẳng. Hiện tại chúng ta là phàm phu, khi mới học, chúng ta sẽ bị ảnh hưởng từ hoàn cảnh, cho nên đối với hoàn cảnh không thể không xem trọng. Đến khi bạn chân thật có công phu thì hoàn cảnh sẽ không ảnh hưởng bạn. Việc này chính là phong thủy mà con người chúng ta thường hay nói đến. Phong thuỷ là gì? Là ảnh hưởng của hoàn cảnh. Nếu chúng ta muốn thân tâm an ổn, bình bình an an thì nơi hoàn cảnh của chúng ta ở phải bình.
Nếu các vị chịu lưu ý một chút, thời xưa Trung Quốc, người xưa xây một căn nhà, một nhà vườn tiếp nối nhiều đời. Nếu bạn thiết kế xây một căn nhà không duy trì được 300 năm thì người ta sẽ không mời bạn đến xây. Bạn xây dựng một ngôi nhà chí ít cũng phải sử dụng được 300 năm. Bạn làm một cái ghế chí ít phải có thể dùng được một trăm năm. Những đồ gia dụng của Trung Quốc hiện tại gọi là đồ cổ, không phải dùng vài ngày rồi đổi cái khác, làm gì có chuyện xa xỉ vậy. Bạn có phước báu bao lớn, cho nên người Trung Quốc rất xem trọng hoàn cảnh nơi ở, biết xây dựng nhà phải tứ bình bát ổn. Người ở trong đó thân tâm yên ổn. Chúng ta thấy nhà cửa của người nước ngoài không như vậy, nhà ở nước ngoài rất kỳ lạ, đặc biệt có rất nhiều đầu nhọn, như vậy người ở trong đó tâm sẽ không bình. Cho nên người nước ngoài ở một vài năm thì họ bán nhà dọn đi, như dân du mục, họ không có gốc, không có cố hương. Còn người Trung Quốc có cố hương. Người nước ngoài ở một nơi hiếm khi qua được 5 năm, thường thì hai ba năm là họ dọn nhà. Hiện tại một số người Trung Quốc trẻ tuổi làm nghề xây dựng cũng học người ngoại quốc xây nhà một cách kỳ lạ, cho nên người ở trong đó có tâm cũng kỳ kỳ quái quái, như vậy xã hội đó làm sao có thể an ổn? Nếu Phật Bồ Tát ở thì không vấn đề gì, các ngài không bị ảnh hưởng, nhưng phàm phu chúng ta bị hoàn cảnh ảnh hưởng, cái hoàn cảnh hiện tại nhà khoa học gọi là từ trường. Họ bị từ trường ảnh hưởng, việc này chúng ta không thể không chú ý.
Cho nên các vị muốn mua nhà, căn nhà phải được xây dựng bình ổn, không nên có quá nhiều góc cạnh, góc nhiều thì phiền não lớn, nhà ở không là hình vuông mà phải là hình chữ nhật, hình tròn cũng được, không nên có góc. Rất nhiều nhà của nước ngoài, chỗ cửa cái bị cắt đi một góc, loại nhà như vậy người ở trong đó không quá một trăm ngày, nhất định sẽ nghĩ tưởng xằng bậy. Cho nên căn phòng đó chỉ nên làm phòng khách, vạn nhất không nên ở vì nếu ở nhất định sẽ khởi vọng tưởng. Phải chánh đại quang minh, qui củ trật tự, giảng đường phải là hình chữ nhật, không nên cắt đi một góc. Chúng ta còn bị ảnh hưởng của hoàn cảnh nên phải chọn lựa hoàn cảnh tốt, chọn lựa thức ăn khoẻ mạnh. Ăn uống không cần nhiều, không nên nhiều màu sắc cũng không cần phải cao quí bổ dưỡng gì. Đồ bổ cao quí là bổ cho người khác nhưng chịu thiệt ở nơi mình. Mình cực khổ kiếm tiền mua những thứ này để họ kiếm lời to, và phát tài. Khi mang về, thực tế đều là giả. Tổ yến nơi đây giá tiền rất cao, nhưng có dinh dưỡng hay không? Không hề có. Chưng một tổ yến với đường phèn nhưng thực tế dinh dưỡng nằm ở đường phèn, như vậy chẳng phải tiền của bạn đã bị người gạt đi mất. Cuối cùng bổ cho người bán tổ yến. Người hiện tại chúng ta phần lớn thích nghe gạt, không thích nghe khuyên. Khuyên thì bạn không tin, lừa gạt thì bạn tin. Báo chí tạp chí đăng quảng cáo cũng toàn là gạt người. Cho nên đời sống càng đơn giản bình dị càng tốt, tâm địa thanh tịnh, ăn uống giản dị đơn sơ, khỏe mạnh sống lâu.
Chúng ta hy vọng được khoẻ mạnh sống lâu thì nhất định phải hiểu phương pháp tu học. Muốn trải qua đời sống khoẻ mạnh sống lâu thì danh lợi phải càng đạm bạc, dưỡng tâm càng thanh tịnh. Kinh nói, nếu ở mọi nơi, đi đứng nằm ngồi thuần nhất chánh tâm, luôn giữ gìn tâm địa thanh tịnh bình đẳng, thì đó chính là đạo tràng bất động, là Tịnh Độ chân thật, “tâm tịnh thì cõi nước tịnh”. Tịnh Độ chân thật chính ở ngay tâm. Hiện tại bạn ở Tịnh Độ, tương lai khi xả báo thân, nhất định vãng sanh Tịnh Độ Di Đà. Cái Tịnh Độ này cùng Tịnh Độ kia cảm ứng. Có thể giữ nguyên tắc kinh Kim Cang nói “Bất thủ ư tướng, như như bất động”, ngoài không dính mắc, trong không động tâm, đó gọi là nhất tướng Tam Muội. Trong cảnh giới phải bình đẳng, trong thuận cảnh không khởi ưa thích, tâm bình lặng; trong nghịch cảnh không khởi sân hận. Cảnh giới dù thuận hay nghịch, bạn đều có thể giữ được tâm thanh tịnh, bình đẳng, đó chính là “Nhất tướng Tam Muội, nhất hành Tam Muội”.
