Tín Nguyện Chuyên Trì Danh Hiệu Phật_2
(Trích lục từ Kinh Phật Thuyết Đại Thừa Vô Lượng Thọ Trang Nghiêm Thanh Tịnh Bình Đẳng Giác)
Địa điểm: Học Viện Tịnh Tông Úc Châu. Thời gian: Ngày 03 tháng 03 năm 2006
Kính thưa chư vị pháp sư, chư vị đồng tu. Xin mời ngồi! Mời tiếp tục xem.
Hoàng Lão cư sĩ đã dẫn dụng mấy câu của đại sư U Khê trong Viên Trung Sớ, trong Viên Trung Sớ ghi: “Kim kinh sở thị, sơ tâm phàm phu, đản thị hữu khẩu năng xưng, hữu tâm năng niệm, giai thị tu chi, cố tri thử kinh sở thị, nãi chí giản chí dị, chi pháp môn dã”. Đại sư U Khê cùng đại sư Ngẫu Ích đã nói hoàn toàn giống nhau, đã đặc biệt vì hạng phàm phu sơ phát tâm như chúng ta. Đây là từ trên tướng mà thấy. Chúng ta biết được trên Kinh A Di Đà nói rất rõ ràng là, không thể nào dùng chút ít thiện căn phước đức nhân duyên mà được sanh về nước kia. Do đây có thể biết, đây là từ trên sự mà nói là phàm phu sơ phát tâm, nếu như từ trên lý mà nói thì con người này thiện căn phước đức trong đời quá khứ rất là sâu dày, tuy là người sơ học thế nhưng ngay đời này vừa gặp duyên thì họ liền có Tín-Nguyện-Hạnh đầy đủ.
Sự việc này ở ngay trong đời này của chính chúng tôi cũng thấy được rất nhiều. Thí dụ như người cả đời chưa từng học Phật, không tin tưởng Phật pháp, trước khi lâm chung mấy ngày, có người đem Tịnh Tông, thế giới Cực Lạc giới thiệu cho họ thì họ liền tin tưởng, họ liền thật làm, hơn nữa họ thật được vãng sanh. Đây là nói rõ nguyện thứ 18 trong Kinh Vô Lượng Thọ: “lâm mạng chung thời nhất niệm thập niệm giai đắc vãng sanh”, và trong Kinh A Di Đà nói với chúng ta là “nhược nhất nhật, nhược nhị nhật, nhược thất nhật, nhất tâm bất loạn”, trên sự thật đều có chứng minh. Điều này quyết không phải là ngẫu nhiên, mà chắc chắn là trong quá khứ đời đời kiếp kiếp đã học cái pháp môn này rồi, ngay đời này duyên đã chín muồi. Vậy thì chúng ta có thể tự mình biết được là chúng ta ngay đời này duyên của Tịnh Độ có chín muồi hay chưa? Từ chỗ nào mà biết được trong đời này duyên đã chín muồi hay chưa?
Từ trên Tín-Nguyện-hạnh mà biết được. Nếu tín tâm không có hoài nghi, trong tâm nguyện không có xen tạp, có thể thành kính, chuyên nhất niệm Phật, thì con người này thiện căn chín muồi, con người này ngay trong đời này quyết định đến Thế Giới Cực Lạc để làm Phật.
