Vấn Đáp Phật Học Cơ Bản_3


Câu hỏi 26: Pháp sư! Một số người cho rằng, mình chỉ cần làm người tốt thì được, hà tất phải đi học Phật. Học Phật đối với cá nhân mỗi người chúng ta rốt cuộc có cái gì tốt? Tại sao nhất định phải học Phật?

Việc này lại là một hiểu lầm, vừa rồi tôi nói, nên có một hiểu biết tương đối, học Phật là học làm người minh bạch. Tôi làm người tốt, hà tất phải đi làm người minh bạch? hà tất phải biết chân tướng của vũ trụ nhân sanh, làm người tốt là được rồi? Với cách nói như vậy, bạn liền có được đáp án, nhất định phải làm một người minh bạch mới là người tốt viên mãn. Bạn tuy là người tốt, nhưng người tốt của bạn không viên mãn, còn khiếm khuyết rất nhiều. Nếu bạn có định huệ có thể làm người minh bạch, bạn mới là người tốt viên mãn. Còn người tốt thông thường chỉ là người tốt phổ thông mà thôi, không viên mãn.

Câu hỏi 27: Muốn học Phật có thành tựu, lẽ nào nhất định phải xuất gia? ở tại gia học Phật có thể học đến thành tựu được không?

Học Phật không nhất định phải xuất gia, quan niệm này sai lầm. Xuất gia cũng giống như một nghề nghiệp ở thế gian. Bạn thích nghề nghiệp nào thì bạn chọn lựa nghề nghiệp đó. Bất cứ nghề nghiệp nào cũng có thể học Phật, bất cứ nghề nghiệp nào cũng thành Bồ tát, thành Phật. Xuất gia là một nghề nghiệp trong tất cả các nghề nghiệp, nghề nghiệp này tương đương với nghề nghiệp mà chúng ta đã chọn. Tôi thích giáo dục, tôi thích dạy học, tôi đến học ở trường sư phạm, tương lai sau khi tốt nghiệp, tôi sẽ làm công việc giáo dục, đây là chí nguyện cá nhân. Cho nên nhất định phải hiểu, Phật pháp là trí tuệ viên mãn, biểu hiện ngay trong bất cứ phương thức đời sống khác nhau nào, ngay trong bất cứ hoàn cảnh công tác nào, đây là chân chánh học Phật, chân thật có được thành tựu trong Phật pháp, không nhất định phải xuất gia.

Nếu xuất gia mà không từ nơi công tác giáo học thì lại càng đặc biệt sai lầm. Giống như bạn tốt nghiệp trường sư phạm, bạn được phân công đến trường học làm giáo viên, nhưng ngày ngày bạn không chịu lên lớp thì còn gì để nói nữa. Bạn từ công việc nghề nghiệp nào cũng phải đem nghề nghiệp mình chọn mà làm cho tốt, trở thành tấm gương mô phạm, đó gọi là Phật Bồ tát. Phật Bồ tát chính là tấm gương tốt nhất cho chúng sanh thế gian.

Câu hỏi 28: Vừa rồi pháp sư có nói đến học Phật giúp chúng ta lìa khổ được vui, hơn nữa đây là mục tiêu, một cảnh giới mà người học mong muốn đạt đến. Thế nhưng mọi người trên thế gian đều có khổ não, không biết Phật pháp có phương pháp nào tương đối cụ thể để lìa khổ được vui hay không, có thể giúp chúng ta hóa giải những khổ não này chăng?

Kinh Phật nói, khổ não từ mê mất đi chính mình, mê mất đi chân tướng hoàn cảnh sinh hoạt mà sanh ra. Vì bạn không hiểu rõ chân tướng sự thật, mỗi ngày bạn đang vọng tưởng, cách nghĩ cách nhìn của bạn thảy đều sai lầm, hành vi tạo tác của bạn cũng sai lầm theo. Tư tưởng chỉ đạo hành vi con người, nghĩ sai thì nhất định sẽ làm sai, đã làm sai đương nhiên sẽ mang đến kết quả khổ đau. Phật muốn giải quyết khổ nạn của chúng sanh, trước tiên phải giúp họ giác ngộ, giúp họ chân thật hiểu được nhân sanh. Người hiện đại chúng ta không bằng người xưa, bạn xem người xưa có thể an phận nghèo vui đạo, họ đạt nhiều an vui. Còn người hiện tại dục vọng không hề ngừng nghỉ, chẳng phải tự tìm lấy cái khổ hay sao. Hãy bình lặng mà nghĩ, mỗi ngày bạn làm việc khổ cực đến vậy, rốt cuộc bạn trải qua ngày tháng như thế nào, bạn đã đạt được cái gì, cứ bình lặng mà nghĩ chính mình liền sẽ hiểu ra.

