H. Hạnh Tốt Và Hạnh Xấu
TỊNH TÔNG NHẬP MÔN
Pháp sư Tịnh Không giảng tại Dallas, 1996
Pháp sư Tịnh Không giảng tại Dallas, 1996
Chúng ta có thể thấy trong kinh điển Ðại thừa, chư Bồ Tát thị hiện trong thế giới này mang rất nhiều hình thức; thị hiện làm những hạnh tùy thuận với pháp tánh thì không có vấn đề gì hết, chúng ta sẽ không hoài nghi và y giáo phụng hành. Nhưng có khi cũng thị hiện tùy thuận theo hạnh xấu, chúng ta sẽ không dễ phân biệt ra được, đây là điều mà chúng ta không thể không để ý đến.
Thị hiện hạnh xấu thí dụ như phá giới hoặc là cố ý thị hiện ra rất nhiều hành vi tội ác. Sự thị hiện này nhất định phải có nhân duyên đặc biệt của họ, đó là để độ một số đối tượng đặc biệt mà sẽ không tùy tiện thị hiện trong phần đông quần chúng; nếu bạn có thể nhận biết được điều này thì bạn đã có trí huệ khá lắm.
Những chuyện thị hiện này từ xưa đến nay cũng thường nghe đến; nếu có cơ duyên đặc biệt bạn cũng có khi gặp được. Phật có lời dạy đặc biệt riêng cho những trường hợp này. Phật cử ra một thí dụ trong kinh Hoa Nghiêm, trong 53 cuộc tham vấn của Thiện Tài đồng tử có một số Bồ Tát tùy thuận theo phiền não. Phật gọi những vị này là ‘Huệ Hạnh Bồ Tát’, không phải là Bồ Tát sơ cấp (sơ học). Bồ Tát sơ cấp không có năng lực này; tại sao vậy? Bồ Tát sơ cấp còn chưa đoạn dứt được tập khí của tham, sân, si, và mạn; nếu họ tạo ra những ác nghiệp này thì nhất định phải đọa vào ba đường ác.
Huệ Hạnh Bồ Tát là những hạng người như thế nào? Những Bồ Tát đã hoàn toàn phá hết 4 tướng (ngã tướng, nhân tướng, chúng sanh tướng, và thọ giả tướng) và 4 kiến (ngã kiến, nhân kiến, chúng sanh kiến, và thọ giả kiến ) nói trong kinh Kim Cang. Ðây là hạng người nào? Ðó là Pháp Thân Ðại sĩ mà trong kinh thường nói đến chứ không phải là người thường. Họ thị hiện ra những ác hạnh nhưng trong tâm họ không có, vì độ chúng sanh họ có thể mở rộng cửa phương tiện và không bị gò bó chút nào. Tâm của họ thanh tịnh, một tí bụi bậm cũng không nhiễm, họ có bản lãnh này.
Người Trung Quốc phần đông đều biết hồi xưa có vị Tế Công trưởng lão (người Việt thường nói đến với cái tên là Tế Ðiên Hòa Thượng). Bạn thấy hành vi của Tế Công hình như là không giữ giới luật và cũng không giữ thanh quy (của nhà chùa), mà còn đặc biệt thích ăn thịt chó. Ðích thật là có người Tế Công này, nhưng không giống như sự miêu tả trong tiểu thuyết, chuyện tiểu thuyết viết không chịu trách nhiệm. Thế thì ông Tế Công này có những hành vi như vậy không? Trong Cao Tăng Truyện thật có ghi ổng ăn thịt chó và uống rượu, vả lại truyện Tế Công trong Cao Tăng truyện rất dài, dài hơn truyện ký của những vị pháp sư khác; hình như có đến bốn năm quyển, đó là chuyện thật không phải là tiểu thuyết. Chuyện này ghi lại những sự tích của một vị A La Hán ứng hóa thị hiện ở đời chứ không phải người phàm.
