Phật Pháp Viên Dung Không Chướng Ngại

Lão Pháp Sư Tịnh Không chủ giảng
Địa điểm: Báo Ân Đường Tịnh Tông Học Hội Singapore. Thời gian: Tháng 8 năm 2001
Cẩn dịch: Vọng Tây cư sĩ, Viên Đạt cư sĩ. Biên tập: Phật tử Diệu Hiền

Xin chào chư vị đồng tu, chào quí vị. Xin mời khoa hội kinh A Nan Hỏi Phật Việc Tốt Xấu ra, trang hai mươi, xem từ hàng thứ tư của kinh văn: “A Nan phục bạch Phật ngôn, mạt thế đệ tử, nhân duyên tương sanh, lý gia chi sự, thân khẩu chi lụy, đương vân hà, thiên trung thiên”.

Kinh văn đến chỗ này, là đoạn lớn thứ tư của bản kinh, cũng chính là A Nan nêu ra vấn đề thứ tư, Phật giải đáp cho Ngài. Vấn đề mà A Nan hỏi đến đều là vấn đề bức thiết trước mắt chúng ta cần phải biết. Cho nên Ngài đã thay chúng ta nêu ra câu hỏi, Thế Tôn khai thị cho Ngài, giải thích cho Ngài, có thể nói tất cả là giảng cho chúng ta vậy. Chúng ta hãy thể hội thật kỹ, học tập thật kỹ, sẽ vô cùng lợi ích đối với chúng ta trong đời này.

Chúng ta xem kinh văn. Ở trong khoa đề mọi người thấy rất rõ ràng, đoạn này là nghi pháp mâu thuẫn. Pháp tức là Phật pháp, Phật pháp mâu thuẫn với đời sống thực tế chúng ta, sau khi học Phật rồi không dùng được vào trong đời sống thường ngày, có phải tình trạng như vậy không? Ở chỗ này, Phật đã giải đáp cho chúng ta rồi. Trong kinh văn nói: “Mạt thế đệ tử”, mạt thế là chỉ thời mạt pháp của Phật, chính là thời điểm này của chúng ta hiện nay. Mọi người đều biết, pháp vận của Thích-ca-mâu-ni-Phật tổng cộng là 12.000 năm. Từ sau khi Phật diệt độ, một ngàn năm đầu tiên là thời kỳ chánh pháp, một ngàn năm thứ hai là thời kỳ tượng pháp. Phật giáo truyền vào Trung Quốc là thời kỳ đầu tượng pháp, cũng tức là Thế Tôn diệt độ một ngàn năm thì Phật giáo truyền vào Trung Quốc. Thời kỳ mạt pháp có 10.000 năm. Căn cứ lịch sử Trung Quốc ghi chép, trước đây, lão hòa thượng Hư Vân, các trưởng lão thế hệ này của các Ngài, đối với niên đại mà Phật diệt độ vô cùng quả quyết, Ma Đằng Trúc Pháp Lan, lúc các Ngài đến Trung Quốc thuyết pháp, Phật-Thích-ca-mâu-ni ra đời, tương đương với năm thứ 24 Châu Chiêu Vương Trung Quốc, diệt độ vào năm thứ 52 thời Châu Mục Vương. Cách nói này có thể nói là từ triều Hán mãi đến triều Thanh, tuy có rất nhiều cách nói khác nhau, nhưng vẫn lấy cách nói này làm truyền thống. Nếu như theo cách nói này thì Phật-Thích-ca-mâu-ni diệt độ đến hôm nay là hơn 3020 năm rồi, không giống như người thông thường trên thế giới nói là hơn 2500 năm. Thế hệ già Trung Quốc vẫn quả quyết như vậy. Người nước ngoài nói như thế nào chúng ta cũng không cần tranh luận, đâu có nhiều thời gian để đi làm những chuyện này. Nhưng nhiều cách nói khác nhau nó cũng có y cứ, có y cứ là tốt rồi. Niên đại muốn ai làm cho rõ, thì chỉ có Phật-Thích-ca-mâu-ni sống trở lại mới biết. Không cần nói niên đại của Phật quá xa truy không rõ ràng, mà tổ tiên ba đời trong nhà chính chúng ta cũng truy không rõ nữa là. Người nào trong nhà có thể đem niên đại, ngày sinh của ông cố, ông nội truy rõ ràng được? Ngay như bản thân chúng ta, ngày sinh của chính chúng ta, người Trung Quốc nói năm, tháng, ngày, giờ. Cái năm, tháng, ngày đó có lẽ còn không quá lầm lẫn, nhưng giờ thì có vấn đề lớn. Tuổi tác cao một chút, vào một thế kỷ trước, thông thường nông thôn Trung Quốc đều không có đồng hồ, đều là dựa vào kinh nghiệm để ước tính là đại khái vào lúc nào. Chữ đại khái đó đã có rất nhiều vấn đề rồi! Cho nên những khảo cứ này, có một số là cần thiết, có một số là không cần thiết. Cho nên người Ấn Độ không coi trọng lịch sử, người thổ dân Úc Châu cũng vốn không coi trọng lịch sử, họ nói cái thứ này phải nhớ nó để làm gì? Cho nên họ đối với những sự việc này, hoàn toàn không có tranh luận.