Những năm đầu tôi học Phật, một vị hòa thượng giảng cho tôi nghe câu chuyện thật. Ở Thái Châu Giang Tô, có một người lang thang xin ăn rất đáng thương, con cái của ông buôn bán phát tài to luôn nghĩ cách cho người đi tìm ông về. Ông trở về, họ sắm sửa quần áo mới cho cha, thuê người hầu hạ. Thế nhưng người cha chỉ ở khoảng một tháng rồi lại bí mật trốn đi. Ông tiếp tục lang thang xin ăn. Người ta hỏi lý do vì sao ông làm vậy. Ông trả lời, vì được nhiều người hầu hạ khiến ông cảm thấy đắc tội; họ mang thức ăn cao sang đến ép nhưng ông không thích ăn; ông cũng không chịu mặc quần áo mới; thà mỗi ngày đi xin ăn, mỗi ngày được du sơn ngoạn thủy, đói thì xin một bát cơm, buổi tối ngủ nghỉ nơi nào cũng được, đời sống chân thật là đời sống mà chính mình bằng lòng trải qua, an vui, tự tại, rất tuyệt vời. Quan niệm này của ông cùng với quan niệm của người thế tục chúng ta hoàn toàn không giống nhau. Tuy ông không học Phật, nhưng nếu học Phật, chắc chắn ông ấy cũng sẽ thành Phật. Trên thực tế ông ấy là Bồ tát trong ăn xin, một người giác ngộ trong ăn xin. Biểu hiện của ông ấy là không tranh giành với người, không mong cầu ở đời, cuộc sống đại tự tại, hòa nhập với đại tự nhiên. Người nào có được cảnh giới này, quay đầu nhìn lại thấy con cái buôn bán, cảm thấy không tiếc rẻ, bản thân thong dong không phải là đời sống của người bình thường. Việc lìa khổ được vui các vị phải từ đây mà nghĩ.

Câu hỏi 29: Vâng. Ý cảnh rất sâu, nhưng thực tế lại có một số người tương đối trái nghịch, ở trong phước mà không biết phước, xung quanh họ đều đầy đủ viên mãn, thế nhưng họ cũng không hề được an vui, bởi vì trong đầu họ luôn ghi nhớ những việc buồn quá khứ, còn việc an vui thì lại không nhớ chút nào. Thưa pháp sư, xin ngài có thể vì những người nghĩ không thông này mà khai thị cho họ?

Kinh nói “Phàm hễ có tướng đều là hư vọng”, người và người, người và công việc đều thoảng qua như mây khói, hà tất phải để nó trong lòng, khiến chính mình khó chịu, đây là ngu muội. Một người nếu muốn chân thật đạt đến an vui trước tất cả những việc không vừa ý, tất cả người có vướng mắc với mình, thì phải đem nó quên sạch không nhớ gì. Thường nghĩ đến chỗ tốt, không nên nghĩ đến chỗ xấu của người, thì bạn an vui. Ngày ngày nghĩ đến lỗi lầm của người là bạn tự tìm cái khổ, không liên quan gì với họ. Khổ là chính mình, không phải họ, loại người này mới gọi là ngu si, mê hoặc, điên đảo mà kinh Phật thường nói. Chúng ta nên tự cầu phước báu, thường hay nghĩ đến chỗ tốt của người. Dù họ có lỗi lầm, dù họ ác, chúng ta vẫn có thái độ tốt đẹp đối đãi với họ, hơn thế nữa có thể làm cho người ác chuyển thành người tốt, công đức rất lớn, là một việc đại thiện. Không nên tác thành ác hạnh cho người khác, phải làm việc tốt cho người, chúng ta mới chân thật đạt đến an vui.

