Kinh Đại Thừa Vô Lượng Thọ_9
“Cảnh tùy tâm chuyển”, phải cho rằng ngoài chính ta, tất cả chúng sanh tình dữ vô tình đều là chư Phật Như Lai biến hóa độ mình. Kinh Hoa Nghiêm dạy chúng ta làm thế nào tu hành chứng quả, một đời viên mãn thành Phật. Người thiện là Phật biến hiện, người ác cũng là Phật biến hiện. Thuận cảnh là Phật biến hiện, ác cảnh cũng là Phật biến hiện để ngay đó chúng ta tôi luyện. Trải qua các cảnh giới này để luyện thanh tịnh, bình đẳng, chánh giác, từ bi cho chính mình. Ta tôi luyện ở ngay đó, gọi là công phu tu hành, trở thành mô phạm, tấm gương cho người tu hành. Thiện Tài Đồng Tử không có bạn học. Nếu có bạn học, cả đời ngài sẽ không thể thành Phật, vì sao? Vì không thể hành được “lễ kính tán thán”. Bạn học là mối quan hệ gần bằng nhau. Người ta không cần cung kính với bạn bè, như vậy trong tánh đức của người đó đã thiếu đi một phần, không viên mãn. Tất cả cần phải được chúng ta cung kính, còn một cái không được cung kính thì chúng ta làm sao có thể thành tựu. Không nên cho rằng chỉ một điểm nhỏ này không quan trọng. Một mê thì tất cả mê, một giác tất cả giác, một cái cũng không được, chúng ta phải cung kính tất cả.
Cho nên thị hiện của Thiện Tài là: “Trên đạo Bồ Đề chỉ có một mình ta là học trò. Ngoài chính mình ra, tất cả đều là Phật, đều là Bồ Tát, là thiện tri thức”. Chúng ta phải có cái thấy như vậy, phải dụng tâm như vậy mới đúng pháp. Cũng như xã hội chúng ta, người biểu hiện tâm thiện làm thiện, Thiện Tài Đồng Tử lễ kính tán thán, chúng ta làm học trò “Lễ Kính Tán Thán”; cũng có người biểu hiện tâm bất thiện, làm bất thiện, biểu hiện cảnh giới ác, người tu học chúng ta lễ kính đối với họ nhưng không tán thán. Thực tế mà nói, kính ý là ở trong tâm, tán thán là ở khẩu nghiệp. Khẩu không tán thán, vì nếu tán thán ác sẽ dẫn dắt xã hội này quan niệm làm ác vẫn không sao.
Thắng Nhiệt Bà La Môn đại biểu ngu si, Thiện Tài đi tham vấn ông, vẫn có lễ kính như thấy được thiện tri thức. Thiện Tài đảnh lễ ba lạy, đi nhiễu ba vòng nhưng không hề có lời tán thán. Cam Lồ Hoa Vương đại biểu sân hận, tánh tình không tốt, rất dễ dàng tức giận. Không luận là người nào, hơi đắc tội với ông thì tâm báo trong ông liền nổi lên vô cùng mãnh liệt. Thiện Tài Đồng Tử tham vấn ông, cũng đảnh lễ ba lạy, đi nhiễu ba vòng nhưng không hề tán thán. Vị thứ ba là Phạt Tô Mật Đa Nữ, ngôn ngữ hiện tại là “kỹ nữ”, biểu thị tham dâm. Thiện Tài Đồng Tử đến tham vấn cũng đảnh lễ ba lạy, đi nhiễu ba vòng, không hề tán thán.
Việc này cho thấy tiêu chuẩn tán thán là tánh đức Như Lai. Người tu Giới Định Huệ, chúng ta có thể tán thán họ, không tán thán người tu tham sân si. Bồ Tát biểu hiện nói với chúng ta rằng, xã hội hiện thực, mặt thiện có ảnh hưởng tốt với mọi người, thì tán thán; mặt trái có ảnh hưởng không tốt đối với xã hội thì chúng ta không nói một câu, cũng không tán thán, vậy vì sao còn phải tham vấn? Tham vấn có thể học được rất nhiều thứ. Ngoài sự việc tốt chúng ta phải học tập, còn những việc không tốt, chúng ta cũng phải xem học tập, phản tỉnh kiểm điểm. Nếu mình có lỗi lầm tương tự thì phải thay đổi tự làm mới. Cho nên người thiện, người ác đều là thầy giáo tốt.