Vậy chúng ta hôm nay nói đến mạt pháp, bất kể là nói như thế nào, thì hiện nay cũng là thời kỳ mạt pháp. Sau khi Phật diệt độ 2.000 năm đều là thời kỳ mạt pháp. Mạt pháp có 10.000 năm. Tức là dùng cách nói của người Trung Quốc thì mạt pháp còn có 9.000 năm. Những tôn giáo khác nói ngày tận thế, nhưng ở trong Phật pháp chúng ta không có, chúng ta còn có 9.000 năm mà! Chín ngàn năm, thời gian dài như vậy, cái thế gian này quả thật có bình, có loạn. Phật pháp có hưng, có suy. Suy đến cực điểm nhất định sẽ dần dần phục hưng, hưng cực điểm nó nhất định sẽ suy thoái. Nó có sự tuần hoàn mang tính chu kỳ. Đây dường như là định luật của tự nhiên, ở trong đây có đạo lý rất sâu. Chúng ta tiếp nhận kinh điển của Phật, thời gian huân tập đã lâu rồi thì đối với những đạo lý này cũng sẽ dần dần sáng tỏ, hiểu rõ thôi. Ở trong đây nhân tố chủ yếu vẫn là như thánh nhân thế xuất thế gian thường hay nói: tập nhiễm, bị nhiễm bởi tập khí. Tại sao bị suy vậy? Là do bị tiêm nhiễm bởi tập khí xấu. Suy đến cực điểm rồi thì con người sẽ tỉnh trở lại, giác ngộ rồi, cứ tiếp như vậy là không được, cho nên mới quyết tâm, nghĩ cách đoạn ác tu thiện, như vậy lại hưng thịnh trở lại. Hưng đến cực điểm rồi, huân nhiễm thiện hưng đến cực điểm rồi, vậy lại biến thành hồ đồ ngay. Phước báo quá lớn rồi, hưởng lâu rồi thì hưởng hồ đồ thôi! Hồ đồ lại tạo nghiệp rồi. Đạo lý nó tuần hoàn như vậy.

Đến khi nào nhảy ra khỏi vòng tuần hoàn này vậy? Tuần hoàn chính là luân hồi, chính là định luật nhân quả. Cho nên ở trong tất cả kinh luận Phật dạy chúng ta, thoát khỏi cái vòng tuần hoàn này bạn sẽ được đại tự tại. Hai bên thiện ác đều buông xả, cái gọi là việc tốt không bằng không việc. Không việc không phải không làm việc. Nếu như quí vị nghe những lời này, nếu phát sinh hiểu lầm, cứ giải thích theo mặt chữ, vậy thì oan cho Phật rồi! Cái này gọi là: “Y văn giải nghĩa, tam thế Phật oan”, quá khứ, hiện tại, vị lai ba đời chư Phật đều bị hàm oan cả, bạn không hiểu được ý của các Ngài. Việc tốt không bằng không việc là vẫn thường phải đoạn ác tu thiện, làm một cách rất tích cực. Thế chẳng phải họ có việc đó sao? Họ không việc. Sao gọi là không việc vậy? Là không để ở trong tâm, ở trong tâm không việc, cái này thì cao siêu! Có việc và không việc là một chẳng phải hai. Chúng ta thì đem có việc và không việc chia thành hai phần, cho nên không phải là ý của Phật. Ý của Phật mãi mãi không có đối lập, muôn sự muôn pháp không có đối lập, vậy mới gọi là giác ngộ. Ở trong tâm hoàn toàn không có việc, tại sao vẫn phải đoạn ác tu thiện vậy? Để giáo hóa tất cả chúng sanh, “chúng sanh vô biên thệ nguyện độ”. Trong cảnh giới của bản thân Phật, thiện ác đã không còn nữa, không trụ hai bên, buông luôn trung đạo. Đây là cảnh giới của pháp thân Bồ-tát, hà tất vẫn phải làm thiện ác, vẫn phải đoạn ác tu thiện nữa vậy? Chỉ là diễn tuồng thôi! Biểu diễn cho những chúng sanh mê hoặc điên đảo thấy, để họ giác ngộ. Họ chấp tướng cũng có cái tốt, không đọa ba đường ác. Họ không chấp tướng thế lại càng tốt, vậy là có thể vào pháp giới Bồ-tát rồi. Đây gọi là đại từ đại bi.

