Kinh Đại Thừa Vô Lượng Thọ_12
Lão Pháp sư Tịnh Không chủ giảng Biên dịch: Vọng Tây cư sĩ. - Biên tập: PT. Giác Minh Duyên
Thứ tư “Đại chúng sanh khổ cúng dường”, kinh Phật đã nói, tất cả chúng sanh thọ dụng của cả một đời đều là tự làm tự chịu. Không ai có thể thay thế cho ai. Thế nhưng ngay trong “không thể thay thế”, cũng có điểm gần giống thay thế. Chư Phật Như Lai, pháp thân đại sĩ, các ngài đã siêu việt mười pháp giới, có thể không cần đến, nhưng vì sao còn trở lại mười pháp giới, còn trở lại sáu cõi, thậm chí trở lại ba đường? Đó là tùy loại hóa thân, như trong Phổ Môn Phẩm đã nói: “đáng dùng thân gì để độ, ngài liền hiện thân đó để độ; đáng dùng thân người để độ, ngài liền hiện thân người; đáng dùng thân Phật, ngài liền thị hiện thân Phật; đáng dùng thân súc sanh, ngài liền hiện thân súc sanh; thậm chí đáng dùng thân cỏ cây thì ngài liền hiện thân cỏ cây”. Vậy khi thọ thân này, ví dụ, Phật Bồ Tát đến thế gian thọ thân người, cũng trụ thế mấy mươi năm như Thích Ca Mâu Ni Phật, giảng kinh nói pháp suốt 49 năm.
Thế Tôn ở đời cũng có đời sống giống y chúng ta, thậm chí còn khổ cực hơn, mỗi ngày phải ra ngoài khất thực. Ngài có thể không cần phải chịu như vậy, nhưng ngài bằng lòng nhận chịu đời sống này, làm ra một tấm gương để chúng ta xem, “thay chúng sanh chịu khổ”. Đó đều là mong muốn cho tất cả chúng sanh giác ngộ. Trong thế gian, chúng sanh mê hoặc điên đảo không hiểu rõ chân tướng sự thật, ngày ngày tranh danh đoạt lợi, tạo tác vô lượng vô biên tội nghiệp, về sau rơi vào ba đường chịu khổ, thử hỏi có oan uổng không. Cho nên Thế Tôn vì chúng ta thị hiện, người ta muốn danh, muốn quyền lực, muốn địa vị, còn ngài là một vương tử, thứ nào mà chẳng có. Địa vị quốc vương, quyền lực lớn nhất trong một nước, không ai sánh bằng, tài sản của ngài, người xưa thường nói “quý vi thiên tử, phú hữu tứ hải”. Những thứ người khác muốn tranh giành thì ngài đã có đầy đủ, ấy vậy mà ngài xả bỏ tất cả. Đó chính là nói với chúng ta, những thứ đó đều là giả, không phải thứ tốt. Thứ tốt nhất là tu hành. Ngài chân thật làm ra tấm gương dạy bảo chúng ta. Nếu bản thân ngài không làm được, thì có dạy chúng ta nhìn thấu buông bỏ, làm sao chúng ta tin tưởng. Ngài đã làm được, thậm chí viên mãn, chúng ta không thể không tin tưởng, học tập theo.
Ngày nay, không ít người giàu có, nếu như bạn có thể đem đời sống giàu có của mình hạ thấp xuống một bậc, bạn đem tiền của đi bố thí, đi giúp đỡ chúng sanh khổ nạn, đời sống của bạn hạ xuống một bậc đồng nghĩa với khổ hơn, nhưng đó là hạnh “thay chúng sanh chịu khổ”. Cư sĩ Liễu Phàm trong Liễu Phàm Tứ Huấn đã viết, vợ chồng Viên Liễu Phàm cứ mỗi mùa đông, họ may quần áo cho con cái nào là áo bông, áo len,… ông liền nghĩ đến những người nghèo không có áo ấm mặc. Ông đem bán áo bông để làm áo gòn, như vậy thì một bộ có thể đổi được ba bốn bộ, người trong nhà không thiếu mà còn có thể dư ra bố thí cho người khác, “thay khổ cho chúng sanh”. Cho nên chúng ta ở trong cuộc sống, tiết kiệm một chút, chịu khổ một chút thì có thể giúp đỡ chúng sanh một chút. Người hay giữ tâm này chính là người có hạnh “thay chúng sanh chịu khổ”. Chúng ta cũng phải luôn giữ tâm này. Thế gian người khổ rất nhiều, đời trước chúng ta tu được chút phước, không nên hưởng hết ngay trong đời này, phải biết không ngừng tiếp tục tu phước thì phước báu của chúng ta không thể cùng tận, ngược lại phước báu sẽ kéo dài.
