29. Nghi Thức Khai Quang Tượng Phật, Bồ Tát
PHẬT GIÁO LÀ GÌ?
Nguyên tác: Lão Pháp Sư Tịnh Không
Nguyên tác: Lão Pháp Sư Tịnh Không
Khai quang có ý nghĩa gì? Có hay không có việc khai quang? Ai đủ tư cách để khai quang?
Đây là vấn đề mà trong khi giảng kinh, chúng ta vẫn thường đề cập. Hiện tại, việc khai quang gần như đã trở thành xu hướng mê tín. Ý nghĩa đích thực của việc khai quang hoàn toàn đã bị đánh mất. Khai quang là một việc phi thường trọng yếu. Ý nghĩa chân chính của nó nói lên việc cúng dường tượng Phật, Bồ tát. Việc này giống như chúng ta xây đúc hình tượng của một bậc vĩ nhân ở thế tục, khi việc xây đúc thành rồi, sau đó chúng ta mới cử hành lễ khai mạc. Trong buổi lễ khai mạc đó, nhất định chúng ta phải nói cho mọi người hiểu rõ ràng, ca ngợi về sự nghiệp cống hiến lớn lao của họ đối với đồng bào, với dân tộc và đất nước, khi ấy, mọi người nhìn hình tượng của bậc vĩ nhân liền nhớ đến công lao của vị ấy. Việc khai quang trong Phật giáo cũng có ý nghĩa tương tự như vậy. Ví như chúng ta cúng dường Bồ tát Quan Thế Âm, sau khi đắp tượng trang nghiêm rồi, chúng ta mới khai mở việc cúng dường. Lúc khai mở việc cúng, chúng ta nhất định phải nói cho đại chúng hiểu rõ,vì sao chúng ta cúng dường Bồ tát. Trong lúc cúng dường, dựa vào tôn tượng trang nghiêm của Bồ tát mà chúng ta có thể khai phát quang minh tự tánh của chúng ta. Vì thế, không phải người khác thay thế Phật, Bồ tát để khai quang, mà chính tượng Phật, Bồ tát vì chúng ta khai quang. Đó là ý nghĩa chân chính vậy. Nếu đã thờ Phật, Bồ tát rồi lại đi mời một vị pháp sư tới làm lễ khai quang cho Phật, Bồ tát và cho đó là linh, không khai quang lại cho không linh, điều này thật sự sai lầm. Có rất nhiều người đến tìm tôi nhờ khai quang cho Phật, Bồ tát. Tôi chân thật bảo với họ không cần thiết phải cúng dường Phật và Bồ tát. Họ hỏi “Vì sao?” tôi đáp: “Vì tôi bảo các vị ấy linh thì các vị ấy sẽ linh, bảo không linh sẽ không linh, như vậy tôi linh hơn họ nhiều, và bạn có thể cúng tôi là tốt rồi, cần gì phải cúng dường các vị ấy”. Chúng ta nghĩ có đúng không? Đó có gọi là mê tín không? Vì tôi giả bộ làm vẻ này vẻ nọ, lấy tay ra hiệu làm như linh, làm sao họ lại không cho tôi linh hơn được, đó là chỗ nghĩ không thông. Chỉ có người ngu mới tin sâu như thế. Một người có trí óc linh mẫn thông minh, một khi nhìn liền nhận ra sự thật chân tướng. Tôi nói thay thế Phật, Bồ tát khai quang tức là lừa dối họ, vì họ chưa được sáng suốt, còn hồ đồ. Cho nên, việc khai quang là việc đại biểu cho Phật và Bồ tát. Ví dụ như chúng ta cúng dường Quan Âm Bồ Tát, mà Quan Âm Bồ tát là đại biểu cho tâm từ bi, đem việc Bồ tát đại từ, đại bi mà cứu độ hết tất cả chúng sinh đó là những điều cần phải học; phát khởi chí nguyện, nghe được danh hiệu, thấy được hình tượng Bồ tát là nhớ phát khởi lòng đại từ, đại bi làm lợi ích cho hết thảy mọi người. Chúng ta đối nhân, đối vật, đối việc phải lấy tâm đại từ, đại bi mà thương yêu và gia hộ cho tất cả, không phân biệt một ai, đây là một đạo lý chúng ta không thể không biết. Đối với những người có đủ tư cách và khả năng giúp Phật và Bồ tát khai quang, người này đối với kinh, luật, luận phải thông suốt ý nghĩa, vì mọi người diễn nói cho rõ ràng. Cho nên tuyệt đối không được dựa vào hình thức, mỗi một hình thức đều có ý nghĩa giáo dục riêng, rất thâm sâu. Đó là điều mà chúng ta phải hiểu mới không bị lệch theo xu hướng mê tín. Cầu Phật, cầu Bồ tát, cầu thiên thần giúp mình phát tài, được phúc, đó là quan niệm sai lầm, không phải là tư tưởng chân chính.
Nhận xét
Đăng nhận xét