Đại từ đại bi là chúng ta gọi, Phật, Bồ-tát có ý nghĩ đại từ đại bi gì không vậy? Không có. Chúng ta ngày nay nói là chân thành, thanh tịnh, bình đẳng, chánh giác, từ bi. Phật, Bồ-tát có những ý nghĩ này không? Không có. Nếu có cái ý nghĩ này thì họ vẫn là phàm phu. Cái ý nghĩ này khởi lên là đệ nhị nghĩa, không phải đệ nhất nghĩa. Đệ nhất nghĩa là chân lý: “Dứt đường ngôn ngữ, bặt dấu tâm hành”, đây là đệ nhất nghĩa. Pháp thân Bồ-tát hằng luôn trụ đệ nhất nghĩa. Chúng sanh có cảm các Ngài liền có ứng, tùy loại hóa thân, tiếp xúc với tất cả chúng sanh, thế chỉ có dùng đệ nhị nghĩa, đệ tam nghĩa. Nhưng đệ nhất nghĩa, đệ nhị nghĩa, đệ tam nghĩa vẫn là một nghĩa, đâu có nhiều như vậy. Chỗ các Ngài nói là một nghĩa, đến phàm phu nói nó thành vô lượng nghĩa. Trong kinh Hoa Nghiêm thường nói: “Vô lượng tức một, một tức vô lượng”. Nếu như chúng ta nâng mình lên đến đệ nhất nghĩa, thì công đức của chúng ta đã viên mãn rồi.

Chúng ta muốn hỏi có thể làm được không? Có thể làm được. Nếu như việc mà người thế gian chúng ta đây làm không được, thì Phật dứt khoát không nói những lời này. Phật nói ra những lời này là Ngài có lỗi. Người thế tục chúng ta nói lời đầu lưỡi, bạn hoàn toàn không thể làm được, bạn hoàn toàn không thể khế nhập vào cảnh giới này, nói với bạn chẳng phải uổng công, nói với bạn há chẳng phải tự khoe khoan mình, khinh mạn người khác hay sao? Phật đâu có loại tâm hạnh này. Từ đó cho thấy, những điều Thế Tôn đã nói trong 49 năm, tất cả đạo lý, tất cả phương pháp, tất cả cảnh giới đều là cái mà chúng ta có thể làm được. Thế tại sao chúng ta làm không được vậy? Buông không được thôi. Điều này trước đây đại sư Chương Gia nói với tôi: “Con buông xả là làm được ngay”. Phật pháp là cứu cánh viên mãn lý và sự, lý sự vô ngại, sự sự vô ngại, làm gì có chuyện chống đối nhau? Nếu như có chống đối thì dứt khoát không phải Phật pháp. Cũng tức là có chướng ngại là không phải Phật pháp, Phật pháp là pháp vô chướng ngại.

Nhưng chúng ta ngày nay, trên thực tế mà nói, có chướng ngại, đâu đâu cũng là chướng ngại. Từ đó cho thấy, đây không phải Phật pháp. Dứt khoát không được cho rằng Phật pháp có chướng ngại với thế pháp, không phải vậy. Phật pháp không chướng ngại, chướng ngại tại một bên thế pháp này thôi, thế pháp có chướng ngại với Phật pháp. Phật pháp có lợi, không chướng ngại với thế pháp. Hai câu nói này quí vị phải hiểu. Sao gọi là thế pháp vậy? Khởi tâm động niệm là thế pháp. Sao gọi là Phật pháp vậy? Không khởi tâm, không động niệm là Phật pháp.

“A Nan phục bạch Phật ngôn”. Chữ phục này chính là một lần nữa, vì ở phía trước Ngài đã nêu ra ba vấn đề rồi, đây là vấn đề thứ tư. Thời kỳ mạt pháp, đặc biệt là chỉ đệ tử Phật (đệ tử Phật bao gồm tại gia và xuất gia) “nhân duyên tương sinh”, bốn chữ này một câu này, là hỏi nghĩa ở trong đó. Ở trong kinh Phật thường nói: “Vạn pháp nhân duyên sanh”, đây là nói việc thiện ác, chúng ta không bàn đến vô ký, vì quả báo của vô ký rất nhẹ, người thông thường cũng không có cố ý. Quả báo thiện ác rất nghiêm trọng, chúng ta rất lưu ý, cho nên chúng ta chỉ nói đến việc thiện ác, đều là do nhân duyên tương sanh. Nhân duyên của thế gian kết nên quả báo của thế gian, nhân duyên của xuất thế gian kết nên quả báo của xuất thế gian. Hàm nghĩa của mấy câu nói này rất rộng, rất sâu. Thật sự hiểu rõ rồi, chúng ta căn cứ cái đạo lý này để giải quyết sự rối ren của việc thế gian, sẽ dễ dàng thôi.