Sanh đến thế giới Cực Lạc, cho dù là cõi Phàm Thánh Đồng Cư hạ hạ phẩm vãng sanh, cũng là ngay đời này thành Phật. Điều này thật không thể nghĩ bàn. Đại sư U Khê nói ngay chỗ này “có miệng xưng niệm, có tâm năng niệm”. Quan trọng là ở câu sau “có tâm năng niệm”, trong lòng thật phải có A Di Đà Phật, trong lòng thật phải có Tịnh Độ. Ngài nói pháp môn này rất là dễ dàng, rất đơn giản, là pháp môn thù thắng không gì bằng. Tiếp theo Đại sư lại nói: “nhược chấp trì danh hiệu, bất vấn nhàn mảng, bất câu động tịnh, hành trụ tọa ngọa, giai khả tu chi, cố tri thử kinh sở thị, nãi chí thiệp chí kinh chi pháp môn dã”. Có rất nhiều đồng tu làm việc bận rộn, không có thời gian tu hành, thì pháp môn này chính là thích hợp nhất, nhàn cũng có thể tu, bận cũng có thể tu, động tức là khi bạn làm việc cũng có thể tu, tịnh tức là nói lúc bạn có thể an tịnh lại, ngồi ở tại một nơi cũng có thể tu, đứng cũng có thể tu, Phật hiệu không hề gián đoạn. Tất cả công tác, chỉ cần công việc không cần đến tư duy, thông thường chúng ta gọi là công việc lao lực mà không phải công việc dùng đến tâm trí, công việc phải dùng đến tâm trí thì đương nhiên không thể niệm Phật, công việc tay chân thì không chút chướng ngại. Trong lòng phải có Phật.
Vào thời nhà Đường có một vị tên là Vương Đã Thiết, người thợ thiết, một nhà bốn người, nhờ làm thiết mà sống qua ngày, một ngày không làm việc thì một ngày không có cơm ăn, cho nên công việc rất là khổ cực. Một hôm có một người xuất gia đi ngang qua cửa tiệm nhà ông, ông liền tiếp đãi người xuất gia, cúng dường một ly nước, ông nói với người xuất gia là công việc của tôi rất là khổ cực, có phương pháp gì có thể giải thoát không? Người xuất gia này liền dạy cho ông niệm A Di Đà Phật, khi dập thiết một búa đánh xuống thì niệm A Di Đà Phật, cất búa lên thì niệm A Di Đà Phật, thời trước thì kéo quạt gió, khi đẩy vào thì niệm A Di Đà Phật, khi kéo ra thì niệm A Di Đà Phật. Vợ của ông xem thấy hỏi ông, ông một mặt làm việc một mặt niệm Phật không mệt hay sao? Ông nói không hề mệt, lúc trước khi tôi không niệm thì cảm thấy rất mệt, hiện tại niệm Phật thì không hề thấy mệt. Niệm được ba năm, ông liền thành công, vãng sanh chính ngay lúc đang làm việc, ông không hề bị bệnh, trước khi vãnh sanh còn nói ra một câu kệ, ông nói “đinh đinh đang đang, luyện lâu thành thép, thái bình sắp đến, tôi vãng Tây Phương”, lúc đó dập cái búa xuống thì ông đứng mà vãng sanh.
Đó chính là đại sư U Khê ngay chỗ này đã nói “sơ tâm phàm phu”. Thế nhưng phải nên biết, ông ấy có thiện căn rất sâu dày, pháp sư dạy ông niệm Phật, ông không hoài nghi, ông không xen tạp, ông có thể phối hợp câu Phật hiệu với công việc của ông, không cảm thấy khổ cực, ông chân thật làm đến được Tín-Nguyện-Chuyên Trì Danh Hiệu, ông đã làm được, cho nên ba năm liền đứng mà vãng sanh. Tự hành chính là hóa tha, những người trong địa phương này xem thấy có một người như vậy, một người niệm Phật đứng mà vãng sanh, thì mọi người đều tin tưởng, rất nhiều người bắt chước theo ông, đó là hóa độ người. Cho nên ông không cần giảng kinh nói pháp, ông dùng thân biểu diễn, hiện thân nói pháp. Trong Vãng sanh truyện và Tịnh Độ Thánh Hiền Lục đều có ghi chép truyện ký của ông. Đây là nói rõ, pháp môn này là đường tắt, pháp môn này thành tựu rất nhanh.