Thời xưa ở Ấn Độ, Trung Quốc, đệ tử nhà Phật không luận tại gia xuất gia, rất nhiều người tu khổ hạnh. Không phải họ không thể cải thiện đời sống của chính mình, mà chính là mỗi niệm họ đều nghĩ đến thế gian vẫn còn nhiều chúng sanh khổ. Trong số người xuất gia đầu năm Dân quốc, lão hòa thượng Hư Vân, đại sư Ấn Quang là tấm gương tốt của người xuất gia chúng ta. Hai vị đại đức này đều rất tuyệt vời, tín đồ của các ngài rất đông, cúng dường các ngài rất phong phú. Thế nhưng lão hòa thượng Hư Vân chưa từng may một bộ quần áo mới nào. Hiện nay còn lưu giữ nhiều hình chụp của lão hòa thượng, quần áo mặc trên người đều đắp vá rất nhiều chỗ. Tôi chưa từng thấy tấm hình nào của ngài mà quần áo không đắp vá. Thực ra ngài có nhiều quần áo mới, người ta nhìn thấy lão hòa thượng mặc quần áo rách liền lập tức đưa quần áo mới đến, chất liệu tốt, vải đẹp, kỹ thuật may cao, nhưng lão hòa thượng đã làm gì với số quần áo mới đó? Xem cũng không xem qua, khi tín đồ đi, lão hòa thượng liền đem cúng dường người khác, những bậc sơ học, người mới tu không có ai cúng dường. Còn bản thân lão hòa thượng, ngài vẫn mặc đồ rách cũ, “chịu khổ thay cho chúng sanh”.
Đại sư Ấn Quang nhận cúng dường cũng nhiều, lão hòa thượng cũng đem tất cả đồ cúng dường phục vụ công việc hoằng pháp lợi sanh. Cả đời đại sư chỉ làm công việc như vậy, thật gọi là một môn thâm nhập. Ngài ở chùa Báo Ân Tô Châu thành lập một Hoằng Hóa Xã, là nơi lưu thông kinh Phật. Ngài đem cúng dường của mười phương xây dựng thành nguồn vốn in sách biếu tặng, rồi đến khắp nơi kết duyên với người. Sách của Hoằng Hóa Xã in rất đẹp, có thể gọi là sách thiện, hiệu đính kỹ lưỡng, rất ít chữ sai, rất rõ ràng, khổ sách rộng, đẹp mắt. Cả đời ngài chỉ làm một việc như vậy, làm sao chúng ta biết? Đó là lúc ngài ở Thượng Hải “Hộ Quốc Tức Tai Pháp Hội”, trong lúc diễn giảng, lão hòa thượng nhắc đến phương Bắc vừa gặp tai nạn, ngài trích từ tài khoản in kinh ra 3000 tiền đại dương đi cứu trợ. Cứu trợ của ngài lấy từ quỹ in kinh, do đây có thể biết tất cả tiền của ngài, từng li từng tí đều phục vụ công việc in kinh bố thí, không hề đem đi làm việc khác. Đời sống của lão hòa thượng vẫn y như mọi người, không hề cải thiện. Không hề ăn một chút gì đó ngon hơn, không hề may một bộ đồ mới nào, cũng không hề chỉnh lý hoàn cảnh nơi ở của mình. Người cúng dường tiền rất nhiều, nhưng ngài vẫn trải qua ngày tháng cực khổ, vĩnh viễn không quên “thay chúng sanh chịu khổ”.