Câu hỏi 30: Một số người không cách gì khống chế được suy nghĩ của mình. Thưa pháp sư, có phải có những phương pháp ngoại lực, ví dụ niệm niệm kinh văn gì đó giúp họ cởi mở chính mình, vậy nên đọc những kinh gì?

Hiện tượng này rất phổ biến, trong ngoài nước đều đã thấy qua, nguyên nhân chủ yếu Phật pháp gọi là “tập khí của họ quá sâu, phiền não quá nặng”. Dù có hiểu được đạo lý, khi cảnh giới xuất hiện họ vẫn không thể khắc phục, vẫn không thể chuyển đổi nó. Phương pháp của Phật pháp rất nhiều, nếu phiền não khởi lên, tâm không bình, muốn làm cho tâm định lại, bạn nên mở quyển kinh, chăm chỉ đọc qua một lượt, háo hức dần dần liền ổn định. Cho nên dùng phương pháp đọc kinh cũng được, trì chú cũng được, niệm Phật cũng được. Thậm chí không dùng những phương pháp này bạn có thể dùng phương pháp thế gian. Bạn vốn thích nghe nhạc, chỉ cần mở vài khúc nhạc cổ điển rồi chuyên chú lắng nghe, tâm cũng có thể bình lại. Do đó phương pháp không cố định, bạn xem phương pháp nào có hiệu quả đối với mình thì có thể vận dụng nó. Tóm lại, bình lặng vọng tưởng phân biệt là việc trọng yếu, đây là then chốt quan trọng trong tu hành của chúng ta.

Câu hỏi 31: Thưa pháp sư, có thể chỉ dạy chúng tôi một chút, nếu chúng ta tự tu ở nhà thì nên đọc những kinh văn gì?

Sơ học nhất định phải từ nơi làm người tốt mà khởi đầu. Những năm gần đây chúng ta ở hải ngoại đề xướng vận động bốn tốt, bảo người “giữ tâm tốt, làm việc tốt, nói lời tốt, làm người tốt”, tiêu chuẩn của cái tốt phải phù hợp với xã hội, có lợi ích cho đại chúng, không vì lợi ích của chính mình. Nếu nghĩ đến lợi ích của chính mình, bỏ qua lợi ích của mọi người trong xã hội thì không đúng. Mỗi niệm vì xã hội, mỗi niệm vì mọi người, chúng ta cũng là một người trong đó. Mọi người được tốt, đương nhiên ta sẽ tốt; ta tốt mà mọi người không tốt thì ta vẫn phải chịu tai nạn, vẫn không cách gì tránh khỏi. Cho nên, đây là tiêu chuẩn tích cực vì xã hội vì mọi người. Ngày xưa đại sư Ấn Quang cả đời cực lực đề xướng “Liễu Phàm Tứ Huấn”, Viên Liễu Phàm là người thời đại triều Minh, bốn thiên văn chương của ông lưu hành ở Đài Loan rất rộng. Ngày trước tôi đã giảng qua tỉ mỉ, cũng có băng đĩa, sách đang lưu hành, các bạn có thể xem, chăm chỉ học tập, trước tiên phải làm người tốt, đây là nền tảng. Sau đó chúng ta đọc kinh mới có thể nhận được kết quả. Về đọc kinh, nếu mọi người chưa tiếp xúc, tốt nhất nên tụng kinh Vô Lượng Thọ. Kinh Vô Lượng Thọ không dài, thích hợp với người hiện đại, lý luận phương pháp cảnh giới trong đó tương đối viên mãn, mọi mặt đều được nói đến, là một bộ sách rất hay.

Câu hỏi 32: Kinh Vô Lượng Thọ. Thưa pháp sư, trước khi chúng ta tụng kinh, đang tụng hoặc sau khi tụng, có quy củ gì không? có gì cấm kỵ không?

Không có. Phật là giáo học, không phải tôn giáo. Không có chuyện chúng ta không quy củ thì Phật không vui. Nếu Phật không vui thì ngài đã biến thành phàm phu vì ngài còn khởi tâm động niệm. Cho nên không hề có việc này. Chúng ta có thể tụng kinh bất cứ nơi nào, bất cứ lúc nào, chỉ cần làm cho tâm được an tịnh.