Đoạn phía sau Đại sư lại nói: “xưng danh chi pháp”, tức là pháp môn trì danh niệm Phật này “bất trạch hiền ngu”, tức là người hiền cũng niệm A Di Đà Phật được, người ngu cũng có thể niệm A Di Đà Phật được; “bất giản nam nữ, nhược bần nhược phú, nhược quý nhược tiện, giai khả tu chi, cố tri thử kinh sở thị, nãi nhiếp cơ chí quảng”. Pháp môn này đích thực là không giống như các pháp môn khác, các pháp môn khác phải có điều kiện, điều kiện nếu như không đầy đủ thì bạn không cách gì học được. Pháp môn này bất cứ người nào cũng đều có thể học, nghèo giàu sang hèn, người trí kẻ ngu thảy đều có thể tu học. Chỉ cần tin sâu nguyện thiết, thành thực chuyên niệm thì không có người nào mà không thành tựu. Đại sư Thiện Đạo nói rất hay, đây là pháp môn “vạn người tu vạn người vãng sanh”. Nhưng tại sao ngày nay người niệm Phật nhiều như vậy nhưng người vãng sanh thì quá ít? điều này có hoàn toàn trái ngược với lời nói này của đại sư Thiện Đạo hay không? chúng ta nghĩ xem, không có trái ngược.
Đại sư Thiện Đạo nói vạn người tu vạn người vãng sanh, nhưng bạn không có tu mà, bạn chỉ có niệm không có tu nên không thể vãng sanh. Cái gì gọi là tu? Tu là đem tập khí xấu của chính mình thay đổi lại, đó gọi là tu. Nếu bạn niệm Phật tín tâm không đủ, tức là bạn không có tu, bạn phải đem nó thay đổi lại. Bạn tâm nguyện không thiết, xen tạp quá nhiều, Tín-Nguyện-hạnh đều không đạt đến tiêu chuẩn. Không phải kinh này không linh, không phải lời tổ sư nói không đáng tin cậy, mà chính mình phải nghĩ lại xem, là ta có đem những tập khí tâm bệnh này thay đổi hay không. Tu chính là sửa đổi lại. Nói tóm lại, thân tâm thế giới bạn có phải thật đã buông bỏ rồi không? buông bỏ thì mới có thể đi, buông bỏ mới có thể chuyên tâm, chuyên tâm chính là buông bỏ vọng tưởng, buông bỏ xen tạp, buông bỏ nghi lo, là chuyên tín. Những thứ này bạn chưa buông bỏ, thì nó sẽ chướng ngại bạn, kinh điển không hề chướng ngại bạn, giáo huấn của tổ sư đại đức không hề chướng ngại bạn, bạn phải biết chướng ngại bạn là ở chỗ nào, bạn phải tìm cho ra chỗ chướng ngại, phải trừ bỏ đi chướng ngại thì trên đạo Tịnh Độ mới thuận buồm xuôi gió.
Phía sau Đại sư nói: “hựu, du tâm an lạc đạo vân”. Trong đây đã nói: “chư Phật danh hiệu, tổng vạn đức thành, đản năng nhất niệm, niệm Phật danh giả, tức nhất niệm trung, tổng niệm vạn đức”. Cho nên đại đức xưa thường hay dạy chúng ta, danh hiệu A Di Đà Phật gọi là vạn đức hồng danh. Nếu bạn muốn hỏi tại vì sao, thì phía trước đều nói qua. Câu danh hiệu này bao hàm luôn tận hư không khắp pháp giới, tất cả tánh tướng lý sự nhân quả, không có kém khuyết thứ nào, cho nên gọi là vạn đức hồng danh. Niệm một danh hiệu này tức là thảy đều niệm hết tất cả chư Phật, niệm hết tất cả Bồ Tát, niệm hết tất cả Bích Chi Phật, niệm hết tất cả Thanh văn, niệm hết tất cả chúng sanh sáu cõi. Tất cả đều ở ngay trong câu Phật hiệu này. Câu Phật hiệu này thực tế mà nói là không thể nghĩ bàn. Bạn một lòng xưng niệm thì quả báo của bạn trong tương lai chính là tổng thành vạn đức.