Khi tôi còn trẻ đi học, thành thật tôi có rất nhiều cách nhìn không hề giống các bạn học, ngay đến thầy giáo cũng không hề giống. Một lần lên lớp, trong bài văn giảng về “tinh trung báo quốc” nói đến Nhạc Phi, đương nhiên nói cả đến Tần Cối. Mọi người tán thán Nhạc Phi, mắng Tần Cối. Quan niệm của tôi không giống mọi người, tôi nói: “Tần Cối cũng không tệ, cũng là anh hùng của dân tộc”. Mọi người trợn mắt nhìn tôi, cho rằng tôi là người có đầu óc làm phản. Nhạc Phi, Tần Cối đều là anh hùng, đều rất cừ khôi, đều đáng được chúng ta tôn kính. Nhạc Phi dạy chúng ta mặt chánh, phải tinh trung báo quốc, tuy không may bị hãm hại chết nhưng trung nghĩa mẫu mực của ông mãi lưu lại đời sau. Khi nhắc đến ai mà không nghiêng mình tôn kính. Chúng ta phải học tập ông. Còn Tần Cối dạy chúng ta mặt trái. Ông đã làm sai, hãm hại trung lương. Người đời sau thường mắng chửi mỗi khi nhắc đến Tần Cối. Tần Cối dạy chúng ta không nên làm việc xấu, nếu không sẽ có kết cuộc như ông. Ông hiện thân nói pháp cho chúng ta. Hai người đều là thầy giáo, một người dạy ta mặt chánh, một người dạy ta mặt trái. Năm mươi ba vị đồng tham đích thực là như vậy.
Cho nên chúng ta thấy người ác, xem việc ác phải phản tỉnh chính mình, lập tức tu sửa hoặc cảnh giác, nhất định không làm. Năm mươi ba vị thiện tri thức là năm mươi ba vị Phật thị hiện. Thiện ác, thuận nghịch chính là xã hội hiện tại của chúng ta. Chúng ta từ sớm đến tối tiếp xúc tất cả người, việc, vật cũng chính là năm mươi ba tham học. Nếu chân thật học Phật, chân thật tu học Đại thừa, chân thật cầu sanh Tịnh Độ, làm học trò của Phật A Di Đà thì hành giả nên biết phải học như thế nào. Đối với người thiện, chúng ta cung kính tán thán. Đối với người ác, chúng ta cung kính nhưng không tán thán. Học tập với người thiện, nhưng cũng phải học tập với người ác, không phạm lỗi lầm đó của họ. Cổ thánh tiên hiền dạy “có lỗi thì sửa, không lỗi thì khích lệ”. Nếu chúng ta có lỗi lầm phải mau sửa đổi, nếu không thì khích lệ chính mình không phạm những lỗi lầm này. Do đây có thể biết quần chúng xã hội rộng lớn đều là thầy giáo của chúng ta, đều là đại ân đại đức thành tựu công đức viên mãn cho chúng ta, cho nên tán thán thuộc về khẩu nghiệp.
Kinh Địa Tạng nói “địa ngục cắt lưỡi”, tương lai đọa vào địa ngục cắt lưỡi, nước đồng đổ vào miệng, gường sắt dính thân,… đều do khẩu nghiệp đã tạo. Kinh Phật nói những lời này nhất định không phải là lời dự đoán, không phải hù dọa người mà là chân tướng sự thật. Mười pháp giới y chánh trang nghiêm đều là nghiệp lực chính chúng ta biến hiện ra. Thế giới trước mắt hay cảnh giới trước mắt cũng là nghiệp lực chính mình hiện ra. Nếu không tạo nghiệp sẽ không thấy cảnh giới này. Khi tôi mới học Phật, chưa xuất gia, ban đầu tiếp xúc Phật pháp, một người bạn giới thiệu cho tôi lão tiên sinh, cư sĩ Chu Kính Vũ. Ông ấy đồng hương với lão cư sĩ Chu, là người Ôn Châu Chiết Giang. Lúc đó tôi còn rất trẻ, mới 26 tuổi, còn lão tiên sinh lúc đó khoảng 71 tuổi. Ông nhìn tôi như nhìn một đứa bé rất thương yêu. Ông làm công việc in kinh ở Đài Loan. Tất cả kinh sách in ra ông đều tặng tôi. Chuyện kể của ông rất nhiều, chúng tôi thường gặp để nghe ông kể chuyện. Những câu chuyện đó đều có thật. Ông đã từng kể cho tôi nghe một câu chuyện nói rõ không có nghiệp lực này thì địa ngục ở ngay trước mặt chúng ta cũng không nhìn thấy.
