Phát Bồ Ðề Tâm, Một Lòng Chuyên Niệm
Đệ tử của Phật phải biết “trụ Phật sở trụ, hành Phật sở hành”, cái Trụ và hành này trên thực tế chính là áp dụng tâm Bồ Đề, bạn xem trên kinh Đại thừa, bổn kinh này là kinh Đại thừa, bổn kinh dạy bảo chúng ta tu hành, quan trọng nhất chính là tám chữ “Phát tâm Bồ Đề, một lòng chuyên niệm”, đây là cương lĩnh tu hành của bổn kinh, tám chữ này hợp lại là viên tu viên chứng, thiên về một phía thì không được, nếu như bạn thiên ở phát tâm Bồ Đề, thì không có một lòng chuyên niệm, vậy không đúng. Một lòng chuyên niệm không có tâm Bồ Đề, cũng không thể vãng sanh, cho nên phát tâm Bồ Đề cùng một lòng chuyên niệm phải kết hợp lại, thì bạn quyết định được sanh Tịnh Độ.Nếu chúng ta muốn ngay trong một kiếp nầy thật sư thành tựu được công phu niệm Phật. Lúc xử thế, tiếp xúc với người, với vật, cái tâm duy nhất mà chúng ta cần phải có đó là chân tâm.
Khi bị người khác lừa dối, hiếp đáp, chúng ta phải nghĩ như vầy: “Ðó là chuyện của họ, không dính dáng gì với tôi cả. Việc của tôi là phải dùng tâm chân thật đối xử lại. Vì sao? Bởi vì tôi quyết định trong một kiếp nầy phải cầu vãng sanh Tịnh Ðộ”. Làm thế nào để cầu sanh Tịnh Ðộ? Trong kinh Vô Lượng Thọ nói rất rõ:
Phát Bồ Ðề Tâm, Nhất Hướng Niệm Phật.
Nếu quý vị không phát Bồ Ðề tâm, chỉ nương vào nhất hướng chuyên niệm, kết quả không thể vãng sanh, xin quý vị nên thận trọng.
Ngài Lý Bỉnh Nam nói: “Một vạn (10 ngàn) người niệm Phật, thật sự có thể vãng sanh chỉ vài ba người. Vì sao số người vãng sanh quá ít như thế? Vì không phát tâm Bồ Ðề nên tâm không thanh tịnh. Bởi tâm không thanh tịnh nên còn thị phi nhân ngã, tham, sân, si, mạn, nghi. Những thứ này không tương ứng với thế giới Cực Lạc một chút nào”.
Tây Phương Cực Lạc là nơi câu hội của chư thượng thiện nhân (chỗ ở của những người thiện lành bậc nhất). Cho dù quý vị niệm Phật siêng năng đến đâu hoặc một ngày có thể niệm đến trăm ngàn lần, nhưng tâm của quý vị không thiện, làm sao có thể lên Tây Phương ở cùng chỗ của bậc thượng thiện nhân? Do đó phát Bồ Ðề tâm quan trọng hơn cả việc nhất hướng chuyên niệm là như vậy. Người thật sự phát Bồ Ðề tâm, khi lâm chung, một niệm hoặc mười niệm quyết định sẽ vãng sanh. Vì sao? Vì họ đã là người thượng thiện nhân rồi, đầy đủ phước đức rồi. Chỉ cần chợt khởi tâm muốn vãng sanh là được ngay. Cho nên những lời nói trong kinh điển, chúng ta cần phải lưu ý, suy ngẫm kỹ lưỡng, tuyệt đối không nên tụng niệm một cách hàm hồ.
Ðoạn văn trên chúng ta nói đến chân tâm. Chân tâm là Thể của Bồ Ðề tâm, kế tiếp nói Thâm Tín là dụng của Bồ Ðề tâm.
Tự dụng đối với chính mình là luôn giữ tâm hiếu thiện hiếu đức (thích làm điều thiện, đức). Ðối với chúng sanh thì đại từ bi. Nhân từ, hiếu thiện hiếu đức là việc làm không thể miễn cưỡng hoặc làm cho có hình thức bên ngoài. Nó phải lưu xuất một cách tự nhiên từ bên trong ra. Cho nên người phát tâm Bồ Ðề, mỗi khi khởi tâm động niệm đều nghĩ đến việc làm lợi ích cho chúng sanh phá mê khai ngộ, thoát khỏi cảnh khổ được an vui. Không hề có một niệm nghĩ đến lợi ích cho cá nhân mình. Nếu còn một niệm ích kỷ tự lợi, là còn ngã chấp nặng nề, ngã chấp là gốc rễ của lục đạo luân hồi! Không bứng sạch gốc rễ này thì không có cách nào ra khỏi lục đạo. Cho nên ngay từ bây giờ, quý vị cần phải buông xả, phải nghĩ đến người khác, nghĩ đến chúng sanh, đến những người đang đau khổ, đang gặp nạn trên thế giới, tuyệt đối không nên nghĩ chuyện lợi ích cho riêng cá nhân mình nữa.
Trong suốt thời gian thuyết pháp đã qua, tôi nhiều lần nhắc nhở quý vị phải phát Bồ Ðề tâm. Trong kinh điển, đức Thế Tôn cũng từng lặp đi lặp lại không biết bao nhiêu ngàn lần. Vì sao Thế Tôn không ngừng lặp lại như vậy? Bởi vì chúng sanh vẫn còn chưa tỉnh thức, vẫn còn u mê. Thế Tôn vẫn phải lặp đi lặp lại một cách không mệt mỏi để kêu gọi chúng ta. Một khi quý vị phát khởi Bồ Ðề tâm, liền được chư Phật hộ trì. Vì tâm của chư Phật là tâm Bồ Ðề. Như vậy tâm của quý vị sẽ cùng với tâm của chư Phật không hề khác nhau.
Nhận xét
Đăng nhận xét