Ngày nay chúng ta nhìn thấy tình trạng hỗn loạn của toàn thế giới, có số ít người tri thức đều có thể cảm nhận được rất rõ rệt là xã hội này có nguy cơ, thiên hạ không thái bình; mạng sống, tài sản không có đảm bảo. Chúng ta nhìn thấy trong truyền hình kỳ quan động vật, bạn thấy những động vật nhỏ đó mỗi ngày đi tìm thức ăn, không biết sẽ bị người ta bắt ăn thịt vào bất cứ lúc nào. Kẻ mạnh hiếp yếu. Nguyên nhân do đâu vậy? Nhân duyên tương sanh. Cái thế gian này tại sao loạn như vậy? Tại sao chúng ta lại khổ như vậy? Không có gì khác, trong đời quá khứ đã tạo ác nghiệp. Người hiểu rõ sẽ không oán trời, không trách người. Tuy tôi thường hay nhớ về quê hương, đây là chuyện thường tình của con người, đặc biệt là đã lưu lạc ở hải ngoại đã 60 năm rồi, hơn 60 năm rồi, đâu có đạo lý nào mà không nhớ nhà chứ! Không nhớ nhà, đó không phải là con người rồi. Hôm nay tại sao không về được vậy? Tại sao có nhiều người cản trở như vậy? Tôi hiểu rõ, chúng ta chưa chứng quả, chưa có thần thông nên không biết nghiệp nhân của quá khứ, nhưng đời này thì biết, khi còn tuổi trẻ ngu muội không biết, đã tạo nên việc sát sanh quá nhiều rồi. Tôi năm 16, 17, 18 tuổi, ba năm này thích đi săn, mỗi ngày đều mang súng săn, ngày nào cũng có thú rừng mang về. Đây chính là quả báo của tôi. Tôi đi săn, giết hại biết bao chúng sanh, đã chia rẽ biết bao gia đình. Hôm nay tôi muốn trở về, biết bao nhiêu người không muốn cho tôi về, đây là quả báo đi săn của tôi. Tôi hiểu rõ, tôi biết. Nếu tôi không học Phật, không hoằng pháp lợi sanh, quả báo của tôi sẽ là tam đồ địa ngục. Ngày nay rất nhiều người cản trở tôi là tội nặng quả báo nhẹ. Tôi không oán trời trách người, vì tôi biết nhân duyên tương sanh. Cho nên ngày hôm nay, tôi gắng tu để bù đắp lỗi lầm. Tôi nhìn thấy muỗi kiến, tôi đều chắp tay Bồ-tát kiến, Bồ-tát muỗi, tôi không dám coi thường nữa. Con người không phải thánh hiền, ai mà chẳng có lỗi! Lỗi mà biết sửa thì không gì thiện bằng. Tôi sửa lỗi được, tôi sửa rất nhanh. Trước đây, người chấm tử vi, xem tướng thông thường, ngay cả Phật sống Cam Châu cũng đều nói thẳng với tôi, tôi đoản mạng, không có phước, lại đoản mạng. Do học Phật, học Phật lại chuyên tâm đi làm công việc hoằng pháp lợi sanh này, ngài Cam Châu nói: “Vận mạng của thầy đã được chuyển rồi. Không những thầy có phước báo, mà còn có thọ mạng rất dài”. Đây là vị Lạt-ma Tây Tạng, rất thâm tình với tôi. Ngài đại khái lớn hơn tôi mười mấy tuổi, chưa đến hai mươi tuổi, gần hai mươi tuổi. Tôi lúc đó 26 tuổi, ông đã hơn 40 tuổi.

Cho nên một người không thể không tin nhân quả. Nhân quả là định luật thế xuất thế gian, là chân lý. Chúng ta tu nhân xuất thế, nhất định đạt được quả báo thoát khỏi luân hồi, thoát khỏi mười pháp giới. Chúng ta thật sự thể hội được cái đạo lý này rồi, chúng ta ở ngay trong đời này, tất cả những oan thân trái chủ này đố kỵ chúng ta, giận dữ chúng ta, miệt thị chúng ta, sỉ nhục chúng ta, hãm hại chúng ta, chúng ta đều phải vui vẻ tiếp nhận, không hề mảy may có tâm oán hận, không hề mảy may có tâm báo thù. Tại sao vậy? Vì trước đây ta đã đối xử với họ như vậy, ngày nay mới gặp họ đối xử với ta như thế. Tại sao họ không đối xử với người khác, mà chỉ đối xử với ta vậy? Ta có hiềm khích với họ, họ không có hiềm khích với người khác, ta vui vẻ tiếp nhận thì cái nợ này sẽ hết, trả hết rồi, tương lai gặp lại nhau là bạn tốt, không nên oan oan tương báo. Tôi hiểu rõ cái đạo lý này, cho nên nhiều năm nay, tâm địa mỗi ngày một thanh tịnh hơn, mỗi ngày một lương thiện hơn. Mục tiêu của chúng tôi là tu đến thuần tịnh, thuần thiện. Chịu nổi sự khảo nghiệm, thuận cảnh không khởi tâm, không động niệm; nghịch cảnh cũng không khởi tâm, không động niệm; thiện duyên, ác duyên vẫn không khởi tâm, không động niệm, đây chính là phương pháp tu học thuần tịnh thuần thiện, cũng chính là điều mà trong kinh Hoa nghiêm đã nói: “Lý sự vô ngại, sự sự vô ngại”. Phương pháp tu học của cảnh giới đó, tôi thực hành điều này. Chúng ta ở trong một đời này, muốn cầu thành tựu chân thật, sau này có gặp lại những oan thân trái chủ này, chúng ta giúp đỡ họ một cách chân thành nhiệt tâm, giúp đỡ họ thoát khỏi sanh tử luân hồi, giúp đỡ họ viên thành Phật đạo, không những không còn tâm oán hận, mà còn tràn đầy lòng cảm ơn.