Trong Duy Tâm An Lạc Đạo lại nói: “vô thỉ ác nghiệp, tùng vọng tâm sanh, niệm Phật công đức, tùng chân tâm khởi, chân tâm như nhật, vọng tâm như ám, chân tâm trạm khởi, vọng niệm tức trừ, như nhật thỉ sanh, chúng ám tất trừ”. Mấy câu nói này nói được rất hay, trong mấy câu này nói về vấn đề gì? Là nói giác và mê. Chúng ta tuy là mê đã quá lâu, mê từ vô lượng kiếp đến ngày hôm nay không giác ngộ, người xưa có một thí dụ rất hay là “nhà tối ngàn năm”. Hiện tại trên núi có một số thạch động, những cái động đó rất lớn, có thể dung chứa đến mấy trăm người, mấy ngàn người, thạch động lớn đến như vậy nhưng từ trước đến giờ chưa có người phát hiện ra, phần nhiều cửa động đều rất nhỏ, nhìn chung thì chỉ một người đi lọt vào, nhưng bên trong rất lớn. Một mảng tối tăm nhưng đưa một ngọn đèn vào thì liền được chiếu sáng, tối tăm liền bị đẩy lùi. Thí dụ này nói lên rằng, ngu si không phải là thật, trí tuệ mới là chân thật, trí tuệ sanh khởi thì si mê lập tức liền không còn, si mê từ vô lượng kiếp đến nay, chỉ cần bạn vừa giác, thì thảy đều không còn.
Trong Khởi Tín Luận nói rất hay: “bổn giác vốn có, bất giác vốn không”. Si mê là bất giác, vốn dĩ là không có, nên dù có trải qua thời gian lâu đi chăng nữa thì vừa giác là si mê đã không còn. Chúng ta học Phật phải hiểu rõ cái đạo lý này, phải hiểu rõ cái sự thật này, thì tín tâm của chúng ta liền sanh khởi lên, tín tâm liền có thể thêm lớn. Tín tâm thanh tịnh liền sanh trí tuệ. Trên Kinh Kim Cang nói: “tín tâm thanh tịnh, tất sanh thật tướng”. Thật tướng Bát Nhã là tự tánh vốn có, tâm thanh tịnh đến trình độ nhất định thì trí tuệ liền hiện tiền. Đây là sự thật. Ngày nay trí tuệ chúng ta không sanh khởi, tín tâm hoàn toàn không có, một cái khó trước nhất là không tin chính mình có thể thành tựu.
Tôi cũng gặp rất nhiều đồng tu đến hỏi tôi, họ nói: Pháp sư à! Ngài xem tôi thế này có thể có được thành tựu hay không? Tôi trả lời họ, tôi khẳng định họ không thể có được thành tựu. Họ hỏi tại sao vậy? tôi trả lời vì họ không có lòng tin thì làm sao họ có thể có thành tựu. Ở trong thế pháp cho dù việc nhỏ, nếu muốn thành tựu vẫn phải có lòng tin, bạn không có lòng tin thì làm không thành công. Xào rau nấu cơm mà bạn không có lòng tin thì cũng không thể làm xong được dù đây là việc nhỏ. Bạn có lòng tin thì bạn nhất định làm được tốt. Ngày hôm nay rau xào không được ngon, ngày mai ta lại cải tiến, ngày ngày cải tiến thì sau một tuần lễ, khi bày ra thì sẽ rất là vừa ý, mọi người nhất định sẽ rất hoan hỉ. Cho nên thế xuất thế gian pháp, tất cả mọi việc có thành tựu đều phải nhờ vào lòng tin. Những khai thị của tổ sư đại đức đều là giúp cho chúng ta tăng trưởng tín tâm, thành tựu lòng tin.