Ngài độ những hạng người mà một số người trì giới, giảng kinh, niệm Phật đàng hoàng trong chúng ta không có khả năng độ được, thành tựu được vô lượng công đức; tâm địa của ngài thanh tịnh, không bị phiền não trói buộc, ngài có khả năng này. Chúng ta không thể học theo những người giống như vậy, chúng ta chỉ có thể khâm phục, cung kính, và tán thán, tuyệt đối không được bắt chước; nếu bạn bắt chước và đọa tam đồ thì ngài không chịu trách nhiệm!
Gần đây vào những năm đầu thời Dân quốc, xuất hiện một vị rất giống Tế Công trưởng lão; đó là pháp sư Diệu Thiện ở chùa Kim Sơn, ở Chấn Giang, Giang Tô; người ta xưng ngài là ‘Phật sống Kim Sơn’, hành vi của ngài cũng rất giống Tế Công vào thời nhàTống. Cách thức thị hiện này là ‘nghịch hạnh’; bạn xem ngài mỗi ngày không tụng kinh công khóa sáng tối, từ đó đến nay không thấy ngài niệm cuốn kinh nào hết, và cũng không thấy ngài tụng giới qua lần nào, cả ngày từ sáng đến tối cười ha hả lẫn lộn trong nhóm cư sĩ, cùng nhau ăn uống, không có câu nệ gì hết.
Ngài có thể dạy cho người ta khâm phục, mọi người đều xưng ngài là ‘Phật sống’ và rất cung kính ngài; bốn mùa xuân, hạ, thu, đông, ngài chỉ mặc một cái áo mỏng, mùa đông không thấy lạnh, mùa hạ cũng không thấy nóng, đây thiệt rất lạ lùng. Áo của ngài cũng không có giặt, cả đời cũng không tắm rửa qua mà trên thân thể không có mùi hôi, không những không hôi mà trên mình của ngài lại có mùi thơm; ngài không phải là người thường; chúng ta học theo ngài không được, điều này là thiệt đó.
Trong xã hội hiện nay, có rất nhiều người giả mạo những thánh nhân này, họ cũng không câu nệ gò bó, nhưng bạn thử xem xét kỹ mùa đông họ có mặc áo lạnh không? Nếu mùa đông họ chỉ mặc một cái áo mỏng, thì đó là thứ thiệt; nếu mùa đông mặc áo dày thiệt dày thì không phải là thứ thiệt. Mùa hè coi họ có thể mặc áo bằng da không? Ăn uống có thể nào không phân biệt không? Không phân biệt sạch dơ tất cả đều ăn hết. Nếu họ làm những sự việc này không được, rất có thể họ chỉ là người giả mạo mà thôi. Ðây là điều chúng ta phải để ý, phải cẩn thận, học Phật không thể để cho người khác gạt.
Hình dáng có thể gạt người, ngôn từ có thể gạt người, viết thành sách cũng có thể gạt người, phải nên cẩn thận. Trong thời đại hiện nay, tự do ngôn luận, tự do xuất bản, không có hạn chế, không giống như hồi trước. Bạn hãy xem triều đại trước đời nhà Thanh, nếu bạn muốn xuất bản một cuốn sách, trong Phật giáo phải thông qua sự kiểm soát của quốc gia, không phải ai cũng có thể tự tiện đem sách vở đi lưu thông. Những đại đức cao tăng đương thời thẩm tra xem qua không có vấn đề mới đem trình lên vua, được phê chuẩn xong mới được in ra, không tự do như bây giờ.
Tự do có sự lợi ích của tự do, nhưng cũng có rất nhiều tệ đoan; tà tri tà kiến có đầy dẫy trong xã hội, người không có trình độ trí huệ cao muốn không bị những thứ này mê hoặc rất khó. Ðây là khuyết điểm của tự do dân chủ. Trong thời đại chuyên chế hồi xưa, hoàng đế thật sự là có gìn giữ tâm thanh tịnh cho nhân dân, ngăn ngừa không cho họ bị ô nhiễm. Ông vua có trách nhiệm và sứ mạng này.
