4. Tâm Vương

TÁM QUYỂN SÁCH QUÝ
HT. Thích Thiện Hoa

1. Trong lúc chương ta mở mắt thấy các cảnh vật, biết được cảnh đây xanh, kia đỏ, đó trắng, nọ vàng v.v… Vì cái biết này thuộc về con mắt, nên trong Duy thức gọi là "Nhãn thức" (cái biết của con mắt).

2. Lỗ tai chúng ta, khi nghe các tiếng, biết được tiếng hay, dở, phải, trái v.v… Bởi cái biết này thuộc về lỗ tai, nên trong Duy thức gọi là "Nhĩ thức" (cái biết của lỗ tai).

3. Lỗ mũi chúng ta, khi ngửi mùi, biết được đây là mùi thơm hay hôi v.v… Cái biết đó thuộc về lỗ mũi, nên trong Duy thức gọi là "Tỷ thức" (cái biết của lỗ mũi).

4. Miệng chúng ta, khi nếm các vị, biết được vị này ngọt, lạt, cay, đắng, béo, bùi v.v… Cái biết này thuộc về lưỡi, nên trong Duy thức gọi là "Thiệt thức" (cái biết của lưỡi).

5. Thân thể chúng ta, đụng lửa biết nóng, xuống nước biết lạnh, mặc đồ mỏng biết mát, mang đồ dày biết nực, đụng đá biết cứng, cầm bông biết mềm v.v… Vì cái biết này thuộc về thân, nên trong Duy thức gọi là "Thân thức" (cái biết của thân). Cả năm thức này, khi chứng được quả vô lậu thì nó chuyển thành "Thành sở tác trí".

6. Trong khi chúng ta, mắt không thấy, tai không nghe, mũi không ngửi, miệng không nếm, thân thể không chạm xúc; nói cho gọn hơn, là trong lúc năm giác quan không tiếp xúc với trần cảnh, mà ý thức vẫn phân biệt tính toán: nhớ những cảnh đã qua, suy xét những điều chưa đến. Cái biết như thế, thuộc về "Ý thức". Như ngày hôm qua, chúng ta đi coi hát, tai không còn nghe tiếng ca v.v... mà trong ý thức vẫn còn mơ màng điệu bộ người hát, in như còn phưởng phất ở trước mắt, tiếng người ca như văng vẳng bên tai. Mặc dù không có cảnh vật hiện tiền phản ảnh vào năm giác quan, mà ý thức chúng ta cũng vẫn tính toán phân biệt.

Một tỷ dụ nữa, như chúng ta chưa đi học, mà biết rằng mình học sẽ được, chưa làm ruộng, mà biết mình làm ruộng đây trúng hay thất, chưa buôn bán, mà có thể đoán trước rằng, buôn bán đây lời hay lỗ; nghĩa là, những việc đã qua, chưa đến hay hiện tại, chúng ta đều suy xét biết được. Nhưng cái biết như thế, trong Duy thức học gọi là "Ý thức" (cái biết của Ý), cũng gọi là "Đệ lục thức" (cái biết thứ 6).

Cái Ý thức này, công dụng của nó lợi hại vô cùng. Nếu nó suy nghĩ tính toán những việc hay, tốt, thì thân chúng ta sẽ làm điều lành, miệng nói những lời phải, đều có lợi ích cho mình và người. Như các nhà tu hành khi niệm Phật, quán tưởng, tham thiền, nhập định v.v… cho đến lúc thành đạo, chứng quả, cũng nhờ công dụng của "đệ lục thức" này. Đến khi chứng được quả vô lậu, thì ý thức trở thành "Diệu quán sát trí"

Ở thế gian, kinh doanh được sự nghiệp lớn lao, hay làm những điều núi lở, sóng nghiêng, tội ác tày trời, cũng đều do ý thức này suy nghĩ lợi hại cả; nên trong Duy thức nói: "Công vi thủ, tội vi khôi". Nghĩa là, luận về công thì thức này có công hơn hết; còn nói về ác thì thức này cũng đứng đầu.

7. Quý vị đã rõ, mỗi người đều có sáu cái biết, nói bằng cách khác đó là 6 món cảm giác. Vậy bây giờ đây, chúng ta nên suy xét sâu thêm một từng nữa: cái ý thức kia, tuy ở trong ba thời quá khứ, hiện tại và vị lai, nó đều có công năng phi thường hơn năm thức trước, nhưng có khi nó bị gián đoạn. Như khi chúng ta ngủ mê, hoặc chết giấc hay những lúc bị chụp thuốc mê, lúc ấy không phải chết, nhưng không biết chi cả, và những người tu Vô tướng định v.v… lúc bấy giờ cũng không còn tính toán phân biệt gì nữa. Đây là những bằng chứng trong khi ý thức bị gián đoạn.