A Nan thay cho tứ chúng đệ tử chúng ta hỏi một vấn đề rất quan trọng. Chúng ta đã sống trên thế gian này thì phải doanh trị sanh kế. Doanh là kinh doanh, trị là xử lí trong đời sống thường ngày của chúng ta, vậy thì làm sao có thể thành Phật, học Phật được đây? Bạn thử nghĩ xem cái vấn đề này, có biết bao nhiêu người đều có cái vấn đề này. Chúng tôi đã bị người ta hỏi vô số lần rồi, tương lai gặp có người hỏi lại, chúng ta sẽ biết cách trả lời như thế nào rồi, cho nên nêu ra cái vấn đề này. Nhân duyên tương sanh, bốn chữ này là đại đạo lý. Như vậy chúng ta thấy xã hội, người trong xã hội, đặc biệt là xã hội hiện nay, chủ trương cạnh tranh, vậy thì có nguy không? Cạnh tranh chắc chắn là tổn người lợi mình, tổn người lợi mình thì nhất định là kết oán thù với người ta, bạn xâm chiếm lợi ích của người khác. Cái oán này càng kết càng sâu, sẽ phiền phức to rồi. Tâm lý trả thù càng ngày càng mạnh, nhất định hình thành đời đời kiếp kiếp, oan oan tương báo. Dứt khoát không được cho rằng, ta hại người khác chẳng có sao cả, ta giết người cũng không sao, không có cái đạo lý này.

Trước đây, khi tôi viếng thăm Bắc Kinh, tôi gặp lão cư sĩ Hoàng Niệm Tổ ở tại khách sạn, cũng có một số bạn bè đến thăm tôi. Có một số người, cha anh của họ là sĩ quan, tuổi tác cao rồi, nhờ họ đến hỏi tôi, xin một xâu chuỗi. Tôi hỏi để làm gì? Trước đây giết người quá nhiều, bây giờ hối hận rồi, niệm Phật siêu độ. Rất tốt! Đây chính là hồi đầu thị ngạn. Đương thời trẻ tuổi tòng quân giết người không biết sợ hãi, khi về già thì hối hận rồi. Con người có lương tâm, lương tâm nhận thấy bạn giết hại nhiều người, bạn dùng thủ đoạn rất tàn bạo, hung hãn cay độc. Vào thời điểm này phước báo nhiều đời nhiều kiếp của bạn hiện tiền, phước báo của bạn đang ở đó chống đỡ, người đó không cách gì chống lại bạn, đợi đến khi phước báo của bạn hưởng hết rồi, vận của bạn suy rồi, họ sẽ đến trả thù. Họ đến trả thù còn tàn nhẫn hơn tâm của bạn, thủ đoạn còn tàn ác hơn bạn, đây là đạo lý nhất định. Cho nên chúng ta không thể không quay đầu, không thể không sám hối. Nhất định phải hiểu rõ, đương thời vào lúc đó ngu muội không biết, hoặc giả là nghe người khác xúi quẩy, mình không có năng lực kháng cự. Bạn ở trong quân đội phải phục tùng cấp trên, cấp trên truyền mệnh lệnh xuống bảo bạn giết người, bạn không thể không giết. Điều này chúng tôi đã giảng ở phía trước rồi, bạn chấp hành mệnh lệnh, tâm địa từ bi thì cái tội của bạn sẽ rất nhẹ. Ta không nhẫn tâm giết họ, quả thật là không còn biện pháp, phải cầu nguyện cho họ. Giống như người niệm Phật của chúng ta nhìn thấy ở trên đường có một số động vật nhỏ bị xe hơi cán chết, chúng ta đều biết chắp tay niệm Phật, niệm tam quy y cho nó, cầu nguyện nó niệm Phật cầu sanh Tịnh-độ, phải có tâm như vậy.