Tuy nhiên, khi mọi người cùng nhau tu học theo nhóm thì cần phải có quy củ. Nếu không quy củ sẽ loạn. Mọi người cùng nhau đọc kinh, vì sao nhất định phải gõ mõ?, đó là để giữ nhịp, giúp mọi người hòa nhịp ăn khớp nhau, người nghe sẽ cảm thấy dễ chịu. Cho nên khi mọi người cùng nhau tụng thì phải có quy củ, còn cá nhân thì tự tại, muốn tụng cách nào cũng được.

Câu hỏi 33: Xung quanh đời sống nơi nào cũng có thể thấy một không khí không hòa hợp thân thiện, như vợ chồng bất hòa ngày càng nhiều, tỷ suất ly hôn ngày càng cao, tình hình con cái bất hiếu cũng thường xảy ra, hiện tượng hàng xóm mâu thuẫn, nơi nào cũng hiện rõ hiện tượng xã hội bất hòa, không thân thiện. Thưa pháp sư, có thể mời ngài vì một đại hoàn cảnh không thân thiện này, vì tất cả mọi người mà nhắc nhở khai thị được không?

Trước hết cần tìm ra những nhân tố gây bất hòa, sau đó trừ bỏ những nhân tố này mới có thể giải quyết được vấn đề. Nhân tố cội gốc vẫn ở giáo dục. Vì sao xã hội thời xưa an định suốt một thời gian tương đối dài? đó là nhờ vào giáo dục. Thời trước giáo dục trọng điểm chủ yếu dạy bạn làm người. Xem trong Tam Lễ, giáo học của nhà Phật các vị có thể thấy các kinh luận đều dạy bạn quan hệ giữa người và người, quan hệ vợ chồng, cha con, anh em, bè bạn, quân thần, ngày nay gọi là quan hệ cấp dưới và lãnh đạo. Trung Quốc gọi là ngũ luân bát đức, đây là trung tâm của giáo học. Trong giáo học Khổng Tử, đức hạnh là bậc nhất, là căn bản làm người, sau đó mới dạy ngôn ngữ, dạy những năng lực làm việc, năng lực mưu sinh, văn học nghệ thuật, nâng cao phương diện đời sống tinh thần,… Phật pháp cũng vậy. Nguyên nhân căn bản chính là giáo dục. Ngày nay của chúng ta trên tông chỉ có khác biệt, chúng ta chỉ chú trọng kỹ thuật mà không chú trọng nhân văn, không hiểu quan hệ người và người, tuy giàu có nhưng trong vấn đề nhân sự thì mãi mãi không giải quyết được. Cho nên muốn bù đắp, phương pháp hiệu quả nhất chính là giáo dục, đó là tính chuyện trăm năm.

Cụ thể, chúng ta phải giảng nhân quả báo ứng, nếu mọi người đều biết, nhân thiện có quả thiện, nhân ác nhất định có ác báo, từ đó biết kiểm soát khởi tâm động niệm hành vi tạo tác thì đối với an toàn của xã hội sẽ có thể nhận được một số hiệu quả. Đại sư Ấn Quang là người xuất gia, một đệ tử Phật, cả đời ngài không giảng kinh Phật, không hoằng dương pháp Phật, mà hoằng dương “Liễu Phàm Tứ Huấn”, hoằng dương “Cảm Ứng Thiên”, những thứ này đều khuyến thiện, đều giảng nhân quả báo ứng, rất phù hợp. Ngài thật tràn đầy trí tuệ, lòng từ bi muốn cứu vãn xã hội, chúng ta hiểu được những lý luận cũng như những phương pháp này mà toàn tâm toàn lực thúc đẩy.

Câu hỏi 34: Người thông thường hay lo sợ tương lai, đối với việc vãng sanh, đối với cái chết, trong những việc thuộc về phương diện sống chết này, xin mời pháp sư vì chúng tôi khai thị?