Trong An Lạc Tập dẫn chứng Quán Phật Tam Muội Kinh, trong đó có đoạn này rất quan trọng: “Phật khuyên phụ vương hành niệm Phật Tam Muội, Phụ vương bách Phật, Phật địa quả đức, chân như thật tướng, đệ nhất nghĩa không, hà nhân bất di đệ tử hành chi. Phật cáo phụ vương, chư Phật quả đức, hữu vô lượng thâm diệu cảnh giới, thần thông giải thoát, phi thị phàm phu, sở hành cảnh giới, cố khuyên phụ vương, hành niệm Phật Tam Muội”. Ở nhân gian, người thân nhất không ai hơn cha với con, Thích Ca Mâu Ni Phật dùng pháp môn gì để khuyên phụ thân của Ngài? Ngài dùng pháp môn niệm Phật, không hề dùng các pháp môn khác để khuyên phụ thân của Ngài, không hề dạy phụ thân Ngài Tham thiền, cũng không hề dạy phụ thân Ngài niệm chú, cũng không dạy phụ thân Ngài học giáo, chỉ dạy ông niệm Phật.
Các vị từ ngay nơi đây mà nghĩ xem, tóm lại một câu mà nói, thì vô số thị hiện Phật làm ra cho phàm phu chúng ta xem đều hiển thị pháp môn này là không thể nghĩ bàn, pháp môn này thù thắng không gì bằng, để sau đó bạn mới hết lòng hết dạ một môn thâm nhập, không còn khởi lên các vọng niệm khác, bạn cũng có thể buông bỏ các pháp môn. Pháp môn này thành tựu rồi thì tất cả pháp môn đều thành tựu, cho nên gọi là “một kinh thông, tất cả kinh thông”. Ở trong hành môn, một pháp môn khế nhập thì tất cả các môn đều khế nhập, nếu còn có một môn không thông, chưa khế nhập, chính pháp môn bạn đã tu cũng không viên mãn, vẫn còn kém khuyết. Cái đạo lý này phải hiểu, nếu như bạn không hiểu, bạn tu học sẽ tăng thêm rất nhiều khó khăn. Khó ở chỗ nào vậy? Bạn thấy trong Đại Tạng Kinh có kinh luận nhiều đến như vậy, bạn đọc xem thảy đều rất hoan hỉ, vậy thì hỏng rồi, vì đến sau cùng thì bạn cũng không học tốt được thứ nào. Đây là do nguyên nhân gì vậy? Do tâm của bạn tán loạn, tinh thần ý chí đều không thể tập trung, huống chi tuổi thọ con người ở thế gian này có hạn, bạn có bao nhiêu thời gian để học tập, bạn có thể học được bao nhiêu? Những vấn đề này chúng ta có xét nghĩ đến hay không? Cho nên tu học thế xuất thế gian pháp đều có bí quyết, bạn cần phải nắm chắc bí quyết này. Bí quyết này là gì? Là một môn thâm nhập, trường kỳ huân tu.
Cần phải thông đạt một môn này. Làm thế nào mới có thể thông đạt một môn? Trong Thiền tông nói “minh tâm kiến tánh” thì thông rồi, trong giáo hạ nói “Đại khai viên giải” thì thông rồi, trong pháp môn niệm Phật nói “nhất tâm bất loạn” là thông đạt rồi. Trong nhất tâm bất loạn có lý nhất tâm và sự nhất tâm. Sự nhất tâm dù đã thông nhưng vẫn chưa thấu triệt, lý nhất tâm thì thấu triệt. Lý nhất tâm cùng minh tâm kiến tánh của thiền tông là như nhau, cùng Đại khai viên giải là như nhau. Sự nhất tâm vẫn còn chưa đạt đến điều này, sự nhất tâm là bạn được định rồi, định trong Giới-Định-Huệ, bạn được định nhưng chưa khai ngộ, lý nhất tâm là khai ngộ. Đạt được sự nhất tâm cũng không dễ dàng, cũng rất là đáng quý, tuy là chưa thể thông hết nhưng có thể thông một bộ phận.