Phía dưới nói rất rõ ràng: “Lý gia chi sự, thân khẩu chi lũy”. Thân khẩu chi lũy là chỉ y thực, chỗ ở, ngành nghề, bảy việc của khai trương. Lũy có nghĩa là ràng buộc, không tự tại, có nhiều phiền toái như vậy. Đương vân hà? Nói đến vấn đề này, phải nên làm thế nào? Làm thế nào có thể tương ưng với học Phật mà không xảy ra xung đột? Thiên trung thiên là cách tôn xưng đối với Thế Tôn, phần trước đã giảng rồi. Chúng ta thấy Thế Tôn khai thị: “Phật ngôn, A Nan”, gọi A Nan và nói với A Nan rằng. “Hữu thọ Phật cấm giới, thành tín phụng hành, thuận hiếu úy thận, kính quy tam tôn, dưỡng thân tận trung, nội ngoại cẩn thiện, tâm khẩu tương ưng, khả đắc vi thế gian sự, bất khả đắc vi thế gian ý”. Hai câu nói sau cùng này vô cùng quan trọng.

Hữu thọ Phật cấm giới. Nếu như có tiếp nhận qua giới cấm của Phật Đà. Cái giới cấm này có nghĩa là Phật chỉ dạy chúng ta phương pháp tu hành. Theo nghĩa hẹp mà nói, chính là chỉ tam quy ngũ giới. Thọ giới và thọ tam quy đều không phải là việc dễ dàng. Hiện nay nhà Phật chúng ta, người phát tâm thọ giới, thọ tam quy rất nhiều. Sau khi đã thọ tam quy rồi, họ có quy hay không vậy? Quy là quay về, y là nương tựa. Bạn có quay về hay không? Bạn nương tựa cái gì? Nếu như điều này đều chưa làm được, thì tam quy này cũng vô ích, đây là giả chứ không phải thật. Cho nên trước khi thọ tam quy, nhất định phải tìm hiểu về Phật giáo cho thật rõ ràng, cho thật sáng tỏ. Chúng ta hiện nay có cuốn sổ tay nhỏ: “Nhận thức Phật giáo”. Bạn thật sự hiểu rõ ràng rồi, thật sự hiểu sáng tỏ rồi, ta phải học Phật, ta ở ngay trong đời này phải quay về. Quay về từ đâu vậy? Từ cách nghĩ sai lầm, cách nhìn sai lầm, cách nói sai lầm, cách làm sai lầm của mình đối với tất cả người, tất cả việc, tất cả vật mà quay trở lại, vậy là quy. Quy là quay đầu. Từ nay về sau nương theo lời chỉ dạy của Phật mà khởi tâm động niệm, đối nhân tiếp vật, đây gọi là y. Thật sự đã quay đầu, thật sự có nương theo, như vậy cái tam quy này là thật.

Cho nên ý nghĩa ở trong tam quy nếu như không hiểu, hình thức làm trang nghiêm thế nào, đẹp đẽ thế nào cũng đều là giả, chẳng giúp được gì. Nếu như thật sự hiểu được, thật sự sáng tỏ rồi. Bạn đốt một nén nhang ở trước Phật, Bồ-tát, quỳ trước tượng Phật phát nguyện thọ tam quy cũng được rồi. Tam quy không phải người ta chứng minh cho bạn, mà là bạn thật sự tam quy rồi. Ai chứng minh cho bạn? Lương tâm của bạn chứng minh cho bạn. Ở bên ngoài ai có thể làm chứng minh cho bạn? Phật Thích-ca-mâu-ni cũng không có cách gì! Phật làm chứng minh cho bạn rồi, trên lá phái quy y có ký tên, đóng dấu cho bạn rồi, mà bạn vẫn cứ tùy thuận theo phiền não của bạn, vẫn cứ tùy thuận theo tập khí của bạn, bạn không có quay đầu, bạn không nương theo lời chỉ dạy của Phật, vậy thì có tác dụng gì? Dối mình dối người. Cho nên chúng ta nhất định phải hiểu rõ cái đạo lý này.

Rất nhiều đồng tu đến tìm tôi, muốn tôi truyền thọ tam quy cho họ, cho họ một lá phái quy y, tôi đều thuận theo cả. Tại sao vậy? Kết cái duyên hoan hỷ mà! Bạn luôn có cái suy nghĩ như vậy, muốn quy y tam bảo, bạn thật sự có quy hay không vậy? Đó là việc của bản thân bạn. Tôi trao cho bạn một lá phái quy y, thấy hoan hỷ là tốt rồi! Rốt cuộc là quy y thật hay là quy y giả vậy? Đó là việc của riêng bạn, không liên quan gì đến tôi. Phái quy y này của chúng tôi là hằng thuận chúng sanh, tùy hỷ công đức.