Chúng ta giảm bớt một phần hưởng thụ liền giảm bớt một phần chúng sanh khổ, đó là điều chúng ta nên học tập. Nếu thường giữ tâm này, thường làm việc này, chúng ta đời đời kiếp kiếp đều sẽ không có khổ nạn. Bạn có thể “thay chúng sanh chịu khổ” thì làm sao bạn có cái khổ. Xã hội hiện tại nhiều người khổ nạn, người bệnh khổ càng đáng thương, và nhất là những người cùng khổ bị bệnh, cho nên không ít đoàn thể tôn giáo làm từ thiện, xây bệnh viện, bố thí thuốc men. Xã hội hiện đại giàu có, quốc gia luôn có những chính sách chăm sóc điều trị đối với nhân dân, ngoài ra mỗi người đều chú ý việc dự phòng bệnh tật cho chính mình. Họ thủ một ít tài vật phòng khi bị bệnh, khi có khổ nạn thì dùng. Tuy nhiên, người chân thật thông minh sẽ đem những tiền này bố thí hết, đem tất cả phí chuẩn bị thuốc thang của ta bố thí cho những người bệnh.
Có lẽ bạn muốn hỏi: “Vậy đến khi chính mình bị bệnh thì phải làm sao?” Xin thưa với các vị, nhất định bạn sẽ không bị bệnh, vì sao? Vì phí thuốc men bạn đã bố thí hết. Còn bạn cứ cất giữ tiền chuẩn bị bệnh thì nhất định sẽ bị bệnh, không bệnh thì tiền đó làm sao dùng. Cho nên không thể không bệnh. Muốn chuẩn bị tiền cho tương lai có tai nạn gì thì bạn nhất định sẽ gặp nạn. Phật pháp nói rất hay “Tất cả pháp từ tâm tưởng sanh”, bạn không có bệnh nhưng nghĩ bệnh thì phải bị bệnh; cũng vậy, không có nạn nhưng luôn chuẩn bị tương lai có nạn, cho nên tai nạn cùng tật bệnh nhất định không thể tránh khỏi. Nếu bạn đem đi bố thí hết, trong lòng thản nhiên, bạn cũng sẽ không gặp nạn, sẽ không bị bệnh, tự tại dường nào, thế thì tại sao còn không xả hết?
“Trồng nhân như thế nào, thì sẽ gặp quả báo như thế đó”, nhất định không hề sai. Chúng ta phải hiểu được “thay chúng sanh chịu khổ”, phải có thực lực, tận sức mà làm, đặc biệt là chúng sanh cử thế ngày nay. Bạn phải nên biết, khổ nạn lớn nhất là gì? Đó là không nghe được Phật pháp, bao gồm cả chúng sanh khổ nạn. Không có gì lớn hơn so với khổ nạn này. Sau khi nghe Phật pháp, họ giác ngộ, còn không nghe Phật pháp, vĩnh viễn mê hoặc điên đảo. Ngày tháng của họ càng ngày càng khổ, càng mê càng sâu. Cho nên hôm nay chúng ta bố thí Phật pháp, đó chính là một trong những điều “thay chúng sanh chịu khổ” thù thắng nhất. Có thực lực thì xây đạo tràng, thỉnh pháp sư giảng kinh nói pháp, giúp đỡ chúng sanh một địa phương phá mê khai ngộ, lìa khổ được vui. Đạo tràng như thế nào? Phải xây dựng một đạo tràng mô phạm, đạo tràng thúc đẩy giáo dục của Phật đà. Đạo tràng này không làm kinh sám, không làm pháp sự, và không làm pháp hội. Đạo tràng Tịnh Tông phải thuần Tịnh Tông, buổi tối giảng kinh, ban ngày niệm Phật.