Trên kinh Phật nói, hạt giống nếu được gieo vào đất tốt, thổ nhưỡng phì nhiêu, hạt giống nhất định bám rễ nẩy mầm, tươi hoa kết trái. Thí dụ này là dành cho người tu hành chúng ta. Bạn phải tuân thủ kinh giáo của Phật, đem những đạo lý, những phương pháp này ứng dụng trong đời sống. Đạo lý trong kinh Phật là đạo lý làm người, đạo lý làm việc, những đối nhân xử thế tiếp vật. Những đạo lý này có liên quan mật thiết với đời sống hiện thực của chúng ta, không hề tách rời nhau. Bạn học rồi thì bạn lập tức có thể dùng ngay trong cuộc sống. Còn nếu đã học mà không thể dùng thì chúng ta học nó để làm gì, Phật làm sao có thể được gọi là trí tuệ viên mãn? Thế gian không ít người có trí tuệ, có học vấn, đã giảng cho chúng ta nghe rất nhiều đại đạo lý. Thế nhưng những đại đạo lý này không liên quan gì với đời sống, không dùng được, đó gọi là huyền đàm thuyết diệu.
Vào thời đại Nguỵ Tấn Nam Bắc triều, “Thanh Đàm”, không hợp với đời sống, tuy nói rất huyền diệu, rất cao nhưng người học không dùng được thứ nào, đó không phải là trí tuệ cứu cánh viên mãn. Trí tuệ cứu cánh viên mãn là dạy cho tất cả chúng sanh, sau khi học xong liền được lợi ích, liền có thể dùng được ngay. Phật là trí tuệ cứu cánh viên mãn. Những gì Phật giảng trong tất cả kinh, nếu tách rời với đời sống của chúng ta, ăn mặc đi đứng của chúng ta thì những kinh điển này của Phật không thể được gọi là trí tuệ cao độ. Chỗ này chúng ta phải đem bản chất của Phật pháp nhận biết cho tường tận, sau đó mới biết được Phật pháp có quan hệ gì với chúng ta, và vì sao phải học nó.
Ngày trước đại sư Âu Dương nói rất hay “Phật pháp là thứ đời nay cần đến”, “cần đến” chính là không thể thiếu được. Mỗi một người đều không thể thiếu, không luận bạn là nam nữ già trẻ, bạn trải qua đời sống như thế nào, bạn từ công việc nghề nghiệp nào, thảy đều cần đến, không có ai ngoại lệ, thậm chí người học các tôn giáo khác cũng không thể rời khỏi. Nếu bạn rời khỏi thì bạn sẽ không học được thứ gì, còn nếu bạn học được thì đó là trí tuệ chân thật cứu cánh viên mãn. Chỉ có trí tuệ chân thật cứu cánh viên mãn mới có thể mang lại cho bạn một đời hạnh phúc chân thật. Món quà tốt đến vậy, nếu chúng ta không chăm chỉ học tập, đó chẳng phải là tự cam đọa lạc hay sao? Vậy đâu phải là người thông minh? Làm gì là người có trí tuệ?.
Chúng ta học Phật, thấu suốt lợi ích chân thật của Phật pháp thì cũng nên giới thiệu cho bạn bè thân thích, những người mà chúng ta thường hay tiếp xúc để cùng hưởng với họ. Đem công đức lợi ích thù thắng của Phật pháp giới thiệu cho họ chính là độ chúng sanh, là lợi ích chúng sanh. Mọi người đều có thể y theo Phật pháp mà tu học, xã hội chúng ta liền thái bình, đời sống phồn vinh hưng vượng. Cho nên lợi tha sau cùng vẫn là tự lợi, ta giúp đỡ mọi người, mọi người giúp đỡ ta, cùng nhau tạo thành một xã hội mỹ mãn, an định, phồn vinh, giàu có, mọi người cùng nhau hưởng thụ. Đó là lợi ích hiện tiền của Phật pháp. Lợi ích hiện tiền mà chúng ta không hưởng thụ được, vậy nếu nói, đợi đến tương lai sẽ càng thù thắng hơn, thì ai có thể tin tưởng được? Hiện tiền được lợi ích, về sau loại lợi ích thù thắng đó chúng ta mới có thể tin được, mới có thể tiếp nhận.
(Còn tiếp ...)
KINH ĐẠI THỪA VÔ LƯỢNG THỌ TRANG NGHIÊM THANH TỊNH BÌNH ĐẲNG GIÁC
Lão Pháp sư Tịnh Không chủ giảng
Biên dịch: Vọng Tây cư sĩ
Biên tập: PT. Giác Minh Duyên
Lão Pháp sư Tịnh Không chủ giảng
Biên dịch: Vọng Tây cư sĩ
Biên tập: PT. Giác Minh Duyên
Nhận xét
Đăng nhận xét