Lại thêm một bước nữa, đó là thọ giới. Thọ giới chính là phát nguyện, người thế gian chúng ta gọi là phát thệ. Ta phải tuân theo lời dạy của Phật Đà. Nhưng giới luật, bạn cũng phải thật sự hiểu cho được. Nếu bạn không hiểu, bạn làm sao trì cái giới này được? Không sát sanh, không sát sanh phải làm thế nào mới thật sự là không sát sanh? Cho nên nếu bạn phát tâm trì giới, bất kể là tại gia hay xuất gia, tại gia có giới luật của tại gia, xuất gia có giới luật của xuất gia. Thế nhưng giới Sa-di và giới Bồ-tát, người tại gia có thể xem, có thể học tập. Sa-di Luật Nghi Tăng Chú, năm điều trước của mười giới điều chính là ngũ giới, nói rất tường tận, rất rõ ràng. Mỗi một giới điều, tại sao Phật chế ra giới điều này? Bạn phải hiểu được tính duyên khởi của nó, biết tại sao Phật phải chế ra? Lý luận y cứ là gì? Tướng trạng của giới là gì? Giới tướng, hình thức của giới phải làm như thế nào? Giới hành. Quả báo của giới là gì? Đều cần phải hiểu rõ, đều cần phải sáng tỏ. Ở trong tình huống nào, cần phải thọ trì như thế nào? Cho nên mỗi một giới điều đều có khai, giá, trì, phạm. Nếu bạn không hiểu được, thì làm sao bạn làm đây? Thế là trở thành khô cứng ở trong giới điều, là sai rồi! Trong tình huống nào đó phải kiên trì, không thể vi phạm, vi phạm là bạn đã phạm giới rồi. Trong tình huống nào đó có khai duyên, đó gọi là khai giới, không phải phá giới, không phải phạm giới.

Ở trong ngũ giới, giới điều uống rượu này là khai duyên nhiều nhất. Nếu như là bản thân ưa thích uống rượu, vậy chính là bạn phạm giới rồi. Trong tình huống nào thì được vậy? Thông thường nhất là bị bệnh. Ở trong thuốc đông dược Trung Quốc, rất nhiều thuốc dùng rượu để dẫn thuốc, cái này không phạm giới, đây là khai duyên. Bất kể xuất gia hay tại gia, người trên 70 tuổi, cơ thể suy yếu, tuần hoàn máu chậm chạp, Phật cho phép khai giới, vào mỗi khi ăn cơm, bạn uống một cốc rượu, đây là xem như thuốc, giúp cho máu tuần hoàn. Hoặc giả vào buổi tối trước khi đi ngủ uống một cốc là khai duyên, là cần thiết cho cơ thể của bạn. Nếu như cơ thể của bạn rất khỏe mạnh, không cần đến cái này, mà bạn cũng uống một cốc như vậy, đó là bạn đã phá giới rồi, là bạn phạm giới rồi.

Cách nấu ăn của Trung Quốc là nổi tiếng thế giới, người Trung Quốc rất tinh tế trong ăn uống, ở trong rất nhiều món ăn có thể dùng rượu làm gia vị, cái này là khai duyên, cái này không phải phá giới.

Như thế phải hiểu rằng, Phật chế định ra cái giới không uống rượu này, dụng ý thật sự của Ngài là ở chỗ nào vậy? Phòng ngừa uống say rồi sẽ phạm sát, đạo, dâm, vọng, nó phòng ngừa điều này. Cho nên cái giới điều rượu này gọi là giá tội, là phòng ngừa. Không giống như phía trước, sát, đạo, dâm, vọng ở phía trước là tánh tội, không giống nhau. Nếu bạn không hiểu về những điều này, thì giới đó bạn sẽ không có cách gì giữ được. Không những không có cách giữ, mà có thể còn thường hay tạo nghiệp nữa. Tại sao vậy? Nhìn thấy người khác phá giới, bạn liền chỉ trích, bạn không biết được người ta biết cách trì giới. Họ trì giới nào đó, họ có khai duyên, điều này cần phải biết.