Có lẽ các vị muốn hỏi: “Đạo tràng như vậy ở địa phương, nếu không có pháp hội, không có pháp sự, thì thu nhập làm sao?”. Nếu thật sự dấn thân vào công cuộc thúc đẩy giáo dục của Phật đà mà còn bị chết đói thì chúng ta không cần tin Phật nữa, vì Phật pháp là giả. Bạn hãy chân thật tu hành đúng pháp, không cần phải đi phan duyên một người nào, không cần phải nịnh bợ bất cứ ai, cũng không cần phải xin tín đồ một xu nào, nếu bạn chết đói, Phật pháp đã có vị thần hộ pháp thứ nhất là Bồ Tát Di Đà. Bồ Tát Di Đà sẽ là vị cuối cùng phải xuống điều tra. Cho nên đạo tràng này nhất định được chư Phật hộ niệm, long thiên thiện thần bảo hộ, tuy bạn có thể sẽ không dư giả nhưng đời sống của bạn nhất định không có vấn đề, lương thực của bạn hết, Bồ tát Di Đà sẽ tìm người đưa lương thực đến cho bạn, không để bạn thiếu hụt, đói khát, cũng không để bạn lạnh rét. Chỉ cần một lòng niệm Phật, một lòng làm đạo thì tốt, danh vọng lợi dưỡng thảy đều buông bỏ, tâm địa Thanh Tịnh Bình Đẳng Giác, đó gọi là đạo tràng chánh pháp.
Nếu bạn có thể xây dựng một đạo tràng như vậy, thì đó là đạo tràng mô phạm. Không luận đạo tràng lớn nhỏ, ở đó cộng tu, bốn chúng đồng tu đều tuân theo sáu phép hòa kính, đạo tràng này của bạn sẽ là đạo tràng đệ nhất thế gian, công đức đó thù thắng không gì bằng. Bạn đem một phần phước báu của chính mình xây dựng đạo tràng, lễ thỉnh pháp sư giảng kinh nói pháp, lãnh đạo đại chúng niệm Phật, giải hành tương ưng, chân thật “thay chúng sanh chịu khổ”. Cho nên khi mình có phước, không nên ở ngay đời này tận hưởng hết, đời sau sẽ không còn phước báu nữa. Hiểu tu phước như thế, phước báu đời sau sẽ không thể nghĩ bàn.
Thứ năm, “Cần tu thiện căn cúng dường”, đây là điều then chốt. Thiện căn chính là tất cả thiện pháp từ nơi gốc sanh ra. Kinh Phật nói, thiện căn của thế gian pháp có ba điều “không tham, không sân, không si”, chúng ta phải nỗ lực tu ba điều này. Ngược lại, tham sân si gọi là ba độc phiền não, những thứ luôn gây sự bất an. Trong lòng bạn có ba độc tham sân si, loại bệnh độc nghiêm trọng nhất trong tất cả bệnh độc thế gian thì hậu quả sẽ khôn lường. Bệnh độc thế gian có nghiêm trọng đến mấy cũng chỉ chết một mạng này, có gì đáng sợ, nhưng tham sân si là bệnh độc rất phiền phức. Tham mang đến quả báo đường ngạ quỷ, sân hận quả báo đường địa ngục, ngu si quả báo đường súc sanh. Khi mất đi thân người nhưng không thể có lại được thân người, mà đi đến ba đường ác, lúc đó bạn mới biết được sự nghiêm trọng của thứ bệnh độc này.
Thế gian tất cả ác chính là từ tham sân si mà ra, ngược lại tất cả việc thiện thế gian đều từ không tham, không sân, không si mà ra. Cho nên Phật thường nói “Cần tu Giới Định Huệ, diệt trừ tham sân si”. Tịnh Độ tông tuy không bảo bạn đoạn phiền não hay phục phiền não, nhưng một câu A Di Đà Phật rất có sức mạnh có thể áp chế được tham sân si, khiến nó không khởi tác dụng, như vậy mới đới nghiệp vãng sanh. Nếu bạn có thể tiêu trừ ba độc phiền não, vãng sanh thế giới Tây Phương Cực Lạc, xin thưa chẳng những là cõi phàm thánh đồng cư mà mức thấp nhất cũng là cõi Phương Tiện Hữu Dư, cao hơn đến cõi Thật Báo Trang Nghiêm. Thời gian đi đến đó thành Phật sẽ rất ngắn. Ở thế giới cực lạc tu hành thành tựu cũng có thể đến thế giới phương khác làm Phật. Đồng tu chân thật học Phật phải hạ công phu đoạn tham sân si, nhất định tu Giới Định Huệ.