Đó là câu chuyện nhạc trượng, nhạc phụ của ông ở Trung Quốc những năm đầu cũng rất nổi tiếng, tên Chương Thái Viêm. Ông là con rể của Chương Thái Viêm, một đại sư trong giới học thuật Trung Quốc. Đầu năm Dân quốc, Chương Thái Viêm ở Bắc Kinh, lúc đó Viên Thế Khải đương quyền phác học đại sư. Chương Thái Viêm nói sẽ không phê phán, bình luận về Viên Thế Khải, vì không đáng được ông mắng. Lời nói này về sau có một số người nịnh bợ kể lại với Viên Thế Khải. Viên Thế Khải nghe tức giận liền cho bắt ông nhốt vào lao ngục hơn một tháng. Một tháng trong lao ngục, ông lại xuất hiện một kỳ tích.
Đông Nhạc Đại Đế, một đại quỷ vương cai quản rất nhiều tỉnh, chức tước thấp hơn vua Diêm La một bậc, mời ông làm phán quan. Địa vị phán quan tương đối cao, tương tự tổng thư ký hiện nay, buổi tối đến nơi đó làm việc. Ông nói gần hoàng hôn sẽ đến. Khi trời tối, có hai quỷ nhỏ mang kiệu đến mời rồi khiêng kiệu đến nơi làm việc. Sáng sớm hôm sau thì đưa ông trở về. Ra khỏi nhà giam, ông vẫn làm phán quan một thời gian dài, có cơ hội thấy được tình hình ở Âm Tào Địa phủ. Có lúc bạn bè nói chuyện với nhau, ông đem việc buổi tối đi làm nói ra cho mọi người nghe. Ở âm gian, tuy chủng tộc, tiếng nói không như nhau nhưng lời nói đều thông. Giao tiếp không có chướng ngại, vẫn có thể hiểu nhau. Ăn uống đi đứng của họ cũng gần giống thế gian này. Tuy nhiên họ không thấy được thái dương, ngày vĩnh viễn tối đen. Cõi ngạ quỹ vĩnh viễn tối, không có ánh sáng mặt trời. Trong địa ngục này có một loại hình phạt gọi là pháo lạc. Đốt cây cột đồng đỏ rực, sau đó bắt người thọ hình phải ôm lấy. Chương Thái Viêm là một Phật tử thuần thành, ông nghe thấy loại hình phạt này quá tàn khốc nên yêu cầu Đông Nhạc đại đế bỏ nó đi. Ông nói: “Ngài có thể bỏ hình phạt ấy được không? Đó là đại công đức”. Đông Nhạc đại đế nghe rồi, mời ông đi tham quan hình trường. Hai tiểu quỷ dẫn ông đi qua rất nhiều con đường, đến hiện trường, tiểu quỷ đứng yên bất động rồi nói: “Đã đến nơi, mời phán quan xem”. Ông không hề thấy gì trước mắt. Bỗng nhiên ông hiểu ra, kinh Phật nói: “Do nghiệp lực biến hiện”. Không phải do vua Diêm La thiết lập mà do nghiệp lực biến hiện.
