20. Trong Đời Sống Khi Gặp Cảnh Không Hòa Thuận Nên Xử Lý Thế Nào?
PHẬT GIÁO LÀ GÌ?
Nguyên tác: Lão Pháp Sư Tịnh Không
Nguyên tác: Lão Pháp Sư Tịnh Không
Trước tiên cần phải tìm nhân tốt gầy dựng rồi sau mới có thể giải quyết được vấn đề. Nguyên nhân chính vẫn ở chỗ giáo dục. Vì sao nền giáo dục trong quá khứ lại an định trong một thời gian dài như vậy? Vì nền giáo dục thời đó rất đắc lực. Trước đây, nền giáo dục chỉ chú trọng dạy người ta phương pháp làm người. Muốn biết nền giáo dục cổ đại, chúng ta có thể xem qua tam lễ, nền giáo dục Phật giáo cũng có đề cập đến. Kinh luận dạy chúng ta nghệ thuật sống, dạy mối quan hệ giữa người và người,giữa vợ chồng, cha con, anh em, bạn bè, vua tôi,… nói theo góc độ ngày nay là người lãnh đạo và người chịu lãnh đạo, nền giáo dục Phật giáo đều có dạy những điều đó. Theo Trung Quốc gọi là ngũ luân bát đức, đó là nền giáo dục trung tâm, cho nên Khổng Tử dạy đức hạnh là hàng đầu, là căn bản để làm người. Sau đó mới bàn đến chuyện học hành, mưu sinh, dạy văn học, nghệ thuật, đề cao tinh thần sống. Nguyên nhân căn bản của vấn đề trên là nền giáo dục ngày nay đã đi lạc hướng. Chúng ta chỉ chú trọng nhiều về phương diện khoa học và kỹ thuật mà không chú trọng ở nhân nghĩa và văn hóa, không hiểu được mối quan hệ giữa người và người. Tuy đời sống sinh hoạt giàu có sung túc, nhưng trên phương diện nhân sự lãnh đạo, nếu không có đầy đủ đức hạnh và tài năng vĩnh viễn sẽ không giải quyết được gì. Muốn cứu vãn tình hình này, chúng ta cần bổ khuyết và chú trọng vào nền giáo dục. Phương pháp hữu hiệu nhất là chú trọng giảng dạy nhân quả báo ứng cho con người. Nếu tất cả mọi người đều có thể nhận thức gieo nhân thiện nhất định gặt hái quả thiện, ngược lại làm việc ác chắc chắn phải chịu quả báo ác, như thế thì khi hành động, khởi tâm động niệm hay tạo tác bất cứ việc gì, người ta đều biết cân nhắc nhân quả của nó, và khi đó, xã hội mới có thể trở nên thuận hòa được. Cho nên, đại sư Ấn Quang, tuy là vị đệ tử xuất gia của Phật, Ngài lại không giảng kinh điển, không hoằng dương Phật pháp, chỉ chú trọng phương pháp hoằng dương Liễu Phàm Tứ Huấn hoặc Cảm Ứng Thiên. Vì những tập sách này đều khuyên răn người ta làm thiện, nói đến đạo lý nhân duyên quả báo rất có đạo lý. Điều đó đủ chứng tỏ Hòa thượng có trí tuệ thật viên mãn và từ bi muốn cứu vãn xã hội. Chúng ta hiểu được lý luận và phương pháp rồi, phải cố gắng tích cực dốc hết toàn tâm lực mà làm cho tốt.
Nhận xét
Đăng nhận xét