Giới là tâm thanh tịnh, Định là bình đẳng, Huệ chính là giác. Tâm thanh tịnh có thể phá tham, tâm bình đẳng có thể phá sân hận, giác có thể phá ngu si. Chỉ cần trong cuộc sống thường ngày, mỗi giờ mỗi lúc chúng ta đều lưu ý giữ tâm địa thanh tịnh, tâm địa bình đẳng, giác mà không mê thì đó chính là “Cần tu thiện căn cúng dường”. Một người niệm Phật, bốn chúng đồng tu tu học tịnh độ, mỗi niệm đều phải tương ưng với thanh tịnh bình đẳng giác.
Thứ sáu, “Bất xả Bồ tát nghiệp cúng dường”, sự nghiệp của Bồ tát là gì? Hiện tại các vị không luận nghề nghiệp nào, chỉ cần giác mà không mê thì nghề nghiệp đó của bạn chính là nghiệp của Bồ tát. Sự nghiệp Bồ tát cùng sự nghiệp của chúng ta không hề phân biệt. Ví dụ, chúng ta mở tiệm, mỗi ngày buôn bán, đó là sự nghiệp của bạn khi bạn chưa học Phật. Mục đích mở tiệm là để kiếm tiền, cái lợi này của riêng mình. Đến khi đã học Phật, làm Bồ tát, bạn mở tiệm không phải vì chính mình nữa mà vì xã hội, vì đại chúng, vì thuận lợi mọi người. Vậy cái tiệm đó của bạn chính là Bồ tát nghiệp. Không luận nghề nghiệp nào, chỉ cần ta lợi dụng nghề nghiệp đó để phục vụ xã hội, phục vụ chúng sanh thì gọi là Bồ tát nghiệp. Phật Bồ tát cùng chúng sanh khác biệt ở chỗ này, chính là giữa khoảng một niệm, ngoài ra không có khác biệt gì. Dù chúng ta còn trẻ, khi còn học ở trường thì là Bồ tát học trò, tức là người học trò ngay trong quan niệm của nó phải cố gắng học tốt khóa học, lấy được học vị, tương lai từ nghề nghiệp phát huy những cái chính mình đã học để phục vụ đại chúng xã hội, không nên vì cá nhân chiếm danh lợi, đó mới xứng đáng là học trò Bồ tát.
Phải nên hiểu sự nghiệp Bồ Tát trong đời sống hiện tại của mình. Nếu bạn là người chủ gia đình, gìn giữ gia đình là sự nghiệp của bạn. Trong gia đình, bạn sắp đặt mọi thứ rất tốt, có trật tự làm cho người nhà thoải mái, tự tại, hoan hỉ thì gia đình bạn trở thành tấm gương tốt cho các gia đình khác, sẽ ảnh hưởng tích cực đến những người hàng xóm, khi đó bạn là người chủ Bồ tát. Cho nên sự nghiệp cuả Bồ tát không nhất thiết phải vào tự viện mà chính ngay đời sống hiện tại của bạn, ngay trong công việc trước mắt của bạn, thậm chí đến cách đối nhân xử thế tiếp vật. Chỉ cần mỗi niệm của bạn vì lợi ích chúng sanh, mỗi niệm giúp đỡ tất cả chúng sanh giác ngộ, dẫn dắt chúng sanh học Phật đều gọi là Bồ tát nghiệp.