Ở Trung Quốc thời xưa, những người làm quan chánh vụ, cũng như chức ‘hành chánh thủ trưởng’ hoặc là huyện, thị trưởng ngày nay, họ cũng tuân thủ ba giới điều (giống như nguyên tắc). Ba giới đó là chín chữ: ‘Tác chi quân, tác chi thân, tác chi sư’. Ðây là sứ mạng và trách nhiệm của những vị quan này.
Nhiệm vụ của quân (vua) là lãnh đạo dân chúng trong nước, vua cũng như ông thị trưởng phải lãnh đạo dân chúng trong huyện thành phố đó. ‘Tác chi thân’ là ông quan phải lấy tâm trạng của người làm cha mẹ để săn sóc cho dân chúng; người ta thường gọi ‘cha mẹ của dân’ hoặc là ‘phụ mẫu quan’; họ phải giúp đỡ làm cho đời sống của dân chúng được tốt đẹp hơn. ‘Tác chi sư’ là ông quan còn phải làm thầy giáo và dạy dỗ người dân. Cho nên ba sứ mạng của quan chánh vụ là ‘quân, thân, sư’.
Thời đại dân chủ ngày nay không có ba sứ mạng này; những người quan chánh vụ ngày nay được gọi là ‘đày tớ của nhân dân’. Dân là người chủ, quan là tôi tớ, dân muốn quan làm gì thì quan phải làm chuyện đó. Bạn thử nghĩ xem chúng ta muốn có một người quan như cha mẹ hay là một người quan như đày tớ trong nhà?
Cha mẹ lo lắng cho con cái chu đáo nhất, người đày tớ làm việc cho bạn chưa chắc có thể tin được; cho nên rất nhiều người hỏi tôi: ‘Pháp sư tán thành chế độ dân chủ hay là chế độ quân chủ?’. Tôi trả lời là quân chủ; tôi biết những ưu điểm của quân chủ thì nhiều hơn dân chủ và tệ đoan (của quân chủ) cũng ít hơn dân chủ. Nếu quý vị đọc kỹ lịch sử thì sẽ hiểu rõ, đừng tưởng là làm vua rất ích kỷ; nói thật ra ích kỷ là điểm tốt của vua; ông vua phải luôn luôn để ý cẩn thận, luôn luôn phải lo đến sự lợi ích của bá tánh (dân chúng); nếu lơ là thì nhân dân sẽ nổi dậy lật đổ triều đình. Nếu ông vua muốn được sự ủng hộ của toàn dân thì phải làm một ông vua tốt, thiệt là phục vụ cho quốc gia và nhân dân; như vậy thì dân mới ủng hộ vua, vua mới giữ vững triều đại được lâu dài, mới truyền đến mấy mươi đời, mấy trăm năm. Cho nên chuyên chế không phải là không có ưu điểm, ngày nay tổng thống nhậm chức bốn năm thì không có tinh thần trách nhiệm như ông vua!
Trở lại vấn đề, mọi người chúng ta đều là Bồ Tát sơ cấp, điều thứ nhất mà Phật dạy chúng ta là phải biết sự lợi hại của danh lợi hưởng thụ (danh văn lợi dưỡng), nhất định là tiêm nhiễm không được. Nhưng danh văn lợi dưỡng rất dễ mê hoặc người, đã có mấy người có thể xả ly được? Nếu không thể tránh được những sự mê hoặc này, chúng ta muốn thành công trong một đời này thì quá khó.