Nếu chúng ta không có nghiệp lực thì ở ngay trước mặt chúng ta cũng không thấy bất cứ hình phạt nào. Cuối đời, lão cư sĩ Chu đã viết trong trước tác của ông những câu chuyện có thật để minh chứng điều này. Địa ngục trên kinh Địa Tạng chỉ có hai loại người thấy và đi đến được. Một là người tạo tác nghiệp địa ngục, phải chịu hình phạt; hai là Bồ tát vào đó giáo hóa chúng sanh. Ngoài hai loại người này, không ai thấy được cảnh giới địa ngục. Về sau cư sĩ Chương Thái Viêm không nói nữa, mới biết việc này không phải do sức người làm ra mà do nghiệp lực của chính họ biến hiện. Họ đến thọ tội.
Thực tế, những phán quan, tiểu quỷ, ngưu đầu, mã diện, chấp pháp trong địa ngục cũng là nghiệp lực chính mình biến hiện, “tự làm tự chịu”. Cho nên ba nghiệp chúng ta tạo tác, nhất định phải cẩn trọng. Quá khứ đã tạo tội nghiệp thì phải mau hồi đầu để được cứu. Chỉ cần có tâm sợ quá khứ đã tạo ra tội nghiệp thì tương lai chịu báo, như vậy đã được cứu rồi. Còn cứ mờ mịt không biết thì coi như hết cứu. Nhà Phật đại từ đại bi, quay đầu là bờ, chỉ vừa quay đầu thì liền được cứu. Kinh Quán Vô Lượng Thọ, vua A Xà Thế giết cha, hại mẹ, đoạt ngôi vua, cấu kết cùng Đề Bà Đạt Đa phá hoại tăng đoàn. Tội ngũ nghịch đều đã tạo, nhất định đọa vào địa ngục A Tỳ. Nhưng khi lâm chung, ông thành tâm sám hối, chân thật hối cải, dùng tâm sám hối niệm Phật cầu sanh Tịnh Độ. Kết quả ông được vãng sanh. Cả đời tạo ra tội nghiệp nặng như vậy còn có thể vãng sanh, mặc dù nhiều người đoán ông chỉ vãng sanh ở bậc hạ hạ phẩm, nhưng kinh Phật nói, phẩm vị vãng sanh của ông là thượng phẩm trung sanh.
Cho nên cần hiểu rõ, vãng sanh có hai phương thức. Một là bình thường tích luỹ công đức, chân thành niệm Phật vãng sanh. Hai là lâm chung sám hối vãng sanh. Phẩm vị của sám hối vãng sanh hoàn toàn phụ thuộc vào lực tâm sám hối. Một người tạo tội nghiệp cực trọng, đến lúc lâm chung nếu chân thật sám hối còn có thể vãng sanh, còn có thể được độ, vậy đây là đạo lý gì? “Vạn pháp do tâm”. Hoa Nghiêm cũng nói “duy tâm sở hiện, duy thức sở biến”. Một ví dụ tạo tội ngũ nghịch trong kinh mà còn được thượng phẩm trung sanh, ngoài ra còn một ví dụ khác rất rõ ràng.
Trong “Tịnh độ thánh hiền lục” của vãng sanh truyện có kể, vào triều nhà Tống, pháp sư Oánh Kha là một người xuất gia phá giới, đại khái ông thảy đều phạm hết các giới luật thanh qui. Thế nhưng ông còn một điểm tích cực, đó là ông tự biết mình đã tạo tội nghiệp. Chính điểm này đã cứu ông. Ông biết tương lai nhất định sẽ đọa địa ngục, lo sợ những khủng khiếp diễn ra nơi địa ngục. Ông liền thỉnh giáo các bạn đồng tu phương cách cứu giúp. Một bạn đồng tu liền đưa ông xem cuốn “Vãng Sanh Truyện”. Sau khi đọc xong, ông rất cảm động, liền hạ quyết tâm niệm Phật cầu sanh Tịnh Độ. Truyện ký ghi chép, ông đóng kín phòng, niệm đến cùng một câu A Di Đà Phật. Ba ngày ba đêm không hề ngủ, không ăn thứ gì, niệm ra được Phật A Di Đà. Phật A Di Đà nói với ông rằng thọ mạng của ông còn đến mười năm, khuyên