Ngày trước lão sư dạy chúng tôi, giáo lý và giáo nghĩa. Trong pháp môn Tịnh Độ, lý nhất tâm là thông giáo lý, đó là thông đạt tất cả, không có thứ nào không thông, sự việc này rất khó, người thượng thượng căn mới làm được, không phải người trung hạ căn có thể làm được. Mục tiêu của người trung hạ căn tánh là phải định ở giáo nghĩa. Giáo nghĩa có thể thông cục bộ, thông bổn tông thì thông Tịnh Độ tông, các tông phái có quan hệ với Tịnh Độ cũng rất dễ dàng thông đạt. Đó gọi là khéo học, bạn biết học. Người không biết học thì ghi nhớ câu kinh văn, câu nói này thầy giáo nói thế nào họ đem nó ghi chép lại, họ cũng có thể giảng lại, đó là phương pháp dạy sơ học, vậy thì không phải là khéo học. Bạn học một bộ kinh chỉ biết một bộ kinh, còn người ta học một bộ kinh có thể biết được mười bộ, giáo nghĩa thông đạt, họ học thông một bộ thì tất cả kinh giáo họ đều thông. Đây là giáo lý. Thầy giáo dạy học trò, phải đem những đạo lý này, những sự thật này và áo mật đều phải nói cho học trò biết. Trong lòng học trò hiểu rõ rồi thì mới chịu y giáo phụng hành, lão sư không lừa gạt ta.
Tôi ở trong hội của lão sư Lý mười năm, chỉ học 5 bộ kinh, không nhiều. Tôi học bộ thứ nhất đó là nền tảng kinh Tiểu Thừa, chân thật là vào cửa từ Tiểu Thừa, đó là bộ A Nan Vấn Phật Sư Kiết Hung Kinh. Trước tiên học Tiểu Thừa, sau đó mới học Đại thừa. Tôi học bộ thứ hai là Phật Thuyết A Di Đà Kinh, bộ thứ ba là Phổ Hiền Bồ Tát Hạnh Nguyện Phẩm, bộ thứ tư là Kinh Kim Cang, bộ kinh thứ năm là Đại Phật Đảnh Thủ Lăng Nghiêm Kinh. Đây là mười năm tôi ở dưới hội của lão sư Lý. Tiêu chuẩn của lão sư ngài là chỉ học một bộ, một bộ đó nếu có thể lên đài giảng mà thầy ngồi phía nghe thấy hài lòng thì mới được, mới cho phép bạn học bộ thứ hai. Nếu như ông không đồng ý, tức là bạn giảng mà ông cho rằng vẫn chưa đủ tốt, thì bạn chỉ có thể giảng bộ này thôi, phải giảng qua rất nhiều lần cho đến khi ông vừa lòng, bạn yêu cầu học bộ thứ hai thì thầy mới đồng ý. Những học trò của thầy ở Đài Trung, bạn học của tôi có hơn 20 người, người học 5 bộ kinh đại khái chỉ có một mình tôi, các sư huynh đệ của tôi thông thường đều là học hai bộ hoặc ba bộ.
Đây là thầy chân thật dạy cho bạn một môn thâm nhập, trường kỳ huân tu. Khi bạn tu học công phu có lực thì trí tuệ liền khai mở, công phu có lực thì phiền não nhẹ, trí tuệ tăng trưởng; bạn xem kinh văn thì bạn liền có thể biết được đại ý, bạn lại xem chú giải của tổ sư thì bạn liền biết được, ở thời đại hiện nay, cách giảng kinh này phải như thế nào? cách học phải ra sao? Bạn liền thông đạt điều này. Việc này chúng ta không thể không biết, Lão sư thương yêu học trò như cha mẹ thương yêu con cái, thì làm gì có chuyện lừa gạt chúng, làm gì có chuyện hạn chế chúng. Nếu như thầy giáo hạn chế học trò, cha mẹ hạn chế con cái, là không có từ bi, không có lòng yêu thương. Cho nên giáo đạo của thầy quyết định là có đạo lý, bạn không cần phải hỏi, bạn chỉ cần y giáo phụng hành, khẳng định tương lai có lợi ích, trước mắt nhất định phải tuân thủ những quy cũ ràng buộc đó. Đây là yêu cầu của thầy giáo đối với học sinh. Nếu như học trò vâng lời trước mặt làm trái sau lưng, thầy giáo có biết hay không? Biết được! Thầy giáo không một chút hồ đồ, thầy giáo sẽ rất khách sáo đối với bạn, thầy sẽ không đối đầu với bạn. Hay nói cách khác, bạn có thể tiếp nhận bao nhiêu thì tiếp nhận bấy nhiêu, hay nói cách khác đối với việc hy vọng bạn kế tục huệ mạng của Phật, gánh vác gia nghiệp Như Lai đã không còn nữa, vì Thầy biết được bạn không làm được. Tại vì sao không làm được? vì bạn không nghe lời thầy thì làm thế nào thành tựu. Tuân theo giáo huấn của thầy giáo thì thành tựu, phàm hễ trái với lời giáo huấn của thầy giáo thì quyết định không thể thành tựu. Xưa nay trong ngoài đều không có ngoại lệ.