Qua các thời gian ấy, thì ý thức (cái biết thứ 6) lại khởi lên phân biệt như thường. Vậy trong lúc nó bị gián đoạn, chắc phải nương về một nơi nào? Chỗ ấy, theo Duy thức học gọi nó là "ý căn" (nghĩa là cái gốc của ý thức thứ 6). Tôi xin tỷ dụ để quý vị dễ hiểu, như đám cỏ cú kia, bị đá đè hay nắng rụi, đến lúc người ta dời viên đá nơi khác, hoặc gặp mưa xuống thì cỏ nứt mộng mọc chồi. Cho biết trong lúc cỏ rụi, là nó chi trở về củ của nó, ẩn ở dưới đất mà thôi. Nếu cỏ kia không có củ, thì không làm sao nứt mộng mọc chồi được. Còn ý thức thứ 6 cũng thế, khi không có phân biệt nó không phải mất hẳn mà chỉ trở về với gốc của nó là thức thứ bảy, nên trong Duy thức cũng gọi là "Ý căn" (gốc của ý thức). Theo tiếng Phạn gọi là "Mạt na thức".

Công năng của thức thứ 7 này lả thường thường chấp Ta khác với người. Chúng ta đi, đứng, nằm, ngồi, không lúc nào quên được mình (ta). Khi đối với người nói chuyện, vừa mở miệng ra là đã nói "Tôi" (ta). Hay những lúc tình cờ cây rơi rớt, hoặc bị người đánh v.v… thì ta ngẫu nhiên đưa tay đỡ, tránh. Đây là những bằng chứng thức này cũng bảo thủ cái ngã (ta).

Lại nữa, khi sanh về cõi Trời, thì thức này chấp mình là Trời, sanh về cõi người, chấp mình là người, cho đến sanh làm loài vật, thì chấp mình là loài vật. Tóm lại, từ phàm đến Thánh, không một vị nào chẳng chấp có Ta, chỉ trừ những vị đã chứng được "Sanh không trí" - Thức thứ 7 này, lại có công năng đem các pháp hiện hành, huân chứa vào một cái kho vô tận (Tàng thức); rồi từ cái kho ấy, đưa chủng tử các pháp ra, khởi hiện hành. Nếu không nhờ thức thứ 7 này, huân tập những việc thấy, nghe, hay, biết vào kho vô tận (Tàng thức), thì chúng ta không thể ký ức lại được một việc gì cả.

Như người nhiếp ảnh, nếu anh không đem cuốn phim ấy cất một nơi nào, thì đến khi muốn rọi lại, không bao giờ rọi được. Song chiếu lại được, thì biết anh có đem cuốn phim ấy cất. Thức này cũng thế, khi chúng ta đọc một bộ sách, hay nghe một việc gì, nếu không có thức này đem cất chứa vào kho vô tận, thì lúc xem qua khỏi mắt, tai hết nghe; nghĩa là, đến khi cảnh vật hiện tiền không còn nhớ lại một việc gì cả. Bởi có nhớ lại được, nên biết rằng nó có chứa đựng một nơi nào vậy.

Thế nên thức thứ 7 này, cũng có tên là "Truyền tống thức" (truyền vào và tống ra). Đến khi chúng được quả vô lậu, thì thức này đổi tên là "Bình đẳng tánh trí".

8. Thưa quý vị! Cứ theo chánh giác và chánh lý mà phán đoán: đã có cái "năng phân biệt chấp ta" tức là thức thứ 7, thì cố nhiên phải có "cái ta bị chấp" là thức thứ 8. Cũng như nói "tôi cầm viết"; đã có cái tay cầm, nhứt định phải có vật bị cầm. Vì thế nên thức thứ Tám cũng có tên là "Ngã ái chấp tàng" (bị thức thứ 7 chấp làm ta).