Phật dạy chúng ta nên thiểu dục tri túc (muốn ít và biết đủ), dục vọng ít thì rất dễ thỏa mãn. Chúng ta ngày nay một ngày ăn ba bữa; hồi Phật còn tại thế, một ngày chỉ có một bữa ăn. Ba bữa ăn có thể ăn được no, áo mặc có thể mặc được ấm, có một căn nhà nhỏ để che mưa đỡ nắng, đời sống vật chất như vậy đủ rồi, phiền não ít, tâm mới có thể hướng về đạo. Nếu tham muốn sự hưởng thụ thì nhất định sẽ tăng thêm tham, sân, si, mạn, tăng thêm phiền não và đánh mất chánh niệm.
Tất cả những thiện pháp mà Phật dạy, không những bạn làm không được, cho đến những ý nghĩa mà Phật nói đến, bạn cũng không thể hiểu được. Cái mà Phật gọi là phước điền thù thắng bạn không có khả năng để lãnh hội được; phước điền thù thắng nghĩa là Tam Học (Giới, Ðịnh, và Huệ), Lục Ðộ (Bố thí, Trì giới, Nhẫn nhục, Tinh tấn, Thiền định, và Bát nhã) và mười đại nguyện Phổ Hiền. Tuy là bạn có thể nói ra được, thiệt ra bạn có tâm khinh mạn đối với những lời dạy của Phật, không chịu làm theo, khi khởi tâm động niệm, hành vi tạo tác đều tương ứng với ma, vậy làm sao thành công được? Cho nên Phật dạy cho Bồ Tát mới bắt đầu học nhất định phải xa lìa danh lợi và hưởng thụ.
Nói đến đây, chúng tôi lại nhớ tới Liên Trì đại sư, ngài là một trong bốn vị đại sư đã có công trong việc phục hưng Phật giáo vào cuối đời nhà Minh; khi người đời sau nhắc đến Liên Trì đại sư thì không ai không tôn kính và không hâm mộ ngài hết. Liên Trì đại sư nói lúc còn trẻ ngài đi tham học và rất ngưỡng mộ một vị cao tăng đại đức đương thời, Biến Dung lão hòa thượng. Ngài thiệt là cung kính đi ba bước lạy một lạy đến trước mặt lão hòa thượng, và cung kính thỉnh cầu lão hòa thượng khai thị; lão hòa thượng chỉ nói một câu:
‘Ông nên nhớ kỹ đừng để danh văn lợi dưỡng làm hại đến’.
Nói xong liền kêu ngài đi về, đại chúng đứng ở ngoài mục kích chuyện này đều cười to cho rằng ngài Liên Trì từ xa ba bước một lạy đi đến đó, lão hòa thượng nhất định phải có diệu pháp cao siêu gì để dạy cho ngài, nào ngờ chỉ nói có một câu như vậy!
Liên Trì đại sư có tâm chân thành cung kính và đã tiếp nhận (lời khai thị trên). Ngài nói với mọi người: ‘Lão hòa thượng rất đáng được người cung kính, luôn nói lời chân thật, không nói gì cao siêu huyền diệu để gạt người đời sau’, cho nên cả đời ngài tuân thủ theo lời dạy, sự thành tựu mà ngài có được cũng là nhờ câu nhắc nhở của lão hòa thượng, cả đời xa lánh danh văn lợi dưỡng.
Lời của Biến Dung lão hòa thượng rất giống với lời Phật dạy cho người sơ học, ở phía trước đã có nói qua, những người ‘phù hợp tương ứng với lợi ích, với pháp, với đoạn phiền não, với đại niết bàn’ là thiện tri thức chân chánh.
Một người ham muốn ít và biết đủ có rất nhiều lợi ích, rõ ràng nhất là họ giảm bớt được rất nhiều lỗi lầm, chúng ta biết được không những là người thế gian, mà người học Phật, người xuất gia có rất nhiều lỗi lầm; lỗi lầm này từ đâu phát sanh ra? Là từ tham dục mà sanh ra đó.
Nhận xét
Đăng nhận xét