Tóm lại mà nói, cái gốc của gốc của pháp thế gian và xuất thế gian chính là “hiếu dưỡng cha mẹ, phụng sự sư trưởng”. Phụng sự sư trưởng quan trọng nhất chính là y giáo phụng hành. Bạn chân thật có thành kính đối với thầy giáo, thì thầy giáo nhất định có trách nhiệm đối với bạn, thầy phải chăm sóc bạn, phải dẫn bạn vào chánh đạo. Vị thầy giáo như vậy mới khiến cho người cung kính, mới làm cho đại chúng xã hội tôn kính, thầy giáo quyết định sẽ không để bạn đi vào con đường khó khăn, sẽ không để bạn tạo tác lỗi lầm. Đây là vị thầy rất tốt. Cho nên kinh nghiệm cả đời này của tôi, khẳng định hai câu phía trước của Tịnh Nghiệp Tam Phước là đại căn đại bản. Con người bất hiếu cha mẹ, không kính sư trưởng thì sẽ không có bất cứ thành tựu gì, chư Phật, Bồ Tát cũng không thể giúp được. Bạn không thể nào không biết nến tảng của nền tảng chính là ngay chỗ này.
Trong phần kinh văn trích dẫn nêu trên còn có một số câu văn, tuyệt nhiên không khó hiểu, đồng tu xem qua thì có thể hiểu được rồi. Sau cùng có mấy câu rất quan trọng, chúng ta đem nó đọc qua: “Phật cáo phụ vương, tất cả chúng sanh, tại sanh tử trung, niệm Phật chi tâm, diệc phục như thị. Đản năng hệ niệm bất chỉ, định sanh Phật tiền, nhất đắc vãng sanh, tức năng cải biến, nhất thiết chư ác, thành đại từ bi, như bỉ hương thọ, cải Y Lan Lâm”. Câu nói này vô cùng quan trọng, Y Lan là tiếng Phạn, là tiếng Ấn Độ, là tên một loại cây cỏ không tốt, Phật dùng nó để thí dụ ba độc mười ác của chúng sanh, trong lòng chúng ta có ba độc mười ác thì giống như rừng y lan vậy. Phật nói với phụ thân của Ngài, tất cả chúng sanh ở trong sanh tử, tức là ở ngay trong sáu cõi, cái tâm niệm Phật cũng là như vậy. Đó là Ngài vì phụ thân của ngài nêu ra một thí dụ, dùng loại thực vật này để làm thí dụ, loại thực vật không tốt, diện tích rất là rộng lớn, thế nhưng ở trong đó có một cây Ngưu Đầu Chiên Đàn, đó là một loại cây Chiên Đàn rất là quý giá; tuy là cây này có gốc có rễ, nhưng nó vẫn chưa lớn lên, nó bị một mãng rừng thực vật không tốt quấy nhiễu nó. Nếu như cây Chiên Đàn này mọc lên, dần dần lớn lên, thì loại cây này có mùi hương, có thể cải thiện cả một mãng thực vật không tốt này.