Thứ bảy, “Bất ly bồ đề tâm cúng dường”. Trong bảy việc vừa nêu thì đầu và đuôi là quan trọng nhất. Phật trong kinh Quán Vô Lượng Thọ đã giảng cho chúng ta về tâm Bồ Đề. Thể của tâm Bồ Đề là chân tâm của chính mình, là bản tánh của chính mình. Không ai không có tâm Bồ Đề, mỗi mỗi đều có tâm Bồ Đề. Đáng tiếc mê rồi thì không được gọi là tâm Bồ Đề, chỉ khi giác ngộ mới được gọi là tâm Bồ Đề. Do đó bạn nhất định phải giác ngộ, không thể mê hoặc nữa. Thể của tâm Bồ Đề là tâm chân thành, đối với người, với việc và với vật nhất định phải dùng tâm chân thành, không thể dùng hư vọng. Phải nói lời thành thật, không gạt mình gạt người. Hiện nay, pháp luật trên toàn thế giới đều chú trọng đến quyền riêng tư, nghĩa là cá nhân có thể có bí mật, không cho người biết. Bí mật thì làm gì có bí mật tốt. Phải nên hoàn toàn phơi bày, không chút bí mật. Các vị phải biết, khi bạn có bí mật thì bạn sẽ sống rất khổ sở, phải thường bảo mật. Người không có bí mật sống tự tại, thoải mái, đối với bất cứ người nào cũng đều trung thực, không có gì che giấu.
Tôi ở Hoa kỳ, một số đồng tu trách tôi: “Vì sao ngài không có một chút bí mật nào hết vậy?” Tiền gửi ngân hàng, mọi người đều biết ngân hàng tôi gửi tiền, số tiền có bao nhiêu, không một người nào không biết. Họ nói: “Không thể để người khác biết”. Tôi nói: “Tại sao không thể để người khác biết? Số tiền đó không phải của tôi, tôi cũng sẽ không dùng đến nó. Số tiền đó do mọi người cúng dường, hiện tại không dùng thì đành phải để ngân hàng”. Từ trước đến giờ tôi không dùng đến, nên hiện tại số tiền đó phần lớn chi ra cho việc cung cấp học bổng, ngoài ra còn một số khổ nạn.
Lần trước ở HongKong, pháp sư Minh Tinh, học sinh khóa trước chúng ta, ông nói khi về quê hương, ông gặp một học trò trẻ tuổi, tính tình và việc học tập đều rất tốt, nhà anh ta nghèo khổ, không đủ tiền đi học, trong trường bằng lòng miễn học phí, nhưng sinh hoạt phí của anh ta cũng rất khó khăn. Tôi hỏi ông ấy: “Một tháng sinh hoạt phí phải tốn bao nhiêu tiền?” Hai trăm nhân dân tệ. Tôi liền bảo với ông ấy cố gắng giúp anh ta đi học thẳng đến đại học, tất cả phí dụng của anh ta, tôi sẽ trả. Một thanh niên tốt như vậy, chỉ vì hoàn cảnh sinh hoạt bức bách mà không thể đi học thì thật đáng tiếc. Khi anh ta học xong sẽ trở thành nhân tài của quốc gia, vì địa phương đã tạo phước.
Chúng ta đối với người một lòng chân thành, nhất định không một câu vọng ngữ. Tâm chân thành khởi tác dụng chính là thâm tâm cùng tâm đại bi. Thâm tâm là hiếu thiện, hiếu đức; tâm đại bi là giúp tất cả chúng sanh, đại từ đại bi. Trong tịnh tông chúng ta đã nói “Hồi hướng phát nguyện tâm”, tất cả công đức tu được, chính mình không cần hưởng thụ mà hoan hỷ cho tất cả chúng sanh hưởng thụ, bạn nghĩ xem có tự tại hay không? An lạc dường nào. Có rất nhiều người trải qua ngày tháng hạnh phúc an vui, đó mới là an vui chân thật, hạnh phúc chân thật. Kinh Hoa Nghiêm, Bồ tát Phổ Hiền nói về bảy loại pháp cúng dường, chúng ta phải quảng tu, phải dùng tâm chân thành mà tu, tận tâm tận lực mà tu, phước báu bạn có được cũng giống như trên quả địa Như Lai viên mãn đến như vậy.
(Còn tiếp ...)
KINH ĐẠI THỪA VÔ LƯỢNG THỌ TRANG NGHIÊM THANH TỊNH BÌNH ĐẲNG GIÁC
Biên tập: PT. Giác Minh Duyên
Nhận xét
Đăng nhận xét