Có một lần tôi ở Bắc Kinh, tham dự một lễ cưới, vô cùng ngẫu nhiên. Chúng tôi ở tại khách sạn Quốc Tế. Khi tôi đi xuống lầu, xuống cầu thang thì gặp một vị đồng tu ở Mỹ. Chúng tôi rất quen nhau, ông ở tại DC Wasington. Gặp hai vợ chồng ông, tôi hỏi, hai vợ chồng ông đến đây từ khi nào vậy? Họ đã về làm ăn buôn bán tại Bắc Kinh rồi, đầu tư tại Bắc Kinh, mở tiệm. Ông nói, hôm nay là ngày thành hôn của con trai ông. Vừa gặp mặt tôi, ông nói: “Pháp sư à! Thật hiếm có khi có được Ngài làm người chứng hôn”. Tôi nói: “Chẳng phải ông đã có người chứng hôn rồi sao?”. Ông nói: “Vâng. Chúng tôi đã mời Trình Tư Viễn”. Trình Tư Viễn dường như là phó chủ tịch hội hiệp thương, mời ông làm người chứng hôn. Và ngay đó cũng mời tôi vào thành hai người chứng hôn, được, ngồi chung với nhau, một tăng một tục, cũng rất có đạo vị. Vì ông nói với tôi, cô dâu là người Nhật Bản, hôm nay khách đến là có đại sứ quán Nhật Bản và một số Nhật kiều trong giới tài chính, thương mại Nhật Bản, họ đến tham dự hôn lễ. Bên phía nhà trai này của họ cũng có một số cán bộ cao cấp của bộ ngoại giao Mỹ. Tôi nghe xong liền nói, cái duyên này rất hay. Vì họ không tiếp xúc được Phật pháp, tôi lợi dụng cơ hội này để hoằng dương Phật pháp, cho nên tôi bèn nhận lời ngay. Do vô cùng gấp gáp nên không chuẩn bị trước, trên bàn tiệc của họ toàn là thức ăn mặn. Tôi ngồi xuống, tôi ăn rau ở cạnh thịt, cũng có mời rượu. Tôi công bố, tôi một ly. Cho nên rất nhiều người nói pháp sư Tịnh Không phá giới rồi. Đúng, phá giới rồi, nhưng bạn phải hiểu được là biết bao nhiêu người tiếp nhận được Phật pháp rồi. Vì họ, muốn tôi chúc phúc cho cô dâu chú rễ. Tôi nói trong vòng mười phút, mười phút đó là giảng Phật pháp, cơ hội giáo dục. Đây là khai duyên. Tôi không có bảo họ chuẩn bị rượu cho tôi uống, bạn phải hiểu được ở trong trường hợp nào. Chúng tôi làm như vậy, họ cảm thấy vô cùng kinh ngạc, hóa ra Phật pháp linh động như vậy à, thế thì tôi cũng có thể học. Tại sao vậy? Họ chưa dứt rượu thịt. Cho nên tôi đã nói với họ, Phật cho phép ăn tam tịnh nhục: không nhìn thấy giết, không nghe thấy giết, không vì ta mà giết, thịt này cho phép bạn ăn. Rượu thì sao? Không được loạn tánh, dứt khoát không được uống say, chỉ cần bạn giữ vững nguyên tắc này. Tôi uống rượu, tửu lượng tôi một cân, tôi chỉ uống bốn lượng, quyết không say. Phật có khai duyên. Họ nói, nói như vậy thì chúng tôi đều có thể tiếp nhận. Tiếp nhận là tốt rồi! Bạn nhất định phải giữ nó chết cứng, một chút cũng không được dính, dính là vi phạm, nguy quá, vậy là xóa hết ý nghĩ muốn học Phật của người khác rồi, ai cũng không dám học Phật nữa, vậy là sai rồi!

Mỗi một giới điều đều có khai, giá, trì, phạm. Giá là cấm, trong tình huống nào cũng tuyệt đối cấm, ở trong trường hợp nào đó thì phải khai. Nói tóm lại, khai là lợi ích chúng sanh. Cấm là lợi ích chính mình. Lúc cần khai thì khai, lúc cần giá thì giá, đây gọi là trì giới. Lúc cần khai mà không khai, lúc cần giá mà không giá, đây là phạm giới. Bạn hiểu được không? Mỗi một giới luật của Phật đều có nhân duyên chế ra, đều có lý luận của giới luật, cái giới tướng giới hành này bạn thảy đều phải hiểu cho rõ ràng, cho sáng tỏ. Người thầy truyền giới sẽ nói rõ ràng tỉ mỉ cho bạn.

Hôm nay chúng ta cũng có đồng tu đến đây tiếp nhận ngũ giới. Ngũ giới, chúng ta chưa nói tường tận. Tại sao vậy? Trong kinh Vô Lượng Thọ đã nói rồi, từ phẩm 32 đến phẩm 37, những điều đã nói trong đó là ngũ giới thập thiện. Cho nên hãy đọc kỹ lại đoạn kinh văn đó, và nghe lại thật nhiều các bài giảng của chúng tôi, thì bạn sẽ hiểu được thôi.

Thôi hôm nay thời gian đã hết. A Di Đà Phật!

PHẬT PHÁP VIÊN DUNG KHÔNG CHƯỚNG NGẠI
(Kinh A Nan Hỏi Phật Việc Tốt Xấu)

Người giảng: Lão Pháp Sư Tịnh Không
Địa điểm: Báo Ân Đường Tịnh Tông Học Hội Singapore
Thời gian: Tháng 8 năm 2001
Cẩn dịch: Vọng Tây cư sĩ, Viên Đạt cư sĩ
Biên tập: Phật tử Diệu Hiền

Nhận xét

Bài đăng phổ biến từ blog này