Người thông thường xem thấy tình hình này cảm thấy rất là hy hữu. Một cây chiên đàn mà có thể cải thiện cả một mãng rừng Y Lan to lớn, điều này cảm thấy rất là hy hữu. Phật dùng cái thí dụ một người niệm Phật có thể cải thiện con người của một khu vực tạo ra ác nghiệp này, người xưa Trung Quốc cũng thường hay có cách nói này. Bạn xem thấy trong Ung Chánh Thượng Vụ, đối thoại của Tống Văn Đế và Hà Thượng Chi thì rất rõ ràng, ngay trong mười người có một người thiện, con người thiện này liền có thể giúp được chín người ác kia cải đổi hướng thiện; ngay trong một trăm nhà có một nhà làm thiện, tu năm giới mười thiện, thì nhất định có thể thay đổi được 99 nhà kia. Cho nên chúng ta không sợ chúng sanh tạo tác trọng tội, mà chỉ sợ chính mình không thật tu, không có thật đức. Nếu chân thật tu hành, chân thật có đức thì quyết định có thể cảm hóa họ.
Gần đây, chúng ta ở Lô Giang thành lập trung tâm giáo dục văn hóa, đó là một trấn nhỏ, cư dân trong đó có 48 ngàn người, đồng tu trong trung tâm chúng ta, bao gồm tất cả nhân công thì có khoảng 100 người. Một trăm người này thực hành Đệ Tử Quy, đem mỗi câu mỗi chữ Đệ Tử Quy đều làm cho được, liền có thể ảnh hưởng được 48 ngàn cư dân ở cái trấn nhỏ này. Các vị xem họ nói trong đĩa VCD, họ vừa mới làm được 3 tháng. Chúng tôi nghĩ, nếu công việc của chúng tôi làm 3 năm không gián đoạn, không giải đãi, chúng tôi sâu sắc tin tưởng rằng, sau 3 năm thì cái trấn nhỏ này, như trong sách cổ Trung Quốc có ghi chép là “Lễ nghĩa chi bang”. Chủ tịch Hồ đã đề xướng xã hội hài hòa, thì phải có người dẫn đầu, thiểu số người có thể dẫn đầu số đông người. Cho nên ngay chỗ này Phật đã nói, tất cả chúng sanh ở ngay trong sanh tử, cái tâm niệm Phật cũng là như vậy, cái tâm niệm Phật thì rất ít, không nhiều, thế nhưng nếu có thể niệm liên tục không ngừng, chăm chỉ nổ lực, không nên giải đãi, thì công phu của bạn dần dần sẽ lớn mạnh. Đến khi công phu thuần thục rồi, liền sanh ra sức ảnh hưởng.
Cho nên nói, nếu có thể niệm liên tục không ngừng nghỉ, chắc chắn thấy Phật, chắc chắn được vãng sanh; ác nghiệp, phiền não, tập khí từ vô lượng kiếp đến nay, thảy đều thay đổi hết; phiền não biến thành trí tuệ, ác nghiệp biến thành thiện nghiệp, thành đại từ bi, thì giống như một cây Chiên Đàn có thể cải thiện được một rừng cây nghi lan vậy. Phía sau Hoàng Lão cư Sĩ có chú giải, đem cái thí dụ này vì chúng ta giải thích, rừng Y lan thí dụ cho ba độc trong tâm của chúng sanh, cây Chiên Đàn đó là thí dụ cho cái tâm niệm Phật của chúng sanh, “tài dục thành thọ giả, vị nhất thiết chúng sanh, đản năng tích niệm bất đoạn, nghiệp đạo thành biện dã”. Chỗ này chúng ta phải tin tưởng, đối với xã hội hiện tại của chúng ta mà nói, có thể tiêu trừ được kiếp nạn, có thể cứu xã hội, giúp cho xã hội này khôi phục lại an định hòa bình. Niệm Phật công đức không thể nghĩ bàn.
Hôm nay thời gian đã hết, chúng ta chỉ giảng đến đây thôi. A Di Đà Phật!
(Hết)
Nhận xét
Đăng nhận xét