Như trên đã nói: "Thức thứ 7 đem các pháp hiện hành luân chứa vào một nơi". Nếu đã có kẻ đem chứa, thì nhứt định phải có chỗ để chứa. Cũng như có người đem cất đồ vào kho, thì phải có cái kho để cất. Chúng ta từ nhỏ đến lớn, hoặc đọc được 100 bộ sách, hay làm không biết bao nhiêu công việc, trải qua trong một thời gian năm mười năm, không nghĩ đến thì thôi, nếu một phen hồi tưởng lại những sách ta đã đọc và những việc ta đã làm, thì nó vẫn hiện rõ ràng, in tuồng như mới đọc và mới làm.

Một bằng chứng nữa: Chúng ta đi từ Nam chí Bắc. Xem không biết bao nhiêu phong cảnh, hay du lịch thế giới, thấy những vật lạ thường, khi trở về nhà, các cảnh vật ấy không còn thấy nữa; nhưng một phen nhớ lại, thì thấy rõ ràng như ở trước mắt, vẫn còn lớp lang tuần tự. Như thế thì biết rằng, phải có cái kho bằng tinh thần vô hình và vô tận (Tàng thức) để chứa đựng bao nhiêu hình ảnh của những cảnh ta đã xem, những sách vở ta đã đọc và những việc ta đã làm. Nếu không có cái kho vô tận này, để chứa giữ lại, thì những sách ta đã đọc và những cảnh ta đã xem nó phải quên mất liền theo trong lúc ta hết xem và thôi đọc; nghĩa là phải quên liền khi các cảnh vật không còn hiện tiền phản ánh vào bộ óc nữa. Về sau chúng ta muốn nhớ lại cảnh vật đã qua, hay một bộ sách đã đọc, cũng không bao giờ nhớ được.

Vì thế nên biết phải có một cái kho vô hình chứa giữ lại. Cái kho ấy theo Duy thức gọi là "Tàng thức", nghĩa là "cái thức chứa"; vì nó chứa căn thân, khí giới và chủng tử các pháp vậy; cũng tên là "Đệ bát thức" (cái biết thứ 8). Theo tiếng Phạn gọi là "A lại da thức".

Đến khi chứng được quả vô lậu, thì thức này đổi tên là "Bạch tịnh thức", hay gọi là "Đại viên cảnh trí".

Thưa quý vị! Cổ nhơn có làm một bài kệ, để cho chúng ta nhớ cái tài năng hay tác dụng của tám thức như sau:
"Bát cá đệ huynh, nhứt cá si
Độc hữu nhứt cá tối linh ly
Ngũ cá moan tiền tố mãi mại
Nhứt cá gia trung tác chủ y".
Nghĩa là: Trong tám anh em, thức thứ 7 là si mê (ngã si), duy có thức thứ 6 rất khôn lanh (công vi thủ, tội vi khôi); còn năm thức trước như người làm công ở ngoài cửa, chỉ lo buôn bán, tiếp rước khách hàng (tiếp xúc với năm trần cảnh); một mình thức thứ 8 làm ông chủ nhà (chứa đựng).

Xem bài kệ này chúng ta có thể biết qua được khả năng của tám thức, mà thức thứ 6 và thức thứ 7 là lợi hại hơn hết. Nếu thức thứ 7 si mê, bo bo chấp ngã, thức thứ 6 suy tính làm những việc tội ác, thì chúng ta muôn kiếp trầm luân, không bao giờ thoát ly sanh tử luân hồi được. Vì thế nên người tu Phật, lúc nào cũng phải dùng thức thứ 6 và thức thứ 7, quán nhơn vô ngã, để phá trừ si mê chấp ngã, dứt phiền não chướng; rồi quán pháp vô ngã, để phá trừ pháp chấp, dứt sở tri chướng. Khi ngã chấp và pháp chấp hết rồi, tức là phiền não chướng và sở tri chướng đã dứt, thì chứng được hai quả thù thắng là: Bồ đề và Niết bàn.

Vì thế nên trong Duy thức học nói: "Lục, thất nhơn trung chuyển; ngũ bát quả thượng viên". Nghĩa là: trong lúc tu nhơn, thì chỉ dùng thức thứ 6 và thức thứ 7; đến khi kết quả thì cả năm thức trước, và thức thứ 8 cũng được viên thành.

Vì năm thức trước như người làm công, không có quyền, còn thức thứ 8 chỉ có tài chứa đựng; duy có thức thứ 6 và thức thứ 7 này, nếu có công thì nó hạng nhứt, mà có tội nó cũng đứng đầu. Người học Phật đối với hai thức ấy, lúc nào cũng phải cẩn thận và sửa đổi, như thế gọi là "Tu Tâm".

Nhận xét

Bài đăng phổ biến từ blog này