Sở dĩ họ lo sợ là vì đối với chân tướng sự thật họ hoàn toàn không hiểu biết, khi đã hiểu rõ thì tâm lo sợ ắt không còn. Phật nói, sinh mạng là vĩnh hằng bất diệt, hay nói cách khác, sinh mạng vốn dĩ không hề có chuyện chết đi, chết là vọng tưởng. Thân thể này không phải là ta, mọi người cứ xem thể xác này là mình, cho nên sanh ra lo sợ. Nếu biết thân xác này không phải là ta thì lo sợ làm gì. Cũng như biết được quần áo không phải là ta, quần áo chỉ là vật của ta, khi quần áo bẩn, bạn sẽ hoan hỉ đem vứt nó để thay một bộ quần áo mới. Thân xác này cũng là cái của ta, nhưng không phải là ta, dùng mấy mươi năm đã cũ, chúng ta nên vứt bỏ nó để thay một cái mới. Nếu bạn có quan niệm này, chẳng phải bạn sẽ rất tự tại sao? Đây là chân tướng sự thật, nếu bạn dùng thái độ như vậy để nhìn sanh tử thì bạn sẽ rất tự tại.

Câu hỏi 35: Vậy ta chính là cái gì?

Ta là chân tâm mà Phật pháp đã nói, cái này người ngoại quốc gọi là “Ta tư duy nên ta tồn tại”. Bạn có thể suy nghĩ thì cái đó mới là bạn.

Câu hỏi 36: Là vô hình?

Chúng ta gọi là tinh thần, là tâm linh. Thế nhưng cái đó vẫn không phải chân thật là ta. Chân thật là ta so với cái này còn cao hơn nữa. Tuy nhiên họ chỉ có thể thể hội đến được “Ta tư duy nên ta tồn tại”, đã là thông minh hơn so với người thông thường rất nhiều. Điều này khái niệm Phật pháp gọi là “Thức”. Thức là tác dụng của tâm. Họ có thể quan sát được tác dụng của tâm nhưng không quan sát được bản thể của tâm. Bản thể của tâm lại cao hơn một tầng, đó mới là ta chân thật. Cho nên thân thể này không phải là ta. Trong sáu cõi, bỏ thân rồi lại có thân, bị những thứ phiền toái trói buộc, không phải là điều tốt. Do đó chúng ta đối với cái thân này không nên thương yêu quá đáng, cũng không nên có ý hủy hoại nó. Bạn thương yêu quá đáng là sai lầm, bạn có ý hủy hoại cũng sai. Tất cả nên tùy theo tự nhiên. Thích ứng với đại tự nhiên mang đến đời sống tốt đẹp. Bên cạnh đó, cũng phải bảo cái thân này quay về với tự nhiên, như vậy mới được khỏe mạnh.

Câu hỏi 37: Thưa pháp sư, con người chúng ta sau khi vãng sanh thì đi đến nơi nào?

Dùng ngôn ngữ khoa học hiện đại mà nói, đó là chúng ta thay đổi không gian, nhà Phật gọi mười pháp giới, sáu cõi, hai mươi tám tầng trời, thế giới của Phật. Không gian đời sống không giống nhau, đời sống của chúng ta hiện tại là không gian ba chiều, không gian bốn chiều, thậm chí họ biết đến không gian năm sáu chiều. Cảnh giới của Phật là không gian cao độ nhất, viên mãn nhất. Vãng sanh thực tế mà nói chính là thay đổi không gian. Cụ thể hơn, bạn có thể tưởng tượng chúng ta ngồi trước tivi thay đổi kênh đài, chúng ta không hề rời khỏi tivi, chỉ là thay đổi kênh trên một màn hình đó mà thôi. Nhà Phật nói vãng sanh, “sanh thì nhất định sanh, đi thì không đi”, vì bạn vẫn đang ở ngay màn hình này, nhưng tại sao sanh thì nhất định sanh? Vì kênh đài đã thay đổi, đã khác kênh rồi. Sự thật chính là như vậy.

Câu hỏi 38: Do đó Phật tuyệt nhiên không phải là mê tín?

Không phải mê tín.

Câu hỏi 39: Người sau khi vãng sanh đều phải siêu độ, vậy siêu độ biểu thị ý nghĩa gì?