ông cố gắng tu hành trong mười năm này, đến lúc lâm chung, Phật A Di Đà sẽ trở lại tiếp dẫn. Như vậy, nếu chúng sanh chân thật có cảm, Phật liền có ứng. Pháp sư Oánh Kha nói với Phật A Di Đà: “Tập khí của con quá nặng, không tránh bị mê hoặc, mười năm nữa không biết con sẽ phạm phải bao nhiêu tội. Cho nên tuổi thọ mười năm con không cần nữa, con muốn đi liền với ngài”. Phật A Di Đà đồng ý: “Được! Ba ngày sau ta đến tiếp ông”. Oánh Kha rất vui mừng. Ông liền mở cửa, hân hoan nói với mọi người trong chùa, “ba ngày sau tôi sẽ vãng sanh”. Lúc đó người trong chùa đều nghĩ thần kinh của ông không bình thường, một người ác đến như vậy thì làm gì có thể vãng sanh? Thời gian ba ngày đã đến, mọi người náo nhiệt xem ông có vãng sanh được không. Đến sáng sớm ngày thứ ba, ông tắm qua thân thể, thay bộ quần áo mới, xin các đồng tu thảy đều niệm Phật suốt thời khoá sáng hôm đó để đưa ông vãng sanh. Mọi người làm theo, thay đổi khóa tụng khác với ngày thường, đọc kinh A Di Đà và niệm Phật hiệu đưa ông vãng sanh. Ngay khi Phật hiệu niệm được khoảng một giờ đồng hồ, ông liền nói với mọi người, “Phật A Di Đà đến rồi, tôi đi với Phật A Di Đà đây”. Ông liền ra đi, thật sự được vãng sanh, không hề có bệnh.
Cách biểu diễn của ông cho chúng ta thấy, kinh Di Đà đã nói “Nếu một ngày, hai ngày cho đến bảy ngày…”, không hề sai. Bình thường cố làm việc xấu, một câu Phật cũng không niệm, vậy mà ba ngày có thể vãng sanh. Ngày nay chúng ta đóng cửa phòng, niệm ba mươi ngày cũng không thể vãng sanh, do nguyên nhân gì? Tâm của chúng ta là giả, không phải thật. Trong mỗi câu Phật hiệu, còn có vọng tưởng xen tạp, không biết địa ngục là đáng sợ. Oánh Kha biết địa ngục đáng sợ, không vãng sanh thì phải đọa địa ngục. Hai con đường không còn cách chọn lựa. Ông sợ chịu khổ địa ngục, toàn tâm toàn lực chuyên chú, một ý niệm cầu vãng sanh thế giới Tây Phương Cực Lạc. Như vậy, đời trước đã tạo tội nghiệp, hoặc giả ngay đời này tạo tội nghiệp, cũng không sợ, chỉ cần chúng ta chân thật đầy đủ ba điều kiện “Tín Nguyện Hạnh”, chúng sanh địa ngục cũng có thể ở ngay một đời thành Phật làm tổ, pháp môn không thể nghĩ bàn. Nhiều người mở miệng toàn nói chuyện phiếm. Phải biết, không niệm Phật sẽ liền tạo khẩu nghiệp, phải chịu khổ báo ở ba đường. Mỗi ngày từ sớm đến tối tiếp xúc với người, tốt xấu lẫn lộn, đều nói thị phi nhân ngã. Chúng ta học Phật, đọc kinh, bái Phật, lễ Phật, tu chút công đức đều bị rơi mất từ nơi miệng, tích lũy vô lượng vô biên tội nghiệp. Cho nên phải giác ngộ, phải thông hiểu, mau chóng hồi đầu. Cái miệng này ngày đêm niệm A Di Đà Phật chính là xưng tán Như Lai. Trong lòng nhớ Phật, trên miệng niệm Phật, không xen tạp không gián đoạn mới đạt vô lượng vô biên công đức. Nếu không chịu làm mà đi tạo tội nghiệp, vậy không còn cách nào. Đó là ý nghĩa của xưng tán.
(Còn tiếp ...)
KINH ĐẠI THỪA VÔ LƯỢNG THỌ TRANG NGHIÊM THANH TỊNH BÌNH ĐẲNG GIÁC
Biên dịch: Vọng Tây cư sĩ.
Biên tập: PT. Giác Minh Duyên
Nhận xét
Đăng nhận xét