Thực tế siêu độ mang ý nghĩa truy điệu hoài niệm. Chúng ta dùng tâm chân thành để giúp họ. Siêu độ phần nhiều nói đến nghiệp chướng mà lúc sanh tiền họ đã tạo tác, không tránh khỏi nghiệp chướng nên họ phải chịu đau khổ, chúng ta siêu độ là giúp đỡ họ giảm ít đau khổ, việc này kinh Địa Tạng nói rất rõ ràng. Siêu độ tuyệt nhiên không phải chúng ta tụng vài quyển kinh thì họ liền có công đức, không hề có việc như vậy. Kinh nói rõ, siêu độ là chúng ta cố gắng tu tập thành tựu thì họ mới được phước báu. Ví dụ, nếu chúng ta muốn làm rạng danh tổ tông, ta phải nỗ lực chăm chỉ làm việc, tương lai có địa vị xã hội, trở thành nhân tài kiệt xuất, cha mẹ ta liền có tiếng thơm, đến bất cứ nơi nào đều được mọi người hỏi thăm, cung kính, chăm sóc đặc biệt. Bạn không có thành tựu, dù tụng bất cứ kinh gì cũng vô ích. Chính bạn cần phải có thành tựu, do đó chính bạn đọc kinh phải hiểu được nghĩa kinh, y theo đó mà tu hành, đem chính mình từ phàm phu nâng cao lên địa vị thánh hiền thì cha mẹ của bạn liền được tiếng thơm, được nhận sự tôn kính của mọi người trong xã hội, đó là ý nghĩa chân thật của việc siêu độ.

Câu hỏi 40: Tuyệt nhiên không thể giúp đỡ gì họ đối với việc vãng sanh?

Có giúp đỡ. Dù họ ở cõi trời hay cõi nào đi nữa đều sẽ được người ở cõi đó tôn kính, vì họ có con cái hiền lương, con cái là Bồ tát, như thế còn gì bằng. Nếu bạn không có bất cứ thành tựu gì thì bạn tụng bất cứ kinh gì cũng không kết quả.

Câu hỏi 41: Vừa rồi pháp sư có nói đến kinh Địa Tạng. Kinh Địa Tạng ở trong Phật học cũng là một bộ kinh văn tương đối quan trọng, xin ngài nói rõ hơn một tí cho chúng tôi hiểu?

Tu học Phật pháp ở Trung Quốc có bốn giai đoạn. Thứ nhất, phải học từ Địa Tạng. Địa biểu thị tâm địa, Tạng là bảo tạng. Trong lòng chúng ta có vô lượng trí tuệ, vô lượng tài nghệ, vô lượng đức năng, Phật nói, tất cả chúng sanh đều có trí tuệ đức tướng của Như Lai. Cho nên năng lực trí tuệ của chúng ta là bình đẳng, không phân cao thấp. Thế nhưng hiện tại vì sao hiện rõ cao thấp, vì sao có hiện tượng không bình đẳng?, như vừa rồi đã nói, vì bạn bị mê. Người nghiệp chướng nặng thì trí tuệ của họ lộ ra ít, người nghiệp chướng nhẹ thì trí tuệ tương đối nhiều, do đó cái không bình đẳng này là do nghiệp chướng dầy mỏng sâu cạn. Nếu nghiệp chướng thảy đều tiêu trừ, trí tuệ đức năng của bạn hiển lộ ra, nhất định bình đẳng. Cho nên “Tâm địa bảo tạng”, phải bắt tay vào chỗ này.

Dùng cái gì để khai mở Tâm địa bảo tạng? dùng hiếu kính. Kinh Địa Tạng là hiếu kinh của Phật môn, chúng ta phải từ Địa Tạng mà học, từ nền tảng Địa Tạng mà nâng lên. Bồ Tát Quán Thế Âm đại từ đại bi cũng từ hiếu kính mà khai phát. Ta hiếu kính cha mẹ, hiếu thuận người thân, sau đó ta đem hiếu kính này hiếu thuận tất cả chúng sanh, tôn kính tất cả chúng sanh, vậy thì biến thành Bồ Tát Quán Thế Âm. Hướng lên triển khai, một vị nữa chính là Bồ Tát Văn Thù. Bồ Tát Văn Thù biểu thị trí tuệ, bạn từ bi với tất cả chúng sanh, quan tâm, chăm sóc tất cả chúng sanh, phải dùng lý tánh không thể dùng cảm tình. Văn Thù đại biểu lý trí. Sau cùng là Bồ Tát Phổ Hiền. Phổ Hiền đại biểu bình đẳng. Hiếu kính, từ bi, trí tuệ của bạn đối với tất cả chúng sanh phải bình đẳng, không thể có khác biệt, do đó Phổ Hiền mới chân thật làm được đại viên mãn.

Câu hỏi 42: Thưa pháp sư, vừa rồi ngài nói đến niệm Phật, rất nhiều nơi đều nghe được âm thanh của tiếng niệm Phật, phổ biến nhất là “Nam Mô A Di Đà Phật”, “Nam Mô Đại Từ Đại Bi Quán Thế Âm Bồ Tát”. Niệm những danh hiệu Phật này có hiệu dụng gì?

Phương pháp tu học của Phật pháp rất nhiều, tám vạn bốn ngàn pháp môn, vô lượng pháp môn. Niệm Phật là một loại trong vô lượng pháp môn đó. Cái hay của pháp môn niệm Phật chính là dễ dàng đơn giản, người người đều có thể tu học, lý của nó rất sâu. Tịnh độ tông chuyên đề xướng niệm A Di Đà Phật, cầu sanh thế giới Tây Phương cực lạc, đương nhiên việc này không thể chỉ mấy câu nói là được rõ ràng, số lượng kinh điển tuy không nhiều nhưng nghĩa lý của nó thì vô cùng phong phú. Ví dụ kinh A Di Đà, mọi người đều rất quen thuộc, luôn cho là kinh đơn giản, dễ dàng, ngày trước tôi đã giảng qua hai lần có băng ghi âm, tổng cộng 335 cuộn. Do đây mà biết, bộ kinh này không đơn giản, nên tôi đã giảng dài đến vậy, có lẽ giảng hết một năm, nhưng vẫn chưa giảng hết ý kinh mà chỉ nói được phần ít, có thể thấy nghĩa lý tịnh tông là không thể nghĩ bàn.

Thế nhưng phương pháp niệm Phật lại đơn giản, bất cứ người nào dù hiểu hay không hiểu lý luận cũng đều được. Người không hiểu lý luận thì cần phải trung thực mà niệm, bạn phải thật tin thật nguyện thì cũng có thể thành tựu. Sự thành tựu này thực tế rõ ràng, rất tốt đẹp, không gì bằng, không những có thể siêu việt sáu cõi luân hồi, mà còn siêu việt mười pháp giới. Các pháp môn khác rất khó mà so sánh, pháp môn này được tất cả chư Phật khen ngợi. Xưa nay ngoài tịnh độ tông ra, tổ sư của các tông phái khác cũng khen ngợi đề xướng, có thể thấy pháp môn này đích thực tối ưu.

Câu hỏi 43: Trong học Phật có rất nhiều pháp môn như thiền tông, mật tông, tịnh độ tông. Có người nói rằng “thiền mật song tu”, cũng có người nói “thiền mật tịnh tam tu”. Xin pháp sư cho chúng tôi biết, rốt cuộc nên tu thế nào cho đúng?

Chúng ta ở trong một đời này, thời gian ngắn ngủi, có được thành tựu rất thù thắng thì cần phải một môn thâm nhập, bởi vì một môn thì tâm của bạn mới dễ dàng tịnh. Bạn học hai thứ, ba thứ nhất định sẽ không bằng người chuyên một môn. Cũng giống như đánh giặc, bạn đem binh lực tập trung đánh vào một điểm sẽ dễ dàng đột phá. Nếu bạn đem nó phân làm ba điểm để tấn công, binh lực của bạn bị yếu, bạn sẽ không thể nào đánh thắng được, đạo lý chính là như vậy. Cho nên tuy có người đề xướng cùng tu hai ba loại, bạn phải tỉ mỉ lắng nghe xem họ nói với người nào, họ có cái khổ bất đắc dĩ gì. Ví dụ nói, “thiền tịnh song tu”, thì nhất định là nói với người tham thiền. Họ không chịu buông bỏ tham thiền, thiền của họ không thể thành tựu, cho nên khuyên họ “thiền tịnh song tu” thì sẽ tốt hơn. Có như thế thì một nửa không thể thành tựu cũng còn một nửa vẫn có hi vọng. Dụng ý của “thiền tịnh mật tam tu” cũng chính như vậy. Do đó người nói lời nói này có cái khổ bất đắc dĩ riêng. Trên thực tế nếu bạn thật nghe theo, nhất định họ sẽ bảo bạn một môn thâm nhập, một môn này là tịnh độ, dễ dàng thành tựu. Thiền cùng mật đều không dễ dàng.

Nhận xét

Bài đăng phổ biến từ blog này